VEF đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về đề tài trên. Cuộc phỏng vấn do Phan Thế Hải thực hiện.
- Ông có thể đưa ra một vài ý kiến của mình về căn bệnh căn bản của nền kinh tế VN hiện nay?
- Để có thể lý giải được tất cả các hiện tượng của xã hội Việt Nam , đặc biệt là các hiện tượng kinh tế thì chúng ta phải định nghĩa lại trạng thái của thế giới. Thế giới đang bước sang một thời kỳ ngưỡng của tất cả các phát triển thông thường. Đây là dấu hiệu cuối cùng để chấm dứt triệt để trạng thái mà chúng ta gọi là chiến tranh lạnh, tức là tư duy lưỡng cực. Trên thế giới không phải chỉ có một cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn có cuộc khủng hoảng thứ hai quan trọng hơn là khủng hoảng nhà nước. Hai cuộc khủng hoảng này cùng song song tồn tại trên thế giới.
Ngay cả khủng hoảng nhà nước cũng có hai loại. Ở phương Tây là khủng hoảng về sự thiếu nhà nước lâu dài trong đời sống kinh tế. Tức là nó đi đến một giới hạn về sự quá tự do, và biểu hiện đầu tiên của cuộc khủng hoảng về sự thiếu nhà nước là khủng hoảng trong kinh tế, và trong khủng hoảng kinh tế thì khủng hoảng tài chính là trung tâm. Tại sao lại như thế? Bảy tám năm trước đây anh có hỏi tôi, tôi cũng đã nói, toàn cầu hóa phá vỡ các tiêu chuẩn của chủ quyền, của các quyền lực quốc gia, phá vỡ các ranh giới, các biên giới.
Cuộc khủng hoảng kinh tế hay cuộc khủng hoảng nhà nước ở phương Tây mà biểu hiện tập trung ở sự thiếu hụt vai trò của nhà nước trong tất cả các hoạt động. Toàn cầu hóa đến bây giờ mới bắt đầu sinh ra những mặt tiêu cực, tức là các năng lực quốc gia tuột ra khỏi biên giới và nằm ngoài tầm kiểm soát của tất cả các nhà nước. Cái linh hoạt nhất là tiền tệ, cái linh hoạt thứ hai là công nghệ. Công nghệ cũng tuột ra khỏi quản trị của nhà nước, do đó các lực lượng khủng bố mới có được các bí mật công nghệ quan trọng để từ đấy làm cho các nhà nước phải đối mặt với những lực lượng khủng bố có công nghệ cao. Tiền bạc vượt ra khỏi ranh giới các quốc gia và nó gây ra một cuộc khủng hoảng từ bên trong lòng phương Tây. Cho nên khủng hoảng kinh tế ở các nước có mầu sắc phương Tây xét về mặt kinh tế là rốn bão.
Khía cạnh thứ hai của khủng hoảng nhà nước là cực bên này quá tự do còn cực bên kia là quá độc tài. Sự rung động của Trung Đông và Bắc Phi là biểu hiện của khía cạnh thứ hai của khủng hoảng nhà nước, tức là các nhà nước độc tài. Nối hai hiện tượng khủng hoảng này thì chúng ta nhận ra đây là thời đại của các ranh giới của những quan niệm cổ xưa, những quan niệm truyền thống về khủng hoảng hay về vai trò của nhà nước. Sự vắng bóng của nhà nước tạo ra khủng hoảng kinh tế, sự có mặt thái quá của nhà nước tạo ra khủng hoảng xã hội. Chúng ta phải quan niệm vấn đề như thế thì mới giải thích được hiện tượng Việt Nam .
Việt Nam và Trung Hoa có một trạng thái, đó là trạng thái ở giữa, trung dung hơn. Đó là sự có mặt của nhà nước trong tất cả các khu vực, trừ kinh tế, do đó mới tạo ra được một sự phát triển khá ổn định. Những nguy cơ của việc vắng bóng nhà nước đã làm xuất hiện một số tư tưởng của các nhà chính trị tương đối bảo thủ là khôi phục lại địa vị của nhà nước trong đời sống kinh tế. Nhưng khôi phục lại địa vị của nhà nước trong kinh tế về cơ bản là lành mạnh vì nó có lý thuyết, còn khôi phục lại địa vị của nhà nước trong kinh tế cộng với những địa vị thái quá của nhà nước trong các phần còn lại của đời sống xã hội thì nó chất nặng lên trên lưng xã hội sự thống trị hay sự cai trị của nhà nước và nó đẩy các quốc gia như chúng ta về phía tả, tức là về phía gây ra khủng hoảng nhà nước theo quan điểm chính trị.
Cái đang diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam hoàn toàn không phải là khủng hoảng kinh tế thuần túy. Nếu người ta đi tìm cách để tái cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam như là đòi hỏi của một cuộc khủng hoảng kinh tế thì chúng ta sẽ sai. Tôi sợ rằng vào thời điểm này chúng ta đang nhận thức sai về bản chất của các cuộc khủng hoảng ở Việt Nam . Nếu chúng ta kết hợp rút bớt vai trò của nhà nước trong các lĩnh vực xã hội khác để nâng cao vai trò của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thì chúng ta mới tạo ra được một trạng thái cân bằng hay trạng thái hợp lý của vai trò của nhà nước trong đời sống xã hội.
Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên tính toàn trị về mặt xã hội và chúng ta tăng cường vai trò của nhà nước trong kinh tế sau hơn 20 năm đổi mới, tức là chúng ta dần dần nhà nước hóa đời sống xã hội và chúng ta sẽ phạm phải sai lầm. Cho nên tất cả chương trình được gọi là cải cách đầu tư công, cải cách khu vực công, cải cách công ty nhà nước....tất cả những việc ấy xét về mặt lý luận không thể đem đến một kết quả tích cực được. Bởi vì chúng ta xác lập một trạng thái mất cân đối rộng hơn, toàn diện hơn sự mất cân đối về kinh tế hiện nay.
Nếu không nhận ra vấn đề như vậy thì cải cách không có phương hướng. Chúng ta định nghĩa lại thời đại của chúng ta, mở rộng ra phạm vi toàn cầu để hiểu sự xa rời của nhà nước đối với các trách nhiệm có chất lượng kinh tế của phương Tây nó tạo ra cuộc khủng hoảng này. Và nói đúng hơn đó chính là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Cuộc khủng hoảng này nó không giống định nghĩa như chúng ta vẫn quan niệm là đêm trước của cách mạng, là đêm trước của cái nọ cái kia. Đây là một cuộc khủng hoảng thuần túy kinh tế do sự vắng bóng một cách có hệ thống vai trò nhà nước trong đời sống kinh tế.
Nói cách khác là sự hạn chế của các quyền lực nhà nước trong đời sống kinh tế tài chính tạo ra cuộc khủng hoảng ở phương Tây hiện nay, và chúng ta chỉ là những dấu hiệu cảm ứng, không phải là những dấu hiệu thực. Nếu có khủng hoảng của chúng ta thì không phải đấy là cuộc khủng hoảng kinh tế thuần túy mà có lẽ là cuộc khủng hoảng phát triển. Cách đây mấy hôm tôi có thảo luận với một giáo sư của một trường đại học ở Anh do Phòng Thương mại và công nghiệp giới thiệu đến đây. Tôi có nói sự lớn quá của quyền lực nhà nước sẽ tạo ra sự chậm phát triển, nhưng sự vắng bóng của quyền lực nhà nước sẽ tạo ra sự khủng hoảng. Làm thế nào để nhà nước giữ được một địa vị tạo ra cả sự phát triển lẫn sự ổn định, sự cân bằng của nó đấy chính là nhiệm vụ của lý luận, nhiệm vụ của khoa học chính trị.
- Bây giờ ta thử đi sâu hơn một chút về Việt Nam, Việt Nam cũng có câu chuyện của sự vắng bóng nhà nước, nhưng ngược lại cũng có câu chuyện của sự độc tài?
- Nếu tăng cường yếu tố nhà nước kiểm soát nền kinh tế thì chúng ta sẽ đẩy toàn bộ xã hội đến cực bên tả, đấy là một nguy cơ. Tôi không hiểu bây giờ các nhà lãnh đạo định tiến hành cuộc cải cách cơ cấu, cải cách kinh tế, cải cách thể chế theo hướng nào. Nếu chúng ta muốn tăng cường sự có mặt của nhà nước trong kinh tế tức là chúng ta khôi phục lại chế độ toàn trị. Thành công của Đảng trong suốt hơn ¼ thế kỷ đổi mới chính là nhà nước rút khỏi đời sống kinh tế một cách đáng kể và nó tạo ra một giai đoạn phát triển. Sự phát triển ấy bị từ trường của sự thiếu tự do chính trị làm méo. Mô tả hiện tượng méo của sự phát triển kinh tế của xã hội chúng ta là như thế nào? Tức là nó không tư nhân hóa được giống như những định nghĩa tương đối truyền thống của nhân loại về lĩnh vực cải cách kinh tế.
Phải nói là chúng ta tư nhân hóa theo nghĩa tiêu cực, tức là sự đánh cắp tài sản trên quy mô xã hội làm cho nhà nước luôn luôn rơi vào tình trạng không yên tâm. Và nhà nước vẫn có đầy đủ quyền lực trong tất cả các lĩnh vực còn lại của xã hội, cho nên nhà nước tăng cường kiểm soát lại đời sống kinh tế. Ví dụ, thống đốc Nguyễn Văn Bình nói về chuyện nhà nước độc quyền về vàng chẳng hạn, thế thì đương nhiên nhà nước sẽ có những nhu cầu độc quyền khác nữa. Hai nhiệm kỳ này chúng ta thấy Đảng nói kinh tế nhà nước là chủ đạo. Bây giờ chúng ta tăng cường vai trò của nhà nước trong kinh tế, trong khi chúng ta không giãn bớt vai trò của nhà nước trong các lĩnh vực xã hội và chính trị thì chúng ta sẽ trượt về phía độc tài. Khi chúng ta trượt về phía độc tài thì chúng ta lại gặp một cuộc khủng hoảng khác. Thay vì khủng hoảng kinh tế thì chúng ta sẽ có khủng hoảng xã hội. Cho nên cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là biểu hiện đầu tiên của một cuộc khủng hoảng xã hội. Đài Tiếng nói Việt Nam đã đến phỏng vấn tôi là năm 2012 sẽ như thế nào? Tôi trả lởi rằng, năm 2012 có rất nhiều cơ hội nếu chúng ta đúng, nhưng sẽ là một cái hố tiêu năng khổng lồ nếu chúng ta sai, và tôi sợ rằng chúng ta đang sai. Bởi vì nhà nước hoàn toàn chủ động và chủ quan trong quá trình đưa ra các tiêu chuẩn của cuộc cải cách. Không có một sự thăm dò xã hội nào, không có một cuộc thảo luận xã hội nào đáng kể để xây dựng tiêu chuẩn chính trị cho công cuộc cải cách thể chế và tái cơ cấu nền kinh tế.
Cho nên tôi sợ rằng với từ trường lệch như thế này chúng ta tự nhiên rơi vào cái bẫy của việc nhà nước hóa một cách toàn diện và chúng ta sẽ gặp một cuộc khủng hoảng khác, cuộc khủng hoảng ấy không còn là cuộc khủng hoảng kinh tế. Cho nên sự đúng đắn hay sự cân đối trong chuyện này nó dẫn đến hai hậu quả: hoặc là chúng ta khôi phục lại được sự cân bằng xã hội, hoặc chúng ta đẩy đất nước đến một cuộc khủng hoảng toàn diện hơn, không còn là kinh tế nữa. Tôi thấy hiện nay có một số ý kiến đưa ra là những gì nhà nước không cần nắm giữ thì nhà nước thoái vốn và nhà nước bán. Đấy là ý chí thuần tuý của Nhà nước. Nhà nước không phải là một đối tượng độc lập, nhà nước là sản phẩm xã hội, vậy bằng cách nào để nhà nước tỏ thái độ cần hay không cần? Không có.
Nhà nước là một chủ thể quản trị, nhà nước không phải là chủ thể kinh doanh. Nhà nước không cần thì nhà nước bán, thoái vốn, điều đó hoàn toàn chủ quan. Không có một điều tra xã hội học nào để xác nhận danh mục cái mà nhà nước không cần, và ai nói tiếng nói là nhà nước không cần. Nhà nước không nói tiếng nói ấy được. Nhà nước không thể nói là mình không cần vì nhà nước không phải là một chủ thể. Nhà nước là một cơ cấu được xã hội tạo ra thay mặt mình để quản trị đất nước. Nhà nước không có tiếng nói độc lập. Nhà nước mạnh dạn, tiên phong đưa ra ý chí nhà nước không cần, chỉ nguyên một câu ấy thôi là phản ánh đầy đủ tính chủ quan của cái gọi là các khuynh hướng cho cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Nhà nước không cần thì bán, nhưng bán cho ai là không có tiêu chuẩn, và môi trường mà anh bán đi ấy được bảo hộ như thế nào thì anh không nói. Con cá này không đáng ở trong thùng này thì chuyển nó sang thùng kia, nhưng thùng kia có nước hay không. Cá nước ngọt thì quẳng sang thùng nước mặn hay cá nước mặn thì quẳng sang thùng nước ngọt anh có chuẩn bị không. Nhà nước thẩy ra và trong quá trình thẩy ra ấy thì không phải ai cũng có quyền bình đẳng trong việc đấu thầu hay nhận thầu. Và những ví dụ đầu tiên cho thấy rằng, không có tiêu chuẩn pháp quyền trong quá trình thẩy ra và tóm lấy. Và nó sẽ đẻ ra một cơ hội khổng lồ trong việc đánh tháo tài sản quốc gia.
Xét về phương diện tổng thể thì chúng ta hoàn toàn chưa xây dựng được hệ tiêu chuẩn của cải cách, của tái cơ cấu vi mô đối với các xí nghiệp và của cải cách vĩ mô đối với thể chế. Hội nghị Trung ương III thành công ở chỗ Ban chấp hành Trung ương đã đưa ra thảo luận về nhu cầu cần phải cải cách thể chế hay cải cách cơ cấu vi mô đối với các doanh nghiệp. Nhưng Đảng cũng chỉ nói mỗi nhu cầu của mình mà không đưa ra được các tiêu chuẩn chỉ đạo quá trình tái cơ cấu vi mô đối với các xí nghiệp và cải cách vĩ mô đối với thể chế. Không có tiêu chuẩn. Xã hội chúng ta là xã hội nhạy cảm, cho nên các cơ sở xã hội sẽ làm trước, giống như bán tháo vàng của tất cả các cơ sở khác sau khi dự thảo được tiết lộ ra ngoài là chỉ có SJC được công nhận. Chúng ta sẽ có rất nhiều quá trình tiền cải cách giống như tin đổi tiền lọt ra ngoài lập tức là người ta phải đem tiền đi mua đủ mọi thứ. Cho nên ở thời kỳ đổi tiền cuối cùng của nước cộng hòa của chúng ta thì một cái bánh rán có thể đổi được một lượng tiền mua được một cái xe đạp vào lúc bình thường.
Đây có phải là một thời điểm tháo khoán cho toàn bộ các tài sản quốc gia hay không? Bộ Tài chính thành lập một ủy ban xây dựng đề án cải cách doanh nghiệp nhà nước, tôi nghĩ rằng chỉ nguyên những cơ cấu ban đầu xác lập để tiến hành cuộc cải cách này hoàn toàn không tương xứng với các nguy cơ mà cuộc cải cách này tạo ra đối với tài sản quốc gia và đối với nền kinh tế cũng như đối với ổn định xã hội. Hay nói cách khác, chúng ta nhận thức và chuẩn bị cho các cuộc cải cách này hết sức sơ sài.
(Kỳ sau: Quản trị DNNN – Hệ quả của thể chế chính trị)-Nguồn: Phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt: Cần nhận thức đúng về cuộc khủng hoảng — (Phan Thế Hải).
- Phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt: Quản trị DNNN- hệ quả của thể chế — (Phan Thế Hải).
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là tinh thần chính được đưa ra sau Hội nghị TW3. Theo đó gồm có các nội dung chính: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về lĩnh vực này.
- Trong lĩnh vực tái cơ cấu, ý kiến cụ thể của ông như thế nào? Thứ nhất ta bàn về tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công?
- Tôi nói ở phần trước là để ngăn chặn những câu hỏi liên quan đến những nội dung cụ thể mà anh vừa đặt ra. Lý do rất đơn giản, nếu nói với tư cách là một người làm khoa học chắc chắn tôi sẽ nói tiêu cực. Mà tôi không muốn đưa ra bất kỳ một dự báo tiêu cực nào về chuyện này. Bởi chúng ta phải luôn luôn ngẫm một điều là chúng ta gợi ý với Đảng và Nhà nước. Tôi sẽ cố gắng diễn đạt thỏa mãn câu hỏi của anh nhưng phải có chất lượng gợi ý chứ không phải chỉ trích. Cái vừa rồi là tôi phân tích về mặt vĩ mô. Ba nội dung ấy tôi nghĩ rằng nó vô tình thể hiện một điều là cái gì liên quan đến nhà nước thì đều khủng hoảng và đều phải cải cách.
Cân đối vĩ mô được xác lập bởi nhà nước, cân đối vĩ mô không hề là sản phẩm của xã hội. Chúng ta từng đi tìm một sự cân đối và chúng ta tưởng nó là cân đối, bây giờ chúng ta không thấy nó cân đối thì chúng ta lại đi tìm một sự cân đối khác. Công việc bỏ cái cũ để tìm cái mới là công việc của nhà nước. Tức là vai trò của nhà nước trong việc tìm kiếm sự cân bằng vĩ mô của kinh tế và xã hội là sai trong giai đoạn trước. Cái này không phải là tôi nói mà anh Nguyễn Văn Bình nói trên Quốc hội. Tất cả những chính sách, tất cả những văn bản chúng ta có ra đời từ giai đoạn trước, giai đoạn mà chúng ta lấy phát triển chiều rộng là mục tiêu. Bây giờ chúng ta không lấy phát triển chiều rộng là mục tiêu nữa, nhưng lấy cái gì làm mục tiêu thì không rõ. Cho nên tôi nói lại là cải cách thứ nhất là cân đối vĩ mô một sản phẩm thuần túy nhà nước.
Nếu nói sau một nhiệm kỳ chúng ta mới xác lập lại cân đối vĩ mô tức là chúng ta trì trệ, bởi vì cân đối vĩ mô diễn ra hàng ngày cùng với sự phát triển của cái thuật ngữ rất cổ mà chủ nghĩa Marx vẫn dùng là lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất quy định quan hệ sản xuất, cho nên lực lượng sản xuất thay đổi hàng ngày thì quan hệ sản xuất cũng thay đổi hàng ngày. Vậy chúng ta phải xác định sự cân đối vĩ mô hàng ngày. Sau 4 – 5 năm chúng ta mới xác định lại cân đối vĩ mô là chúng ta không hiểu cân đối vĩ mô là gì. Tất cả những điều tôi vừa phân tích đều căn cứ vào phát biểu của các quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Sản phẩm đầu tiên do Nhà nước tạo ra đấy là cân đối vĩ mô. Sản phẩm thứ hai là cải cách doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước cũng do nhà nước tạo ra và tạo ra một cách không thận trọng. Đấy là những con khủng long, những con vật khổng lồ về kinh tế và phải có thực phẩm cho nó. Nền kinh tế Việt Nam không cung cấp đủ thực phẩm cho các con khủng long kinh tế giống như các tập đoàn, và vì thế đã tạo ra sự mất cân đối.
Doanh nghiệp nhà nước là một sản phẩm thuần túy nhà nước, nó được sinh ra bởi khát vọng chủ quan của nhà nước. Xã hội được hưởng một phần từ các sản phẩm của nó, nhưng xã hội chịu đựng nó lớn hơn rất nhiều.Nhà nước muốn để cho các doanh nghiệp của mình đóng vai trò chủ đạo, vì thế cho nên cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng nào là chưa rõ. Doanh nghiệp nhà nước nó lấn chiếm, lấn át, bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực và rất nhiều mức độ của toàn bộ nền kinh tế. Bây giờ nhà nước rút bớt đi do áp lực của nợ công chứ không phải vì nhận thức ra sự mất cân đối vĩ mô giữa các lực lượng kinh tế nhà nước và toàn bộ năng lực của nền kinh tế Việt Nam. Vì không xác lập được một điểm hợp lý khách quan thì không thể có tiêu chuẩn cải cách được.
Chúng ta phân tích quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hai khía cạnh, khía cạnh thứ nhất là cái gì nhà nước không cần thì nhà nước bỏ ra. Ai dọn cái đống bỏ ra ấy hộ nhà nước? Và liệu cái nhà nước không cần và những giá trị mà nhà nước cần giữ có bị lẫn lộn không? Cải cách doanh nghiệp Nhà nước phải cải cách cả cách thức quản trị. Nhưng quản trị là hệ quả tự nhiên của thể chế. Mà thể chế kinh tế là hậu quả tự nhiên của thể chế chính trị. Vậy ở đây nhà nước định cải cách thể chế ở mức độ nào là chưa rõ. Bởi người ta không thể quản trị một cách tự nhiên, một cách lành mạnh được nếu như môi trường vĩ mô không lành mạnh. Môi trường vĩ mô là kết quả của sự cân bằng, của sự tìm kiếm các điểm hợp lý giữa chính trị, kinh tế và xã hội. Không có tiêu chuẩn hay không thông báo hoặc không công bố tiêu chuẩn về chuyện này. Cho nên tôi không tin lắm. Việc đầu tiên là cải cách cân đối vĩ mô là không rõ ràng thì không thể tạo ra được môi trường tốt cho việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
Anh rút ra khỏi một số nhưng anh có tăng cường quy mô của khối doanh nghiệp nhà nước không? Và tại sao người ta lại nghĩ rằng trong đời sống cạnh tranh thì càng to càng tốt. Tôi lấy ví dụ như vấn đề cải cách ngân hàng. Tại sao lại phải có vốn 3000 tỷ thì mới đủ điều kiện hoạt động? Và tại sao lại lấy qui mô tài chính ban đầu để xem một ngân hàng có đáng tồn tại hay không? Một ngân hàng bé thì nó có diện hoạt động bé. Đánh giá ngân hàng là đánh giá chất lượng dịch vụ của nó và độ tin cậy của xã hội đối với nó. Chúng ta đã phá độ tin cậy của các tổ chức kinh tế cơ sở bằng tiêu chuẩn quy mô, tức là phải đại gia. Trên thế giới 80% những cơ sở kinh tế không gây điều tiếng nằm trong khu vực kinh tế vừa và nhỏ.
Con tắc kè nó sống đến bây giờ nhưng con khủng long chết lâu rồi. Nền kinh tế Việt Nam có phải là một nền kinh tế cần nhiều khủng long đến thế không? Cần khủng long hay không cần khủng long là kết quả của sự cân nhắc hoàn toàn có chất lượng vĩ mô. Thậm chí nhiều nhà nước thông thái người ta còn kìm hãm bớt việc hình thành các con khủng long. Bởi con khủng long nó sẽ xơi hết thực phẩm của tất cả các bầy khác và nó làm mất đi tính đa dạng của đời sống tự nhiên, và trong trường hợp nền kinh tế là mất đi tính đa dạng của một nền kinh tế.
Tôi không nhìn thấy tiền đề và khuynh hướng được xác lập rõ ràng và không thấy có công cụ lý thuyết cho việc cải cách các xí nghiệp nhà nước. Nội dung thứ ba là cải cách hệ thống ngân hàng và tài chính. Qua phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì tôi càng lo lắng, bởi vì người tham mưu trưởng số một trong lĩnh vực này của Thủ tướng Chính phủ không có tư tưởng trong tuyên bố với một trong những diễn đàn chính trị quan trọng nhất của đất nước là sinh hoạt Quốc hội. Cái này không thể trình bày rõ được, cái này không có thì giờ để trình bày, nhưng không trình bày ở đấy thì trình bày ở đâu? Tôi không thấy có bất kỳ tiền đề lý luận nào cho cuộc cải cách cơ cấu của thị trường tài chính.
Ba cuộc cải cách mà Hội nghị Trung ương III xác định là trọng điểm ấy đều không được làm rõ ràng, ít nhất là cho đến phút này. Nếu hôm nay hay ngày mai Thủ tướng có thông báo gì đi nữa thì ý chí của Thủ tướng cũng phải được phản ánh thông qua những người giúp việc trực tiếp nhất và quan trọng nhất cho Thủ tướng là Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng kế hoạch Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đấy là bộ ba của nội các kinh tế. Chúng ta có nhiều nội các, nội các đối ngoại, nội các an ninh quốc phòng và nội các kinh tế. Nội các kinh tế của chúng ta thì cả ba nhân vật ấy đều không thể hiện bất kỳ thông điệp gì, dường như để vỗ về, để nói cho yên tâm các vị đại biểu Quốc hội. Vậy thì chúng ta tập hợp một Quốc hội như thế nào mà để cho những nhân vật chủ chốt của nội các kinh tế như vậy phải vỗ về cho yên tâm?
Tôi nói với anh như thế để nói rằng tôi sẽ không tiếp tục phân tích chuyện này. Bởi vì càng phân tích thì càng thấy dở, mà lúc này có thể do những bí mật nhà nước mà Thủ tướng không nói rõ, các Bộ trưởng không nói rõ, cho nên việc phán đoán những điều người ta không nói rõ là đoán mò nên tôi không muốn phân tích sâu thêm. Nhưng nếu chỉ có thế thì có nghĩa là sẽ không có gì.
- Có yếu tố lý luận mà người ta cũng phải bàn tán nhiều và đau đầu nhiều là các nhóm lợi ích. Theo anh bây giờ để kiểm soát nhóm lợi ích thì phải làm gì?
- Từ xưa đến nay tôi rất đả phá khái niệm nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích hiện nay được hình dung như một lực lượng Mafia nào đấy, những công ty nào đấy, những lực lượng nào đấy thao túng Nhà nước. Tôi cho rằng nhận định ấy sai. Cái tôi lo không phải cái ấy. Nhóm lợi ích là những con ruồi chen được vào gần vết thương của quản trị nhà nước và béo lên nhờ việc đó. Rút ruột tài sản, lấy đi đất đai, tài nguyên, họ không phải là những nhà kinh doanh dựa vào sáng tạo, cho nên ở họ tài sản hình thành chủ yếu lấy từ đâu đó chứ không phải tự tạo ra.
Tôi không tin có nhóm lợi ích theo nghĩa hiện nay nhiều người đang nói. Có nhóm lợi ích nhưng theo nghĩa là sự chia rẽ hay sự mất đoàn kết ở trong hệ thống chóp bu nào đó và mỗi một người tạo ra các nhóm của mình, và một trong những sức mạnh để tạo ra nhóm là sức mạnh kinh tế. Chính sự mất đoàn kết tạo ra nhóm lợi ích chứ không phải nhóm lợi ích tạo ra sự mất đoàn kết. Tất nhiên đó là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành nhóm lợi ích. Nhưng đến giai đoạn sau nữa, khi chúng ta tự do hóa hoàn toàn, dân sự hóa hoàn toàn đời sống kinh tế và chính trị thì có thể có các nhóm lợi ích độc lập với quyền lợi chính trị và thao túng quyền lực chính trị.
Ở đây chưa đến lúc các nhóm lợi ích dân sự thao túng đời sống chính trị. Nếu có nhóm lợi ích thật thì những ông chủ của các nhóm lợi ích sẽ không lộ mặt ra. Càng ông chủ lớn bao nhiêu thì càng chui sâu, càng luồn sâu, càng kín đáo bấy nhiêu. Những hiện tượng khoe khoang tài sản, khoe khoang địa vị, khoe khoang quyền lực là kết quả của việc không có các nhóm lợi ích trên thực tế mà hình thành nhóm lợi ích kinh tế dựa trên những nhóm lợi ích có chất lượng chính trị. Không nghiên cứu được chuyện ấy thì không xây dựng đảng được. Bởi vì các nhóm lợi ích nó hình thành từ rễ chủ, mà rễ chủ nó mọc từ trên xuống.
Phan Thế Hải- Phạm Huyền (thực hiện)
---ROGOFF: Is Modern Capitalism Sustainable? - Project Syndicate -ROGOFF: Is Modern Capitalism Sustainable? Will modern capitalism be a victim of its own success in producing massive wealth? As pollution, financial instability, health-care problems, and inequality continue to grow, and as political systems remain paralyzed, capitalism’s future might not seem so secure in a few decades as it seems now.
- Petrolimex: Thoải mái chi hoa hồng, lỗ dân chịu(PLTP). -- Không thể không có gói kích cầu thứ 3 (DĐKTVN)
Chinese Imports Hurt U.S. Solar Companies, Trade Commission Says NYT -The International Trade Commission said that imported solar panels from China were being sold in the United States at less than fair value.------