Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Nối Vòng Tay Lớn và những Hội chứng Thời đại

Nếu có thể tự xét mình, chính ra tôi không phải là một người bi quan yếm thế (?) nhưng thiết tưởng, đúng hơn – là một người thực tế ý thức được sự bất lực của bản thân trước muôn vàn khó khăn và khổ lụy của hiện tình Việt Nam – tôi chỉ biết nói lên những cảm nhận cá nhân chân thành nhất về những tình huống trong và ngoài nước. Tuy là một người Việt Nam trước tiên và sau đó mới là công dân Mỹ, tôi cũng không thể tự cho mình là một người am hiểu tình thế Việt Nam để có thể kinh qua cuộc sống thực của những người dân trong nước mà chia sẻ những cam chịu hay vui sướng của họ. Trên căn bản pháp lý, đại bộ phận người Việt hải ngoại đã là người ngoại quốc/cuộc, mấy ai chịu từ bỏ quy chế pháp nhân của mình để trở thành người trong cuộc?

Do đó xin đừng “theo đóm ăn tàn”, đứng ở bờ đại dương bên này mà phóng rọi tâm tư mình – tâm lý học Mỹ gọi là projection* – qua bên kia Thái Bình Dương, hô hào thúc đẩy người khác, hoặc tự cho mình là những nhà đối kháng (hay chiến sĩ dân chủ) trong nước, đại để như câu: “Chúng ta đều là những Huỳnh Thục Vy…” hoặc như lời tuyên bố sẵn sàng từ bỏ cuộc sống Mỹ của một ông Luật Sư Tiến Sĩ nào đó muốn đóng góp cả gia tài cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam (sic!). Có khác gì những người tự mình thực tiễn không làm nên công cán hay tích sự gì (tôi là một!) nên thích ca tụng và phong thánh cho những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ trong nước như Lê thị Công Nhân (gần đây)… hoặc Lê Chí Quang (cả chục năm trước). Gần hai năm qua, trên Đàn Chim Việt và Talawas, sau khi Lê thị Công Nhân ra tù, giữa những lời hoan ca quá độ, trong bài Căn Bệnh Trầm Kha và Hoang Tưởng của Thế Kỷ, tôi đã khuyên người khác để yên cho nữ anh thư của mình sau khi trích dẫn lời tâm huyết của cô:

Tôi chỉ có thể làm cái phần của tôi, chứ tôi không thể làm được cái phần của 90 triệu người Việt Nam khác và nếu như cái lý tưởng của tôi có thất bại thì tôi nghĩ rằng đó cũng là điều rất đúng… và mọi thứ có dở dang thì nó cũng không cần phải nói nhiều vì các anh chị và mọi người cũng biết công việc và tất cà các khía cạnh khác của cuộc sống, và dù có gì đi chăng nữa thì tôi nghĩ rằng tôi đã có những việc làm và những giây phút mà mình cảm thấy thật sự tự do, đó là khi tôi sống theo cái lý tưởng của tôi và rất may là sau 3 năm ngồi sau song sắt nhà tù thì tôi thấy rằng cái lý tưởng đó nó không sai (nó không sai), nhưng có thể cuộc đời tôi sẽ không thể thành công vì lý tưởng đó, nhưng đối với tôi thì điều đó nó cũng không phải quá quan trọng.”


Đến nay sau gần hai năm cô lập gia đình “lui về ở ẩn”, thiển nghĩ chúng ta đã có đủ thì giờ để nghiệm lại những chuyện hô hào thị phi của chính mình.

Hội chứng Nối Vòng Tay Lớn


Gần đây theo VietNamNet: Ca khúc quen thuộc của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn “Nối vòng tay lớn” được nhiều rocker, rockband nổi tiếng từ Nam chí Bắc như Trần Lập, Unlimited, Microwave hay Thủy triều đỏ, Buratinox… trình bày đã tạo nên một “bão lửa” trên các diễn đàn mạng. Một Music Video dàn dựng nhiều cảnh quay công phu cùng bản phối khí được cộng đồng mạng đánh giá là làm sống dậy giá trị đích thực của “Nối vòng tay lớn”.
Một bản nhạc rock được đưa lên YouTube hồi đầu tháng 12 vừa qua khiến cộng đồng mạng VN phát sốt với hơn 66 nghìn lượt xem trong 3 ngày và gần 100 trang comment. Hai nickname 157meoluoivà chuductoan đều thốt lên sung sướng: “Ôi, nghe sướng thế không biết… đang mất niềm tin… nghe xong tinh thần được vực dậy… Giống mình, đang nản vì chuyện học, tự nhiên nghe xong phấn chấn hẳn. Đời đẹp biết bao nhỉ, cứ sao lại buồn vì chút chuyện nhỏ không đáng. Làng Việt, mang trong mình dòng máu Việt, hãy sống sao cho xứng đáng với hai chữ Việt Nam…” Nicknam bboygiang đang du học tại nước ngoài chia sẻ: “Nghe xong bài này nhớ Việt Nam quá!”

Trong gần 1000 comment, cảm xúc chung đều là không nén nổi tình yêu cháy bỏng và rạo rực khi xem song MV này, “mắt rưng rưng…tim đập nhanh.”



Bạn hoangthanhtung53ca lại phạng một câu: “thằng nào ‘dislike’ không phải người Việt Nam”!  Nghe xong music video (MV) này tôi cảm thấy khó ở và ngượng (ngập) chín cả người!  Vì không hiểu sao lòng mình không được vực dậy, sôi sục tình yêu nước như các bạn trẻ này! Chẳng lẽ sống được nửa tuổi đời, chứng kiến, nghe được nhiều chuyện oan khiên đã khiến mình già đi, mất hết nhuệ khí và lòng tự tin rồi sao? Hoặc giả, mang nhãn mác một cư dân Mỹ, tôi lại rúc đầu vào cát như con đà điểu, tránh né những chuyện bất cập khác ở Việt Nam? Đến khi đọc được phản hồi của ToTamCandida sau bài MV Nối Vòng Tay Lớn thì tôi mới ngộ ra:
“Đây cả là một sự “trêu ngươi”! Hiện tượng Nối Vòng Tay Lớn có tích cực thay đổi được ‘bộ mặt’ VN không, hay giống như những phen ‘đi bão’ bóng đá khi VN thắng trận chỉ giúp cho hằng hà xa số đám trẻ cơ hôị duy nhất trong một ‘chế độ CA trị’ xả xì-trét, làm rối loạn, ùn tắc giao thông hàng giờ và hãnh tiến vì CA đã để yên cho mình ‘quậy’!?”

Đúng vậy, vào cuối năm 2008 khi Việt Nam thắng Thái Lan trong giải Bóng Đá Asean Football Federation (AFF) Suzuki Cup 2008, tôi và một người bạn Sàigòn đã nhập dòng hàng ngàn xe máy đi bão bằng Honda nên cũng cảm nhận được sự hồ hỡi này.  Xin đọc Ở tận cùng vực thẳm của ảo tưởng.

Chính nghĩa chống Cộng


Buồn cười trong khi một số người hải ngoại (chỉ một số người thôi, không có bạn trong đó nhé) 1) thích dựa hơi những người “hung” trong nước để tạo thế đứng cho mình ở hải ngoại, thì có một số người khác 2) vội vã và nhất quyết ngay từ đầu không muốn sơ múi tơ hào gì với Việt Nam vì họ cho rằng lãnh tụ và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm cho mọi chuyện ở Việt Nam – kể cả những chuyện có liên hệ đến Việt Nam – ô uế.  Còn những người khác 3) mơ tưởng đến một ngày mai Việt Nam tươi sáng – sau bao năm mỏi mòn đợi trông – vội vàng bám víu đến những sự kiện xảy ra xung quanh mình mong áp dụng và so sánh với Việt Nam.

Đó là chưa kể đến 4) những người tự phong cho mình chính nghĩa cờ vàng, đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa, chính thức được thừa kế những nền tảng dân chủ – dù phôi thai – của miền Nam thuở trước. Như vậy, không hiểu chánh phủ lưu vong của ông Nguyễn Hữu Chánh có được kể là một trong những đảng chính thống của VNCH được thừa kế sự nghiệp để phất cờ khởi nghĩa đó không? Hay là những chính đảng mà nhà nước Việt Nam ghét cay đắng như Việt Tân; Dân chủ Nhân dân, hoặc những đảng phái mơ hồ nào khác?

Không muốn sơ múi, tơ hào gì với Việt Nam


Tôi không hiểu trong một thế giới tranh tối tranh sáng, không phân biệt rạch ròi trắng đen như Việt Nam hiện nay, làm thế nào để người ta phân biệt Việt Nam như là một đất nước đại diện cho mọi người Việt Nam – quốc gia hay Cộng sản, hay bất cứ các thành phần nào khác vẫn coi Việt Nam là nguồn cội của mình – thế nào là một Việt Nam liên đới với tội ác do tập đoàn Cộng Sản gây ra?

Gần đây lá thư ngỏ của 36 trí thức hải ngoại với nhà nước Việt Nam và những tranh luận và lên án theo sau đó đã cho thấy chuyện bất phân minh của vấn đề. Điều này cũng không khác lắm với lời phê bình sau đây của một đọc giả trên Đàn Chim Việt:

nguyenha says:17/11/2011 at 10:32: “Thưa ông Ng Kh Th.Anh, tôi không hiểu cô Victoria dại diện cho VN hải-ngoại hay cho CHXHCNVN. Nếu cô Victoria Phạm là Hoa-hậu của nước VN Cộng-sản,thì theo tôi,điều mà làm Ông ngạc nhiên nhất, phải là điều “Ăn cơm Quốc-gia thờ Ma CS” mới phải!!”

Ông ta quên rằng Victoria Phạm, thí sinh VN tại cuộc thi hoa hậu thế giới  là một bài dịch trực tiếp từ một trang web của Đại học Berkeley, thuộc Haas School of Business/Phân khoa Kinh Doanh, mà không phải là phát biểu hay bày tỏ riêng tư gì của tôi. Người ta có thể tự hào là một người Việt, đẹp và dân chủ, hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng không ai có thể tự mình nhân danh hay đại diện cho nước Việt Nam đương quyền nếu họ không được chính nước (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa) Việt Nam công nhận là hoa hậu để họ có thể làm thí sinh đi dự thi hoa hậu thế giới. Dù muốn, cô Victoria Phạm lại càng không thể đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa, một thực thể chỉ còn tên trong quá khứ, dù cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (một nhà cầm quyền dù không chính thống/de jure, nhưng chính danh/de facto) có nhắc đến VNCH trong chuyện bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Buồn và cười ra nước mắt, nếu tôi không lầm cô Victoria Phạm sanh ra trên đất Mỹ hiện sống như một công dân Mỹ, ăn cơm Mỹ (không phải bơ thừa sữa cặn) chứ không phải cơm cúng trên bàn thờ của VNCH. Tôi cũng chẳng biết ngoài chuyện học và sắc đẹp, cô còn thờ cúng con ma ghê tởm nào không?

Của đáng tội, khi một nhà nước không tôn trọng nhân quyền hay dân chủ, hèn với giặc, ác với dân, thì con dân họ, nhất là khúc ruột ngàn dặm, sẽ cảm thấy xấu hổ với một cầm quyền mang danh Việt Nam, đại diện cho họ, cho nên đôi lúc cũng muốn quên đi gốc gác đau buồn của cha ông mình. Riêng tôi, tuy đau buồn và yếm thế về thời cuộc, cái nghiệp Việt Nam vẫn ám ảnh, đeo đuổi mình vì tôi còn thấy những gương sáng ở nước nhà, nên tin rằng cái nhân tố Việt sẽ không bao giờ mất – kể cả trong thâm tâm của những người Cộng sản.

“Còn trời còn đất còn non nước
Chẳng lẽ non sông mãi thế này?

Mơ tưởng đến một ngày mai Việt Nam tươi sáng


Nhiều người mơ Mùa Xuân Ả Rập đến với Việt Nam như ở Libya, tôi, học trò của bài học lịch sử, khuyên họ nên từ tốn trong chuyện ăn mừng thái quá cách mạng Libya thành công vì đã giết chết Gaddafi. Người Việt có cần được cẩn trọng nhắc nhở hay không: cách mạng chỉ thành công sau khi cầm quyền mới chịu giải thể quân lực quyền bính của mình để thật sự thành lập một chính quyền dân sự chính thống và thực thi một hiến chương dân chủ? Ở Libya, xin cầu chúc cho dân tình không đi vào vết xe đổ.

Vài tuần trước đây, báo chí cũng như các trang blogs, mạng lưới xã hội như Facebook, Tweeter, nhất là cộng đồng mạng Việt hải ngoại đã loan tin và bày tỏ sự mừng rỡ, ngợi khen cuộc nổi dậy thành công của nhân dân Libya, một cuộc cách mạng mà nhiều người ước ao, so đo với tình hình Việt Nam. Như nhiều con dân Việt Nam từ trong đến ngoài nước, tôi cũng ước mong có một sự thay đổi tích cực ở Việt Nam, nhưng theo thiển ý, trừ phi có một cuộc biến động lớn, sinh sự bởi Trung quốc cùng với sự khủng hoảng kinh tế hiện hành, tôi e rằng Việt Nam khó có một cách mạng toàn phần ngay lúc này. Để trả lời sự so sánh mẫu số chung của Việt Nam với Libya trên trang Facebook của tác giả Lê Diễn Đức, tôi đã góp ý:

“Chuyện Libya và chuyện VN có lẽ sẽ giống nhau ở một điểm: Sau một cuộc cách mạng thế nào mới gọi là thành công? Xác chết “tanh banh” của một (hay nhiều lãnh tụ độc tài) không thể mang lại thành công hay ấm no, hạnh phúc cho một dân tộc. Libya sẽ đi về đâu? Đó mới là điều đáng nói. Sau 1954 hay sau cuộc cách mạng Mùa Thu của Cộng Sản, nhiều người đã cho là cuộc cách mạng VN đã thành công. Không đúng!  Sau 30 tháng Tư ’75, nhiều người cũng cho cuộc cách mạng đánh Mỹ thống nhất đân tộc đã thành công. Không đúng nốt. Phải làm gì sau cách mạng mới đáng kể. Nếu không thành tích chi còn lại xương máu và đổ vỡ!

Tôi là dân Sài Gòn, khi cách mạng 1 tháng 11 năm ’63 lật đổ hai ô Diệm-Nhu tôi còn bé, nhưng hình ảnh máu me của ông Diệm, hai tay còng sau lưng, người nằm co quắp, quay nghiêng, mặt úp xuống sàn thiết giáp vẫn đập mạnh vào tâm khảm tôi. Người ta hoan hô , reo mừng chuyện kết liễu một chế độ độc tài… Đến bây giờ, bỏ chuyện gia đình trị, Phật giáo sang một bên, vỡ lẽ ra họ là nền Cộng hòa khá nhất trong 21 năm dân chủ phôi thai của miền Nam (của VN). Nhiều người lên án tôi về nhận định đó cũng như sau đây: Sau ’75, lần đầu tiên VN thống nhất, độc lập, có thể đoàn kết toàn dân, thay đổi hướng đi tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản (mà tôi chẳng bao giờ tin tưởng) thì VN đã có cơ hội tiến xa, ra biển lớn… Nhưng đó chỉ là mơ ước hão huyền, chế độ CS có bao giờ cải thiện được không? Cách mạng nào cũng có chuyện quá độ của nó, lãnh đạo thời nào cũng cần nhân đức để xây dựng, xây dựng, và xây dựng!”

Và thiết tưởng cách xây dựng tốt nhất cho Việt Nam hiện nay là hướng đi cần kíp cho những lãnh đạo còn lương tri: hãy quay về với dân tộc trước những đổ vỡ khó lường khi của cải và quyền tước của mình sẽ không còn điểm tựa trong lòng đất nước.

© NKTA
© Đàn Chim Việt
———–
* Không hiểu người ta có thể áp dụng tâm lý học Tây phương để gọi cho hội chứng của căn bệnh hoang tưởng trầm kha này là “projection” (phóng rọi) không? Nói nôm na, trường hợp projection/phóng rọi xảy ra khi chủ thể (người trong cuộc) vì một hạn hẹp hay bất lực nào đó không đạt được ước muốn của mình nên ‘phóng rọi’ ước muốn đó vào đối tượng (khách thể) mình tin yêu. Chẳng hạn như cha mẹ ủy thác hay đặt trọng vọng đỗ đạt cao vào con em mình, hoặc giả khán giả đem ước ao thành đạt hay chiến thắng đặt vào tài tử ciné hay cầu thủ/vận động viên của đội nhà. Ở đây, khi chính bản thân con người vì nỗi sợ hay một lý do nào đó không dám, hoặc không làm được một điều gì thì tất nhiên họ cần thần tượng hóa hay thúc đẩy một nhân vật dũng cảm nào đó thay thế cho họ.


-Nguồn:
Nối Vòng Tay Lớn và những Hội chứng Thời đại


Tổng số lượt xem trang