-Nguồn:--Trung Hoa và khó khăn văn hoá
Hà Dương Dực
Vài năm trước đảng Cộng sản Trung Hoa (CSTH) để tượng Đức Khổng Tử ở quảng trường Thiên An Môn, được ít lâu rồi cất đi. Năm nay đại hội Đảng CSTH lại có chủ đề : Văn Hóa.
Rõ ràng là đảng CSTH, nước Trung Hoa, đang cảm thấy bế tắc và đang đi tìm một biểu tượng, một cơ sở, một nền tảng văn hóa để chấn chỉnh lại cuộc sống xô bồ, vô cảm hiện nay.
Thật không thể ngờ một nước có cả gần ngàn năm văn hiến, có Đức Khổng Phu Tử được xưng tụng là vạn thế sư, có bách gia chư tử bàn về triết lý và văn hóa... Một nước tự nhận là trung tâm văn hóa của Á Đông từ ngàn năm rồi mà ngay nay lại đang đi tìm một nền tảng văn hóa.
Tại Đảng CSTH đã quá lơ là với vấn đề văn hóa trong một thời gian dài nên nay gặp khó khăn? hay tại văn hóa của Trung Hoa ngày nay cần hợp với tình trạng toàn cầu hóa?
Trắng và đen
Không cần mèo đen hay trắng, Trung Hoa đã có trên 20 năm phát triển kinh tế rất ngoạn mục với tỉ số phát triển rất cao, trên dưới 10% một năm. Phát triển đó đã đưa Trung Hoa thành một nước hùng mạnh về kinh tế, chỉ đứng sau Mỹ về tổng sản lượng quốc gia (GDP).
Số dân nghèo đã giảm bớt rất nhiều, đã có nhiều tỷ phú, đã tự hào là thành phố Thượng Hải tân tiến và vượt trội New York về nhiếu mặt (1) doanh nhân và sản phẩm Trung Hoa ngày nay có mặt trên khắp thế giới, Trung Hoa đã có tàu sân bay, đã chắp nối được vệ tinh trên trời...
Nếu mặt tích cực kể ra không hết thì mặt tiêu cực cũng nhiều không kém và mức độ trầm trọng lại có vẻ quan trọng hơn: tham nhũng tràn lan, chênh lệch giàu nghèo quá lớn, ô nhiễm môn trường trầm trọng v.v.
Trung Hoa đứng thứ 78/179 về trình độ tham nhũng, nó gây tổn thất chừng 86 tỷ Mỹ kim một năm, theo một thăm dò trên online của báo People's daily thì 91% người được hỏi tin là gia đình giàu ở Trung Hoa đều xuất thân từ giới chính trị (2).
Cách biệt giàu nghèo trong xã hội vốn là bình thường, ở Trung Hoa nó lại nói lên sự thiếu an ninh khi có tới 3000 công ty tư lo cung cấp vệ sĩ cho người giàu (3).
Môi trường sống đã ô nhiễm ở mức báo động, Tổ chức Y tế Thế giới (The World Health Organization) ước lượng có trên 700,000 người Trung Hoa chết hàng năm vì khí trời hay nước uống bị ô nhiễm. Chính bộ trưởng về nguồn nước của Trung Hoa ước lượng có chừng trên 300 triệu người không có nước sạch dùng (4).
Năm 2005 có chừng 227 triệu người bị bệnh tâm thần, 287000 người tự tử (tỷ lệ vào loại cao nhất thế giới) (5).
Vì chính sách:" mỗi gia đình chỉ được có một con" được áp dụng từ năm 1980 nên tới năm 2020 dân số Trung Hoa sẽ mất cân bằng khi sẽ có chừng ba chục triệu thanh niên nhiều hơn thanh nữ (6).
Vì luật một con, vì tập tục trọng nam khinh nữ, nên nhiều gia đình Trung Hoa đồng ý phá thai khi biết rằng sẽ sinh con gái. Họ hy vọng lần thụ thai sau sẽ là con trai. Con gái sinh ra lại không được nuôi dưỡng đúng nên chết nhiều hơn con trai...Không đào sâu thêm vào vấn đề tâm lý của những cặp có con gái đi phá thai trễ, con gái bị chết non... thì cũng phải nhìn nhận rằng sự mất cân bằng nam-nữ đó sẽ là một tai họa cho xã hội Trung Hoa. Tai họa đó có thể lây sang lân bang?
Trung Hoa với địa dư quá khác biệt, nhiều dân tộc, nói nhiều thứ tiếng, 3 tôn giáo chính là Phật, Gia Tô và Hồi giáo (7), vốn cực kỳ nan giải trong đời sống hài hòa, nay lại thêm các tệ hại kể trên thì thật khó tiên đoán rồi tương lai nước Trung Hoa sẽ ra sao ? Nhân dân Trung Hoa sẽ sống ra sao ?
Nói rằng xã hội Trung Hoa hiện rất xô bồ và vô cảm thì sợ rằng đó là nói chưa tới.
Phát triển không cần văn hoá?
Sau Liên Xô sụp đổ, Đặng Tiểu Bình với tư duy của người cộng sản: kết quả biện minh cho phương tiện, nên đã đưa ra khẩu hiệu mèo trắng mèo đen; nó trái ngược hẳn với văn hóa cổ truyền của Á Đông, nền văn hóa có hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng của Phật Giáo. Với người tin theo Đạo Phật thì một ý niệm nảy sinh trong đầu đã phân biệt được thiện và ác rồi.
Trắng đen trong văn hóa Trung Hoa (và Việt Nam) khác nhau như đen và trắng, như phải và trái, như thiện và ác, không thể nói rằng không cần phân biệt.
Nếu hiểu mèo trắng hay mèo đen là tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản và tư bản thì nước Trung Hoa chỉ còn có một đảng lo làm giàu, không còn ranh giới giữa vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa và tinh thần cộng đồng tương trợ. Chủ nghĩa nào cũng được, phương tiện nào cũng được, cách thức nào cũng được miễn là bắt được chuột.
Đặng Tiểu Bình đã a tòng với Mao Trạch Đông xóa bỏ luân lý xã hội, xóa bỏ mọi niềm tin của xã hội, xóa bỏ văn hóa của xã hội, chỉ cốt để phát triển kinh tế, phát triển bằng mọi giá.
Đặng Tiểu Bình đưa vài trăm triệu người vào công xưởng làm gia công cho thế giới, với đồng lương tối thiểu. Những công nhân đó bước ra khỏi cơ xưởng, nhìn bầu trời âm u, ô nhiễm, nhìn đường phố ồn ào chật chội, nhìn những xe hơi bóng nhoáng, rồi về ngôi nhà chật hẹp không có làng xóm thân quen, không có cha mẹ, vợ con. Họ nghĩ gì?
Người người tranh nhau kiếm tiền trong xã hội rộng lớn nhiều sắc dân, nhiều tiếng nói mà không có nền văn hóa chủ đạo, hay nền văn hóa lỏng lẻo thì đương nhiên cuộc sống trở nên nặng nhọc, bất trắc, người giàu đi một bước vệ sĩ theo một bước, phần đông giới bình dân thì cảm thấy bị bóc lột, bị đè nén, cách biệt, trơ trọi.
Trong 4 năm qua, mỗi năm Trung Hoa có chừng 90,000 vụ biểu tình khiếu nại, chống đối (8).
Vì thế Đảng CSTH phải đưa ông Khổng Tử ra, rồi cất ông Khổng Tử đi (vì thấy Khổng học không đủ đáp ứng cho nhu cầu hiện đại ?), để đại hội lại lo bàn về văn hóa. Trí thức Trung Hoa và thế giới góp ý không kém sôi nổi. Trương Duy Vi ca tụng mô hình Trung Hoa. Trương Duy Vi cho rằng lãnh đạo Trung Hoa đã được đảng đào tạo từ dưới lên trên và đã ấn định nhiệm kỳ là 4 năm, được tái ứng cử một lần nữa là 8 năm, như vậy sẽ tránh được tệ nạn tham nhũng và có hôn quân. Trương Duy Vi nhắc lại lịch sử nhiều triều đại Trung Hoa đã tồn tại trên 2, 300 năm để nói rằng cái "vận khí"(?) cái xu hướng chủ đạo mới (?) sẽ giúp Trung Hoa phát triển lâu dài (9).
Vương Tập Tư (Wang Jisi) trong bài bàn về Đại Chương Trình (10) thì nghĩ rằng Trung Hoa phải lo về kinh tế, an ninh, an sinh xã hội và những giá trị căn bản của Trung Hoa (China's values). Những giá trị căn bản nầy phải phù hợp với quy tắc luật pháp (the rule of law)(11), dân chủ, nhân quyền, và các giá trị phổ quát đã được thế giới công nhận.
Học giả Úc, Salvatore Babones cho rằng điều quan trọng nhất để Trung Hoa có thể phát triển bền vững lâu dài là có tự do tư tưởng thì mới có các phát minh, sáng chế để cạnh tranh với Âu Mỹ (12).
Học giả Mỹ, Ross Terrill sau khi phân tích, tìm hiểu Trung Hoa muốn gì trong một bài dài thì có nhắc tới sự thiếu vắng một nền tảng triết lý (13).
Còn có rất nhiều tác giả khác bàn về Trung Hoa nhưng tựu trung chỉ nói về vấn đề kinh tế, hay là tranh cãi về tầm mức quan trọng giữa khía cạnh tự do hay phát triển hay an ninh, hầu như vấn đề văn hóa hay giới hạn hơn là vấn đề tâm linh hay tôn giáo (với ý nghĩa là một khía cạnh chủ đạo cho cuộc sống của một quốc gia) thì không được nhắc tới.
Có nhẽ đây là điểm cần bàn luận khi nói về vấn đề văn hóa của Trung Hoa.
Làm sao có đời sống tâm linh tốt đẹp trong khung cảnh phát triển kỹ nghệ?
Khoa học ngày nay dầu đã có tiến bộ vượt bực cũng vẫn chưa xác định được 100 phần trăm chắc chắn là con người từ đâu mà sinh ra, bào thai khi nào có phần hồn? (từ bào thai thành bé nhỏ nằm trong bụng mẹ), vũ trụ như thế nào và sống chết ra sao? Con người từ đâu mà có? chết rồi linh hồn đi về đâu? nếu tin có linh hồn.Và hàng trăm câu hỏi liên quan tới phần xác, phần hồn, tới hạnh phúc...
Tất cả những thắc mắc đó cộng với khó khăn, bất trắc của cuộc sống đã khiến con người phải tự tìm cho mình một niềm tin, phải chọn cho mình một điểm tựa, phải định cho mình một điểm đến. Tạm gọi điểm đi tìm đó là nền tảng tâm linh ta có thể tóm tắt nền tảng tâm linh gồm: luân lý gia đình, giáo điều/lời khuyên/răn của các tôn giáo, điều lệ của các đảng phái, các đoàn thể độc lập trong xã hội, được một số đông tương đối trong xã hội đó/trong quốc gia đó nghe theo.
Nền tảng tâm linh như vậy có vẻ có những chỉ tiêu không thống nhất, nói quá đi thì có vẻ hơi ôm đồm. Nhưng như thế mới đủ để lựa chọn, có tự do lựa chọn, tránh được vấn đề độc tài lý thuyết, độc tài đạo giáo, độc tài niềm tin. Nền tảng tâm linh của xã hội/quốc gia chính là niềm tin, không phải một mà là nhiều niềm tin, nếu nó dung hòa với nhau thông qua luân lý, qua luật pháp thì quốc gia sẽ có cuộc sống ổn định, hài hòa, rất cần cho phát triển bền vững.
Nhìn vào bất cứ xã hội nào, quốc gia nào ta đều thấy rất nhiều dạng sinh hoạt: gia đình, đảng phái, hội đoàn, tôn giáo, thể thao, văn nghệ...
Ngày xưa ở Trung Hoa và Việt Nam đại đa số dân sống trong làng mạc, các ngày giỗ, tết, cưới xin là những dịp con cháu gần nhau, để nghe lời giáo huấn về luân lý về cách cư. xử. Ngày hội, ngày Tết là dịp dân làng tụ tập gây tình thân, tình đoàn kết. Mùng một, ngày rằm là ngày đi lễ Chùa nghe giảng giải về đạo lý. Thể thao là môn giải trí, đồng thời nó giúp mọi người biết thế nào là tuân thủ luật chơi. Điểm thắng của anh chỉ được công nhận khi anh theo đúng luật chơi, rõ ràng có sự khác biệt giữa trắng và đen...Người chơi thể thao hay khán giả đều biết điều đó.
Các sinh hoạt trong xã hội đã giúp con người và con người cần có nhiều sinh hoạt đa dạng đó, vì ở đó nó cho con người một mục đích đến, một niềm tin, một nền tảng tâm linh, hay ít nhất cũng có những giây phút thoải mái làm nhẹ mọi gánh nặng trên vai. Nó giúp cho con người không sợ sống, không sợ chết, giúp cho con người có đời sống tinh thần bình ổn...
Tụ tập ra ở chúng cư làm kỹ nghệ thì có phát triển về kinh tế như Trung Hoa đã làm. Nhưng sự kiện đó làm xáo trộn mọi sinh hoạt xưa, mọi giềng mối của nền tảng tâm linh. Nếu không dung hòa với/hay đổi mới được phong tục tập quán xưa, không bảo vệ quyền lợi người nông dân khi họ phải bán ruộng đất để xây khu kỹ nghệ, không thấy sự khác biệt trong cấu trúc gia đình của hai loại xã hội nông nghiệp và kỹ nghệ, không hiểu rằng cấu trúc đó đi theo tâm lý khác biệt rất quan trọng ...không dự trù những biện pháp để thích nghi với các vấn đề xẩy ra thì chỉ nhìn sơ qua các con số ở đầu bài đã thấy cái giá mà nhân dân Trung Hoa đã/sẽ phải trả là rất cao.
Xưa, có nhà hiền triết Trung Hoa đại khái nói rằng làm văn hóa sai thì di hại cho nhiều đời.
Bỏ quá khứ qua một bên, thì cũng phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi:"Làm sao có đời sống tâm linh tốt đẹp trong khung cảnh phát triển kỹ nghệ?"
Các nước phát triển kỹ nghệ như Mỹ, Nhật, Anh ...họ có nền tảng tâm linh của họ và trong các quốc gia đó nền tảng tâm linh giữ một phần trong vai trò hướng dẫn nhà lập pháp để soạn thảo ra các đạo luật.
Luật pháp và nền tảng tâm linh là hai thực thể có ảnh hưởng hỗ tương.
Tuyên ngôn Độc Lập của Mỹ tin rằng Tạo Hóa đã tạo dựng nên con người, Anh và Nhật tin vào đạo giáo mà tượng trưng cho tâm linh đó là nhà Vua của họ. Trợ lực cho nền tảng tâm linh đó họ có hiến pháp và luật pháp theo đúng quy tắc luật pháp (The rule of law). Các nước đó đã tiến từ quân chủ hay đang bị đô hộ, và phải trải qua nhiều trận chiến quốc tế hiểm nghèo vẫn vươn lên là nước tự do, độc lập và giàu mạnh như hiện nay, mà không phải kinh qua những bất ổn lớn của xã hội.
Lịch sử Trung Hoa thời Đông Châu Liệt Quốc đã biện minh cho sự cần thiết một nền tảng tâm linh.Khi Thiên Tử nhà Chu đã không còn chu toàn nổi bổn phận của mình thì thiên hạ đánh nhau, tranh giành làm vua, nhưng chỉ là vua chư hầu vì không ai dám giết Thiên Tử, còn tin rằng Thiên Tử là con Trời, không thể giết. Phải đợi đến khi Mạnh Tử và Tuân Tử đưa ra lý thuyết: Thiên Tử nếu không làm tốt bổn phận của mình thì cũng nên giết, có thể giết được thì Tần Thủy Hoàng mới dám chấm dứt nhà Chu để thống nhất nước Tàu, tiếp theo là nhà Hán dài trên 400 năm.
Dầu cho định nghĩa văn hóa như thế nào; mô tả, định nghĩa xã hội có văn hóa ra làm sao thì ngày nay hiển nhiên là văn hóa của quốc gia, của xã hội đó cần được xây dựng dựa trên sự nhuần nhuyễn các yếu tố:
a/ Nền tảng tâm linh.
b/ Hiến Pháp và Luật pháp theo đúng quy tắc luật pháp (The rule of law).
c/ Tuyên ngôn nhân quyền của liên hiệp quốc.
d/ Và sau cùng là luật pháp quốc tế mà quốc gia mình sống đã ký kết.
Sau khi đi theo kháng chiến giành Độc Lập, thi sĩ Quang Dũng của VN đã nói rất thâm thúy:
"Ta như những người chán một bờ nhỏ hẹp, thèm một đất đai khác, mê biển rộng, ra đi mà thiếu một địa bàn vững chắc. Nên có cái hào hứng cái nhiệt thành của người đi mà chưa có cái phong thái vững vàng và trong sáng của người đến" (14).
Cái phong thái vững vàng và trong sáng đó chính là phong thái của con người sống trong xã hội có văn hóa; một xã hội có tâm linh, có luân lý, có luật pháp minh bạch, trong sáng.
Với quá khứ cả ngàn năm văn hiến như Trung Hoa thì chuyện vượt qua khó khăn hiện tại không phải là chuyện không thể, nhưng đòi hỏi sẽ cực kỳ cao.
Hà Dương Dực
Cước chú:
1/ Theo Trương Duy Vi trong bài đối thoại với Francis Fukuyama về Mô hình Trung Quốc. Phạm Gia Minh dịch và đăng trên Viet-studies 11/6/11.
2/ Đọc Wikipedia tìm trên google.com mục China Corruption.
3/ Tin đăng trên BBC ngày 14/11/11
4/ Salvatore Babones dẫn trong bài "The Middling kingdom", Foreign Affairs 9-10/2011
5/ Theo bài The Sick Man of Asia của Yanzhong Huang đăng trên Foreign Affairs 11-12/2011.
6/ Theo báo cáo được công bố hồi tháng 4/2011 của ủy ban "State population and family planning" của chính phủ Trung Hoa
7/ Trung Hoa có trên 1.300 triệu dân, 53% dân nói tiếng quan thoại (mandarin), còn lại phần đông nói 7,8 thứ ngôn ngữ khác, không kể các nhóm dân thiểu số ở mìền núi (như vùng rừng núi biên giới VN...). Trung Hoa có trên 50 triệu tín đồ Gia Tô Giáo, 20 triệu Hồi Giáo, Đạo Phật được thống kê là có trên 100 triệu (?), chắc là nhiều hơn.
8/ Báo The Economist tháng 10/2010.
9/ Trương Duy Vi bài dẫn trên.
10/ Bài China's Search for a Grand Stategy của Wang Jisi trên Foreign Affairs tháng 3-4.2011
11/ The Rule of Law là một thành ngữ rất khó dịch, có người dịch là Pháp Quyền (dịch là pháp trị là sai). Đại cương thành ngữ nầy để chỉ Luật đã được dân chúng chấp nhận thông qua các định chế dân chủ, và khi đã được dân chấp nhận thì luật có giá trị cho tất cả mọi người, kể cả Vua.
12/ Bài đã dẫn (4).
13/ Bài What does China Want đăng trên Wilson Quarterly mùa thu 2005. Viet-studiesphỏng dịch đăng ngày 22-7-2011.
14/ Trong bài "Mấy ý nghĩ về thơ" Quang Dũng viết đăng trên báo Văn Nghệ 1956. Lại Nguyên Ân sưu tầm và đăng trên Viet-studies tháng 11.2011.
-WORLD: Protests Continue in Wukan NYT -Senior officials from coastal Guangdong Province in south China plan to meet Wednesday morning with protesters who have taken control of Wukan village.
Officials Agree to Meet With Protesting Chinese Villagers NYT -Senior officials from Guangdong Province plan to meet Wednesday with protesters who have taken control of Wukan village to try to resolve an incendiary dispute over secret land sales.------