VRNs (31.12.2011) – Sài Gòn – Chương 7: Chết Bởi Chính Sách Thực Dân Của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang tiêu thụ phân nửa lượng xi măng thế giới, gần phân nửa số thép thế giới, một phần ba số lượng đồng, và một phần tư lượng nhôm, cùng với những số lượng lớn lao về đủ mọi thứ từ antimony, chromium, và cobalt cho đến lithium, gỗ, và kẽm… Tất cả những tài nguyên thiên nhiên này từ các quốc gia khác nhau trên thế giới mà Trung Quốc hiện nay muốn giành lấy hết cho riêng mình để xử dụng cho hạ tầng sản xuất và bộ máy tạo công ăn việc làm của họ. Bắc Kinh đã dùng chiến lược “Mồi Câu và Lật Lọng” để khuynh loát các xứ chậm tiến.
Thứ nhất là thu tóm tài nguyên thiên nhiên. Lãnh đạo Bắc Kinh gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, hay Bộ trưởng của họ đi đến thủ đô của vài quốc gia xa xôi như Djibouti hay Niger, Somalia. Họ đến vẫy tay với tấm ngân phiếu to lớn hứa hẹn sẽ cho những khoản tiền vay hấp dẫn với lãi xuất thấp để xây dựng hạ tầng dân sự lẫn quân sự – như đường xá, hải cảng và đường xa lộ, một cung điện nguy nga và sang trọng cho những tay bạo chúa hay những khẩu súng AK 47 dùng để kềm kẹp một dân tộc bất mãn dưới gót giày áp bức. Để đổi lấy sự hào phóng của Trung Quốc, tất cả những thuộc địa vừa chớm nở phải làm hai điều: Một là họ phải trao quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên để đổi lấy tiền vay. Hai là phải mở cửa thị trường cho tất cả những sản phẩm công xưởng Trung Quốc đã sản xuất từ những nguyên liệu mà thuộc địa cung ứng.
Sau khi thu tóm quyền kiểm soát những tài nguyên thiên nhiên vốn tiêu biểu cho của cải thực sự của một thuộc đia, Bắc Kinh xuất khẩu những tài nguyên này ngược trở lại Trung Quốc thay vì cho phép thuộc địa xử dụng những tài nguyên này để phát triển kinh tế của chính họ. Sau đó tái xuất khẩu những nguyên liệu trở lại thuộc địa dưới những hàng hóa đã chế biến. Điều này như vậy đã tạo ra việc làm cho mẫu quốc, gia tăng lợi nhuận của những công ty mẫu quốc, và dĩ nhiên kéo dài tình trạng thất nghiệp tại thuộc địa. Những gì còn lại trong thuộc địa phần lớn chỉ là những công việc với đồng lương rẻ mạt trong các kỹ nghệ khai thác, trong khi tất cả những công việc sản xuất có giá trị cao đều chuyển đến Quảng Châu, Thành Đô hay Thượng Hải.
Thứ hai là di dân sang các thuộc địa. Tình trạng nghèo nàn và nội chiến của Phi Châu là hệ quả trực tiếp thủ đoạn dùng tiền mua chuộc của Trung Quốc. Ngay từ đầu của mối quan hệ thực dân, Trung Quốc hứa hẹn rằng tất cả những món tiền cho vay để xây dựng hạ tầng cơ sở của xứ thuộc địa sẽ mang lại nhiều công việc làm và lương cao cho người dân địa phương. Tuy nhiên, sau khi ký xong giao kèo, Trung Quốc đã lật lọng: thay vì thuê mướn những kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân xây dựng và những công ty vận tải bản xứ, Trung Quốc đã lặng lẽ xuất cảng “đạo quân một triệu người” của chính họ sang làm việc.
Tham vọng của Trung Quốc là xuất khẩu hàng triệu công dân Trung Quốc một cách có hệ thống sang những quốc gia vệ tinh ở Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh để giảm bớt áp lực nạn nhân mãn tại Đại lục. Trong tập sách “China Safari”, một nhà khoa học Trung Quốc mô tả chiến lược di dân này như sau: “Chúng tôi có 600 con sông ở Trung Quốc, 400 trong số này đã bị chết bởi ô nhiễm… chúng tôi sẽ phải gửi đi ít nhất 300 triệu người sang Phi Châu…” Khi Namiba không thể trả nổi hàng tỉ Mỹ kim tiền vay, Bắc Kinh đã xiết nợ bằng cách buộc chính quyền Namiba phải chấp nhận để cho hàng ngàn gia đình người Trung Quốc di dân sang Namiba. Thỏa ước mật này bị tiết lộ qua WikiLeaks khiến cho người dân xứ này phẫn nộ dữ dội.
Thứ ba tại sao Trung Quốc được đón tiếp nhiều nơi. Đa số những quốc gia đón chào Trung Quốc là những nhà nước độc tài, nơi mà những luật lệ được ban hành bởi các tay quân phiệt, cộng sản, những tên sát nhân hàng loạt vô nhân tính, hoặc những nhà nước dân chủ trá hình. Các thể chế dân chủ giả mạo như Angola, Sudan, Zimbabwe luôn luôn đứng đầu trong danh sách các quốc gia này. Tại những quốc gia Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh khác, có đặc điểm là nền dân chủ rất yếu hoặc phe quân đội nắm quyền lực mạnh mẽ. Nguyên tắc thực dân của Trung Quốc dựa trên điều mà Hồ Cầm Đào, chủ tịch nước Trung Quốc đã nói trước Quốc hội Gabon là: “Chỉ có kinh doanh, không đề cập tới chính trị.”.
Khi Hoa Kỳ cắt đứt ngoại giao và thương mại với Sudan vì chính quyền này đã đàn áp và giết chết nhiều người Phi Châu tại Darfur, hoặc khi Liên Hiệp Quốc áp dụng lệnh cấm vận quân sự vào bờ biển Ngà hoặc Siera Leone, hoặc khi Châu Âu áp lực Etriea hoặc Somalia, hay khi toàn thế giới chống lại nhà độc tài Robert Mugabe của Zimbabwe thì Bắc Kinh lại đi cửa hậu để tranh thủ họ. Bắc Kinh đưa một số những đề nghị béo bở với các tay độc tài này – bất cứ điều gì đối tác mong muốn – từ các vũ khí hạng nhẹ và máy bay chiến đấu đến các máy tính đời mới và hệ thống viễn thông hiện đại để giúp họ củng cố quyền lực hầu làm ăn với Bắc Kinh.
Chương 8: Chết Bởi Sự Trổi Dậy Của Quân Đội Trung Quốc.
Trong 20 năm vừa qua, Bộ binh, Không quân, và đặc biệt là Hải quân Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt vĩ đại về phía trước trở thành lực lượng được trang bị dữ dội nhất trên thế giới.
Thứ nhất là tăng cường bộ binh: Từ thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã dựa trên một chiến lược quân sự là “đánh phủ đầu”. Ngày nay, mặc dù Trung Quốc đang hướng tới một cái nhìn hiện đại hơn về chiến tranh, vẫn tiếp tục duy trì một lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới. Lực lượng này có đến 2,3 triệu; nhiều hơn tổng số quân của Gia Nã Đại, Đức, Hoa Kỳ và Anh cộng lại. Hơn nữa, bộ binh Trung Quốc được trang bị dồi dào nhất thế giới gồm xe tăng, pháo binh và vận chuyển. Chỉ riêng xe tăng không thôi, 6,700 xe tăng của Trung Quốc vượt xa 1,100 xe tăng của Đài Loan, 2,300 xe tăng của Nam Hàn và 1,000 xe tăng của Việt Nam. Ngay cả Hoa Kỳ ở giữa hai cuộc chiến ở Châu Á chỉ có khoảng 5,000 xe tăng. Biểu tượng của sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ mới của Hồng Quân Trung Quốc là loại tăng chiến đấu “Type 99”, vốn là vũ khí tiên phong ngày nay cho nhu cầu hiện đại hóa lực lượng bộ binh của Trung Quốc.
Thứ hai là đánh cắp kỹ thuật để tự xây dựng lực lượng không quân. Hai chiếc máy bay “cá mập bay” (Flying Shark) có tên là Thẩm Dương J-11B và J-15 mà Trung Quốc sử dụng hiện nay đã đánh cắp từ kỹ thuật của hai chiếc Su-27 và Su-33 của Nga. Chiếc phản lực Thunder J-17 được Trung Quốc phỏng chế một cách bí mật từ một số những kỹ thuật quân sự nhạy cảm mà họ lấy được của Âu Châu. Và mới đây, Không quân Trung Quốc còn tiết lộ cho thế giới thấy là họ đã chế được loại máy bay không người lái (drones), mô phỏng từ loại máy bay không người lái mà Hoa Kỳ đã xử dụng rất hiệu quả ở hai chiến trường Iraq và A Phú Hãn. Ngoài ra, loại máy bay chiến đấu tàng hình Chendu J-20 “Ó Đen” (Black Eagle) đánh cắp kỹ thuật từ Hoa Kỳ nhưng lại vượt xa máy bay tàng hình F-22 của Hoa Kỳ về khả năng không kích khá chính xác những mục tiêu trên mặt đất bao gồm cả sức chứa nhiên liệu để bay đường dài và có thể mang số lượng lớn về bom và hỏa tiễn.
Thứ ba là thách thức lực lượng hải quân Hoa Kỳ. Chính sức mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ khiến cho các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc ngày đêm lo sợ là một ngày nào đó, hải quân Hoa Kỳ sẽ phong tỏa toàn bộ con đường vận chuyển 80% dầu hỏa của Trung Quốc để trả đũa những toan tính bành trướng xâm lấn trên biển Đông. Do đó, những nhà chiến lược quân sự Trung Quốc đã tiến hành một chiến lược phản công gồm 2 mũi nhọn: Một là đẩy mạnh chế tạo Hàng không mẫu hạm. Hai là hoàn chỉnh hỏa tiễn tối tân để tiêu diệt Hàng không mẫu hạm của đối phương, được Ngũ Giác Đài gọi là Hỏa Tiễn BAMer viết tắt của Ballistic Anti-ship Missile (Hỏa tiễn chống tàu thủy). Việc Trung Quốc cố hoàn chỉnh Hỏa tiễn BAMer đang làm cho Hoa Kỳ quan ngại và có thể làm đảo lộn tình thế khi mà vòng đai an toàn của các Hàng không mẫu hạm của Mỹ bị đe dọa. Hiện nay, Trung Quốc đang sử dụng sa mạc Gobi làm nơi thực tập tác xạ Hỏa tiễn BAMer, trước khi mang nó ra thực tập trên biển vì theo tác giả là không phải dễ bắn trúng những mục tiêu nhấp nhô trên sóng biển từ cả ngàn dặm.
Thứ tư là chế tàu ngầm để vượt ra biển xanh. Không có hạm đội Hàng Không Mẫu Hạm nào hoạt động hiệu quả nếu không có lực lượng tàu ngầm hùng mạnh chạy thật êm và thật sâu. Trung Quốc đã và đang âm thầm xây dựng một lực lượng tàu ngầm, chẳng bao lâu sẽ lớn nhất thế giới. Trung Quốc đang sở hữu thế hệ mới nhất của những tàu ngầm chạy bằng tổng hợp điện – dầu cặn (Diesel – Electric) rất nhanh và yên lặng nên nó có thể bám sát và theo dõi những tàu chiến của Hoa Kỳ mà rất ít khi bị phát hiện. Ngoài ra, những tàu ngầm mới hơn của Trung Quốc thuộc loại yuan Class, nó còn chạy im hơn và có thể hoạt động dưới biển trong một thời gian rất dài nhờ vào một hệ thống “động cơ không cần không khí”. Ngoài ra để bảo đảm khả năng đưa được lực lượng hải quân chiến đấu tới những vùng biển xanh xa xôi như tận bờ biển California chẳng hạn, Trung Quốc đã chế một số tàu ngầm mang hỏa tiễn loại 094 Jin Class, bắn xa đến tận thành phố Savannah hay thành phố Missouri vùng Đông Nam Hoa Kỳ.
Chương 9: Chết Bởi Gián Điệp Trung Quốc.
Hàng ngày có hàng ngàn gián điệp chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của Trung Quốc đang thu thập tin tức tình báo ở những văn phòng, nhà máy và trường học Hoa Kỳ, Âu Châu và những quốc gia khác nhau như từ Brazil, Ấn Độ đến Nhật và Nam Hàn. Và mỗi phút trong ngày, hàng trăm tin tặc Trung Quốc khống chế hàng ngàn máy điện toán để triệt phá tường lửa bảo vệ của các hệ thống thông tin kỹ nghệ, tài chánh, học đường, chính trị và quân sự trên toàn thế giới nhằm tìm kiếm những dữ kiện quý báu và âm thầm truy cập những kẽ hở có thể khai thác để tấn công và phá hoại trong tương lai.
Thứ nhất là gián điệp Trung Quốc xâm nhập như thế nào. Chính phủ Trung Quốc và nhiều ngành công nghiệp quốc doanh đã tích cực mở ra một chiến dịch hoạt động tình báo với ba mũi nhọn rất tinh vi chống lại nhiều quốc gia trên thế giới – đặc biệt, các đối thủ lớn như Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Chiến lược 3 mũi nhọn này bao gồm các trung tâm nghiên cứu, kỹ nghệ và những cơ quan chính quyền với mục đích đánh cắp những thông tin giá trị về tài chánh, kỹ thuật, và chính trị, đồng thời chuẩn bị cho những cuộc tấn công gây rối và phá hoại trong trường hợp xảy ra chiến tranh nóng. Trung Quốc có khoảng 100 ngàn gián điệp chính thức hay điềm chỉ viên, không kể những gián điệp tài tử, và một số lớn những cá nhân làm việc như những gián điệp bên trong những cơ quan chính phủ Trung Quốc. Đa số những gián điệp chính thức của Trung Quốc là những ký giả, nhiếp ảnh gia, thành viên của các tổ chức NGO, những thương gia, kỹ sư và học giả người Trung Quốc. Những điệp viên chuyên nghiệp này có thể không có điều kiện thu thập những thông tin quan trọng nhưng họ sẽ tập trung tuyển mộ những điềm chỉ viên để qua đó lấy những tin tức cần thiết.
Thứ hai là gián điệp Trung Quốc hoạt động ra sao? Trong lãnh vực hoạt động gián điệp công nghiệp, mạng lưới này được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm những công nghệ mới, những bí mật thương mại và phương pháp thực hiện. Trong mặt trận quân sự, mạng lưới này có mục tiêu kiếm được từ những hệ thống vũ khí mới cho đến những thông tin chi tiết hơn về các căn cứ và các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ. Trong cả hai hoạt động tình báo công nghệ và quân sự, yêu cầu của gián điệp Trung Quốc là hăng say, kiên nhẫn như đàn ong. Qua từng thập niên, hàng ngàn gián điệp “ong thợ” (worker bee) và những nhóm thu thập tin tức cần cù hút những thông tin nho nhỏ từ các phòng nghiên cứu đại học, những phòng nghiên cứu nhạy cảm quốc gia, những đại học Hoa Kỳ, những công ty mới khởi đầu tại Silicon Valley, và những công ty liên hệ đến quốc phòng.
Thứ ba là một số gián điệp Trung Quốc bị phát hiện tại Hoa Kỳ. Trong khi những người Mỹ gốc Hoa chiếm số lượng lớn trong mạng lưới gián điệp Trung Quốc, những tay trùm tình báo Trung Quốc đôi lúc cũng đã thành công trong việc “cải hóa” những người không phải gốc Hoa thành những tay gián điệp theo cách Liên Xô cũ. Chẳng hạn, Mộ Khả Thuấn (Moo Ko Suen), người Nam Hàn đã cộng tác làm gián điệp cho Trung Quốc, tìm cách đến kho máy bay tại Floria để mua một đầu máy phản lực có quạt chạy bằng Turbine của hãng GE sản xuất, thiết kế cho phi cơ chiến đấu F16. Quan thuế Hoa Kỳ đã phá vỡ âm mưu này và họ Mộ đã bị bắt giữ hồi tháng 5 năm 2006. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng đã thất bại trong một số vụ, điển hình là Phát Hoán Quyền (Park Hwan Kwon), một người Nam Hàn làm việc cho tình báo Trung Quốc. Phát đã thành công trong việc xuất khẩu hai đầu máy trực thăng Backhawk sang Trung Quốc thông qua một công ty Mã Lai. Tuy nhiên, sau đó, Phát Hoán Quyền đã bị bắt tại phi trường Dulles, Hoa Thịnh Đốn khi tìm cách bay qua Trung Quốc với một va-li chứa đầy những trang bị quân sự để quan sát ban đêm.
Trong khi nhiều gián điệp Trung Quốc gần như là nghiệp dư như Mộ và Phát, một số gián điệp – được gọi là “đặc vụ chìm” (sleeper agents) – được Trung Quốc cố ý cài lâu dài trong nước Mỹ. Đó là trường hợp Tôn Đông Phương (Chung Dong Fan), kỹ sư làm việc 30 năm cho hãng Boeing đã thu thập những thiết kế của Phi thuyền con thoi và Hỏa tiễn Delta IV chuyển cho Bắc Kinh. Khi bị bắt, Tôn Đông Phương đã giấu nhẹm được 3 triệu Mỹ Kim, và bị tìm thấy hơn 300,000 trang tài liệu kỹ thuật trong nhà, cùng với các ghi chép về những điều mà họ Tôn hy vọng sẽ giúp cho “mẫu quốc của mình.”
Đoàn Hùng
--Chết bởi Trung Quốc (5): Chủ trương tin tặc, khống chế vũ trụ và ô nhiễm môi trường của Trung Quốc - 01.01.2012
VRNs (01.01.2012) – Sài Gòn – Chương 10: Chết Bởi Tin Tặc Đỏ Của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tổ chức những lữ đoàn Tin Tặc Đỏ chuyên thâm nhập vào cơ quan NASA, Ngũ Giác Đài và Ngân hàng Thế giới; tấn công phòng Kỹ nghệ và An ninh của Bộ thương mại Hoa Kỳ rất mạnh đến nỗi Bộ này phải hủy bỏ hàng trăm máy điện toán; xóa sạch ổ dĩa cứng chứa dự án hỗn hợp phi cơ chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin, và gần như dội bom rải thảm vào hệ thống kiểm soát không lưu của Không quân Hoa Kỳ. Chúng cũng đã xâm nhập vào những máy điện toán của những dân biểu có đầu óc cải cách trong Ủy ban ngoại giao Hạ Viện vân, vân…
Giống như các hoạt động gián điệp, mỗi ngày, hàng ngàn người được gọi là “tin tặc” liên tục thăm dò, phá hoại và đánh cắp những định chế của Phương Tây – cũng như các đối thủ Á Châu như Nhật Bản và Ấn Độ, với nhiều mục tiêu khác nhau như phá hoại những trang nhà hay tấn công ồ ạt, vũ bão các máy chủ (servers) với “từ chối dịch vụ” DdoS, đánh cắp những thông tin có giá trị hay phá hủy dữ kiện nhằm gây ra những thiệt hại hạ tầng đáng kể. Nhưng mục tiêu then chốt mà tin tặc Trung Quốc nhắm đến là kiểm soát những hệ thống vốn kiểm soát những tài sản vật lý. Chẳng hạn, một nhóm các gián điệp vi tính Trung Quốc có thể đóng cửa mạng lưới điện của New England để “trừng phạt” Hoa Kỳ về hành động như chào đón Ngài Đạt Lai Lạt Ma đến Tòa Bạch Ốc hay bán vũ khí cho Đài Loan. Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc đã:
Thứ nhất là tổ chức những nhóm tin tặc đỏ. Tất cả các hoạt động chính của lữ đoàn tin tặc đỏ Trung Quốc có một điểm chung, họ là cánh tay nối dài và nằm dưới sự giám sát lỏng lẻo của đảng Cộng sản. Tất nhiên, đảng giữ một khoảng cách – chính là để họ luôn luôn có thể đưa ra một sự phủ nhận khả dĩ đối phó với bất cứ tình huống nào xảy ra – như cuộc tấn công vào Ngũ Giác Đài, cướp quyền truy cập mạng 18 phút đồng hồ, cuộc tấn công vào mã nguồn (source code) của Google… Những kẻ gọi là đạo quân “tin tặc’ Trung Quốc sẽ không bao giờ hiện hữu nếu không có bàn tay chỉ đạo của Bắc Kinh.
Đạo quân tin tặc Trung Quốc đã tổ chức thành hàng ngàn nhóm nhỏ với những tên như Đội Quân Xanh (Green Army Corps), Nhóm Cua (Crab Group), và thậm chí tất cả đám nữ tặc gom lại như Lục Hoàng Hoa (Six Golden Flowers). Trung Quốc thậm chí còn có hàng trăm “trường tin tặc’ dạy nghệ thuật hack cho đám thanh niên giỏi vi tính. Trong khi đó, chính phủ trung ương Trung Quốc cho phép những nhóm như Liên Hiệp Tin Tặc Trung Quốc (China Hacker Union) được công khai hoạt động và thậm chí được duy trì những cơ sở thương mại trong khi bóc lột người ngoại quốc – miễn là chúng không tấn công vào các trang mạng hay nhu liệu nội địa.
Thứ hai là ra lệnh tấn công một số vụ điển hình.
-Vụ nổi tiếng nhất có tên là “Operation Aurora”, nhằm tấn công có hệ thống vào công ty Google cùng với 200 công ty Hoa Kỳ khác từ Adobe, Dow Chemical, và DuPont đến Morgan Stanley và Northrop Grumman. Trong kế hoạch này, tin tặc Trung Quốc trước hết làm quen với nhân viên của những công ty nhắm đến thông qua những trang mạng xã hội khá thịnh hành như Facebook, Twitter và LinkedIn. Sau khi khởi động những chat qua lại, tin tặc liền dụ những người bạn mới này đến viếng một trang mạng chia xẻ hình ảnh, vốn là bình phong có cài mã độc Trung Quốc. Khi những nhân viên của công ty “cắn mồi”, máy điện toán của họ bị nhiễm mã độc có nhiệm vụ thu thập và chuyển tên sử dụng (usernames) và mật khẩu (password) của người nhân viên về cho tin tặc. Những tin tặc Bắc Kinh sau đó xử dụng thông tin đánh cắp để truy cập các số lượng lớn dữ kiện giá trị của công ty – kể cả mã nguồn quý báu của Google.
-Vụ thứ hai là Cướp Mạng Toàn Cầu. Trong 18 phút vào tháng 4 năm 2010, công ty viễn thông quốc doanh Trung Quốc đã cướp đi 15% lưu thông Internet trên thế giới, bao gồm những dữ kiện từ quân đội, những tổ chức dân sự Hoa Kỳ và những tổ chức đồng minh Hoa Kỳ. Vụ chuyển hướng rộng lớn những dữ kiện này hầu như nhận được sự chú ý của rất ít các phương tiện truyền thông chính dòng, bởi vì phương cách tiến hành vụ đánh cướp ra sao và những phức tạp của vụ này rất khó nắm bắt cho những người không liên hệ tới cộng đồng an ninh mạng.” Tin tặc Trung Quốc dùng chiến thuật “cướp đường” (Route Hijacking) với mục tiêu chứng tỏ cho thế giới biết họ có khả năng giành quyền kiểm soát bất cứ lúc nào một phần đáng kể mạng Internet toàn cầu.
-Vụ thứ ba là Đánh Cắp Tên Miền. Tin tặc Trung Quốc cũng đã nhúng tay vào rất nhiều vụ đánh cắp tên miền (DNS). DNS là chữ viết tắt của Domain Name Services và chính những trị số DNS này lập nên “điện thoại niên giám” (phonebook) của mạng Internet. Việc thao túng tên miền xảy ra khi những dữ kiện DNS không đầy đủ được dùng để ngăn chận những người dùng Internet trên thế giới không được vào các trang mạng mà đảng Cộng sản coi là kẻ thù. Việc thao túng DNS có nghĩa là sự kiểm duyệt Internet của Trung Quốc bây giờ vượt quá biên giới của họ và tình thế sẽ chỉ xấu đi hơn khi mà Trung Quốc cố thu tóm nhiều quyền hạn trên mạng Internet.
Thứ ba là cài cắm con Chip Mãn Châu trong những máy vi tính bán ra thị trường chờ lệnh tấn công. Trung Quốc đã cho thiết kế một con chip “cửa sau” (Backdoor) điều khiển từ xa, trong hệ thống điều hành của một máy điện toán, hay một cách khác, thiết lập “mạch sát thủ” (a kill switch) gắn trong con chíp đặc chế và phức tạp của máy điện toán, và khó phát hiện. Trung Quốc sau đó xuất khẩu một cách bí mật những con chíp Mãn Châu và con chíp “cửa sau” đến Hoa Kỳ, ở đó chúng trở thành một phần của hệ thống lớn hơn vốn thực hiện những chức năng bình thường của chúng. Các thiết bị Mãn Châu nằm chờ một số loại tín hiệu cho phép của Bắc Kinh hoặc đóng hoặc chiếm quyền kiểm soát của dụng cụ – có lẽ là một hệ thống thiết yếu như trụ điện, hệ thống xe điện ngầm, hay một thiết bị định vị toàn cầu.
Chương 11: Chết Bởi Những Chương Trình Khống Chế Không Gian Của Trung Quốc.
Chương trình khai phá không gian của Trung Quốc đặc biệt đáng thán phục và ráo riết. Trong vài thập niên tới đây, họ có kế hoạch gởi những phi vụ lên cả mặt trăng và hỏa tinh, trong khi chỉ năm ngoái thôi, Trung Quốc đã phóng lên quỹ đạo 15 trọng tải (payloads). Lịch trình phóng đầy tham vọng này đã làm cho họ trở thành quốc gia đầu tiên sánh kịp Hoa Kỳ trong lãnh vực này; và Trung Quốc rõ ràng đang trên đường qua mặt Hoa Kỳ về số lượng phóng; ngay đúng thời điểm Hoa Kỳ hoàn tất sứ mạng phi thuyền con thoi cuối cùng và kết thúc chương trình.
Thứ nhất là chương trình thám hiểm không gian của Trung Quốc. Trung Quốc có ba lý do để theo đuổi thám hiểm không gian. Thứ nhất là sự phát triển của nhiều ngành công nghệ mới và đa dạng. Thứ hai là khai thác và vận chuyển trong tương lai những nguồn năng lượng và nguyên vật liệu thô trọng yếu từ không gian đến những nhà máy Trung Quốc. Thứ ba là tìm một hành tinh khác để giải quyết nạn nhân mãn và đang nóng lên nhanh chóng của trái đất. Vì thiếu hụt ngân sách, Hoa Kỳ đang lơ là về việc nghiên cứu không gián thì Trung Quốc trái lại rất tích cực dành nhiều tài chánh và phương tiện cho thám hiểm không gian. Lý do là Trung Quốc muốn đi tìm trong không gian nhiều thứ kim loại quý và nguyên liệu khác từ lớp vỏ của mặt trăng hay từ các tiểu hành tinh gần trái đất.
Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm các nguyên liệu như nhôm, vàng, và kẽm trong vũ trụ. Từ tầm nhìn viễn kiến của Trung Quốc, họ có thể thu được những thứ có giá trị cao hơn trên mặt trăng. Đó là nguồn năng lượng phân hạch (nuclear fusion energy). Khác với những nhà máy điện hạt nhân đang có nhiều vấn đề, năng lượng phân hạch sẽ vừa an toàn, vừa sạch và thực sự quá rẻ. Và điều này liên quan đến mặt trăng: một thành tố mà các khoa học gia tin rằng sẽ giúp thực hiện phản ứng phân hạch là chất Helium 3 – một chất đồng vị cực kỳ hiếm được coi là có nhiều trên mặt trăng.
Thứ hai là vấn đề chiến tranh không gian. Nước Mỹ hiển nhiên vẫn còn nắm giữ thế thượng phong trong chiến lược không gian hiện nay. Từ thế thượng phong đó, cả kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ đều phụ thuộc nặng nề vào một hệ thống phức tạp gồm 400 vệ tinh quỹ đạo vốn cung cấp tất cả các loại, từ trinh sát và dẫn đường cho đến viễn thông và đo đạt từ xa hay còn gọi là viễn trắc (Telemetry). Đó chính là mạng lưới đáng phục đang cung cấp cho những lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ một sức mạnh gần như là siêu nhiên trong con mắt của kẻ thù. Tuy nhiên, Trung Quốc không chịu thua. Trung Quốc đang tiến hành ít nhất 2 biện pháp phòng thủ để đối phó với lợi thế không gian của Hoa Kỳ. Thứ nhất là phá hủy một phần hay toàn bộ những vệ tinh của Hoa Kỳ. Thứ hai là – đạt được mục đích như vậy nhưng không cần phá hủy – đơn giản là làm mù những con chim trinh sát của Hoa Kỳ. Trong lãnh vực phá hủy các vệ tinh, Trung Quốc đã thí nghiệm một số phương pháp để làm nổ tung – hay đúng ra là bắt cóc – các vệ tinh của Hoa Kỳ.
Thứ ba là đối đầu với Hoa Kỳ. Chiến lược quân sự mà Trung Quốc đang tính toán hiện nay đó chính là sự tập trung trên cái gọi là “chiến tranh bất đối xứng” (asymmetric warfare). Tuy Trung Quốc đang đối diện với một thất thế đáng kể về mặt kỹ thuật so với Hoa Kỳ, nhưng những nhà chiến lược Trung Quốc đang liên tục tìm tòi những cách bất ngờ và ít tốn kém nhất để vô hiệu hóa, tiêu diệt hay đánh bại những sức mạnh kỹ thuật lớn nhất của Hoa Kỳ. Đó là hỏa tiễn đạn đạo chống tàu thủy tương đối rẻ tiền có khả năng đánh chìm một Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ – hay ít nhất khiến nó phải sợ để quay đầu chạy trốn về quần đảo thứ nhì. Ngoài ra, Trung Quốc có thể xử dụng loại vũ khí chống vệ tinh trên không gian để có thể phá hoại hệ thống GPS và hệ thống vệ tinh viễn liên của Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Chương 12: Chết Bởi Ô Nhiễm Môi Trường Trầm Trọng Của Trung Quốc.
Trung Quốc không phải là sắc dân ngu đần. Nhưng những gì mà giới kinh doanh và lãnh đạo nhà nước đang làm cho không khí, đất và nước của xứ sở họ – với sự chấp nhận ngầm của đa số người dân – phải là một trong những hành vi mù quáng nhất, thiển cận nhất, và tự hủy diệt nhất đối với Mẹ Thiên Nhiên mà thế giới chưa từng chứng kiến.
Dĩ nhiên, các quan chức đảng Cộng sản quen biện hộ cho những tội ác chống lại Mẹ Thiên Nhiên bằng lối ngụy biện rằng đế chế non trẻ của họ hãy còn trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế. Họ nhấn mạnh rằng ít nhất một số hư hại môi trường được ước đoán sẽ xảy ra trước khi Trung Quốc Đỏ tạo nên một quá trình chuyển đổi “không thể tránh khỏi” thành Trung Quốc Xanh. Chính quyền Trung Quốc muốn đánh đổi không khí, nước và đất của họ lấy tiền và giành một phần thị trường thế giới lớn hơn.
Thứ nhất là bầu trời Trung Quốc không có màu xanh. Trung Quốc hiện có 100 thành phố với hơn 1 triệu dân và hầu hết mọi người trong đám đông dày đặc này bị bao phủ trong đám hơi độc của a-xít lưu huỳnh (Sulfur dioxide) và những hạt bụi xuyên lủng phổi (lung-piercing particulates). Hơn nữa, trong số 20 thành phố lớn nhất thế giới đang bị ô nhiễm nặng nề nhất thì Trung Quốc chiếm 16 thành phố. Lý do là Trung Quốc lệ thuộc đến 75% nguồn năng lượng than đá, nhưng lại không có nỗ lực nghiêm chỉnh để giải quyết việc dùng than một cách sạch sẽ. Khắp Trung Quốc, than được vận chuyển, đốt và thải khói với rất ít kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và thậm chí còn ít quan tâm hơn về những ảnh hưởng của nó trên đời sống con người và súc vật. Trong nhiều gia đình nông thôn Trung Quốc, than sống vẫn còn được đốt để nấu ăn và sưởi ấm – với rất ít hay không thông gió.
Than hiện diện khắp nơi trong nền kinh tế Trung Quốc nên chiếm tới 90% khí thải a-xít lưu huỳnh – thành phần chủ yếu của sương mù. Sự lệ thuộc vào than đá quá lớn như vậy cũng là lý do tại sao không khí ở Trung Quốc lại chứa đầy các hạt bụi chất thải chết người; chúng có thể xâm nhập sâu và xé rách mô phổi. Với mỗi 100 tấn a-xít lưu huỳnh, hạt bụi chất thải, hay thủy ngân chết người mà những nhà máy Trung Quốc tung lên vùng trời Trung Quốc, hàng ngàn cân Anh của những chất ô nhiễm này, cuối cùng sẽ đi vào mắt, phổi, cổ họng và hệ thống thần kinh của người dân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau đó cả ở Bắc Mỹ.
Thứ hai là không có nước sạch để uống. Chiếm 20% dân số thế giới, nhưng Trung Quốc chỉ có 7% nước ngọt; nhiều vùng đất rộng lớn của lãnh thổ này – bao gồm 100 thành phố – phải chịu hạn hán triền miên. Bất chấp nạn khan hiếm nước uống như thế, giới kinh doanh và chính quyền Trung Quốc đã để cho 70% sông, hồ suối và 90% nguồn nước ngầm của họ trở nên ô nhiễm trầm trọng. Hơn nữa, tại những khu công nghiệp như Sơn Tây, nhiều nước sông bị nhiễm độc không thể sờ tay vào. Sự nguy hại này gây ra bởi dòng thác của hàng tỷ tấn chất thải công nghiệp phần lớn không được giải quyết, những phân hóa học và nước cống từ người và thú vật tuôn ra từ mọi nơi, từ những nhà máy hóa học, nhà máy bào chế thuốc và phân bón cho đến nhà máy thuộc da, nhà máy sản xuất giấy và những trại nuôi heo. Chính vì sự phóng uế không nao núng này, một tỷ dân Trung Quốc phải uống nước ô nhiễm hàng ngày trong khi ít nhất 700 triệu trong số những người này, phải cam chịu dùng nước uống có “gia vị” chất thải của người và thú vật.
Thứ ba là đất nhiễm độc. Đất canh tác của Trung Quốc – nơi nuôi sống 22% dân số thế giới – đang đối mặt với nạn ô nhiễm và suy thoái. Sự suy thoái chất lượng đất trở thành một phó sản đáng lo ngại nhất của sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc. Những kim loại nặng đang tích tụ trong đất, làm chai mặt đất, giảm màu mỡ và những tàn dư của phân hóa học và thuốc trừ sâu xuất hiện trong các nông sản, gây ngộ độc cho cả con người và gia súc. Gần đây, khoảng 10 triệu mẫu tây đất trồng trọt – tương đương với 10% đất trồng trọt nội địa đã bị nhiễm độc.
Còn một vấn đề nữa là Trung Quốc sẵn sàng – quả thực, tới độ hăng hái quá mức – muốn làm bãi rác thải cho những loại hợp chất độc hại tân tiến nhất chưa từng có: cái gọi là “bãi rác điện tử”. Bãi rác điện tử như thế gồm những máy điện toán hư, điện thoại di động lỗi thời và các đồ điện tử khác; và đó thực sự là một hỗn hợp kim loại nặng không giống một hỗn hợp nào khác. Hiện có tới 50 triệu tấn chất thải điện tử được tạo ra trên toàn cầu mỗi năm – đủ để chất đầy đoàn xe tải thu gom rác xếp hàng dài tới nửa vòng trái đất;” và đương nhiên, Trung Quốc dự trữ đủ xe tải chở rác để thu gom tới 70% số rác thải điện tử đó.
Đoàn Hùng
Chết bời Trung Quốc (6): Lãnh đạo tàn ác, độc tài và những kẻ phò Trung Quốc
VRNs (02.01.2012) – Sài Gòn – Chương 13: Chết Bởi Những Tàn Ác Của Lãnh Đạo Trung Quốc.
Trong “thiên đường” của những công nhân Trung Quốc, kẻ thù thông thường nhất của đảng Cộng sản lại là những công dân của chính họ. Tại những phần đất bị chiếm đóng như Tây Tạng, Nội Mông, và Tân Cương, những kẻ thù của đảng Cộng sản Trung Quốc này cũng là những người bản xứ can đảm đi tìm quyền tự chủ từ chế độ Bắc Kinh; họ đòi hỏi quyền được chia một phần sự thịnh vượng từ việc khai thác các nguồn tài nguyên trên mảnh đất quê hương; và họ căm phẫn tột cùng trước làn sóng tràn vào của sắc dân thống trị người Hán mà Bắc Kinh đã đưa vào nhập cư để xóa nhòa và tẩy sạch gốc tích di truyền của họ.
Đối với hàng trăm triệu nạn nhân này của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có ba vấn đề: 1/Sự áp bức nội địa do mô hình tăng trưởng kinh tế đầy ô nhiễm vận hành trên lao động rẻ mạt; 2/ Một hệ thống thần quyền cứng ngắc của Đảng Cộng sản dựa trên giai cấp đã hạn chế sự thăng tiến xã hội; 3/Một chế độ độc tài toàn trị theo dõi mọi động thái của người dân, ức chế mọi hơi thở, và tuyệt đối không dung thứ đối lập.
Thứ nhất là đế quốc đỏ nói dối. Điều 35, Hiến Pháp của Trung Quốc đã ghi như sau: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do diễn hành và biểu tình.” Nhưng nếu ai đòi hỏi điều này thì sẽ tự chuốc lấy hoặc bị đánh đập, hoặc bị bỏ tù hay cả hai. Điều 40 Hiến Pháp ghi rằng: “Tự do và quyền riêng tư thư tín của các công dân nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được bảo vệ bởi luật pháp”. Điều này cũng thật nực cười. Trung Quốc đã sử dụng hơn 500,000 công an mạng và nhân viên kiểm duyệt để kiểm soát mọi trao đỗi của dân chúng. Sự kiện có quá nhiều công dân Trung Quốc bị bỏ tù vì cố thực thi quyền tự do được quy định trong điều 35 và điều 40 của Hiến Pháp, rõ ràng cho thấy rằng công an Trung Quốc không buồn đọc điều 37 Hiến pháp – nêu rõ: “Quyền tự do của các công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc là bất khả xâm phạm.”
Thứ hai là đế quốc đỏ bần cùng. Phần lớn sự đổi mới và năng động mà chúng ta liên kết với Trung Quốc bắt nguồn từ đời Đường (khoảng từ 600 đến 900 trước Công nguyên) và đầu triều đại nhà Minh (từ 1370 đến 1450). Đặc biệt dưới triều đại nhà Minh, trong khi Châu Âu còn ngủ vùi trong thời kỳ tăm tối, Trung Quốc đã phát triển một nền kinh tế tiêu dùng vững chắc với sự hỗ trợ của một đế chế sáng tạo kỹ thuật và thương mại to lớn. Tuy nhiên, giấc mộng đế quốc của Trung Quốc đã không thành hiện thực và Trung Quốc từ từ rơi vào thời kỳ đen tối trong lúc Phương Tây phát triển rực rỡ. Sau hy vọng ngắn ngủi về một nền cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn vào năm 1912, Trung Quốc nhanh chóng bị cuốn vào cuộc nội chiến đẫm máu đa phương giữa các phe quốc gia, cộng sản, và nhiều lãnh chúa. Đây là một cuộc hỗn loạn làm suy nhược toàn diện, dẫn đến cuộc xâm lược tàn bạo của Nhật Bản và đạt đến đỉnh điểm với sự trổi dậy của Mao Trạch Đông, sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào năm 1949 và sự đào thoát của những lực lượng quốc gia sang Đài Loan.
Thứ ba là đế quốc đỏ sát nhân. Mao Trạch Đông đã tái thống nhất Trung Quốc dưới sự cai trị của “Hán” tộc, trục xuất vô điều kiện tất cả những người ngoại quốc, và khôi phục niềm tự hào Trung Hoa. Điều đó nói rằng, cái giá mà nhân dân Trung Quốc đã phải trả – bằng máu, nước mắt, mồ hôi, lao động cưỡng bức, tù tội và sống trong nơm nớp sợ hãi – cho cuộc giải phóng kiểu cộng sản của Mao là một cái giá cực kỳ đắt. Trong khi Hitler giết hay tiêu diệt khoảng 12 triệu thường dân và Stalin khoảng 23 triệu trong các cuộc thanh trừng và bỏ đói của ông ta, thì con số người chết do Mao lên khoảng 49 đến 78 triệu. Điều đó khiến Mao trở thành kẻ giết người hàng loạt tồi tệ nhất của mọi thời đại – ít nhất đó là theo ông Piero Scaruff, người đã thống kê những vụ diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Thứ tư là đế quốc đỏ trổi dậy. Người đã đưa Trung Quốc ra khỏi vũng lầy kinh tế của Mao là Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình là nhân vật quan trọng nhất ở Trung Quốc ngày nay vì hai lý do. 1/Trong khi Mikhail Gorbachev nhượng bộ những người biểu tình và cho phép giải thể một Liên Bang Xô Viết, chính Đặng Tiểu Bình là người đã ra lệnh quân đội Trung Quốc tàn sát những người biểu tình tại Thiên An Môn vào năm 1989 – để bảo vệ nhà nước Trung Cộng tàn nhẫn và áp bức. 2/Đặng Tiểu Bình đã một mình thúc đẩy nhãn hiệu chủ nghĩa tư bản trọng thương được nhà nước bao cấp, đặc trưng của nền kinh tế Trung Quốc “lợi mình, hại người” ngày nay. Chính ông Đặng là người đã mở cửa những đặc khu kinh tế cho Tây Phương và cuối cùng giải phóng một lực lượng lao động khổng lồ của chính họ trên thị trường thế giới được trang bị những vũ khí hủy diệt việc làm mạnh mẽ như trợ cấp xuất khẩu phi pháp và thao túng tiền tệ. Chính đó là Trung Quốc ngày nay mà Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đã tạo ra, tàn nhẫn với nhân dân của mình và chơi bẩn với các đối tác mậu dịch trên khắp thế giới.
Chương 14: Chết Bởi Những Chính Sách Tàn Độc Của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Thứ nhất là chính sách triệt sản phụ nữ. Trung Quốc là quốc gia vừa bị nhân mãn, vừa đông dân nhất hành tinh. Tuy nhiên, trong nhiều cách, lối giải quyết nạn nhân mãn của Trung Quốc – chính sách một con – đã tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết. Nền tảng của chính sách cưỡng chế là số tiền phạt đối với trường hợp sinh con thứ hai: số tiền phạt to lớn gần như luôn luôn vượt quá mức thu nhập hàng năm của nhiều gia đình. Mức tiền phạt lớn đó có nghĩa là đa số những cặp vợ chồng nào lỡ mang thai đứa con thứ hai sẽ kiệt quệ tài chánh nếu quyết định giữ đứa con. Hậu quả không có gì ngạc nhiên là Trung Quốc có nhiều vụ phá thai hơn phần còn lại của thế giới cộng lại với gần 13 triệu mỗi năm – và đó là con số ước lượng dè dặt của chính quyền.
Tuy nhiên, ngay cả một cặp vợ chồng có đủ tiền để trả tiền phạt hay đủ điều kiện được miễn, điều đó cũng không có nghĩa là họ có thể sinh đứa thứ hai. Các quan chức quá hăng say tại địa phương, những người mà cơ hội thăng tiến của họ phụ thuộc vào mức độ chấp hành chính sách một con, thường được biết đã cưỡng ép tập trung phụ nữ mang thai. Do chính sách một con và chuộng nam giới mà ngày nay hơn một trăm triệu đàn ông Trung Quốc không thể tìm được vợ. Những “cành cây trụi lá” này – theo cách gọi của Trung Quốc - lớn hơn số đàn ông của Nhật và Nam Hàn gộp lại hay bằng toàn bộ thanh niên của Hoa Kỳ. Hậu quả không tránh khỏi là sự gia tăng đột biến về nạn mãi dâm (cùng tất cả những hệ lụy của nó), nạn nô lệ tình dục, buôn bán phụ nữ và ngay cả bắt cóc phụ nữ từ nước ngoài.
Thứ hai là chính sách diệt chủng và Hán hóa. Cưỡng bức triệt sản không chỉ giới hạn đối với phụ nữ Trung Quốc muốn có đứa con thứ hai. Nó còn là thủ tục vận hành tiêu chuẩn tại Tây Tạng, Nội Mông và Đông Turkestan – ba vùng của cái được gọi một cách mỉa mai là tỉnh “tự trị” của Trung Quốc. Đây là bức tranh lớn hơn của chính sách diệt chủng các sắc tộc thiểu số. Ngày nay, cả ba vùng lãnh thổ này đang hứng chịu một chiến dịch diệt chủng tàn nhẫn nhằm mục tiêu thay thế sắc dân bản xứ bằng sắc dân Trung Hoa gốc Hán. Điều này gọi là Hán hóa (Hanification) Tây Tạng, Nội Mông và Đông Turkestan liên quan đến tất cả mọi thứ – từ việc sắp xếp đưa vào hàng triệu sắc dân Hán và giết hại người dân địa phương hàng loạt, đến việc triệt sản người phụ nữ địa phương và lai giống của họ thông qua chính sách kết hôn với đàn ông người Hán.
Chính sách diệt chủng bản xứ đã thành công nhất tại Nội Mông, nơi có đến 80% dân số là người Hán. Theo đảng Nhân Dân Nội Mông, để thực hiện chính sách Hán hóa này, hơn một phần tư triệu dân Mông Cổ đã bị sát hại trong khi hơn 15 triệu người Hoa được di cư đến để xóa dần nền văn hóa Nội Mông. Như đối vối Đông Turkestan – nơi được biết như là Tỉnh Tân Cương trên bản đồ của Trung Quốc – 240 ngàn dân Duy Ngô Nhĩ, đa số là phụ nữ, đã bị cưỡng bức rời khỏi quê hương của họ, theo lời điều trần trước hạ viện Hoa Kỳ của bà Rebiya Kadeer, một lãnh đạo của người Duy Ngô Nhĩ bị trục xuất sang Hoa Kỳ. Đa số những người phụ nữ này đã bị ép buộc làm vợ đàn ông Hán để lai giống, trong khi nhiều người khác bị cưỡng bức làm nô lệ lao động và làm điếm rẻ tiền.
Thứ ba là nạn nô lệ lao động. Lao động trong những nhà máy lụp xụp nóng bức là một trong những điều kiện “bán lao động – bán nô lệ” mà hàng triệu công nhân Trung Quốc phải đối mặt. Đây là điều có thực ngay cả trong các nhà máy mà bề ngoài có vẻ được đặt dưới sự chỉ huy của những công ty lớn của Hoa Kỳ như Microsoft và Walmart. Chẳng hạn, công nhân hãng Yuwei ở phía Nam thành phố Đông Quan làm việc vất vả 7 ngày 1 tuần, trong những ca làm 14 giờ mỗi ngày, và thường điều khiển những dụng cụ với các thiết bị an toàn bị cố tình vô hiệu hóa. Một kết quả là tốc độ sản xuất cao trông thấy; nhưng kết quả kia cũng đạt tỷ lệ cao không kém, đó là công nhân bị cắt, bị cụt tay, chân, ngón, hay bị tàn phế.
Trong tình trạng lao động tồi tệ nói trên, theo sự điều nghiên của IHS Child Slave labor News thì tỉ lệ lao động trẻ em tuổi từ 10 đến 14 tuổi ở Trung Quốc chiếm 11.6%. Rất nhiều nhà máy Trung Quốc thích nhận lao động trẻ em vì rẻ và sẵn sàng nghe lời, nhanh nhẹn để có thể điều khiển trong những khu vực có nhiều máy móc. Ngoài những điều kiện làm việc tồi tàn, nguy hiểm và nhàm chán, công nhân Trung Quốc còn phải chịu đựng một áp lực khác tạo ra từ cuộc sống xa nhà hàng trăm dặm. Họ buồn vì nhớ nhà, nhớ người thân nhưng lại không có điều kiện về thăm. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng như vậy, đã có nhiều công nhân chịu không nổi phải tự tử.
Chương 15: Chết Bởi Những Người Ủng Hộ Trung Quốc.
Mỗi ngày trên toàn quốc Hoa Kỳ, có một số đông người cố bênh vực và ca tụng Trung Quốc, không hề nhận thức về những điều tồi tệ mà Trung Quốc đang nhắm vào Hoa Kỳ như đánh cắp tài sản trí tuệ, đánh cắp hàng triệu việc làm của công nhân Hoa Kỳ, ráo riết tân trang vũ khí để đánh chìm hải quân Hoa Kỳ…. Một số nhà báo, giáo sư đại học và bình luận gia nổi tiếng như Fareed Zakaria, James Fallows, Tom Friedman, Fred Hiatt, Nicholas Kristof, David Leonhardt và Joseph Stiglitz, là những người đứng về phía Trung Quốc để chống lại những người đang thúc đẩy những cải cách mà đáng lý đã phải làm từ lâu.
Hiện có một liên minh gồm những đoàn thể, công ty và cá nhân liên kết một cách không chính thức để ủng hộ Trung Quốc qua 6 trường phái như sau:
Trường Phái Phóng Khoáng: Dân Chủ Hóa và Thuần Phục Con Rồng
Nội dung chính trong lập luận ủng hộ Trung Quốc của nhóm này là: Chúng ta phải tiếp cận con Rồng để chế ngự nó. Theo quan điểm này, tất cả những gì mà một Trung Quốc độc tài toàn trị thật sự cần để trở thành một Trung Quốc dân chủ là thời gian – và một liều lượng khổng lồ của thịnh vượng kinh tế. Nhóm này còn lập luận rằng: khi trở nên sung túc hơn, Trung Quốc sẽ trở thành như Hoa Kỳ, có nghĩa là, một nền dân chủ văn minh, biết tôn trọng tự do ngôn luận, nhân quyền, sở hữu trí tuệ, những nguyên tắc tự do mậu dịch, và giá trị thiêng liêng của các thùng phiếu. Chính những lập luận sai lầm này đang là nền tảng cho nguồn gốc của những vấn đề kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính quyền Bill Clinton đã không ngừng sử dụng luận cứ đó trong những năm cuối thập niên 1990 để hỗ trợ cho chính sách “can dự” (engagement) với Trung Quốc và gây áp lực với các nhà lập pháp để đưa Trung Quốc vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới vào năm 2000.
Trường Phái Bảo Thủ: Tự Do Mậu Dịch Bằng Mọi Giá
Có lẽ những hung thủ lợi hại nhất của nhóm này là những tay tài phiệt lớn như Goldman Sachs và Morgan Staley. Họ đã thiết lập một vài chi nhánh thuộc loại nhất của Hoa Kỳ tại Trung Quốc, thường có một quan hệ khắng khít với những cán bộ Trung Quốc và muốn bảo đảm rằng không có gì có thể làm chao đảo chiếc thuyền chở vàng của họ. Với mục đích đó, họ đã thuê hai trong số những tay súng đánh thuê có thành tích cao nhất trong cuộc tranh luận về Trung Quốc, đó là Jim O’Neil, Chủ tịch Ban quản trị tài sản của Goldman Sachs và Stephen Roach, Cựu chủ tịch của Morgan Stanley Asia. Cũng như các biên tập viên của The Wall Street Journal, hai người luân phiên nhanh chóng chụp mũ “bảo hộ” hay “bài Trung Quốc” cho bất cứ ai tìm cách cải tổ với Trung Quốc – và cả hai được tán thưởng như những ca sĩ nhạc Rock trên báo chí của nhà nước Trung Quốc. Điểm nổi bật giữa hai tên đánh thuê nặng ký này với đám đông là cách xử dụng thông minh các lập luận kinh tế và xuyên tạc các thống kê.
Những Người Nhân Nhượng Trong Chóp Bu Quyền Lực Tại Hoa Thịnh Đốn
Thập niên vừa qua, trong khi Trung Quốc chế ngự nền kinh tế Hoa Kỳ, dường như nó không là vấn đề cho bất cứ ai ngồi ở Tòa Bạch Ốc, ai điều hành Bộ Tài Chánh, hay ai chiếm đa số tại Capital Hill. Bất luận đảng chính trị nào nắm quyền lực, sự đồng thuận trong nhóm “những kẻ nhân nhượng trong chóp bu quyền lực tại Hoa Thịnh Đốn” là nên nhân nhượng hơn là đối đầu với Con Rồng. Điểm đáng ngại nhất, có lẽ là Tổng Thống Obama thực sự không hiểu những phức tạp của kinh tế vĩ mô toàn cầu và như là một phiên bản hiện đại của Neville Chamberlain, “tuyệt đối tin rằng” sự “trổi dậy” của Trung Quốc sẽ “hòa bình” và “tốt cho Hoa Kỳ”. Dù cách nào đi nữa, chúng ta ở Hoa Kỳ đã không được đáp ứng tốt về những câu hỏi liên quan tới Trung Quốc từ hai chủ nhân gần đây nhất của Toà Bạch Ốc.
Những Bậc Thầy Toàn Cầu Hóa “Thế Giới Phẳng”
Những bậc thầy về Toàn cầu hóa là những người như Tom Friedman, Nocholas Kristof, và Fareed Zakaria viết những bài bóng bẩy ca ngợi Trung Quốc và đăng trên những tạp chí và nhật báo có uy tín quốc gia như Atlantic Monthly, The New York Times và Tuần Báo Time. Những nhân vật này có chung một nền tảng nhận định rất sai lầm rằng các công nhân và những công ty Hoa Kỳ thuê mướn họ không còn khả năng cạnh tranh chi phí với những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc. Vấn đề hiện nay của Hoa Kỳ với Trung Quốc không phải là cạnh tranh về lương thấp. Các công ty và công nhân Hoa Kỳ phải vượt qua những trợ cấp xuất khẩu phi pháp của Trung Quốc, sự thao túng tiền tệ và nhiều vũ khí tiêu diệt việc làm của Trung Quốc. Nhưng các bậc thầy Toàn cầu hóa từ chối ghi nhận sự thật này và thay vì vậy, họ khăng khăng rằng những người công nhân Hoa Kỳ không cần những công việc sản xuất bởi vì những công việc này “dứt khoát” phải đưa sang những quốc gia như Trung Quốc.
Những Nhóm Tư Vấn Dẫn Mối Cho Gấu Trúc
Nhóm Tư Vấn Dẫn Mối Cho Gấu Trúc trong và ngoài Washington D.C vốn thường xuyên nhảy vào các cuộc tranh luận về Trung Quốc. Họ lên tiếng bênh vực Trung Quốc một cách rất thiển cận, thậm chí họ còn cố tình đưa ra những luận điệu tạo sự hoài nghi trong dư luận qua các dữ kiện nguỵ tạo từ chính họ. Sau đây là một danh sách không theo thứ tự gồm những nhóm tư vấn và các nhà phân tích thiếu sáng suốt và hiểu biết về Trung Quốc: Albert Kiedel của Atlantic Council.; Peter Bottelier và Doug Paal của The Carnegie Endowment; Kenneth Lieberthal, Bob Rubin và John Thornton của The Brookings Institute; Charles Freeman của Center for Strategic and International Studies (Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế); Ed Gresser của Progressive Policy Institute.
Đoàn Hùng
-------