Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG HOA DƯỚI THỜI NHÀ NGUYỄN VUA THIỆU TRỊ TIẾP SỨ NHÀ THANH TẠI HÀ NỘI 1842

--NGOẠI  GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG HOA DƯỚI THỜI NHÀ NGUYỄN
VUA THIỆU TRỊ TIẾP SỨ NHÀ THANH TẠI HÀ NỘI 1842

QUÂN ĐỘI VIỆT NAM BIỂU DƯƠNG LỰC LƯỢNG

“Bang giao là việc lớn, người nước xa đến quan chiêm. Chỉnh đốn binh sĩ, phô bày binh uy, chính là lúc này” (Thiệu Trị)

GS Nguyễn Lý-Tưởng

Dưới thời quân chủ, Trung Hoa là nước lớn, tự cho mình là trung tâm văn minh của thế giới, tự xưng mình là giống người Hoa (giống người văn minh) và xem các nước nhỏ chung quanh chỉ là Man di, mọi rợ, văn hoá thấp kém. Vua Tàu là Thiên Tử (con Trời), thay mặt Trời cai trị muôn dân và đặt tên nước mình là Trung Quốc. Tất cả các nước nhỏ đều phải thần phục Thiên Tử. Dòng họ nào được Thiên Tử thừa nhận và phong vương thì có quyền cha truyền con nối, cai trị dân của nước mình. Nếu có ai chống lại hay gặp trường hợp nước khác đem quân gây hấn thì Thiên Tử sẽ can thiệp hoặc các chư hầu cũng có thể nhân danh Thiên Tử, đem quân đội đến giúp tái lập trật tự cho nước đó. Dân có bổn phận trung thành tuyệt đối với vua, còn vua thì chịu trách nhiệm với Trời.


Trải qua gần một ngàn năm, dân tộc Việt chúng ta bị Trung Quốc xâm chiếm, trực tiếp cai trị...Năm 938, Ngô Quyền thắng được quân Nam Hán, dựng cờ độc lập nhưng mãi đến đời Đinh Bộ Lĩnh, Trung Quốc (nhà Lương) mới chính thức thừa nhận nền độc lập của nước ta và cho Đinh Bộ Lĩnh làm An Nam Quốc Vương. Dưới các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn, các vua Việt Nam, bên ngoài vẫn theo lệ triều cống, thừa nhận vua Trung Quốc là Thiên Tử. Nhưng bên trong vẫn là vua một quốc gia độc lập. Cứ ba năm một lần, vua nước ta vẫn tổ chức tế Nam Giao, tự xưng mình là Thiên Tử đối với con dân trong nước. Bảo Đại là vị vua cuối cùng của Việt Nam tổ chức tế Nam Giao.

Năm 1802, vua Gia Long thống nhất sơn hà, lần đầu tiên, Việt Nam có một lãnh thổ rộng lớn từ Nam Quan đến Cà Mau với một dân số đông nhất và tất nhiên binh lực của ta cũng mạnh nhất so với các triều đại trước đó. Dù là một nước hùng mạnh trong vùng Đông Nam Á thời bấy giờ (thế kỷ 19) nhưng so với nhà Thanh (Trung Quốc), chúng ta vẫn còn là một nước nhỏ bên cạnh nước lớn! Vì thế các vua nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vẫn phải xin nhà Thanh “phong vương”. Các vua đầu nhà Nguyễn, vẫn phải từ Huế ra tận miền Bắc để tiếp đón sứ nhà Thanh và lễ phong vương đã được tổ chức tại Hà Nội. Đến đời vua Tự Đức, nhà Nguyễn nhất định đòi sứ nhà Thanh phải đến tận thủ đô của Việt Nam là kinh thành Huế để phong vương mà không chiụ đích thân ra Hà Nội như trước đó.

Sau khi vua Minh Mạng qua đời (1840), vua Thiệu Trị nối ngôi, triều đình Huế đã cho sứ
bộ qua nhà Thanh báo tang và cầu phong. Sứ bộ của ta gồm có Lý Văn Phức (tham tri bộ Lễ) làm Chánh sứ và Nguyễn Đức Hoạt (hữu thị lang) làm Phó sứ và Bùi Phụ Phong (quang lộc tự khanh), bồi sứ.

Mùa Xuân năm Nhân Dần (1842) nhân dịp ra Hà Nội đón sứ nhà Thanh là Bảo Thanh đến phong vương, vua Thiệu Trị cũng làm một chuyến du Xuân “thăm dân cho biết sự tình”.

(1) Chuẩn bị chuyến đi xa của vua

-Tế Nam Giao sớm hơn thường lệ : Trước đây lễ Tế Nam Giao thường được tổ chức vào tháng thứ hai mùa Xuân, có khi được tổ chức vào tháng cuối Xuân vì phải chờ thời tiết bớt mưa lạnh, khí trời ấm áp. Nhưng năm nay, vì vua có việc phải ra Bắc nên đã tổ chức lễ nầy vào đầu mùa Xuân. Suốt tháng Chạp trước Tết năm đó, mưa lạnh kéo dài khiến cho mọi người đều ái ngại. Hôm tế Nam Giao, gặp thời tiết mưa lạnh nên phải dùng một thứ màn đặc biệt được chế ra từ đời vua Minh Mạng để che khi cử hành nghi lễ.  Cũng may mà mọi nghi lễ đều hoàn tất tốt đẹp. Vua Thiệu Trị rất mừng, từ hoàng tử, hoàng thân và các quan văn võ tham dự việc tế lễ nầy đều được thưởng tiền bằng vàng (kim tiền) và tiền bằng bạc (ngân tiền) đến các binh lính đi theo và dân các xã có bày hương án để đón tiếp xa giá vua đi qua cũng được thưởng tiền quan (tiền đồng). (1)

-Bảo vệ Kinh Thành trong thời gian vua xuất cung:Việc vua đi ra khỏi cung là việc quan trọng đến an ninh quốc gia nên vua đã cho Hoàng tử Hồng Bảo (con trưởng) và các quan Tạ Quang Cự (trung quân), Hà Duy Phiên (Thượng thư bộ Hộ), Lê Văn Phú (Thống chế doanh Thần cơ), Tôn Thất Bạch (thự Thượng thư bộ Lại),v.v...ở nhà giữ kinh thành. Vua đem hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm đi theo. Vua ban bố cho toàn dân biết việc Bắc tuần như sau:

“Trẫm kính nối nghiệp lớn, có việc bang giao, tuy còn ở trong hạn cư tang 27 tháng, cũng phải tạm xa nơi bàn thờ, trong lòng có chỗ không được yên, nhưng vì điển lễ quan trọng, không thể bỏ thiếu, vậy sai hữu tư tra kỹ điển lệ, rồi xa giá ra Bắc Kỳ, nhân để thăm coi địa phương, xem xét phong tục. Ngày mùng 9 tháng này đã đến kính cáo Thái miếu, sai quan đến kính cáo Triệu miếu, ngày mùng 10, thân đến kính cáo Thế miếu, sai quan đến kính cáo Hưng miếu, dâng  lễ điện Phụng tiên, ngày 13, thân đến kính cáo điện Phụng tiên, ngày 14, thân đến kính yết Hiếu lăng và Hiếu đông lăng, ngày 15, thân đến hầu thăm cung Từ thọ, ngày 16, sắc dụ hoàng tử và đại thần lưu kinh đổng lý mọi việc. Đến ngày 20, đại giá khởi hành. Phàm hoàng tử, hoàng thân và các đại thần văn, võ cho chí bọn thân biền đi theo xa giá đều phải hộ vệ xe kiệu, dọn dẹp đường đi, quản thúc đội ngũ cho nghiêm cẩn, theo đúng quân luật, đừng làm nhiễu dân các địa phương. Những hoàng tử, hoàng thân, hoàng đệ và thân biền lớn nhỏ, ai nấy phải giữ chức sự, cho phép theo sự cắt đặt của hoàng tử và đại thần lưu kinh” (2)

(Chú thích: Thái miếu: thờ Nguyễn Hoàng; Triệu miếu: thờ Nguyễn Kim; Thế miếu: thờ vua Gia Long; Hưng miếu: thờ Nguyễn Phúc Luân cha của vua Gia Long. Hiếu lăng: lăng vua Minh Mạng. Cung Từ thọ: nơi mẹ vua ở.)

(2) Trên đường ra Bắc:

Xa giá của vua đi qua sông Hương, dọc đường những nơi vua đi qua, chỗ nào cũng đặt hương án, các phụ lão các địa phương lạy mừng, vua đều ban thưởng 10 quan tiền. Ngoài trâu và gạo nếp do dân dâng lên để mừng, vua không nhận bất cứ lễ vật gì khác mục đích tiết kiệm cho dân. Những nơi vua đi qua, cho phép dân được gởi đơn khiếu nại các việc oan ức tại địa phương. Từ kinh đô Huế ra Bắc, các địa phương phải xây dựng các nhà tạm trú để vua quan nghỉ ngơi dọc đường, đều được thưởng tiền.  Thuyền của vua ra đến làng Trung Đơn (Quảng Trị) vì sông cạn nên các quan lính phải phụ sức mà đẩy. Các quan bắt tội địa phương không chịu vét sông cho thông nên quan tỉnh Quảng Trị là Đặng Đức Thiêm và Nguyễn Văn Đạt rất sợ hãi không dám vào chầu vua. Nhưng vua cũng bỏ qua cho việc đó và cho hai vị quan nầy vào hầu. Sau khi rời kinh thành ba ngày, xa giá vua đến tỉnh thành Quảng Trị. Các quan đến chầu, vua hỏi việc làm ruộng trong tỉnh. Vua đi qua các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị tìm hiểu dân tình và ra lệnh tha bớt thuế cho dân 30%. Vua sai đem lễ vật đến tế tại chùa Long phúc  ở Quảng Trị. Vua nói với bộ Lễ rằng: “Đất Quảng Trị là chỗ Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta bắt đầu dựng đô, dân trong hạt, ở 3 phường An Định, An Hướng, Phương Xuân truy nhớ công đức, dựng lên chùa này, trong năm Minh Mạng thánh giá tuần hành qua đó, sai quan vào tế, nay quên sao được!” Vua bèn sai quan lang trung là Tôn Thất Cáp và quan tỉnh đến làm lễ tế. Vua cũng sai quan mang lễ vật đến tế “ thần Trảo Trảo linh thù”. Vua nói:“ Sông Ái Tử là chỗ khi xưa Thái tổ Gia dụ hoàng đế ta đã giết tướng Mạc tên là Lập Bạo, mà thần sông Trảo Trảo đã hiển linh ứng mộng ở đấy. Vẫn hay trời sinh thánh nhân, chỉ một lữ quân, một thành ruộng, rồi cũng có cả nước, đánh giặc dẹp loạn, quyết không phải nhờ một điềm mộng rồi mới thành  công, những sông núi giúp thiêng, bách thần trợ thuận thì từ đế vương đời xưa phần nhiều vẫn có. Đó cũng là lẽ không thể cho là không đáng tin được. Còn sử nhà Minh có chép người Minh là Trương Phụ đuổi theo vua Trùng Quang nhà Trần đến sông Ái Tử, thì e chưa được xác thực, vì tên đất xưa nay phần nhiều giống nhau, lẫn nhau, đem tên đất ngày nay mà chứng với sách cổ, thì khó lòng tin cả được” (3)

Rời kinh thành Huế được 5 hôm thì xa giá của vua đến trạm Trị Lập, vua phải bỏ thuyền lên bộ để đến bến đò Thuận Trạch, vào địa giới tỉnh Quảng Bình. Từ Hồ Xá (Quảng Trị) đến Thuận Trạch (Quảng Bình) có thể đi bằng đường thủy được. Nhưng có một đoạn sông hẹp mà lắm cát, quan tỉnh dâng sớ xin đào sông cho thuyền vua qua. Vua nói “Nay không đi theo đường cảng, đổi đi đường bộ, dù một mình có mệt nhọc, nhưng dân ta được yên vui thì ta cũng quên sự mệt nhọc” Rồi vua không cho đào sông vì sợ vất vả cho dân. (4)

Khi vua đi ngang qua chùa Hoằng Phúc thuộc huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là ngôi chùa do Nguyễn Hoàng (tức Thái tổ Gia dụ hoàng đế nhà Nguyễn) xây dựng, đặt tên là chùa Kính Thiên. Công tác xây cất được nửa chừng thì bị hỏa hoạn đời sau tiếp tục sửa lại. Năm Minh Mạng thứ 2, vua ra Bắc, có đến thăm chùa và đặt tên là chùa Hoằng Phúc. Vua Thiệu Trị cấp cho chùa 300 quan tiền và dụ rằng “Chùa nầy do Liệt thánh đời trước dựng lên, nét chữ của tiên thánh còn chói lọi lưu mãi tại ngôi chùa. Trong năm Minh Mạng, thưởng cấp bạc lạng, đặt cho tên hay, thực là một thắng tích của cảnh Phật. Nay qua đất nầy, truy nghĩ đến việc hay đời trước, cấp cho tiền 300 quan”. (5)

Ngày hôm sau, ngự giá của vua đến bên bờ sông Quảng Bình, tại đây có 3 chiếc thuyền bọc đồng: Định Hải, An Hải và Vĩnh Hải. Vua ra lệnh cho 3 chiếc thuyền nầy thao diễn , nhận thấy người điều khiển và binh lính đều thành thạo, vua liền ban thưởng và ra lệnh cho thuyền ra biển đi trước đến Hà Nội. Ngày đinh sửu (27 tháng 2 Nhâm Dần) vua vào nghỉ tại hành cung tỉnh Quảng Bình, có hai cụ già trên 90 tuổi đến ra mắt vua. Vua hỏi: “Hai ông già  đến đây là do lòng chân thành hay là vì phủ huyện thúc đẩy bắt phải đến?” Hai cụ già trả lời “Bọn chúng tôi sinh ở bãi biển, được thấm nhuần ơn trên đã lâu, nay nghe Đại giá tới đây, xiết bao trông ngóng, cho nên khúm núm ra ngay, không có ai bắt buộc cả”. Vua lại hỏi: “Gíống tôm ở thôn Động Hải cứu vớt được người, chuyện ấy có thực không?” Hai cụ già thưa rằng: “Có câu chuyện ấy”. Vua nói: “Đó cũng là một chuyện lạ! Hoàng Quýnh năm trước làm việc ở đây đã biết việc nầy, có chép ở tập Văn Kiến tùng thoại.”  

Câu chuyện xảy ra như sau: Năm Minh Mạng thứ 7, ở thôn Động Hải, thành Quảng Bình, có người đánh cá, bắt được một con tôm to, dài tới vài thước, khắp mình có vết như gấm, râu mọc cứng, dài và lớn bằng thân mà cụt mất một cái. Đem tôm ra chợ bán ai cũng lấy làm lạ. Có người nhà Thanh, họ Tạ, kiều cư tại đấy mua về sắp đem làm thịt, một người họ Dương, ở gần nhà,  can rằng: không nên ăn, rồi bỏ tiền ra chuộc đem thả xuống sông, con tôm nhảy luôn ra biển. Sau đó, người họ Dương làm nghề buôn bán, đáp thuyền ra biển, bỗng gặp cơn sóng, gió thuyền đắm, họ Dương sắp bị chìm xuống đáy biển, chợt biú (bám vào) được một tấm ván, theo sóng trôi giạt, may được vào bờ. Dương nhìn ra thì vật để cho mình bíu (bám vào) chính là con tôm ngày trước mình đã thả, râu cụt y như xưa, có thể nhận rõ. Dương cuí đầu vái tạ, con tôm liền ẩn mình xuống dưới sóng, rồi không trông thấy nữa. (6)

Vua lên trên thành Quảng Bình xem xét lũy Trường Dục, địa thế nuí sông hiểm trở. Vua nói với bộ Công rằng:“Một dãi trường luỹ, trên tiếp núi Đâu Mâu, dưới đến tận bờ biển, Liệt thánh ta trước đây mưu sâu tính xa, gia công gây dựng, đức Thánh tổ Nhân hoàng đế ta lại sửa sang thêm, làm cho vĩnh viễn hữu hình. Nay nhân coi khắp hình thế, nên sửa sang thêm một lần nữa để cho bờ cõi vững vàng. Về xưởng súng ở trên thành, nên theo   theo cách thức ở kinh thành mà làm” Vua lại nói thêm “Việc đắp ra trường lũy, bắt đầu từ đời Hiếu Văn hoàng đế ta, do một công thần khai quốc là Hoằng quốc công Đào Duy Từ bắt đầu mưu tính việc ấy. Sau Thaí tông Hiếu Triết hoàng đế ta 2 lần đánh được quân Bắc và Thế tổ Cao hoàng đế ta đại thắng giặc Bắc, đều ở chỗ nầy. Nên đặt tên cho lũy là “Định Bắc trường thành” để cho danh nghĩa được chính đáng” (7)

Khi vua đến hành cung Quảng Khê (Quảng Bình) thì ở lại và bộ Công làm bè để qua sông Linh Giang (sông Gianh) nhưng khi  cho thí nghiệm thử thì gặp gió lớn, dây buộc bè bị đứt nên phải lấy thuyền công, dựng mui lên để sang. Các đại thần và đoàn hộ vệ đều được thưởng; dân, quân làm việc cũng được thưởng. Riêng bộ Công, quan tỉnh và những người trách nhiệm đều bị phạt...Vua đi qua tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh tha bớt 30% thuế thân cho dân. 

Xa giá vua đi qua Đèo Ngang (Hoành Sơn) là ranh giới giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Khi vua đến hành cung, không có tiếng trống báo hiệu, các quan đều bị phạt. Khi xa giá đến thành Hà Tĩnh, vua cho 2 người già 100 tuổi vào hầu, cho mỗi người một đồng kim tiền (tiền vàng). Những người có con làm quan nên cha mẹ được ân phong cũng đã đến yết kiến vua như Trương Quốc Hiền (Hàn lầm viện thị độc) là thân phụ của Trương Quốc Dụng (thi lang bộ Lễ), Phạm Diệu là thân phụ của Phạm Thế Hiển (thị lang bộ Binh), Đỗ Đình Thư là thân phụ của Đỗ Khắc Thư (bố chính Bắc Ninh), Vũ Phạm Đàm, thân phụ của Vũ Phạm Khải (hồng lô tự khanh) đều được ban thưởng. Người thiểu số ở Cam Môn, Cam Cá Kính cũng đến dâng lễ vật địa phương lên vua. Vua ban cho tiền vàng và áo, rồi cho về.

Thuyền vua đến sông Đại Nại, qua núi Hồng Lĩnh, vua hỏi về thắng tích núi ấy. Quan tỉnh là Vũ Đức Nhu thưa rằng “ Núi nầy khởi đầu từ huyện Nghi Xuân, qua huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc) quanh co, liên tiếp 99 ngọn. Tương truyền có đàn chim hạc đậu trên  nuí, cho nên đặt tên là Hồng Lĩnh. Phiá Nam núi có ngôi chùa cổ tên gọi là Hương Tích”

Hai hôm sau, xa giá vua đến sông Lam tỉnh Nghệ An, ngự doanh bắn súng, các đội lính trong tỉnh cũng vội vàng bắn súng rối rít nên quan đem chuyện nầy ra đàn hặc (phê bình). Suất đội trong tỉnh là Tống Đắc Thịnh bị phạt đánh đòn và bị các chức, các quan trong tỉnh cũng bị giáng chức. Khi xe của vua đến thành Nghệ An, thân hào nhân sĩ và dân trong thành ra đứng hai bên đường chào mừng. Vua rất vui và nói với đại thần Trương Đăng Quế “Lòng người mong trẫm đến như thế nầy, hành trình có nên chậm lại không?”Trương Đăng Quế thưa: “ Sứ thần nhà Thanh phải đến thượng tuần tháng 3 mới qua cửa ải. Kỳ hạn đi đường của ta cũng đủ chỉnh bị, vậy thong thả cũng được”. Vua bèn sai đóng quân lại vài ngày và cho gọi các quan địa phương là Vũ Tuấn và Hồ Hựu đến hỏi han tình hình và cho mỗi người một đồng tiền vàng.  Vua hỏi “Có bắt dân làm hành cung và nhà trạm không?” Hai người tâu: “Hành cung ở tỉnh lỵ do binh lính ở tỉnh làm, còn hành cung ở các trạm thì do dân địa phương làm”. Vua nói: “Binh lính thì có lương, còn dân thì lấy gì mà cung ứng? Bất đắc dĩ mà bắt dân làm, ý trẫm không muốn thế. Tính theo giá các vật liệu mà trả tiền lại cho dân”. Hai ông ấy thưa: “ Bóng cờ của vua đi tới, ngàn năm mới một lần được gặp, đem sức làm ruộng phục vụ người trên là phận sự của dân, mà cũng là ý muốn của họ, chứ không muốn lĩnh giá”. Vua nói: “Kính vua, mến người trên, vẫn là cái tính rất hậu của dân ta, nhưng trẫm đối với việc yêu dân, chưa từng một chút xao lãng, há nỡ khinh dị dùng sức của dân sao? Tất phải thưởng cấp cho dân nhiều hơn”. Vua  nói với quan bộ Hộ rằng: “Hạt này lúa mạ tốt tươi, trộm cướp dẹp hết, nhân dân đều yên, trẫm rất lấy làm khen ngợi, bằng lòng. Về những thân biền thuộc tỉnh, gia ơn thưởng cấp cho mọi người theo thứ bậc”. Người thiểu số ở vùng Trấn Ninh ,v.v. đem lễ vật (ngà voi, sừng tê giác...) đến mừng. Vua ra lệnh ban thưởng...Khi đi qua đền thờ An Dương Vương, vua ra lệnh cho quan Thượng thư bộ Công là Nguyễn Trung Mậu sắm lễ vật đến tế.  (8)

Ngự giá đi qua Thiết cảng, tương truyền: ngày xưa nhân có các sông chảy xuống thông qua các núi, người ta mới lựa theo hình thế, đào ra, từ Hà Nội có thể đi suốt đến phiá Nam tỉnh Nghệ An. Bây giờ cảng này đã bị phù sa mỗi ngày một bồi thêm nên bị lấp, thành ra đất bằng. (9)

-Vua đến Thanh Hóa: Các kỳ lão trong hạt ra bái yết. Vua nói “Hạt nầy là quê hương nhà vua, không thể xem như các nơi khác được”. Vua ra lệnh trợ cấp  cho các kỳ lão rất hậu. Có Lê Văn Linh là người Định Tường trứơc theo vua Gia Long qua Vọng Các, nay định cư tại Thanh Hóa, đến yết kiến. Vua thưởng cho 3 đồng tiền bạc hạng lớn và một đồng tiền bằng bạc “Tam đa”. Người thiểu số vùng Sầm Sơn đem ngà voi, sừng tê giác đến ra mắt. Vua ban cho tiền bằng vàng, tiền bằng bạc và  áo xiêm, rồi cho về. Các tỉnh vua đi qua đều được bớt 30% tiền thuế cho dân. Riêng tỉnh Thanh Hoá được bớt 50% các thứ thuế. (10)

Vua vào yết Nguyên miếu rồi đến núi Triệu Tường, lăng Trường Nguyên. Sai quan đến tế cao miếu Trừng quốc công. Vua nói: “Gia Miêu ngoại trang ở huyện Tống Sơn là quê hương nhà vua, được thấm nhuần giáo hoá và yên ổn đã lâu năm, lần nầy trẫm ra Bắc tuần, được tới yết kiến Nguyên miếu, hôm nay xa giá đến hành cung Thanh cao, những người kỳ lão, chức mục ở qúi hương đón xe lạy yết, lòng thành khẩn đáng khen. Lại thấy người còn thật thà, tục vẫn thuần  hậu, trẫm rất lấy làm khen ngợi, bằng lòng. Nay thưởng cho những người trong tôn thất, công tính và các kỳ mục ở quí hương: bạc, ngân tiền và đồ mặc, có thứ bậc”(11)

Vua thăm núi Triệu Tường ở Thanh Hoá, tương truyền là nơi có ngôi mộ của Nguyễn Kim (tức Triệu Tổ của nhà Nguyễn).  Nguyễn  Kim có công giúp con cháu nhà Lê chống lại họ Mạc (cướp ngôi nhà Lê). Ngăm 1546, Nguyên Hoà (niên hiệu Lê Trang Tông) thứ 14 đời nhà Lê, Nguyễn Kim bị  Dương Chấp Nhất, tướng nhà Mạc trá hàng đầu độc chết. Khi đem chôn, thầy địa lý chọn huyệt mã nơi miệng con rồng, khi linh cữu vừa đặt xuống thì bỗng nhiên trời làm mưa to gió lớn, sấm sét làm cho mọi người kinh hải bỏ chạy. Khi mưa tạnh gió yên, mọi người trở lại thì thấy đá núi tiếp liền, cây cối xanh rậm, không biết chỗ nào mà tìm. Xem như mộ đã được “thiên táng”. Vì thế, gia đình chỉ trông vào núi mà tế, chỉ thấy núi cao chót vót, hơn hẳn các núi khác, cho nên gọi là núi Thiên Tôn. Sau khi Nguyễn Kim chết, binh quyền về tay con rể là Trịnh Kiểm. Nguyễn Hoàng (Thái tổ Gia dũ hoàng đế nhà Nguyễn) tìm đường vào Nam lập nghiệp, về sau mở mang đất mới thành giang sơn lâu dài của con cháu nhà Nguyễn sau nầy. Đến thăm nơi đây, thấy gnôi đình làng (qúy hương là quê của vua) vẫn còn lợp tranh, vua ban cho 500 quan tiền để lợp lại. Vua Thiệu Trị làm bài thơ (ngự chế): “Đẹp thay giang sơn chỗ này! Tạo hoá đúc thiêng, nước nhà chứa phúc, khác gì đất Thai, Mân của nhà Chu, đất Phong, Bái của nhà Hán xưa”(Thai, Mân là hai nơi phát tích của nhà Chu. Thai là nơi tổ nhà Chu được phong nay là Thiểm Tây; Mân là đất Chu Thái Vương ở, nay cũng thuộc tỉnh Thiêm Tây, Trung Quốc). Sau khi lên ngôi, vua Gia Long   đã truy tôn đế hiệu cho Nguyễn Kim là Triệu Tổ, đặt tên lăng là Trường Nguyên lăng, dựng miếu Triệu Tổ và thờ ở Thái Miếu (Kinh thành Huế). Vua Minh Mạng khi đến yết kiến lăng Nguyễn Kim đã phong cho núi ấy là núi Triệu Tường, và sai đắp thành chung quanh để bảo vệ miếu gọi là thành Triệu  Tường. Hôm ấy trời mưa, vua rất mừng nói: “Lễ thăm yết lăng vừa xong, liền ứng trận mưa qúy hóa, mưa này là điềm tốt, là triệu được mùa” “ Tống Sơn là đất phát tích, quốc gia ta thánh nối, thần truyền, cơ nghiệp ức vạn năm thực bắt đầu gây dựng ở đấy. Nay Trẫm ra Bắc, kính yết Nguyên miếu, vọng bái lăng tổ, nhìn thấy núi sông rạng đẹp, cây cối xanh rườm, lòng luyến mộ không kể sao xiết!” Khi mới lên ngôi, vua Thiệu Trị đã tha hết các thuế ruộng, thuế thân cũng như mọi sưu dịch cho dân trong huyện. Nay nhân dịp nầy lại tha cho thêm một năm nữa. Và còn thưởng thêm 300 lạng bạc, 100 tấm lụa màu, 10 con trâu và 10 chĩnh rượu. Có một toà nhà do dân làm ra, trước đây thưởng 300 quan nay lại thưởng thêm 300 quan nữa. Vua viết thư và gửi các sản vật tại quê hương tức Quý hương
(huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá) gưỉ về cho Thánh Từ là mẹ của vua để báo tin. (12)

Vua đi qua núi Tam Điệp để vào tỉnh Ninh Bình. Vua lên núi Dục Thúy đọc các thơ văn người xưa đã khắc vào đá, bài nào không hay thì sai đục bỏ đi. Nguyên tên núi nầy ngày xưa do Thái phó nhà Trần là Trương Hán Siêu đặt tên, là nơi có phong cảnh sơn thủy rất đẹp, ai đi qua đó cũng có  đề thơ vịnh cảnh...Vua Thiệu Trị đặt tên núi là Hộ Thành và sai dựng pháo đài phòng thủ. Vua ra lệnh tha bớt 3 phần 10 thuế cho dân tỉnh Ninh Bình. Tổng đốc Hà –Ninh (Hà Nam-Ninh Bình) là Phạm Hữu Tâm đến yết kiến. Vua ban cho một chiếc áo nhung phục (tức áo ra trận) của vua, màu đỏ thêu hình rồng cuốn. Vua nói: “Ngươi là bề tôi cương trực, hoàng khảo ta để lại cho Trẫm, năm ngoái xét công, đã thưởng cho một chiếc đai dát vàng, chạm ngọc là đồ vật khi ta còn ở tiềm để, cốt tỏ cái ý vật cũ, người xưa, suy lòng thể dạ mà trao cho. Ngày nay ban áo, tức là cởi áo mặc cho ngươi, cốt muốn cho ngươi nối mãi được sự tin yêu, giữ vững lâu dài nơi tỉnh lớn, ngươi nên cố gắng lên” (13)

Rời Ninh Bình, ngày Ất mùi, hai ngày sau vua đến Hưng Yên, tha 3 phần 10 thuế cho dân. Những nơi về hưũ ngạn sông Cưủ An được bớt 5 phần 10 tiền thuế. Những xã thôn ở ngoài đê vì nạn mất mùa lụt bão,còn thíếu nợ nhà nước thì được tha bớt 8 phần 10. Xa giá vua đến gần sông Hà Nội. Vua ra lệnh cho lính nghỉ ngơi. Từ khi ra khỏi kinh thành Huế đến nay là 27 ngày, đi đường mất 15 ngày và nghỉ ngơi 12 ngày.

-Vua đến Hà Nội: Vua rời Hưng Yên đến Hà Nội vào ngày Mậu tuất (2 tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842). Xe vua đến bờ sông vào một buổi sáng đẹp trời mùa Xuân. Hàng vạn người kéo nhau đến đón chào vua . Vua ngự tại điện trong thành, các quan vào chầu. Vua sai ban bao gấm cho mọi người. Phái bộ đi sứ nhà Thanh đã trở về gồm có: Lý Văn Phức (hữu Tham tri bộ Lễ), Nguyễn Đức Hoạt ( hữu Thị lang), Bùi Phụ Phong (Quang Lộc tự khanh) đều có mặt đông đủ để vào chầu vua. Vua thưởng cho văn võ đại thần và các quan địa phương mỗi người một đồng tiền vàng (kim tiền) có dây đeo. Từ quản vệ, lang trung khoa đạo trở xuống thì thưởng tiền theo thứ bậc. Các hoàng đệ (em vua) đi theo vì trời lạnh được ban áo mặc rét. Riêng Kiến An công vì là người thân với nhà vua nên được ban áo cẩm bào. Theo lệ, các quan Tổng đốc các tỉnh đem dâng ngọc. Nhưng vua cho phép được dâng phẩm vật điạ phương thay vì ngọc và vua chỉ nhận một số lễ dâng tượng trưng mà thôi. Số còn lại được trả về cho các địa phương. Ngoài ra, vua còn thưởng tiền cho họ nữa. Ngày Canh Tý, vua tiếp các bô lão từ các tỉnh đến. Mỗi tỉnh một người đại diện được vua hỏi về tình hình tại các địa phương. Sau đó, vua tiếp các vị hưu quan, các vị tiến sĩ, cử nhân và tú tài...  Dân tỉnh Hà Nội được giảm thuế  4 phần 10, các tỉnh khác vùng núi 2 phần 10, các nơi có bệnh dịch, mất mùa được tha nay thêm 3 phần 10 nữa.

3. Duyệt binh lớn để phô trương thanh thế khi tiếp sứ nhà Thanh

Vua ra lệnh tập họp binh lính 5 tỉnh lớn ở Bắc Kỳ để duyệt binh. Hiệp biện đại học sĩ Lê Đăng Doanh và Hành doanh đại thần Mai Công Ngôn sung chức Tổng lý duyệt binh. Vua dụ bảo rằng: “Bang giao là việc lớn, người nước xa đến quan chiêm. Chỉnh đốn quân sĩ, phô bày binh uy, chính là lúc này. Trẫm sẽ một phen duyệt cả các quân để làm cho uy thế của nước mạnh mẽ. Các ngươi đều nên kiểm soát, sắp đặt tâu lên cho kịp biết ngay” Vua còn dụ cho bộ Binh như sau: “Việc binh có thể trăm năm không dùng đến, nhưng không thể một ngày không giảng tập, voi, ngựa, thuyền, tàu đều quan hệ về binh chính, nên gồm duyệt cả, Trẫm sẽ thân tới xem”. Trước hết là tập trận voi, sau đó đến trận ngựa. Nước ta từ xưa dã dùng trận voi là một lợi khí mà các nước khác không có. Vua Thiệu Trị đã nhận xét: “ Khi ra trận ở đồng bằng, có quân bộ giúp sức, có súng lớn đặt lên, hoặc cưỡi đi trước, hoặc kéo xe đi sau, xông bên tả, đánh bên hưũ, tới đâu cũng làm cho tan nát, xưa nay các nước dùng binh ít thấy như thế. Cho nên chính sách dùng voi của triều Nguyễn rất quan trọng. Các nước đều khen ngợi, muốn bắt chứơc mà không thể bằng được”. Vua còn lưu ý các quan về lợi thế của ngựa. “Có 10 điều lợi:  1-đón giặc lúc mới đến, 2-thừa lúc giặc hư không, 3-theo quân giặc đánh bừa bộn, 4-đón giặc đánh đàng trước, 5-chặn giữ lương thực, tuyệt lương đi của giặc, 6-phá các bến đồn, hủy bỏ cầu đập, 7-đánh úp khi giặc không phòng bị, đánh thình lình khi giặc chưa chấn chỉnh, 8-đánh lúc giặc trễ nải, thừa lúc giặc không ngờ,  9- đốt những chỗ chứa lương của giặc, 10- dẫm xéo nát ruộng nương làm hệ lụy cho con em của giặc. Đó là những cái lợi của kỵ chiến. Quân kỵ có thể rời ra, tan ra, có thể tụ tập ở xa nghìn dặm mà về tới chỉ bằng một trăm dặm, ra vào được luôn luôn, cho nên gọi là quân ly hợp. Xưa kia kỵ sĩ chỉ có cung tên là món sở trường nay thì có các súng điểu sang, tiêu sang, gươm trường súng ngựa, công đánh phá giặc  hơn biết chừng nào. Vả lại người dùng binh giỏi, không cần phải đánh, người đánh giỏi không cần phải bày trận. Thế nhưng trời sinh ra 05 (năm) hành, binh (binh khí thuộc về hành Kim) không thể bỏ được, thì về phép đánh trận, người làm tứơng không nên không biết. Trận có 4 thế “chính”, chuyển làm 4 thế “kỳ”. Thiên trận ở phương Càn, gọi là cửa Thiên; địa trận ở phương Khôn, gọi là cửa Địa; phong trận ở phương Tốn, gọi là cửa Phong; vân trận ở phương Khảm, gọi là cửa Vân; phi long ở phương Chấn, gọi là cửa Phi long; vũ dực ở phương Đoài, goị là cửa Vũ dực; điểu tường ở phương Ly, gọi là cửa Điểu tường; xà bàn ở phương Cấn goị là cửa Xà bàn. Thiên, Địa, Phong, Vân là 4 cửa chính; long, hổ, điểu, xà là 4 cửa kỳ. Càn, Khôn, Cấn, Tốn là cửa đóng; Khảm, Ly, Chấn, Đoài là cửa mở. Trong ngoài tiếp ứng thành một cái thế nương tựa. Bốn “chính”, bốn “kỳ”, đó là bát trận, nhưng cốt yếu, lại chỉ ở ba. Xưa vua Cao Tông nhà Đường ngự diện Vũ Thành, hỏi: “Nhà binh có ba trận là thế nào?” Viên Bán Thiên nói: “Tôi nghe đời xưa theo các sao, các ngày xấu là thiên trận; theo sông núi đối diện hay quay lưng lại là địa trận; theo tổ chức các đội ngũ, là nhân trận, nhưng tôi trộm cho là không phải thế. Hành binh theo chính nghĩa như trận mưa qúy hoá đổ xuống, hợp với thiên thời, ấy là thiên trận; đủ lương ăn, ít tiêu phí, vừa  làm ruộng vừa chiến đấu hợp với địa nghi, ấy là địa trận; đem quân đi, quân sĩ như con em theo cha anh, được sự nhân hòa, ấy là nhân trận: nếu bỏ những điều đó, thì đánh thế nào được?” Vua Cao Tông khen là phải. Đó tức là trận tam tài mà là cốt yếu của nhà binh”. Các quan nghe vua nói như vậy đều cúi đầu xin chiụ kém vua về kiến thức mà vua đã đọc trong sách vở. Vua lại hỏi các quan: “Trận ngựa với trận voi, đàng nào khó hơn?” Phạm Hưũ Tâm thưa: “Trận ngựa khó hơn” Vua nói: “Phải đấy! Trận voi chỉ là chiếu theo phép luyện tập thường, còn trận ngựa thì quân kỵ bắn tên, cầm đao, xông pha vào trận, nếu không quen thạo thì mình bị bại trước, còn giết giặc được sao? Thế cho nên khó hơn. Nay đợi duyệt binh xong ban thưởng, sẽ lấy khó, dễ làm thứ bậc cốt cho đúng mức công bằng để tỏ ra sự ban khen và khuyến khích”. Vua cũng quan tâm đến thuỷ chiến và tự mình đặt ra những luật lệ, điều khoản về thế trận của thủy chiến và  sai Tôn Thất Bật và Vũ Văn Trứ lo thao diễn về trận thủy chiến. (14)

Qua tường thuật của các sử gia triều Nguyễn trong Quốc Sử Quán mà chúng tôi đã trích dẫn trên đây, chúng ta nhận thấy rằng trách nhiệm của người lãnh đạo đất nước thời xưa (vai trò của một ông vua) không phải chỉ biết ăn chơi, trụy lạc mà chính là phải có trách nhiệm đối với tổ qúôc và đồng bào. Đó là bổn phận bảo vệ tổ quốc và đồng bào, bảo vệ đất nước của tổ tiên để lại. Vua Thiệu Trị được biết đến như là một con người học rộng, có tài văn chương...Nhưng kiến thức của nhà vua không phải chỉ trong lãnh vực văn chương, triết học, đạo lý thánh hiền mà nhà vua còn quan tâm đến lãnh vực quân sự, ngài đọc sách, nghiên cứu cả về nghệ thuật điều binh, khiển tướng, cách đánh giặc thế nào để có những lời khuyên bảo nhắc nhở các quan, các tướng về vai trò của quân đội trong việc bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào.

4. Sứ nhà Thanh đến Hà Nội phong vương cho Thiệu Trị

Các quan nhà Nguyễn được lệnh tổ chức tiếp đón sứ nhà Thanh một cách chu đáo. Khi qua cửa ải, sứ Tàu là Bảo Thanh thấy quán xá đều có treo đèn ngoài cửa, đường sá sửa sang, thành quách bền vững, quân đội nghiêm chỉnh, dân cư đông đúc, làng xóm phồn thịnh nên tấm tắc khen ngợi không dứt. Bảo Thanh đến Gia Thụy, vào công quán, bèn hỏi viên quan của Việt Nam là Trần Văn Trung rằng: “Quán nầy sau khi làm lễ xong còn có để nguyên như cũ không?” Trung đáp: “Xong việc thì triệt bỏ đi ngay”. Thanh nói: “Như vậy há chẳng uổng mất bao nhiêu công khó nhọc và phí tổn?” Trung đem những lời ấy tâu lên vua. Vua nói: “Hắn thật là ngây thơ!” Vua liền sai bộ Lễ  đem những chi tiết về nghi lễ bang giao trao cho Thanh duyệt . Hai bên đã trao đổi và đồng ý những điều đã được sắp xếp trong chương trình.

Lễ sách phong

Quyết định Lễ Sách Phong vào ngày Bính Tý. Sáng sớm hôm ấy, từ cửa Chu Tước đến bến sông Nhị Hà, binh lính và voi dàn thành hàng. Trên thành, cờ xí rực rỡ. Các phố đều treo đèn, kết hoa, mỗi nhà đều đặt hương án, cắm hoa, dân đứng trước cửa, hai bên hương án, đốt nhang trầm để đón rước. Theo lệ cũ, vua đội mũ Cưủ Long, mặc áo màu hồng , đeo đai ngọc (trước đây vua thường mặc áo màu vàng gọi là hoàng bào). Vua đến cửa Chu Tước đứng đợi. Hoàng tử thứ hai là Hường Nhậm (về sau được nối ngôi là vua Tự Đức) và em vua là Tương An công Miên Bảo giúp vua về các trang phục. Thọ Xuân công Miên Định, Phú Bình công Miên An làm ngự tiền thân thần. Văn minh điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế làm Ngự tiền thị lập. Hiệp biện Đại học sĩ Trương Đăng Doanh giữ chức nghi lễ. Thống chế Tôn Thất Bật, Tổng đốc Mai Công Ngôn làm hỗ tất đại thần. Thống chế Nguyễn Trọng Tính, Vũ Văn Giải làm thị vệ đại thần. Các quan văn võ đều mặc triều phục, đứng hầu hai bên điện Long Thiên. Vua sai Tổng đốc Thanh Hoá là Tôn Thất Lương mặc áo bào tía, mũ mãng, đi đến công quán Gia Thụy đón tiếp sứ Tàu. Giờ ngọ, sứ nhà Thanh đến, làm lễ sách phong. Kiến An công Miên Đài, Định Viễn công Miên Bính nhận sắc phong. Lễ xong, mời Bảo Thanh uống trà, Thanh từ chối. Vua sai đưa sứ trở về công quán nghỉ ngơi.

Ngày hôm sau (Đinh Sửu), Lễ Dụ Tế ở điện Thị Triều (Lễ đọc tờ Dụ của vua nhà Thanh gửi sang tế vua Minh Mạng). Sứ nhà Thanh đã mang đến 50 tấm lụa, 100 lạng bạc làm lễ vật gửi đến trước. Vua Thiệu Trị cũng đã sai quan Hưũ tư bổ túc thêm một số lễ vật nữa cho đầy đủ và nhà vua đã mặc lễ phục đến trước bàn thờ vua Minh Mạng (thần ngự) kính cáo trước. Khi sứ nhà Thanh đến, vua sai Định Viễn công Miên Bính và Diên Khánh công Miên Tấn bưng rượu và Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn bưng tờ dụ (của vua Thanh), Thượng thư Nguyễn Trung Mậu và Phan Bá Đạt bưng hương, Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, Thống chế Tôn Thất Đường, Tham tri Lý Văn Phức, Lê Bá Tú, Buì Qũy, Thị lang Nguyễn Trạch bưng lụa cùng dâng lễ tế. Lễ xong, sứ nhà Thanh chắp tay cuí đầu lui ra, vua cũng đưa tay lên trán để đáp lại. (15)

Điều đáng lưu ý: Trong việc tiếp đón sứ nhà Thanh và diễn tiến các nghi lễ đều theo điển lễ của Việt Nam. Bảo Thanh cũng như những viên quan thông dịch đi theo ông ta đều nhất nhất tuân theo luật lệ của nước ta. Vua Thiệu Trị rất hài lòng và ngỏ lời khen ngợi, tặng quà rất hậu.  Riêng sứ nhà Thanh chỉ nhận có 8 thứ (01 chiếc tê giác dát hoa bằng vàng, 01 đôi tê giác, 02 cân kỳ nam, 10 cân trầm hương, 01 cặp ngà voi, 02 cân nhục quế, lụa và vải, mỗi thứ 100 tấm).

Vua sai Đào Trí Phú tiển đưa Bảo Thanh ra tận cửa ải. Vua cũng dự trù sẽ cho một phái đoàn qua tạ ơn vua nhà Thanh nhưng vua Thanh cho phép sẽ tạ ơn vào dịp  mang cống phẩm qua cũng được.

Ban thưởng cho những người có công. Phạt những người thiếu trách nhiệm.

Vua ban thưởng cho những người có công tuỳ theo cấp bực lớn nhỏ. Riêng dân phu tỉnh Lạng Sơn vì có công làm đường sá cho sứ bộ đi qua nên được thưởng thêm 750 quan tiền. Một số các quan vì không làm tròn nhiệm vụ nên đã bị phạt là hưũ Tham tri bộ Lại Vũ Đức Khuê, Bố chính Nam Định là Nguyễn Quốc Hoan và Lãnh binh Hà Nội là Phùng Hưũ Hóa bị bãi chức. Nguyên hôm làm lễ Tuyên phong, sứ nhà Thanh  ngồi trên kiệu đi thẳng vào cửa Chu Tước, bị Thọ Xuân công Miên Định thét bắt phải dừng lại, Bảo Thanh mới chịu xuống kiệu. Vua cho rằng các quan có trách nhiệm nói trên đã không chịu đi theo sứ nhà Thanh để hướng dẫn họ nên mới xảy ra chuyện tới lui trái phép. (16)

Vua hồi loan, trở về cung

Xe của vua hồi loan trở về cung, các quan ra đón vua ở Trấn Bình Đài. Vua đến cung Từ Thọ lạy mừng Thái hậu, sau đó mới ngự về điện Cần Chánh. Hoàng tử lưu kinh (ở lại giữ kinh đô) và các quan đến lạy mừng, đem cờ, ấn nộp. Trên kỳ đài treo cờ Khánh hỷ (cờ mừng có đủ các màu sắc). Hai hôm sau, vua đến điện Hiếu Tư làm lễ tạ ơn và báo cáo với tổ tiên việc bang giao đã xong. Vua lập đàn chay ở chùa Thiên Mụ, ban tờ Dụ cho toàn dân: “Năm nay, đại giá Bắc tuần, đường đi qua 9 quận, trước ngày khải loan, trẫm ở trong cung, mật cầu trời, tổ ban phúc khiến cho Thánh tổ mẫu thái hoàng thái hậu ta lành mạnh, đó là điều mong ước nhất. Từ đầu Xuân khải loan đến đầu Hạ hồi tất, thường thường nhận được tin mừng ở kinh: Thánh từ ngày càng mạnh khoẻ. Vả lại, lúc đi thì mưa Xuân tạnh ráo đón xe ra, lúc về thì mùa Hạ thuận tiết hộ vệ đường về, trẫm thấy trong mình càng khoẻ, những người đi theo cùng đều được lành mạnh. Nay cờ rồng đã tiến về kinh, kính yết Từ cung, bà cháu sum họp vui vẻ; tới triều, các quan tấp nập mừng vui, lòng trẫm mừng rỡ khôn kể xiết! Vậy lập đàn cầu phúc, sai thự thống chế doanh Kỳ vũ Tôn Thất Đường, thị lang bộ lễ Trương Quốc Dụng coi việc ấy”

Mấy hôm sau, ngày Bính Thân, vua ban tờ Chiếu cho toàn dân biết:
“...Trẫm kính nối nghiệp xưa, theo sự được nghe, ghi lời đạo đức, lo sâu xa, tĩnh mật để nối sáng người xưa, xem xét chế độ, kính cẩn việc làm, nghĩ nối chí theo việc tức là đạo hiếu. Vì thế, kính tuân hiến pháp sẵn định, làm việc bang giao. Ngày 22 tháng Giêng năm nay, xa giá Bắc tuần, ngày 18 tháng hai đến hành tại Hà Nội. Cờ đi tới đâu cũng xét quan lại, chỉnh binh nhung, làm tốt, gia ơn khắp tới dân chúng. Già trẻ nơi làng mạc thấy bóng cờ đều vui mừng; quan chức các địa phương họp lễ cống đến triều yết. Xét các lệ xưa nay để làm điển lễ, hợp mọi tình trên dưới để tiếp phúc trời. Lần nầy sứ Thanh vâng mệnh sang đây, trong khi tới, lui, kính cẩn theo lễ độ; sự hoà thuận vui vẻ hợp với tình văn, quốc thể càng thêm tôn, thần dân đều mừng rỡ. Thật là nhờ về hoàng tổ Thế tổ Cao hoàng đế và hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ta uy đức đã rộng khắp, nên được như thế. Ngày 28 tháng trước, lễ lớn khánh thành; ngày 29 hồi loan; ngày 12 tháng này, tới kinh. Từ mình trẫm cho chí các hoàng đệ, hoàng thân và các quan đi theo, mọi sự đều được tốt lành cả. Nhận thấy sự được phúc lớn lao, khắp trong ngoài vui vẻ, lòng trẫm mừng, cảm kể sao cho xiết! Ngày 14, đã thân đến kính tạ điện Hiếu tư; ngày 15, thân đến mừng sức khoẻ cung Từ thọ; ngày 17 thân đến kính tạ Thái miếu, sai quan đến kính tạ Triệu miếu; ngày 18, thân đến kính tạ Thế miếu, sai quan đến kính tạ Hưng miếu. Nay ban chiếu khắp thiên hạ để vui lòng mọi người. Than ôi! noi điển cũ để trọn việc thân thiện với nước khác, làm tỏ mưu mô, công nghiệp người xưa; giữ phúc trước để tiến tới yên định cho dân sinh, cốt đón mừng vui lâu dài của vận mệnh. Bá cáo cho mọi người, xa gần đều nghe, biết”. (17)

Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn và các vua đầu nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng) đều cho sứ qua  Trung Quốc xin vua Tàu phong vương.  Vua Việt Nam được vua Tàu cấp cho một chiếc ấn đúc bằng vàng. Dưới thời nhà Nguyễn, mặc dù Huế là kinh đô của Việt Nam, nhưng các vua nhà Nguyễn vẫn phải ra tận Hà Nội nhận sắc phong. Sứ Tàu cũng thích đến Hà Nội vì nơi đây gần Trung Quốc hơn, tránh được  cảnh đi lại đường sá xa xôi, vất vả nhọc nhằn, khí hậu khắc nghiệt. Hà Nội là nơi đời sống vật chất, tinh thần cao hơn các nơi khác nên được xem là chốn ngàn năm văn vật. Vua Thiệu Trị là vua cuối cùng của nhà Nguyễn ra Hà Nội nhận sắc phong. Nhưng kể từ vua Tự Đức,  nhà vua muốn chứng tỏ rằng, Huế mới là kinh đô, là nơi nhân tài tụ hội, là nơi văn vật không thua kém gì Hà Nội, đời sống tinh thần, vật chất ở đây cao hơn các nơi khác. Vua Tự Đức lấy lý do Hà Nội không phải là kinh đô của nước Việt Nam để từ chối ra Bắc  và buộc sứ  nhà Thanh là Lao Sùng Quang (18) phải đến kinh đô Huế để phong vương vào năm Kỷ Dậu (1849). Trong việc ngoại giao với nhà Thanh, các vua Việt Nam, nhất là các vua nhà Nguyễn luôn luôn bảo vệ chủ quyền quốc gia và danh dự của dân tộc.



Chú thích:
(1)   Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ tam kỷ, quyển XV, bản Hán Văn, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, bản dịch Viện Sử Học Hà Nội 1971 tr.5..
(2)   ĐNTLCB, sách đã dẫn, tr.21...
(3)   (4) (5) (6) (7) ĐNTLCB, sđd, tr.29...32
(8) (9) (10) (11) ĐNTLCB sđd, tr...36...40 núi Triệu Tường, lăng Trường Nguyên là nơi có mộ Nguyễn Kim. Trừng Quốc Công là Nguyễn Hoàng Dụ, cha của Nguyễn Kim.
(12) ĐNTLCB, sđd, tr...40
(13) ĐNTLCB, sđd, tr...44
(14) ĐNTLCB, sđd, tr...52-59
(15) ĐNTLCB, sđd, tr. 91, 95, 96
(16) ĐNTLCB, sđd, tr.98
(17) ĐNTLCB, sđd, tr.108
(18) Lao Sùng Quang, người huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, thi đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ, làm quan án sát sứ tỉnh Quảng Tây được vua Sùng Quang nhà Thanh cử làm Khâm Sứ qua nước ta vào tháng 6 năm Kỷ Dậu (1849) phân ưu việc vua Thiệu Trị mất và phong vương cho vua Tự Đức tại Huế. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, sđd, tr. 186)


-------

Tổng số lượt xem trang