Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Chính sách biến hàng xóm thành ăn mày của Trung Quốc

Ba nhà kinh tế đã phát hiện rằng cách thức Trung Quốc định giá nhân dân tệ ảnh hưởng lớn đến các nước đang phát triển xuất khẩu hàng sang Mỹ hơn là với chính nước Mỹ. Ảnh: TL- SGTT.VN - Một báo cáo được ngân hàng Thế giới công bố hôm 8.3 cho thấy việc nhân dân tệ tăng giá 10% so với đôla Mỹ sẽ làm tăng trung bình khoảng 1,5 – 2% lượng xuất khẩu một số mặt hàng từ các nước đang phát triển vào Mỹ. Trong một số trường hợp, mức tăng có thể lên đến 6% cho mỗi biên độ tăng 10% của nhân dân tệ so với đôla Mỹ.

Báo cáo này có tên Các hiệu ứng lan toả của tỷ giá – nghiên cứu trường hợp nhân dân tệ, do ba nhà kinh tế thực hiện là Aaditya Mattoo của ngân hàng Thế giới, Prachi Mishra của quỹ Tiền tệ quốc tế, và Arvind Subramanian của viện Kinh tế quốc tế Peterson. Đây là công trình nghiên cứu về tác động từ chính sách ngoại hối của Trung Quốc đối với các nhà xuất khẩu là các nước đang phát triển.
Ba nhà kinh tế đã phát hiện rằng cách thức Trung Quốc định giá nhân dân tệ ảnh hưởng lớn đến các nước đang phát triển xuất khẩu hàng sang Mỹ hơn là với chính nước Mỹ. Chính sách này của Trung Quốc có thể là để cạnh tranh ráo riết với các nhà xuất khẩu khác trong nhóm các nước đang phát triển, chứ không phải đơn giản là để làm cho hàng Trung Quốc rẻ hơn khi nhập khẩu vào Mỹ, và hàng Mỹ đắt hơn khi vào Trung Quốc. Do đó, giữ cho giá nhân dân tệ thấp dưới giá trị thực một cách có chủ ý bị các nhà kinh tế xem là chính sách “biến hàng xóm thành ăn mày” hay là “lợi mình hại người”.
Nếu Trung Quốc giữ giá nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực khi so với đôla Mỹ, hàng hoá Trung Quốc sẽ có giá cả cạnh tranh hơn hàng hoá của các nước khác khi nhập khẩu vào Mỹ. Việc nhân dân tệ có giá thấp gây ra tác động “lan toả” đến mức nào được các nhà nghiên cứu trình bày bằng cách so sánh số liệu thương mại của 124 nhà xuất khẩu là các quốc gia đang phát triển, trong đó có 57 nhà xuất khẩu lớn với hơn 6.000 mặt hàng, trong khoảng thời gian 2000 – 2008, là thời gian mà nhân dân tệ tăng giá 30% so với đôla Mỹ. Các tác giả nhận định rằng nhân dân tệ tăng giá thêm sẽ “có thể mang lại sự tăng trưởng đáng kể cho các nhà xuất khẩu là các nước đang phát triển”.
Báo cáo trên có thể sẽ biến các tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc về định giá nhân dân tệ trở thành một vấn đề đa phương hơn. Khi các quốc gia đang phát triển khác nhận thấy lợi ích của chính mình trong việc làm tăng giá nhân dân tệ, việc gây sức ép để Trung Quốc phải nâng giá nhân dân tệ sẽ không chỉ đến từ Mỹ, mà còn đến từ các nước đang phát triển có hàng nhập khẩu vào Mỹ.
MAI HƯƠNG
-Theo:Chính sách biến hàng xóm thành ăn mày của Trung Quốc


-  BA NGUYÊN NHÂN KHIẾN KINH TẾ TRUNG QUỐC BỊ ĐÌNH TRỆ TRONG NĂM 2012 basam-Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ sáu, ngày 9/3/2012
TTXVN (Bắc Kinh 5/3)
Mạng “Quan sát Kinh tế” của Trung Quốc gần đây đăng bài phân tích “Ba nguyên nhân có thể khiến kinh tế Trung Quốc bị đình trệ trong năm 2012” của Tôn Kiếm, chuyên viên nghiên cứu của Ban kinh tế-xã hội thuộc tạp chí “Cầu thị” (Trung Quốc), trong đó cho rằng hiện nay kinh tế Trung Quốc rât có khả năng xuất hiện tình trạng đình trệ do lạm phát. Tác giả đưa ra 3 nguyên nhân chủ yếu, trong đó nguyên nhân thứ nhất là do giá dầu mỏ và giá quặng quốc tế đang ở mức cao, làm tăng giá thành sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, kìm hãm khả năng mở rộng quy mô doanh nghiệp và khả năng tạo thêm công ăn việc làm do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc cao độ vào nguồn năng lượng và nguồn tài nguyên khoáng sản, giá thành sản xuất của doanh nghiệp không ngừng tăng lên, làm giảm lợi nhuận và năng lực tạo công ăn việc làm của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp khó mở rộng tái sản xuất. Ngoài ra, việc giá cả một loạt các mặt hàng chủ lực trên thị trường quốc tế tăng cao thời gian gần đây cũng ảnh hưởng tới tình trạng lạm phát trong nước của Trung Quốc.
Nguyên nhân thứ hai là trong khi đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, Trung Quốc đã áp dụng chính sách tài chính tích cực và chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến tính lưu động quá dồi dào, không ngừng gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2008 của Trung Quốc là 180 tỷ NDT, để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã tăng thêm gói đầu tư 4.000 tỷ NDT, đồng thời dự toán bội chi ngân sách năm 2009 sẽ tăng lên ở biên độ lớn. Bội chi dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 của Trung Quốc là 750 tỷ NDT, cộng thêm bội chi do ngân sách nhà nước thay mặt địa phương phát hành 200 tỷ NDT trái phiếu, nên bội chi ngân sách trong cả năm 2009 là 950 tỷ NDT, chiếm khoảng 3% GDP, gần đạt tới ranh giới cảnh báo quốc tế về tỉ lệ bội chi ngân sách. Bội chi ngân sách nhà nước Trung Quốc năm 2010 là 800 tỷ NDT. Năm 2009, Trung Quốc cho vay mới 9.600 tỷ NDT; năm 2010 con số này là 7.900 tỷ NDT; năm 2011 là 7.470 tỷ NDT. Trong điều kiện nhà nước thực hiện chính sách tài chinh tích cực và chính sách nới lỏng tiền tệ vừa phải, mặc dù tăng trưởng kinh tế đã được đảm bảo, nhưng cũng gây ra tình trạng lạm phát nghiêm trọng ở một chừng mực rất lớn cũng có thể nói tăng trưởng kinh tế trong hai năm vừa qua đã phải trả giá bằng lạm phát.
Từ năm 2010 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không ngừng lập các mốc mới, tăng từ 1,5% hồi tháng 1 lên 5,1% vào tháng 11/2011. Tới tháng 7/2011, chỉ số CPI nhảy vọt lên 6,5%, khiến cuộc sống thường ngày của người dân thường chịu rất nhiều ảnh hưởng. Năm 2011, sau khi Chính phủ xác định kiềm chế lạm phát làm mục tiêu quan trọng hàng đầu, Ngân hàng Nhân dân đã liên tiếp 6 lần nâng lãi suất tiền gửi bằng vàng và 3 lần nâng lãi suất tiền cho vay nhằm thu hẹp tính lưu động, nhưng lạm phát vẫn chưa thực sự được kiềm chế hiệu quả, hơn nữa vấn đề khó khăn trong lưu thông vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng trở nên nghiêm trọng, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực của phá sản, điều này sẽ tạo thành những mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, là nhân tố tiềm ẩn dẫn đến kinh tế Trung Quốc đình trệ.
Nguyên nhân thứ ba, Mỹ đến nay vẫn chưa thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, chính sách nới lỏng tiền tệ đã dẫn tới tình trạng lạm phát mang tính toàn cầu. Như vậy, giảm thiểu tài sản tiền mặt, giữ tài sản hiện vật đã trở thành sự lựa chọn lý tính, giá cả của một loạt hàng hoá chủ chốt tăng cao là khó có thể tránh khỏi. Ngoài ra, các nước trên thế giới đã áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch nhằm đối phó với khủng hoảng, khiến cho các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu trong nước của Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp trầm trọng hơn là khó có thể tránh khỏi, các doanh nghiệp nhỏ ở thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) liên tiếp bị vỡ nợ chính là bằng chứng rõ nét nhất.
Dưới tác động của chính sách vĩ mô trong nước và môi trường kinh tế quốc tế hiện nay, giá cả các mặt hàng nói chung chịu ảnh hưởng bởi lượng cung tiền mặt giai đoạn trước quá lớn và lạm phát mang tính du nhập, khó có thể hạ xuống, trong khi đó tình trạng thất nghiệp cũng không được tháo gỡ, kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện dấu hiệu lạm phát. Mặc dù, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế vài năm gần đây luôn duy trì ở mức trên dưới 10%, nhưng phương thức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là phương thức thô điển hình (dựa vào xuất khẩu hàng gia công, sử dụng nhiều sức lao động v.v..), tăng trưởng kinh tế thấp hơn 8% sẽ xuất hiện dấu hiệu của suy thoái, ngoài ra, tỉ lệ đăng ký thất nghiệp tại thành thị hơn 4% căn bản không phản ánh đúng tình trạng thất nghiệp. Cho nên, Trung Quốc hoàn toàn không thể căn cứ vào tỉ lệ tăng trưởng kinh tế và tỉ lệ đăng ký thất nghiệp tại thành thị mà đơn giản phán đoán Trung Quốc không thể xảy ra tình trạng kinh tế đình trệ do lạm phát.
Một khi rơi vào tình trạng kinh tế đình trệ, điều tiết vĩ mô sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, để kích thích tăng trưởng kinh tế nên phải thực hiện chính sách tài chính và tiền tệ mang tính mở rộng, do kinh tế thực thiếu điểm nóng đầu tư, tình trạng thất nghiệp sẽ không được giải quyết, vốn quá thừa sẽ đổ vào các lĩnh vực kinh tế ảo, khiến cho giá cả các loại tài sản tăng đột ngột; trong khi thực hiện chính sách ổn định giá cả mang tính thắt chặt, do đầu tư và tiêu dùng thấp nên khiến tăng trưởng kinh tế rơi vào đình trệ./.--


-

Rate cut (Giang Le)
 Mỗi lần Fed hay một ngân hàng trung ương nào đó thay đổi lãi suất, giới tài chính không chỉ quan tâm đến những con số phần trăm tăng giảm mà phần quan trọng không kém là những lời tuyên bố (statement) kèm theo quyết định lãi suất. Nhiều khi ngôn ngữ trong lời tuyên bố còn quan trọng hơn bản thân những con số cụ thể. Trong cuộc họp báo về quyết định thay đổi chính sách tiền tệ ngày 5/3 vừa rồi một số chi tiết trong phát biểu của ông Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm VPCP, và ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN, có ẩn chứa một số điều đáng suy ngẫm.

Ông Đam nói "Chính phủ yêu cầu NHNN phải giảm lãi suất ngay sau phiên họp này". Vẫn biết NHNN là một thành viên của Chính phủ chứ chưa độc lập như những ngân hàng trung ương khác, ngôn ngữ rất quyết liệt như vậy từ phía Chính phủ chưa có tiền lệ. Sau đó ông Bình cho biết "Vài ngày tới chúng tôi sẽ chính thức công bố quyết định hạ lãi suất", nghĩa là nhiều khả năng NHNN đến cuộc họp này với tâm thế chưa sẵn sàng giảm lãi suất. Việc Thống đốc Bình tuyên bố sẽ cắt giảm một điểm phần trăm cho tất cả các lãi suất chính sách có lẽ chỉ là nhượng bộ của NHNN trước mệnh lệnh của Chính phủ. Sau đó một ngày, các chuyên gia của ANZ và JP Morgan Chase tỏ vẻ nghiêng về phía NHNN, cho rằng cắt giảm lãi suất vào thời điểm này hơi sớm. Trước đó các tổ chức quốc tế như IMF, ADB và một số ngân hàng nước ngoài như HSBC, Barclay đã khuyến nghị VN nên kiên trì giữ chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát một cách triệt để, đặt mục tiêu ổn định vĩ mô lên trên mục tiêu tăng trưởng.

Vậy Chính phủ đúng khi yêu cầu NHNN giảm lãi suất hay phe diều hâu (thuật ngữ chỉ những người muốn thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát) đúng? Rất tiếc vị thế hiện tại của ông Bình không cho phép ông bảo vệ quan điểm của mình còn ông Đam đưa ra hai lập luận chính sau. Thứ nhất tổng lạm phát hai tháng đầu năm chỉ là 2.38%, thấp nhất trong nhiều năm qua, nhất là so với 2 tháng đầu năm 2011 (3.74%). Thứ hai một số chỉ số vĩ mô như thanh khoản hệ thống, tỷ giá, cán cân thanh toán đang dần ổn định. Ông Đam cho biết mặc dù lãi suất tín dụng bắt đầu giảm doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn rẻ, do đó "việc giảm lãi suất đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tăng trưởng cũng phải được đặt lên hàng đầu". Sau một năm kiên quyết thắt chặt tiền tệ/tài khóa để chống lạm phát và ổn định vĩ mô, lần đầu tiên một thành viên chính phủ đặt lại mục tiêu tăng trưởng lên ưu tiên số một.

Trước hết cần nhận định chính xác tình hình lạm phát trong hai tháng đầu năm. Đúng là nếu so sánh chỉ số CPI ở thời điểm cuối tháng Hai so với cuối năm 2011 thì lạm phát hai tháng đầu năm không quá cao. Tuy nhiên nếu sử dụng phương pháp so sánh CPI cùng kỳ năm trước (year-over-year) thì lạm phát 12 tháng tính đến thời điểm cuối tháng 2 là 16.44%, cao nhất trong số các tháng 2 của 15 năm trở lại đây, kể cả tháng 2 của năm 2008 và năm 2011 là hai năm lạm phát bùng phát. Mặc dù lạm phát cùng kỳ 12 tháng lúc này đã thấp hơn so với đỉnh vào tháng 8/2011, chỉ số này vẫn cao hơn nhiều so với con số lạm phát trung bình trong giai đoạn 2000-2007 (hơn 16% so với dưới 10%). Như vậy bức tranh lạm phát chưa thực sự rõ ràng như ông Đam khẳng định. Lạm phát có thể đang trên đà suy giảm nhưng kỳ vọng lạm phát vẫn còn cao và những diễn tiến tăng giá xăng dầu, ga đốt gần đây sẽ làm tình hình giá cả biến động khó lường trong thời gian tới.

Thực ra việc lạm phát cùng kỳ 12 tháng đã vượt qua đỉnh có thể nói là hệ quả trực tiếp của chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2011. Khác với các ngân hàng trung ương khác, NHNN thắt chặt tiền tệ thông qua ba kênh: tăng lãi suất chính sách, bóp nghẹt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, và áp đặt hành chính trần tín dụng. Đây là liều thuốc đắng VN cần phải uống sau nhiều năm quá say sưa với tăng trưởng nóng. Chính sách thắt chặt tiền tệ hà khắc đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay. Con số hơn 50 ngàn doanh nghiệp đóng cửa hoặc ngừng hoạt động trong năm 2011 là bằng chứng chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng, dù không ai mong muốn như vậy. Khi doanh nghiệp khó khăn và chậm trả nợ trong lúc thanh khoản của hệ thống bị NHNN siết chặt, nợ xấu trong khối ngân hàng gia tăng nhanh chóng, nhất là những ngân hàng không có tiềm lực mạnh. Nhu cầu cải tổ hệ thống ngân hàng vốn đã yếu kém là điều tất yếu và NHNN đang ráo riết triển khai một kế hoạch cải tổ như vậy. Việc thanh lọc những doanh nghiệp và ngân hàng yếu kém trong năm qua và sắp tới, xét trên khía cạnh hiệu quả kinh tế, là điều cần thiết cho mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững của VN. Nới lỏng tiền tệ quá sớm có thể làm công cuộc tái cấu trúc này không đi đến đích.

Nhận định thứ hai của ông Đam về tình hình vĩ mô đang ổn định dần thực ra cũng là hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ (và tài khóa) trong thời gian qua. Bên cạnh lạm phát cao, việc VN có thâm hụt thương mại lớn và tỷ giá USDVND luôn bị sức ép lên giá trong nhiều năm qua là biểu hiện của đầu tư nội địa vượt quá tổng tiết kiệm của nền kinh tế. VN có tỷ lệ đầu tư trên GDP cao hơn đa số các nước khác trong khu vực nhưng tỷ lệ tiết kiệm lại thấp hơn họ. Một khi mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao và tín dụng bị NHNN hạn chế, cán cân đầu tư - tiết kiệm sẽ được cần bằng lại phần nào, dẫn đến cán cân thương mại và tình hình tỷ giá sẽ dần được cải thiện. Đây là xu hướng tích cực cho nền kinh tế, tuy nhiên Chính phủ cần thận trọng khi cho rằng điều kiện vĩ mô đã đủ ổn định để có thể chấm dứt giai đoạn thắt lưng buộc bụng. Chừng nào tỷ lệ tiết kiệm chưa được nâng lên đáng kể thì lãi suất thấp sẽ lại đẩy đầu tư lên cao dẫn tới mất câng bằng vốn và cán cân thương mại lại có nguy cơ doãng ra.

Chưa đầy hai tháng trước dư luận còn rất bức xúc khi nhiều ngân hàng công bố những con số lợi nhuận rất lớn trong khi nhiều doanh nghiệp phải oằn mình chịu lãi suất cao. Nghịch lý này cho thấy giới ngân hàng, nhất là những ông lớn, vẫn giữ được chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay rất cao. Họ làm được điều này một phần vì trần lãi suất huy động 14% mà NHNN áp đặt, một phần vì còn nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận vay với mức lãi suất có lúc vượt 20%/năm. Một khi quá trình thanh lọc doanh nghiệp yếu kém phát huy hiệu quả, nhu cầu vay vốn từ khối doanh nghiệp sẽ giảm và lãi suất cho vay sẽ tự động hạ thấp, kéo theo lợi nhuận của giới ngân hàng sẽ thu hẹp lại. Đây là qui luật chung ở hầu hêt các nền kinh tế thị trường, cổ phiếu của giới ngân hàng luôn mất giá khi ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. Với VN, việc lãi suất cho vay giảm dần ngay cả khi NHNN chưa nới lỏng chính sách tiền tệ cũng cùng chung qui luật, nhất là khi tình hình thanh khoản đang được cải thiện. Chính phủ cần kiên nhẫn để NHNN cho nền kinh tế uống đủ liều kháng sinh. Nên nhớ lạm phát chỉ là biểu hiện lâm sàng, căn nguyên sâu xa mà đợt tái cấu trúc kinh tế này cần chữa trị là năng suất (productivity) thấp và khả năng cạnh tranh yếu kém của nền kinh tế.

Rất tiếc Chính phủ đã quyết và NHNN phải chấp hành hạ lãi suất, điều mà người viết bài này đồng ý với ANZ và JP Morgan Chase là còn quá sớm. Dẫu sao NHNN vẫn còn một vũ khí nữa là trần tín dụng. Trong thời gian tới NHNN cần quản lý thật chặt không để tín dụng bung ra tài trợ cho những dự án đầu tư kém hiệu quả và cho vay phi sản xuất. Bên cạnh đó việc giải tỏa căng thẳng thanh khoản sẽ tạo điều kiện cho những ngân hàng còn room tăng trưởng tín dụng tiếp tục cho các doanh nghiệp lành mạnh vay. NHNN cũng nên đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, kiểm soát chặt nợ xấu và kiên quyết giải thể hay sáp nhập những ngân hàng không còn đủ vốn chủ sở hữu đảm bảo mức an toàn tối thiểu. Tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại vài năm, nhưng đó là cái giá phải trả và cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế.


[Note: Một version của bài viết này đã được đăng trên SGTT]Hạ lãi suất thời điểm này hoàn toàn thích hợp
TPO - Tại buổi họp báo chiều 12-3, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc hạ lãi suất thời điểm này hoàn toàn thích hợp, hội tụ các điều kiện “cần” và “đủ”.





Chưa nên vội đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu (SGTT). - Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Cần quyết sách mạnh tay hơn (KTSG).
Giá xăng bắt đầu ngấm… (SGTT).  - Giá điện lại được kiến nghị tăng ít nhất 5%  (DV).Thêm nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay —  (TBKTSG). - Nói và làm: Hy vọng nhỏ trong thách thức lớn (VEF). - Kỳ vọng trần lãi suất sẽ giảm về 13% trong tuần này (NDHMoney).
- Phỏng vấn ông Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch – Đầu tư: Cân nhắc khi mở casino (NLĐ).---

Tổng số lượt xem trang