Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Giải thưởng toán học: cay đắng và thất vọng

-ĐẶNG Đình Cung Kỹ sư tư vấn
Gần đây phó chủ tịch Trung Quốc, ngài Tập Cận Bình, sang thăm Việt Nam. Chúng tôi hy vọng ông đã được quan chức nước ta giới thiệu GS Hoàng Tụy, giải Constantin Caratheodory, và GS Ngô Bảo Châu, huy chương Fields. Chúng tôi hy vọng sau chuyến công du ông nhận thấy nước ông mặc dù dân đông tới một phần năm nhân loại nhưng không có tới một giải Nobel khoa học nàoi. Và chúng tôi cũng hy vọng, khi lên làm tổng bí thư, ông sẽ ra lệnh hải quân nước ông thận trọng ngưng gây hấn ở Biển Đông.

Ngoài việc có thể đã ngăn cản một chiến tranh nữa với Trung Quốc, hai vị giáo sư Hoàng Tụy và Ngô Bảo Châu còn có đóng góp lớn vào việc phát triển toán học Việt Nam. Nếu Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) được thành lập là nhờ GS Ngô Bảo Châu được huy chương Fields. Cụ thể và bền vững hơn nữa là ngoài xã hội sẽ có nhiều trẻ em noi gương đàn chú bác mà quan tâm đến toán học. Công nghệ thông tin nước ta phát triển rất mau và chúng ta có thể là một cường quốc về ngành này trong vài năm sắp tới. Nguyên do chỉ vì khi xưa có một người Việt tên là André Trương Trọng Thi sáng chế ra máy vi tính và vị này đã trở nên một thần tượng ở nước ta. Nếu chúng ta có một Michel Plantini hay một Zinédine Zidane thì chắc chắn thường xuyên sẽ có những trận đá bóng khắp đầu đường ngõ chợ và nghề cảnh sát giao thông sẽ là nghề vất vả nhất ở Việt Nam. Với hai vị trong ngành toán học được vinh danh năm 2010, thế hệ đang lên sẽ tự phát sinh một số lớn nhân tài cho ngành toán học.
Tuy nhiên, vinh danh quốc tế của hai vị giáo sư này làm tôi cảm thấy cay đắng và thất vọng như một người si tình không được đáp ân.
Công trình nghiên cứu của GS Hoàng Tụy về tối ưu toàn cục là những đóng góp rất lớn cho bộ môn toán học và, nói chung, cho tất cả các môn khoa học ‒kỹ thuật khác. Toán học là một số kiến thức về lý luận logic dựa trên những số, hình, kết cấu và phép biến đổi những đối tượng đó. Mặc dù kết quả nghiên cứu toán học chỉ là những chân lý trừu tượng, nhưng chúng được áp dụng trong tất cả các khía cạnh của đời sống. Những phương pháp của lý thuyết xác suất (probability), tối ưu (optimization) và hệ thống chuyển động (dynamic systems) áp dụng trong các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế và chính trị được gom lại trong một bộ môn gọi là vận trù học. Ở Hoa‒Kỳ có khi người ta gọi là quản lý học (management science) hay quyết định học (decision science).
Qua kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi đồng tình với GS Hoàng Tụy và xin chia sẻ cay đắng của giáo sư. "Việt Nam chính là nơi có những đóng góp cơ bản, sơ khai nhất cho toán học tối ưu toàn cục và trải qua 40 năm, nó đã được áp dụng khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó ở Việt Nam, mặc dù chúng tôi đã có nhiều cố gắng vận động nhưng vẫn không được ủng hộ. Tôi đã không làm được gì và cảm thấy hơi cay đắng. [...] Mình lập ra một ngành học, nước ngoài phát triển được, dùng được, ứng dụng được, nhưng ở trong nước không được ủng hộ, thậm chí không được đánh giá tốt nên tôi thấy rất buồn"ii.
Cuối thập niên 1960, chúng tôi học ở Mines de Paris (Trường Cao đẳng Kỹ sư Mỏ ở Paris). Hồi đó miền Nam nước ta bị quân đội Mỹ chiếm đóng. Để tham gia giải phóng hoàn toàn đất nước cùng với MTDTGPMN, chính phủ VNDCCH gửi quân đội và vũ khí vào Nam qua những tuyến đường gọi chung là Đường Mòn Hồ Chí Minh. Người chỉ huy quân đội Mỹ kiềm chế mạng giao thông này là Robert McNamara, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ. Thời Đệ nhị Thế chiến, ông này đã dùng những công cụ vận trù để tổ chức những đoàn tầu hàng tiếp tế Anh Quốc qua Bắc Đại Tây Dương sao cho đỡ bị tầu ngầm Đức bắn chìm. Chúng tôi cũng nghe thấy ở miền Bắc có một vị nghiên cứu vận trù học mà sau này tôi mới biết tên là Hoàng Tụy. Chúng tôi suy ra vị này chắc được chính phủ nhờ quy hoạch những tuyến vận tải tiếp viện miền Nam. Chúng tôi mơ ước sau khi tốt nghiệp sẽ được vinh dự làm cộng sự viên cho vị này và ngày đêm tôi mải miết học môn vận trù học. Như chúng tôi đã có dịp kể, vì các thày bắt học nhiều và khó quá, chúng tôi theo không nổi và suýt nữa thì ra trường mà không có bằngiii. May mắn thay, chúng tôi được vớt nhờ điểm cao về môn vận trù học. Sau khi tốt nghiệp và trong suốt đời nghề chúng tôi hàng ngày đã phải dùng những công cụ vận trù để tìm một tối ưu cho những vấn đề chúng tôi phải giải quyết. Kiến thức về mỗi ngành khoa học của một kỹ sư chỉ đủ để đưa vào áp dụng kết quả nghiên cứu của người khác. Rất có thể chúng tôi đã vô tình áp dụng những kết quả nghiên cứu của GS Hoàng Tụy mà không biết. Điều mà chúng tôi biết chắc là trong 12 năm làm tư vấn về chiến lược và quản lý công nghiệp chúng tôi đã dùng vận trù học để mang lợi cho mỗi khách hàng cả triệu euros. Hỡi ôi, những gì đã học, những kinh nghiệm đã tích lũy không bao giờ chúng tôi được dịp dùng để giúp nước mẹ đẻ.
Nếu giải Constantin Caratheodory của GS Hoàng Tụy làm chúng tôi cay đắng thì huy chương Fields của GS Ngô Bảo Châu làm chúng tôi có nhiều lý do thất vọng.
"Nếu có gì có thể nói là kinh nghiệm cho người trẻ thì theo tôi, phải có một đam mê thực sự, có mơ ước và luôn luôn cố gắng thực hiện mơ ước ấy, dù hoàn cảnh khó khăn, có rủi ro. Thứ hai là phải có niềm tin. Đó là phẩm chất rất quan trọng của người làm khoa học, phải tin việc mình làm không vô ích"iv. Đó là những đặc tính phân biệt một nghiên cứu sư thường và một nghiên cứu sư đặc biệt, được quốc tế vinh danh. GS Ngô Bảo Châu đã có những đặc tính đó từ thuở bé. Nhưng những đặc tính đó cần có một môi trường học hỏi và nghiên cứu thuận tiện thì mới sinh ra được những nghiên cứu sư đặc biệt. Môi trường để phát huy tài năng của mình thì du học sinh Ngô Bảo Châu đã tìm thấy ở Ecole Normale Superieure (Trường Cao đẳng Sư phạm) của Pháp chứ không phải ở một trung tâm nghiên cứu nào của Việt Nam. Trước khi du học sinh này nổi tiếng thì ở nước ta không có cơ sở nghiên cứu khoa học ‒ kỹ thuật (NCKHKT) nào tạo ra môi trường thuận tiện đó cả. Việc chính phủ thành lập VIASM là một tin đáng mừng. Nhưng giới NCKHKT phải chờ đến bao giờ thì chính phủ mới thành lập những Viện Nghiên cứu Cao cấp về Hóa học, Vật lý và Y khoa ? Liệu chúng tôi phải cầu cho một người bất đồng chính kiến nhận giải Nobel Hòa bình để nước ta có được một Viện Nghiên cứu về Dân chủ học à ? Hay là chính phủ coi những môn này không cần thiết cho đất nước ?
Cắt hơn 650 tỷ đồng cho VIASM mà chỉ đòi hỏi chung chung, tăng tỷ lệ giảng viên toán có bằng tiến sĩ ở các trường đại học lớn lên 70 %, tăng số lượng công trình công bố quốc tế so với năm 2010 và đưa vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế lên hàng thứ 40 là một quyết định kỳ dịv. Người thì nói rằng số tiền đó quá lớn, kẻ thì nói là không đủvi. Đầu tư mà không có định hướng thì một xu cũng đã là phí phạm rồi.
Số lượng tiến sĩ và công trình công bố quốc tế đâu phải là chỉ báo của sức mạnh khoa học ‒ kỹ thuật của một quốc gia hay của một trung tâm NCKHKT. Quan trọng là những tiến-sĩ đó và những công-trình đó có gắn bó chặt chẽ với ý-đồ phát-triển khoa học ‒ kỹ thuật của quốc-gia đó hay không. Cơ quan nào dựa vào đâu để xếp chúng ta vào hạng 50/55 về toán học ? Chính phủ đang chạy theo một thứ hạng hão huyền thay vì ra lệnh cho VIASM nghiên cứu những đề tài hữu ích cho đất nước. Một trường đại học hay một cơ sở NCKHKT có tiếng tăm, được coi là giỏi, là một nơi mà những thày giỏi nhận đến nghiên cứu giảng dậy và học sinh giỏi tranh nhau ghi tên học.
Có người biện luận rằng không thể áp đặt những đề tài nghiên cứu vì phải để cho các nghiên cứu sư tự do nghiên cứu thì họ mới phát huy được tài năng của họ. Trong ngành NCKHKT người ta phân biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu áp dụng. Đại khái thì nghiên cứu cơ bản trong một ngành khoa học có mục đích làm cho ngành đó tiến bộ còn nghiên cứu áp dụng có mục đích làm cho các ngành khoa học ‒ kỹ thuật khác tiến bộ. Chúng tôi thú thật không nắm rõ nội dung và giá trị những công trình nghiên cứu của các huy chương Fields hay giải Nobel và nếu các vị này làm phúc bỏ thì giờ dậy riêng cho chúng tôi thì chắc chúng tôi cũng không hiểu gì cả. Theo các bài báo phổ cập khoa học thì năm 2010 có bốn vị đồng chia sẻ huy chương Fields. Đề tài nghiên cứu của ba vị, GS Ngô Bảo Châu, GS Elon Lindenstrauss và GS Stanislav Smirnov, liên quan đến toán học cơ bản. Đề tài của GS Cedric Villani thì nhằm giải quyết một số vấn đề vật lý khí động học (gaz kinetics) và lý thuyết vận chuyển (transport theory). Năm 1950, GS Laurent Schwartz, một người bạn quý của Việt Nam, được huy chương Fields vì đã hiến cho môn vật lý một bước tiến nhẩy vọt với lý thuyết phân bổ (distribution hay là generalized functions). Chúng tôi đã nêu ở trên giải Constantin Caratheodory của GS Hoàng Tụy với đóng góp lớn lao cho ngành hậu cần.
Chúng tôi tôn trọng tự do nghiên cứu của những nghiên cứu sư nên không trách GS Ngô Bảo Châu đã chọn một đề tài nghiên cứu cơ bản. Công trình của giáo sư đã gia tăng kho kiến thức của nhân loại và đã mang lại vinh quang cho nước Việt Nam, vinh quang mà cả nước đều hãnh diện chia sẻ. Nhưng chúng tôi trách chính phủ đã không hướng dẫn du học sinh Ngô Bảo Châu đến những đề tài liên quan trực tiếp tới bát cơm manh áo của người dân Việt Nam. Một khi được gửi đi học ở ngoại quốc, chưa chắc gì một du học sinh sẽ quan tâm đến một đề tài nghiên cứu ưu tiên của chính phủ và dù em đó nghiên cứu theo định hướng của chính phủ chăng nữa thì cũng chưa chắc em sẽ trở thành một nghiên cứu sư được quốc tế vinh danh. Đó là những bất trắc mà chúng ta phải chấp nhận thôi. Nhưng một chính phủ, nhất là chính phủ một nước nghèo như nước ta, đâu có thể để cho một sinh viên đi du học mà lại không nhắn em đó nên học gì, nên nghiên cứu gì cho thích hợp với kế hoạch NCKHKT của chính-phủvii.
Những thành tích của GS Hoàng Tụy làm chúng tôi cay đắng vì những kết quả nghiên cứu của người Việt Nam được quốc tế trọng dụng nhưng không được áp dụng ở Việt Nam. Việc thành lập VIASM sau khi GS Ngô Bảo Châu được huy chương Fields làm chúng tôi thất vọng vì nhận thấy chính phủ không có nghị lực đủ mạnh và tầm nhìn đủ cao đủ rộng để đưa ngành NCKHKT tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế ‒ xã hội của đất nước.

Đặng Đình Cung


Xem ý kiến phản biện của Hà Dương Tường tại đây.

i GS Hoàng Tụy và GS Ngô Bảo Châu là công dân Việt Nam, có quốc tịch và giấy tùy thân Việt Nam, chứ không phải là Việt Kiều đã bị tước hay đã từ bỏ quốc tịch gốc. Có người gốc Hoa được giải Nobel. Người duy nhất vẫn còn mang quốc tịch Trung Quốc là Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình năm 2010. Vị này hiện đang ở tù vì bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền Bắc Kinh.
iii Thày tôi giáo sư Maurice Allais, đăng trên Sài Gòn Tiếp thị năm 2010.
v Quyết định 1483/QĐ TTg ngày 17 tháng tám 2010 : "Phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020".
vii Vấn đề này gây tranh cãi giữa đa số nghiên cứu sư trên thế giới và cơ quan trài trợ họ. Bài này phản ảnh quan điểm của chúng tôi qua kinh nghiệm về quản lý chiến lược công nghệ. Chúng tôi sẽ trình bầy kỹ hơn vào một dịp khác.

-Theo:-Giải thưởng toán học: cay đắng và thất vọng



- Xem ý kiến phản biện của Hà Dương Tường tại đây.
Phải nói là chúng tôi đã thực sự phân vân khi đọc bài báo này. Những lập luận của tác giả khi bàn về khoa học và nghiên cứu khoa học quá kéo về trải nghiệm riêng của mình để có thể mang ra tranh cãi. Nhưng mặt khác, nó chứa đựng nhiều khẳng định dễ dẫn đến ngộ nhận, nhất là khi tác giả là một tên tuổi đã được biết đến qua nhiều bài viết đã đăng trên mặt báo này, về nhiều vấn đề dính tới các chính sách công nghệ của Việt Nam. Và khi đối tượng của sự "thất vọng" mà ông nêu trong bài lại dính tới Ngô Bảo Châu, một tên tuổi lẫy lừng của khoa học Việt Nam đồng thời là một đối tượng của rất, rất nhiều bàn cãi trên mọi phương tiện truyền thông của đất nước khốn khổ này, chỉ từ một vài tuyên bố của anh... Người nổi tiếng phải chịu sự săm soi, bình phẩm nhiều khi quá đáng, nhiều khi vô lý của xã hội, nhất là một xã hội có quá nhiều dị dạng như xã hội Việt Nam hiện nay - dị dạng do sự kết hợp giữa một thể chế cực kỳ độc tài và phản tiến bộ, với một mặt bằng dân trí tiền công nghiệp - cũng là điều bình thường. Nhưng phải chăng, chính vì thế mà chúng ta cần cẩn trọng hơn để không tiếp tay cho những luận điểm đầy cảm tính đã có quá nhiều ?
Trao đổi giữa vài anh em trong ban biên tập đi tới quyết định : cứ nên đăng bài, nhưng cũng nên có một bài « phản biện » ít ra là về vài vấn đề liên quan tới khoa học và chính sách khoa học. Tuy nhiên, dưới đây là những ý kiến cá nhân, mà người ký chịu trách nhiệm – nhất là những sai lầm, thiếu sót. Những đoạn in màu xanh lục, chữ đậm là trích từ bài « giải thưởng toán học » của anh Đặng Đình Cung.

1. Về toán học

Đặng Đình Cung định nghĩa "Toán học là một số kiến thức về lý luận logic dựa trênnhững số, hình, kết cấu và phép biến đổi những đối tượng đó." (đoạn in nghiêng do tôi nhấn mạnh).
Đó là một định nghĩa quá ngắn để có thể phản ánh trung thực hoạt động của toán học. Ở đây có hai vấn đề: i/ về lý luận, đẩy tới tận cùng, có thể dựa trên một số định đề (phản ánh sự thực quan sát được về những số, hình, kết cấu và phép biến đổi những đối tượng đó) và những nguyên tắc lý luận logic để bao quát hết toán học? Câu trả lời là không, từ khi Godel chứng minh định lý bất toàn của mình. ii/ về thực tiễn, có thể nói hầu hết các nhà toán học làm việc trên những đối tượng toán mình chọn (số học, đại số, hình học, giải tích, topo học, xác suất, thống kê,… cụ thể là một đề tài thuộc về hoặc liên quan tới một hay nhiều chuyên ngành kể trên) với tương đối ít "kiến thức về lý luận logic". Chính những cấu trúc bí ẩn (có người nói cái đẹp) của các đối tượng đó, hoặc những hệ luận có thể phỏng đoán nhưng chưa được chứng minh của những cấu trúc phức tạp, hay những ứng dụng mới của những kết quả toán học đã biết... mới là mục tiêu cụ thể của họ. Những định lý mới mà họ chứng minh được phần lớn là do tìm ra những mối liên kết sâu xa giữa những đối tượng toán học ấy với nhau hoặc với một ngành khoa học khác, chứ ít khi là do vận dụng những kiến thức logic mới.
Nhưng bài này không có mục tiêu tranh cãi về thế nào là toán học. Bản thân người viết dù đã nhiều năm trong nghề cũng chỉ có thể nói một phần rất nhỏ về toán học, như một người mù sờ voi, nên khá ngạc nhiên trước một định nghĩa "ngon lành" như trên.

2. Về VIASM, Khoa học cơ bản và ứng dụng


a/ “Cắt hơn 650 tỷ đồng cho VIASM mà chỉ đòi hỏi chung chung, tăng tỷ lệ giảng viên toán có bằng tiến sĩ ở các trường đại học lớn lên 70 %, tăng số lượng công trình công bố quốc tế so với năm 2010 và đưa vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế lên hàng thứ 40 là một quyết định kỳ dị. Người thì nói rằng số tiền đó quá lớn, kẻ thì nói là không đủ Đầu tư mà không có định hướng thì một xu cũng đã là phí phạm rồi.
– Ở đây, rất tiếc là tác giả, một người mà nghề nghiệp đòi hỏi thận trọng với những con số, lại mất đi sự thận trọng đó khi không đọc kỹ những văn bản gốc mà chỉ đọc các phát biểu rất cảm tính của nhiều người vốn có ác cảm với toán học và/hay với Ngô Bảo Châu. Nếu đọc kỹ, anh sẽ thấy rằng con số 651 tỉ đồng là dự toán của chính phủ cho một “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học – giai đoạn 2010-2020”, trong đó Viện Toán Cao cấp (VIASM) chỉ là một phần. Một số nội dung khác của Chương trình, như “Cử cán bộ nghiên cứu-giảng dạy toán đi đào tạo nâng cao... ở nước ngoài”, “Hỗ trợ một số đề tài nghiên cứu ứng dụng Toán học trọng điểm với kinh phí đủ cao”, có thể hiểu là không thuộc ngân sách của Viện này. Truy thêm từ website của Viện, có bản “thuyết minh chi tiết” của bộ Giáo dục về Chương trình trọng điểm nói trên, trong đó người ta sẽ thấy lại con số 651 tỉ cho toàn chương trình và 341 tỉ cho riêng VIASM. Có thể nói rằng như thế vẫn là nhiều, nhưng khi anh không tôn trọng sự chính xác ở chỗ dễ kiểm như thế thì ai tin anh tôn trọng nó ở chỗ khác?
– Việc nhà nước đưa ra cái mục tiêu số lượng “tăng tỷ lệ giảng viên toán có bằng tiến sĩ ở các trường đại học lớn lên 70 %, tăng số lượng công trình công bố quốc tế so với năm 2010 và đưa vị thế của toán học Việt Nam trên trường quốc tế lên hàng thứ 40", như anh nói, là rất đáng trách. Nó phản ánh cái tư duy thành tích mà chính ông phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hồi còn làm bộ trưởng Giáo Dục đã từng to tiếng (to tiếng chứ không có biện pháp thực chất nào) chống lại. Nhưng tôi nghĩ cần trách đúng chỗ ấy – và cũng có thể trách thêm cái định hướng sai, thiếu đồng bộ, khi chỉ đầu tư cho toán mà không nói gì tới các ngành cơ bản và ứng dụng khác, nhưng đó là một chuyện khác. Còn thì, đầu tư cho khoa học cơ bản (ở đây là toán học) không thể gọi là đầu tư “không định hướng” (hay là anh muốn “định hướng” cụ thể tới từng chi tiết các kết quả mong đợi của nghiên cứu?). Ông Nguyễn Thiện Nhân cần bảo các nhà toán học phải nghiên cứu về bổ đề Langlands hay giả thuyết Poincaré mới là “định hướng” cho họ?
Thật ra, cần chỉ ra rằng ý đồ của chính phủ ông Dũng, ông Nhân khi cho tiền thành lập VIASM chẳng tốt đẹp gì. Họ muốn lợi dụng cái giải Fields của Ngô Bảo Châu để được thơm lây chứ họ chẳng thiết tha gì tới khoa học (cả ứng dụng lẫn cơ bản), như toàn bộ các chính sách, đối xử của họ đối với trí thức cho thấy. Còn bản thân cái VIASM, nó cũng chẳng ngốn bao nhiêu ngân sách (nên nhớ, cho 10 năm) như nhiều người đã chỉ ra, với những so sánh cả với nước ngoài và với các chi tiêu khác trong nước (xem chẳng hạnbài viết của giáo sư Phùng Hồ Hải trên tạp chí Tia Sáng), và nếu nó thành công thì cũng sẽ là một kinh nghiệm tốt cho các ngành khoa học khác, cả tự nhiên và xã hội.
b/ "Số lượng tiến sĩ và công trình công bố quốc tế đâu phải là chỉ báo của sức mạnh khoa học - kỹ thuật của một quốc gia hay của một trung tâm NCKHKT. Quan trọng là những tiến sĩ đó và những công trình đó có gắn bó chặt chẽ với ý đồ phát triển khoa học - kỹ thuật của quốc gia đó hay không."
– Dĩ nhiên, nếu phần lớn hay khá lớn tiến sĩ chỉ là tiến sĩ dỏm thì con số các ông nghè đó không phải là chỉ báo của sức mạnh khoa học của quốc gia. Có thể nói rằng ngược lại là đằng khác, vì trong trường hợp đó tình trạng gian dối đã thành phổ biến tới mức không thể không nghi ngờ là nó đã huỷ hoại tới nền tảng ngôi nhà khoa học và giáo dục của quốc gia đó. Còn như, trong một tình trạng bình thường, khi các con số có ý nghĩa trung thực của chúng, thì con số tiến sĩ và tương quan với nó, số lượng công trình công bố quốc tế tuy không phải là một thước đo hoàn chỉnh nhưng vẫn là những số liệu thuộc loại khả tín nhất để đo sức mạnh khoa học của quốc gia đó. Còn như, nếu một quốc gia có lực lượng đủ mạnh trong một ngành khoa học nào đó nhưng chính phủ của nó lại không biết sử dụng vào những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội (bằng những chính sách, những hướng đầu tư khuyến khích hợp lý) thì đó là chuyện của chính phủ nước đó, chứ đâu có thể vì thế mà phủ nhận những kết quả được quốc tế thừa nhận ? Quỹ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản NAFOSTED đã phải vượt qua bao nhiêu rào cản bảo thủ để hình thành mới 2,3 năm nay, phải chăng nên bỏ đi, và khoa học Việt Nam nên trở lại thời kỳ đóng cửa « ta với ta » ?
c/ "Nhưng chúng tôi trách chính phủ đã không hướng dẫn du học sinh Ngô Bảo Châu đến những đề tài liên quan trực tiếp tới bát cơm manh áo của người dân Việt Nam (...) Nhưng một chính phủ, nhất là chính phủ một nước nghèo như nước ta, đâu có thể để cho một sinh viên đi du học mà lại không nhắn em đó nên học gì, nên nghiên cứu gì cho thích hợp với kế hoạch NCKHKT của chính-phủ"
– Tôi thực tình ngạc nhiên khi đọc những hàng chữ trên. Chính sách khoa học dài hạn của quốc gia đâu có giống như chiến lược của một công ty kinh doanh, dù lớn? Thế nào là một « đề tài liên quan trực tiếp tới bát cơm manh áo của người dân », và học đến cỡ nào thì đủ cho đề tài ấy ? Phải chăng, trong số hàng chục nghìn sinh viên du học, không nên có bất kỳ một người nào theo đuổi một ngành nghiên cứu khoa học cơ bản (chưa nói khoa học xã hội và nhân văn) ? Và bộ Giáo dục cần có chỉ thị hướng dẫn từng sinh viên du học về học tập, nghiên cứu sao cho « thích hợp với kế hoạch NCKHKT của chính phủ » ? (kế hoạch 1 năm, 2 năm hay 5 năm ? 10 năm ?). Sinh viên du học tự túc hay có học bổng nước ngoài cũng vậy, anh muốn học gì ngoài kế hoạch đó thì miễn đi, ở nhà làm việc khác « có ích hơn » ? Văn hoá ư : vô ích ! Nghệ thuật : vô ích ! Những giấc mơ của tuổi trẻ : mất thì giờ, chả có gì « liên quan trực tiếp tới bát cơm manh áo » của người dân cả ! Chưa kể tính bất khả thi của những « hướng dẫn » sát sườn tới từng du học sinh như thế, cần nói thẳng, đó là cách tốt nhất để triệt tiêu những khao khát học tập, những ước vọng phát triển năng khiếu của mỗi người tới mức xa nhất có thể, và rồi, lâu dài là triệt tiêu mọi khả năng phát triển của dân tộc.
Đừng nói khoa học cơ bản, liệu « khoa học ứng dụng » có thể phát triển trong kiểu "kế hoạch hoá" nhân lực duy ý chí, chỉ đặt nặng mục tiêu kinh tế (thường rất chủ quan!) và coi nhẹ yếu tố con người như thế ? 

Hà Dương Tường


   
Vài hàng tái bút. Bài này tác giả rút xuống để chỉnh sửa lại vài câu không rõ ý, 15 phút sau khi đã xuất bản. Nhân thể, xin nói thêm điều này sau khi nhận được góp ý của một người đọc : Đoạn c/ trên đây không có nghĩa là tác giả chống lại mọi chính sách nhằm vào sự phân bổ một cách tương đối hài hoà luồng sinh viên được cử đi du học nước ngoài. Nhưng một chính sách như thế không thể là sự "hướng dẫn" mỗi sinh viên phải học ngành gì, bất chấp năng khiếu riêng của bạn ấy ra sao. Còn chính sách ấy nên như thế nào lại là một đề tài khác, xin không bàn ở đây.
-
Nhà văn Nhật Tiến: ‘60 năm cầm bút, vui ít, buồn nhiều...’ (NV 6-3-12) -- Nhật Tiến là một nhà văn rất nổi tiếng ở miền Nam trước 1975, văn của ông có phong thái rất trẻ, "yêu đời", hiền lành, rất khác văn của nhóm Sáng Tạo, chẳng hạn.  Nhà văn hiện nay làm tôi nhớ đến Nhật Tiến nhiều nhất là Nguyễn Nhật Ánh.  ◄
Nỗi lo “Tây hóa” di sản (TN 7-3-12) -- Đây là một vấn đề hệ trọng, cần được bàn cãi nhiều hơn (thay vì đăng những chuyện chân dài chém nhau, cô dâu mất trinh, Cường đô-la mua xe "khủng"... )
Nhận diện nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay (VHQN 7-3-12)
Tôi theo kịch là vì Lưu Quang Vũ (VNN 7-3-12) -- P/v Nguyễn Thị Minh Ngọc
Đi thăm... cõi chết (SGTT 7-3-12) -- Bài này rất...có ích
Vai trò đại học: How to defend universities? (Times Literary Supplement 7-3-12)  -- Điểm cuốn sách mới ra của Stefan Collini (tác giả một cuốn sách "phải đọc" về trí thức) về vai trò của đại học.  Cực kỳ sâu sắc.  Chừng nào ở Việt Nam mới có được những trao đổi ở trình độ này?
-----

Tổng số lượt xem trang