Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Bao giờ công khai ca khúc cho phép?: Có phần quan liêu

Không được hát những ca khúc hay sáng tác trước năm 1975 không chỉ là sự thiệt thòi cho nghệ sĩ mà còn thiệt hại cả với công chúng. Chính vì không công khai danh sách ca khúc cho phép phổ biến nên dẫn đến trường hợp nhà tổ chức và ca sĩ bị cấm đoán vô lối, thậm chí rơi vào “cái bẫy” hát ca khúc chưa được phép phổ biến.
Ai cho nấy biết

Cấp phép cho hơn 1.000 bài nhưng Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ mới cho công khai rộng rãi trên trang web của mình hơn 300 bài

Trong live show Riêng một góc trời được tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 1-2012, danh ca Tuấn Ngọc đã đưa Nỗi lòng người đi, ca khúc rất quen thuộc của nhạc sĩ Anh Bằng, vào danh sách ca khúc sẽ biểu diễn để xin phép công diễn chương trình.
Nỗi lòng người đi gắn với giọng ca Tuấn Ngọc, được rất nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả ở Hà Nội, yêu mến. Tuy nhiên, mong muốn dành tặng khán giả thủ đô một ca khúc đẹp về Hà Nội của Tuấn Ngọc đã không thực hiện được. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội từ chối cấp phép biểu diễn cho ca khúc này với lý do chưa được phép phổ biến.

Có phép rồi vẫn bị cấm
Điều bất ngờ là trong khi ca sĩ Tuấn Ngọc không được hát thì chính ca khúc Nỗi lòng người đi này lại có mặt trong album Hà Nội nơi có tình yêu tôi của ca sĩ Xuân Hảo được phát hành hồi cuối tháng 12- 2011, tức trước chương trình của ca sĩ Tuấn Ngọc một tháng. Trước băn khoăn của những người biết chuyện Tuấn Ngọc không được hát ca khúc này, Xuân Hảo cho biết anh không hề biết chuyện “ca khúc chưa phổ biến”.
Ca sĩ Tuấn Ngọc đành phải bỏ ca khúc Nỗi lòng người đi trong live show của mình diễn ra ở Hà Nội
Ca sĩ trẻ này thanh minh “album Hà Nội nơi có tình yêu của tôi đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) cấp giấy phép sản xuất và phát hành mà không có bất cứ vướng mắc nào, như vậy không thể nói là hát bài phổ biến không phép”. Thậm chí, album của Xuân Hảo đã xin phép khá lâu (dự định ra mắt vào dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội) chứ không phải mới đây. Điều này đồng nghĩa với việc Nỗi lòng người đi đã được phổ biến một thời gian khá lâu mà chính những người trong các cơ quan quản lý văn hóa địa phương lại không biết để cấp phép biểu diễn. Đây không phải là trường hợp hiếm.

Chỉ công khai 319 bài

Từ năm 2008, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã tuyên bố công khai danh sách ca khúc được phổ biến trên website của cục nhưng thực tế, đến tháng 1-2012, tuyên bố này mới được thực hiện. Dù vậy, số lượng ca khúc đưa lên cũng chỉ có 319 bài, tính từ đợt đầu được cấp phép vào năm 1989 đến nay. Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết danh sách này “còn nữa” nhưng suốt từ tháng 1-2012 đến nay, vẫn chưa thấy có thêm bài hát cho phép nào được đưa lên website.
Trong khi đó, theo ước tính đến năm 2008, con số ca khúc được cấp phép phổ biến đã lên hơn 1.000 và từ đó đến nay, con số này có thể còn cao hơn. Chỉ riêng trong năm 2008, đã có khoảng 200 ca khúc sáng tác trước năm 1975 được phép phổ biến. Tuy nhiên, ngoài 3 đợt cấp phép phổ biến được báo chí nhắc đến như 10 ca khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng, 13 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và gần đây là 6 ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì hầu như những đợt cấp phép lẻ tẻ không ai biết.
Một nhạc sĩ bình luận thật hài hước là không ít ca khúc trữ tình nổi tiếng của Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Lam Phương, Y Vân… lại được lưu hành trong im lặng.
Nản lòng trước cách hành xử của các nhà quản lý, tháng 2-2011, có người kỳ công ngồi cộng danh sách các bài hát được phổ biến đã đăng trên các báo để lập thành một danh mục ca khúc trước năm 1975 được phép phổ biến nhằm đưa lên trang web truyenky.vn. Nhưng vì là cá nhân tổng hợp nên danh sách này chỉ có 150 bài.
Phòng Quản lý Nghệ thuật Sở VH-TT-DL TPHCM nhiều năm nay đã tổng hợp lại những ca khúc đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép cho các chương trình biểu diễn trên sân khấu và giấy phép sản xuất chương trình CD khi các đơn vị này đến xin phép công diễn cũng như giấy phép sản xuất phát hành album ca nhạc. Tuy nhiên, thống kê này chỉ mang tính tương đối. Cơ quan quản lý này lại phải gửi công văn đến cục đề nghị thẩm tra mỗi khi xét duyệt những chương trình có bài hát không nằm trong danh sách thống kê của mình.
Trước những băn khoăn không rõ vì lý do gì mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn chưa chịu công khai rộng rãi danh mục ca khúc đã được phép phổ biến theo yêu cầu của nhiều đơn vị, mới đây nhất là Sở VH-TT- DL Hà Nội, ông Phạm Đình Thắng, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết những năm trước, danh sách ca khúc vẫn được gửi cho phòng chuyên môn của các sở VH-TT-DL, chắc vì lý do nào đó nên thất lạc (!).
Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định từ năm 2012 sẽ không gửi danh sách cho các sở mà chỉ công khai trên website của bộ. Chỉ có điều đến nay, hơn 1.000 ca khúc đã được phổ biến, mới chỉ có tên 319 ca khúc trong số đó được đưa lên danh sách này.

Công khai nửa vời
Ông Phạm Đình Thắng khẳng định quan điểm của Cục Nghệ thuật Biểu diễn là tất cả đều được công khai, không có gì phải giấu.
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao đến thời điểm này, danh mục ca khúc được phổ biến đăng tải trên trang web của cục chỉ có 319 bài thì ông Thắng cho biết việc này đã giao cho Phòng Tổ chức Biểu diễn, chắc phòng đang cập nhật.
Muốn biết thêm, có thể hỏi ông Nguyễn Thành Nhân, trưởng phòng này. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề khi nào danh sách tiếp theo được công bố, ông Nhân cho biết việc này sẽ phải thông qua lãnh đạo và không cho biết thời gian nào.
Kỳ tới: Có phần quan liêu

Theo: NLD:  Bao giờ công khai ca khúc cho phép?: Ai cho nấy biết
  Bao giờ công khai ca khúc cho phép?: Có phần quan liêu

Thay vì quy định những bài hát nào đáp ứng những yêu cầu gì thì được hát, những bài hát thuộc những nội dung gì thì không được hát, Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại tiếp tục duy trì quy định xin - cho


Trình diễn và thưởng thức những ca khúc hay là nhu cầu chính đáng của đông đảo khán giả lẫn nghệ sĩ. Thế nhưng nhiều nhạc phẩm xuất sắc được sáng tác trước năm 1975 lại chỉ được phổ biến trong tình trạng bất hợp pháp, vì một lý do đơn giản là chưa ai làm hồ sơ xin phép phổ biến.




Bỏ mặc hàng chục ngàn tác phẩm


Theo ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT- DL), số ca khúc được cấp phép chỉ hơn 1.000 bài. Trong khi theo ước tính của một nhạc sĩ tên tuổi, nếu tính số ca khúc được sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam, vùng tạm chiếm trước năm 1954 và toàn quốc trước năm 1945 thì phải lên đến cả chục ngàn tác phẩm.
Những ca sĩ hát nhạc xưa như Lệ Quyên (phải) 
có thể vướng “bẫy” trình diễn ca khúc chưa được phép phổ biến. Ảnh: Đào Trang


Ca sĩ Tùng Dương cho rằng: “Đúng là có một số tác phẩm sáng tác trước năm 1975 mang màu sắc chính trị không phù hợp. Tuy nhiên, rất nhiều ca khúc sáng tác thời kỳ này có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống... có giá trị nghệ thuật và được công chúng rất yêu mến tại sao ca sĩ chúng tôi không được hát?”.


Nhạc sĩ Phạm Duy, ở tuổi 92, vừa có thêm 14 ca khúc được cấp phép phổ biến biểu diễn cuối tháng 4 vừa rồi. Tính ra trong 10 năm trở về Việt Nam định cư, nhạc sĩ này được cấp phép phổ biến 100 bài, tính trung bình mỗi năm 10 bài, một con số quá ít ỏi trong gia tài lên đến 1.000 tác phẩm của ông.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng chia sẻ con số ấy kể cũng đã làm ông vui, nhưng niềm vui này xem ra khá chua chát, vì nếu cứ “tuần tự nhi tiến” tính ra phải đến năm 2102, số ca khúc của ông mới được phổ biến hết. Một trăm năm nữa, có chăng nhạc sĩ Phạm Duy mới có thể nghe lại trọn vẹn tác phẩm của mình dưới suối vàng!

Một nhạc sĩ nói thẳng thắn rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn có phần quan liêu trong việc cấp phép biểu diễn những ca khúc được sáng tác trước năm 1975. Đáng lý cần phải đề ra những tiêu chí chung cho những bài hát được sáng tác trước năm 1975, trong đó quy định những bài hát nào đáp ứng những yêu cầu gì thì được hát, những bài hát thuộc những nội dung gì thì không được hát.
Thế nhưng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ cấp phép cho những ca khúc nào nghệ sĩ dự định biểu diễn có làm thủ tục xin cấp phép để được hát hay sản xuất đĩa nhạc, lúc đó mới xét cấp phép. Số lượng ca khúc trước năm 1975 là rất lớn, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người Việt Nam hiện nay cũng rất cao, do đó việc đề ra một tiêu chí chung cho nghệ sĩ có nhiều lựa chọn bài hát cũng như không vi phạm luật là điều nên làm.

Có xin mới cho !Rất nhiều ca khúc nổi tiếng từng được hát trên các sân khấu trong nước bị loại khỏi chương trình khiến khán giả ngỡ ngàng vì đến giờ mới phát hiện là chưa được phép phổ biến. Chẳng hạn các ca khúc: Nửa hồn thương đau, Người đi qua đời tôi, Sang ngang, Tiễn em, Tương tư 4, Mười năm yêu em, Linh hồn tượng đá, Một đời tan vỡ, Mình ơi...
Theo quy định hiện hành, những ca khúc được sáng tác và phổ biến trước năm 1954, ở miền Nam trước năm 1975, những sáng tác của người Việt định cư ở nước ngoài muốn phổ biến trong nước đều phải được Bộ VH-TT-DL cấp phép phổ biến. Và các ca khúc này phải có một đơn vị tổ chức biểu diễn hoặc đơn vị sản xuất đĩa nhạc làm hồ sơ xin phép sử dụng sản xuất, biểu diễn thì lúc ấy Bộ VH-TT-DL mới xem xét cấp phép.

Trên thực tế, có rất nhiều ca khúc nhạc tình sáng tác tại miền Nam trước năm 1975 đã được phổ biến rộng rãi thông qua băng đĩa lậu được nhập về từ nước ngoài trong nhiều năm trước đây, nay ca sĩ lấy ra sử dụng biểu diễn trên các sân khấu mặc dù trong số đó có không ít ca khúc chưa có trong danh sách các ca khúc được phép lưu hành.

Trong rất nhiều chương trình biểu diễn tại các phòng trà ca nhạc, nhà hàng ca nhạc, ca sĩ và nhà tổ chức lắm lúc vô tình công khai biểu diễn không những ca khúc chưa được phép trình diễn mà còn những ca khúc thuộc loại cấm phổ biến.

Thực tế, trên các trang mạng âm nhạc do Nhà nước quản lý có đăng đầy đủ các nhạc phẩm ra đời trước năm 1975, trong đó có những nhạc phẩm chưa được cấp phép lưu hành và những bài hát thuộc diện cấm phổ biến như hiện nay nên dễ khiến ca sĩ, công chúng nhầm tưởng các ca khúc này đã được lưu hành hợp pháp.
Đề nghị hợp lý

Không chỉ nghệ sĩ, khán giả, các công ty sản xuất băng đĩa, công ty tổ chức biểu diễn muốn Cục Nghệ thuật Biểu diễn công khai danh mục ca khúc được phép phổ biến mà chính các cơ quan quản lý văn hóa địa phương cũng có nhu cầu này. Sở VH-TT-DL TPHCM từng đề nghị cơ quan chức năng nên lập danh sách các bài hát trước năm 1975 thuộc dạng cấm phổ biến, số còn lại nằm trong diện được biểu diễn thì áp dụng thủ tục cấp phép thông thoáng hơn cho các chương trình biểu diễn sân khấu và sản xuất CD. Tuy nhiên đề nghị này đến nay chưa được chấp nhận.
Kỳ tới: Hành trình mệt mỏi
Hoàng Lan Anh

Tổng số lượt xem trang