Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Chống vi hiến


Ông Phạm Duy Nghĩa
Ông Phạm Duy Nghĩa lưu ý hiến pháp là khế ước của dân nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước
Một học giả trong lĩnh vực luật học của Việt Nam vừa nêu quan điểm với truyền thông trong nước về việc 'phải có thiết chế bảo hiến' để tránh vi phạm hiến pháp.
Hôm thứ Sáu, 18/8, tờ Lao Động online đăng ý kiến của Phó Giáo sư Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nói:
"Các cơ quan giữ quyền lực công là chính phủ, tòa án, quốc hội. Một đạo luật do quốc hội ban hành có thể vi phạm hiến pháp, chính vì vậy phải có thiết chế bảo hiến."

Mở đầu cuộc phỏng vấn với tờ này, ông Nghĩa lưu ý về bản chất và chức năng của một bản hiến pháp. Ông nói:
"Trước hết, cần lưu ý hiến pháp là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp viết ra để ràng buộc chính quyền chứ không phải ban quyền cho người dân.
"Nhưng ở một số quốc gia, hiến pháp đã không được hiểu với ý nghĩa đó. Một số quốc gia sử dụng hiến pháp như cương lĩnh của nhà nước, của những người lãnh đạo, còn những quốc gia dân chủ, hiến pháp viết ra để trói buộc nhà cầm quyền.
"Trước hết, cần lưu ý hiến pháp là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp viết ra để ràng buộc chính quyền chứ không phải ban quyền cho người dân"
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa
"Bởi lẽ, người có khả năng vi phạm hiến pháp thường không phải nhân dân, mà là các cơ quan có thể sử dụng quyền lực công. Các cơ quan giữ quyền lực công là chính phủ, tòa án, quốc hội."
Đưa ra khuyến nghị về giải quyết câu hỏi chế ước quyền lực của nhà nước ở Việt Nam một cách cụ thể, ông Nghĩa nói:
"Trong cấu trúc quyền lực VN, quyền lực thực tế dồn vào Chính phủ và UBND các địa phương. Hệ thống tòa án cần nỗ lực để có thêm niềm tin và sự kính trọng cao trong xã hội.
"Quốc hội với 3/4 đại biểu kiêm nhiệm nên chưa thể chuyên nghiệp. Vì hai thiết chế đó còn yếu nên quyền lực tập trung vào lực lượng hành pháp. Nếu phân bổ lại quyền lực, cần phân nhiệm để có đối trọng và kiểm soát quyền lực.
"Quốc hội thực sự mạnh khi đại biểu Quốc hội thực sự nói lên tiếng nói cử tri của mình."
Cho ý kiến về việc củng cố vai trò của tư pháp thông qua tòa án, ông Nghĩa nói:
"Muốn tòa án mạnh, nhiệm kỳ của thẩm phán phải đủ dài, không hạn chế 5 năm như hiện nay. Tổ chức tòa án phải độc lập, tách ra khỏi ảnh hưởng của lực lượng hành pháp mà tòa án khu vực có thể là một mô hình."
'Xu hướng lạm quyền'
TS Nguyễn Sỹ Dũng
Ông Nguyễn Sỹ Dũng báo động về khuynh hướng lạm quyền nghiêm trọng của chính quyền
Trước đó, cũng tờ Lao Động online đăng tải ý kiến trong một bài viết, mà sau đó bị rút khỏi chính trang báo này, của một quan chức thuộc Văn phòng Quốc hội bình luận về vấn đề lạm dụng quyền lực của chính quyền và các cơ quan hành pháp.
Hôm đầu tuần, cũng báo Lao Động nêu ý kiến của Phó Chủ nhiệm Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng nhận xét về xu hướng mà ông cho là "bất ổn" trong thực thi quyền lực công ở trong nước:
"Sau sự kiện nhà của công dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng bị đập phá, sự kiện các nhà báo bị đánh hội đồng ở Văn Giang cho chúng ta thấy đang có điều gì đó hoàn toàn bất ổn trong việc thực thi quyền lực công ở nước ta.
"Hiện tượng quyền lực công bị lạm dụng, bị biến thành bạo quyền đang xảy ra ngày một nhiều hơn. Trong lúc đó, phản ứng của công luận, của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh để có thể ngăn chặn và chấm dứt hiện tượng xấu xa này.
"Lạm quyền là con bệnh đặc trưng và phổ biến của quyền lực nhà nước. Vấn đề không phải là chỉ ở ta quyền lực mới như vậy, mà là chỉ ở ta quyền lực mới chưa bị kiểm soát đến như vậy.
Trong bài viết được đăng ngày 15/5 nhưng nay hơi khó tìm thấy trên mạng, Tiến sỹ Dũng nêu quan điểm của mình về thế nào là 'nhà nước pháp quyền,' ông viết:
"Nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật (muốn quản lý như thế nào thì cứ đặt ra pháp luật như thế ấy).
"Một nhà nước như vậy sẽ gần với nhà nước chuyên quyền hơn là nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó mọi quyền lực nhà nước đều bị pháp luật chế ước chặt chẽ, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.
"Người dân có thể làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm, nhưng Nhà nước dứt khoát chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Ông Dũng khẳng định các hành động mang tính bạo lực trong các cuộc cưỡng chế ở Tiên Lãng, Văn Giang trong thời gian qua là "lạm quyền," là vi phạm pháp luật và yêu cầu "loại trừ" các hành vi này khỏi đời sống xã hội.
Theo ông, pháp luật không cho phép đập phá nhà của công dân. Pháp luật không cho phép đánh hội đồng các nhà báo (và bất cứ công dân nào khác).
Ông cũng viết rằng, "Những hành vi lạm quyền nói trên là vi phạm nghiêm trọng pháp quyền. Chúng phải bị loại trừ khỏi đời sống của chúng ta."
Tuần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa bế mạc Hội nghị Trung ương 5, khóa 11, trong đó có nội dung bàn về Hiến pháp và quan hệ sở hữu đất đai của nhà nước và nhân dân.
Hội nghị này tiếp tục khẳng định Bấmvị thế lãnh đạo cao nhất và tuyệt đối của Đảng đối với nhà nước và xã hội trong Hiến pháp, cũng như vai trò quyết định của Đảng và chính quyền đối với việc định đoạt Bấmchế độ sở hữu và các hình thức sở hữu đất đai khác.
Trước đó, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định "Nhà nước ta không tam quyền phân lập", cho thấy Đảng tiếp tục khẳng định vị trí lãnh đạo ghi trong điều 4 Hiến pháp 1992.


http://www.bbc.co.uk

Tổng số lượt xem trang