Hội nghị Trung ương lần thứ 5 của Đảng cộng sản Việt Nam đã bế mạc vào hôm thứ Ba ngày 15/5 tại Hà Nội sau 9 ngày họp kín mà giới truyền thông không được phép tiếp cận.
Chủ đề chính lấy ý kiến của các ủy viên trung ương tại hội nghị lần này là sửa đổi Hiến pháp, một ‘nội dung rất lớn và đặc biệt quan trọng’, theo lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị.
Chủ đề liên quan
Hiến pháp hiện hành của Việt Nam được đưa vào sử dụng từ năm 1992. Sau 20 năm hiệu lực, bản Hiến pháp này có một số điểm bị đánh giá là đã lỗi thời vì ‘đã bị thực tiễn vượt qua’ và cần phải được sửa đổi.
Điều 4 của bản Hiến pháp, vốn là nền tảng cho quyền lực của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đã bị những người chỉ trích nhận xét là không dân chủ và yêu cầu bãi bỏ.
Tuy nhiên, diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định lại: “Đảng Cộng sản Việt Nam... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Tuy nhiên ông Trọng cũng nói thêm rằng Đảng ‘hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật’.
Bên cạnh đó, ông cũng lặp lại những điều xưa nay, như chế độ ở Việt Nam là ‘dân chủ xã hội chủ nghĩa’.
“Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân... Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân,” ông nói.
‘Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân’ nhưng ‘do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo’.
Về tổ chức quyền lực, ông cho rằng “quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”
Tại phiên khai mạc trước đó, ông Trọng cũng đã thẳng thừng bác bỏ nguyên tắc ‘tam quyền phân lập’ vốn là nền tảng chính trị của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Về chế độ kinh tế, ông khẳng định mô hình ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ của Việt Nam.
"Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời... thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ông cho biết Đảng thừa nhận ‘nhiều hình thức sở hữu’ và ‘nhiều thành phần kinh tế’.
Trong đó, ông Trọng nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể – ‘nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân’ – nhưng không hề nhắc gì đến khu vực kinh tế tư nhân vốn có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
“Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời... thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý,” ông phát biểu.
Ý nguyện người dân
Trong khi đó ông Nguyễn Lân Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội liên tục ba khóa và hiện nay là ủy viên của Trung ương Mặt trận Tổ quốc, cho biết ông rất lạc quan về việc sửa đổi Hiến pháp lần này.
Ông Dũng nói ông tin rằng Hiến pháp sẽ có nhiều thay đổi và ‘chắc chắn sẽ thể hiện được tinh thần dân chủ’.
Là thành viên của Mặt trận tổ quốc, ông Dũng cho biết ông đã tham gia nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các đoàn thể về sửa đổi Hiến pháp và theo như ông nhận thấy thì ‘người dân rất tâm huyết’ và ‘đóng góp ý kiến rất nhiều’.
Do đó ông nói bản Hiến pháp sắp tới ‘chắc rằng sẽ có nhiều thay đổi lớn’ và ông hy vọng ‘nhân dân sẽ thỏa mãn’.
“Những gì nhân dân thấy chưa hài lòng thì phải thảo luận,” ông nói và cho biết ông tin rằng Hiến pháp sửa đổi sẽ thể hiện ‘tinh thần lấy dân làm gốc’
“Nguyện vọng của người dân là được sống trong không khí dân chủ, bình đẳng và thực hiện đúng tiêu chí dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”
“Cứ đúng tiêu chí đó mà thực hiện. Những gì đi ngược lại thì không phù hợp với Hiến pháp,” ông giải thích.
Ông lấy ví dụ là sửa đổi Hiến pháp phải làm sao khắc phục tình trạng tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền vốn là những điều mà người dân không mong muốn bằng cách tạo ra những ràng buộc về pháp lý.
Ông cũng lấy Hiến pháp 1946 do cố Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì để làm chuẩn mực sửa đổi Hiến pháp hiện nay.
“Làm thế nào để phù hợp với nguyên tắc của Hiến pháp 1946... Nói chung Hiến pháp làm sao phải dân chủ hơn để người dân có quyền làm chủ,” ông nói.
Trả lời câu hỏi nên sửa thế nào để Hiến pháp dân chủ hơn, ông Dũng cho rằng ‘mọi người đều được nói lên ý kiến của mình miễn ý kiến đó là xây dựng’ và dù ý kiến ‘có tính chất khác nhau cũng lắng nghe để nghiên cứu mà sửa đổi’.
Tuy nhiên, ông cũng nói là ‘không thể để mọi người nói lung tung’ và ‘nước nào cũng thế thôi’.
Một đảng hay nhiều đảng?
Ông cho biết qua các hội nghị lấy ý kiến mà Mặt trận tổ quốc tổ chức thì Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp ‘đều tiếp thu’ và ‘các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận’.
“Cái gì đúng thì tiếp thu còn cái gì chưa tiếp thu được thì chắc là chưa chấp nhận được,” ông nói.
Vấn đề mà Đảng chưa thể tiếp thu được, ông cho biết, là sửa Điều 4 Hiến pháp. Ông cho rằng sửa điều này là ‘rất khó’.
“Không phải một đảng là thiếu dân chủ,” ông giải thích tại sao không cần sửa điều 4, “Dân yêu cầu một đảng cũng được nhưng đảng đó phải trong sạch và làm đúng với quyền lợi của người dân,” ông nói
“Khi mà đảng viên đều là những người tốt và đảng có đường lối đúng thì một đảng chẳng có hại gì.”.
“Nhiều đảng có khi cũng phức tạp. Trước kia cũng có Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ rồi nhưng sau nhận thấy chẳng cần thiết phải có nhiều đảng,” ông nói thêm.
"Tôi không nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chịu từ bỏ quyền lực."
Carlyle Thayer, Học viện quốc phòng Úc
Về việc để người dân phúc đáp Hiến pháp, ông Dũng cho rằng không thể và không cần thiết miễn là các vị đại biểu Quốc hội phải làm sao ‘thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của người dân khi biểu quyết thông qua Hiến pháp.’
“Đưa ra cho dân (phúc đáp Hiến pháp) cũng không phải chuyện dễ,” ông nói, “87 triệu dân thì làm sao mà đưa ra được.”
Ông Lê Hồng Hà, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, trong khi đó nói với BBC rằng đợt tu chính lần này sẽ ‘chẳng sửa cái gì đáng lưu ý’.
“Cái mà người ta mong đợi là có nói đến Điều 4 nhưng họ không đụng gì đến cái đó cả,” ông than phiền.
Trao đổi với BBC, GS Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện quốc phòng Australia, cũng cho rằng ông ‘không nhìn thấy bất cứ dấu hiệu gì’ về việc sửa đổi điều 4 Hiến pháp.
“Tôi không nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chịu từ bỏ quyền lực,” ông nói.
Ông cũng giải thích rằng hiện thời ở Việt Nam chưa đủ ‘thời cơ’ để tiến tới tự do chính trị, đa đảng phái, dân chủ hoặc đối lập.
“Nhiệm kỳ thứ hai của ông Nguyễn Tấn Dũng thậm chí còn đàn áp tàn khốc hơn trước đây,” ông nói.