Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Lãnh đạo VOV cần quyết liệt hơn trong việc bảo vệ hai nhà báo bị đánh


(GDVN) - "Việc hai nhà báo bị hành hung như trong đoạn clip được đưa lên mạng là rất nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật, tính mạng người khác vì thế theo tôi, VOV nên mạnh mẽ hơn trong việc lên tiếng bảo vệ hai nhà báo".  

Tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến, phản hồi của độc giả bày tỏ sự bức xúc trước việc coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác của một bộ phận lực lượng tham gia cưỡng chế.

Để có cái nhìn khách quan, chúng tôi xin được đăng tải bài viết xung quanh vấn đề này của độc giả Nguyễn Thành Hoàn. Mời bạn đọc cùng theo dõi:


Quả thực sau khi đọc được thông tin trên báo chí về vụ việc hai phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị lực lượng cưỡng chế (trong đó có lực lượng mặc sắc phục công an) hành hung trong khi thực hiện tác nghiệp tại vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang (Hưng Yên) diễn ra vào ngày 24/4, không chỉ có tôi mà nhiều người dân bình thường khác đều bày tỏ thái độ vô cùng bức xúc.

Trước hết, theo tôi được biết, các qui định hiện hành của pháp luật của chúng ta qui định thì mọi công dân Việt Nam bình thường đều có được quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Tức là không một ai có quyền được dùng bất cứ hình thức hay hành động gì nhằm làm tổn hại về thân thể, an toàn tính mạng của người khác.

Hình ảnh nhà báo VOV bị đánh khi đi tác nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên đã được quay lại trong một đoạn clip dài hơn 1 phút.

Theo Luật số 12/1999/QH10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo 


1. Nhà báo có những quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ;
b) Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật về báo chí;
d) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ;
đ) Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Ở trường hợp này, chưa xét vội đến công việc của hai nhà báo này, mới chỉ xét đến việc họ đang là những công dân bình thường, thêm nữa khi ở đây họ không hề làm ảnh hưởng đến bất cứ ai cũng như không có một thứ vũ khí gì trong tay. Hơn thế là họ đứng ở khu vực hoàn toàn không nằm trong hiện trường vụ cưỡng chế thì những hành động thô bạo, đánh đập như vậy là không thể chấp nhận được và đã vi phạm nghiêm trọng các qui định của pháp luật.

Trong thực tế, chúng ta cũng thấy rằng, trước khi xử lý bất cứ người nào vi phạm vào điều luật gì thì chúng ta cũng đều phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ sau đó mới có biện pháp xử lý. Ngay như vi phạm luật giao thông, khi người vi phạm xuống xe, sau khi chào thì người công an bao giờ cũng nói anh hoặc chị cho kiểm tra giấy tờ.

Tuy vậy, dù lực lượng chức năng chưa hề kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ nhưng đã có những hành động thô bạo, đánh đập như vậy là càng không thể chấp nhận được. Quyền công dân của họ đã bị vi phạm nghiêm trọng bởi chính lực lượng chức năng làm nhiệm vụ của địa phương ở đây (?).

Mặt khác, xét trên phương diện nghề nghiệp, thì đây là hai nhà báo, theo các qui định mà cá nhân tôi, một người dân bình thường cũng hiểu được thì họ có quyền được tác nghiệp ở tất cả những khu vực không bị cấm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ở đây, chính lãnh đạo VOV cũng đã xác nhận trên báo chí là hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long được được Đài Tiếng nói Việt Nam cử đi Văn Giang (Hưng Yên) nắm thông tin về vụ cưỡng chế.

Thêm vào đó, khu vực họ tác nghiệp hoàn toàn nằm ngoài khu vực hiện trường cưỡng chế, như vậy sẽ không bị cấm đối với việc tác nghiệp bình thường của nhà báo. Và tôi cũng thấy bất ngờ hơn, khi hai nhà báo đã cố hét lớn lên mình là nhà báo của VOV về tác nghiệp nhưng vẫn không hề được lực lượng chức năng để ý, kiểm tra giấy tờ...

Việc các nhà báo của một cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước lại bị chính lực lượng chức năng tham gia cưỡng chế, trong đó có cả công an mặc sắc phục, những người có trách nhiệm báo vệ kỷ cương, pháp luật hành hung, đánh dã man như vậy càng cho thấy sự coi thường kỷ cương, pháp luật, coi thường tính mạng của người khác ở trong chính một bộ phận những người thực thi pháp luật.

2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (trái) và Hán Phi Long (phải) thuật lại vụ việc (Ảnh: Người lao động).


Không ít người dân như tôi cũng đặt câu hỏi, với nhà báo còn bị đối xử như vậy, thì liệu rằng với chúng tôi, những người dân bình thường thì sẽ ra sao đây (?).

Theo dõi thông tin trên báo chí trong thời gian qua, tôi thấy đã có rất nhiều các vụ việc nhà báo bị hành hung, đe dọa tính mạng xảy ra gây bức xúc cho dư luận. Và thực tế, trong số đó cũng có không ít vụ lại do chính những lực lượng thực thi, bảo vệ pháp luật như vụ việc tại Văn Giang gây ra.

Báo chí của chúng ta trong trong thời gian qua, như cá nhân tôi đánh giá đã đóng góp rất tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời làm tốt vai trò phản ánh, phản biện xã hội, tạo thành cầu nối, đa chiều, khách quan giữa giữa chính quyền và người dân. Và những điều này đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

Với vụ việc xảy ra đối với hai nhà báo của VOV  trong vụ cưỡng chế Văn Giang, giống như "một con sâu bỏ rầu nồi canh" vậy. Không chỉ làm cho hình ảnh của chính quyền, của các lực lượng thực thi pháp luật bị xấu đi trong mắt người dân mà hơn thế, nó làm giảm đi lòng tin, sự nhiệt huyết của mỗi nhà báo khi an toàn thân thể, tính mạng của họ không được đảm bảo.

Dù đã xảy ra cách đây nửa tháng, các nhà báo đều đã có tường trình, đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có văn bản gửi công an tỉnh nhưng sự vào cuộc tìm hiểu, trả lời của các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, theo quan điểm của cá nhân tôi như vậy là quá chậm trễ, thể hiện sự thiếu trách nhiệm.

Và không chỉ tôi mà nhiều người công dân, cử tri khác cũng sẽ đặt các dấu hỏi trước báo cáo với Thủ tướng của Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào khi đánh giá, cuộc cưỡng chế "đảm bảo an toàn, không ai bị thương" (?).

Ông này cũng cho rằng, "các phần tử chống đối trong và ngoài nước" đã "dàn dựng clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền" nhưng không nói rõ clip nào (?).

Tôi mong muốn, các cơ quan chức năng ở Trung ương sau khi nắm được thông tin cần có những quan điểm chỉ đạo cụ thể, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên mà trực tiếp là công an tỉnh cần điều tra, xác minh và xử lý thật nghiêm những cá nhân đã cố tình vi phạm các qui định của pháp luật, coi thường tính mạng của người dân, của nhà báo.

Có xử lý thật nghiêm minh vụ việc này mới là gương cho những trường hợp khác sẽ không tái diễn, tạo lòng tin cho người dân vào các cơ quan công quyền, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cũng sẽ giúp các nhà báo có thể yên tâm thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Cũng theo quan điểm của tôi, vụ việc hai nhà báo bị chính lực lượng cưỡng chế trong đó có cả công an mặc sắc phục hành hung trong đoạn video clip là rất nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng con người, vì thế Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), với vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ quản của hai nhà báo này và Hội nhà báo Việt Nam nên mạnh mẽ hơn nữa trong việc lên tiếng với các cơ quan chức năng Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hai nhà báo, hội viên này.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

Mọi ý kiến xin độc giả gửi về: 
toasoan@giaoduc.net.vn

Tổng số lượt xem trang