Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Nhà báo thì sao, dân thì sao?


(Dân trí) - Để xảy ra sai phạm như vậy là không thể chấp nhận và càng không thể chấp nhận nếu sự việc lại rơi vào im lặng. Người làm sai không bị xử lý, chính quyền không xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân là coi thường nhân dân, coi thường dư luận.
 >> Tấn bi hài
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vụ phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam bị hành hung khi tác nghiệp tại Hưng Yên là mối quan tâm không chỉ đối với  dư luận trong nước. Những hình ảnh trong clip về vụ hành hung này được đưa lên mạng internet nhiều ngày qua. Dù muốn hay không thì sự thật cũng đã được phơi bày, mọi cố gắng giấu giếm chỉ làm cho tình hình tồi tệ thêm.
Có mặt tại hiện trường để đưa tin về một vụ cưỡng chế là trách nhiệm của nhà báo. Không ai có quyền cản trở, ngăn cấm hoạt động nghề nghiệp của báo chí. Điều này đã được luật hóa, mọi hành vi chống lại nhà báo lúc này chính là hành vi vi phạm pháp luật.
Ở đây, theo thông tin mà nhà báo nạn nhân thuật lại, những người thi hành nhiệm vụ không những chỉ ngăn cản mà còn hành hung phóng viên. Chưa hết, họ còn thu thẻ Đảng, thu thẻ Nhà báo, lạm quyền đến thế là cùng. Những người thuộc lực lượng cưỡng chế còn đánh đập nhà báo, quá coi thường luật pháp và tính mạng công dân.
Những người có trách nhiệm liên quan trong vụ cưỡng chế loanh quanh về việc người bị đánh trong clip có phải là nhà báo hay không thì thật không thể hiểu nổi bởi nếu người bị đánh đó không phải là nhà báo thì sao? Chẳng lẽ người dân bị đánh thì khác nhà báo bị đánh?
Bất kỳ ai bị đánh thì pháp luật cũng phải bảo vệ, cho dù người đó là nhà báo hay người dân bình thường. Đó chính là câu trả lời dứt khoát nhất của dân chủ.
Ông Bùi Huy Thanh – Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng dù người dân hay nhà báo bị đánh thì hình trong clip ghi lại cũng rất phản cảm. Xin thưa rằng, hành vi đó không chỉ dừng lại ở cảm tính, mà đó là hành vi vi phạm pháp luật. Rất lý tính.
Trong vụ cưỡng chế phức tạp vừa qua, để xảy ra sai phạm như vậy là điều không thể chấp nhận và càng không thể chấp nhận nếu sự việc lại rơi vào im lặng. Người làm sai không bị xử lý, chính quyền không đứng ra xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân là coi thường nhân dân, coi thường dư luận.
Đối với vụ nhà báo bị hành hung, nếu làm rõ cá nhân vi phạm và xử lý đúng pháp luật thì dân chúng sẽ ủng hộ. Trong chừng mực nào đó, người dân có thể thể tất cho một số sai sót của chính quyền nhưng người dân không cho phép chính quyền không biết sửa sai.
Lê Chân Nhân

Tổng số lượt xem trang