Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Nợ đầm đìa, công ty “đẩy” người làm ra đường!

(VnMedia) - Do công ty nợ đầm đìa, không có khả năng thanh toán, hơn 100 cán bộ, công nhân công ty CP Thiết bị Giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo) bỗng nhiên trở thành... thất nghiệp
Ảnh minh họa

Nhiều công nhân tập trung tại cửa công ty CP Thiết bị Giáo dục để đòi lương

Bị nghỉ việc mà không biết lý do
 
Sáng 18/5, nhiều cán bộ, công nhân thuộc công ty CP Thiết bị Giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo) đã tụ tập trước cổng công ty đòi doanh nghiệp này phải thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động.
 
Những công nhân này cho biết, từ khoảng tháng 9/2011 đến nay, nhiều người bỗng nhiên bị "đẩy ra đường", nhà xưởng đóng cửa, không có công ăn việc làm, trong khi ban lãnh đạo công ty không hề lên tiếng.

Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (làm ở bộ phận văn phòng, lương cũng khoảng 2 triệu đồng/tháng) cho biết, chị cũng bị nghỉ việc mà không biết lý do. Theo chị Hạnh, nhiều công nhân phải nghỉ việc từ tháng 9/2011, còn một số người như chị thì vẫn đi làm đến tháng 4 vừa rồi mới nhận quyết định nghỉ. Tuy vậy, từ tháng 9 năm ngoái đến nay cũng không được chi trả đồng lương nào.
  
Trong số công nhân bị mất việc, có người đã công tác tại công ty CP Thiết bị Giáo dục mười mấy năm. Nữ công nhân Nguyễn Thị Nhị (SN 1975, quê Thanh Hóa) cho hay, chị đã làm việc ở đây từ năm 1998, và hiện đang là công nhân hợp đồng dài hạn, lương được hơn 2 triệu/tháng. Từ tháng 9/2011, chị Nhị bỗng nhiên bị cho nghỉ việc không lương, mà công ty không ra một thông báo gì. "Tôi cống hiến vào đây 15-16 năm rồi mà bỗng dưng nghỉ việc. Lâu nay tôi đành cố chạy chỗ nọ, làm chỗ kia để tạm sống." 

Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh cầm đơn kêu cứu

Theo anh Phạm Ngũ Hiệp (quản đốc phân xưởng), từ tháng 6/2011 đến nay, anh không có công ăn việc làm, không có lương, bảo hiểm hay bất kỳ một chế độ nào. Bộ phận bên anh có còn một số hàng tồn nên cố vớt vát làm được khoảng 3-4 triệu/tháng chia nhau cho hơn 10 người. Trong khi đó, cơ quan có đi đấu thầu, nhận hợp đồng về làm thì công ty lại không cho làm. Vậy là từ tháng 9/2011 đến nay đành nghỉ không lương.
 
Những công nhân này cho biết, sau một thời gian phải nghỉ việc không lương mà không thấy ai nói gì, mới đây, công ty lại ra một bản danh sách thông báo nghỉ chờ việc không lương từ 1/5 đối với 70 cán bộ công nhân viên của công ty. Trong đó hầu hết là những người đã công tác ở đây lâu năm và có hợp đồng dài hạn, nhưng không thấy thanh toán lương hay chế độ,  thậm chí cũng chẳng có thông báo cụ thể nào đến từng người.
 
Chị Nguyễn Thị Trâm (ở Yên Thành - Nghệ An) là cử nhân đại học Kinh tế Quốc dân, vào đây làm tại trung tâm nội thất học đường thuộc công ty theo hợp đồng dài hạn với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng trung tâm bỗng nhiên bị đóng cửa, và tất cả đều phải nghỉ làm. Gần 50 công nhân tại trung tâm trở thành thất nghiệp.
 
Sáng 18/5, sau mấy tiếng đồng hồ tụ tập trước công ty CP Thiết bị Giáo Dục 1, nhưng không có ai trả lời, những người công nhân này đã kéo sang trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo ở gần đó để kêu cứu. 

Đẩy công nhân ra đường vì... nợ đầm đìa

 Trước vụ việc trên, chiều 18/5, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã chính thức trả lời báo chí.
 
Theo lãnh đạo công ty CP Thiết bị Giáo dục, việc đã cho hơn 100 cán bộ, công nhân nghỉ việc là có thật. Trong đó, công ty đang tiến hành làm thủ tục chấm dứt hợp đồng với 71 trường hợp người lao động có hợp đồng lao động ngắn hạn, và 39 trường hợp có hợp đồng dài hạn được cho nghỉ chờ việc không lương.

Ảnh minh họa
Ban Giám đốc công ty trả lời báo chí

Lý giải cho việc vì sao cho người lao động nghỉ việc hàng loạt như vậy, bà Hoàng Thị Kim Loan (Tổng giám đốc công ty CP Thiết bị Giáo dục) cho hay, công ty đang thua lỗ quá nặng. Bà Loan cho biết, bà bắt đầu tiếp quản chức vụ Tổng giám đốc từ đầu tháng 7/2011, nhưng nhận được báo cáo tài chính thì các khoản nợ do người tiền nhiệm (Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hải) để lại là gần 60 tỷ đồng (gồm các khoản như tiền thuế, tiền bảo hiểm, nợ đối tác...). Theo đó, công ty đã kiệt quệ, không thể đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động nên đành cho họ nghỉ việc.
 
Bà Loan cũng tuyên bố rằng, thời gian tới có thể sẽ tiếp tục phải cho những người lao động khác nghỉ việc. Thậm chí vị tổng giám đốc này cũng đang tính đến việc kiến nghị lên cơ quan quản lý giải thể công ty.
 
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc, ông Trần Quốc Thịnh giải thích việc có những người nghỉ hưu vẫn chưa được hưởng chế độ (chẳng hạn như ông Đặng Hùng Lập), bởi công ty đang phải giải quyết nợ đầm đìa, nên chưa thể thực hiện được ngay. Ông Thịnh khẳng định vẫn đang cố gắng tháo gỡ dần để giải quyết chế độ đầy đủ cho những người lao động. Đối với những công nhân nghỉ chờ việc, nếu một thời gian giải quyết xong nợ nần, hoạt động tốt hơn sẽ gọi họ trở lại đi làm. Tuy nhiên khi được hỏi, dự kiến là bao giờ thì ông Thịnh không dám chắc.
 
Tuy nhiên, về thông tin những công nhân cho rằng công ty đơn phương cho họ nghỉ việc mà không có thông báo gì thì ban lãnh đạo phủ nhận.
 
Trước đó, trả lời phóng viên, ông Đặng Hùng Lập cho hay, ông chưa thấy ai nghỉ hưu mà nhục nhã như ông. Ông đã làm việc tại công ty này gần 40 năm, một thời gian dài là giám đốc Trung tâm nội thất học đường. Trước khi về nghỉ hưu ít tháng, ông được đề bạt lên giữ cương vị Tổng giám đốc công ty. Nhưng 2 tháng sau thì bà Loan lên thay thế. Đúng ngày sinh nhật ông tròn 60 tuổi, khi đang ngồi uống nước một cô văn thư đến và đưa cho ông quyết định nghỉ hưu. Và đến nay đã 6 tháng chưa được giải quyết chế độ gì.
 
Ngoài ông Lập, những người lao động nghỉ việc lâu nay, một số người đã phải đi tìm công việc mới, có người chạy vạy khắp nơi làm bất cứ việc gì có thể để cố duy trì cuộc sống, có người tốt nghiệp Đại học nhưng từ lâu vốn gắn bó nơi đây, giờ không thể tìm được việc gì để làm.

Phương Mai

@VnMedia: Nợ đầm đìa, công ty “đẩy” người làm ra đường!

 

- Nguy cơ nghèo đói gia tăng ở Việt Nam (RFA).  – Phóng sự: Tạm bợ đời thợ -  Bài 1: Những bữa ăn cầm hơi(SGTT 21/5/2012).

 

-- Lao động thất nghiệp khóc ròng vì DN nợ bảo hiểm (VEF).

 

Tổng số lượt xem trang