Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Nội dung giao thiệp của Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 19.4.2012 với Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh

(tin tham khảo, chưa được kiểm chứng)
...Ngoài ra, Phó Doanh còn nêu thêm một số nội dung thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước như bố trí chuyến thăm TQ của Chủ tịch Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm TQ đồng chủ trì Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương lần thứ 6 vào tháng 8.2012 và dự Hội nghị lần thứ 4 Nhóm công tác liên hợp giữa tỉnh Vân Nam và 4 tỉnh biên giới VN; Chương trình hành động để thực hiện quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”; đề nghị VN sớm cung cấp danh mục một số dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước thuộc Quy hoạch hợp tác kinh tế 5 năm và việc sử dụng 300 triệu USD vốn vay ưu đãi của TQ dành cho phía VN...


***

CỤC 16                                                           Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Phòng 7                                                                    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số    449/2012/BCT                                                     Ngày 20 tháng 4 năm 2012
Số trang: 3                                                                           Nguồn: B(KT.537)

Báo Cáo

 
Nội dung giao thiệp của Bộ ngoại giao Trung Quốc 
 
ngày 19.4.2012 với Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh
 

I. TRƯỜNG HỢP LẤY TIN:
Tin thu qua tiếp xúc trực tiếp với quan hệ trong cơ quan ngoại giao VN tại Bắc Kinh/TQ  ngày 19.4.2012, tổng hợp, báo cáo.  

II. NỘI DUNG TIN:
Ngày 19.4.2012, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Phó Doanh gặp Đại sứ VN tại TQ Nguyễn Văn Thơ giao thiệp một số vấn đề liên quan đến Biển Đông:

+ Gần đây, VN tăng cường các hoạt động ở khu vực Biển Đông như cử đoàn đại biểu cấp cao ra thăm các đảo đang chiếm đóng; xây dựng chùa và cử tăng sư ra đảo; tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ và “khu hợp đồng Vạn An Bắc 21” (bãi Tư Chính); nhiều lần chỉ trích các hoạt động của TQ ở Biển Đông; làm nóng vụ việc tàu chiến của TQ sử dụng vũ lực đối với tàu cá VN...

+ Những hành động trên của VN khiến người ta không khỏi nghi ngờ ý đồ và thiện chí của VN trong việc thực hiện nhận thức chung liên quan giữa hai bên. Các Bộ, ngành của TQ mặc dù phải tuân thủ thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành, nhưng bày tỏ rất lo ngại đối với tình hình trên biển. TQ thực hiện chính sách kiềm chế ở trên biển, nhưng  phía VN lại không kiềm chế, đẩy mạnh các hoạt động trên biển, do vậy, Bộ Ngoại giao/TQ đang gặp rất nhiều áp lực. Các Bộ, ngành TQ đang đặt câu hỏi nghi vấn chính sách trên biển của Bộ Ngoại giao/TQ có đúng hay không?

+ Nếu nói đến tranh chấp, một bên nào nói có thể tự đơn phương giải quyết thì đó không phải là tranh chấp, nếu muốn giải quyết bằng phương thức này chỉ có thể là giải quyết bằng quân sự; Nếu giải quyết bằng ngoại giao thì cần thương lượng, chiếu cố lợi ích của bên kia. Việc xử lý quan hệ giữa các nước với nhau cần trên tinh thần bình đẳng, sự thực và khách quan.

Phó Doanh tập trung nêu và nhấn mạnh 4 vấn đề:

(1) VN hoạt động tại “khu hợp đồng Vạn An Bắc 21”: TQ luôn giữ kiềm chế trong việc khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhưng gần đây VN liên tục tiến hành hoạt động dầu khí ở các vùng biển tranh chấp. Tiếng nói yêu cầu Chính phủ TQ bảo vệ quyền lợi của TQ ở Biển Đông trong nội bộ và dư luận TQ ngày càng tăng. “Khu hợp đồng Vạn An Bắc 21” là giới hạn cuối cùng của TQ. TQ đã nhiều lần giao thiệp với VN và phía VN đã đưa ra cam kết tạm dừng không có hoạt động dầu khí ở khu vực này trong dịp Thứ trưởng Trương Chí Quân với tư cách là Đặc phái viên của Chính phủ TQ sang VN năm 2010. Hiện nay phía VN đang hợp tác với công ty nước ngoài thực hiện thăm dò địa chấn 3D ở lô 135-136, vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận của hai bên, làm phức tạp thêm tranh chấp. Phía TQ yêu cầu phía VN thực hiện lời hứa, chấm dứt mọi hoạt động ở khu vực này để tránh xảy ra các sự việc mà hai bên không muốn nhìn thấy.

(2) VN thăm dò dầu khí ở vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ: Hiện nay khu vực này chưa được phân định, hai bên đều không nên có các hành động đơn phương làm tổn hại đến lợi ích của bên kia. Hiện nay, hai bên đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán của Nhóm công tác về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Việc phía VN tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đã phá hoại không khí đàm phán. Phía TQ yêu cầu phía VN chấm dứt ngay hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, nếu không bắt buộc phía TQ phải có phản ứng cần thiết.

(3) Vấn đề VN thông qua Luật Biển, trong đó có một số điều liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của TQ: VN là một nước có chủ quyền, có quyền được quyết định các vấn đề liên quan pháp luật của mình, tuy nhiên nếu vấn đề này liên quan đến tranh chấp chủ quyền với nước khác thì phía VN cần hết sức cẩn thận, nếu hai nước chỉ coi trọng lợi ích của bản thân mà không quan tâm đến lợi ích của nước khác thì rất nguy hiểm và không phù hợp với mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Lãnh đạo TQ đã nhiều lần bày tỏ quan tâm. Phía VN cũng hiểu rõ tính nhạy cảm của vấn đề này, hy vọng phía VN coi trọng quan tâm của TQ, xử lý thận trọng, không thông qua Luật Biển trong năm nay. 

(4) Vấn đề ngư dân VN xâm nhập vùng biển quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt cá: Trong năm nay đã có khoảng 150 lượt tàu cá của VN xâm nhập vùng biển Hoàng Sa đánh bắt cá, số lượng tăng lên rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái; có một số tàu cá VN nhiều lần xâm nhập vùng biển Hoàng Sa, thậm chí có một tàu cá đã 3 lần từng bị TQ bắt do xâm phạm. Phía VN đã thành lập hợp tác xã nghề cá ở Biển Đông, tổ chức thành các đội tàu đánh bắt. Các Bộ ngành và dư luận TQ nghi ngờ phía VN lấy cớ hoạt động nghề cá để quấy nhiễu, thách thức chủ quyền của TQ ở Hoàng Sa. Phía TQ đã điều tra (về vụ việc 2 tàu cá và 21 ngư dân ta đang bị TQ bắt giữ) và hiện nay đã nắm được một số chứng cứ. Tàu cá của VN đã mang theo khối lượng lớn thuốc nổ vào vùng nội thủy của TQ, Điều đáng chú ý là, một số tàu cá của VN không có ngư cụ, mà chỉ có thuốc nổ. Điều này khiến người ta nghi ngờ đây có phải là ngư dân không và họ mang thuốc nổ vào Hoàng Sa làm gì. Sau khi sự việc xảy ra, cách làm của VN đã gây khó khăn, phức tạp cho việc giải quyết sự việc: phía VN không ngừng nâng cấp cấp giao thiệp, báo chí làm nóng vấn đề. Điều này đã cản trở nỗ lực của hai bên trong việc giải quyết vụ việc, gây đối lập giữa dư luận hai nước. Phía TQ yêu cầu phía VN tăng cường quản lý, giáo dục ngư dân, chấm dứt việc xâm nhập vào vùng biển Hoàng Sa đánh cá, định hướng tốt dư luận, tạo điều kiện cho việc giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, Phó Doanh còn nêu thêm một số nội dung thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước như bố trí chuyến thăm TQ của Chủ tịch Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm TQ đồng chủ trì Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương lần thứ 6 vào tháng 8.2012 và dự Hội nghị lần thứ 4 Nhóm công tác liên hợp giữa tỉnh Vân Nam và 4 tỉnh biên giới VN; Chương trình hành động để thực hiện quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”; đề nghị VN sớm cung cấp danh mục một số dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước thuộc Quy hoạch hợp tác kinh tế 5 năm và việc sử dụng 300 triệu USD vốn vay ưu đãi của TQ dành cho phía VN.

III. NHẬN XÉT:

- Cơ sở nhận xét:

+ Sau giao thiệp của Dị Tiên Lương ngày 13.4, việc Thứ trưởng Phó Doanh gặp Đại sứ Nguyễn Văn Thơ là nhằm nâng cấp giao thiệp về vấn đề VN tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, khu vực Tư Chính và tiếp tục gây sức ép với ta đối với việc ta chuẩn bị thông qua Luật Biển. TQ tiếp tục đổ lỗi cho VN nâng cấp giao thiệp và dư luận báo chí làm to vấn đề gây khó khăn cho việc xử lý vấn đề tàu cá và 21 ngư dân ta để kéo dài thời gian giam giữ ngư dân ta với ý đồ thực hiện răn đe, ngăn chặn ngư dân ta vào đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa trong thời điểm đang là mùa đánh bắt cá thuận lợi nhất trong năm ở khu vực này.

+ Tuy không thô thiển, gay gắt như Dị Tiên Lương, nhưng lời lẽ của Phó Doanh vẫn hàm chứa ý đe doạ ta. Động thái này là sự leo thang trong giao thiệp ngoại giao, một mặt nhằm gây sức ép buộc ta phải dừng các hoạt động ở Biển Đông, nhưng không loại trừ khả năng để TQ tạo cớ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với ta trên thực địa ở Biển Đông. 

- CBHĐ nhận xét: 

Tin thu qua tiếp xúc trực tiếp. Thông tin cho thấy TQ nâng cấp giao thiệp, phản ứng mạnh về việc VN tiến hành thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính và cửa Vịnh Bắc Bộ. TQ tiếp tục đưa lý do có sức ép nội bộ, đòi hỏi phải xử lý cứng rắn.

IV. TÀI LIỆU KÈM THEO: Không.

Trưởng phòng                                                                                    Cán bộ hoạt động

Đại tá: Nguyễn Anh Đức                                            Thượng tá: Khương Viết Thành

Cục trưởng

* Nơi nhận:
- Phòng NCTH: 01 bản
- Viện 70: 01 bản

_____________________________

Ghi chú:

Dân Làm Báo nhận được tập tài liệu này từ nguồn ẩn danh. Theo nhận định thì đây đều là những văn bản có xuất xứ từ Tổng cục 2 – Bộ Quốc Phòng Việt Nam (tức Tổng cục Tình Báo). Nội dung các tài liệu liên quan đến nhiều vấn đề thời sự mà dư luận đang rất quan tâm. Bên cạnh đó là những đánh giá, nhận định theo quan điểm của những người hiện đứng trong hàng ngũ Đảng CSVN.

Dân Làm Báo không có điều kiện để kiểm tra tính xác thực cả về xuất xứ cũng như nội dung của các văn bản này. Tuy nhiên, xét thấy đây đều là những tài liệu có giá trị tham khảo cao, vì vậy xin được công bố để bạn đọc tùy nghi nhận định.

Tập tài liệu này có thể xuất xứ từ Cục 16, thuộc Tổng cục 2, là các bản báo cáo được chia thành phần. Đây là bài đầu tiên trong loạt bài và Dân Làm Báo sẽ đăng tải toàn bộ tập tài liệu này thành nhiều phần, mến mời bạn đọc theo dõi.


___________________________________

@ danlambao: Nội dung giao thiệp của Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 19.4.2012 với Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh

Tổng số lượt xem trang