Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Trung Quốc tung “chiêu” mới, ngư dân Việt Nam lao đao

SGTT.VN - Nhiều ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ tại vùng biển Hoàng Sa cho biết, gần đây Trung Quốc đã dùng trực thăng bay sát tàu cá khiến ngư dân hoảng sợ, bất an không dám ra khơi đánh cá.

Đó là một trong những chiêu mới của Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ phá hết tài sản trên tàu...

 

Con tàu được Trung Quốc thả về, sau khi đã vét sạch hải sản và ngư lưới cụ.

 

Biết có thể bị bắt nhưng vẫn phải đi biển

Sau hơn một tuần bị bắt, đến trưa ngày 21.5 vừa qua, 14 ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được Trung Quốc thả về. Tuy nhiên họ chỉ mới thả một tàu sau khi đã vơ vét và đập phá hết tài sản, ngư lưới cụ cũng như hàng tấn hải sản của ngư dân.

Đến tàu QNg 50003 TS của Nguyễn Thành Nhất đang ở cảng Sa Kỳ, chúng tôi thấy ở phía mũi và trong buồng tàu cá bảy ngư dân nằm im lìm, với sự mệt mỏi hiện rõ trên từng khuôn mặt. Nằm thừ trên mũi thuyền, ngư dân Nguyễn Nam chán nản: “Hổng muốn về nhà. Về mà nhìn vợ và hai đứa con, ruột gan không chịu được”. Chỉ còn hai tháng nữa, vợ Nam sinh em bé. Ngoài ra, Nam còn hai đứa con trai sinh đôi tám tuổi. “Sắp đến không biết xoay xở ra sao, bởi bao nhiêu tiền của đã hùn vào con tàu này. Làm biển mấy năm không đủ cho Trung Quốc lấy một lần”, Nam thở dài.

Ngư dân Võ Minh Quân chỉ cho chúng tôi xem buồng lái, nơi để máy dò, máy định vị..., bây giờ chỉ còn trơ trọi dây điện tua tủa. Vơ một nắm dây cầm lên tay, Quân bảo đó là dây hơi để lặn. “Mấy tay Trung Quốc cầm dao to như lưỡi đao chặt đứt phăng hết cả. Sau đó bao nhiêu hải sản lấy hết. Tiếc của, tui xin thì bị họ đập cho mấy gậy”, ngư dân Quân nói.

Ngồi quây quần trước mũi thuyền, bảy ngư dân tàu QNg 50003 TS kể cho chúng tôi và bạn chài các thuyền khác đến thăm rằng, trong vòng ba tháng qua tàu này đã hai lần bị Trung Quốc bắt trên biển. Lần trước vào 5.3, tàu cũng bị Trung Quốc cướp mấy tấn cá và ngư lưới cụ. Đến phiên biển thứ tư này, lại bị cướp lần nữa. Tính ra chỉ ngần ấy thời gian, ngư dân tàu QNg 50003 TS đã “biếu không cho Trung Quốc khoảng 600 triệu đồng”. “Nợ cũ chưa trả xong, nợ mới lại đến. Biết bao giờ mới ngóc đầu lên nổi”, ông Nguyễn Văn Hồng, cha của thuyền trưởng Nguyễn Thành Nhất, than.

“Ra biển bị bắt hoài mà sao vẫn đi, không sợ sao?”, chúng tôi hỏi. Bốn ngư dân hùn phần đóng tàu QNg 50003 TS bảo trước khi đi anh em cũng lo ra biển rất dễ bị Trung Quốc bắt, nhưng vẫn cứ phải đi, bởi “dân biển mà không đi biển thì làm sao sống!”

Tạm biệt bảy ngư dân tàu QNg 50003 TS, chúng tôi đến nhà ông Trần Phương, chủ tàu QNg 55003 TS ở Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu). Bảy ngư dân đi trên tàu này đang ngồi ủ rũ tại hiên nhà. Trung tá Đặng Quốc Tánh, trưởng trạm biên phòng Bình Hải, đồn biên phòng 288 đang làm việc với ngư dân. Ông Phương buồn thiu: “Phiên biển này, tui mất con tàu 450 triệu đồng, hải sản trị giá 200 triệu đồng và 150 triệu đồng chi phí nữa”.

Ông Phương còn cho biết, đây là phiên biển đầu tiên trong năm của tàu ông. Bởi từ sau tết đến giờ do xăng dầu lên giá, cộng với việc Trung Quốc làm căng trên biển, nên bạn chài không dám lên ghe ông đi biển. “Đến khi có bạn, thì tàu tui bị bắt”, ông Phương ảo não.

 

Ngư dân Võ Minh Quân và dây hơi tàu QNg 50003 TS bị chặt phá.

 

Áp dụng chiêu mới

Theo 14 ngư dân, khi bị bắt trên biển, người Trung Quốc ập lên tàu cá là khống chế ngay về thông tin liên lạc. Sau đó, khi bắt ngư dân dồn về mũi tàu, người Trung Quốc bắt đầu hè nhau vét ngư lưới cụ, vét hải sản và cuối cùng là chặt phá sạch những gì không thể mang đi được. Ngư dân Quân lắc đầu: “Tàu họ to gấp mấy lần tàu của ba tàu bọn tui gộp lại. Họ lại lăm lăm tay súng, dùi cui điện, vòi rồng..., nên nếu ngư dân mình chỉ cần có thái độ khác thường là hàng trăm người Trung Quốc với đủ loại sắc phục... nướng liền”.

Theo ngư dân, trước đây Trung Quốc thường dùng chiêu bắt tàu, đòi tiền phạt, rồi chọn tàu dỏm thả ngư dân Việt Nam ra. Thế nhưng chiêu này không còn phát huy hiệu quả, do ngư dân không nộp tiền phạt. Vì vậy, gần đây khi bắt được tàu ngư dân Việt Nam là Trung Quốc sử dụng triệt để việc cướp, phá sạch tài sản và ngư lưới cụ trên tàu, nhằm đánh vào kinh tế để ngư dân kiệt quệ, không có tiền để mua sắm phương tiện và chi phí để ra khơi.

Không dừng lại ở đó, ngư dân xã Bình Châu cho chúng tôi biết, những năm trước đây, Trung Quốc cướp tài sản nhưng chỉ lựa hải sản ngon để lấy. Còn từ đầu năm 2012 đến nay, cả năm tàu cá bị Trung Quốc bắt thì tàu nào cũng bị cướp sạch tài sản và phá tan tành máy móc, ngư lưới cụ. Ngư dân Nguyễn Nam còn cho hay, chuyến ra biển này anh và nhiều ngư dân đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa còn chứng kiến máy bay trực thăng Trung Quốc bay sát mặt nước từ 10 – 20m. Có đêm, ngư dân thấy bốn trực thăng bay quần thảo như thế. “Có đêm đang lặn thì máy bay lượn sát muốn gãy cần ăngten bộ đàm. Chắc là họ bay xem mình có làm gì trên mấy đảo không...”, ngư dân Nguyễn Chín tiếp lời.

Cần bảo vệ ngư dân yên tâm bám biển

Xác nhận với chúng tôi, ông Bùi Hồng Vân, hội trưởng hội nghề cá xã Bình Châu cho biết, việc hai tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản ngày 16.5 là có thật. Ông đã báo cáo lên huyện Bình Sơn về tình hình tàu cá bị Trung Quốc bắt. Cũng theo ông Vân, ông đã nghe nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ của xã Bình Châu báo cáo gần đây tại vùng biển Hoàng Sa, Trung Quốc đã dùng trực thăng bay cách mặt biển 20m, hăm doạ, làm cho ngư dân ta sợ, bất an khi đánh bắt trên biển.

Chính vì vậy, theo ông Vân, Nhà nước phải tìm mọi cách để đảm bảo cho ngư dân ta an tâm ra khơi. “Nếu tình hình này kéo dài, thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân là rất lớn. Bởi nhiều ngư dân ở đây khi bị Trung Quốc bắn, bắt tàu... rơi vào tình cảnh túng quẫn vì tài sản mất, phương tiện đi biển làm ăn cũng không còn”, ông Vân nói.

Ngư dân và chính quyền địa phương cho rằng, Trung Quốc luôn tung ra nhiều chiêu mới trên biển của ta như thế. Và cứ mỗi khi thêm chiêu mới xuất hiện, ngư dân ta đánh bắt trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa lại bội phần khó khăn, lo lắng vì thiệt thân, thiệt của.

BÀI VÀ ẢNH: PHẠM ANH

 

Đề nghị Trung Quốc chấm dứt bắt giữ tàu cá Việt Nam

UBND huyện Bình Sơn cho hay, cục Lãnh sự bộ Ngoại giao vừa gửi văn bản thông báo cho địa phương biết về việc hai tàu cá của ngư dân xã Bình Châu bị cơ quan Ngư chính Trung Quốc bắt, thu tài sản, ngư lưới cụ và thả về một tàu. Lý do Trung Quốc đưa ra là ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép trên vùng biển Tây Sa (Hoàng Sa), vi phạm các quy định về luật ngư nghiệp của Trung Quốc. Vì vậy phải tịch thu tài sản và ngư lưới cụ.

Ngày 24.5, người phát ngôn bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị tuyên bố, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng trả lại tàu cá QNg 55003 TS và toàn bộ tài sản mà Trung Quốc đã thu giữ ngày 16.5, đồng thời chấm dứt các hành động tương tự; việc Trung Quốc cản trở và bắt giữ ngư dân và tàu cá Việt Nam hoạt động nghề cá hợp pháp, bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Dịp này, Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc trả lại tàu cá QNg 66101 TS mà Trung Quốc bắt giữ ngày 4.3.

P. ANH – V. ANH

 

-Trung Quốc tung “chiêu” mới, ngư dân Việt Nam lao đao (25/05)

-Biển Đông: South China Sea Is No Powder Keg (Diplomat 26-5-12)

- Phạm Quang Tuấn: Những sai sót trong các bài về Scarborough Reef của ông Trương Nhân Tuấn (boxitvn).
- Trung Quốc đang bị các nước nhỏ thách thức (VNMedia).  - Trung Quốc bị ‘‘xa lánh” vì tranh chấp biển Đông  (ANTĐ).  - Mỹ sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc? (kỳ 1) (ĐV). - Vì sao châu Á cần Mỹ? (Diplomat/ Ba Sàm).  – Phỏng vấn Tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore: Mỹ trấn an đồng minh ở Biển Đông (BBC). - Đằng sau những tàu chiến Mỹ ở Singapore (TN).
- ASEAN tăng cường hợp tác vì hòa bình, an ninh (TN).
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Việt Nam (NLĐ).
- CỐT LÕI CỦA BÀNH TRƯỚNG TRUNG HOA (Project – Syndicate/Hồ Hải).  – Sự phát triển chiến lược hải quân của Trung Quốc (2) (Lê Mai).  - Sự phát triển chiến lược hải quân của Trung Quốc (1). - Trung Quốc – Thái Lan tập trận đổ bộ tấn công (TN).

Gần 100 tàu Trung Quốc xuất hiện ở bãi Scarborough (23/05)
Sau vòng xoáy căng thẳng liệu có giải pháp? (23/05)

Tổng số lượt xem trang