Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Từ vụ thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên): Lợi ích người dân = Lợi ích nhà đầu tư?


(PL)- Sau loạt bài về vụ thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia đều cho rằng không thể để người dân chịu thiệt.

Theo đó, quyền lợi của người dân bị thu hồi đất phải được đảm bảo, những cam kết của doanh nghiệp phải được
thực hiện.
ÔngNGUYỄN MINH NHỊ,nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:

Dự án sinh lợi thì nhà đầu tư phải thương lượng với dân
Chúng ta để một khoảng thời gian rất dài mà cái gốc vấn đề là quyền sử dụng và quyền sở hữu không chịu sửa. Không giải quyết cái này thì không bao giờ chấm dứt được tình trạng cưỡng chế như ở Văn Giang. Thời bao cấp giữ cái này thì nó đúng nhưng bây giờ đã là thời buổi kinh tế thị trường rồi. Cái nào là thành quả của dân thì mình phải công nhận. Từ khi chúng ta gia nhập WTO, mở cửa và gia nhập nền kinh tế thị trường thì mọi cái đều có giá hết.
Dù có công nhận quyền sở hữu cho dân hay không thì vẫn có một nguyên tắc hết sức rạch ròi là dự án nào thuộc về công cộng thì Nhà nước mới đứng ra thu hồi đất. Có thể giá cả bồi thường hơi hẹp cho dân nhưng bà con cũng vui lòng ủng hộ, vì họ nghĩ góp chút đỉnh cho đất nước. Còn từ năm 2004 trở về trước, Nhà nước đứng ra thu hồi đất của dân rồi giao đất sạch cho nhà đầu tư làm các khu công nghiệp, khu chế xuất, thu thuế của nhà đầu tư là đúng. Tuy nhiên, hễ bất kể dự án nào mà nhà đầu tư khai thác có sinh lợi thì dứt khoát phải do chính nhà đầu tư đến thương lượng với dân, chứ không được dùng lực lượng cưỡng bức dân.
Thủ tướng cũng đã nói rồi, cấm sử dụng quân đội tham gia cưỡng chế thu hồi đất của dân. Do đó, cứ chính quyền nào mà làm vậy thì coi như chống lại lệnh cấp trên và phải bị xử lý nghiêm khắc.
Dọn dẹp hiện trường sau vụ cưỡng chế. Ảnh: Nguyễn Dân
Cái cơ bản là kết quả cuối cùng là chúng ta lo được gì cho nhân dân, lo được gì cho đời sống của họ. Chứ còn cưỡng chế lấy đất dân rồi quăng cho họ cục tiền thì đánh bài vài bữa cũng hết. Còn chuyện chuyển dịch lao động cho dân bị thu hồi đất lâu nay chính quyền nhiều nơi chỉ nói thôi chứ thực sự không có làm.
GS-TSVÕ TÒNG XUÂN:
Phải để người sử dụng đất có quyền cao hơn
Tôi nghĩ làm chính quyền ai cũng muốn có một khu đô thị quy mô và mục tiêu là mở ra văn minh cho đất nước. Tuy nhiên, tôi chỉ thắc mắc là tại sao chính quyền ở Văn Giang (Hưng Yên) lại chọn vùng đất đó mà không chọn vùng đất khác. Còn nếu chọn tại đó thì nhà đầu tư phải thỏa thuận giá với dân, không cần phải thông qua Nhà nước. Mà nếu nhà đầu tư đến thương lượng với dân thì chẳng xảy ra chuyện gì.
Theo tôi thì Luật Đất đai nên sửa thế nào cho thấy nông dân đang sử dụng đất có cái quyền cao hơn, để thể hiện tinh thần dân chủ nhiều hơn. Chứ lâu nay cái gì cũng của Nhà nước hết rồi bắt dân phải chịu thiệt. Tôi hy vọng sửa đổi Luật Đất đai kỳ này sẽ tốt. Mà hễ luật đã có thì cán bộ nhà nước phải theo luật. Khi đó thì không còn nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất như lâu nay nữa.
Ông NGUYỄN DUY LƯỢNG,Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam:
Đảm bảo đời sống người dân: Đừng nói mà không làm
Theo chủ trương, khi chúng ta thu hồi đất của người dân để xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, thủy điện thì phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với trước. Nhưng thực tế, chúng ta lại không thực hiện được điều đó, thậm chí có nơi sau khi bị thu hồi đất cuộc sống của người dân lại còn trở nên khó khăn hơn trước.
Ngoài ra, do các chủ trương chính sách về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của chúng ta còn nhiều chồng chéo, chưa hài hòa được lợi ích giữa xã hội, doanh nghiệp và người dân. Do đó, dẫn đến những mâu thuẫn và dường như thiệt thòi phần nhiều vẫn nghiêng về phía người dân. Ví dụ, theo quy định, khi xây dựng khu đô thị thì doanh nghiệp phải thỏa thuận đền bù đất đai cho người dân theo giá thị trường. Nhưng thực tế, việc đền bù đó lại không sát hoặc thấp hơn nhiều so với giá thị trường, dẫn đến khiếu kiện. Bên cạnh đó, việc đối thoại với người dân trước khi thực hiện việc thu hồi đất cũng chưa được các cấp chính quyền, doanh nghiệp quan tâm, dẫn đến không tìm được tiếng nói chung.
Do đó, tôi cho rằng Chính phủ cần phải giao cho một bộ, ngành, đơn vị nào đó lập đoàn khảo sát, đánh giá toàn diện cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất. Từ đó, kiến nghị điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với thực tế, bảo đảm sao cho cuộc sống của người nông dân sau khi mất đất phải bằng hoặc tốt hơn so với trước.
PGS-TSBÙI THỊ AN,đại biểu QH TP Hà Nội:
Không thể để lợi ích vào túi doanh nghiệp, còn dân chịu thiệt
Với những gì xảy ra khi thực hiện thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên) cho thấy các chính sách đất đai còn nhiều bất cập nên người nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Ví như khi thực hiện dự án, doanh nghiệp thường đưa ra cam kết là sau khi thu hồi đất sẽ tổ chức đào tạo nghề cho người dân, hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân. Nhưng thực tế nhiều khi họ lại giả vờ nhận rồi sau đó lờ đi không thực hiện cam kết nữa. Hoặc doanh nghiệp có tổ chức đào tạo nghề cho người dân nhưng ngành nghề đó lại không phù hợp với người dân khiến họ không sống nổi được với nghề.
Do đó, tôi cho rằng khi thực hiện các dự án, chúng ta cần phải thận trọng, không thể để lợi ích rơi hết vào túi doanh nghiệp, còn thiệt thòi người dân phải hứng chịu. Đồng thời, phải giám sát xem các doanh nghiệp có thực hiện đúng cam kết với người dân khi thu hồi đất hay không. Nếu họ không thực hiện đúng thì cần phải có biện pháp, chế tài bắt buộc họ phải thực hiện.
Trong ngày 9-5, Văn phòng Chủ tịch nước và đại diện Hội Nhà báo đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên về việc hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long (Đài Tiếng nói Việt Nam) bị hành hung. Hội Nhà báo đề nghị lãnh đạo tỉnh làm rõ thông tin hai nhà báo này bị lực lượng cưỡng chế đánh gây thương tích, còng tay, áp giải, tạm giữ trong ngày 24-4. Theo Trưởng ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) Hà Kim Chi, đây là vụ việc mà “dư luận, báo giới trong và ngoài nước rất quan tâm". BX
VĨNH SƠN - THÀNH VĂN

Tổng số lượt xem trang