Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Vạch mặt xăng A92 rởm là thủ phạm gây cháy xe


(Tamnhin.net) - Xăng A83 hiện nay không còn tương thích với yêu cầu của động cơ nữa nhưng vẫn được lưu hành. Điều này khiến những người làm ăn gian lận pha thêm methanol vào xăng A83 thành xăng A92 gây ra phần lớn các vụ cháy xe trong thời gian qua.

Vạch mặt xăng A92 rởm là thủ phạm gây cháy xe
Vì lợi nhuận kếch xù nên những người kinh doanh xăng dầu đã biến xăng A83 thành xăng A92. Ảnh minh họa.

"Chúng tôi đề nghị nên dừng sản xuất xăng A83 để đảm bảo an toàn cho người dân và loại bỏ những gian lận trong kinh doanh xăng dầu”.
Đó là khẳng định của PGS TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM tại buổi công bố nguyên nhân gây cháy xe gắn máy vào chiều hôm nay (17/5).
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc dầu (RPTC) và Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM dưới sự theo dõi của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho thấy: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy xe trong thời gian qua như sự chập mạch của hệ thống điện trong trường hợp hệ thống bảo vệ cầu chì bị vô hiệu hóa hoặc không đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ gây ra nguồn lửa. Các yếu tố như để vật dụng dễ cháy nổ trong cốp xe như nước hoa, quẹt gas… cũng dễ dàng gây cháy xe.
Song, trái ngược với quan điểm của Liên Bộ đã đưa ra trước đó chủ yếu chỉ tập trung vào hai nguyên nhân trên thì kết quả của nhóm khoa học này lại chỉ ra rằng, xăng “dỏm” mới là nguyên nhân chính gây cháy xe trong thời gian vừa qua.
Đây là một khẳng định có cơ sở khoa học. Lý giải điều này, ông Tân cho rằng, nghi vấn xăng chính là thủ phạm vì trong năm 2011 vừa qua, Sở đã kiểm tra và phát hiện 34/150 mẫu xăng A92 có chứa hàm lượng methanol. Thực chất đây không phải là xăng A92 mà là xăng A83 với thủ thuật rất đơn giản là pha thêm 15% methanol vào. Khi người tiêu dùng chẳng may đổ loại xăng này sẽ gây ra sự rò rỉ nhiên liệu thông qua hiện tượng phá hủy hệ thống ống dẫn dẫn đến cháy nổ. Việc phát hiện ra xăng có chứa methanol hay không cũng rất đơn giản bằng cách khi đổ nước vào, methanol sẽ tách ra khỏi xăng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng methanol hiện nay đem lại lợi nhuận kếch xù cho những người kinh doanh. Đơn cử, giá methanol hiện nay chưa đến 10.000 đồng/lít, trong khi xăng A92 là 23.800 đồng/lítl thì đây là một lợi nhuận khổng lồ.
Hơn nữa, phía Hải quan và PVPro cũng cung cấp về tình hình biến động sản lượng methanol nhập khẩu nhận thấy, có sự tăng đột biến lượng methanol nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2010 nhập khoảng hơn 90.000 tấn và năm 2011 nhập 80.520 tấn, riêng 6 tháng đầu năm 2012 vẫn chưa thống kê được. Như vậy, lượng nhập methanol đã tăng 33% so với những năm trước đó.
Tại thời điểm này, xăng A83 vẫn được sử dụng ở một số vùng sâu, vùng xa, thậm chí một số cơ sở chế biến xăng A83 mới đầu tư đi vào sản xuất. “Vì vậy, Sở Khoa học công nghệ đề nghị dừng hẳn việc sản xuất xăng A83 để những người kinh doanh gian dối không còn cơ hội. Đồng thời, về mặt quản lý nhà nước phải nghĩ đến việc siết chặt cho nhập khẩu và sử dụng methanol trên thị trường với hàm lượng tối đa cho phép”, ông Tân nhấn mạnh.
Vạch mặt xăng A92 rởm là thủ phạm gây cháy xe
PGS TS Phan Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM đề nghị dừng hẳn việc sản xuất xăng A83
Trao đổi chuyên sâu về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Ninh, đại diện Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật TP.HCM cũng cho rằng: “Tại các nước Châu Âu, tỷ lệ cho phép pha methanol rất thấp, thậm chí có bang tại Mỹ còn cấm pha methanol vào xăng. Mới đây nhất, tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc cũng đã hạn chế sử dụng chất này vào xăng và có nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng như thế nào cho hợp lý. Còn tại Việt Nam vẫn chưa thấy có động tĩnh gì. Phải chăng, Nhà nước không quản lý được nên để methanol phát triển lung tung?”.
Trước tình hình này, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng loại nhiên liệu xăng phù hợp. Không nên sử dụng bất cứ nguồn nhiên liệu xăng nào bất hợp pháp hay loại phụ gia nào chưa được cơ quan chức năng cho phép sử dụng trên thị trường.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm xác định các nguyên nhân cháy cụ thể trên phương tiện ô tô. Đồng thời, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm tại Việt Nam, sự phù hợp của các động cơ đang lưu hành để đảm bảo an toàn về chất lượng.
Infonet

Tổng số lượt xem trang