Tác giả: Carlyle A. Thayer
Người dịch: Dương Lệ Chi
17-04-2012
1. Nghị định này sẽ giải thích rõ về nhiều hạn chế hiện tại ở mức độ nào? Chẳng hạn như, điều 7 đưa ra một loạt những điều cấm về nội dung Internet, nhưng tôi không rõ là liệu những điều này có thực sự thể hiện những hạn chế mới hay không. Điều 14 nói về việc tạo ra một “trạm trung chuyển Internet” quốc gia và tôi tò mò muốn biết liệu điều này đã có trước đó hay chưa.
Đáp: Điều 7 lặp đi lặp lại các hạn chế trước đó đã thể hiện trong luật pháp và các nghị định khác nhau của chính phủ Việt Nam (xem đoạn trích phía dưới). Điều này cũng gom các nghị định và các luật lệ lại với nhau để hạn chế trực tiếp việc sử dụng Internet (ví dụ: chuyển dữ liệu qua mạng điện tử) của khách hàng là những cá nhân, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ internet và các cơ quan chính phủ. Nói cách khác, Nghị định này là sự cố gắng để bắt kịp phát triển công nghệ. Nghị định này không đưa ra thêm nhiều hạn chế mới, mà chỉ sửa đổi để kiểm duyệt internet, như thiết lập các biện pháp chi tiết để các công ty thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ phải tuân theo. Các cá nhân cũng sẽ bị buộc phải tiết lộ tên thật, nếu họ sử dụng bút danh.
Về điều 14 và tham chiếu của điều này đối với Trạm Trung chuyển Internet Quốc gia Việt Nam. Việt Nam thành lập hệ thống Trung chuyển Internet Quốc gia (VNIX) đầu tiên ở Hà Nội hồi tháng 11 năm 2003 và lập VNIX thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 2004. Điều 14 chủ yếu tập trung vào thương mại và doanh thu cho các cơ quan Chính phủ.
2. Nghị định này có ý nghĩa gì đối với các cuộc đàm phán thương mại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đang diễn ra, trong đó Hoa Kỳ đang cố gắng tạo ra các tiêu chuẩn mới về “dòng chảy tự do” cho các dữ liệu? Phải chăng, điều này báo hiệu rõ ràng là Việt Nam chống lại vấn đề này?
Đáp: Rõ ràng là dự thảo Nghị định này được soạn với mục đích nhắm vào các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với Mỹ. Nó còn nhằm mục đích khẳng định quyền kiểm soát đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nhiều loại dịch vụ Internet cho Việt Nam, ngay cả ở mức độ yêu cầu họ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo quy định của nghị định này, các công ty nước ngoài sẽ bị buộc hợp tác để kiểm duyệt, bằng cách cài tường lửa và các công nghệ giám sát khác, báo cáo các vi phạm Điều 7 cho các cơ quan chính phủ, và tiết lộ thông tin về khách hàng. Các công ty nước ngoài sẽ được yêu cầu cung cấp tên của các viên chức của họ, những người chịu trách nhiệm thực thi Nghị định này trong các hoạt động hàng ngày. Nói cách khác, bằng cách yêu cầu các văn phòng đại diện được thành lập tại Việt Nam, các cơ quan an ninh Việt Nam có thể có được các thông tin cần thiết về các cá nhân và biết rõ về họ, nếu cần.
Dự thảo Nghị định này có các quy định sẽ cho phép Việt Nam trừng phạt hơn nữa việc vi phạm bản quyền Internet, một mối quan ngại đối với những người thúc đẩy Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Mặt khác, và quan trọng hơn, là Nghị định này có các quy định chắc chắn sẽ cản trở “dòng chảy tự do” của các dữ liệu, và do đó, nó chính là rào cản thương mại.
Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm mười lăm quan hệ ngoại giao Mỹ – Việt, tôi đã viết: “Bốn vấn đề cần giải quyết: nới lỏng hạn chế truy cập Internet, kết luận về một hiệp ước đầu tư song phương, chấp thuận cho gia tăng số nhân viên làm việc tại Đại Sứ quán Mỹ, và nâng cao hợp tác giáo dục như cho phép các trường đại học Mỹ hoạt động ở Việt Nam“. Có khoảng 200 trường đại học Mỹ đã ký các bản ghi nhớ khác nhau về hợp tác giáo dục với các đối tác Việt Nam. Rất ít bản ghi nhớ [đã ký] này được thực hiện. Một mối đe dọa phổ biến là, do việc từ chối nới lỏng hạn chế Internet ở Việt Nam, nên các sinh viên Mỹ theo học ở Việt Nam khó có thể tự do truy cập Internet.
3. Ông có biết khi nào thì dự thảo Nghị định này có hiệu lực? Và ông có biết vì sao Nghị định này sẽ có hiệu lực vào thời điểm cụ thể đó hay không?
Đáp: Tôi không biết khi nào thì Nghị định này có hiệu lực, nhưng tôi không ngạc nhiên [về thời điểm Nghị định có hiệu lực]. Tôi đã từng viết rằng, một lúc nào đó Việt Nam có ý định thắt chặt kiểm soát Internet.
Vì sao nghị định xuất hiện vào thời điểm này? Để tôi đoán thử xem. Có bốn lý do có thể giải thích việc ban hành dự thảo Nghị định này. Lý do thứ nhất, dự thảo Nghị định này là bước phát triển mới nhất trong việc hạn chế Internet do Bộ Thông tin và Truyền thông áp đặt. Các quan chức chính phủ Việt Nam không muốn mất khả năng kiểm soát thông tin và không muốn mọi người công khai bày tỏ ý kiến. Dự thảo Nghị định này là một sự cố gắng để theo kịp với thời gian và hạn chế các hoạt động không bị luật pháp và các nghị định trước đó kiểm soát một cách tương thích.
Thứ hai, dự thảo Nghị định gây lo ngại về việc sử dụng Internet của các nhà hoạt động chính trị, các nhà bình luận xã hội, và các blogger, những người tự do bày tỏ quan điểm của họ. Một mối lo ngại chính là mối liên hệ giữa các bài bình luận đối nội và chính sách ngoại. Khi căng thẳng với Trung Quốc trên biển Đông gia tăng, đã khiến Việt Nam đẩy mạnh hợp tác chiến lược và quốc phòng với Hoa Kỳ. Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán một thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược. Năm nay, nếu các thủ tục trước đây về trao đổi thăm viếng của các bộ trưởng quốc phòng ba năm một lần được tiến hành, thì ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tới thăm Hà Nội. Rõ ràng là các cuộc bầu cử ở Mỹ trong tháng 11 năm nay đã có thêm áp lực để đạt được thỏa thuận và tổ chức chuyến viếng thăm này sớm hơn, thay vì muộn hơn.
Một số nhân vật cực kỳ bảo thủ trong đảng nghi ngờ về “diễn biến hòa bình” và tác động của nó đối với chính trị trong nước, cũng như quan hệ với Trung Quốc. Dự thảo Nghị định này sẽ siết chặt các nhà bất đồng chính kiến trong nước và hạn chế khắc khe các hoạt động của họ bằng cách làm cho họ cũng như các nhà cung cấp dịch vụ internet chịu trách nhiệm về việc phổ biến tài liệu hoặc lưu trữ trên mạng internet.
Thứ ba, rõ ràng là dự thảo Nghị định được thảo ra với mục đích nhắm vào các đàm phán về Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ. Với mục đích này, nó có thể được xem như một biện pháp ưu tiên để Nghị định có hiệu lực trước khi các cuộc đàm phán của TPP hoàn thành.
Và thứ tư, dự thảo Nghị định có thể xuất hiện như là kết quả của quá trình quan liêu nội bộ, phù hợp với một số lịch trình làm việc đã được tán thành trước đó.
Tất cả mọi điều nói trên hoặc bất kỳ sự kết hợp nào, có thể giải thích cho sự xuất hiện của Nghị định vào thời điểm này.
———–
Bối cảnh
Sau đây là một phần trích dẫn từ bài nghiên cứu của tôi: “Bộ máy độc tài toàn trị ở Việt Nam ”, tài liệu nghiên cứu số 118, Hồng Kông: Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, College of Liberal Art and Social Sciences, Trường Đại học Hồng Kông, tháng 1 năm 2012.
Lần đầu tiên khi Internet được giới thiệu ở Việt Nam, các cơ quan chính phủ lập tường lửa để ngăn chặn truy cập các trang web mà họ cho là lật đổ chính trị. Những trang web này được điều hành bởi các nhóm chống cộng người Việt định cư ở nước ngoài, các tổ chức nhân quyền quốc tế và các hãng tin quốc tế như các ban Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do (RFA) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Các hạn chế đối với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã được nới lỏng trong năm 2009 nhưng với Đài Á châu Tự do thì vẫn giữ nguyên. Cuối tháng 12 năm 2009, những bức tường lửa này đã được mở rộng gồm cả Ban Việt ngữ Đài BBC và Facebook.
Bộ Công an và Tổng cục II thường xuyên theo dõi các cuộc điện thoại, điện tín, thư từ, e-mail, Internet và điện thoại di động. Các thành viên Khối 8406 đã cố gắng tránh bị phát hiện sử dụng điện thoại kỹ thuật số và công nghệ mã hóa trên các trang web, được cung cấp bởi dịch vụ nói chuyện qua mạng, như PalTalk, Skype và Yahoo! Messenger, để lập các phòng thảo luận ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.
Năm 2008-2009, các quan chức Việt Nam đã phải đối mặt với các thách thức gia tăng đối với quyền hành của mình – bình luận chính trị trên Internet do các blogger viết, những người không có mối quan hệ với phong trào ủng hộ dân chủ (Duy Hoàng, Cường Nguyễn và Angelina Huỳnh 2009). Ví dụ, đầu năm 2009, một nhóm 700 người đã ký tên trên một trang Facebook để phản đối khai thác bôxit (theo bài báo Bauxite Basher , báo The Economist, ngày 23 tháng 4 năm 2009). Các nhà hoạt động môi trường khác đã thành lập một trang web rất nổi tiếng, dành cho vấn đề khai thác bauxite gây tranh cãi. Một số blogger độc lập cũng đã xuất hiện và thu hút sự quan tâm của dân chúng trên blog của họ.
Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam bị đặt vào vị thế bất tiện khi phải biện hộ việc xử lý các mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc, từ những lời chỉ trích của những công dân yêu nước có đầu óc dân tộc chủ nghĩa, gồm các thành viên trong giới tinh hoa chính trị. Chế độ đã phản ứng bằng cách đàn áp các nhà phê bình, rồi chuyển sang việc tước đoạt chuyện viết blog trên Internet. Tháng 5 năm 2010, Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục II, công bố trong một cuộc họp báo rằng, tổng cục của ông đã ‘phá hủy 300 blog cá nhân và trang web xấu’ (trích trong Tổ chức Theo dõi Nhân quyền châu Á 2010b).
Những người chỉ trích chính phủ cáo buộc Tổng cục II đã bị ảnh hưởng chính trị từ Bắc Kinh và đã sử dụng thiết bị điện tử tinh vi để xác định các ‘nhà hoạt động chống Trung Quốc’ (Crispin 2009). Năm 2010, một loạt các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DOS) đã tấn công trang Thông Luận, một trang web bình luận chính trị, và Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, một trang web Công giáo, đã truy ra dấu vết địa chỉ IP đến từ Viettel, một công ty thuộc Bộ Quốc phòng (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền châu Á 2010b).
Có khả năng là các đơn vị đặc biệt trong Bộ Công an cũng đã tham gia trong các đợt tấn công chưa từng có, trực tiếp chống lại các trang blog độc lập, bắt đầu từ tháng 9 năm 2009 và gia tăng trong tháng 4 và tháng 5 năm 2010. Trong thời gian này, các cuộc tấn công trên mạng đã tấn công hơn hai chục trang web và blog, những trang do người Công giáo điều hành (liên quan đến các vấn đề đất đai), các diễn đàn thảo luận chính trị, các nhóm chính trị đối lập và những nhà bảo vệ môi trường (khai thác bôxit).
Các tin tặc đã chiếm trang blog Osin trong tháng 1 năm 2010 và đã đăng các tin vịt, nói rằng chủ blog, nhà báo Huy Đức, nghỉ hưu vì ông ‘không còn ý tưởng mới’ [để viết] (Việt Tân 2010). Một tin vịt khác cũng đã xuất hiện trên DCVOnline, trang web về tin tức và thảo luận, thông báo đóng cửa trang web do xung đột nội bộ. Các tin tặc đã truy cập vào database của diễn đàn thảo luận x-cafevn.org và đăng tải: tên đăng nhập, email, chỗ ở và các địa chỉ IP của hơn 19.000 người sử dụng trang web này. Hồ sơ giả mạo về các quản trị viên và các nhà hoạt động liên quan với x-cafevn.org đã được đăng tải tại địa chỉ: www.x-cafenv.db.info. Tóm lại, ‘mục đích là làm cho cộng đồng mạng tin rằng, các nhân viên tình báo của Hà Nội làm việc với tin tặc, có thể có được hồ sơ thật sự của bất kỳ nhà hoạt động Việt Nam nào hoặc bất kỳ người nào sử dụng internet (Việt Tân 2010).
Các cuộc điều tra độc lập của Google và McAfee, một công ty chuyên về bảo mật internet, xác định rằng, đa số các máy chủ kiểm soát và điều khiển đã tham gia vào các cuộc tấn công mạng, được thực hiện qua các địa chỉ IP ở trong nước Việt Nam. Giám đốc kỹ thuật của McAfee, ông George Kurtz kết luận: ‘Chúng tôi tin rằng thủ phạm có thể có động cơ chính trị và có thể có liên quan đến chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Đây có thể là ví dụ mới nhất về tin tặc và các cuộc tấn công mạng với động cơ chính trị’ (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền 2010b, nhấn mạnh trong bản gốc).
Các cuộc điều tra của Google và McAfee đã xác định rằng các cuộc tấn công mạng đã sử dụng malware ‘botnet’ (W32/Vulvanbot) ngụy trang trong phần mềm gõ tiếng Việt, VPSKeys, để xâm nhập vào các trang blog, thu thập thông tin của người sử dụng, và sau đó điều khiển các cuộc tấn công ồ ạt bằng DOS, chống lại các trang web vi phạm và những người Việt ở hải ngoại sử dụng máy tính để truy cập vào các trang web này. Neel Mehta, một thành viên trong nhóm bảo mật của Google kết luận rằng, các cuộc tấn công trên mạng đã được chỉ đạo nhắm vào các blog có chứa các thông điệp về bất đồng chính kiến. Đặc biệt là các cuộc tấn công này đã cố gắng đè bẹp sự phản kháng đối với các nỗ lực khai thác boxit ở Việt Nam ‘(Tổ chức Theo dõi Nhân quyền 2010b, nhấn mạnh trong bản gốc). Thật vậy, từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 1 năm 2010, các cuộc tấn công từ chối dịch vụ đã đánh sập trang web bauxiteViet Nam.info.
Bộ Văn hóa – Thông tin
Bộ Văn hóa Thông tin là một trong những tổ chức chủ động ban hành các quy định nhằm chống lại việc sử dụng Internet của những người được gọi là các nhà bất đồng chính kiến trên mạng, các nhóm và các cá nhân hoạt động chính trị. Chẳng hạn như, chính phủ ban hành Nghị định 55/2001 ND-CP về quản lý và sử dụng Internet (23 tháng 8 năm 2001). Nghị định này áp đặt kiểm soát nghiêm ngặt trên Internet, gồm các yêu cầu phiền phức cho các chủ quán cà phê mạng báo cáo vi phạm luật lệ. Một quy định tiếp theo được ban hành hồi tháng 8 năm 2005, quy định việc sử dụng nguồn lực Internet chống lại nhà nước là trái luật, gây mất ổn định an ninh, kinh tế hay trật tự xã hội, vi phạm các quyền của tổ chức, cá nhân, và can thiệp với các máy chủ của hệ thống tên miền (DNS) của nhà nước. Một nghiên cứu của OpenNet Initiative trong năm 2006 về các nỗ lực của Việt Nam kiểm soát việc sử dụng Internet, phát hiện rằng, Bộ Công an ưu tiên chặn truy cập vào các trang web có chứa thông tin liên quan đến Hiệp ước Biên giới trên Đất liền của Việt Nam ký với Trung Quốc năm 1999 và các bình luận chính trị khác.
Bộ Văn hóa Thông tin đã đối phó với việc sử dụng Internet của những người bất đồng chính kiến trên mạng bằng cách yêu cầu các quan chức chính phủ thực thi kiểm soát nghiêm ngặt. Chẳng hạn như giữa năm 2007, các nhà chức trách ở thành phố Hồ Chí Minh được yêu cầu ngăn chặn việc phổ biến các tài liệu chống chính phủ trên Internet của “các thế lực thù địch”. Cùng lúc đó, các hạn chế được áp đặt nhằm giới hạn truy cập vào truyền hình vệ tinh. Tháng 8 năm 2007, Bộ Văn hóa Thông tin bắt đầu kiểm tra các điểm truy cập Internet ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ để bảo đảm mọi người tuân thủ.
Ngày 3 tháng 8 năm 2007, Tổng cục Bưu chính Viễn thông đã chỉ đạo chính quyền các tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát các quán cà phê Internet và cảnh cáo rằng sẽ đưa ra các hình phạt nặng nếu những người vi phạm tải và phát tán các thông tin ‘độc hại’. Các bộ và các cơ quan chính phủ được yêu cầu biên soạn danh sách tất cả các trang web và các dịch vụ bị cấm trên Internet.
Ngày 7 tháng 8 năm 2007, Bộ Văn hóa Thông tin tạm thời đóng cửa trang web của Công ty Giải pháp Sáng tạo VVT, một trang web nổi tiếng ở Hà Nội. VVT bị cáo buộc cho phép đăng tải các bài báo có ‘thông tin không chính xác’, vi phạm Luật Báo chí và Nghị định 55 của chính phủ. Các nhà chức trách đã đưa ra trường hợp ngoại lệ đặc biệt về tài liệu trên diễn đàn mạng đã chỉ trích chính phủ việc nhượng bộ Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về hiệp ước biên giới năm 1999 và tài liệu thảo luận về sai lầm trong mối quan hệ của Đảng Cộng sản VN với Hoa Kỳ, và yêu cầu thay đổi chính trị.
Năm 2007, sau khi thanh tra việc truy cập internet của các trang web ở 61 tỉnh, thành phố, Bộ Văn hóa Thông tin đã có các bước củng cố tường lửa để chặn các tài liệu được cho là lật đổ và có hại cho an ninh quốc gia. Bộ cũng đã chỉ đạo cho cổng internet duy nhất của Việt Nam là Công ty Điện toán và Truyền số liệu, chặn các trang web dựa theo danh sách do Bộ Công an đưa ra và cập nhật thường xuyên. Cùng lúc, Bộ Văn hóa Thông tin ban hành các quy định yêu cầu các chủ quán cà phê Internet phải có giấy phép đặc biệt, quy định kiểm tra gia đình, nghề nghiệp và tình hình tài chính của họ. Bộ cũng đã công bố rằng, các nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ phải chịu trách nhiệm ngăn chặn các trang web chống chính phủ. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng đã được yêu cầu [những người sử dụng phải] có chứng minh nhân dân có ảnh, và các nhà cung cấp dịch vụ internet phải giám sát và lưu trữ thông tin về các hoạt động trực tuyến của những người sử dụng.
Ngày 10 tháng 10 năm 2007, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ban hành một quyết định yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải có giấy phép trước khi lập một trang web mới. Theo quyết định của Bộ, những người cung cấp nội dung Internet chỉ được phép chuyển những thông tin mà họ đã được cấp phép và được yêu cầu giữ lại chi tiết về hồ sơ thông tin liên lạc. Những người cung cấp nội dung Internet cũng bị cấm đăng tải thông tin kích động người dân chống chính phủ hoặc gây ra sự thù địch giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Năm 2007, Việt Nam nhận diện gần 2.000 trang mạng mang tính lật đổ, gồm Thông Luận, Hận Nam Quan, Con Ong, Con Vịt, Việt báo Online và Ký Con. Tổng Công ty Dữ liệu Việt Nam chịu trách nhiệm lọc những trang web này.
Hạn chế Internet tiếp tục được áp đặt trong năm 2008. Ngày 28 tháng 8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 97, quy định việc lạm dụng internet để phản đối chính phủ, tiết lộ bí mật quốc gia, và cung cấp thông tin xuyên tạc là bất hợp pháp. Tháng 12, Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành Thông tư số 7, chỉ thị cho các blogger hạn chế đăng các bài viết liên quan đến các vấn đề cá nhân và cấm các tài liệu đụng chạm tới chính trị, vấn đề được coi là bí mật nhà nước, lật đổ hoặc đe dọa trật tự xã hội và an ninh quốc gia.
Tháng 11 năm 2008, các quan chức an ninh tăng cường can thiệp mạnh bạo hơn, nếu không, đóng cửa các trang trên Facebook, nơi các blog đã được lập để chống lại việc khai thác boxit (Stocking 2009). Về vấn đề này, họ đang bắt chước Trung Quốc, nhà chức trách nước này cũng đã chặn Facebook hồi tháng 7, và sau đó áp đặt các hạn chế lên Twitter và YouTube. Chính phủ cũng đối phó với các cuộc biểu tình chống lại việc lấy đất đai của người Công giáo, bằng cách chặn các trang web Công giáo.
Gần đây nhất, vào ngày 26 tháng 4 năm 2010, Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 15/2010/QD-UBND yêu cầu cài đặt Phần mềm Quản lý các Đại lý Internet (còn gọi là ‘Lục Bá’, tức ‘Green Dam’) vào tất cả các máy tính ở các quán cà phê Internet, khách sạn , nhà hàng, sân bay, trạm xe buýt và các địa điểm khác cung cấp truy cập trên mạng vào cuối năm nay. Phần mềm này sẽ cho phép chính phủ theo dõi các hoạt động của người sử dụng và ngăn chặn việc truy cập đến các trang web.
Theo Quyết định số 15, những người sử dụng internet ở Hà Nội đều bị cấm làm bất cứ điều gì trên mạng nhằm chống lại nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền chiến tranh, gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, kích động bạo lực, dâm ô, tội ác, bất ổn xã hội, phá hoại các giá trị văn hóa; kêu gọi biểu tình bất hợp pháp, tẩy chay, [kêu gọi] tụ tập đông người khiếu kiện không đúng quy định của pháp luật.
Các nhóm bị nhắm tới trong việc đàn áp sách nhiễu các blogger. Trong thời gian bảy tháng, từ tháng 11 năm 2009 đến tháng 5 năm 2010, Việt Nam đã bắt giữ bốn blogger độc lập và thẩm vấn trong thời gian kéo dài. Năm 2009, nhà báo Huy Đức viết blog dưới bút danh ‘Osin’ đã viết bình luận về nhân quyền ở Liên Xô. Ông bị sa thải khỏi báo Sài Gòn Tiếp Thị, do bị áp lực từ các quan chức an ninh. Bùi Thanh Hiếu, người đã viết blog dưới cái tên ‘Người Buôn Gió’, đăng tải bình luận chỉ trích việc xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc của Việt Nam, tranh chấp đất đai công giáo và khai thác bôxit. Anh Hiếu liên tục bị cảnh sát thẩm vấn trong năm 2008-2009 về vai trò xúi giục trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bị bắt vào tháng 8 [năm 2009] (Stocking 2009).
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đã viết blog dưới cái tên ‘Mẹ Nấm’, cũng đã đăng bài trên blog, thảo luận về mối quan hệ với Trung Quốc, khai thác bôxit và tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Cô bị cảnh sát thẩm vấn về việc tham gia in áo thun với khẩu hiệu “Không làm boxit, Không Trung Quốc; Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam (Stocking 2009)”.
Và cuối cùng là blogger Phạm Đoan Trang, đã bị giam giữ theo các điều khoản về luật an ninh quốc gia Việt Nam, do các bài của cô viết về biển Đông, sự phân chia Việt Nam năm 1954 và vai trò của Trung Quốc như là một bá quyền (Deutsche Presse Agentur, 31-08-2009). Cô đã được phóng thích sau khi cảnh sát kết luận rằng cô không liên quan đến bất kỳ mạng lưới bất đồng chính kiến chính trị nào. Về phần mình, cô Trang nói cô đã học được rằng, chỉ thảo luận về các vấn đề cá nhân trên internet và hứa sẽ tránh xa các chủ đề chính trị.
Dự thảo Nghị định về quản lý Internet Việt Nam – Cập nhật tiếp theo
Carlyle A. Thayer
06-05-2012
Bối cảnh
Trích từ “Thayer Consultancy Background Briefing”, ngày 17 tháng 4 năm 2012
“Có khoảng 200 trường đại học Mỹ đã ký các bản ghi nhớ khác nhau về hợp tác giáo dục với các các đối tác Việt Nam. Rất ít bản ghi nhớ đã ký này được thực hiện. Một ý kiến chung là việc từ chối nới lỏng các hạn chế Internet của Việt Nam nên các sinh viên Mỹ theo học ở Việt Nam khó có thể tự do truy cập Internet [phần nhấn mạnh được thêm vào]”.
[Tên người hỏi đã bị xóa]
Chúng tôi có một thắc mắc liên quan đến các thông tin gần đây của ông về Nghị định Internet. Chúng tôi quan tâm đến sự bế tắc trong việc thực hiện các Bản Ghi nhớ giữa các trường Đại học Mỹ và các đối tác Việt Nam, và chúng tôi đề nghị, ông có thể giải thích vì sao ông nghĩ rằng việc kiểm soát Internet của Việt Nam đã ngăn cản tiến trình thực hiện Bản Ghi nhớ, và nó cản trở như thế nào. Một quản trị viên ở một Trường Đại học Mỹ tuyên bố, việc kiểm soát Internet của Việt Nam không phải là nhân tố lớn trong việc cản trở tiến trình. Xin ông làm ơn nói lại cho rõ quan điểm của ông liên quan đến các Bản Ghi nhớ này?
Đáp: Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam hồi tháng 7 năm 2010 tôi đã được yêu cầu viết một bài cho Tập san Châu Á Thái Bình Dương, Trung tâm Đông Tây, văn phòng Washington. Đoạn cuối trong bài viết, tôi đã nêu ra những thách thức lớn đối với quan hệ quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi lưu ý rằng, một số người bảo thủ trong đảng xem trao đổi giáo dục như là một phần của âm mưu diễn biến hòa bình. Tôi lưu ý rằng những hạn chế trong việc sử dụng của Internet là một vấn đề. Và tôi cũng lưu ý rằng Việt Nam đang tụt hậu trong việc cho phép cho các trường đại học Mỹ hoạt động tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, có khoảng 200 Bản Ghi nhớ nằm trong hồ sơ đã không được phản hồi.
Tất cả những điều này để lùi lại cho nghị định internet hiện tại. Tôi chắc chắn rằng có nhiều vấn đề khác, ngoài vấn đề truy cập Internet, đang gây cản trở việc hợp tác giáo dục. Có bằng chứng là một số trường đại học quan tâm đến việc sinh viên Mỹ theo học tại Việt Nam gặp khó khăn do hạn chế internet và họ muốn [những hạn chế này bị] dỡ bỏ. Tôi nghĩ quan điểm của tôi là, lập luận bảo thủ về diễn biến hoà bình có liên quan đến việc kiểm soát Internet. Bất kỳ sự thúc đẩy nào của Mỹ nhằm dỡ bỏ hạn chế cũng sẽ được những người bảo thủ xem như có thêm bằng chứng là Hoa Kỳ đang tìm cách lật đổ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và hợp tác giáo dục là một trong những phương cách chính (Tổ chức Hòa bình – Peace Corps – cũng đã bị lên án tương tự).
[Tên người hỏi ngày 3 tháng 5 đã bị xóa]:
Chúng tôi muốn biết nếu có bất kỳ trường đại học Mỹ nào đã xem việc kiểm soát Internet là rào cản chính trong việc thiết lập các chương trình giáo dục ở Việt Nam. Ông có thể cung cấp tên của bất kỳ trường nào như thế, nếu ông có thông tin trong tài liệu.
Đáp: Tôi đã xem lại các hồ sơ về Quan hệ Việt – Mỹ năm 2010 mà tôi sử dụng để viết bài cho Tập san Châu Á – Thái Bình Dương và tôi không tìm thấy một trường đại học Mỹ nào được ghi nhận là việc kiểm soát internet là rào cản chính để thiết lập các chương trình giáo dục ở Việt Nam. Tôi có bằng chứng lặt vặt là việc truy cập Internet đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận, nhưng khi xem lại tài liệu của mình, tôi không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng cho rằng đây là mối quan tâm chính.
Nhưng có trường hợp ngược lại. Chính Việt Nam bị thất bại trong việc thúc đẩy cải cách giáo dục trong nước và thực hiện rất chậm trong việc cho phép các trường đại học Mỹ (và các nước khác) tham gia vào thị trường giáo dục với số lượng lớn. Việc chậm trễ trong việc thực hiện Bản Ghi nhớ rất có thể là sự trì trệ quan liêu của Việt Nam. Tôi nói “rất có thể”, bởi vì các dữ liệu mà tôi có được chỉ mang tính chung chung. Một yếu tố quan trọng là, một số tư tưởng của những người bảo thủ trong đảng thực sự tin rằng, Mỹ đang theo đuổi “âm mưu diễn biến hòa bình” và nối kết các mối quan tâm của họ với (a) việc thúc đẩy nhân quyền của Hoa Kỳ (b) chính phủ Mỹ gây áp lực để nới lỏng kiểm soát internet và (c) các trường đại học Mỹ và Tổ chức Hòa bình. Điều này rõ ràng là rất khó để có được sự đồng thuận trong việc thực hiện các Bản Ghi nhớ.
Nhìn lại vấn đề, tôi nên viết lại câu “Một ý kiến chung là Việt Nam từ chối nới lỏng các hạn chế Internet, để sinh viên Mỹ học tại Việt Nam có thể có được quyền tự do truy cập Internet“, thành: “Một ý kiến chung là những mối lo ngại của những người bảo thủ trong Đảng [Cộng sản] Việt Nam về tác động của việc gia tăng số sinh viên Mỹ học tập ở Việt Nam sử dụng internet để truy cập thông tin mà các nhà chức trách Việt Nam muốn hạn chế và phổ biến ý tưởng đa nguyên chính trị và dân chủ giữa các sinh viên Việt Nam“. Nhưng, như đã nói ở trên, trở ngại chính để thực hiện 200 Bản Ghi nhớ nằm ở bộ máy quan liêu Việt Nam.
Nguồn: Scribd
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Scribd Việt Nam: Dự thảo Nghị định Internet áp đặt các hạn chế mới Tác giả: Carlyle A. Thayer Người dịch: Dương Lệ Chi 17-04-2012 1. Nghị định này sẽ giả...