Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Vụ Văn Giang: "Cấm nhà báo tác nghiệp là trái luật"


(GDVN) - Theo luật sư Bùi Đình Ứng, phát ngôn của Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên về việc yêu cầu các nhà báo không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để "bảo đảm tuyệt đối an toàn" là trái luật.
Liên quan tới việc 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam bị hành hung khi đang tác nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên, luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam về quyền được đưa tin và bảo hộ của nhà báo được quy định trong Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam.

Theo lời luật sư Bùi Đình Ứng, ở Việt Nam, Pháp luật bảo hộ quyền hoạt động của các nhà báo. Cụ thể, điều 33 trong Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. 


Nghiêm cấm những hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoạt nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam” và Điều 69 có quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”

Luật báo chí ( sửa đổi, bổ xung năm 1999 ) và Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật báo chí thì quyền của nhà báo được quy định cụ thể như sau: Nhà báo được “hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ”.
Luật sư Bùi Đình Ứng, trưởng phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư Hà Nội

Nhà báo được “khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”;
Nhà báo có quyền “Khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật về báo chí”.


Nhà báo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ.

Đặc biệt là “Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. ( Điều 15 Luật báo chí )

Tuy nhiên, không phải là nhà báo thì có quyền muốn đưa tin thế nào cũng được, mà phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Cụ thể, nhà báo có trách nhiệm “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”.
Hình ảnh nhà báo VOV bị đánh khi đi tác nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên đã được quay lại trong một đoạn clip dài hơn 1 phút.

Nhà báo có nhiệm vụ “Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm”.

Nhà báo phải “Thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ báo chí; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật”.

Nhà báo “Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Nhà báo phải “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí”. ( Nghĩa vụ của nhà báo – Điều 15 Luật báo chí ).

Đồng thời, Điều 10 Luật báo chí cũng quy định “ Những điều không được thông tin trên báo chí đó là:

Không được kích động nhân dân chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân

Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác

Không được tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định

Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tác, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự nhân phẩm của công dân

Và Luật cũng quy định những khu vực bị hạn chế tác nghiệp nhất định. Cụ thể, đó là những nơi thuộc bí mật Nhà nước cần bảo vệ. Tuy nhiên, cần phải hiểu không chỉ là “Nơi” mà ngay cả nhiều nội dung khác nếu là bí mật Nhà nước cũng không được thu thập, đưa tin… nếu không được phép của cơ quan có thẩm quyền “Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ( Điều 1 – Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ).

Theo luật sư Bùi Đình Ứng, việc ông Chánh văn phòng UBND tỉnh- Bùi Huy Thanh đã yêu cầu các các nhà báo không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để "bảo đảm tuyệt đối an toàn" là không đúng. Bởi vì, khách quan mà nói, việc tổ chức cưỡng chế này là một hoạt động bình thường. Mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều phải tuân thủ theo pháp luật. Ông Thanh yêu cầu các nhà báo không được chụp ảnh, đưa tin…là đã vi phạm đến quyền của nhà báo mà pháp luật cho phép.

Hơn nữa, nơi, vụ, việc tổ chức cưỡng chế này không thuộc danh mục, đối tượng bị coi là bí mật quốc gia thì các nhà báo cũng có quyền tác nghiệp nghiệp vụ của mình. "Nếu tôi là ông Thanh thì tôi lại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà báo hoạt động nghiệp vụ để đưa tin, ủng hộ chủ trương đúng đắn của việc cưỡng chế", luật sư Ứng nói thêm.

CẬN CẢNH VỤ HÀNH HUNG DÃ MAN HAI NHÀ BÁO TẠI VĂN GIANG QUA ẢNH

Nêu quan điểm về sự việc những người mặc sắc phục công an hành hung 2 phóng viên khi đang tác nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên, ông Ứng cho rằng: Đây là hành vi của một số kẻ thiếu hiểu biết pháp luật, bản lĩnh chính trị yếu kém, do đó cần phải xử lý nghiêm túc đối với tất cả những ai đã chỉ đạo, tham gia đánh phóng viên về “ Tội cố ý gây thương tích” ( nếu có thương tích đủ để truy tố theo Điều 104 ) hoặc “ Tội làm nhục người khác” ( Điều 121 ) hoặc “ Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”  ( Điều 123 ) Bộ luật hình sự.

Tổng số lượt xem trang