Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Phạm Việt Thắng - Tạp Chí Văn hóa Nghệ An đăng bài viêt Cực kỳ Nguy hiểm

                                                                                                Phạm Việt Thắng
Là công dân nước Việt Nam, không một ai có thể tin được, có một cơ quan báo chí đăng bài, nói rằng Biển Đông là của Trung Quốc. Nhưng đó lại là sự thật, được đăng tải công khai trên một cơ quan báo chí chính thống – Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Số 221, ra ngày 25/5/2012, tạp chí này cho đăng bài viết: “Đột phá hai chiến lược lớn của Trung Quốc trên Biển Đông”. Bài này được ghi là của Dương Danh Dy (g t), và dẫn nguồn: yuaneping1@sohu, ngày 7/7/2010. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ tạp chí VHNA trích dẫn bài này để có những bình luận, phản bác sắc sảo, đập lại luận điệu “cưỡng chiếm” của bài báo nói trên. Nhưng không.
Bài viết hết lời ngợi ca, thậm chí cố ý dọa dẫm về tiềm lực quân sự, nhất là không và hải quân của Trung Quốc. Và với sức mạnh này, Trung Quốc “có khả năng thực hiện nhiều hành động hơn nữa” đối với vấn đề Biển Đông. Ảnh minh họa cho bài viết này được tạp chí VHNA chú thích: “Giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc trên Biển Đông”. Không thể hiểu nổi, vì sao một hành động ngang ngược của Trung Quốc là đưa tàu khai thác dầu khổng lồ ra Biển Đông đã bị Bộ Ngoại giao ta lên tiếng phản đối, thế mà tạp chí VHNA vẫn cứ in ảnh, lại có chú thích theo kiểu đó là việc đương nhiên.
Mở đầu bài viết này là: “Trung Quốc xác định Biển Đông thuộc lợi ích cốt lỏi của mình là điều tất nhiên…” Rồi để chứng minh Biển Đông là của Trung Quốc, bài báo viết: “Tháng 4 năm 2001, máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Biển Đông Trung Quốc, máy bay Trung Quốc khẩn cấp bay lên gây ra máy bay đâm nhau tại Biển Đông nổi tiếng…”
Bài báo còn ngợi ca “chủ trương thiện ý gác tranh chấp cùng khai thác” của Trung Quốc và cho đó là tấm lòng của nước lớn Trung Quốc đã bị các nước khác coi thường: “Tuy vậy chủ trương thiện ý gác tranh chấp cùng khai thác đã bị các quốc gia có liên quan xâm chiếm và có ý đồ xâm chiếm lãnh thổ Biển Đông của Trung Quốc khinh thường, bọn họ không những không thấy được thiện ý trong chiến lược Biển Đông của Trung Quốc và bước ngoặt giải quyết vấn đề, không thấy được tấm lòng của nước lớn Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, mà ngược lại còn lợi dụng cơ hội, ào ào kéo tới trắng trợn xâm lược các đảo trên Biển Đông của Trung Quốc, đề xuất yêu cầu lãnh thổ càng thêm vô lí tại Biển Đông Trung Quốc, thậm chí ảo tưởng vào thế lực nước ngoài ra sức chiếm đoạt tài nguyên Biển Đông của Trung Quốc”.
Trước những luận điệu trắng trợn, thậm chí có ý đồ mạt sát thanh danh quốc gia dân tộc mà tạp chí VHNA vẫn thản nhiên đăng bài. Ví như đoạn trích sau đây là giọng điệu khốn nạn, khinh thường, mạt sát, trong đó có cả nhân dân, dân tộc Việt Nam kính yêu của chúng ta: “Những tên cường đạo cho rằng câu kết với thế lực nước ngoài khoan mấy mũi khoan dầu tại lãnh hải Trung Quốc là có thể cướp đoạt tài nguyên Trung Quốc lâu dài, những tên đầu trâu mặt ngựa cho rằng chỉ cần cử mấy tên lính mấy chiếc tàu đến là chủ quyền hải đảo của Trung Quốc sẽ là của chúng, những tên hoang tưởng cho rằng quốc hội nước chúng chỉ cần trưng ra một số văn bản là có thể thu được lợi ích lãnh thổ…cuối cùng sẽ nhận được thất bại nhục nhã trước nhân dân Trung Quốc ngày càng hùng mạnh”.
Và tôi lại càng không thể tin được khi tạp chí VHNA lại “đạp lên” những cái chết oai hùng của cha ông ta, của người Việt ta bao đời đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa, để cho đăng: “Cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 được chế định trong tình hình Mỹ đã hạ quyết tâm vứt bỏ chính quyền Nam Việt Nam, còn Bắc Việt lại không tiện ra tay giúp đỡ,…và Trung Quốc đã dành thắng lợi huy hoàng”.
Rõ ràng, Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa yêu dấu của chúng ta. Tại sao, là một cơ quan báo chí, tạp chí Văn hóa Nghệ An không đập lại những luận điệu xuyên tạc bằng giọng điệu khinh thường, mạt sát của tác giả bài viết, mà lại đồng lõa với các hành vi đó. Trong lúc, chúng ta đang từng ngày, tưng giờ, có lúc âm thầm,có lúc mãnh liệt, không mệt mỏi đấu tranh đòi lại các đảo mà Trung Quốc đang cưỡng chiếm.
Như vậy, Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc khi cho đăng bài viết này. Thiết nghĩ, không thể vẫn cứ là điệp khúc “kiểm điểm rút kinh nghiệm” như cơ quan chức năng ở Nghệ An yêu cầu, mà phải nghiêm trị thích đáng những ai có liên quan đến bài viết này, dù với bất cứ lý do gì.

@tạp hóa faxuca

 

- Thư ông Dương Danh Dy gửi ông Phạm Việt Thắng (VHNA). Kính gửi:  ông Phạm Việt Thắng

Tôi vừa đọc bài viết của ông: “Tạp chí Văn Hoá Nghệ An đăng bài viết cực kỳ nguy hiểm” trên blog Faxuca ngày 15/6/2011.

Bài viết của ông đã phê phán khá sâu sắc những luận điệu ngang ngược cũng những lời doạ dẫm của nhà cầm quyền Bắc Kinh và vạch trần những ý đồ thâm hiểm của họ đối với Biển Đông. Là một ngưòi nghiên cứu  về Trung Quốc và cũng đã có một số bài viết góp phần phê phán thái độ nước lớn bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, tôi rất vui vì có một bạn cùng chung nhận thức, lập trường rất rõ ràng rành mạch với Trung Quốc.

Bài viết trên đúng là do tôi sưu tầm và dịch nhằm giới thiệu với một số nhà nghiên cứu Việt Nam về Trung Quốc nhưng không biết chữ Hán. Trong công tác nghiên cứu Trung Quốc, nói chung tôi và một số đồng nghiệp đều chú ý tìm hiểu cả hai mặt: những điểm yếu, xấu là chính nhưng cũng cần biết cả những điểm mạnh (tuy rằng có khi không thực chất) của đối phương.

Bài dịch “Đột phá hai chiến lược lớn của Trung Quốc trên Biển Đông” nhằm giới thiêụ cho các nhà nghiên cứu (và cả  bạn đọc nếu cần) Việt Nam thấy được một phần ý đồ âm mưu của Trung Quốc thôi (trong tay tôi còn một số bài viết của họ còn hung hăng, láo xược hơn nữa với chúng ta) Và ý đồ âm mưu này của họ đã bị bạn và chắc là còn nhiều bạn đọc Việt Nam nữa thấy rõ thực chất và vạch trần. Trong công tác tuyên truyền đôi khi “phản tác dụng” của tư liệu chính thống của đối phương với ngưòi đọc lại  có hiệu quả hơn luận điệu tuyên truyền.

Tuy nhiên, đúng như bạn viết: “nếu tạp chí VHNA có những bình luận, phản bác sắc sảo, đập lại luận điệu “cưỡng chiếm”của bài báo nói trên” thì sẽ tốt hơn.

Thế nhưng, theo tôi bài báo của bạn đã làm thay việc đó một cách khá tuyệt vời rồi.

Xin gửi lời cảm ơn và lời chào trân trọng.

 

                                                Hà Nội ngày 15/6/2012

                                                     Dương Danh Dy

 

TB: Vì không rõ địa chỉ của bạn nên tôi nhờ VHNA chuyển giúp  

 

  – Thư cáo lỗi (VHNA).

Thưa bạn đọc,

Tạp chí Văn hoá Nghệ An số 221 phát hành ngày 25.5.2012 có bài Đột phá hai chiến lược lớn của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là bản dịch của ông Dương Danh Danh Dy từ nguồn báo chí Trung Quốc.

Mục đích và quan điểm của VHNA khi chủ trương đăng bài dịch này là dùng chính báo chí của TQ để phơi bày ra tư tưởng, âm mưu và chính sách bành trướng, xâm lấn thâm độc, thủ đoạn tuyên truyền xảo trá của Trung Quốc để bạn đọc biết, cảnh giác và nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng đối phó với mọi thủ đoạn xâm lược của các thế lực bành trướng. Với loại hình tạp chí, chúng tôi muốn cung cấp một tư liệu đối chứng để bạn đọc tham khảo, từ đó nhận thức sâu sắc hơn về đối tượng, trong trường hợp này là nhà cầm quyền Trung Quốc và tư tưởng, chính sách bành trướng của họ ở Biển Đông nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, do sơ suất trong quá trình in ấn nên đã dẫn đến sai sót. Cụ thể là in thiếu lời dẫn của ban biên tập [VHNA: Thế giới ngày nay, đặc biệt là Việt Nam và các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông không ai lạ gì với tham vọng bành trướng và âm mưu thâm độc của Trung Quốc tại vùng biển này. Đối với Việt Nam thì lịch sử quan hệ giữa hai nước đã đem lại cho mình nhiều bài học sâu sắc. Tuy thế, Trung Quốc và âm mưu của họ bao giờ cũng là một ẩn số. Chúng tôi giới thiệu bản dịch bài viết của báo chí Trung Quốc sau để chúng ta có thể nhận chân rõ hơn tư tưởng, tham vọng, âm mưu bành trướng và thủ đoạn tuyên truyền xảo trá của họ.] Sai sót này là sự cố, tai nạn nghề nghiệp ngoài mong muốn; Chúng tôi đã cáo lỗi cùng bạn đọc ở VHNA số 222 (trang 85), phát hành ngày 10.6.2012. Một lần nữa chúng tôi chân thành xin lỗi bạn đọc và sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa chữa sai sót.

Tạp chí Văn hoá Nghệ An từ trước đến nay luôn chấp hành nghiêm túc luật báo chí, tôn chỉ mục đích của tờ báo và có những đóng góp nhất định trong công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức. Chúng tôi đã có cố gắng nâng cao chất lượng tờ tạp chí để có được sự tín nhiệm và yêu quý của bạn đọc cả nước. Đặc biệt, ý chí và trách nhiệm tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, phản đối chủ nghĩa bành trướng là rất rõ ràng, kiên định. Từ cách đây vài năm, VHNA đã chủ động liên hệ với các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đặc biệt là các chuyên gia về Biển Đông để tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. VHNA đã in ngay bài của Ts Nguyễn Nhã về Hoàng Sa, Trường Sa khi bài này được tác giả gửi đến các báo mà vẫn chưa được in, vào thời điểm mà sự lên tiếng về Hoàng Sa- Trường Sa còn rất hạn chế. VHNA đã đưa in bài của Gs Trần Đình Hượu: “Nho – Pháp tịnh dụng và con đường bành trướng của thiên triều” và đặt dịch một loạt bài từ báo chí Nga về các khả năng bành trướng của Trung Quốc.

Sự sơ suất dẫn đến sai sót vừa rồi là rất đáng tiếc, động cơ đúng nhưng do tác nghiệp thiếu cẩn trọng nên kết quả không như mong muốn. Chúng tôi ý thức sâu sắc về sai sót này.

Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu (đường link) một số bài viết mà VHNA đã đăng tải trong thời gian qua để hy vọng nhận được sự thông cảm hơn của đông đảo bạn đọc .

                                                                                                            Chân thành cảm ơn!

                                                                                                             Ban Biên tập VHNA

 

Tổng số lượt xem trang