Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Phong trào Con đường Việt Nam

Đông A
Phong trào Con đường Việt Nam (PTCĐVN) vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận trên mạng. Đến nay đã có phản hồi công khai của một số người được PTCĐVN mời. Đa số những người phản hồi công khai đều từ chối hay hàm ý từ chối tham gia Phong trào. Cho đến nay tôi mới thấy có 2 người đồng ý tham gia Phong trào: ông Nguyễn Công Huân, admin của trang web Dân luận, hiện đang ở hải ngoại, và  ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ của ông Trần Huỳnh Duy Thức, ở Việt Nam (ông Trần Văn Huỳnh không trả lời công khai là tham gia Phong trào, nhưng căn cứ theo một bức thư email riêng mà ông Châu Xuân Nguyễn công bố, ý tứ trong bức thư đấy có thể cho thấy ít nhất ông Trần Văn Huỳnh ủng hộ Phong trào và cho biết Trần Huỳnh Duy Thức có nhờ ba mình giúp đỡ Lê Thăng Long "để tiếp con đường đã chọn". Tuy nhiên xin lưu ý mọi thông tin trên mạng đều có thể là giả).
Danh sách những người được PTCĐVN mời có những điểm thú vị. Thoạt nhìn bản danh sách đấy có vẻ như rất lộn xộn, nhưng nhìn kỹ một chút có thể thấy logic của nó. Dường như đấy là một tập hợp những người của công chúng, có ít nhiều quan tâm tới những vấn đề chính trị xã hội của đất nước, và đã từng có những hành động mang tính chính trị xã hội nhất định. Đa số những người được mời đó dường như đã hình thành từng nhóm có những khuynh hướng chính trị xã hội nhất định. Có thể thấy nhóm Diễn đàn với Nguyễn Ngọc Giao, nhóm IDS với Nguyễn Quang A, nhóm Kiến nghị cải cách với Hồ Tú Bảo, nhóm Bauxite với Nguyễn Huệ Chi, nhóm Thời cơ vàng với Vũ Minh Khương, nhóm Biểu tình chống Trung Quốc với Nguyễn Xuân Diện, nhóm Đà Lạt với Hà Sỹ Phu, nhóm cựu Cộng sản với Nguyễn Văn An, nhóm dissident cũ như Phạm Hồng Sơn, nhóm Phật giáo và Công giáo, đại diện một số nhóm ở hải ngoại như Nguyễn Gia Kiểng của Thông luận, Võ Văn Ái của Quê mẹ... và một số người độc lập có tên tuổi như Ngô Bảo Châu, Nguyễn Trần Bạt, Nguyễn Trọng Tạo ... Có những người tôi không xác định được thuộc nhóm nào. Ví dụ như Phạm Trần Uy, vốn từng làm Phó ban biên tập thời sự VTV. Theo những tin tức đồn đại, chưa được kiểm chứng, Phạm Trần Uy từng đưa tin về chuyện công ty của Lê Thăng Long bị điều tra và do vậy bị mất chức ở VTV. Tôi không thống kê được tuổi tác của những người được mời, nhưng cảm giác của tôi những người được mời đa số đều đã già, tầm ngoài 60 tuổi. Có lẽ người trẻ nhất là Giáp Văn Dương thuộc nhóm Kiến nghị cải cách, tầm khoảng trên 30 tuổi. Thành ra nếu như PTCĐVN có hình thành được thì có thể thấy đấy là một phong trào già, khó có thể tạo ra sức hấp dẫn nhất định đối với thanh niên, học sinh. Bên cạnh đấy tính khả thi tập hợp những nhóm khác nhau đấy vào một phong trào, theo đánh giá của tôi là không tưởng. Ví dụ, Diễn đàn không thể đứng chung với Thông luận, tuy cả hai đều ở Pháp, chống Cộng không thể đứng chung với Cộng sản như ông Châu Xuân Nguyễn, người được mời khẳng định. Thành ra  về mặt nhân sự, PTCĐVN có vẻ hoặc mang tính không tưởng, hoặc duy ý chí.
Đấy là chuyện những người được mời. Vậy còn có ai không được mời thú vị không? Tôi không thấy Nguyễn Sỹ Bình. Nguyễn Sỹ Bình từng hoạt động móc nối với Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức. Thậm chí cuốn sách Con đường Việt Nam được Nguyễn Sỹ Bình xuất bản. Như thế có thể suy ra ắt có chuyện liên quan tới Nguyễn Sỹ Bình. Cũng như vậy, không thấy đại diện cho Tập hợp Thanh niên Dân chủ của Nguyễn Tiến Trung trong danh sách mời.
Ngoài chuyện các nhóm trong danh sách mời khó có thể chung cờ, từng cá nhân được mời một có phản ứng thế nào với lời mời. Tôi vẫn đang quan sát để có thể tìm thấy những lý do từ chối nhất định. Nhưng tạm thời tôi chỉ thấy có những lý do sau (ngoài lý do không thể đứng cùng nhau do khuynh hướng chính trị xã hội khác nhau):
1. Không muốn có những rắc rối với chính quyền (kể cả lý do không muốn tham gia các phong trào chính trị)
2. Không tán thành cương lĩnh, đường lối của PTCĐVN
3. E sợ nội dung các dàn xếp, trao đổi nội bộ của Phong trào có thể bị công bố
Tạm thời tôi chỉ thấy có lý do như vậy. Tất cả những lý do khác mà những người được mời nêu ra để từ chối thực chất chỉ nhằm che dấu 3 lý do căn bản trên. Chẳng hạn lý do cho rằng PTCĐVN là cạm bẫy của cơ quan an ninh để từ chối, thật ra, không có cơ sở. Các phong trào hoạt động  chính trị ở cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 khác với các phong trào ở đầu thế kỷ 20. Điểm khác nhau đó là tính công khai, minh bạch. Nếu một phong trào đã công khai, thì phong trào đó có do chính quyền dàn dựng hay không cũng không quan trọng và không có ý nghĩa, bởi vì điểm quan trọng của một phong trào là ở cương lĩnh, đường lối của nó, chứ không phải ở người tổ chức, bởi vì một phong trào đã công khai, minh bạch thì người tổ chức luôn có thể được chọn lựa đúng đắn nhất bởi những người tham gia. Những người đã dấn thân tham gia các hoạt động chính trị trong một nhà nước toàn trị tất nhiên đều phải hiểu rằng một khi đã tham gia đều có khả năng "dấn thân vô là chịu tù đầy, là gươm kề cổ súng kề tai, là thân sống chỉ coi còn một nửa", bất kể phong trào đó có là cạm bẫy do an ninh dàn dựng hay không. Không có dấn thân hoạt động chính trị an toàn, kể cả hoạt động bí mật hay ngầm. Những thứ dấn thân chính trị an toàn về thực chất không phải là dấn thân chính trị, kiểu như những người đợi chờ xem đèn của chính quyền mà họ tin cậy bật xanhh hay đỏ. Người ta chỉ có thể sợ một cạm bẫy của cơ quan an ninh khi sợ rằng những dàn xếp nội bộ không công bố ra công luận bị cơ quan an ninh xùy ra công luận thôi, và đấy chính là lý do thứ 3 đã nêu ở trên. Lý do cho rằng người đứng đầu phong trào không có uy tín đủ lớn cũng không đứng vững, bởi vì như đã nói ở trên điểm quan trọng của một phong trào nằm ở cương lĩnh, đường lối chứ không ở người khởi xướng. Có nhiều trường hợp, người khởi xướng chỉ là người đề ra ý tưởng ban đầu và người đứng đầu của phong trào về sau không nhất thiết phải đúng là người khởi xướng.
PTCĐVN bất kể thế nào vẫn là một hiện tượng đáng nghiên cứu. Điều tôi muốn thấy là phản ứng của chính quyền như thế nào. Cho tới thời điểm này tôi chưa thấy phản ứng của chính quyền. Nhưng nếu Phong trào chỉ có 2 người được mời đồng ý tham gia thì có thể nói Phong trào tự nó đã thất bại và chính quyền chẳng cần phải làm gì cả. Sự thất bại như vậy không nằm ngoài 4 lý do tôi nêu ở trên.
   

@  Dong A-Tiếp tục về Phong trào Con đường Việt Nam
----'Con đường Việt Nam' bị nghi ngờ
Dư luận hồ nghi mục đích đằng sau lời kêu gọi về 'Con đường Việt Nam' của ông Lê Thăng Long, người vừa ra tù.

Từ trái: các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Lê Công Định
Nhiều nhà bất đồng chính kiến và cây bút độc lập bày tỏ hồ nghi về mục đích đằng sau lời kêu gọi về "Con đường Việt Nam" của ông Lê Thăng Long, người vừa ra tù ở Việt Nam.
Nhưng cũng có một số người nói chưa thể kết luận rõ ràng.
Ông Lê Thăng Long, người bị xử trong vụ án năm 2010 cùng luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, được trả tự do sáu tháng trước hạn hôm 4/6.
Trong cuộc phỏng vấn gây nhiều chú ý của BBC, ông Long nói ông "thay mặt ba anh trên phát động phong trào mang tên Con đường Việt Nam".
"Chúng tôi rất mong để làm sao có một sự phát triển tốt cho đất nước không có sự hận thù, cực đoan, đạp đổ, phân biệt quá khứ, phân biệt chính kiến, làm sao trong yêu thương và làm sao cho đất nước chúng ta phát triển tốt nhất và đoàn kết với nhau."
"Mục tiêu sắp tới của tôi là làm sao hình thành được phong trào cùng với các anh em và làm sao để phong trào này lớn mạnh để đem lại con đường đi tới dân chủ và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam," ông Long cho biết.
Lời phát động, Bấm đăng lên mạnghôm 10/6, nói phong trào "xác định mục tiêu tối thượng phải hoàn thành là quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước chúng ta".
"Hãy tham gia làm người sáng lập, quản trị, điều hành, thành viên của phong trào sẽ được mở ra cho bất kỳ ai mà không có sự phân biệt. Hãy làm cố vấn, ủng hộ viên và tình nguyện viên cho phong trào," tuyên bố kêu gọi.
Ông Lê Thăng Long từng được báo chí Việt Nam ca ngợi là một doanh nhân thành công
Ông Lê Thăng Long cũng gửi thư mời nhiều người tham gia, từ cựu Chủ tịch Quốc hội, doanh nhân, cho đến nhà bất đồng chính kiến, và cả người làm trong ngành giải trí...
'Cạm bẫy'
Tuy vậy, có vẻ lúc này hầu hết người được mời tỏ ra dè dặt, thậm chí phê phán.
Nhà đối kháng Bấm Hà Sĩ Phuviết: "Nhiều ý kiến cho rằng cuộc vận động phi thường vội vã này chỉ là một trong hai khả năng: hoặc là sự ngây thơ chính trị kiểu sách vở, hoặc một cạm bẫy."
"Hai khả năng ấy cuối cùng cũng chỉ là một, vì đã ngây thơ thì càng chân thành lại càng dễ thành cạm bẫy thôi."
Ông nói đây là "chuyện như đùa", và cảnh báo: "Chủ nhân thật sự của cạm bẫy không bao giờ tự ra tay, mà luôn biết cách làm cho con mồi tự làm lấy cạm bẫy cho mình và cho đồng loại mà tất cả cứ tưởng mình vừa thiết kế một cái gì đó thành công và sắp… thắng lớn!"
Chủ trang điểm tin, Bấm Ba Sàm, lại cho rằng toàn bộ sự việc là xuất phát từ kế hoạch cho ra đời đảng "đối lập" - một kế hoạch của chính Đảng Cộng sản cầm quyền.
"Đây là một tổ chức mà đảng Cộng sản Việt Nam sẽ coi là mầm mống của một chính đảng đối lập. Hãy nhìn gương các tổ chức khác, như Khối 8406, thì thấy rõ họ sẽ đối xử ra sao, nếu như không phải do họ 'đẻ' ra," vị chủ trang viết.
Cũng trên trang Ba Sàm, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt có thư: "Bất cứ một phong trào ầm ĩ nào không có nội dung, không có bất kỳ nguyên lý hợp tác nào để tạo ra đoàn kết xã hội, đều có thể trở thành một phong trào nguy hiểm."
"Vì thế tôi từ chối tham gia và từ chối bất kỳ liên hệ nào đối với phong trào này," ông Bạt bày tỏ thái độ.
Ở hải ngoại, một người được mời, Bấm Châu Xuân Nguyễn, lên án nặng nề và cáo buộc "phong trào này thực chất là phục vụ cho Đảng Cộng Sản".
'Ẩn giấu'
Tuy vậy, cũng có ý kiến trên mạng cho rằng còn gì đó "ẩn giấu".
Viết trên một trang đối lập với Đảng Cộng sản, Bấm Phan Nguyễn Việt Đăng, cho rằng: "Để kết luận rõ ràng ông Long là một người như thế nào, thật không dễ."
"Cách làm, lý do ra tù, cũng như phát ngôn của ông đang có các chi tiết buộc người ta phải dành nhiều thời gian để kiểm chứng hơn."
Một người viết khác, Bấm Hà Hiển, "phản đối mọi nhận xét vội vàng một cách võ đoán chưa có căn cứ về một con người, về một sự kiện".
"Chưa xét về quan điểm chính trị mà chỉ ở góc độ cá nhân thì tôi cảm thấy vui mừng vì ông Long đã được ra tù trước thời hạn kể cả vì lý do ông 'nhận tội'," người này viết.
Còn người lấy bút danh Bấm Nguyễn Ngọc Già lại bênh vực ông Long khi cho rằng "những ai đả kích, chê bai, phỉ báng Lê Thăng Long như là một dạng chiêu hồi cũng nên nghiêm túc xem lại".
"Hãy bình tâm và suy ngẫm trước khi phán xét như đã phán xét," theo ông.
Trên trang blog của mình, đến lúc này, ông Lê Thăng Long không có phản hồi trước sự hồ nghi đang dành cho công việc của ông.
--------------

BaSam cho rằng BBC đã nói không chính xác về những nhận xét của basam: (thực ra BBC đã tự thêm vào : đó là kế hoạch của ĐCS)
Đôi lời: Đăng lại bài này một phần để nói rằng BBC đã phản ánh rất sai những bình luận công phu của Ba Sàm trong 4 ngày liền, với nhiều gợi ý, giả định được đặt ra.
-Mời tham khảo các bình luận trong phần điểm tin các ngày 13/6,  14/615/616/6.
"Xin nói thêm. Trong những bức thư mang tên Lê Thăng Long gửi búa xua trên mạng, có một bức được gửi tới 20 người để mời tham gia nhóm sáng lập. Thư gửi ngày 8/6, trong đó nói là ngày 12/6 “Phong trào” sẽ chính thức được phát động. 
Một sự vội vã khó hiểu và khó tưởng tượng nổi, mà trong thư đã thừa nhận là “thời gian quá cấp bách” nhưng không nói rõ lý do vì sao. Tới độ mời họp chợ quê cũng không dễ dãi đến vậy. Xin lỗi phải dùng lối so sánh đó để nói với những ai là tác giả bức thư cùng hơn chục tài liệu đính kèm và hàng loạt thư chiêu dụ khác, vì quả tình khó có thứ gì giống hơn. Trong khi, chắc ai cũng hiểu, đây là một tổ chức mà đảng CSVN sẽ coi là mầm mống của một chính đảng đối lập. Hãy nhìn gương các tổ chức khác, nhưKhối 8406, thì thấy rõ họ sẽ đối xử ra sao, nếu như không phải do họ “đẻ” ra. "
--
Nhân tiện nói thêm về cách đưa tin của BBC: trong bài  - Ông Nông Quốc Tuấn kiêm vị trí mới (BBC). đầu tiên BBC cho rằng ô NQT được đưa vào vị trí cao hơn và kiêm thêm vị trí, sau đó BBC đã sửa lại và không có giải thích gì??
Có nên dựa vào Mỹ để cứu Đảng? (BBC 15-6-12) -- Bài đáng đọc của Gabriel Kolko ◄  NÊN ĐỌC NGUYÊN VĂN TIẾNG ANH(cái tựa version trên BBC có vẻ ... lá cải!): Vietnam, the US and China (Counterpunch June 15-17, 2012)


- Về Lê Thăng Long và “Con đường Việt Nam”, TS Hà Sĩ Phu có bài: Ngây thơ và cạm bẫy (Pro&Contra).
--Lê Thăng Long nói về 'Con đường VN'
Vừa ra tù, ông Lê Thăng Long, người bị xử trong vụ án năm 2010 cùng luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức nói về thời gian ở tù và dự án 'Con đường Việt Nam'.
Được trả tự do sáu tháng trước hạn hôm 4/6 vừa qua, nhà đấu tranh dân chủ dân chủ Lê Thăng Long, sinh năm 1967, cho BBC biết qua điện thoại hôm 11/6 rằng tình hình sức khỏe của ông là bình thường.
Ông cũng nhắc lại giai đoạn mới bị bắt và các cuộc trao đổi với những người trong vụ việc bị bắt năm 2009:
Ông Lê Thăng Long: Giai đoạn đầu tiên khi tôi mới bị bắt là giai đoạn có những bất ngờ, hay đặc biệt đối với tôi và sau đó thì cũng quen dần. Đột nhiên mình bị mất tự do, đó cũng là một cái bất ngờ và những việc mình làm theo những gì đúng đắn mà tự nhiên, đột ngột mình bị khép vào những tội danh và điều đó làm cho tôi thấy bất ngờ.
BBC:Trong thời gian đó ông đã gặp lại ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định trong tù không? Lần cuối gặp lại ông Thức và ông Định như thế nào?
Lần cuối tôi gặp anh Định khoảng ngày 10/08/2010. Chúng tôi lên ở trại trên Xuân Lộc khoảng hơn một tháng thì anh Định bị chuyển đi, còn lại tôi với anh Thức ở trại giam Xuân Lộc trong khu gọi là khu cách ly. Tôi gặp anh Thức lần cuối cách đây hai tháng. Tôi được chuyển lên khu hình sự, khu các anh em án hình sự, và sau đó tôi được đưa về nhà và hiện nay đang bị quản chế.
BBC: Trong thời gian gặp gỡ đó các ông đã nói chuyện, bàn thảo những gì?
Chúng tôi đã bàn những dự tính, dự định chúng tôi đã có từ trước, trước khi bị bắt. Những dự định đó là làm sao để thực hiện được những phong trào rộng rãi trong nhân dân để tìm ra con đường làm sao phù hợp cho đất nước Việt Nam.
BBC: Thời gian ở trong tù ông có được biết tin tức, tình hình bên ngoài như thế nào không?
Thực sự ra chúng tôi bị hạn chế về tin tức, chỉ được đọc báo Nhân Dân và xem thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Còn các thông tin khác thì chúng tôi bị hạn chế, không được tiếp cận.
BBC: Theo những thông tin chúng tôi được biết, ông được thả sớm trước 6 tháng. Điều này liên quan gì đến lời nhận tội trước đó?
Đúng như vậy. Tôi đã được giảm hai lần, mỗi lần ba tháng.
BBC: Ông giải thích thêm một chút được không? Ông được giảm hai lần mỗi lần ba tháng là do đồng ý nhận tội?
Tại phiên tòa phúc thẩm, phút cuối tôi đã nhận tội nên được giảm một năm rưỡi, tức là 18 tháng. Và trong quá trình thi hành án, có chương trình gọi là chương trình thi đua giữa các người tù. Trong bốn tiêu chuẩn thi đua đó, tiêu chuẩn đầu tiên là chấp nhận, thành khẩn hối cải, nhận tội lỗi của mình. Do đó vì tôi nhận tội nên được giảm hai lần, mỗi lần hai tháng. Còn đối với những trường hợp như của chúng tôi mà không nhận tội thì không được giảm án, sẽ bị xếp loại yếu.
BBC: Ông có biết về tình hình ông Nguyễn Tiến Trung hiện nay ra sao?
Ông Lê Thăng Long từng được báo chí Việt Nam ca ngợi là một doanh nhân thành công
Tôi cũng vừa gặp bố mẹ của anh Nguyễn Tiến Trung cách đây gần một tuần sau khi tôi về đây, nghe nói anh ‎sức khỏe bình thường, vẫn tốt. Hiện nay anh đang ở trại Phan Đăng Lưu của thành phố, Ủy ban thành phố.
BBC: Trước đó chúng tôi được biết các ông đã từ chối bản nhận tội này, có phải do muốn được giảm án nên nhận tội?
Trước đó tôi đã tuyệt thực hai lần, một lần sau sơ thẩm và một lần trước phúc thẩm. Đối với lần trước phúc thẩm thì tôi đã được bên trại đưa vào bệnh viện để truyền nước biển và các thuốc khác để tôi phục hồi để ra tòa. Và khi ra tòa hai lần, tôi thấy những tiếng nói của mình không được lắng nghe một cách khách quan, do đó để có thể sớm nhất ra tù trong điều kiện như vậy thì là những lời nhận tội vào những phút cuối cùng.
BBC: Những công an hay cán bộ chấp pháp đã tiếp xúc với ông thuộc cấp nào?
Người cấp cao nhất đã gặp tôi trong quá trình thẩm vấn là ông Nguyễn Văn Hưởng.
BBC: Trong cuộc tiếp xúc đó Thượng tướng Hưởng đã nói gì với ông?
Đó là trong quá trình điều tra, thì tôi cũng thẳng thắn nói với ông Hưởng là tôi không có tội.
BBC: Mục tiêu sắp tới của ông là gì?
Tôi vừa chính thức thay mặt ba anh trên phát động phong trào mang tên Con đường Việt Nam, chúng tôi rất mong để làm sao có một sự phát triển tốt cho đất nước không có sự hận thù, cực đoan, đạp đổ, phân biệt quá khứ, phân biệt chính kiến, làm sao trong yêu thương và làm sao cho đất nước chúng ta phát triển tốt nhất và đoàn kết với nhau. Rất mong các bạn ủng hộ chương trình này làm sao cho Việt Nam phát triển và đóng góp vào hòa bình thế giới. Mục tiêu sắp tới của tôi là làm sao hình thành được phong trào cùng với các anh em và làm sao để phong trào này lớn mạnh để đem lại con đường đi tới dân chủ và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam.
BBC: Hiện đang trong thời gian quản chế, ông làm thế nào để thực hiện điều này?
Hiện nay quản chế [với tôi] giới hạn trong một khu vực địa lý. Nhưng chúng ta có thể nói là sức mạnh thời đại này là sức mạnh trí thức và sức mạnh thế giới phẳng. Việc này có thể thực hiện được nếu chúng ta có ý‎ chí, có tình yêu thương mãnh liệt và có quyết tâm.

Phản hồi của người được mời tham gia Phong trào Con đường Việt Nam
Ông Lê Thăng Long, vừa mới ra tù, đã phát động ngay lập tức Phong trào Con đường Việt Nam. Đây là một sự kiện tôi đánh giá là đặc biệt. Nhưng nhìn chung, có thể nói Phong trào Con đường Việt Nam là bước tiếp nối việc làm của nhóm Lê Công Định - Trần Huỳnh Duy Thức - Lê Thăng Long làm trước khi bị nhà nước Việt Nam xét xử. Điểm khác biệt, trước đây nhóm này hoạt động bí mật, còn giờ đây ông Lê Thăng Long công khai. Cách ông Lê Thăng Long công khai hóa có điểm gì đấy tương đồng với cách Nguyễn Tiến Trung từng làm, công khai hóa Đảng Dân chủ, có nghĩa là buộc chính quyền phải thừa nhận tồn tại một phong trào như thế. Do vậy vấn đề mấu chốt vẫn là có bao nhiêu người tham gia hay ủng hộ phong trào. Sự chuyển biến của xã hội nhiều khi chỉ là những phép tính số học đơn giản.
Hiện nay tôi mới chỉ thấy có một người duy nhất trong danh sách mời của Phong trào Con đường Việt Nam phản hồi công khai. Đó là ông Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm. Nếu những người ở trong nước có thể có những khó khăn nhất định thì những người ở hải ngoại chắc hẳn không có mắc mứu đặc biệt gì. Cứ giả sử trường hợp xấu nhất là phong trào do an ninh Việt Nam dàn dựng thì một ván bài lật ngửa không phải là không hấp dẫn, thú vị và thể hiện đẳng cấp cuộc chơi. Thế nhưng, lịch sử hình như từng có một cuộc chơi như vậy. Theo Hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh:
"Hoàng Ngọc Hiến, tư duy khoa học thì tỏ ra sâu sắc, nhưng trong đời sống thực tế, nhiều khi rất nhẹ dạ, cả tin. Vào khoảng 1987, Hội văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng có mời tôi và Hiến vào nói chuyện với giới văn nghệ trong ấy. Chúng tôi ở với nhau độ một tuần lễ, sau đó, Hiến vào Sài Gòn, tôi ra Hà Nội. ít ngày sau, tôi đang ngồi ở nhà (tại Đồng Xa) thì thấy Hiến đạp xe tới. Lúc đó mới độ 8 giờ sáng. Tôi hỏi ra bao giờ. Anh nói ra sáng nay, tàu 7 giờ sáng tới Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: vừa về Hà Nội đã vội đến tôi làm gì! Hoá ra anh vừa tham gia một đảng gọi là đảng "Nhân dân hành động" và ra Hà Nội để phát triển Đảng. Người đầu tiên anh định kết nạp là tôi. Anh nói, không sợ gì cả. Tay thủ lĩnh là một tay tiến sỹ ở Mỹ về. Rất trí thức. Đảng này đã thống nhất với cộng sản chuẩn bị ra đa đảng. Trong đảng này có một uỷ viên bộ chính trị và một thiếu tá công an cộng sản. Đảng phát triển chủ yếu vào trí thức. Anh lại hỏi, thằng Thanh nhà ông vào Sài Gòn đã có việc làm và nhà cửa gì chưa, để anh lo giải quyết cho.Tôi không tin, từ chối: "Cậu định làm chính trị à? Không sợ công an à?" Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát. ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ở vùng Vĩnh Long, vừa bị bắt một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế.
Một thời gian sau, tôi gặp lại Hiến ở trụ sở văn nghệ. Tôi hỏi Hiến: "Biết gì chưa?" Hiến: "Biết rồi! Biết rồi!" Tôi lại hỏi: "Có sao không?" Hiến: "Không sao, không sao - Nhưng này, đừng nói với ai nhé!""
Con chim từng bị tên bắn luôn hãi sợ những cành cây cong, mặc dù đó không phải là kinh nghiệm cá nhân của chính bản thân, mà là kinh nghiệm cộng hưởng từ cá nhân khác thông qua lịch sử và xã hội. Song tôi thử hình dung nước Đức vào năm 1990. Giả sử như lúc đó có một phong trào nào đấy và phong trào đấy mời một cựu nhân viên Stasi tham gia thì anh ta phản ứng thế nào? Điều này có thể gợi mở cho chúng ta những quan sát và đánh giá  nhất định. Quay lại trường hợp Phong trào Con đường Việt Nam của ông Lê Thăng Long. Hiện nay vẫn chưa thấy phản ứng của chính quyền. Và đây cũng là điểm rất thú vị để quan sát. Song tôi dự đoán rằng nếu chẳng có ai công khai tham gia Phong trào thì chắc chính quyền cũng chẳng có phản ứng gì. Ván bài gì đây?
Sau đây là phản hổi của ông Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm:
"Mấy bữa nay Ba Sàm liên tục nhận được email mời tham gia món này, “được” có tên sẵn trong danh sách cùng rất nhiều vị nhân sĩ, trí thức, cựu quan chức chóp bu ĐCSVN. Thấy tếu quá, xóa liền! Một bác có tên trong danh sách cũng gọi điện hỏi, rồi cả hai cùng cười cho trò con nít. Hình như thấy mồi chưa đủ hấp dẫn, lại có thêm email cho BS chức tước khá to trong nhóm (Ha ha!). Không nghĩ ông LTL dính vô trò nầy, giờ nghe phỏng vấn thì gần như chắc chắn ổng là (đồng?) tác giả món “rác” đó. Vậy cái gì đây?
1- Nếu ông LTL do được hưởng đời sống vô cùng nhân đạo trong thứ “trường học đặc biệt” vừa qua, để rồi “sướng quá hóa … rồ”, tự phát tán tài liệu, thì thông cảm, tha thứ cho ông vì một trò “quăng bom” nguy hiểm như con nít ị bậy.
2- Nếu có những kẻ dàn dựng (có thể có ông LTL tham gia) thì không thể cười rồi để đó được. Trò mèo này trước đây đã từng “nhát ma” được nhiều vị, gây “báo động giả” để vừa kiếm chác tiền bạc, chức tước, quyền bính, vừa được “bật đèn xanh” cho những chiến dịch đàn áp. Giờ lỗi thời rồi!
Giữa lúc đảng CSVN đang phát động chỉnh đốn nội bộ, khó khăn ghê gớm, nhiều vị trí thức, cựu quan chức chóp bu hưởng ứng chân thành, vậy mà lại có tên các vị đó trong danh sách “của” LTL là có ý đồ gì? Kẻ tạo dựng trò này phải bị điều tra, truy tố vì đã tìm cách chia rẽ nội bộ đảng, chia rẽ dân tộc."


Nhân vật tôi chưa từng bình luận
Trên mạng đang ồn ào nhân vật Lê Thăng Long, người được xử nhẹ nhất trong vụ án Lê Công Định, vừa ra khỏi tù. Chuyện hết thời hạn phạt giam và ra tù không có gì đặc biệt. Điểm đặc biệt là Lê Thăng Long vừa ra khỏi tù thì trên mạng phát tán tài liệu về Con đường Việt Nam với Lê Thăng Long đứng tên. Tất nhiên ở trên mạng chúng ta không biết có đúng Lê Thăng Long đã đứng tên dưới Con đường Việt Nam hay không, hay đó là một trò bịp gắp lửa bỏ tay người. Chưa thấy báo chí hải ngoại như BBC, RFA, RFI phỏng vấn Lê Thăng Long nên chưa thể kết luận được. Nhưng nếu đúng Lê Thăng Long là người vừa khởi xướng Con đường Việt Nam thì nhân vật này quả thật rất đặc biệt. Thông thường các nhân vật dissident vừa ra khỏi tù thường không có hoạt động chính trị gì lúc ban đầu, và đặc biệt không ồn ào thu hút dư luận. Phong trào Con đường Việt Nam thấy mời khá nhiều nhân vật có tên tuổi tham gia như GS Ngô Bảo Châu, Hoàng Tụy và cả những người Cộng sản đương chức như Võ Văn Thưởng hay đã về hưu như Nguyễn Văn An... nhưng chưa thấy các nhân vật này có phản hồi gì trước công luận, có đồng ý tham gia hay không. Cũng chưa thấy có báo chí nào phỏng vấn các nhân vật được mời về quan điểm của họ về phong trào Con đường Việt Nam. Nhưng việc có mặt những nhân vật Cộng sản đương chức trong danh sách mời cho thấy hoặc phong trào này rất thơ ngây, không thực tế, hoặc đây là trò bịp bợm mua vui chưa được một trống canh. Tuy vậy cũng sẽ thú vị theo dõi diễn biến tiếp theo của câu chuyện Con đường Việt Nam này.
Trong vụ án Lê Công Định tôi đã từng bình luận nhiều, nhưng Lê Thăng Long là nhân vật mà tôi chưa từng bình luận. Điểm này cũng đặc biệt, bởi vì điều đó cho thấy đó là nhân vật mà tôi chưa đánh giá được.

Tổng số lượt xem trang