Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Quốc hội, Chính phủ và mối quan hệ gắn bó về trách nhiệm

SGTT.VN - Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai nội dung này trong những tháng đầu năm 2012, đại biểu Dương Trung Quốc đã đọc một bài phát biểu vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của tầm nhìn mỗi “nửa năm” theo các bản báo cáo tương ứng với thời gian ấy của Chính phủ. Với góc nhìn của một đại biểu thâm niên, ông phân tích trách nhiệm Chính phủ trong việc điều hành ở tầm vĩ mô, gắn trách nhiệm này với trách nhiệm giám sát của chính Quốc hội. Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu bài phát biểu này.

Qua những năm tham gia Quốc hội, tôi nghiệm thấy rằng: Một Quốc hội như thế nào thì sẽ có một Chính phủ như thế nấy.

 

Ta có thể đặt ra những câu hỏi: Vì sao đất nước đã hoà bình gần 40 năm mà con đường huyết mạch số một hay hệ thống đường sắt vẫn gần như thời kỳ Tây cai trị? Ảnh: Phan Quang

 

Phương thức hoạt động của Quốc hội chúng ta là cứ nửa năm triệu tập một kỳ họp và nghe một bản báo cáo với nội dung chủ yếu là nhìn lại sáu tháng vừa qua để hướng tới mục tiêu sáu tháng tiếp theo. Thời điểm họp vào cuối tháng 5 và cuối tháng 10 mỗi năm thật lỡ dở để có dịp nhìn lại trọn vẹn từng năm... Cứ tập trung vào bản báo cáo sáu tháng một lần thì thật khó có thể nhận dạng được bức tranh toàn cảnh của đất nước.

Với tầm nhìn mỗi “nửa năm ấy”, những bản báo cáo của Chính phủ chỉ nêu lên những việc đã làm như những thành tựu đã đạt được – đưa ra một số sai sót, yếu kém gắn với những vấn đề nổi cộm mà dư luận đang quan tâm, rồi đưa ra những giải pháp thường ngắn hạn và ít mới mẻ.

Để ngắm một bức tranh toàn cảnh cần có một độ lùi về không gian và cả thời gian. Hoàn cảnh cho tôi, đến nay đã được dự khoảng 20 phiên và đọc chừng 20 bản báo cáo của Chính phủ, để bằng cảm quan nghề nghiệp của mình, nhận ra cái mạnh và cái chưa mạnh của Chính phủ.

Cái mạnh nhất của Chính phủ là “khả năng ứng biến”, “năng lực giải quyết tình huống”. Phải chăng đây là sự kế thừa của một truyền thống hình thành trong thời chiến. Năng lực ấy đã phát huy tác dụng tích cực khi chúng ta thực hiện một mục tiêu chính nghĩa, một đường lối đúng đắn, có sự hậu thuẫn về ý chí của toàn dân, lại có tầm nhìn sáng suốt của người đứng đầu .

Cái mạnh ấy, đã giúp Chính phủ cứ sáu tháng một lần lại vượt qua được những thử thách của thực tiễn, đạt được những mục tiêu ngắn hạn và cũng vượt qua được một kỳ họp cũng là một kỳ chất vấn của Quốc hội để rồi lại dấn thân phấn đấu cho sáu tháng tiếp theo. Vì thế những thành tựu ấy khó bền vững và những khuyết điểm, yếu kém của Chính phủ luôn lặp lại gần như là một điệp khúc không mấy thay đổi qua các báo cáo.

Nói như vậy, tôi hoàn toàn không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ cũng như chia sẻ những khó khăn khách quan mà cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền rất phức tạp mà Chính phủ đang phải gánh vác. Và nói như vậy cũng không có nghĩa là xem thường năng lực ứng phó và giải pháp tình huống...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, nhưng theo tôi nguyên nhân đáng quan ngại nhất là năng lực “lắng nghe” của Chính phủ. Quốc hội có trách nhiệm trong chuyện này.

Nhưng chỉ như thế thì không đủ

Một trong những chức năng quan trọng cũng là trách nhiệm nặng nề nhất của Chính phủ phải là điều hành đất nước ở tầm vĩ mô. Vĩ mô vừa mang nội hàm về không gian (to lớn) lẫn thời gian (lâu dài).

Ta có thể đặt ra những câu hỏi: Vì sao đất nước đã hoà bình gần 40 năm mà con đường huyết mạch số một hay hệ thống đường sắt vẫn gần như thời kỳ Tây cai trị?

Vì sao lĩnh vực công nghiệp hoá, hiện đại hoá luôn được coi là mục tiêu chiến lược và được Chính phủ đầu tư nhiều nhất, trong đó, đặt vai trò động lực hàng đầu cho các tập đoàn nhà nước lại là lĩnh vực kém thành công nhất. Để nhắc đến một thương hiệu hay một sản phẩm công nghiệp đáng để cho thế giới biết đến dường như chưa có! Còn nhắc đến con số những thất thoát ngân sách khổng lồ gắn với những đổ vỡ của một vài tập đoàn như Vinashin, Vinalines thì có ai không xót ruột...!

Trong khi đó, như chúng ta vừa thảo luận về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thì chính những người nông dân, ngư dân vốn ít được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, thậm chí phải chịu đựng nhiều rủi ro không chỉ của thiên tai mà của cả những sai sót trong điều hành của Chính phủ, lại làm nên những thành tựu, những thương hiệu hơn hẳn công nghiệp. Nó cho thấy trên nhiều lĩnh vực quan trọng, thực tiễn đã vượt qua sự chủ động trong tầm nhìn và tầm tay quản lý của Chính phủ?

Một trong những chức năng quan trọng cũng là trách nhiệm nặng nề nhất của Chính phủ phải là điều hành đất nước ở tầm vĩ mô. Vĩ mô vừa mang nội hàm về không gian (to lớn) lẫn thời gian (lâu dài). Nếu cứ như hiện nay, Chính phủ không đáp ứng được mong muốn của nhân dân ngày càng có năng lực thể hiện quyền dân chủ của mình mà hoạt động của Quốc hội có trách nhiệm phải đáp ứng.

Một ví dụ nữa, đội ngũ cán bộ công chức được tuyển chọn, đào tạo, trong đó dường như ai cũng được bồi dưỡng những khoá học về “quốc phòng toàn dân”, mà vẫn để hiện tượng sử dụng lao động người nước ngoài, cho thuê đất rừng hay khai thác khoáng sản và gần đây nhất là nuôi hải sản ở ngay những vị trí trọng yếu của an ninh quốc gia vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bộ máy nhà nước?

Nhìn bản đồ quốc gia, chúng ta sẽ thấy không ít sự bất hợp lý và lãng phí, hệ quả của mối quan hệ giữa Chính phủ Trung ương và chính quyền các địa phương bị chi phối bởi tầm nhìn cục bộ cũng như sự thoả hiệp của mối quan hệ xin – cho. Cần nhấn mạnh rằng mối quan hệ xin – cho đang ngày càng trầm trọng và gây tác hại lớn nhất cho việc điều hành đất nước, phá hoại những giá trị xã hội, đã tạo nên hiện tượng đáng quan ngại không chỉ là các vụ tham nhũng và thất thoát lớn đã được phát hiện hay không thể phát hiện, mà còn là hiện tượng đã được thừa nhận là “tham nhũng vặt”.

Trong khi đó, đối với nhân dân, chính bộ máy công quyền ấy lại phải chăng quá khắt khe cảnh giác để rồi hành xử có phần vụng về, thô bạo đối với một bộ phận nhân dân, làm phương hại đến hình ảnh của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân mà chúng ta đang phấn đấu. Chỉ số lòng tin của dân đối với Chính phủ chưa khi nào được quan tâm tính đếm, nhưng chắc chắn không như chúng ta mong muốn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế ấy, nhưng theo tôi nguyên nhân đáng quan ngại nhất là năng lực “lắng nghe” của Chính phủ. Nhìn lại một chặng thời gian dài hơn mỗi kỳ họp, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều vấn đề đã được cảnh báo đến từ phát biểu của nhiều nhà khoa học hay hoạt động xã hội, trong đó có những đại biểu Quốc hội, từ rất nhiều cuộc hội thảo, đề tài nghiên cứu... mà Chính phủ chậm tiếp thu để rồi thực tiễn chứng minh những lời cảnh báo ấy đã trở thành hiện thực. Năng lực lắng nghe bị hạn chế phải chăng do Chính phủ chưa tin vào dân, vào những người không nằm trong bộ máy tư vấn gần gũi của Chính phủ, hay còn vì “lợi ích nhóm”?

Trong những hạn chế của Chính phủ ấy có trách nhiệm của Quốc hội. Vì sao khi thảo luận về “luật Phòng chống tham nhũng”, nhiều vị đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội đã can rằng không nên giao trách nhiệm đứng đầu cơ quan này cho cơ quan hành pháp, thế mà chính Quốc hội chúng ta lại thông qua luật để tới nay phải sửa lại? Vì sao từ nhiệm kỳ trước tại Quốc hội, tôi đã thấy có vị đại biểu nêu lên sự cần thiết phải xây dựng luật nhằm quản lý và phát huy vốn của Nhà nước, mà Quốc hội vẫn chưa tiếp thu? Vì sao khi xảy ra những vụ việc như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)... chẳng thấy Quốc hội sớm vào cuộc? Tại sao xảy ra hiện tượng người Trung Quốc vào nuôi cá ngay kề địa bàn quân sự ở Cam Ranh, người phát hiện lại chỉ là báo chí? Tất cả các bản báo cáo ngân sách Chính phủ trình, Quốc hội đều... cho qua, thì sự thất thoát ngân sách lớn như thế có trách nhiệm của Quốc hội không? Thưa Quốc hội, nói đến Quốc hội, tôi cũng ý thức rằng trong đó có cả chính mình.

Từ những ý kiến trên, tôi kiến nghị: các bản báo cáo mỗi kỳ họp Quốc hội của Chính phủ, ngoài phần báo cáo như cách viết hiện nay, Quốc hội cần hướng việc giám sát vào những vấn đề nổi bật gắn với tầm điều hành vĩ mô của Chính phủ, để thấy những tiến bộ của Chính phủ sau mỗi kỳ họp thông qua những đánh giá việc thực hiện những mục tiêu lớn và dài hạn.

Xin nhắc lại lời của người xưa đúc kết về thuật trị nước. Đó là câu đối “nhắc nhở” của một viên quan thời Hậu Lê (Hoàng Ngũ Phúc) vào một thời kỳ lịch sử rối ren: “Nước lấy dân làm gốc, lúc bình yên, nước hãy để dân yên – Dân lấy nước làm lòng, khi hữu sự, dân sẽ ra gánh vác”.

Thử đặt ra một câu hỏi, vào thời điểm này, “khi hữu sự”, liệu dân có ra gánh vác như những thời kỳ đầy thử thách trong quá khứ lịch sử hào hùng hay không? Đặt lòng câu hỏi ấy, Chính phủ sẽ thấy nhiều việc cần làm.

 

@ sgtt Quốc hội, Chính phủ và mối quan hệ gắn bó về trách nhiệm

Tổng số lượt xem trang