Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Thơ và Tôi

Ngu Yên
NY-nhapthovatoi

Tôi dùng một tấm hình của Antonorosso, My Dreams My Drug My Sadness, làm dựng sau. Lượm vài hình khác "vô chủ" trên mạng, xây dựng tứ "Thơ và Tôi", tôi bắt chước nghệ thuật phế thải của Joseph Cornell. Chu vi hoạt động của ông là rác ở New York. Sân chơi của tôi là mạng.
*****
- Thơ là cái gì? Có cần biết hay không? Không biết có làm được không?
- Quan niệm thơ có trước hay thơ có trước?
- Tại sao thơ xuất hiện?
Triết gia Aristotle là người đầu tiên khai sinh môn sinh vật học theo phương pháp khoa học cho dù còn thô sơ. Ông và các môn đồ theo dõi hành trình cái trứng nở thành gà. Việc làm này thuộc về khoa học nhưng trước đó vẫn là câu hỏi: Trứng có trước hay con gà có trước?
Thầy của Aristotle là triết gia Platon khẳng định rằng ý tưởng con gà có trước cái trứng và con gà. Ngược lại, ông Aristotle cho rằng, người ta đã thấy con gà và trứng nhiều lần rồi mới có ý tưởng về con gà. Vậy thì ý tưởng con gà và cái trứng có trước hay con gà và cái trứng có trước?
- Thưa Thầy, cái trứng sắp nở con rồi.
- Làm sao con biết?
- Con thấy nó rục rịch.
- Gió thôi.
………………….
- Con có phân biệt được trứng có lộn và trứng không lộn không?
- Để con mở ra coi. ……….Thưa Thầy, trứng có lộn.
- Để biết có lộn hay không, con đã phạm giới sát sanh rồi.
………………….
- Thưa Thầy, xin thầy trừng phạt và chỉ điểm cho con.
- Con vừa giúp cái lộn kia thoát ra kiếp gà. Nhờ con mà nó được đầu thai. Không có nhân thì không có quả. Không có quả thì không có nhân. Không nhân không quả thì làm sao có thế giới muôn tầng, muôn hình, muôn sắc. Không có thế giới thì làm sao có Phật.
Tôi nghĩ đến thơ như chuyện trứng và gà. Thơ có trước hay làm thơ có trước? Quan niệm làm thơ có trước hay làm thơ có trước?
Người ta giải quyết việc trứng gà, cho rằng, con gà nở ra từ cái trứng. Cái trứng này đến từ một loại tiền thân của gà. Một loại chim sắp trở thành gà. Người ta kết luận, con gà có trước.
Không phải đâu. Nếu con gà là con gà vật lý cụ thể thì con gà có trước. Nếu con gà là một quan niệm tượng trưng cho loài lông vũ thì cái trứng có trước. Vì cái trứng đến từ một loại không phải chim nhưng cái trứng lại nở ra con chim đầu tiên, cho dù con chim dị dạng. Tuy cái trứng không phải là trứng gà vật lý nhưng trước đó không có con gà. Cái trứng chính là mẹ gà, mới đúng.
- Không phải đâu.
- Con tên gì? Phải ghi danh trước khi được lên tiếng.
- Dạ thưa Thầy, từ thuở nhỏ, cha mẹ đã gọi con là Không Phải Đâu.
*****
Thơ là nơi tôi tìm đến để thỏa mãn trí tuệ và để lại tâm tình. Ý và tình là dữ liệu xây dựng tứ. Ý và tứ là dữ liệu xây dựng bài thơ. Phần còn lại là:
1- Xây dựng bằng cách nào?
2- Để lại cho ai?
- Thơ bản chất là thi vị, bản thể là đẹp. Bạn nói y như xây cất nhà cửa, cầu cống. Khó nghe quá.
- Thơ không phải mơ hồ, không phải khó hiểu, tự con người làm cho thơ mơ hồ và khó hiểu. Xin hỏi:
· Thơ có phải là khoa học không?
· Khoa học có phải là nghệ thuật không?
· Trong nghệ thuật có khoa học không?
· Trong khoa học có nghệ thuật không?
· Vì sao người ta thấy sự khác biệt giữa khoa học và nghệ thuật?
· Khác nhau cái gì?
· Phải chăng khác nhau về phương pháp?
· Phải chăng giống nhau mục đích?
· Phải chăng tùy người mà khoa học và nghệ thuật gần gũi hoặc xa cách?
Có lẽ một trong những điểm khác biệt giữa khoa học gia và thi sĩ là sự hiểu biết về "phương pháp sáng tạo", không phải là "khả năng sáng tạo". Khoa học gia tận sức làm cho rõ ràng. Thi sĩ tự cho phép mình không cần thiết sự rõ ràng.
Làm sao có thể rõ ràng khi bên dưới ý thức là một cõi vô thức mênh mông, nơi thơ ẩn trú hàng ngàn năm của văn hóa dân tộc? Làm sao có thể rõ ràng khi trực giác là "phi thuyền" chở thơ từ vô thức tới hòa hợp với ý thức: không luận lý, không hẹn hò, không báo trước và ngắn hạn?
- Điều này xác nhận rằng, cho đến nay, con người cũng chưa hiểu mấy về con người. Chính vì không hiểu nên không thể nói rõ về những điều chưa hiểu thấu. Thi sĩ hiểu được bao nhiêu về thơ?
- Do đó mà mơ hồ, khó hiểu.
- Không hẳn. Hãy nói những gì đã biết và đừng nói những gì sẽ biết. Mơ hồ không có nghĩa là khó hiểu. Dù đường đi khó khăn, dù đêm tối mịt mù, hễ trăng sáng tới đâu, thấy tới đó; hễ đèn soi đến đâu, nhìn rõ đến đó.
Đêm mùa hè, Qui Nhơn. Cha con tôi thường bắt ghế ngồi trước nhà. Ăn trứng gà lộn. Cả thành phố này chỉ có bà Chín khu Kiến Thiết là bán trứng gà lộn. Trứng gà nhỏ và không tanh dễ ăn hơn trứng vịt. Trứng lộn và bia lạnh, cha con tôi nói chuyện đời loanh quanh đến hai ba giờ sáng mới đi ngủ.
Lúc đó tôi mới vào đại học Luật năm thứ nhất. Mùa nghỉ học về thăm nhà. Ngựa non háu hí. Thường không hiểu ba tôi muốn dạy con như một sư phụ dạy đệ tử ngỗ nghịch. Tôi là người thích chống đối, không hiểu mấy về hai chữ bình thường, từ thuở nhỏ.
- Ba à, con không biết tại sao Phật và Chúa không viết cuốn sách nào cả mà những sách để lại là do các đệ tử hoặc những nhà thông thái viết. Chép lại lời của thánh nhân, không hẳn là lời của thánh nhân. Khổng tử chép kinh Thi, đã hẳn là kinh Thi đâu?
- Con có biết tại sao người ta viết sách không? Con có phân biệt được thế nào là chép lại thế nào là sáng tác không? Con có biết đọc sách chép lại và sách sáng tác sẽ có ảnh hưởng ra sao trong một đời người không?
Ngày tiểu học, khi tôi bắt đầu biết đọc sách, ba tôi đã mua cho tôi cuốn sách đầu tiên "Dế Mèn Phiêu Lưu Ký" của Tô Hoài. Nhiều năm giang hồ lãng tử, tôi vẫn mang theo cuốn sách và đã bỏ mất trong ngày ly loạn rời Nha Trang 1975.
- Con theo thầy học đạo đã lâu, để thầy hỏi con thử, con có nghe gì không?
- Thưa Thầy. Mọi đêm đều có tiếng côn trùng. Sao đêm nay vắng lặng quá. Con không nghe được gì cả.
- Hãy lắng nghe thêm. Nghe cho thật sâu.
- Thưa Thầy, con nghe được tiếng không khí thì thầm.
Im lặng.
- Thưa Thầy, con nói có đúng không?
- Vì con quá khao khát đạt đạo nên tai nghe những âm thanh không có. Những âm thanh của kiến thức, của tưởng tượng, của cái gọi là Thiền. Hãy nghe lại bình thường như một chú tiểu. Hãy nghe cụ thể tiếng động của đời sống, tiếng của thầy đang nói. Trước khi đạt đạo, phải đạt được cái bình thường.
Những thi sĩ đi trước, những nhà nghiên cứu phê bình thi ca, viết rất nhiều sách từ thơ, cho thơ và về thơ, để lại đầy thư viện. Lời nào chép? Lời nào sáng tác? Chép lại là quảng bá và ca ngợi người đi trước, thuyết phục người đi theo, học hỏi, thông thường là bắt chước. Sáng tác là khám phá những gì chưa có, hoặc mới lạ hơn, hoặc giá trị hơn để người khác tìm hiểu hoặc thuyết phục chấp nhận một cách nhìn khác. Chép lại và sáng tác lẫn lộn nhau trong ý tưởng và trong tác phẩm. Kết hợp nhau thành ôn cố tri tân.
Thánh kinh chép lại đời sống và lời giảng dạy của Chúa Jesus. Kinh Phật cũng chép lại lời rao giảng, phổ độ chúng sinh của Phật. Kinh Koran cũng vậy. Tựu trung là không có sáng tác. Và không chắc gì chính xác. Ví dụ như, một đám người nhìn thấy một tai nạn xảy ra, hỏi lại mỗi người kể mỗi khác. Cho dù có Chúa Thánh Thần xuống ơn: trí nhớ tốt và lòng thành thật, người sau vẫn đọc ra những khác biệt giữa các câu chuyện kể lại của bốn phần thánh kinh. Đó cũng là lý do chuyện đời và giáo lý của Đức Phật khác nhau giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa. Những khác biệt này sẽ được lòng tin xóa bỏ. Niềm tin, có nguồn gốc từ sợ hãi, có mục đích về lợi ích, bản chất là tuân theo một giao kèo với nhiều hứa hẹn giữa người và người và do người chép lại đại diện ký tên.
Sáng tác khác với chép lại ở chỗ người viết phải chịu trách nhiệm với những khám phá, những lý luận, những quan niệm, ý tưởng, lý thuyết, thực hành … Nói chung chung là điều mình viết; chịu một mình với lòng tự trọng và danh dự của lương tâm. Ví dụ như tác phẩm Metaphysics of Morals đọc thấy ngổn ngang những Socrates, Platon, Aristotle và nhiều triết gia của chục thế kỷ nhưng vẫn là của Immanuel Kant. Không ai có thể lầm lẫn được.
Chép lại thành công ở chỗ chọn lọc và truyền bá cái đẹp cái hay cái đúng của người đi trước. Sáng tác thành công ở chỗ giới thiệu và thuyết phục cái đẹp cái hay cái đúng của người viết. Ai cũng có thể chép lại nhưng không phải ai cũng có thể sáng tác.
Người thưởng ngoạn đa số thưởng thức theo lối chép lại. Chọn cái hay, đẹp, đúng cất vào kiến thức của mình. Kho tàng này càng lớn, người thưởng ngoạn càng giàu có. Một thứ tài sản tinh thần nhưng không phải là máu huyết, hơi thở. Cũng như một người giàu có vật chất. Khi có nhiều tiền, họ thường có uy lực và dễ sinh lòng tự tin với quyền lực của đồng tiền. Quyền lực của đồng tiền không phải là quyền lực thật sự của một người vì chỉ cần hết tiền là hết. Kho tàng kiến thức không phải là quyền lực của tri thức, của văn hóa, của sáng tạo.
Người sáng tác nào sử dụng quyền lực "viện trợ" này với lòng tin là "tái tạo sáng tạo" sẽ có những tác phẩm mạ vàng. Kiến thức là dữ liệu để chứng minh và hỗ trợ tri thức. Kiến thức không thể là tác phẩm. Đó cũng là sự khác biệt sâu xa giữa đa số người thưởng ngoạn và người thật sự sáng tác. Người chép lại có trình độ dễ được giới thưởng ngoạn ngưỡng mộ và hoan hô. Người sáng tác muốn được như vậy phải chờ cho đến khi những điều họ khám phá được chấp nhận bởi số đông thưởng ngoạn.
Nếu một người viết không có bản lĩnh văn hóa, văn chương; không có quan niệm riêng; không có cá tính đậm; không có sáng tạo trưởng thành thì không thể có một phương pháp sáng tác đặc thù. Sự "chép lại" dễ dàng lấn lướt sự sáng tác.
Sáng tác là một khoa học của và về nghệ thuật. Nó bắt đầu từ khả năng sáng tạo và đi qua khoa trước tác. Gọi là phương pháp sáng tạo.

1. Phương Pháp Sáng Tạo
Ông Joseph Cornell đi lang thang khắp New York. Lượm về những đồ vật, những thứ người khác bỏ rác. Những thứ phế thải này cất đầy kho, đầy sân nhà của ông. Rồi một hôm, một lúc nào đó, ông chọn lựa "tình cờ" những đồ vật, sắp xếp vào một cái hộp, tạo thành một nghệ thuật từ phế thải. Những dữ liệu vô dụng, không giá trị bỗng trở thành một sản phẩm ý nghĩa và văn vẻ. Cái đẹp thành hình từ một phương pháp sáng tạo. Thấy rồi thì dễ. Nhưng trước đó chẳng có ai làm. Làm thật tử tế với nghệ thuật dàn dựng cái đẹp. Tên tuổi Joseph Cornell dính liền với New York, với Hoa Kỳ, với Pop Art và với lịch sử nghệ thuật. (Xem bài đọc thêm, bên dưới).
Tinh thần xây dựng nghệ thuật từ những cái xấu, thừa thải, bỏ rơi là điều đáng cho người nghệ sĩ suy gẫm. Xấu không hẳn là không đẹp. Thừa thải không hẳn là vô ích. Khi Thượng Đế nặn ra tượng người bằng đất bùn, đất ở đâu chẳng có, bùn ở đâu không hôi, cũng như bạn và tôi nặn chơi những tượng đất, chỉ khác là Thượng Đế thổi vào tượng đất một hơi, tượng đất bèn bật sống.
NY-hopnghethuat
Trứng là dữ liệu. Tinh là dữ liệu. Tình là phương pháp sáng tạo. Và cái trứng gà trở thành trứng gà lộn. Những quả trứng này sẽ có một ngày cởi bỏ lớp vỏ để ngây thơ quyến rủ một đàn gà con lông vàng. Sau tháng ngày bồi dưỡng, gà con trở thành gà thanh thiếu niên, trung niên…. không mấy khi đến được cao niên vì đã hưởng dương trong phần mộ bao tử. Hành trình từ trứng đến gà, có thể ẩn dụ được hành trình sáng tạo. Không phải gà nào cũng quanh quẩn sân nhà. Có những con gà sẽ tung tăng nơi rừng sâu, sẽ hóa thân bay nam về bắc như loài Trĩ. (trĩ thuộc loài chim, bộ gà).
Tiếc thay, có nhiều người thích ăn trứng lộn, tạo ra những người chuyên bán trứng lộn. Biết bao là con gà, con vịt đã không còn cơ hội đi ngược về xuôi. Không được bơi lội xuân thu mát mẻ. Biết bao là thơ lộn không có cơ hội đến với thi ca.
Nhiều người có khả năng sáng tạo nhưng chỉ có những nghệ sĩ thâm thúy mới có phương pháp sáng tạo. Có phương pháp sáng tạo đã khó mà sử dụng được đúng chỗ lại càng khó hơn. Do đó, bậc tôn sư hiếm hoi hơn người thường. Có nhiều người so tài đức và võ công hơn hẳn Trương Tam Phong. Nhưng Trương sư phụ được lịch sử võ học trân trọng vì ông sáng dựng ra phái Võ Đang, danh tiếng đến hôm nay.
Thi sĩ Federico García Lorca có một đời sống ngắn ngủi, 5 tháng Sáu 1898 đến 19 tháng Tám 1936, để lại một sự nghiệp văn thơ đồ sộ: Impresiones y paisajes (Impressions and Landscapes 1918); Libro de poemas (Book of Poems 1921); Poema del cante jondo (Poem of Deep Song; written in 1921 but not published until 1931); Suites (written between 1920 and 1923, published posthumously in 1983); Canciones (Songs written between 1921 and 1924, published in 1927); Romancero gitano (Gypsy Ballads 1928); Odes (written 1928); Poeta en Nueva York (written 1930 – published posthumously in 1940, first translation into English as The Poet in New York 1940); Llanto por Ignacio Sánchez Mejías (Lament for Ignacio Sánchez Mejías 1935); Seis poemas gallegos (Six Galician poems 1935); Sonetos del amor oscuro (Sonnets of Dark Love 1936, not published until 1983); Lament for the Death of a Bullfighter and Other Poems (1937); Primeras canciones (First Songs 1936); The Tamarit Divan (poems written 1931-4 and not published until after his death in a special edition of Revista Hispanica Moderna in 1940)….
Ông sinh ra và lớn lên trong thời kỳ nội chiến ở Tây Ban Nha. Không phải do chiến tranh, tinh thần dân tộc, lòng yêu văn chương đã tạo cho Lorca một chỗ đứng trong thi ca thế giới như nhiều lời bình luận khoa bảng, mà chính sự sâu thẳm của nội tâm, một tầm nhìn khác về thơ và khả năng sử dụng tinh xảo ngôn ngữ Spanish đã đưa thơ ông đến nơi độc vị.
The Return
I’m coming back for my wings.

O let me come back! I want to die where it’s dawn!

I want to die where it’s yesterday! 
I’m coming back 
for my wings

O let me come back

I want to die where it’s origin.
I want to die out of sight of the sea
(Bản dịch Christopher Maurer) 

Trở Về
Ta về tìm lại cánh bay

Cho tôi trở lại chốn này Chờ mong tử tuyệt nơi ngày tinh sương!

Chờ mong tắt thở giữa đường hôm qua!

Trở về tìm lại cánh ta

Cho tôi trở lại tìm ta

Cầu cho lấp huyệt mộ là nguồn cơn

Cho hơi thở nhập vĩnh trường xa lìa bờ bến đại dương
(Đọc thơ Lorca)

Mỗi thi sĩ lớn có mỗi phương pháp sáng tạo. Nó đến tự nhiên như khả năng của thiên tài hoặc đến bằng luyện tập như kết quả của nhân tài. Hoặc đến bằng bẩm sinh và trưởng thành bằng luyện tập. Không có một phương pháp đặc thù và thuần thục thì người làm thơ sẽ vay mượn phương pháp phổ thông hoặc phương pháp thông dụng đương thời. Đây là trường hợp thơ trước năm 1975 ở miền nam Việt Nam. Từ cách diễn đạt, thể thơ, yêu vận, cước vận, đề tài và nội dung đã ngập lụt sách báo và lập lại suốt vài thập niên. Kéo dài ra hải ngoại. Phương pháp sáng tạo trong thời điểm này đã không được chú trọng. Sự vay mượn, lập lại và đồng dạng được sử dụng tự nhiên vì chiến tranh và đời sống khó khăn đã làm cho người sáng tác không còn "sức lực" để suy tư về sáng tác. Đa số họ chỉ kịp thời giờ để sáng tác khi tâm sự nồng nàn, tâm tình khởi động. Dĩ nhiên, phải dành sự ngưỡng mộ cho những thi sĩ tài hoa như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Nguyễn Tất Nhiên, Tạ Ký ……..và nhiều vị nữa. Nhất thời không kể xuể.
Dùng chữ "Phương pháp sáng tạo" nghe ra cứng ngắt, qui luật, không phù hợp với thơ. Nhưng phương pháp là một cái khung rõ ràng và sáng tạo là bất định. Một phương trình toán học sẽ được viết xuống rõ ràng nhưng trong phương trình này những Biến số và Ẩn số thuộc về bất định hoặc bất khả xác định. Quy tắc về khí hậu, về thiên nhiên như một cái khung. Mưa và nắng như hai biến số. Chỉ có hai biến số thôi đủ để tạo ra muôn vàn thứ cần thiết cho đời sống. Những thứ đến từ nơi không thể giải thích thường thuộc về siêu hình hoặc nghệ thuật.
- Thưa Thầy, thầy cho gọi con.
- Con hãy giúp thầy gom hết các đồ vật ở đây, kể cả dùi mõ chiêng khánh, đem bán ngoài chợ trời, lấy tiền trả tiền nhà.
- Mô Phật. Bán hết rồi lấy gì tụng kinh kính Phật.
- Chúng ta là những người tị nạn. Thuê chỗ này làm tạm chốn thiền đường. Nếu không trả tiền tháng thì phải dọn đi. Không có nơi này, các đạo hữu sẽ phân tán và Phật pháp sẽ lơ là.
- Thưa Thầy, con đã bán hết mà vẫn chưa đủ tiền.
- Thiện tai, thiện tai. Chưa hết.
- Thưa Thầy, chỉ còn mỗi tượng Phật mà thôi.
- Sao chưa đem bán?
Tượng là khung. Phật là ẩn số. Có khung, dễ thấy Phật. Bỏ khung, Phật tại tâm.

(Còn 1 kỳ nữa) -thơ và tôi (phần 2) - 21.06.2012


laotu-trieubochi
Lão Tử kỵ ngưu 老子騎牛 (Lão Tử cưỡi trâu) 
Tranh của Triều Bổ Chi 晁補之 (Triều Vô Cữu 晁無咎), đời Bắc Tống (1053-1110) 
[Nguồn: Thiên Lý Bửu Tòa]


2. Để Lại
Sách xưa kể rằng, Ông Lão Tử không muốn nói năng gì, một mình cỡi trâu bỏ đi về hướng Tây. Ra đến cổng thành, trời đã chiều. Gặp người bạn cũ, người gác cổng tên là Doãn Hỉ, đã mời ông ở lại và thuyết phục Lão Tử viết cuốn sách Đạo Đức Kinh, trước khi Lão Tử lên đường biến mất vào sa mạc mênh mông. Cho đến nay, cuốn sách này vẫn là một bí mật với những lời lẽ đã ảnh hưởng sâu đậm hàng tỉ người và những triết thuyết, học thuyết của nhân loại.
Câu hỏi về "để lại" là:
- Vì sao ông lại cỡi trâu mà không cỡi ngựa? Nếu cỡi ngựa, ông đã đi nhanh và không cần phải nghỉ lại đêm, làm sao nghe Doãn Hỉ thuyết phục việc viết sách? Nếu đã dự định đi vào sa mạc, cỡi lạc đà hay ngựa mới phù hợp hành trình. Cỡi trâu, cỏ đâu ăn? nước đâu tắm?
- Với tài trí của ông, chắc chắc có nhiều người thông thái khác, nhiều người thành tâm khác xin ông viết đôi lời để lại. Vậy mà ông không viết gì. Bỏ đi. Sao lại nghe lời một anh lính gác cổng thành để viết Đạo Đức Kinh? Có kỳ tích gì ở đây?
- Truyền thuyết cho rằng Lão tử và Khổng Tử đã từng gặp nhau tranh luận. Khổng Tử trẻ, Lão Tử trung niên. Ngoại sách kể lại, sau khi gặp nhau, Khổng Tử nói rằng, hôm nay ta đã gặp một con rồng. Không thấy Lão Tử nói gì về Khổng Tử. Chỉ im lặng bỏ đi. Vì sao?
Lão Tử đi vào cõi Không như các thiền sư nhập vào vòng viên mãn. Nhưng "có lẽ" không đành lòng nên nhắn lại đôi lời: Lão Tử là Đạo Đức Kinh. Thiền sư là kệ và công án. Tại sao? "có lẽ" đã là người, phải "tử tế" với nhau.
Luận sao đi nữa, chuyện Lão Tử chỉ là cái cớ, cái chuyển. Trong ruột cuốn sách Đạo Đức Kinh cũng có nhiều chương viết, đoạn viết bị các học giả nghi ngờ không phải do Lão Tử viết mà do người đời sau thèo lẻo. Nhưng có một điều khó chối cãi đó là nhan đề của cuốn sách.
Đạo Đức Kinh, chính là điều mà Lão Tử muốn để lại.
Lão Tử, Trang Tử, thiền sư để lại vì tử tế.
Khổng Tử để lại vì dạy dỗ.
Platon để lại vì thuyết phục.
Hàn Phi Tử và Niccolo Macchiavelli để lại vì lập thuyết.
……..
……..
…….
Các bậc kỳ tài này không ai để lại vì danh tiếng. Đời sau có kẻ cho rằng: Đã mang tiếng đứng trong trời đất, phải có danh gì với núi sông. Hoặc là Lưu thủ đang tâm chiếu hãn thanh. Hoặc là Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Vậy thì quan niệm cái để lại có trước hay quan niệm danh tiếng từ cái để lại có trước?
Hiểu điều này thì thấy cỡi trâu là đúng. Con ngựa, con lạc đà rồi cũng chết trong sa mạc nếu không biết sẽ đi đâu và đến nơi ốc đảo nào.
Hiểu điều này thì thấy Lão Tử để lại đạo sống, Khổng Tử để lại phương pháp sống "bình thường". Trang Tử để lại sống "không thường". Họ đều phát xuất từ một chỗ. Chẳng qua là nhất sinh nhị nhị sinh tam mà thôi. Hôm nay, ta đã thấy một con rồng. Con rồng chỉ là một quan niệm. Không có con rồng thật. Khổng Tử ngưỡng mộ Lão Tử nhưng chắc không đồng ý về phương pháp xử thế.
- Ba à, bây giờ con đã hiểu vì sao Phật và Chúa đều không viết sách. Cả hai vĩ nhân này đều không muốn sáng tác, cũng không muốn chép lại. Nếu sáng tác ra điều mới lạ hoặc giá trị hơn sẽ không thể là Đạo. Vì không có gì hơn Đạo. Đạo là tuyệt đối. Nếu chép lại thì không hợp với vai trò lãnh đạo vì mai sau có chỗ sai lầm hoặc không hợp lý, sẽ phải nói sao đây.
Nếu ngoài trái đất, khoa học tìm thấy sự sống hoặc một loại người khác, giải thích làm sao? Nếu con người "clone" được con người như con người, tạo hóa nói lời gì?
Các môn đồ, đệ tử lại càng không thể sáng tác vì trên đã có Đạo, có Thầy. Chép lại là đúng đắn. Nếu có sai lầm cũng là thường. Nhân vô thập toàn.
Nếu có người hỏi rằng, Thượng Đế sinh ra mọi loài mọi vật, vậy thì ai sinh ra Thượng Đế? Nhân vật đầu tiên trong cõi Phật là ai? Ai đã sinh ra ai đây? Câu trả lời rơi vào nơi Bất Khả Tư Nghị. "Sáng tác" không thể trả lời câu hỏi này nhưng "Chép lại" có thể.
Đa phần của nhiệm vụ chép lại là truyền tin càng chính xác càng giá trị. Sẽ không có sự chính xác toàn tích trong việc kể lại do đó lòng tin vào người đi trước là quan trọng. Người đi sau lại càng cần tin vào người chép lại.
Thử đặt một giải thuyết, nếu họ chỉ cần sai một ly, vài ngàn năm sau sai bao nhiêu dặm?
Hễ có viết là có sai lầm. Đã sáng tác phải chấp nhận sẽ có sự xấu sự sai sự dở.
Hiểu rõ điều này thì biết trong cái để lại có cả đúng lẫn sai, gạo lẫn sạn, nhưng cái điều muốn để lại mới đáng quan tâm. Lão Tử muốn để lại Đạo Đức Kinh, không phải là sách Đạo Đức Kinh. Đây là một biến dụ. Ví dụ thuộc về cụ thể. Ẩn dụ thuộc về siêu hình. Biến dụ thuộc về Dịch.
Đã là Dịch thì phải hợp với hôm nay, hợp với phong thái, thời trang của sự sống đang biến chuyển.
Một đạo sĩ sang sông. Đến bờ cô lái đò nói:
- Xin ông trả tiền gấp đôi.
- Tại sao?
- Vì ông nhìn tôi.
- Đúng. Được.
Hôm sau, đạo sĩ qua đò về lại. Lên đò ông ngồi nhắm mắt. Đến bến:
- Xin ông trả tiền gấp ba.
- Tại sao? Tôi đã nhắm mắt rồi mà.
- Tuy ông nhắm mắt nhưng lòng ông nghĩ đến tôi.
- Đúng. Được.
Lần sau qua đò. Đạo sĩ nhìn cô lái chòng chọc. Miệng mỉm cười.
- Xin ông khỏi trả tiền.
- Tại sao?
- Tuy ông nhìn tôi mà lòng nghĩ đến chuyện tốn tiền nên không phải trả.
Hơn mươi năm sau, một chàng trung niên, chững chạc bảnh bao qua đò. Cô lái nay đã có thằng con nhỏ chèo giúp. Đến bờ bên kia:
- Chào ông đạo sĩ. Tôi đã nhận ra ông từ lúc lên đò. Xin ông trả cho mười lần hơn.
- Tại sao?
- Giá bình thường cho Việt kiều.
- Được. Tôi tặng cô thêm cuốn sách này.
- Ồ. Thơ hả. Cảm ơn ông.
Con ơi, cất cuốn sách này. Mai mang ra chợ cho bà ngoại. Bà ngoại đang cần giấy để gói cá.
(Phóng tác lại theo chuyện trên net. Không biết của ai)

3. Tôi và Thơ Tôi
Suy gẫm về thơ là những năm tháng dài đi đôi với làm thơ. Như hai con đường không song song nhưng chạy về một hướng. Bài thơ là những con đường nhỏ cắt qua hai đường này cho người du hành băng qua băng lại.
Càng suy gẫm nhiều về thơ, càng khó làm thơ. Càng làm thơ, càng muốn suy gẫm. Do đó, bài thơ không quan tâm trụ cốt về hay hoặc dở mà là kết quả của thử nghiệm. Con gà có trước hay cái trứng có trước? Không quan trọng. Đã bây giờ, tất có gà có trứng. Hôm nay: Bao lâu trứng nở ra gà? Bao lâu gà đẻ ra trứng? mới cần biết. Trứng lớn ngon hơn hay trứng nhỏ ngon hơn? Trứng lớn bán có lời nhưng trứng nhỏ ăn thì thơm. Gà sản xuất hàng loạt, gà quí phi, gà đi bộ, gà chạy "treadmill"… gà nào cần quan tâm. Sao không thử nghiệm gà thái giám? gà nhảy dây?
Biết bao nhiêu người thử nghiệm cái này cái kia điều này điều nọ rồi âm thầm tan vào thời gian. Lâu lâu mới có vài người, ví dụ như Thomas Edison phát minh ra bóng đèn. Ánh sáng đến với nhân loại từ đó. Nhưng trước ông nếu không có ông Alexandro Volta phát minh ra điện Pin, nếu không có ông Thiên Lôi đánh sét, làm sao ông Thomas Edison có thể tìm thấy bóng đèn? Nếu không có bà cụ than phiền vì đi bộ quá xa để xem ông khai mạc vòm đèn sáng ở NewYork thì ông Edison không phát minh ra chiếc tàu điện đầu tiên. Và ông làm sao biết được, cũng tại New York, ngày 22 thàng 4 năm 2012, người ta đã bật sáng một loại bóng đèn mới có khả năng sáng liên tục 30 năm không bị hư hao, tốn ít điện năng.
Thuở nhỏ nít, tôi thích chơi trò tưởng tượng và suy gẫm về những điều đã tưởng tượng. Lớn lên tôi thích chơi cờ Tướng, Cờ Vây đen trắng. Thích học binh pháp, sách lược. Thích nghiên cứu tạp lục và vẫn tiếp tục thú vị với những tưởng tượng càng ngày càng xa khơi đời sống. Tôi tìm đến thơ như một trò chơi trí tuệ và trò chơi trong thế giới vô hạn của tâm tình. Tôi vui với trò chơi. Còn kết quả: Hãy để cái trứng lộn mở ra con gì?
Con gì thì không quan trọng bằng quan niệm về con gì. Quan niệm về con gì thì không hẳn đã có được con vật giống con gì. Nhưng không thể biết được con gì giống con gì nếu không có quan niệm gì về con gì. Con gì tất nhiên phải giống một con gì. Nếu chưa thấy con gì thì làm sao có được quan niệm về con gì? Vậy thì Con Gì nên có trước hay Quan Niệm Con Gì nên có trước?
Đêm cuối cùng mùa nghỉ hè, mai tôi sẽ rời Qui Nhơn đi Sài Gòn tiếp học năm thứ Hai. Cha con tôi lại nói chuyện đời, lại gà lộn với bia lạnh.
- Con có dự định làm gì, thực tập ở đâu sau khi ra trường không?
- Con chưa nghĩ tới.
- Nếu con muốn, ba sẽ hỏi bác Huyền (chủ tịch thượng viện lúc đó) cho con thực tập với bác. Hoặc là con có thể ứng cử đơn vị Hội Đồng Tỉnh ở đây.
- Để con suy nghĩ đã.
Tôi không bao giờ có câu trả lời vì năm ra khỏi trường Luật là năm lưu quốc, 1975. Ba tôi là một nhà chính trị thất bại. Ông quá yêu quốc gia, yêu Chúa và tin tưởng sự lương thiện sẽ đưa đến kết quả đúng đắn. Ông ở tù qua nhiều chế độ. Tổng cộng những năm tù cũng đã nửa đời người. "Có lẽ" giấc mơ của ông đã muốn trao lại cho tôi. Và tôi rất sợ hãi chính trị. Và tôi rất không tin tưởng vào kết quả của bất cứ những ai đại diện cho Thượng Đế.
Mỗi lần nghĩ đến ba tôi. Tôi không muốn làm thơ vì thơ đã làm cho tôi xa ông. Thi sĩ "có lẽ" là sự thất bại của tôi. 
 
Ngu Yên Viết xong Nháp và Nốt ngày 30 tháng 4 năm 2012



@  - Tạp chí Da Màu -Thơ và Tôi

Tổng số lượt xem trang