Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Chúng ta đã biết đến nhiều hình thái của chủ nghĩa cộng sản, từ ước mơ đến hiện thực. Tác phẩm Bia mộ của Dương Kế Thằng kể về một chủ nghĩa cộng sản ăn thịt người, trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mức độ tàn khốc của nó có thể so sánh với chủ nghĩa cộng sản diệt chủng của Khmer Đỏ. Quy mô của nó lớn hơn tất cả những điều mà nhân loại từng biết về tội ác với con người. Tội ác, nhân danh một tiến bộ xã hội.
Đọc cuốn sách 800 trang về 4 năm thảm khốc ở Trung Quốc này (bản dịch tiếng Đức ra mắt cuối tháng Sáu vừa rồi), điều ám ảnh nhất với tôi là gặp Việt Nam trên từng trang sách. Chúng ta có thể nói rằng mình chỉ là cái bóng nhạt nhòa của Trung Quốc, bên đó xương người chất cao ngàn thước thì bên mình cùng lắm chục thước. Song đó không phải là may mắn mà chúng ta xứng đáng được hưởng. Tất cả những tương đồng giữa hai hệ thống, Trung Quốc và Việt Nam, chậm nhất từ đầu những năm 50 thế kỉ trước cho đến tận bây giờ, vẫn còn nguyên đó, thậm chí đã đan quyện vào ngôn ngữ, trở thành tài sản tinh thần của ít nhất ba thế hệ người Việt đang tồn tại và sẽ là di sản tinh thần cho nhiều thế hệ tiếp nối.
“Hệ thống giống như một cái khuôn đúc; kim loại dù có rắn đến mức nào, nhưng một khi đã bị đun chảy và đổ vào khuôn thì sẽ có hình dạng giống như nhau cả.” Tác giả Dương Kế Thằng có gần hết một đời người gắn chặt với hệ thống để nhận định như vậy, nhưng hành trình dựng bia mộ này của ông cũng cho thấy một kim loại bị đun chảy lại có thể vượt khuôn để trở về với tự nhiên của mình như thế nào. Tác phẩm của ông vì vậy cũng là một tư liệu của hi vọng.
Ở Việt Nam, các nạn nhân của Cải cách Ruộng đất, của Huế Tết Mậu Thân… đang chờ những bia mộ như thế.
Phạm Thị Hoài
______________
Dương Kế Thằng (楊繼繩 /杨继绳) bắt đầu làm việc cho Tân Hoa Xã từ 1968, chuyên viết về các vấn đề kinh tế và xã hội, cho tới khi ông về hưu năm 2001. Năm 1984 ông được tặng danh hiệu Nhà báo Ưu tú. Từ năm 2000 ông là Phó Tổng Biên tập tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu (Yanhuang Chunqiu – 炎黄春秋), đồng thời tham gia Ban Biên tập báo Tham khảo Kinh tế (經濟參考報), trong khi tiếp tục viết bình luận. Tác giả còn được mời tham gia “Đề án nghiên cứu các phương tiện truyền thông Trung Quốc” (中國傳媒研究計劃) của Viện Đại học Hương Cảng năm 2007.
Lời giới thiệu ngắn gọn cho bản dịch tiếng Anh của “Lời nói đầu” này do Edward Friedman (GS Khoa học Chính trị, Viện Đại học Wisconsin, Madison), Quách Kiện* (GS Anh ngữ, VĐH Wisconsin, Whitewater), Stacy Mosher (nhà biên tập và dịch giả độc lập), Bùi Mẫn Hân (裴敏欣- GS Chính trị, Đại học Claremont McKenna và Giám đốc Trung tâm Keck về nghiên cứu chiến lược và quốc tế), viết. Stacy Mosher và Quách Kiện* là người dịch “Lời nói đầu” này sang tiếng Anh.
Lời giới thiệu của bản tiếng Anh
Dưới đây là “Lời nói đầu” của tác phẩm Bia mộ (Mubei – 墓碑). Bộ sách hai tập dầy này của Dương Kế Thằng là công trình nghiên cứu điều tra nhiều năm về nạn đói khủng khiếp ở Trung Quốc. Tai họa này đã làm chết khoảng 36 triệu người [theo Frank Dikötter, Mao's Great Famine: The History of China's Most Devastating Catastrophe, 1958-62. Walker & Company, 2010, thì số người chết là 45 triệu] từ cuối thập niên 1950 đến đầu những năm 1960. Cuốn sách được xuất bản ở Hương Cảng năm 2008 [chỉ tính đến 2010, cuốn sách đã được tái bản thêm sáu lần nữa] và ngay lập tức bị cấm lưu hành tại đại lục. Con số nạn nhân là chưa từng có và tới giờ cũng vẫn là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc và thế giới. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng che giấu thực tiễn ghê rợn này bằng cách giữ kín những thông tin chủ yếu, quy vào loại tối mật và đổ lỗi cho những lí do khác, như đã thể hiện trong việc dùng uyển ngữ “Nạn đói lớn ba năm”, “Ba năm thiên tai” (Tam niên đại cơ hoang – 三年大饑荒 hoặc Tam niên tự nhiên tai hại – 三年自然災害) để chỉ giai đoạn này. Dương Kế Thằng là nhà kinh tế, nhà báo và biên tập viên của Tân Hoa Xã. Ông đã dành hơn hai chục năm để thu thập dữ kiện từ các kho lưu trữ quốc gia lẫn địa phương và phỏng vấn những người sống sót, nhân chứng và các quan chức. Kết quả là một bản báo cáo đầy đủ, có sức thuyết phục mạnh mẽ về tính vô nhân đạo đến cùng cực [của Mao và tập thể lãnh đạo Trung Quốc] và lòng dũng cảm phi thường [của tác giả]. Tác phẩm có thể sánh ngang với những nghiên cứu của Aleksandr Solzhenitsyn về Gulag Xô-viết [hệ thống ngục tù của Liên Xô] và của Robert Conquest về lịch sử nạn đói ở Liên Xô do chính sách tập thể hóa của Stalin. Bia mộ bao trùm cả nhiều địa phương khác biệt lẫn trung tâm quyền lực ở Bắc Kinh, nhằm giải thích động lực của thảm họa do những chính sách và việc áp dụng chúng vào thực tiễn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của Mao, gây ra. Trong số những chính sách này thì nguyên do chính là sự độc quyền của nhà nước trong việc mua bán ngũ cốc, quyền lực của các quan chức trong việc cướp đoạt thóc gạo từ nhà dân, những nhà ăn tập thể cưỡng bức đã “áp đặt chuyên chính vô sản lên cái dạ dày của mỗi cá nhân”, và việc tập thể hóa toàn diện, triệt để, đã làm cho nông dân không còn phương tiện nào để tự cứu mình nữa.
Mặc dù nhận được báo cáo về nạn đói lan rộng và nạn ăn thịt người, Mao vẫn khăng khăng cố bám vào những thành tích giả tạo do các địa phương báo cáo lên, và đả kích những người đã dám nói ra sự thật [cụ thể là vụ Hội nghị Lư Sơn, thanh trừng Bành Đức Hoài (Nguyên soái, Bộ trưởng Quốc phòng), Hoàng Khắc Thành (Tổng Tham mưu trưởng), Châu Tiểu Châu (Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam)…], chụp mũ cho họ là phản cách mạng, do đó nạn đói lại càng trầm trọng và kéo dài thêm hai năm nữa. Trên cơ sở đó, Dương đã quy trách nhiệm tối hậu về cái chết của ba mươi sáu triệu dân cho hệ thống chính trị Trung Quốc. Bia mộ là một tác phẩm vĩ đại mà tác giả dự định làm đài tưởng niệm cho người cha của mình (cái chết vì đói của ông đã được miêu tả với những tình tiết đau lòng dưới đây) và cho tất cả ba mươi sáu triệu nạn nhân vô tội. Bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân mình, Dương Kế Thằng đã cố gắng chấm dứt “chứng quên lãng do những người cầm quyền cố ý gây ra”. Trong quá trình đó ông đã rọi sáng vào việc “Đường lên thiên đàng”, mà một hệ thống chính trị đưa ra cho nhân dân Trung Quốc, đã biến thành “Đường tới diệt vong” như thế nào. Một việc làm trước đây chưa từng có. Dương Kế Thằng đã cô đọng và cập nhật bản thảo tiếng Trung để chuẩn bị cho việc xuất bản bằng các thứ tiếng khác. “Lời nói đầu” dưới đây là một phần của bản dịch tiếng Anh hiện đang được thực hiện.
Lời nói đầu của tác phẩm Bia mộ
Thoạt vi thủy, tôi dự định đặt tên cho cuốn sách này là Đường lên thiên đàng, nhưng cuối cùng lại đổi thành Bia mộ. Bốn dự tính đã góp phần hình thành cái tên sách này: thứ nhất, dựng tấm bia mộ cho cha tôi, người đã chết vì nạn đói năm 1959; thứ hai, dựng tấm bia mộ cho ba mươi sáu triệu dân Trung Quốc đã chết trong thảm họa này; thứ ba, dựng tấm bia cho chính cái hệ thống đã gây ra nạn đói thảm khốc đó; thứ tư, dự tính cuối cùng đã nảy ra trong đầu tôi, khi tôi mới viết được nửa cuốn sách, bệnh viện Tuyên Vũ – Bắc Kinh (北京宣武醫院) đã gửi cho tôi kết quả thử AFP trong máu,[i] thấy dương tính, tôi phải đẩy nhanh những cố gắng của mình, quyết tâm hoàn thành cuốn sách để nhờ đó cũng dựng tấm bia mộ cho mình luôn. May thay, lần thử nghiệm sau kết quả lại đảo ngược, nhưng công việc này tiềm ẩn một nguy hiểm chính trị rất lớn, và nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra, thì cũng có thể coi đó là một sự hi sinh cho nguyên tắc, và cuốn sách, do đó, một lần nữa có thể là tấm bia mộ cho chính tôi. Dẫu sao, những dự định chính của tôi vẫn là ba cái đầu.
Một tấm bia mộ chính là kí ức được ghi lại cụ thể. Kí ức của con người là cái thang để một đất nước và một dân tộc đi lên; nó chính là tấm biển chỉ đường trong cuộc hành trình của nhân loại. Chúng ta cần ghi nhớ không chỉ những việc tốt, mà cả xấu nữa; không chỉ những điểm sáng mà cả những vết đen. Các chính quyền trong một hệ thống toàn trị cố gắng giấu giếm những lỗi lầm và xiển dương công trạng của họ, che đậy những sai lầm và cưỡng bức tẩy xóa tất cả những kí ức về nhân họa, về những hành động đen tối và điều ác họ đã làm. Do đó, người Trung Quốc thường dễ mắc chứng lãng quên lịch sử, chứng bệnh do nhà cầm quyền bắt họ phải gánh mang. Tôi dựng tấm bia mộ này để nhân dân sẽ ghi nhớ và từ nay trở đi sẽ lên án những nhân họa, hành động đen tối và điều ác.
I.
Một ngày cuối tháng Tư 1959, sau giờ học tôi đang chuẩn bị cho tờ báo tường Ngày Thanh niên Ngũ Tứ của Đoàn (Thanh niên Cộng sản) trường. Người bạn từ thuở để chỏm của tôi, Trương Chí Bách (張志柏) (có biệt hiệu là Xa Tử – 車子), từ thôn Loan Lý (灣里) nhà tôi chạy đến Trường Trung học số 1 huyện Hy Thủy (浠水) và khẩn cấp báo cho tôi, ‘bố cậu đang đói sắp chết! Về ngay đi và mang theo ít gạo nếu cậu có’. Cậu ta còn bảo tôi, ‘bố cậu thậm chí cũng không còn đủ sức để tước vỏ cây mà ăn nữa – bác ấy đói đến mức không thể tự cứu mình nữa. Bố cậu đang trên đường đi đến Giang Gia Yển (江家堰) để mua muối về pha nước muối, giữa đường bác ấy ngất xỉu, và may có mấy người cũng ở Loan Lý đã cáng bác ấy về.’
Ngay lập tức tôi bỏ hết mọi việc đang làm, chạy lên xin phép Triệu Thuần Liệt (趙純烈), vừa là Bí thư Đoàn trường, vừa là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi. Tôi xuống nhà ăn của trường, lĩnh khẩu phần lương thực cho ba ngày, được một cân rưỡi gạo[ii] và chạy vội về nhà. Khi về đến Loan Lý, tôi thấy mọi vật đều thay đổi hẳn: cây du trước cửa nhà (ở Loan Lý người ta gọi là ‘cây dầu’) chỉ còn cái thân trơ trụi, thậm chí rễ của nó cũng bị đào lên và tước vỏ, chỉ còn lại những hố nham nhở trên mặt đất. Cái ao đã cạn khô; mấy người hàng xóm bảo rằng ao đã bị tát hết nước để bắt hến. Hến ở đây rất tanh, trước kia chẳng ai ăn. Cũng không nghe thấy cả tiếng chó sủa, không thấy gà chạy quanh như mọi khi; thậm chí cả lũ trẻ con thường chạy qua chạy lại trên đường làng cũng ở tịt trong nhà. Loan Lý là một thị trấn ma.
Khi bước vào nhà, tôi thấy ngay sự thiếu thốn đến cùng cực: không một hạt thóc, không một thứ gì có thể ăn được, và thậm chí không có cả một giọt nước trong chum. Không thể nhấc chân nhấc tay được vì đói, làm sao cha tôi còn có thể gánh nước được!
Cha tôi ngồi nghiêng trên giường, hai mắt trũng sâu và vô hồn, trên khuôn mặt ông da dính tận xương, nhăn nheo và xệ xuống. Ông cố chìa tay ra cho tôi nhưng không nhấc lên nổi mà chỉ xê dịch được chút ít. Bàn tay này làm tôi nhớ lại bộ xương người trong giờ giải phẫu học ở lớp tôi; mặc dù nó còn được che phủ dưới làn da khô héo, nhưng những chỗ xương lồi lõm thì không còn gì che đậy. Nhìn bàn tay ấy, tôi sửng sốt và đau lòng vô hạn: thành ngữ “da bọc xương” thường để nói tới một điều gì đó ghê rợn và tàn ác. Môi động đậy, ông cố nói với tôi một điều gì đó, nhưng giọng ông cứ nhỏ dần trong khi tôi kịp nghe ra, ông bảo tôi đi đi, đi ngay về trường đi.
Làm sao mà cha tôi lại ra đến nông nỗi này kia chứ? Hai tháng trước ông còn lành lặn (thực ra thì chân ông đã bị phù, nhưng tôi không biết đấy là do thiếu ăn). Ông được phân công chăn con trâu của tổ sản xuất. Dưới bàn tay chăm sóc kĩ lưỡng của cha tôi, chú trâu là một con vật sạch sẽ, to khỏe và đáng yêu. Mặc dầu chú không biết nói nhưng đôi mắt của nó biết biểu cảm, khi thân mật, lúc lo lắng, khi là ước ao, lúc tức giận. Nó có thể trò chuyện với cha tôi qua đôi mắt ấy, và thậm chí đến tôi cũng hiểu được ít nhiều. Khi nào tôi ở trường về nhà, tôi thường cưỡi trâu chạy lên đồi. Hai tháng trước, cha tôi nhờ người qua trường nhắn tôi về. Tổ sản xuất đã đem con trâu đi giết vụng và chia cho gia đình tôi nửa cân thịt. Biết rằng cuộc sống của tôi ở trường cũng khó khăn lắm, cha gọi tôi về nhà để được ăn ít thịt trâu. Vừa bước vào nhà, tôi ngửi ngay thấy mùi thơm quyến rũ. Cha tôi không ăn một miếng thịt nào. Ông bảo ông đã quá gần gũi với con trâu, rằng ông có một sự liên thông nào đó với chú trâu nên ông không thể ăn thịt nó được. Thực ra, ông chỉ kiếm cớ để cho tôi được ăn cả. Tôi ăn ngấu nghiến như con sói đói trong khi ông nhìn tôi với ánh mắt dịu hiền. Giờ đây tôi ân hận rằng lúc đó tôi không hiểu; nếu ông ăn một ít thịt trâu thì sức khỏe của ông có lẽ không đến nỗi tuyệt vọng đến thế.
Tôi bóp tay cho cha một lúc, rồi vội vàng đi lấy đôi thùng gánh đầy chum nước. Sau đó tôi vớ cái cuốc và đi đào mầm lạc nơi chúng tôi đã trồng năm ngoái. (Lạc trồng năm trước, đến mùa xuân thì nảy mầm, nhưng mầm lạc thì dai ngoách và khó nuốt hơn mầm đậu rất nhiều. Người ta bảo nó có chứa chất độc và không ăn được, nhưng cho dù có thế thì nó cũng đã bị người ta đào gần hết.) Tôi đào và đào thêm nữa, nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy ân hận và có lỗi. Tại sao mình không về sớm hơn và đi hái một ít rau dại? Tại sao tôi không về sớm hơn với ít gạo?
Nhưng mọi chuyện tôi tự trách mình thảy đều vô ích. Tôi nấu ít cháo bằng gạo mang từ trường về và bưng lại giường cho cha, nhưng ông không thể nuốt nổi nữa rồi. Ba ngày sau ông từ bỏ thế giới này.
Cha tôi tên là Dương Tu Thân (楊修身); ông cũng còn có tự là Dục Phủ (毓甫) và Hồng Nguyên (洪源). Ông sinh ngày mồng Sáu tháng Sáu theo lịch âm, năm 1889. Ông là bác ruột và cũng là cha nuôi của tôi, từ khi tôi mới được ba tháng tuổi. Ông và mẹ nuôi tôi đã chăm sóc tôi còn chu đáo hơn cả nếu như tôi là con đẻ của họ, và tình yêu thương đặc biệt này cả làng tôi đều biết. Sau này tôi còn được bà con trong làng cho hay, ngay cả những lúc mưa gió đầy trời cha đã bế tôi đi xin sữa khắp làng, do đó tôi có những bà vú rải rác khắp nơi. Một lần tôi bị ốm và ngất xỉu, cha tôi đã quỳ và cầu nguyện không nghỉ trước bàn thờ tổ tiên cho đến khi tôi hồi tỉnh. Có lần tôi có cái nhọt trên đầu, mẹ tôi đã dùng miệng hút mủ ra cho tôi, cho tới khi lành. Họ còn lo xa về đường học hành của tôi hơn bất cứ người nông dân nào khác, và mặc dầu cực nghèo, họ đã dùng hết mọi phương tiện mà họ có để đảm bảo rằng tôi được đi đến trường. Bố mẹ cũng hết sức nghiêm ngặt với tôi về mặt hạnh kiểm.
Nhờ dân làng giúp đỡ, tôi vội vàng chôn cất bố. Mặc dù cha tôi đã mồ yên mả đẹp, hình ảnh của ông vẫn cứ hiện ra trong đầu tôi. Khi ông còn sống tôi rất ít khi để ý đến ông, nhưng bây giờ khi ông đã mất, nhiều việc trong quá khứ lại tái hiện trong óc tôi.
Năm 1950, chính quyền làng tôi, Ma Nguyên hương (麻元鄉), thường tổ chức đấu tố địa chủ và cường hào địa phương ngoài trời. Một lần cha cho tôi đi xem một cuộc đấu tố lớn mở bên Tảo Thứ Lĩnh (棗刺嶺) (Tảo Thứ Lĩnh và Loan Lý là hai thôn của Ma Nguyên hương). Một cái nền tạm được đắp lên dưới chân đồi, còn trên đồi thì đông nghịt dân làng. Tiếng hô khẩu hiệu vang rền như sấm, và dân quân có vũ trang khoe khoang lòng can đảm của họ. Những người đưa ra đấu tố hôm nay bị trói, đứng trên cái nền đất đó, và khi mọi người đã trút hết bất bình lên đầu họ xong thì những người khác chạy xô lên đấm đá họ. Dân làng đánh đập cho đến khi họ nằm bất động, rồi mang họ ra sườn đồi và xử bắn. Trong buổi đấu tố ngày hôm đó, mười bốn người bị hành quyết. Tôi để ý thấy cha tôi không nói gì từ đầu đến cuối. Sau khi chúng tôi đã về nhà, mấy đứa trẻ trong làng và cả tôi nữa chơi trò “đấu địa chủ”. Thật ngạc nhiên, cha lôi tôi về nhà và quất cho một trận. Tôi không hiểu làm sao tôi lại bị đánh. Sau này ông nói với tôi rằng không phải tất cả những người bị bắn là người xấu, và cũng không phải tất cả những người đánh đập họ đều có cớ để căm thù. Không bao giờ ông còn cho tôi đi xem đấu tố nữa.
Khi mẹ (nuôi) tôi mất năm 1951, cha và tôi lại càng gần nhau hơn. Sau khi mẹ mất, tôi bỏ học một thời gian. Cha cũng không bắt tôi ra đồng làm việc, mà dọn sạch cái bàn độc nhất trong nhà và bắt tôi ngồi học dưới sự giám sát nghiêm ngặt của ông. Một lần, dẫu sao, khi đi đóng thuế nông nghiệp, ông đã cho tôi đi cùng; tôi vác hai bao thóc nhỏ. Ông bảo trước kia ông không có đất, giờ được chia một thửa ruộng, và việc đóng thuế là một sự kiện quan trọng mà ông muốn chính tôi cũng phải được tham gia. Được nửa đường thì tôi mệt quá, không vác được nữa. Ông nhấc bổng cả tôi và hai bao thóc lên, rồi gánh tới tận trung tâm thu thuế. Thời cải cách gia đình tôi được chia ba mẫu đất, thu hoạch được hai mươi bốn thùng thóc[iii] (khoảng 600 kg). Lúc ấy ông hết sức sung sướng vì được chia ruộng, và tôi còn bé tẹo, cũng chia sẻ niềm vui với ông. Tuy nhiên, chỉ hai hoặc ba năm sau, ruộng lại bị lấy lại để tập thể hóa.
Năm 1954, tôi thi đỗ vào trường cấp II (trung học cơ sở) Hy Thủy. Chỉ riêng tôi là học sinh ngoại trú vì gia đình tôi không có tiền cho con trọ học trên huyện. Từ nhà tôi đến trường khoảng mười cây số. Để rút ngắn đường đi học cho tôi, cha đã tìm được một ngôi nhà cũ ở Ma Kiều (麻橋), cách huyện lị năm km và mở một quán trà ở đó. Năm cây số đường ấy chính là con đường cái quan, đã giúp tôi đến trường dễ dàng hơn rất nhiều. Hàng ngày trước khi mặt trời mọc, cha đã gọi tôi dậy để kịp đến trường trước lúc 7 giờ vào lớp. Một lần có cơn giông, nó làm sập đầu hồi của ngôi nhà ọp ẹp ấy, suýt nghiến nát cha tôi. Cuối cùng thì trường cũng cho tôi học bổng, đủ để trọ học trên huyện, và cha tôi đã có thể chấm dứt giai đoạn vất vả này.
Tôi hết sức đau buồn trước cái chết của cha tôi, nhưng không bao giờ lại nghĩ đến chuyện đổ lỗi cho chính quyền. Tôi không thấy chính quyền hoặc phong trào “Ba ngọn cờ hồng”[iv] có liên quan gì đến việc này. Tôi cũng không hề nghi ngờ chút nào những tuyên truyền của Đảng về thành tựu của Đại Nhảy vọt hoặc lợi ích của Công xã Nhân dân. Tôi cũng chẳng có ý tưởng gì về những chuyện xa hơn thế nữa. Tôi tin rằng chuyện xảy ra ở làng tôi chỉ là hiện tượng đơn lẻ, và cái chết của cha tôi chỉ đơn thuần là thảm kịch gia đình. So với việc xã hội cộng sản vĩ đại đang đến, nỗi bất hạnh của gia đình tôi thật nhỏ bé làm sao? Đảng đã dạy tôi, khi gặp khó khăn, phải biết hi sinh bản thân cho những mục tiêu cao cả, và tôi hoàn toàn vâng lời. Tôi vẫn khư khư cái lối suy nghĩ này cho tới tận thời Cách mạng Văn hóa.
Vào lúc đó, tôi không có chút hoài nghi nào và chỉ biết chấp nhận hoàn toàn những gì Đảng Cộng sản và Đoàn Thanh niên Cộng sản đã truyền cho tôi. Tôi luôn luôn học giỏi, được điểm cao nhất trong số học sinh của huyện thi vào trường cấp II. Tôi luôn là cán bộ trong trường và lớp, suốt từ tiểu học cho đến khi vào đại học; vào Đội Thiếu niên từ cấp I (tiểu học) vào Đoàn từ cấp II. Trong “Phong trào chống hữu khuynh” (反右派運動 – Phản hữu phái vận động) năm 1957, tôi tin tưởng vào lời tuyên bố của Đảng, những người hữu khuynh là phần tử xấu. Tôi cũng là học sinh tham gia tích cực trong phong trào Đại Nhảy vọt (大躍進 – Đại dược tiến) năm 1958. Có một bài thơ tôi viết ca ngợi Đại Nhảy vọt đã được chọn gửi đi Trung tâm Triển lãm Giáo dục khu Hoàng Cương (黃岡). Khi đó tôi là ủy viên phụ trách tuyên truyền trong Ban Chấp hành Đoàn trường và là biên tập viên trưởng của tờ báo trường in rô-nê-ô Người Thanh niên Cộng sản. Ban ngày tôi tham gia lao động sản xuất, ban đêm tôi sửa bài. Đầu năm 1959, tôi viết bài xã luận “Mừng năm mới” cho tờ báo, trong đó tôi đã hết lời ca ngợi Đại Nhảy vọt. Dịp liên hoan đầu năm của trường, thầy hiệu trưởng Vương Chiếm Tung (王佔崧) đã đọc bài xã luận của tôi, như diễn văn của ông chúc mừng các thầy cô và học sinh trong trường, mà ông không thay đổi một chữ nào.
Tôi đã làm những việc đó với tấm lòng hoàn toàn thành thực, không có một chút tư lợi nào. Dù tôi rất đau khổ về cái chết của cha, nó không hề làm suy giảm niềm tin của tôi vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi đó, rất nhiều thanh niên đã tham gia sôi nổi vào phong trào Đại Nhảy vọt, cũng bị đói cùng những thành viên trong gia đình, nhưng họ không bao giờ kêu ca phàn nàn. Cũng như tôi, họ hoàn toàn thành thực; chủ nghĩa cộng sản đã truyền niềm tin cho họ, và nhiều người trong số đó sẵn sàng vui vẻ hi sinh cho lí tưởng vĩ đại này.
Tôi đã ủng hộ Đại Nhảy vọt rất thành tâm không chỉ vì sự ngưỡng mộ những lí tưởng cộng sản, mà còn do ngu dốt. Tôi lớn lên từ một làng hẻo lánh, xa những con đường cái quan. Hầu như chúng tôi cách biệt hẳn với mọi thông tin, và dân làng dường như chẳng biết gì về những chuyện xảy ra ngoài giới hạn của mấy ngọn đồi quanh làng. Có lần tôi nghe thấy một ông lão trong làng kể với cha tôi rằng, có người đã trông thấy đức vua Tuyên Thống (宣統)[v] và cũng có thể ngài đã lấy lại ngai vàng. Họ không biết những sự việc đã xảy ra với Phổ Nghi (溥儀) ở Thiên Tân và vùng Đông Bắc, cũng không biết rằng ông ta đã bị buộc tội phản bội và bị bỏ tù. Họ vẫn ấp ủ những kỉ niệm về Hoàng đế. Họ không biết sự kiện vĩ đại đã diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày mồng 1 tháng 10 – 1949. Có một cán bộ thôn là Hoàng Nguyên Trung (黄元中) biết, và anh ta đã triệu tập một cuộc mit tinh trong thôn hôm đó. Hôm sau, con anh ta (có biệt hiệu là Lại tử 賴子- đồ vô dụng) đã bảo tôi, ‘Mao Chủ tịch đã lên ngôi rồi đấy’. Tôi hỏi lại, ‘mày định nói gì?’ Nó trả lời, ‘ông ấy là Hoàng đế mà’. Nó bảo rằng, bố nó đã kể cho nó như vậy.
Phần đông dân làng tôi chưa hề ra khỏi làng quá cái bán kính năm mươi cây số. Dẫu chúng tôi chỉ cách Hán Khẩu (漢口 – nay đã nhập vào Vũ Hán) có hơn trăm cây số, nhưng dường như nó xa xôi vô cùng. Lòng mong mỏi được thấy thành phố của chúng tôi đã được thể hiện trong bài đồng dao:
Trăng hỡi, trăng ơi,
Đi cùng với tôi
Đến biển Hán Khẩu.
Trăng ơi, trăng hời,
Hãy chạy cùng tôi
Tới Viên Gia Kiều (袁家橋).
Huyện lị là nơi có thể đến được, cũng đã được coi là chốn phồn hoa đô hội, nhưng đi cũng mất nguyên một ngày với nửa con đường là đường núi khúc khuỷu, gập ghềnh. Nhiều người cũng chỉ lên huyện một, hai lần mỗi năm.
Đêm hè, sau khi tắm xong, là thời gian vui vẻ nhất của dân làng. Cả nhà ra ngồi ngoài sân, uống trà bằng những lá cây trồng ngoài vườn và phe phẩy những chiếc quạt rơm họ tự đan, trong lúc nói chuyện nhà. Những người thích có bạn bè thì tụ tập ở một chỗ mát, tán chuyện phiếm. Có thể có người sẽ nhắc lại tích “Yến vườn đào hào kiệt kết nghĩa” trong Tam quốc diễn nghĩa, hoặc kể lại chi tiết những mưu toan của Tôn Dật Tiên nhằm lật đổ nhà Thanh, đã truyền đến đây từ Vũ Hán nhiều chục năm trước. Những câu chuyện này cũng đã trở nên nhàm. Nếu có người nào nói đến những chuyện mới xảy ra gần đây trên phố huyện, mọi người sẽ dỏng tai lên nghe chăm chú, và người kể chuyện được nhìn với con mắt cực kì ngưỡng mộ.
Dẫu cho cái thực tế “vùng sâu, vùng xa” của làng đã kìm hãm dân làng trong sự ngu tối, nhưng nó cũng đã bảo tồn phần nào sự trong trắng của họ. Việc cha tôi ghê tởm những buổi đấu tố trong năm 1950 xảy ra không phải từ óc suy xét lí trí, mà từ bản năng con người.
Năm 1954, khi rời làng lên học trên huyện lị, tôi đã mang theo mình cả một tâm hồn trong sáng, không một vết gợn, như một tờ giấy trắng.
(Còn tiếp 2 kì)
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra; © 2012 Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ
__________________
Lời cảm tạ: Chúng tôi, những người dịch, xin chân thành cám ơn những người bạn thân đã cổ vũ và giúp đỡ rất nhiều, chẳng hạn như tìm giúp cho bản tiếng Hán, bớt thời gian quý báu của mình đọc trước bản dịch và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.
Lưu ý về chú thích:
- Chú thích của tác giả sẽ viết tắt là TG.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Anh sẽ viết tắt là TA.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Việt sẽ viết tắt TV.
- Tên riêng nào (chỉ còn có hai cái) chúng tôi chưa tra được nguyên văn tiếng Hán, đành phỏng đoán sát nhất và đánh dấu hoa thị (*).
--Dương Kế Thằng – Nền chính trị hại dân của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ” (1)
*****************
Dương Kế Thằng – Nền chính trị hại dân của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ” (2)
*****************
Dương Kế Thằng – Nền chính trị hại dân của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ” (2)
Tháng 8 22, 2012
Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Xem kì 1
Sau khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc bưng bít hết mọi nguồn thông tin từ nước ngoài, đồng thời phủ nhận toàn bộ những chuẩn mực đạo đức truyền thống của Trung Quốc. Chính phủ nắm độc quyền thông tin nên cũng nắm độc quyền về chân lí. Là trung tâm quyền lực, Trung ương Đảng cũng là trung tâm chân lí và thông tin. Tất cả các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội cúc cung tận tụy xác nhận tính chính đáng của chế độ cộng sản; mọi đoàn văn công nỗ lực hết mình ca tụng Đảng Cộng sản Trung Quốc; tất cả các cơ quan truyền thông đưa tin đăng bài chứng minh sự sáng suốt và sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ nhà trẻ đến đại học, sứ mệnh chính là cấy thế giới quan cộng sản vào tâm trí của học sinh, sinh viên các cấp. Các viện nghiên cứu khoa học xã hội, đoàn văn công, cơ quan truyền thông và trường học tất thảy đều trở thành công cụ cho sự độc quyền của Đảng về tư tưởng, tinh thần và quan điểm, và tất cả các cơ quan này liên tục tham gia nhào nặn tâm hồn của thế hệ trẻ Trung Quốc. Những người làm công việc này hãnh diện được gọi là ‘kĩ sư tâm hồn’.
Trong hoàn cảnh suy nghĩ và thông tin bị bưng bít như vậy, chính quyền trung ương dùng bộ máy độc quyền của mình cho công tác lâu dài là làm cho mọi người thấm nhuần các giá trị cộng sản đồng thời phê phán và bài trừ bất cứ giá trị nào khác. Bằng cách này, tâm trí của giới trẻ hình thành những cảm xúc rõ rệt và sâu sắc về đúng/sai và yêu/ghét, và những cảm xúc đó hóa thành niềm khao khát mãnh liệt muốn biến các lí tưởng cộng sản thành hiện thực. Lúc đó, bất cứ lời nói hay hành động nào phản đối hay đi chệch khỏi những lí tưởng này sẽ bị toàn thể mọi người nhất loạt đả kích.
Trong công tác tuyên truyền cho thấm nhuần các giá trị [cộng sản], cơ cấu tổ chức của Đảng thậm chí còn hữu hiệu hơn cả các viện nghiên cứu khoa học xã hội, cơ quan truyền thông, đoàn văn công và trường học. Mỗi cấp ủy Đảng có một bộ phận nòng cốt được hậu thuẫn của những đảng viên tích cực, cấp trên quản lí cấp dưới, cấp dưới trung thành với cấp trên. Những phong trào chính trị liên tiếp, hàng trăm hàng ngàn cuộc họp lớn nhỏ, những buổi lễ tuyên dương và các buổi đấu tố, các phần thưởng và hình phạt, tất thảy đều dùng để lôi kéo giới trẻ vào một quỹ đạo duy nhất. Tất cả những quan điểm khác với các quan điểm của Đảng đều bị tiêu diệt từ trong trứng nước.
Lúc đó tôi thật lòng tin rằng một nước Trung Quốc yếu kém và nghèo đói, từng bị bọn đế quốc áp bức trong gần 100 năm, có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng con đường “Ba ngọn cờ hồng” và tiếp tục thực hiện lí tưởng cao nhất của nhân loại – đó là chủ nghĩa cộng sản. So với lí tưởng cao cả này, những khó khăn cỏn con tôi gặp phải thì nghĩa lí gì?
Tôi tin tưởng chủ trương “Ba ngọn cờ hồng” không chỉ vì u mê ngu dốt, mà còn vì áp lực chính trị kinh khủng đè nặng lên toàn xã hội, cái kiểu áp lực không cho ai nghi ngờ. Bản thân tôi chứng kiến nhiều biến cố đau lòng. Vạn Thượng Quân (萬尚君), học cùng trường nhưng trên tôi một lớp, mất cơ hội thi đại học vì anh ấy ca ngợi một bài diễn văn của Tito phê phán ‘phe xã hội chủ nghĩa’. Anh ấy từng đỗ đầu trong kì thi vào trường cấp hai của huyện trước tôi một năm, nên tôi biết rõ về anh. Anh là học sinh xuất sắc và chín chắn nhưng lại mất hết triển vọng cho tương lai ở tuổi mười bảy vì anh suy nghĩ quá độc lập. Trong một vụ khác xảy ra vào mùa Xuân năm 1959, có người phát hiện dòng chữ ‘Đả đảo Mao’ viết nguệch ngoạc trên vách ngăn cầu tiêu, và hoảng hốt đi báo lãnh đạo nhà trường. Trường vội vã báo lên Sở Công an, và Sở nhanh chóng phá án. Hóa ra một anh học trên tôi một lớp, đói quá hóa rồ, trong cơn tức giận đã viết dòng chữ đó. Tôi tận mắt thấy anh bị cùm tay và tống vào tù.
Những đợt phê bình không ngừng nghỉ của quần chúng cách mạng và những hình phạt khắc nghiệt mà ta chứng kiến dần dần tiêm vào ta cảm giác kinh hoàng. Nỗi kinh hoàng đó không phải là cảm giác khiếp sợ chợt đến khi ta thấy rắn độc hay thú dữ, mà là nỗi ghê sợ ăn dần thấm dà vào thần kinh ta, vào máu ta, để rồi trở thành một phần trong bản năng sinh tồn của một con người. Người dân biết cách tránh hiểm họa chính trị như thể thấy cháy nhà thì ráng chạy thoát thân.
Ở một đất nước vốn từ xa xưa đã có tâm lí tôn vua kính chúa, ngay từ đầu người dân đã xem chính quyền trung ương là tiếng nói quyền uy, và Đảng dùng ‘sức mạnh diệu kỳ’ của chính quyền trung ương để khiến toàn dân thấm nhuần các giá trị thống nhất. Giới trẻ ít kinh nghiệm thật lòng tin tưởng những giáo điều này, còn cha mẹ của chúng tuy có nhiều kinh nghiệm hơn chút ít nhưng vì lòng tin mù quáng vào ‘sức mạnh diệu kỳ’ hoặc vì sợ chế độ nên cố gắng hết sức để ngăn không cho con cái bộc lộ bất cứ luồng tư tưởng nào khác với tư tưởng của chính quyền, buộc con cái phải phục tùng và vâng lời.
Năm 1960 tôi thi đỗ vào Viện Đại học Thanh Hoa. Ngay sau khi nhập học, tôi tham quan triển lãm “chống hữu phái” của trường và bắt đầu dấn thân vào con đường giáo dục lòng trung thành của tôi. Tiếp đến là hơn năm mươi ngày làm việc cực nhọc ở nông thôn để được giáo dục qua lao động và tập tranh luận biện hộ cho “Ba ngọn cờ hồng”. Dù bụng đói sôi sùng sục, chúng tôi cũng chưa bao giờ hoài nghi về “Ba ngọn cờ hồng”.
Trường đại học này từng nổi tiếng về tính cởi mở của giới trí thức, nhưng hóa ra lại hết sức hẹp hòi. Viện đại học Thanh Hoa từng có nhiều giáo sư lừng danh, nhưng tôi chỉ biết đến Văn Nhất Đa (聞一多) và Chu Tự Thanh (朱自清) từ những trước tác của Mao Trạch Đông, và chưa hề nghe đến Trần Dần Khác (陳寅恪) hay Ngô Mật (吳宓)[i]. Thư viện của trường có sách nhiều đáng nể, nhưng những cuốn duy nhất tôi có thể mượn được, ngoài những cuốn về khoa học kĩ thuật, đều liên quan đến chủ nghĩa cộng sản. Hai cựu sinh viên của trường, Dương Chấn Ninh (楊振宁) và Lý Chính Đạo (李政道), đã giành giải Nobel vật lí năm 1957,[ii] nhưng trường lại giữ kín chuyện này. Trong những buổi họp cán bộ Đoàn Thanh niên, trường thậm chí còn cảnh báo rằng hai người này là phần tử trí thức phản động, và chúng tôi không nên đi theo con đường ‘tinh hoa chủ nghĩa’ của họ.
Thời đại học, tôi vẫn rất ngoan ngoãn phục tùng, suốt thời gian đó tôi làm bí thư chi đoàn, rồi vào Đảng Cộng sản tháng 5 năm 1964. Thời đó, những thanh niên như tôi được xem là rất ngây thơ và chân chất, và quả đúng như vậy; đầu óc chúng tôi chỉ toàn những niềm tin do bộ máy tuyên truyền tiêm vào, ngoài ra chẳng có gì cả. Bằng cách này Đảng uốn nắn thế hệ đang lớn lên dưới chế độ mới thành những tông đồ trung thành. Nếu không có những sự kiện lớn xảy ra trong những thập niên đó, và nếu chế độ đó vẫn vững vàng tại vị, thế hệ chúng tôi có lẽ vẫn giữ những niềm tin đó trong suốt cuộc đời mình.
Điều dẫn đến thay đổi đầu tiên trong suy nghĩ của tôi là Cách mạng Văn hóa. Lúc khởi đầu Cách mạng Văn hóa, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ở Viện Đại học Thanh Hoa xuất hiện hàng ngàn “Đại tự báo” tố cáo cuộc sống hủ bại và tinh thần đê hèn của những nhà cách mạng lão thành mà tôi kính nể từ lâu. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1966, tôi và nhiều bạn cùng lớp đi đến hơn 20 thành phố để ‘thiết lập quan hệ’, và ở những nơi đó chúng tôi cũng thấy nhiều “Đại tự báo” tiết lộ sự tham nhũng và đặc quyền của những cán bộ cấp cao. Tôi bắt đầu mất niềm tin vào hệ thống công quyền, và tôi chẳng còn tin những gì mình đọc trên báo. Tôi bắt đầu nghi ngờ những huyền thoại mà Đảng đã khắc ghi trong tâm trí tôi suốt những năm qua. Giống như hầu hết những người dân thường, tôi tham gia vào Cách mạng Văn hóa chỉ vì phản đối đặc quyền của các quan chức. Và chính trong thời kì Cách mạng Văn hóa, Trương Thể Học (張體學), Chủ tịch tỉnh Hồ Bắc, đã nói một điều làm tôi sửng sốt: trong ba năm khốn khó ở tỉnh Hồ Bắc, khoảng 300.000 người đã chết đói! Chỉ khi ấy tôi mới nhận ra rằng bi kịch của gia đình tôi không phải là đơn nhất.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công làm việc tại Tân Hoa Xã. Các phóng viên Tân Hoa được gặp gỡ mọi tầng lớp xã hội mà những người khác chẳng bao giờ có thể tiếp xúc. Tôi không chỉ biết nhiều sự thật mâu thuẫn với những điều đã viết trong sách sử của Đảng, mà còn quan sát cuộc sống vất vả của giới công nhân thành thị. Là phóng viên Tân Hoa, tôi biết ‘tin tức’ đăng trên báo chí đã được chế tác ra sao, và tôi cũng biết các cơ quan truyền thông đã thành cái loa của nhà cầm quyền như thế nào.
Chủ trương cải cách và mở cửa đã nới lỏng đáng kể những ràng buộc trước đây bóp nghẹt giới trí thức của Trung Quốc, và một số sự thật lịch sử bắt đầu hé lộ. Trong quá khứ, Đảng đã dạy chúng tôi rằng trong cuộc kháng chiến chống Nhật, chỉ có người cộng sản đánh Nhật, còn Quốc dân Đảng hoàn toàn đầu hàng và cộng tác với địch. Giờ đây chúng tôi biết rằng khoảng hai trăm tướng lĩnh Quốc dân Đảng đã hi sinh tính mạng để duy trì công cuộc kháng chiến. Trước kia, Đảng đã dạy chúng tôi rằng thiên tai đã gây ra nạn đói ở một số ít vùng trên toàn quốc. Giờ đây chúng tôi biết rằng đó hoàn toàn là nhân họa khiến hàng chục triệu người đói đến chết. Tôi bắt đầu hiểu rằng lịch sử Đảng, và lịch sử một trăm năm gần đây của Trung Quốc, đã bị xuyên tạc và biên tập cho phù hợp với nhu cầu của Đảng.
Nhờ nhận ra mình đã bị lừa dối trong suốt thời gian dài như vậy, tôi bỗng có sức mạnh ghê gớm để rũ bỏ sự dối trá này. Chính quyền càng che giấu sự thật, tôi càng quyết tâm theo đuổi sự thật. Tôi bắt đầu đọc hàng tập tư liệu mới xuất bản, và trong công việc tường thuật tin tức tôi cố gắng tìm hiểu sự thật của quá khứ. Kinh nghiệm cá nhân của tôi về cuộc biến động ở Bắc Kinh năm 1989 (sự kiện Thiên An Môn – 天安門事件) đã thức tỉnh tôi đáng kể: máu của những sinh viên trẻ tuổi đó đã rửa sạch đầu óc của tôi, gột sạch tất cả những điều dối trá mà đầu óc tôi đã chấp nhận trong mấy chục năm trước. Trong vai trò nhà báo, tôi phấn đấu tường thuật và bàn luận đúng sự thật. Trong vai trò học giả, tôi cảm thấy có trách nhiệm phục hồi lịch sử trở lại với đúng bản chất của nó, và kể sự thật lịch sử cho những người đã từng bị lừa dối nghe.
Trong nỗ lực phá bỏ sự lừa dối và theo đuổi sự thật, tôi dần dần hiểu được bối cảnh xã hội lúc cha tôi mất. Dù mấy chục năm đã trôi qua, những hồi tưởng của tôi về nguyên nhân khiến cha tôi chết và những điều tôi suy nghĩ về ông ngày càng thấm thía. Đến thập niên 1980, dân làng ở quê tôi bắt đầu có xu hướng dựng bia mộ cho những người đã khuất. Những người làm cán bộ cao cấp ở nơi khác dựng bia mộ rất hoành tráng. Bạn bè và bà con họ hàng động viên tôi dựng bia mộ cho cha tôi. Tôi nghĩ dù mình chẳng phải là cán bộ cao cấp gì cho cam, tôi cũng sẽ dựng bia mộ cho cha còn hoành tráng hơn bất cứ bia mộ nào khác. Nhưng tôi nhớ đến số phận những bia mộ ở làng tôi vào năm 1958. Có bia mộ đã bị phá dỡ để dùng trong các công trình thủy lợi lớn, hoặc dùng làm nền cho các lò luyện kim trong chiến dịch sản xuất thép thời kì Đại Nhảy vọt; có bia mộ bị dùng để lót đường cho hàng ngàn người đi qua. Bia mộ càng uy nghi thì càng có khả năng bị phá bỏ. Bia mộ của cha tôi phải được dựng, nhưng không phải trên đất, mà là dựng trong tim. Bia mộ trong tim chẳng bao giờ bị phá dỡ hay bị thiên hạ giày xéo lên.
Tôi quả thực đã dựng bia mộ cho cha trong tim tôi. Cuốn sách này viết nên từ những chữ tôi khắc lên bia mộ đó. Ngay cả sau khi tôi nhắm mắt xuôi tay, cảm xúc chân thành được thể hiện bằng những từ ngữ này sẽ vẫn lưu lại trong các thư viện trên khắp thế giới.
II.
Tấn bi kịch xảy ra trong gia đình tôi cũng đồng thời ập xuống hơn mười triệu gia đình trên khắp đất nước Trung Quốc.
Trong những chương nói về tổn thất dân số, người đọc sẽ thấy tôi tham khảo nhiều loại tài liệu từ Trung Quốc và từ nước ngoài để khẳng định rằng khoảng 36 triệu người đã chết vì đói ở Trung Quốc từ năm 1958 đến năm 1962. Vì nạn đói cũng làm giảm tỉ lệ sinh, trong những năm đó số trẻ ra đời ước tính thấp hơn 40 triệu so với con số lẽ ra đã có trong hoàn cảnh bình thường. Tính chung có tổng cộng 76 triệu mạng sống bị mất đi do nạn đói trong bốn năm đó.
Ở các vùng Tín Dương (信陽, tỉnh Hà Nam), Thông Vị (通渭, tỉnh Cam Túc), Phụng Dương (鳳陽, tỉnh An Huy), Hào Châu (亳州, tỉnh An Huy), La Định (羅定, tỉnh Quảng Đông), Vô Vi (無為, tỉnh An Huy), Quán Đào (館陶, tỉnh Hà Bắc), Tế Ninh (濟宁, tỉnh Sơn Đông) và nhiều vùng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, gần như gia đình nào cũng có ít nhất một người chết vì đói, và không ít gia đình bị xóa sổ hoàn toàn. Trong một số trường hợp, cả làng không còn một người nào. Cảnh tượng này giống như Mao Trạch Đông tả trong một bài thơ của ông: ‘Ngàn làng mạc mênh mông cỏ dại, người muôn người chết dần chết dà; Vạn ngôi nhà chỉ còn bóng ma lởn vởn hát ca’.[iii]
Hãy khoan nói đến 40 triệu người chưa bao giờ ra đời, làm sao ta có thể hình dung nổi 36 triệu người đang sống lại bị bỏ đói đến chết? Con số này tương đương 450 lần số người chết vì bom nguyên tử thả xuống Nagasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945.[iv] Như thể có kẻ cho thả 450 quả bom nguyên tử xuống các làng mạc Trung Quốc. Con số này gấp 150 lần số người chết trong trận động đất Đường Sơn (唐山, tỉnh Hà Bắc) vào ngày 28 tháng 7 năm 1976.[v] Con số này lớn hơn số người chết trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Khoảng 10 triệu người chết trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, hay trung bình hai triệu người mỗi năm từ năm 1914 đến 1918. Chỉ trong năm 1960, 15 triệu người chết đói ở Trung Quốc. Mức độ tàn khốc của nạn đói này ở Trung Quốc thậm chí vượt xa cảnh khốc liệt của Chiến tranh Thế giới thứ hai với 40-50 triệu người thiệt mạng.[vi] Những ca tử vong trong Chiến tranh Thế giới thứ hai trải ra trên khắp Châu Âu, Châu Á và Châu Phi trong thời gian bảy hay tám năm; còn 36 triệu nạn nhân của nạn đói ở Trung Quốc chết trong thời gian chỉ ba hay bốn năm, và ở đa số vùng, số tử vong tập trung chỉ trong vòng sáu tháng.
Nạn đói thời kì 1958-1961 khiến tất cả những nạn đói khác trong lịch sử Trung Quốc trở nên mờ nhạt. Nạn đói trầm trọng nhất trước kia được ghi lại trong sử Trung Quốc diễn ra trong những năm 1928–1930, trong thời gian đó một thiên tai đã ảnh hưởng đến 22 tỉnh. Nạn đói đó phá vỡ mọi kỉ lục có trước, nhưng tổng cộng chỉ có 10 triệu người chết. Trong 17 năm từ 1920 đến 1936, nạn đói do mất mùa cướp đi sinh mạng của 18,36 triệu người.[vii] Lý Văn Hải (李文海) và những đồng tác giả khác, trong các cuốn Những nạn đói gần đây ở Trung Quốc và 10 nạn đói lớn nhất gần đây của Trung Quốc,[viii] thực sự tin rằng con số đó bị phóng đại, và số người chết trong nạn đói trầm trọng nhất thời kì 1928–1930 không vượt quá 6 triệu, trong khi 140.000 người chết do những trận lụt sông Dương Tử năm 1931. Số người chết đói từ năm 1958 đến 1962 gấp nhiều lần so với số người chết trong bất kì thảm họa nào trước kia ở Trung Quốc.
Không một tiếng kêu khóc thống thiết khẩn cầu trời đất, không còn đám tang tẩm liệm đàng hoàng, không có tiếng pháo đì đùng và tiền âm phủ để tiễn người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, không còn ai để thương cảm và đau buồn, không một giọt nước mắt, cũng chẳng còn sửng sốt hay hoảng loạn. Hàng chục triệu người rời bỏ trần gian trong một không khí hờ hững câm lặng.
Một số làng dùng xe tải chở xác đi chôn trong những nấm mồ tập thể ở ngoại vi. Ở những làng mà người sống không đủ sức mai táng người chết cho đàng hoàng, chân tay của người chết trồi lên mặt đất. Ở một số nơi, người chết nằm ven đường khi họ gục xuống trong lúc đang vô vọng đi tìm thức ăn. Không ít người bị bỏ lại tại nhà, để rồi lũ chuột gặm nhấm mũi và tai họ.
Mùa Thu năm 1999, tôi đến Cao Du phường (高油坊) ở làng Phòng Hồ (防胡鄉) thuộc huyện Hoài Tân, thành phố Tín Dương, để tìm hiểu thêm về tình hình ở đây. Một ông lão trong làng, Dư Văn Hải (餘文海), tuổi trạc thất tuần, dẫn tôi ra một đồng lúa ở rìa làng. Cụ vừa chỉ đám cây mọc trên đồng vừa nói, ‘Chỗ mấy cái cây kia từng là hố chôn ít nhất 100 xác người’. Nếu cụ Dư với tư cách là nhân chứng của những sự kiện đó không nhắc chuyện này, có lẽ đã chẳng ai biết đến bi kịch kinh khủng chôn vùi dưới đám mạ xanh mơn mởn và những cái cây dáng vẻ oai nghiêm kia.
Cơn đói dằn vặt con người trước khi chết còn tàn khốc hơn chính cái chết. Lúa gạo ngũ cốc không còn một hạt, cỏ cây dại đã ăn sạch, thậm chí vỏ cây cũng tước ra ăn, rồi chuột, phân chim, và cả bông nhồi trong chăn, tất thảy đều cho vào mồm hòng nhét đầy bao tử. Trên những đồng đất sét cao lĩnh,[ix] những người đói quay quắt vừa đào đất sét vừa nhai trệu trạo. Xác của những người chết, của những nạn nhân từ các làng khác đến lánh nạn đói, và thậm chí của chính người thân trong gia đình, trở thành thức ăn cho những kẻ đang tuyệt vọng.
Chuyện ăn thịt người không còn là cá biệt. Sách sử xưa thuật lại nhiều trường hợp các gia đình đổi con cho nhau để ăn trong những nạn đói trầm trọng, còn trong thời kì Nạn đói 1958-1961 này, một số gia đình chỉ còn biết ăn con của chính mình. Ở một số huyện ở Tín Dương, ở Thông Vị, tỉnh Cam Túc, và ở tỉnh Tứ Xuyên, người sống sót kể lại nhiều chuyện ăn thịt người kinh hoàng. Tôi đích thân gặp nhiều người từng ăn thịt người và nghe họ mô tả mùi vị của nó.
Qua phân tích những bằng chứng đáng tin cậy mà tôi thu thập được, có thể thấy có hàng ngàn vụ
ăn thịt người trên khắp Trung Quốc trong thời gian đó.[x] Tôi đã nêu chi tiết những trường hợp bi thảm này trong các chương liên quan đến từng tỉnh cụ thể.
Đây là thảm kịch vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người. Trong một thời kì có khí hậu bình thường, không có chiến tranh hay dịch bệnh mà lại có đến hàng chục triệu người bị đói đến chết và thậm chí phải ăn cả thịt người, thì quả là chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Trong thời kì ấy và nhiều thập niên sau đó, sách báo và các văn bản chính thức soạn ở Trung Quốc tích cực tránh né và che giấu thảm kịch khủng khiếp này. Cán bộ ở mọi cấp chính quyền đều không hé môi về chủ đề người dân đói dần đến chết. Cán bộ ở mọi cấp chính quyền giả mạo số liệu thống kê về số người chết và cắt giảm số liệu bằng mọi phương tiện có trong tầm tay. Để vĩnh viễn che giấu chuyện này, chính quyền đã ra lệnh hủy toàn bộ dữ liệu ở tất cả những tỉnh báo cáo dân số giảm đi hàng chục triệu người.
Những người tị nạn lánh được sang Hương Cảng và thân nhân của Hoa kiều đã xoay xở loan truyền được chút ít tin tức về thảm họa này, và dựa trên thông tin này, một số cơ quan truyền thông phương Tây đã đưa tin về nạn đói ở Trung Quốc. Những bản tin này tủn mủn, vụn vặt, nhưng chính phủ Trung Quốc đã nhất quyết gọi đó là ‘những trò công kích ác ý’ và ‘những tin đồn vu khống’.
Nhằm đảo ngược dư luận quốc tế, chính phủ Trung Quốc đã mời một số ‘người bạn của Trung Quốc’ đến thăm và tận mắt chứng kiến, với hi vọng họ sẽ viết bài ‘làm sáng tỏ các dữ kiện và sự thật’. Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị hết sức thấu đáo cho mỗi chuyến viếng thăm này, tỉ mỉ dàn xếp từng chặng trong lộ trình của khách mời, bao gồm những nơi họ sẽ đến thăm, những người họ có thể tiếp xúc, và những điều sẽ nói khi tiếp khách. Trong những cuộc viếng thăm này, các vị khách nước ngoài bị tách biệt hẳn với dân thường, và một số nơi thậm chí còn trưng ra những người được ăn uống đầy đủ và áo quần chỉnh tề.
Phương Thực (方實), lúc đó là Phó trưởng ban đối nội của Tân Hoa Xã, có lần được giao nhiệm vụ tháp tùng các vị khách nước ngoài trong chuyến tham quan tỉnh An Huy. Về già, ở tuổi 85, ông kể với tôi cách Tỉnh ủy An Huy lừa dối khách nước ngoài như thế nào (được mô tả ở phần sau trong cuốn sách này). Những vị khách bị lừa gạt này lúc về nước đăng những bài báo dựa trên ‘những điều mắt thấy tai nghe’ của họ, ca ngợi ‘những thành tựu vĩ đại’ của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc lúc đó không bị nạn đói và người dân Trung Quốc đủ ăn đủ mặc.
Nhà báo Anh Felix Greene, trong tác phẩm nổi tiếng của ông về Trung Quốc in năm 1965, Tấm màn ngu tối (A Curtain of Ignorance), viết rằng trong năm 1960 ông đã đi khắp Trung Quốc trong thời kì mà ngũ cốc được chia khẩu phần rất eo hẹp, nhưng chẳng hề thấy dấu hiệu nào của nạn đói đại trà. Nhà báo Mỹ Edgar Snow (tên ông đã trở nên quen thuộc ở Trung Quốc) là một trong những người bị Trung Quốc lừa gạt rồi truyền bá sự dối trá đó sang người khác. Tân Hoa Xã dịch tất cả những bài báo nước ngoài này sang tiếng Trung như “hàng xuất khẩu bán ở thị trường nội địa’ để phổ biến trong Tin tức tham khảo (參考消息) và Tư liệu tham khảo (参考資料) nhằm làm công cụ thống nhất dư luận và đàn áp những quan điểm khác trong nước.
Khoảng 20 năm sau những sự kiện này, một số học giả nước ngoài và người Hoa sống bên ngoài đại lục bắt đầu nghiên cứu và báo cáo về thảm họa vô tiền khoáng hậu này. Những nghiên cứu này có giá trị cao, nhưng vì các tác giả không ở trong nước, họ không tiếp cận được những tư liệu nội bộ trong các văn khố lưu trữ chính thức của Trung Quốc, nên kết quả nghiên cứu của họ chưa đầy đủ.
Từ đầu thập niên 1990, tôi tận dụng những chuyến công tác của mình để tham khảo những tư liệu liên quan trên khắp đất nước và phỏng vấn những người đã sống sót qua nạn đói đó. Tôi đi từ miền Tây Bắc xuống Tây Nam, từ Hoa Bắc sang Hoa Đông, từ vùng Đông Bắc xuống Hoa Nam, tham khảo văn khố lưu trữ ở hơn chục tỉnh và phỏng vấn hơn một trăm nhân chứng. Sau mười năm nỗ lực, tôi đã tích lũy văn bản tổng cộng hàng triệu từ và mười cuốn sổ ghi chép các cuộc phỏng vấn. Bằng cách này tôi có được hiểu biết toàn diện và sâu sắc về những hoàn cảnh thực sự của Nạn đói 1958-1961.
Đối mặt với những hậu quả trầm trọng của Nạn đói 1958-1961, Lưu Thiếu Kỳ có lần nói với Mao Trạch Đông, ‘Lịch sử sẽ ghi lại vai trò của đồng chí và tôi trong chuyện quá nhiều người dân bị đói, và nạn ăn thịt người cũng sẽ được khắc ghi!’.[xi] Mùa Xuân năm 1962, trong một lần nói chuyện với Đặng Lực Quần (鄧力群), Lưu Thiếu Kỳ một lần nữa lại nhắc rằng ‘những cái chết vì đói sẽ được ghi lại trong sử sách’. Tuy nhiên, sau hơn bốn mươi năm, không có cuốn sách nào như vậy về Nạn đói 1958-1961 được xuất bản ở Trung Hoa đại lục. Điều đó không chỉ đáng tiếc từ góc độ lịch sử mà còn xúc phạm đến kí ức về hàng chục triệu nạn nhân vô tội. Tôi đã dành nhiều năm trời để hoàn tất cuốn sách này. Cuốn sách này có thể xem như bia mộ dành cho hàng chục triệu linh hồn đói khát đó, và tôi hi vọng nó sẽ phần nào an ủi cho họ.
Lưu Thiếu Kỳ cũng từng nói rằng thảm họa này nên được khắc bia tưởng niệm làm di tích ‘truyền lại cho con cháu chúng ta để một lỗi lầm như vậy sẽ không bao giờ tái diễn’. Phải, nên dựng một đài tưởng niệm lớn cho một sự kiện lịch sử trọng đại như vậy như một lời cảnh báo cho các thế hệ tương lai. Tôi tin rằng chỉ một cuốn sách của tôi sẽ không đủ để khắc ghi sâu trong tâm trí bài học lịch sử này. Đã có những đài tưởng niệm cho nạn nhân trận động đất Đường Sơn, cho Hiroshima và Nagasaki, và cho các nạn nhân của Chiến tranh Thế giới thứ hai trên khắp châu Âu. Trung Quốc cũng nên dựng những đài tưởng niệm các nạn nhân của Nạn đói 1958-1961 ở những nơi tập trung số người chết nhiều nhất, ví dụ như Tín Dương, Thông Vị, La Định, Hào Châu, Phụng Dương, Tuân Nghĩa (遵義, tỉnh Quý Châu), Kim Sa (金沙, tỉnh Quý Châu), huyện Bì (郫縣, Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên), huyện Vinh (榮縣, tỉnh Tứ Xuyên), Phong Đô (豐都, Trùng Khánh, Tứ Xuyên), Đại Ấp (大邑, Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên), Quán Đào, Tế Ninh, v.v… và ở tỉnh lị của những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là Tứ Xuyên, An Huy, Quý Châu, Hà Nam, Sơn Đông, Cam Túc và Thanh Hải, cũng như ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Những đài tưởng niệm này sẽ không chỉ tưởng nhớ người chết mà còn để nhắc nhở đến tai họa này, từ đó có thể rút ra bài học để ngăn chặn sự tái diễn của một thảm kịch như vậy trong tương lai.
III.
Dù đất canh tác giảm đi và dân số gia tăng 200 triệu trong thập niên 1980 và 1990, nguồn cung cấp ngũ cốc của Trung Quốc nay dồi dào hơn bao giờ hết; giới trẻ không biết đói là gì, và nông dân thậm chí khó bán hết thu hoạch vụ mùa của mình. Tất thảy những thành quả này đều nhờ những thay đổi về hệ thống nông nghiệp của Trung Quốc kể từ khi Công xã Nhân dân được thay thế bằng hệ thống trả công gắn với sản lượng, và điều đó chứng tỏ ảnh hưởng quan trọng của một hệ thống đối với nạn đói.
Amartya Sen, người đoạt giải Nobel [Kinh tế] năm 1998 nhờ những nghiên cứu của ông về nạn đói, đã viết:
Trong lịch sử khủng khiếp của những nạn đói trên thế giới, chưa có một nạn đói lớn nào từng xảy ra ở một nước độc lập và dân chủ với nền báo chí tương đối tự do. Bất kể tìm ở đâu, chúng ta không tìm được ngoại lệ cho quy tắc này: những nạn đói gần đây ở Ethiopia, Somalia, hay những chế độ độc tài khác; những nạn đói ở Liên Xô trong thập niên 1930; nạn đói 1958-1961 của Trung Quốc với thất bại của “Đại nhảy vọt”; hay thậm chí xưa hơn nữa, những nạn đói ở Ái Nhĩ Lan hay Ấn Độ dưới ách đô hộ của ngoại bang. Dù kinh tế về nhiều mặt khá hơn Ấn Độ, Trung Quốc (khác với Ấn Độ) vẫn để xảy ra nạn đói, thực ra là nạn đói lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử thế giới: gần 30 triệu người chết trong nạn đói thời kì 1958–1961, trong khi những chính sách sai lầm của chính phủ vẫn không được sửa đổi trong suốt ba năm đó. Những chính sách này không bị chỉ trích vì không có đảng đối lập trong quốc hội, không có nền báo chí tự do, và không có bầu cử đa đảng. Quả thực chính tình trạng thiếu phản biện đã để cho những chính sách hết sức sai lầm này tiếp diễn mặc dù chúng giết chết hàng triệu người mỗi năm.[xii]
Thực vậy, nguyên nhân cơ bản khiến hàng chục triệu người ở Trung Quốc chết đói là chế độ cực quyền (totalitarianism – cũng còn gọi là chế độ toàn trị). Dĩ nhiên tôi không nói rằng chế độ cực quyền tất yếu sẽ dẫn đến những tai họa trên quy mô lớn như vậy, nhưng trong chế độ cực quyền những chính sách vô cùng khiếm khuyết sẽ dễ xuất hiện hơn, và sau này muốn sửa đổi những chính sách đó sẽ khó hơn. Một điều quan trọng hơn nữa là trong hệ thống này, chính phủ độc quyền thâu tóm mọi sản phẩm và nguồn duy trì sự sống, để rồi một khi thảm họa ập đến, người dân thường không có phương tiện tự cứu mình và chỉ còn ngồi chờ chết.
Trong lĩnh vực chính trị và tư tưởng, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa áp dụng chế độ chuyên chính vô sản toàn diện, đàn áp không thương tiếc bất cứ người bất đồng chính kiến nào. Về mặt kinh tế, nước này thực hiện một nền kinh tế kế hoạch tập trung hóa cao độ trong đó chính phủ nắm độc quyền với tất cả mọi nguồn lực kinh tế. Về mặt ý thức hệ, nước này thực hiện độc quyền nghiêm ngặt về thảo luận và suy nghĩ, và không cho phép bày tỏ những quan điểm khác biệt. Bản thân Mao Trạch Đông mô tả đặc trưng của hệ thống chính trị này là ‘Marx cộng với Tần Thủy Hoàng’. Hệ thống này kết hợp kiểu chuyên quyền tập trung cao độ của Liên Xô với kiểu chuyên chế mà hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc đã áp đặt hơn 2.000 năm trước, và đã dần dần trở nên chặt chẽ hơn qua những triều đại kế tiếp. Kết quả là sự lạm dụng quyền lực hành pháp trầm trọng hơn sự lạm dụng của Liên Xô, hay của bất cứ hoàng đế nào của Trung Quốc. Đó là một hệ thống chuyên chính đúng nghĩa.
Chế độ chuyên chế Trung Quốc bắt đầu từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 221 trước Công nguyên, và đã lưu lại nhiều dấu tích lịch sử trong quá trình hơn hai nghìn năm. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kế thừa hệ thống này một cách hiệu quả, và mặc dù sự cai trị của Đảng chỉ là đoạn kết của chế độ chuyên chế phong kiến Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc có được vũ khí, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và những phương pháp tổ chức hiện đại, nên Đảng càng nắm quyền kiểm soát vừa rộng vừa sâu đối với xã hội, hệ thống công quyền, và người dân với mức độ chặt chẽ hơn và chi li hơn mà chế độ chuyên quyền phong kiến trước kia chưa hề đạt đến. Cái thòng lọng này thắt chặt mọi cơ chế hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và ý thức hệ của xã hội và mọi khía cạnh đời sống thường nhật. Quyền lực cưỡng bức của chế độ độc tài thâm nhập vào mọi ngóc ngách của thậm chí những làng mạc hẻo lánh nhất, chạm đến từng thành viên trong từng gia đình, và len lỏi vào tâm can của từng người. Gọi chế độ này là ‘cực quyền’ nghĩa là nói đến sự bành trướng của quyền lực hành pháp đến mức cùng cực.
(Còn 1 kì)
Nguồn: Tạp chí “Trung Hoa đương đại” (2010), số 19 (66), tháng 9, trang 755-776). Bản tiếng Anh.
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra; © 2012 Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ
___________________________
Lời cảm tạ: Chúng tôi, những người dịch, xin chân thành cám ơn những người bạn thân đã cổ vũ và giúp đỡ rất nhiều, chẳng hạn như tìm giúp cho bản tiếng Hán, bớt thời gian quý báu của mình đọc trước bản dịch và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.
Lưu ý về chú thích:
- Chú thích của tác giả sẽ viết tắt là TG.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Anh sẽ viết tắt là TA.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Việt sẽ viết tắt TV.
- Tên riêng nào (chỉ còn có hai cái) chúng tôi chưa tra được nguyên văn tiếng Hán, đành phỏng đoán sát nhất và đánh dấu hoa thị (*).
[i] TA: Văn Nhất Đa (1899–1946), người phê phán chính phủ Quốc dân Đảng, đã chết dưới tay Quốc dân Đảng. Chu Tự Thanh (1898–1948), một người chống đế quốc, đã chết vì đói sau khi từ chối thực phẩm viện trợ của Mỹ. Ngược lại, cả Trần Dần Khác (1890–1969) và Ngô Mật (1894–1978), là những học giả văn hóa cổ truyền được đào tạo ở nước ngoài và cố giữ khoảng cách với Đảng Cộng sản. Họ Ngô bị tra tấn trong Cách mạng Văn hóa.
[ii] TA: Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo là học giả ở Mỹ khi họ trở thành những người gốc Hoa đầu tiên giành giải Nobel.
[iii] TA: Trích từ bài thơ ‘Tống tiễn ôn thần’ (Tống ôn thần, 送瘟神) của Mao Trạch Đông. Mao viết bài thơ này vào ngày 1 tháng 7 năm 1958, khi biết tin về thành công trong công tác chống bệnh kí sinh ở Dư Giang (餘江), tỉnh Giang Tây.
[iv] TG: Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, máy bay quân sự Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, Nhật, giết chết 71.000 người. Ngày 9 tháng 8, Mỹ thả một quả bom khác xuống Nagasaki, giết chết 80.000 người.
[v] TG: Ước tính có 240.000 người chết trong trận động đất Đường Sơn (28 tháng 7 năm 1976). TV: Một vài nguồn vẫn cho rằng con số người thiệt mạng lên tới khoảng 700.000 người. (Xem Wikipedia)
[vi] TG: Henri Michel, Chiến tranh Thế giới thứ hai, ấn bản tiếng Trung, tập 2 (Thương Vụ ấn thư quán, 1981), trang 427. (TA: Ấn bản tiếng Anh do nhà Praeger xuất bản năm 1975.)
[vii] TG: Đặng Vân Đặc [鄧云特], Lịch sử cứu trợ nạn đói ở Trung Quốc[Trung Quốc cứu hoang sử, 中國救荒史] (Bắc Kinh: Thương Vụ ấn thư quán, 1993), trang 142–143.
[viii] TA: Trích dẫn toàn văn các tác phẩm của Lý Văn Hải (李文海), giáo sư Viện Đại học Nhân dân, và các tác giả khác có thể truy cập ởhttp://qss.ruc.edu.cn/en/100964/101137/20249.html.
[ix] TA: Đất sét cao lĩnh (高嶺), còn gọi là ‘đất sét Quan Âm’ vì nó là thành phần chính làm tượng sứ Quan Âm. Trong nạn đói này, nhiều nông dân đã ăn để chống đói. Vì không tiêu được, đất sét này sẽ làm nghẽn ruột, thường dẫn đến cái chết. TV: Ta thường gọi là cao lanh (Kaolin). Được sử dụng trong các lĩnh vực sau: công nghiệp dược, mĩ phẩm; công nghiệp giấy; sản xuất gạch ceramic; công nghiệp gốm sứ, vật liệu chịu lửa; sứ cách điện; công nghiệp luyện kim; chất tẩy trắng dầu mỡ; tổng hợp Zeolit; v.v…
[x] TG: Trong bảy lần in đầu tiên của cuốn sách này ấn bản tiếng Trung, tôi đã dùng số liệu của Lý Nhuệ (李銳) ước tính có hơn 1.000 vụ ăn thịt người trên toàn Trung Quốc. Tháng 7 năm 2009, Ân Thụ Sinh*, nguyên phó giám đốc Sở Công an tỉnh An Huy, cung cấp cho tôi thông tin sau: năm 1961, Sở Công an tỉnh An Huy báo cáo với Tỉnh ủy là đã có 1.289 vụ ăn thịt người ở tỉnh này. Có hơn 300 vụ ăn thịt người được báo cáo ở huyện Hoàng Trung (湟中縣), thành phố Tây Ninh (西宁市) thuộc tỉnh Thanh Hải. Cộng thêm những số liệu báo cáo ở Tứ Xuyên, Sơn Đông, Hà Nam và những nơi khác ở Trung Quốc, con số ước tính mấy ngàn không phải là phóng đại.
[xi] TA: Vương Quang Mỹ, Lưu Nguyên và các tác giả khác, Lưu Thiếu Kỳ – những chuyện chưa biết [你所不知道的劉少奇] (Trịnh Châu: Hà Nam Nhân dân Xuất bản xã, 2000), trang 90.
[xii] TA: Amartya Sen, “Dân chủ như một giá trị phổ quát”, [‘Democracy as a universal value’], Journal of Democracy 10(3), (1999), trang 3–17, có ở địa chỉ:http://hdr.undp.org/docs/training/oxford/readings/2006/Sen%20Democracy%201999.pdf. Tác giả trích dẫn bản dịch tiểu luận của Sen sang tiếng Hán của Trình Hiểu Nông (程曉農) đăng trong tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc đương đại(當代中國研究) 69(2), (2000).
Dương Kế Thằng – Nền chính trị hại dân của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ” (3)
Xem kì 1, kì 2 và toàn bộ bản dịch trong bản PDF
Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Trong hệ thống cực quyền, những nấc thang bên trên có đặc điểm là quyền lực tập trung vào tay chỉ một số người, điều đó không chỉ tước đoạt quyền của người dân mà còn biến các quan chức cấp cao của chính phủ trung ương thành những người thừa hành của một lãnh tụ tối cao. Những nấc thang thấp lại mang đặc điểm là nô bộc tuyệt đối. Từ đỉnh xuống đáy, hoàn toàn không có sự độc lập về tính cách và tư duy, tất cả đều phải ngoan ngoãn quy phục những kẻ có quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng áp dụng cơ cấu quyền lực theo kiểu kim tự tháp như Tần Thủy Hoàng vậy. Trên đỉnh tháp chỉ có một nhúm người, đấy là Ban Thường vụ Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà Mao Trạch Đông chính là đầu não. Mao có quyền quyết định tất cả mọi vấn đề, trên thực tế, ông ta có địa vị rất giống với địa vị của một hoàng đế. Ngoài chức vụ là người lãnh đạo Đảng và đứng đầu nhà nước, ông ta còn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, điều đó tạo điều kiện cho ông ta kiểm soát lực lượng vũ trang và có quyền lực cực kì lớn. Những người khác trên đỉnh kim tự tháp quyền lực kính trọng và sợ Mao và thường xuyên lo lắng làm sao giữ được chức vụ của mình. Thế là, chế độ chuyên chính vô sản của Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành chế độ chuyên chính của cá nhân Mao Trạch Đông.
Mặc dù về danh nghĩa Mao Trạch Đông là người lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng trên thực tế ông ta chính là vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, mà lại là vị hoàng đế quyền lực nhất trong số những vị hoàng đế đã từng cai trị Trung Quốc. Trong thời kì ở Diên An, đã có lần Mao hỏi người phiên dịch tiếng Nga của mình là Sư Triết (師哲) về sự khác nhau giữa Tổng thống và Hoàng đế. Sư Triết trình bày một cách có hệ thống, trên cơ sở kiến thức chính trị của ông, nhưng Mao cười lớn và nói: “Trên thực tế, cũng chỉ là một thôi!”. Năm 1951, người ta đã trình Mao danh sách những khẩu hiệu chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 để ông ta phê duyệt, ông ta tự mình thêm vào câu: “Mao Chủ tịch muôn năm!” Rõ ràng là ông ta đã tự coi mình là một hoàng đế rồi.
Năm 1955, theo mong muốn của Mao, chính sách kinh tế chuyển sang “tiến nhanh” được thể hiện bằng chỉ tiêu sản lượng cao với tốc độ lớn, kết quả là tạo ra áp lực chung trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Việc thu mua quá nhiều ngũ cốc đã làm nhiều nông dân chết đói ngay từ năm 1956. Chu Ân Lai, Trần Vân và những người khác ban đầu không có ý định chống lại Mao, nhưng do những yêu cầu của thực tiễn công tác, họ đã áp dụng những biện pháp sửa sai nhằm “chống lại sự nóng vội trong phát triển kinh tế” (gọi là “phản mạo tiến” – 反冒進). Mao nổi đóa, Chu Ân Lai suýt bị mất chức. Năm 1958, khi Mao trở nên cuồng tín, những quan chức khác đã theo đuôi ông ta và chỉ mãi đến cuối năm 1958, đầu năm 1959, sau khi xảy ra những hậu quả cực kì trầm trọng họ mới chịu áp dụng những biện pháp sửa sai. Tuy nhiên, khi bị Bành Đức Hoài phê bình ở hội nghị Lư Sơn, Mao lập tức quay ra chống lại Bành; ông ta không những bác bỏ những biện pháp sửa sai mà còn tăng cường thúc đẩy những chính sách sai lầm của năm 1958. Kết quả là những chính sách đã từng làm nhiều nông dân chết đói tiếp tục kéo dài thêm ba năm nữa.
Trong thời gian đó, cả nước chỉ có một nhà tư tưởng, một người có thẩm quyền về mặt lý luận, đấy chính là Mao Trạch Đông. Tư tưởng của Mao là hệ tư tưởng lãnh đạo cả nước và toàn thể nhân dân. Là người nắm được quyền lực tối thượng cả về chính trị lẫn quân sự, đồng thời là “ánh sáng” tư tưởng, Mao là hiện thân của nền chính trị thần quyền thế tục, hợp nhất trung tâm của quyền lực với trung tâm của chân lí. Mọi ý kiến bất đồng đều bị coi là tà đạo, còn nói gì đến hi vọng có đảng đối lập. Người dân không chỉ không dám phê phán chính sách của nhà nước, mà nếu có sự bất mãn ở trong đầu thì nỗi khiếp sợ cũng làm họ kìm nén ngay thái độ phê phán trước khi nó phát ra ở đầu môi. Sự “thống nhất” về mặt tư tưởng diễn ra như thế đấy, “tất cả mọi người cùng cười, khóc và chửi bới cùng một giọng”.[i]
Sự sợ hãi và dối trá do chế độ toàn trị gây ra còn là những điều kiện căn bản để hệ thống có thể tiếp tục hoạt động. Sợ hãi gây ra dối trá. Chính phủ có quyền trừng phạt và tước đoạt của người ta bất cứ thứ gì. Trừng phạt và tước đoạt gây ra sợ hãi. Người càng có nhiều thì càng sợ nhiều vì trừng phạt sẽ làm cho anh ta mất mát nhiều hơn. Quan chức và trí thức có nhiều hơn người dân thường và kết quả là họ thậm chí còn sợ hãi hơn và thể hiện “lòng trung thành” với hệ thống hơn. Nhằm thỏa mãn và tự vệ, họ tham gia vào cuộc ganh đua một mất một còn về khả năng nói dối và giả vờ tin vào những điều dối trá. Những phát biểu của các quan chức, các ngành khoa học xã hội, nghệ thuật, phương tiện truyền thông đại chúng, trường học, thậm chí khẩu hiệu dán trên mọi bức tường, tạo ra và truyền bá những điều dối trá từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, tiếp tục lừa dối và nô dịch quần chúng nhân dân.
Cơ cấu tổ chức giống hệt nhau như thế thịnh hành trên tất cả các địa phương của Trung Quốc và cùng thực hiện những chính sách rập khuôn. Mỗi người đều sống trong một tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, cùng hô những khẩu hiệu như nhau, cùng sử dụng những câu cửa miệng về chính trị như nhau, cùng tham gia những hội nghị có nội dung như nhau vào cùng một thời điểm giống nhau. Sự đồng nhất hóa của xã hội Trung Quốc có nghĩa là bất cứ thảm họa nào do chính sách sai lầm gây ra cũng có thể ảnh hưởng tới cả nước, và không nạn nhân nào có thể thoát được. Trong những chương sau độc giả sẽ thấy những hoàn cảnh tương tự tại những tỉnh cách xa nhau cả ngàn dặm, đấy là kết quả không thể tránh khỏi của chính sách đồng nhất hóa về mặt chính trị.
Trong cái kim tự tháp quyền lực này, các quan chức ở mọi tầng nấc đều là nô lệ của tầng trên và tìm mọi cách nịnh hót họ bằng mọi phương tiện sẵn có, đồng thời lại hành động như những ông chủ chuyên chế đối với tầng dưới. Vì tất cả đều muốn tiến lên nấc thang cao hơn, nhưng nỗi sợ mất vị trí hiện thời của họ, dù là nô lệ, còn lớn hơn nữa. Họ tin tưởng một cách mù quáng vào lãnh đạo, sùng bái quyền lực, ngả theo những xu hướng đang giữ thế thượng phong và cam chịu mọi thứ xảy ra với mình. Quyền lực càng tập trung thì đấu đá trong nội bộ càng mạnh. Đấu đá càng mạnh thì Mao Trạch Đông càng sợ mối đe dọa của những người xung quanh ông ta và những vụ thanh trừng của ông ta lại càng dữ dội hơn. Trong cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt và tàn nhẫn này người ta sẵn sàng nói dối và bán đứng đồng đội nhằm thăng tiến và bảo vệ chính mình.
Trong quá trình quản lí, ý của cấp trên ở mỗi nấc tiếp theo lại được nâng dần lên, tiếng nói của cấp dưới càng lên cao càng bị đè nén thêm. Càng lên cao sai lầm của cấp trên càng bị buông lỏng cho nên hậu quả của chúng cũng tai hại hơn. Tình hình thực tế ở cấp thấp nhất lại được những tầng nấc bên trên che đậy, mỗi tầng phủ lên thêm một lớp, kết quả là những người lập chính sách cấp cao hoàn toàn không nắm được sự thật. Bằng cách đó, những chính sách sai lầm bị gia tăng bởi cả ý kiến phản hồi tích cực và tiêu cực và chỉ bị phát hiện khi thảm họa đã xảy ra. Việc sửa chữa những sai lầm này lại không được làm gây phương hại tới uy tín của lãnh tụ, cho nên sửa sai không bao giờ đạt được hiệu quả mong muốn. Nông dân là người gánh chịu tai họa.
Trong hệ thống phong kiến trước đây, người dân có quyền im lặng. Hệ thống toàn trị tước đoạt cả quyền đó. Trong hết phong trào chính trị này đến phong trào chính trị khác, trong những cuộc họp và hội nghị đủ mọi cấp và mọi kích cỡ, mỗi người buộc phải “thể hiện quan điểm”, “trình bày suy nghĩ” và “trải lòng ra” với Đảng. Mỗi người phải mở toang những chỗ thầm kín nhất trong lòng mình cho Đảng kiểm tra. “Trình bày quan điểm” trong tình hình chính trị căng thẳng buộc người ta phản bội lại chính lương tâm của mình và đánh mất khả năng kiểm soát đối với phần còn lại cuối cùng trong tâm hồn mình. Sự tự hạ nhục được lặp đi lặp lại như thế đã đưa người ta đến việc chà đạp liên tục lên những thứ mà họ coi trọng nhất và tâng bốc những thứ mà trước đây họ khinh bỉ nhất. Bằng cách đó, hệ thống toàn trị đã tạo ra sự thoái hóa đặc tính dân tộc của người Trung Quốc. Tình trạng điên rồ và sự tàn nhẫn mà người dân thể hiện trong “Đại nhảy vọt” và “Đại Cách mạng Văn hóa” là kết quả của sự thoái hóa đó và cũng là “thành tựu” vĩ đại của hệ thống toàn trị.
Chế độ không coi cái giá phải trả hoặc áp bức là quá lớn trong khi thực hiện những lí tưởng cộng sản, mục tiêu tối cao của toàn dân. Nông dân chịu gánh nặng chủ yếu của quá trình thực hiện những lí tưởng này: họ gánh trên vai chi phí của công nghiệp hóa, tập thể hóa, bao cấp cho các thành phố và thói xa xỉ của các cán bộ trên mọi tầng nấc.
Phần lớn cái giá này được áp đặt thông qua sự độc quyền mua và bán của nhà nước. Nông dân phải bán sản phẩm của mình cho chính phủ với giá không thể bù đắp được chi phí sản xuất. Ngũ cốc do nông dân sản xuất trước hết và trên hết là để đáp ứng nhu cầu của dân thành thị đang gia tăng một cách nhanh chóng. Việc hệ thống này sử dụng những biện pháp hành chính nhằm áp đặt bằng bạo lực quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi sự gia tăng nhanh chóng dân cư trong thành phố và sản phẩm nông nghiệp dành cho xuất khẩu để đổi lấy máy móc. Vì vậy mà không thể để nông dân ăn no được và thu mua chính là ăn cướp ngũ cốc của nông dân. Lưu Thiếu Kỳ đã có lần công nhận một cách thẳng thắn như sau:
Hiện nay có mâu thuẫn giữa số lượng ngũ cốc mà nhà nước cần với số lượng ngũ cốc mà nông dân muốn bán, và đây là mâu thuẫn cực kì nghiêm trọng. Nông dân muốn bán cho nhà nước số ngũ cốc dư thừa sau khi họ đã được ăn no. Nếu chính phủ chỉ thu mua sau khi nông dân đã ăn no thì những người khác sẽ không đủ ăn: đấy là công nhân, giáo viên, các nhà khoa học và những người thành thị khác. Nếu những người này không đủ ăn thì sẽ không thể công nghiệp hóa được và sẽ phải giảm bớt quân đội đi, không thể xây dựng nền quốc phòng được.[ii]
Lưu Thiếu Kỳ nói đúng, và điều đó chứng tỏ rằng trong hệ thống này, chính phủ không muốn cho nông dân ăn no. Sự thiếu hụt ngũ cốc sau khi nông dân đã bán “phần thặng dư” của họ cho chính phủ là một trong những nguyên nhân làm nhiều người chết đói đến như thế.
Trong khi ở thành phố tiến hành quốc hữu hóa thì ở nông thôn tiến hành tập thể hóa. Tài liệu chính thức gọi đây là “phong trào hợp tác hóa nông nghiệp”. Trên thực tế “hợp tác” và “tập thể” là hai thứ khác nhau. Hợp tác được xây dựng trên cơ sở lợi ích cá nhân, còn tập thể thì tước đoạt lợi ích của người ta. Hợp tác là các bên cùng có lợi và giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở sở hữu tư nhân, còn tập thể thì xóa bỏ sở hữu tư nhân vì lợi ích của sở hữu công cộng. Trung Quốc tiến hành không phải là phong trào hợp tác hóa mà là tập thể hóa. Tập thể hóa nông nghiệp đã tước đoạt các quyền và lợi ích của nông dân. Cơ sở kinh tế cho việc thiết lập chế độ toàn trị là phủ nhận quyền sở hữu tư nhân và phủ nhận lợi ích cá nhân. Không có phong trào tập thể hóa nông nghiệp thì hệ thống toàn trị không thể tồn tại được ở Trung Quốc.
Tập thể hóa nông nghiệp đưa vào tập thể tất cả các phương tiện sản xuất. Nông dân và cán bộ đội sản xuất không có quyền quyết định trồng cây gì, diện tích trồng là bao nhiêu và bằng phương tiện gì. Trong quá trình hợp tác hóa, nông dân được giữ lại một ít đất, đủ để trồng rau cho gia đình sử dụng, nhưng vào năm 1958 mảnh đất nhỏ này cũng bị tập thể hóa nốt. Tất cả sản phẩm nông nghiệp, trong đó có lương thực thực phẩm, bông và dầu ăn đều bị nhà nước mua hết. Đảng ủy và chính quyền cấp trên của xã quyết định mỗi người nông dân được sử dụng bao nhiêu ngũ cốc và loại ngũ cốc nào. Buổi sáng dân làng tập trung lại để nghe lãnh đạo đội phân công lao động, họ làm việc cùng nhau dưới sự lãnh đạo của đội trưởng.
Khi độc quyền của nhà nước trong việc mua và bán đã trở thành hiện thực thì tất cả các mặt hàng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của cả dân thành thị lẫn nông thôn đều được cung cấp qua hệ thống tem phiếu của nhà nước. Những tờ tem phiếu này chỉ được đổi lấy hàng hóa tại khu vực mà người sở hữu đăng kí hộ khẩu mà thôi. Hệ thống đăng kí hộ khẩu rất chặt chẽ, muốn rời khỏi khu vực, dù trong một thời gian ngắn, cũng phải có giấy thông hành do chính quyền địa phương cấp, lại phải mang theo tem lương thực, phiếu dầu ăn cùng các loại tem phiếu khác. Khi đến nơi còn phải trình giấy tờ cho công an địa phương để đăng kí thì mới được ở và được sử dụng tem phiếu để mua lương thực và dầu ăn. Tem phiếu có hai loại: tỉnh và toàn quốc. Tem phiếu toàn quốc được sử dụng bên ngoài tỉnh mà người đó cư trú, muốn nhận loại tem này thì phải trình giấy thông hành do Sở/Ty Công an tỉnh cấp.
Ngoài nông nghiệp, nông dân không được làm bất cứ việc gì khác, muốn rời khỏi làng phải được phép của đội trưởng sản xuất. Như vậy là, công việc và đời sống của người nông dân bị chính quyền giới hạn chặt chẽ trong khuôn khổ. Nhu yếu phẩm thì được tập thể (Công xã Nhân dân), nằm dưới sự quản lí chặt chẽ của chính quyền, cung cấp. Nếu xảy ra sai lầm trong chính sách làm cho tập thể không thể cung cấp được những món hàng nhu yếu phẩm này thì người nông dân bị trói chân trói tay, chỉ có chết, không có lối thoát nào khác.
Công xã Nhân dân là từ hợp tác xã nông nghiệp mà ra, đây là chế độ toàn trị đã phát triển trên một tầng cao mới. Sự hợp nhất của bộ máy quản lí chính quyền và quản lí làng xã trong các Công xã Nhân dân tạo ra bộ máy quản lí hành chính cơ sở của nhà nước và xã hội dựa trên sự hợp nhất về mặt xã hội. Quá trình này không chỉ hợp nhất bộ máy quản lí nhà nước với bộ máy quản lí sản xuất mà còn làm cho tất cả các hoạt động kinh tế đều phụ thuộc vào mục tiêu chính trị, làm cho tất cả tài sản đều nằm dưới quyền kiểm soát của quan chức nhà nước và đem cơ cấu tổ chức của chính phủ thay thế cho gia đình, tôn giáo và tất cả những hình thức tổ chức xã hội khác.
Khi các Công xã Nhân dân vừa được thành lập, người ta đã áp dụng hệ thống phân phối liên kết việc cung cấp và hệ thống tem phiếu với tiền lương. Hệ thống tem phiếu là phương tiện “cung cấp” cho người dân thường, thông qua các quan chức tất cả các cấp, những món nhu yếu phẩm mà họ cần dùng mỗi ngày. Đây là điều kiện để các quan chức kiểm soát không chỉ tài sản của công xã mà thông qua nhu yếu phẩm, họ còn kiểm soát cả các thành viên của công xã nữa. Nếu các quan chức không “cung cấp” thì thành viên công xã không thể nào sống được. Vì chính phủ không có đủ lượng hàng hóa cung cấp cho nên hệ thống tem phiếu chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Nhưng nó đã gây ra lãng phí khủng khiếp, đặc biệt là về lương thực thực phẩm.
Trong năm 1958 có một giai đoạn khi bộ đội được đưa về sống cùng với dân, gọi là quân sự hóa tổ chức, áp dụng chiến thuật tác chiến vào sản xuất và tập thể hóa đời sống hàng ngày. Công việc của cả đàn ông lẫn đàn bà trong Công xã Nhân dân được tổ chức song song với luyện tập quân sự như là cách kết hợp hoạt động quân sự. Thông qua những dự án lớn như “Sản xuất thép đại trà”, “Đại thủy nông” và “Sản xuất nông nghiệp đại trà”, các quan chức sắp xếp, tập trung và chỉ huy nông dân theo lối nhà binh.
Nhà ăn tập thể và nhà trẻ biến cách sống truyền thống với gia đình là đơn vị thành cách sống tập thể với đội sản xuất là đơn vị. Mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ gia đình. Sau khi chức năng kinh tế của gia đình, như một đơn vị kinh tế và phương tiện tồn tại đã bị xóa bỏ, người nông dân không còn có thể dựa vào lao động của mình để tìm kiếm thức ăn từ tự nhiên được nữa, mà phải dựa hoàn toàn vào nhà nước, dựa vào nhà ăn của công xã, đấy là nơi cung cấp cho họ đồ ăn, thức uống.
Nhà ăn công xã là nguyên nhân chính làm nhiều người chết đói. Quá trình hình thành nhà ăn công xã diễn ra đồng thời với việc xóa bỏ đơn vị gia đình và cướp bóc tài sản của nông dân. Bếp trong từng gia đình bị đập bỏ, dụng cụ nấu nướng, bàn và ghế thì bị đưa vào nhà ăn công xã. Tất cả lương thực thực phẩm và củi đun được đưa về nhà ăn công xã, tất cả gia súc, gia cầm và rau xanh đều do thành viên công xã thu hoạch. Một số nơi, chỉ có nhà ăn công xã mới được xây ống khói.
Thiệt hại đầu tiên do nhà ăn công xã gây ra là mất mát lương thực. Trong hai tháng hoạt động đầu tiên, tất cả các thành viên công xã, không phụ thuộc vào đóng góp của họ trong quá trình sản xuất, đều ăn ở nhà ăn công xã. Lúc đó lo lắng của Mao và các nhà lãnh đạo khác về việc “sẽ làm gì nếu có quá nhiều lương thực” được truyền xuống tới tận quần chúng. Nông dân cảm thấy rằng Trung Quốc có nhiều lương thực và khi số lương thực hiện nay hết thì chính phủ sẽ cung cấp thêm. Một số công xã sử dụng hết số lương thực mà họ có ngay từ cuối năm 1958 và chờ nhà nước bổ sung, nhưng chẳng bao giờ có.
Nhà ăn công xã đẩy các thành viên vào hoàn cảnh cực kì tồi tệ. Người xếp hàng rất dài, ai đến chậm thì nhịn. Trong các khu vực miền núi, nơi cư dân sống rải rác, nhà ăn nằm rất xa, mang được về đến nhà thì thức ăn đã nguội hết. Chất lượng thức ăn thật là khủng khiếp. Khi lương thực cạn kiệt, thành viên công xã mang rau dại đến nhà ăn để nấu, những món này còn tệ hơn nữa. Tình hình này làm cho nạn đói còn tệ hại hơn. Nhưng nhà ăn công xã lại trở thành nơi chứa chấp đặc quyền đặc lợi của cán bộ; họ bao giờ cũng tìm cách ăn cho no, nạn tham nhũng hoành hành cùng với việc tịch thu một cách bất hợp pháp số lương thực thực phẩm vốn đã ít làm cho các thành viên công xã đã đói càng đói thêm.
Chức năng quan trọng nhất của nhà ăn công xã là áp đặt “chuyên chính vô sản” lên dạ dày của mỗi người. Khi nhà ăn công xã bắt đầu hoạt động, đội trưởng sản xuất liền trở thành đội trưởng của cả nhà ăn, những người tỏ ra bướng bỉnh có thể bị tước luôn khẩu phần. Trên thực tế, nhà ăn công xã buộc dân làng phải đưa thìa xúc thức ăn của họ cho lãnh đạo, và bằng cách đó, đưa mạng sống của mình vào tay lãnh đạo; không còn được cầm thìa múc lấy thức ăn, dân làng mất ngay quyền kiểm soát chính mạng sống của mình. Ở một số chỗ trong tác phẩm này, tôi đã tìm được bằng chứng về sự kiện làm thế nào mà việc tịch thu lương thực thực phẩm tại một số địa phương đã làm người dân chết đói. Hàng ngàn người đã chết một cách oan ức vì bị cán bộ cơ sở đánh đập hoặc ngược đãi. Dương Úy Bình (楊蔚屏), ủy viên Ban Thư kí Tỉnh ủy Hà Nam, trong “Báo cáo về sự kiện ở Tín Dương” đề ngày 15 tháng 10 năm 1960, đưa ra những số liệu cụ thể như sau: 2.104 người ở huyện Cận Quang Sơn (僅光山) và huyện Hoàng Xuyên (潢川) bị đánh cho đến chết, 254 người ở huyện Hoàng Xuyên bị đánh đến mức trở thành tàn phế. Không chỉ dân làng mà cả những cán bộ địa phương có thái độ bất hợp tác cũng bị giết và bị đánh. Ở làng quê, cái gọi là chuyên chính vô sản, trên thực tế, đã trở thành chế độ chuyên chế của cán bộ, những kẻ có quyền lực lớn có thể đối xử rất tàn tệ với người dân và thuộc cấp dưới quyền.
Trong quá trình công xã hóa, có chiến dịch gọi là chống lại “báo cáo láo về sản lượng và phân phối lén lút” và tổ chức nhà ăn công xã, những người có thái độ lừng chừng, những người lén lút ăn hạt giống của công xã vì đói quá, những người không đủ sức tham gia vào những dự án thủy lợi lớn, bị trừng phạt rất dã man. Có hàng chục biện pháp trừng phạt khác nhau, trong đó có treo lên xà nhà rồi đánh, quỳ trong một thời gian dài, đưa đi diễu trên đường phố, bắt nhịn ăn, đứng dưới nắng hay ngoài trời lạnh, cắt tai hay biện pháp gọi là “đậu xào” (nạn nhân bị những người đứng xung quanh thay nhau xô đẩy và đánh đập). Tất cả đều khủng khiếp, đều không thể nào chịu đựng nổi.
Ở công xã Bành Tân (彭新), huyện La Sơn (羅山), địa khu Tín Dương, 16 đảng viên dự bị tham gia đánh người đã được “trả công” bằng việc chính thức kết nạp vào Đảng. Một người không được kết nạp vì không chịu tham gia vụ đánh người nói trên. Một số chương và phần trong tác phẩm này có trình bày bằng chứng rằng có nhiều trường hợp bị chết vì bị đánh đập tại một số tỉnh. Cần phải nói rằng những trường hợp này được đưa ra ánh sáng trong chiến dịch sửa sai diễn ra vào năm 1961. Đa số trường hợp xảy ra ở những đội sản xuất “lạc hậu” “hạng ba”, và không phải đội sản xuất nào cũng xảy ra những vụ bi kịch như thế. Dẫu sao, cái gọi là những đội sản xuất “lạc hậu”, theo Mao, chiếm tới một phần ba tổng số đội trong cả nước, một tỉ lệ phải nói là quá cao.
Trong những điều kiện bình thường, khi nạn đói xảy ra, dân chúng thường kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài hay chạy sang những vùng khác. Nhưng trong hệ thống chính quyền của Trung Quốc lúc đó, dân làng không có quyền tìm kiếm sự giúp đỡ hay chạy đi nơi khác. Các quan chức mọi cấp sử dụng mọi phương tiện họ nắm trong tay nhằm ngăn chặn tin tức về nạn đói để nó không lan truyền ra thế giới bên ngoài. Sở Công an kiểm soát tất cả thư từ và giữ lại những bức thư gửi ra những khu vực khác. Thị ủy Tín Dương buộc bưu điện địa phương giữ lại 12.000 bức thư kêu gọi trợ giúp từ bên ngoài. Nhằm ngăn chặn, không cho tin tức về nạn đói lan truyền ra ngoài, cả làng bị đặt trong tình trạng nội bất xuất ngoại bất nhập, người dân bị cấm không được ra khỏi nhà. Những người tị nạn, tức là những người đã tìm cách trốn được, bị dẫn đi diễu hành trên đường phố, bị đánh hay trừng phạt bằng những biện pháp khác như những kẻ “lang thang”.
Đa số chịu đựng, một ít người chống đối hệ thống đã bị nó nghiền nát. Trước một hệ thống chính trị tàn nhẫn như thế, quyền cá nhân đơn giản là không tồn tại. Hệ thống giống như một cái khuôn đúc; kim loại dù có rắn đến mức nào, nhưng một khi đã bị đun chảy và đổ vào khuôn thì sẽ có hình dạng giống như nhau cả. Dù là ai, sau khi đi qua hệ thống toàn trị, tất cả đều trở thành một người có hai bộ mặt nhìn vào hai hướng khác nhau: bạo chúa hay nô lệ, tùy thuộc vào vị trí của anh ta với cấp trên hay cấp dưới của mình. Mao Trạch Đông là người làm ra cái khuôn đó (nói một cách chính xác hơn, ông ta là người kế tục và hoàn thiện mô hình chuyên quyền độc đoán), và chính ông ta, ở khía cạnh nào đó, cũng là đày tớ của chính cái khuôn đó. Trong khuôn khổ của hệ thống này, hành động của cá nhân Mao là hành động có ý thức, nhưng ở mức độ nào đó những hành động này lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Không ai, thậm chí cả Mao, có đủ sức chống lại hệ thống. Mặc dù ông ta đã sớm nhận thức được những vấn đề nổi lên vào năm 1958 và đã đưa ra một số chỉ thị nhằm chỉnh đốn lại, nhưng không có kết quả. Theo logic của thời đó và trong khuôn khổ thịnh hành lúc đó, những cái hiện nay là vô lí rành rành thì lúc đó lại là có lí và là chuyện thường ngày.
Chế độ toàn trị là chế độ lạc hậu nhất, dã man nhất và phi nhân nhất so với tất cả những chế độ khác trong thế giới hiện đại. Vài chục triệu người vô tội chết trong một nạn đói kéo dài ba năm là hồi chuông báo tử cho hệ thống này. Phong trào giáo dục xã hội chủ nghĩa và Cách mạng Văn hóa diễn ra sau đó đã không những không cứu được hệ thống mà còn làm cho nó trở thành vô phương cứu chữa.
Sau hơn 20 năm cải cách kinh tế, hệ thống toàn trị đã trở nên linh hoạt hơn; các Công xã Nhân dân đã bị giải tán từ lâu, độc quyền của nhà nước trong việc mua và bán cũng đã bị bãi bỏ, và người dân đã có quyền tìm kiếm và phát triển cách sống của mình thông qua thị trường. Trung Quốc đã trải qua một cuộc chuyển hóa cực kì to lớn. Nhưng vì hệ thống chính trị vẫn không thay đổi, những thay đổi ngoạn mục trong lĩnh vực kinh tế và xã hội chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng kinh tế mà thôi. Biểu hiện rõ nhất của mâu thuẫn này là việc phân phối một cách bất bình đẳng thành quả và giá phải trả của công cuộc cải cách. Những người phải trả giá đắt nhất cho công cuộc cải cách lại là những người được hưởng lợi ít nhất, và trong một số trường hợp còn trở thành thành viên của tầng lớp bị thua thiệt nữa. Những người phải trả giá ít nhất cho công cuộc cải cách lại là những người hưởng lợi nhiều nhất và trở thành thành viên của giai cấp đặc quyền đặc lợi. Những vụ lạm dụng đan xen với nhau trong nền kinh tế thị trường chỉ nhằm thu lợi nhuận và quyền lực không hạn chế của chế độ toàn trị đã gây ra vô vàn bất công và làm gia tăng sự bất bình trong đa số thuộc tầng lớp dưới.
Trong thế kỉ mới, tôi tin rằng những người cầm quyền cũng như người dân thường đều nhận thức một cách thực tâm rằng hệ thống toàn trị đã đi tới giai đoạn cáo chung rồi. Vấn đề bây giờ là làm sao giảm thiểu được những biến động xã hội và thiệt hại khi hệ thống thay đổi. Đây là vấn đề cần phải xem xét. Tôi tin rằng nếu mỗi người đều tiếp cận vấn đề không phải từ quyền lợi cá nhân hay quyền lợi của nhóm mà vì quyền lợi của xã hội rộng lớn hơn và tiến hành lựa chọn một cách có ý thức nhằm thực hiện công cuộc cải cách thì chúng ta có thể tìm được biện pháp nhằm giảm đến mức tối thiểu cú sốc và thiệt hại mà nó gây ra. Cơ sở của nền kinh tế thị trường đã tạo ra nền tảng kinh tế vững chắc cho hệ thống chính trị dân chủ, còn xã hội toàn trị thì đã nới lỏng thành xã hội hậu toàn trị rồi. Thị trường phát triển cùng với quá trình dân chủ hóa. Tôi tin chắc rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ chứng kiến chế độ toàn trị được thay thế bằng chế độ dân chủ. Và ngày đó sẽ chẳng còn xa nữa.
Bằng tác phẩm này, tôi đã dựng trước bia mộ cho ngày tàn của hệ thống toàn trị, để cho các thế hệ sau biết rằng trong giai đoạn chuyển tiếp của lịch sử, tại một số nước người ta đã từng thiết lập nên một hệ thống nhân danh “giải phóng nhân loại” nhưng kết quả thực sự lại là sự nô dịch con người. Hệ thống này tự quảng bá là “Đường lên thiên đàng” nhưng trên thực tế lại là “Đường tới diệt vong”.
Nguồn: Tạp chí “Trung Hoa đương đại” (2010), số 19 (66), tháng 9, trang 755-776). Bản tiếng Anh.
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra; © 2012 Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ
___________________________
Lời cảm tạ: Chúng tôi, những người dịch, xin chân thành cám ơn những người bạn thân đã cổ vũ và giúp đỡ rất nhiều, chẳng hạn như tìm giúp cho bản tiếng Hán, bớt thời gian quý báu của mình đọc trước bản dịch và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.
Lưu ý về chú thích:
- Chú thích của tác giả sẽ viết tắt là TG.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Anh sẽ viết tắt là TA.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Việt sẽ viết tắt TV.
- Tên riêng nào (chỉ còn có hai cái) chúng tôi chưa tra được nguyên văn tiếng Hán, đành phỏng đoán sát nhất và đánh dấu hoa thị (*).
[i] TA: Trong những trang sau tác giả gán trích dẫn này cho tác phẩmLuật pháp (The Laws) của Plato, được Karl R. Popper dẫn lại trong Xã hội mở và những kẻ thù của nó (The Open Society and Its Enemies).
[ii] TG: Lưu Thiếu Kỳ, “Diễn văn tại Hội nghị công tác mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, 27 tháng 1 năm 1962, in trong Tuyển tập Lưu Thiếu Kỳ, tập 2 (Bắc Kinh: Nhân dân xuất bản xã, 1985), trang 441–442.