Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Thiếu nhạc trưởng trong nghiên cứu chủ quyền Biển Đông

-Đọc lời bình của GS THD mà ttngbt không còn biết có thể tin vào sự lãnh đạo tài tình nữa hay không?
-Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: Đừng học Trung Quốc 'lấy sách đè người' (TVN 16-8-12)- Thiếu nhạc trưởng trong nghiên cứu chủ quyền Biển Đông (TVN 17-8-12) (Than ôi!  Một nhà nghiên cứu chỉn chu như Phạm Hoàng Quân vừa phải dọn về quê mà sống: Bạn về quê ở (viet-studies 1-8-12))
Thông tin bảo vệ chủ quyền phải vừa kiên quyết vừa mềm dẻo (LĐ 17-8-12) -- Ông Đỗ Quý Doãn ra chỉ thị như thế.  Hình như ông không phân biệt "thông tin" và "bình luận".  "Bình luận" thì có thể "kiên quyết" hay "mềm dẻo", nhưng thông tin thì chỉ có thể đúng hoặc sai, đầy đủ hay không.
Hiện nay, đa số học giả Trung Quốc căn cứ vào loại tư liệu du ký, nhiều hơn là chính sử và địa chí, để nêu quan điểm và lập luận của họ về chủ quyền đối với Biển Đông và hai quần đảo. Điều đó không hề có tính pháp lý, bởi chính sử và địa chí là do nhà nước chủ trương thực hiện, còn du ký là của những nhà hàng hải và thương buôn.


LTS: Mục "Gặp gỡ & Đối thoại" tuần này xin được trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện giữa phóng viên Huỳnh Phan và nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân - người "mở hàng" cho loạt bài của Tuanvietnam về các nhà nghiên cứu Biển Đông trong và ngoài nước.
Cuộc trao đổi này được thực hiện cách đây đúng mười ngày tại nhà riêng của Phạm Hoàng Quân tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - nơi vị học giả này mới kịp "tái định cư" được hai tuần, sau ngót 15 năm "tha hương cầu... đạo" ở đất Sài Thành.
Mặc dù, mục đích chính của phóng viên là tìm hiểu công việc của một nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông - điều mà phóng viên đã từng muốn thực hiện cách đây đúng 2 năm, sự khởi đầu câu chuyện vẫn cứ liên quan đến sự ồn ào của giới truyền thông xung quanh việc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp nhận tấm bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh dư địa toàn đồ", được vẽ năm 1904, từ TS Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Phả học Việt Nam vào hôm 25.7 vừa rồi.
Đó là vì khi nhận được lời yêu cầu phỏng vấn, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã trả lời rằng, trước đó, ông đã từ chối nhiều đề nghị phỏng vấn liên quan đến sự kiện truyền thông nói trên, và ông không muốn tạo ra một ngoại lệ.



Nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân. Ảnh: Huỳnh Phan
Xin ông giải thích lý do ông từ chối trả lời liên quan tới tấm bản đồ cổ "Hoàng triều trực tỉnh dư địa toàn đồ".
Theo tôi, chuyện đó là một hình thức truyền thông bình thường, để cho số đông họ có ý thức rằng chính cái bản đồ cổ của Trung Quốc đã nêu lên vị trí địa lý cụ thể của Trung Quốc. Việc làm đó của truyền thông đã đạt được những hiệu quả đáng kể rồi.
Thế nhưng, nếu những người nghiên cứu mải sa vào câu chuyện đó, họ sẽ mất đi tính hệ thống trong nghiên cứu. Bởi cái bản đồ đó không phải là bản đồ duy nhất, mà đã có rất nhiều cái như vậy.
Trước đây 30 năm, người ta đã từng công bố những bản đồ như vậy rồi, tất nhiên, chỉ trong phạm vi của giới học thuật. Thành ra, sự kiện này không lạ với giới nghiên cứu, và việc nếu nhà nghiên cứu coi tấm bản đồ này là một cổ vật trân quý thì không hẳn đã hay lắm.
Theo thiển nghĩ của tôi, do chưa có tổng hợp và phân loại một cách hệ thống các nguồn tư liệu, chúng ta hay bị tham, đâm ra nhiều khi bị rối. Chúng ta đã chưa rút bài học của Trung Quốc.
Ý ông là sao?
Đối với vấn đề Biển Đông, tư liệu của họ gấp mười lần mình. Nhưng chính việc họ gom tất cả vào để khẳng định chủ quyền của họ đã làm nảy sinh ra những lỗ hổng, những sự mâu thuẫn, mà chúng ta có thể tận dụng để phản biện.
Đề cập tới việc tổng hợp và phân loại tư liệu, ông chỉ nói đến cả tư liệu của Trung Quốc hay cả nguồn tư liệu của Việt Nam?
Tôi chưa đi hẳn về nghiên cứu sử liệu Việt, nhưng tôi vẫn phải đọc để hình dung được công việc đang làm. Tôi rất muốn góp ý với giới học giả Việt Nam nghiên cứu sử liệu Việt đừng lặp lại cái sai lầm và sơ hở mà Trung Quốc đã mắc phải.
Nếu mình chịu khó hãm lại một nhịp, để tổng hợp và phân loại cho thật kỹ, không cần nhiều, nhưng phải có trình tự các đời, sẽ hiệu quả hơn nhiều. Mà cũng không cần xưa quá, chỉ cần từ thời các chúa Nguyễn trở về sau là đủ. Bởi khi đưa những cái xưa quá, nó sẽ hổng vì tính chính xác không cao.
Tức là đừng học cái chiến thuật "biển người - biển sách" của họ, hay nói theo các cụ nhà ta là "lấy sách đè người", đúng không ạ?
Đúng vậy. Nhưng tôi cũng biết rằng cái này góp ý khó lắm. Nhiều khi cản cái nhiệt tâm của người ta cũng khó.
Vậy có thể điều chỉnh chuyện này bằng cách nào?
Các cơ quan ngôn luận phải biết chắt lọc.
Có hai loại công bố: thứ nhất trong các ấn bản chuyên ngành, trong các hội thảo khoa học, và thứ hai là trên truyền thông đại chúng.
Tôi cũng hiểu điều này cũng không dễ dàng gì với báo giới các anh. Vì đây nó thuộc bản tính dân tộc của mình rồi. Gần đây nhất là vụ địa đồ, nó đã làm cho công chúng, nói một cách dân dã và dễ hiểu nhất, cảm thấy hý hửng lên một cách thái quá.
Cái kiểu nay phát hiện một món, mai phát hiện một món, rồi đều coi các món này là quan trọng số một, rất không ổn. Chưa xếp vào khuôn thì chưa biết nó quan trọng thế nào đâu.


Vậy đối với một nhà nghiên cứu như ông, việc công bố tấm bản đồ vừa rồi thực sự có ý nghĩa gì không?
Tôi coi nó là một trong nhiều vật để có thể xâu chuỗi lại thành một hệ thống, nhằm phục vụ nghiên cứu. Ý nghĩa của nó chỉ gói gọn trong đó thôi.
Vì sao ư? Bởi chỉ trong phạm vi địa đồ nói riêng, một tấm bản đồ là một thành phần quá nhỏ. Còn nói về tư liệu lịch sử nói chung, địa đồ cũng chỉ là một bộ phận thôi.
Khi nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc, anh phải biết cả về những điều ghi chép trong sử, những điều ghi chép trong địa phương chí (địa chí). Hai cái này hình thành ý thức về địa đồ.
Tức là địa đồ xuất hiện sau hai loại hình kia?
Đúng thế. Đầu tiên có sử, sau đó có địa chí, và để quản lý hành chính, đất đai, người ta mới vẽ địa đồ. Nói cách khác, địa đồ là loại hình trực quan, đúc kết lại những điều đã được ghi trong chính sử và địa chí. Chính vì vậy, nó phải được dẫn giải bởi các tư liệu khác nữa mới có giá trị.
Khi nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, anh phải phối hợp được ba loại tư liệu chính thống này của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Chỉ khi ba loại tư liệu này ăn khớp, không mâu thuẫn với nhau, thì những gì ghi trên địa đồ mới có độ xác tín cao.
Tại sao một tấm bản đồ không có tư liệu dẫn giải thì lại ít giá trị? Người ta có thể cho là nguồn gốc không rõ ràng?
Tôi ngại rằng điều sắp nói ra có thể làm mích lòng các anh em chơi đồ cổ...
Vậy chúng ta hãy cùng xin họ thứ lỗi trước, cho nó lành. Đây là câu chuyện hoàn toàn học thuật thôi mà.
Người ta hoàn toàn có thể làm giả một bản đồ cổ. Vì mục đích kinh doanh, chứ hoàn toàn không liên quan đến chính trị.
Tuy nhiên, nếu không giỏi về sử và địa chí, những người làm giả bản đồ cổ sẽ không tránh khỏi những sơ suất trong những địa danh được ghi trên bản đồ, bởi chúng có thể không trùng khớp với niên đại xuất hiện của tấm bản đồ.
Chính vì vậy, bất cứ tấm bản đồ nào cũng cần phải được nghiên cứu xem nó có phù hợp với chính sử và địa chí hay không. Hay nói cách khác, địa đồ là phương tiện để củng cố thêm quan điểm mình đã xác lập, chứ không phải dựa vào một bức địa đồ để nói tất cả mọi chuyện.
Và mô hình nghiên cứu kết hợp giữa chính sử, địa chí và địa đồ, theo tôi, là mô hình nghiên cứu hoàn chỉnh nhất.
Xin hỏi ông, tại sao Trung Quốc vẫn cứ khăng khăng rằng họ có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông, cụ thể hơn là vùng nước lịch sử (nằm trong đường Lưỡi Bò) và hai quần đảo nằm trong đó là Hoàng Sa và Trường Sa.
Qua nghiên cứu chính sử và địa chí Trung Quốc, bao gồm cả địa chí toàn quốc, địa chí Quảng Đông và địa chí Quỳnh Châu (đảo Hải Nam), suốt từ đời Hán đến cuối đời Thanh, tôi mới rút ra rằng học giả Trung Quốc dựa vào một loại tư liệu hoàn toàn khác, so với ba loại tư liệu có tính chính thống mà chúng ta đã nói ở trên. Đó là tư liệu của các nhà hàng hải Trung Quốc, tức là loại tư liệu giao thông trong khu vực.
Người Trung Quốc có truyền thống đi biển đã lâu. Chẳng hạn, từ đời Tống họ đã vượt biển đi về phía các nước Đông Nam Á rồi. Trong quá trình đi lại, họ có ghi chép lại các hiện tượng và sự vật trên Biển Đông. Nhưng những ghi chép đó không phải để xác lập chủ quyền, mà được coi là những ghi chép trung tính.
Hiện nay, đa số học giả Trung Quốc căn cứ vào loại tư liệu du ký, nhiều hơn là chính sử và địa chí, để nêu quan điểm và lập luận của mình. Điều đó không hề có tính pháp lý. Bởi chính sử và địa chí là do nhà nước chủ trương thực hiện, còn du ký là của những nhà hàng hải và thương buôn.
Thế còn về mặt địa đồ?
Trung Quốc vẫn có những địa đồ vẽ Hoàng Sa và Trường Sa, ghi những cái tên như Vạn Lý Trường Sa, hay Thiên Lý Thạch Đường. Nhưng đó là những địa đồ được vẽ ra sau khi bị ảnh hưởng của những địa đồ thế giới, bắt đầu được đưa vào Trung Quốc vào đời Minh. Người Trung Quốc biết có những hòn đảo đó, và khi vẽ bản đồ thế giới, hay khu vực, họ cũng đưa luôn vào.
Tôi phân loại bản đồ do Trung Quốc thực hiện làm hai loại: bản đồ hành chính Trung Quốc và bản đồ hành chính thế giới / khu vực.
Vậy là giới học giả Trung Quốc đã đánh lận con đen, khi dùng bản đồ hành chính thế giới, hay khu vực, để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc?
Hoàn toàn đúng. Đó là cách thực hiện một bản đồ, chứ không phải một hành vi khẳng định chủ quyền.
Họ có nhiều bản đồ như vậy không?
Địa đồ Trung Quốc thời Minh và thời Thanh có nhiều bản đồ vẽ các quần đảo, và các nước lân cận.
Theo dõi tranh luận giữa học giả Việt Nam và Trung Quốc xung quanh chứng cứ lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo ở Biển Đông, ông có thấy các học giả Việt Nam xoáy kỹ vào lập luận ông vừa nêu ra không?
Học giới Việt Nam, theo tôi nhìn nhận một cách tổng quan, bị giới hạn bởi việc chưa phân loại một cách cụ thể các nguồn tư liệu mình có. Theo tôi, điều quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu là phải tổng hợp tư liệu, rồi từ đó mới phân loại và phân tích trên những loại tư liệu đã được phân ra.
Thường thì mình có thói quen là thấy cái gì thì đem cái đó vào bài viết. Điều đó dễ dẫn tới lý luận bị chuệch choạc, thiếu ăn khớp.
Ông có thể nói rõ hơn được không?
Thí dụ như anh đang phản biện về chủ quyền của Trung Quốc, anh đem bản đồ Trung Quốc không có quần đảo vào. Nhưng rồi, một hồi sau, anh lại dẫn kỷ sự của Trung Quốc để chứng minh chủ quyền của Việt Nam. Đó là những lỗ hổng do việc phân loại tư liệu không kỹ.
Tư liệu của Trung Quốc phân ra hai nhánh. Nhánh thứ nhất thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông và hai quần đảo của Việt Nam, còn nhánh thứ hai là chưa từng công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Hai nhánh này khác xa nhau lắm.
Thí dụ, cuốn sách "Hải ngoại kỷ sự" của ông Thích Đại Sán, được các nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam hay đề cập, có kể rằng ông hoà thượng Quảng Đông này đi qua Việt Nam vào thế kỷ 17, ghi chép về các quần đảo, và thừa nhận Chúa Nguyễn có cho người ra thu thuế ở quần đảo Hoàng Sa. Loại tư liệu này là du ký của một ông sư, trong đó thừa nhận người Việt Nam đã sở hữu quần đảo Hoàng Sa.
Loại tư liệu này có giúp gì trong việc khẳng định chủ quyền hay không?
Có. Nhưng mới chỉ dừng ở nhận thức của người Trung Quốc, hay giới trí thức Trung Quốc, chứ không phải sự thừa nhận của chính quyền Trung Quốc. Vậy nếu phía Trung Quốc họ phản biện rằng ông nhà sư này không hề đại diện cho chính quyền Trung Quốc, không hề biết về quản lý hành chính thì mình trả lời như thế nào?
Huỳnh Phan
(Còn tiếp)
Vào khoảng năm ’80, Việt Nam đã có in một vài tập mỏng mỏng khẳng định chủ quyền của mình, và phản bác chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng kể từ đó trở đi, chưa có một công trình hệ thống hoá một cách đầy đủ tư liệu của Trung Quốc. Tức là cách làm việc của mình đã bị trật ngay từ đầu.
Tuanvietnam xin tiếp tục giới thiệu phần 2 cuộc trao đổi giữa phóng viên Huỳnh Phan và nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân liên quan đến công việc nghiên cứu chủ quyền Biển Đông.
Giáo sư Vũ Minh Giang ở Đại học Quốc gia, trong bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhân dịp Hội nghị Quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất vào cuối tháng 11/2009, đã cho rằng Việt Nam thiếu một nhạc trưởng đối với công việc nghiên cứu vấn đề tranh chấp biển đảo, tức là mình chưa hiểu cái gì thì mình có đầy đủ rồi, cái gì mình thiếu, để tập trung và phần bổ nguồn lực nghiên cứu cho hợp lý. Có cái đủ rồi, thậm chí thừa, rồi vẫn cứ cố làm, trong khi cái thiếu thì không ai ngó cả. Như vậy, các nhà ngoại giao khi đấu tranh chủ quyền không khéo lại bất lợi.
Ý ông thế nào?
Thực ra, tôi không dám nói mạnh như các ông đó. Bởi vị thế của mình, nói ra có khi người ta không thích.
Nhưng ông có chia sẻ quan điểm ấy không?
Ông Vũ Minh Giang đánh giá vậy là đúng. Bởi việc nghiên cứu nằm tản mát ở nhiều cơ quan nhà nước, rồi các cá nhân cũng lại muốn có tên đóng góp trong sự nghiệp chung.
Chẳng hạn, không ít cái gọi là phát hiện cũng trật, bởi cái đó bản thân mình thấy muộn, chứ người khác thấy trước, thậm chí lâu rồi. Từ “phát hiện” nhiều khi bị lạm dụng.
Vâng, dưới những cách diễn đạt khác nhau, ngoài từ phát hiện, còn có những cụm từ như “lần đầu tiên xuất hiện”, hay “chuyện bây giờ mới kể”. Nhiều khi chuyện đó người ta kể từ lâu rồi ấy chứ.
Trở về vấn đề anh hỏi, về việc cần có một nhạc trưởng, tôi cũng đã từng nói rồi, nhưng theo cách khác. Tôi nhấn mạnh tới việc cần phải kết tập tư liệu thành hệ thống. Và đó là chuyện của một cơ quan nhà nước lớn, chứ tư nhân đâu làm được. Vừa không có sức, vừa không đủ kinh phí.
Người chỉ đạo, mà dùng từ nhạc trưởng chuẩn hơn, có thể không nghiên cứu giỏi về một lĩnh vực nào, kiểu như nhạc công chơi giỏi một loại nhạc cụ nhất định, nhưng phải hiểu cả một dàn nhạc.
Trong trường hợp của ông, liệu có sự phối hợp nào đó giữa nghiên cứu của ông với các tổ chức nghiên cứu của nhà nước không?
Nói chung, họ chỉ tham khảo những gì tôi viết và công bố thôi. Tôi không thuộc ngạch của nhà nước, nên khó có điều kiện tham gia nhiều vào các dự án nghiên cứu do nhà nước tài trợ.
Tức là ông chưa có những đơn đặt hàng cụ thể về nghiên cứu?
Làm gì có.
Quay lại câu chuyện nhạc trưởng, hình như riêng đối với việc nghiên cứu chứng cứ lịch sử mình cũng đã thiếu một sự phối hợp như vậy, đúng không ạ?
Đúng là còn yếu quá. Chính vì vậy, tôi rất quan tâm đến việc xây dựng thư mục nghiên cứu. Gần đây, tôi có làm một bộ thư mục liệt kê tất cả các sách sử Trung Quốc, sách địa chí Trung Quốc có liên quan đến Biển Đông, để các anh em nghiên cứu tìm nó một cách dễ dàng. Thư mục này có cả danh mục địa đồ liên quan.  

Ảnh Lê Anh Dũng.

Tôi thống kê hết cả những cái ích lợi lẫn bất lợi cho việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Bởi, theo tôi, cả hai loại tư liệu này đều phải được nghiên cứu kỹ càng, chứ không nên chỉ chọn những thứ có lợi cho lập luận của mình.
Để mình khỏi bất ngờ khi Trung Quốc họ đưa ra những chứng cứ và lập luận ngược lại?
Đó chính là cái tôi muốn nhấn mạnh trong đường lối nghiên cứu, phải hết sức toàn diện.
Thư mục đó ông đã công bố chưa?
Tôi đã công bố phân nửa rồi, trên trang của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Đó là trang nội bộ của anh em nghiên cứu, khi cần họ có thể tham khảo.
Ví dụ, một đầu sách có thể được xuất bản bao nhiêu lần cho tới nay, tôi đều phải điểm lược hết. Khi đó, những anh em nghiên cứu trên khắp thế giới người tìm được bản này, người tìm được bản kia. Có thể là ở một hiệu sách cũ ở một xứ nào đó, hay ở một thư viện cổ ở một xứ khác mà anh em nghiên cứu ở Việt Nam không thể kiếm được.
Ngay cả đối với một đầu sách, mình cũng cần phải có 5-7 bản in ở các thời điểm khác nhau.
Lý do?
Để mình đối chiếu xem học giả Trung Quốc họ dẫn ra có đúng hay không. Phải kiểm tra cho đúng, chứ đừng nên thấy họ nói rồi mở miệng cãi liền, không khéo lại hớ.
Làm thế nào để ông xây dựng một thư mục như vậy?
Tôi phải đọc rất nhiều sách của các học giả Trung Quốc. Bởi khi viết xong công trình họ phải liệt kê thư mục tham khảo. Khi mình điều tra như vậy, mình sẽ có cơ hội tìm thêm được những nguồn tư liệu mới.
Nhờ đó, tôi cũng tìm được một số sách cổ để nghiên cứu, nhưng cũng chỉ là một phần trong cái thư mục đó thôi.
Trước khi tôi đăng thư mục này, tôi đã cho đăng nhiều công trình nghiên cứu rồi. Chẳng hạn, công trình nghiên cứu về chính sử Trung Quốc, công trình nghiên cứu về địa phương chí Trung Quốc, mỗi công trình cả trăm trang, đúc kết những điều cốt lõi mà các loại tư liệu đó nêu ra.
Bản thư mục đó tôi vẫn dùng cho công việc nghiên cứu của mình cho tiện, nhưng thấy nó cũng cần thiết cho anh em khác, trước hết là những anh em chuyển ngữ từ tiếng Trung qua tiếng Anh, từ tiếng Việt qua tiếng Anh. Bởi người phương Tây họ viết tên cuốn sách đó bằng chữ phiên âm, còn người Việt mình viết bằng chữ Hán – Việt, đôi khi người ta không hiểu hai cuốn đó thực ra là một. Tôi bổ sung tên sách theo tiếng Anh, ghi nguồn gốc xuất bản của những cuốn này, từ đời Hán đến đời Thanh khoảng 200 cuốn, và thêm khoảng 180 cái bản đồ. Điều đó giúp cho anh em đỡ mất thì giờ.
Do việc chuyển nhà nên tôi ngưng lại một chút, chắc mất vài tháng nữa mới hoàn thành xong để công bố nốt.
Khi thư mục được đăng trên trang của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, phản ứng của anh em nghiên cứu khác như thế nào?
Đây là trang nội bộ, ít có người đọc. Nhưng anh em trong quỹ rất là phấn khởi. Tôi cảm giác được là trước giờ họ đang thiếu chính cái đó.
Mặc dù không đóng góp trực tiếp cho đấu tranh về chủ quyền, nhưng bản thư mục này chính là chìa khoá của nghiên cứu. Anh biết rồi đấy, ngành thư mục học của Việt Nam không mạnh lắm, không chỉ với chuyên ngành nghiên cứu Biển Đông.
Đối với một nhà nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu chính là kim chỉ nam, quyết định thành tựu nhỏ hay lớn. Tôi tò mò không hiểu, đối với một nhà nghiên cứu độc lập, chủ yếu tự học như ông, phương pháp nghiên cứu đó của ông đã hình thành như thế nào?
Thì cũng qua tự học thôi. Tôi đọc những công trình nghiên cứu của người Nhật về Trung Quốc qua bản dịch Hán Văn. Họ là những nhà nghiên cứu thực sự chuẩn mực, sâu sát, bài bản, và hệ thống. Các học giả hiện thời của Trung Quốc rất nể trọng những công trình nghiên cứu đó. Anh biết đấy, Trung Hoa học là một vấn đề hết sức quan trọng với người Nhật.
Tôi bắt đầu nghiên cứu về Biển Đông vào năm 2005, khi bắt đầu xảy ra một số chuyện lấn cấn ở khu vực này. Tự nhiên, tôi thấy tò mò về những nghiên cứu của người Nhật liên quan đến lịch sử tổng quan của Trung Quốc. Đọc rồi, tôi thấy họ nghiên cứu theo phương pháp hay lắm, và nhận thức rằng phương pháp nghiên cứu của mình hơi bị kém.
Có lẽ, cái phương pháp mà tôi đang sử dụng để nghiên cứu đã hình thành từ đó.
Tên những học giả Nhật Bản đó là gì?
Có một vài học giả nổi tiếng, sống ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mà chưa được đề cập ở Việt Nam, như Nội Đằng Hồ Nam (Naito Konan), Đằng Điền Phong Bát (Fujita Toyohachi), Tang Nguyên Chất Tạng, hay Ngạn Điền Ngâm Hương (Kishida Ginko) …
Một điều nữa đáng lưu ý ở đây là cái tinh thần học thuật của người Trung Quốc cũng cao lắm. Họ thấy công trình nghiên cứu nào của Nhật đối với những vấn đề chung của lịch sử Trung Quốc mà hay là họ dịch liền sang tiếng Trung. Cũng nhờ đó mà trình độ nghiên cứu của người Trung Quốc cũng phát triển theo.
Có lẽ đây là nhược điểm của Việt Nam vốn mang mang danh là có truyền thống hiếu học?
Nói riêng về các công trình nghiên cứu, mình còn hơi bị kém. Chúng ta chưa từng dịch công trình nghiên cứu đẳng cấp nào của Trung Quốc, và, cũng vì vậy, chúng ta cũng chưa biết những nhà nghiên cứu giỏi, chuyên sâu của Trung Quốc. Chúng ta chỉ dịch sách sử phổ thông, sách văn học, hay sách tư tưởng kinh điển thôi.
Điều nguy hiểm nhất ở đây là chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ rằng họ cũng nói khơi khơi, như trên truyền thông, chứ họ đâu có sâu sắc gì. Đâu ngờ chính cái tinh thần học thuật và trình độ nghiên cứu của người Trung Quốc phát triển rất mạnh theo những gì họ dịch ra từ công trình nghiên cứu của các học giả tài ba Nhật Bản và phương Tây.
Tôi cũng có được biết cách nghiên cứu của người Nhật có những điểm rất hay.
Chẳng hạn như Giáo sư Sakurai, người được trao giải thưởng Phan Chu Trinh năm 2009, đã đưa phương pháp nghiên cứu theo kiểu khu vực học vào Việt Nam, khi nghiên cứu tổ chức làng xã Việt Nam. Phương pháp này sau đó được các nhà nghiên cứu Việt Nam áp dụng.
Hay Giáo sư Yoshiharu Tsuboi đã đưa ra một cách nhìn nhận rất mới về triều đình nhà Nguyễn thời Vua Tự Đức. Đó là sự thất bại trong việc tổ chức kháng chiến chống Pháp, chứ không phải rắp tâm bán nước như trước đó chúng ta đánh giá.
Ông viết rằng “…Dù trong hoàn cảnh đó, Tự Đức đã kiên trì nỗ lực, chủ yếu bằng ngoại giao, nhằm cứu vãn chủ quyền.”
Đó là cuốn “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”.
Và những nguyên nhân thất bại, theo GS Tsuboi, đó là “mất lòng dân, yếu kém về kinh tế, những khó khăn chính trị và gánh nặng về di sản”. Theo tôi nghĩ, sự phân tích thấu đáo và kết luận sắc sảo của bài luận văn tiến sĩ của ông, trước khi cho in thành sách, đã làm được tốt hơn cả cái vai trò đánh giá lại lịch sử một cách khách quan và biện chứng. 
Vậy thì tốt quá.
Ông có cơ hội nào ngồi tranh luận với các học giả Trung Quốc không?
Tôi đọc được chữ Hán, nhưng không biết nói tiếng Hoa.
Thì qua phiên dịch?
Chưa có dịp gặp.
Chẳng hạn, ở hội thảo quốc tế Biển Đông tổ chức thường niên ở Việt Nam từ cuối năm 2009. Bên Trung Quốc họ cũng cử tới gần chục người sang chứ không ít. Ông vẫn có thể gặp họ ở đó. Năm nay, sẽ luân phiên tổ chức ở Tp.HCM nên cũng tiện cho ông, chỉ một cuốc xe đò, chứ không tàu bay tốn kém.
Nhưng mà tôi thích đọc cái mà học giả nghiêm túc của Trung Quốc viết hơn là nghe những học giả được cử đến các hội thảo để tranh luận. Bởi những người họ cử tham dự các hội thảo cũng chỉ thường thường bậc trung, gặp rồi cũng chả được ích lợi gì nhiều.

Ảnh Huỳnh Phan.

Tại sao ông đánh giá họ là loại thường thường bậc trung?  
Tôi đã đọc kỹ những nghiên cứu, thậm chí blog, của những học giả lừng danh của Trung Quốc, và thấy mấy ông đó không bao giờ xuất hiện tại những loại diễn đàn như vậy.
Còn tham luận, rồi tranh biện, của mấy ông chuyên dự hội thảo đâu phải là những nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Chủ yếu là nêu lập trường, quan điểm của chính quyền Trung Quốc về Biển Đông thôi.
Mấy ông đó không đáng ngại. Cái tôi lo là nếu những người làm khoa học thầm lặng, nghiêm túc mà “giở quẻ”, thì mình cũng mệt đấy.
Ông có thể nêu một số cái tên được không?
Phùng Thừa Quân, Lăng Thuần Thanh, Trần Tự Kinh, hay Trần Giai Vinh. Những học giả này đều được quốc tế công nhận là những chuyên gia giỏi về Biển Đông, hay Đông Nam Á. Có điều, ba người đầu đã mất, chỉ còn Trần Giai Vinh đang rất nổi.
Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa nhóm “nghiên cứu thầm lặng” và nhóm “sẵn sàng lớn tiếng” (tại các diễn đàn)?
Như ban nãy tôi nói với anh, mình đi tìm tòi phương pháp nghiên cứu của mấy ông “sư phụ” người Nhật, thì mấy học giả Trung Quốc thuộc nhóm “thầm lặng” cũng bị ảnh hưởng bởi mấy sư phụ đó. Ngoài ra, họ còn học được cả phương pháp nghiên cứu của phương Tây. Họ giỏi nhiều ngoại ngữ, cũng như tiếp cận được nhiều loại tư liệu.
Tức là cái hệ thống nghiên cứu của họ rất tốt, họ cũng phân loại tư liệu, như tôi nói nãy giờ, và làm việc rất bài bản. Anh tìm kẽ hở của họ mà bắt bẻ rất là khó.
Quay lại chuyện hội thảo, hãy tạm quên đi câu chuyện tranh biện - tranh luận với nhóm học giả “lập trường – quan điểm”. Nhưng hội thảo vẫn là nơi các nhà nghiên cứu từ nhiều nước có thể trao đổi thông tin, tư liệu hữu ích. Một số học giả nước ngoài tôi gặp nói rằng họ rất thiếu thông tin về các nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam.
Cũng tốt thôi. Anh mời tôi nhé?
Tôi nghĩ các nhà tổ chức sẽ phải nghĩ lại, bởi điều đó rất phù hợp với chủ trương thông tin đối ngoại về chủ đề này. Trở lại câu chuyện bị ngắt quãng, nếu như ông được yêu cầu tổ chức lại việc nghiên cứu Biển Đông cho có sự phối hợp hiệu quả nhất, ông sẽ làm thế nào?
(Cười lớn) Anh lại bị lạc đề rồi. Anh đang phỏng vấn một người nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa, chứ không phải một nhà văn chuyên viết chuyện giả tưởng nha.
Sao cũng được. Nhưng tôi muốn biết ý kiến của ông.
Chủ trương của tôi vẫn là đi lại từ gốc, như tôi đã nói. Chẳng hạn, kể từ cái ngày mình có tranh chấp biên giới với Trung Quốc, vào khoảng năm ’80 mình đã có in một vài tập mỏng mỏng khẳng định chủ quyền của mình và phản bác chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng kể từ đó trở đi, chưa có một công trình hệ thống hoá một cách đầy đủ tư liệu của Trung Quốc. Tức là cách làm việc của mình đã bị trật ngay từ đầu rồi.
Ông lý giải ra sao?
Theo thiển nghĩ của tôi, việc soạn thảo những công trình mang tính hệ thống như vậy chưa hẳn đã bị ảnh hưởng bởi chính trị, mà phần nhiều bởi khả năng của học giả - những học giả được nhà nước phân công. Tại sức anh làm không được, chứ không phải vì chính trị, tôi phân biệt được rõ điều này.
Cái việc cần làm lại là thống kê, tập hợp tư liệu. Bây giờ tập hợp tư liệu rất là tiện, anh không phải khó nhọc đi tìm kiếm mua những cuốn sách cổ, mà có thể thấy ngay chúng trong các thư viện quốc tế, các đại học quốc tế… Ở đó, có luôn nội dung được chụp PDF rồi.
Ông chắc chứ?
Những địa chỉ tin cậy được là Thư viện Quốc hội Mỹ, hay thư viện của các trường đại học Nhật Bản.
Dựa trên thư mục mà tôi đang làm, mình hoàn toàn có thể đến những nơi đó là kiếm về những cuốn sách cổ của Trung Quốc về Biển Đông đã được số hoá. Việc này cũng giống như anh mua vật liệu cơ bản về xây nhà là phải theo yêu cầu của kiến trúc sư, thay vì thích cái gì, nghe ai xui cái gì đẹp, là mua cái đó.
Tôi nghĩ điều đó tuy mất thời gian, nhưng việc nghiên cứu sẽ có hệ thống, và có lợi cho đời sau.
Những điều này ông đã từng nói ra chưa?
Đâu có ai hỏi cái kiểu “cắc cớ” như anh đâu mà tôi có dịp nói. Nhưng mà “lang thang đâu đó” trong các bài viết, những công trình nghiên cứu cụ thể, mà tôi đã công bố, tôi cũng có gợi ra những cái ý đó. Có điều tôi không nói rõ ra phương pháp, vì ngại mọi người lại nghĩ tôi muốn đóng vai trò hướng đạo gì đó.
Nói thiệt tình, tôi ngại lắm.
"Tò mò đi sâu vào các loại sử liệu xung quanh, tôi càng thấy nói như nhà nước Trung Quốc là có nhiều chỗ không hợp lý", nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân chia sẻ.
Ông có nhận xét gì về sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà nghiên cứu luật pháp của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển đảo, chẳng hạn phản bác đường lưỡi bò của Trung Quốc?
Những người nghiên cứu về luật pháp quốc tế nói nhiều rồi. Nhưng, theo tôi, nhiều khi họ vẫn phải viện dẫn lịch sử. Cái gì cũng phải bắt đầu từ lịch sử, cũng như cái nhập đề của anh, để dẫn nguồn gốc, nguyên nhân. Lịch sử chính là nguyên nhân.
Hạn chế của mình là chưa liên kết được hai lĩnh vực nghiên cứu này với nhau, để từ đó hình thành một luận cứ vững chắc, có giá trị thuyết phục cao.
Còn với tư cách cá nhân, ông có sự trao đổi với những người nghiên cứu về luật pháp quốc tế không?
Thường thì cũng có gặp để nói chuyện về tình hình chung, chứ chưa từng có sự phối hợp làm việc.
Thế chẳng hạn như một người khá quen biết ông là Thạc sĩ Hoàng Việt? Mỗi khi gặp nhau các ông nói chuyện gì?
Nói chuyện thời sự không à. Cũng may là Hoàng Việt cũng có ứng dụng các kết quả nghiên cứu của tôi vào các bài viết của anh ấy. Bởi có những lúc nói chuyện pháp lý vẫn phải có những chứng cứ lịch sử, mà đọc sử thì cực, vậy thì ứng dụng ngay những kết quả nghiên cứu của tôi nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nhưng đó mới là sự phối hợp mang tính nhỏ lẻ của cá nhân, bởi vì tôi và Hoàng Việt đều là những người nghiên cứu nhỏ lẻ. Chưa có gì mang tính hệ thống chung hết, chưa có chủ trương nào hết.
Nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Hoa Phạm Hoàng Quân. Ảnh: Huỳnh Phan
Đối với những người nghiên cứu ngoài Bắc, ông có dịp giao tiếp trao đổi gì nhiều chưa?
Thực ra, tôi cũng ít có dịp gặp mấy vị ngoài đó. Một lý do nữa là công việc của tôi cũng chẳng dính dáng gì nhiều đến họ. Lâu lâu, có hội thảo, họ mời thì chủ đề của tôi cũng khác chủ đề của họ. Thành ra, mỗi người một đề tài, phát biểu cũng loạc choạc không mấy ăn nhập.
Tôi chỉ được mời tham dự hội thảo quốc gia Mùa Xuân năm ngoái, do Học viện Ngoại giao tổ chức, thôi. Tôi cũng có tham dự Hội thảo Hè tổ chức ở Singapore, và cũng gặp một số anh em từ Hà Nội sang.
Ấn tượng của ông về những cuộc hội thảo đó?
Tại Hội thảo Xuân, tôi có tham luận về tình hình nghiên cứu các địa danh trên Biển Đông của học giả Trung Quốc. Đó là một cái cớ để nói chuyện lịch sử, bởi địa danh có nguồn gốc từ lịch sử.
Còn tại Hội thảo Hè, điều tôi thấy ấn tượng nhất là không khí học thuật rất cởi mở, thẳng thắn và bình đẳng.
Nghiên cứu về thư tịch cổ có nhiều người như ông không?
Về mảng thư tịch cổ của Việt Nam thì đông, làm từ trước '75 đến nay. Còn về mảng thư tịch cổ Trung Quốc, tôi cũng ít thấy ai đi chuyên sâu. Do thấy mảng đó không được quan tâm lắm, tôi mới từ từ tìm hiểu và mới ra được những gì tôi đã làm vừa rồi. Có nhiều kết quả thấy cũng hay. Một phần cũng là nghiên cứu qua lại giữa các nước (Trung Quốc và Việt Nam), phần khác cũng đóng góp cho chuyện phản biện liên quan đến chủ quyền.
Tôi muốn khẳng định lại là trong nghiên cứu thư tịch cổ của Trung Quốc, trong đó có bản đồ, ông có tìm thấy sự chia sẻ trong nghiên cứu từ các đồng nghiệp Việt Nam không?
Nếu anh theo dõi kỹ trên truyền thông, hay thông qua các hội thảo về Biển Đông, anh sẽ nhận thấy rằng tình hình hơi bi quan cho công việc chung. Vào thời điểm này, cái khó của tôi là không tìm thấy một bạn đồng nghiệp nào có thể cùng trao đổi sâu về những nghiên cứu của mình, phản biện lại quan điểm, lập luận của mình.
Cũng có thể do diện quan hệ của tôi nó hạn chế. Và cũng có thể những người cũng chuyên tâm và chuyên sâu vào lĩnh vực này hơi bị ít.
Đúng là làm nghiên cứu, khi nghĩ ra quan điểm, lập luận gì mới mà không được phản biện thì cũng kém phấn khởi, phải không ông?
Cái tôi lo là trong chuyện học thuật mà không có phản biện khoa học thì người nghiên cứu khó có thể tiến bộ được. Cũng còn may là tôi vẫn nhận được phản biện từ một số anh em ở hải ngoại, như Vũ Quang Việt, hay Thái Văn Cầu, liên quan đến những nghiên cứu được công bố của mình.
Những học giả này, tuy lĩnh vực nghiên cứu chính không phải là về Biển Đông, nhưng lại rất quan tâm tới nó, và, hơn nữa, lại có điều kiện đọc về sử Trung Quốc được dịch sang tiếng Anh. Qua trao đổi với họ, tôi rút ra thêm được những điều bổ ích để hoàn thiện công trình của mình.
Nhiếp ảnh gia Bùi Minh Sơn, người tôn thờ thuyết tương phản, khi vào thăm phòng làm việc của Phạm Hoàng Quân, đã thốt lên: Trong cái huyện lớn (Cái Bè) có một ngôi nhà nhỏ/ Trong ngôi nhà nhỏ có một kho sách lớn/ Chủ nhân của kho sách lớn là một người có bằng cấp nhỏ (tú tài)/ Trong cái đầu của người có bằng cấp nhỏ là một bộ  óc lớn.
Thế còn nhà nghiên cứu bản đồ cổ Nguyễn Đình Đầu?
Bác Nguyễn Đình Đầu là người Tây học, giỏi tiếng Pháp, nhưng chữ Hán thì không hay. Nghiên cứu của bác chủ yếu là tư liệu của Pháp, và phương Tây. Còn nghiên cứu của tôi toàn về tư liệu Trung Quốc, thành ra, chúng tôi cũng khó có thể trao đổi sâu về công việc được.
Xưa nay nghiên cứu tư liệu về Biển Đông, mình phân chia thành ba chân kiềng: tư liệu trực tiếp của Việt Nam để khẳng định chủ quyền, tư liệu của Trung Quốc và tư liệu gián tiếp của phương Tây, hay nói chung là ngoài Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, hai loại tư liệu sau bổ trợ, củng cố cho tư liệu của Việt Nam.
Như vậy, nhiều khi do không hiểu rõ nguyên tắc nói trên, có những người lại công bố những tư liệu của Trung Quốc không có lợi cho lập luận về chủ quyền của Việt Nam.
À tôi có nhớ câu chuyện lùm xùm có tên là "An Nam đồ" hồi đầu năm 2009 rồi.
Tấm bản đồ đó không có giá trị để chứng minh sự khẳng định của nhà Minh đối với chủ quyền của Việt Nam đối với HS-TS, bởi nó vẽ những cửa biển trong bờ, chứ không liên quan gì đến ngoài biển hết. Dùng cái đó còn đi ngược lại lý luận của mình đang sử dụng từ trước đến giờ nữa.
Hơn nữa, nó còn rất nguy hiểm, chứ không sai lầm một cách bình thường, bởi giới nghiên cứu Trung Quốc luôn lấy cái bản đồ thời Minh đó để lập luận rằng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là ở trong bờ chứ có phải ở ngoài biển đâu.
Ngay với sử liệu Việt, nếu chúng ta không xử lý tư liệu một cách thấu đáo, rất dễ dẫn đến rắc rối cho các nghiên cứu về sau. Như Phan Huy Chú, hoặc Lê Quí Đôn, khi ghi chép, cũng không thống nhất hoàn toàn về mặt chi tiết, mặc dù trên đại thể là khớp nhau, và dễ dẫn đến những sơ hở.
Chẳng hạn, về động thực vật trên đảo. Tôi không nhớ rõ, nhưng một trong hai ông nói rằng trên đảo có yến sào. Tôi đọc và thấy phía Trung Quốc họ có phản biện rằng chim yến chỉ làm tổ trên những vách núi, hay vách những hang động, và như vậy đang mô tả cảnh trong bờ.
Đó là một trong những điểm cần phải được xem xét nghiêm túc, để khi đưa thông tin về sử liệu phải làm sao cho chuẩn mực, để làm sao nó hệ thống và logic.
Nhìn cái khối sách ông đã xếp lên giá trong phòng khách và phòng làm việc ở căn nhà đằng sau, cũng như thùng to thùng nhỏ chứa sách mà ông chưa kịp sắp xếp, mà thấy kinh hoàng về kho tư liệu của ông. Cách ông sưu tập tư liệu như thế nào mà được một gia sản đồ sộ như vậy?
Anh lại sa vào mấy câu hỏi thông thường. Tôi đã từng trả lời một người, mà có khi người đó giận tôi, rằng đây là việc riêng và rất thông thường của người nghiên cứu, không cần phải chia sẻ. Cái cần chia sẻ là kết quả nghiên cứu cơ.
Tôi hỏi ông câu này bởi ông là một nhà nghiên cứu độc lập, điều kiện kinh tế cũng chẳng mấy dư dả, và ít có điều kiện đi Tây đi Tầu. Hoàn cảnh ông khác hẳn với các học giả phương Tây, hay thậm chí các nhà nghiên cứu thuộc biên chế nhà nước - những người có điều kiện thuận lợi hơn cả về nguồn ngân sách nghiên cứu do nhà nước chu cấp, thông qua các dự án.
Thực ra, điều này không quan trọng bằng phương pháp nghiên cứu. Khi tìm tư liệu, nếu có phương pháp nghiên cứu tốt, anh sẽ có sự lưu ý về tài liệu tốt. Mình đâu phải tự nhiên tiếp nhận được vào một kho tư liệu, hay có điều kiện đến những thư viện quốc tế lớn, để tra cứu đâu. Tôi phải cóp nhặt qua nhiều năm những tư liệu tôi cần.
Tại sao ông tập trung nghiên cứu về thư tịch cổ mà không chọn lĩnh vực khác?
Thứ nhất là nó hợp với hiểu biết về ngôn ngữ của tôi. Tôi học chữ Hán, đọc được sách của Trung Quốc, rồi nghiên cứu về nghệ thuật, hội hoạ, thư pháp Trung Quốc...
Rồi như tôi đã kể, khoảng 2005, có những sự kiện lấn cấn trên Biển Đông được đề cập trên báo chí dưới dạng những mẩu tin ngắn. Tôi tò mò nên mới chuyển qua đọc mấy cuốn sách sử Trung Quốc, có sẵn trong nhà, xem họ nói về việc đó như thế nào.
Thế rồi, tôi thấy có sự chênh lệch lớn giữa những cái mình đọc được và những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Từ đó, tôi mới càng tò mò đi sâu vào các loại sử liệu xung quanh nữa, và càng thấy nói như nhà nước Trung Quốc là có nhiều chỗ không hợp lý.
Và thế là tôi bắt đầu viết các bài để phản biện lại quan điểm của họ.
Bài đăng báo đầu tiên của ông về chủ đề này?
Ngày 5.12.2007, báo chí mình đăng cái tin về thành lập cái gọi là Tam Sa. Tôi viết nhanh trong 2 ngày, đưa cho cho một người bạn bên Tuổi Trẻ, nhưng cuối cùng họ không đăng. Tôi đành gửi cho một trang mạng bên ngoài.
Bài đó giống như đề cương, phân loại ra chính sử, địa phương chí và địa đồ nên nghiên cứu như thế nào, như tôi nói với anh nãy giờ đó. Và tôi cũng chứng minh một cách sơ bộ luôn những điểm không vững trong lý luận của Trung Quốc về cái gọi là Tam Sa.
Một tháng sau, Tuổi Trẻ đăng lại nguyên bài đó. Thế rồi không hiểu sao, năm đó Hội Nhà báo thành phố cơ cấu cho nhóm bài về biển đảo, trong đó có bài của tôi, cái giải nhất.
Tôi cũng tò mò về cảm giác khi lên nhận giải thưởng báo chí, vì tôi chưa bao giờ được giải cả, dù là giải khuyến khích.
Tôi không đi nhận giải, vì tôi dị ứng chỗ ồn ào, đông người.
Ông học chữ Hán thế nào?
Cái anh hỏi cũng rất nhiều người hỏi, mà tôi cũng không biết trả lời sao. Bởi không thấy tôi học đại học về chuyên ngành Hán - Nôm gì cả mà sao tôi đi nghiên cứu sâu liên quan đến chữ Hán.
Cái này cũng giống như duyên nghiệp, bởi tôi đọc văn tự rất chuẩn. Sau nhiều lần làm việc cụ thể với văn bản, được anh em họ tín nhiệm.
Hồi học phổ thông, tôi tự học được một ít chữ Hán. Sau khi đi Thanh niên Xung phong về, tôi học tiếp một ông sư phụ ở trong chùa ở thị trấn Cái Bè, cách đây khoảng 20 cây số, được một ít chữ nữa. Rồi năm 1987, 21 tuổi, tôi lên Sài Gòn làm ăn, và học được ít chữ nữa của mấy người Hoa kinh doanh trên đó. Rồi tôi đọc mấy cái giáo trình đại học của khoa Hán - Nôm, Đại học Sư phạm.
Khi chuyên về sử, anh đọc hoài, anh quen à. Các thầy tôi đều là giới bình dân, họ không nghiên cứu gì hết cả. Việc nghiên cứu là do tôi thấy thích rồi mày mò đi theo, chứ tôi cũng đâu có được học.
Ông đã bao giờ nghĩ đến việc đào tạo "đệ tử" nối nghiệp chưa?
Học sử đói lắm, anh ơi, ai chịu học đâu. Tốt nghiệp Trung văn ra đi làm công ty nước ngoài, lương cao, sống khoẻ hơn.
Có người hỏi tôi, vậy em theo nghiên cứu với anh một tháng được bao nhiêu tiền. Làm nghề sử phải có yêu thích thực sự, và cũng phải đảm bảo đủ sống nữa. Có một số người thì do lương nhà nước quá kém, nên họ đành bỏ nghề đi làm cho tư nhân.
Còn một lý do nữa là cử nhân khoa sử không rành chữ Hán, bởi chỉ được học có mấy chục tiết, còn cử nhân Hán - Nôm lại thiên về văn chương, đâu có làm việc trên sử liệu được. Cách đào tạo của mình sai ngay chỗ đó.
Còn tại sao cử nhân Hán - Nôm lại không làm việc được trên sử liệu?
Bởi người ta lấy tư liệu văn chương để dạy Hán - Nôm.
Muốn chuyên sâu về cổ sử của Việt Nam thì phải biết tiếng Hán cổ và tiếng Pháp mới làm được. Nhưng sinh viên mình học sử ra chỉ biết tiếng Việt không à, nên họ chỉ biết những công trình đã được dịch ra tiếng Việt mà nói tới nói lui. Công trình chưa được dịch ra rất nhiều mà họ đâu có biết.
Ngoài nghiên cứu, ông có được mời tham gia giảng dạy không?
Không. Tôi chỉ ngồi nhà đọc và viết thôi. Coi như một nghề chính.
Ngôi nhà nhỏ của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân (có mấy chiếc xe máy dựng trước nhà)
Nếu nhà nước có quan tâm, ông có thể bớt thời gian nghiên cứu và dành cho giảng dạy, đào tạo không?
Cái này còn phụ thuộc vào qui chế nữa. Tôi thực sự chỉ có bằng tú tài thôi.
Nhưng nói vậy thôi, tôi cũng thấy khó cho ông. Chẳng nhẽ, để được giảng dạy đại học, nhà nghiên cứu cổ sử Phạm Hoàng Quân sẽ phải đi lấy bằng cử nhân, Anh văn chẳng hạn, ở cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần, trước khi lấy nốt bằng thạc sĩ về lịch sử và địa dư Trung Quốc, để có đủ tư cách giảng dạy đại học.
Nhưng mà ai sẽ là thầy hướng dẫn cho Phạm Hoàng Quân nhỉ?
À, tôi nhớ ra một trường hợp khác. Người em ruột ông nội tôi là cố Giáo sư Ngôn ngữ Hoàng Phê, chỉ có bằng tú tài thời Tây, rồi sau đó có thêm tấm bằng đại học, nhiều khả năng là tại chức, của thời kỳ đầu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Thế nhưng, người ta vẫn phong giáo sư cho ông, nhờ vào những công trình nghiên cứu có giá trị của ông, nhất là trong lĩnh vực từ điển.
Với trường hợp của ông, cũng chẳng khác mấy.
Thời đó nó khác, bây giờ muốn đi dạy là phải có bằng thạc sĩ à. Đó là chưa nói, cái hồi sau năm 45', có cái bằng tú tài, kể cả về thực học lẫn so sánh trên mặt bằng chung, là ngon lắm rồi.
Còn chuyện phong giáo sư như vậy là theo phong cách của Nhật Bản. Họ đánh giá theo chuyên môn, thành tựu, chứ không nhất nhất theo bằng cấp. Họ có thể mời bất cứ ai lão luyện về cái nghề đó đi giảng dạy ở đại học.
Tôi lại xin đặt thêm một câu hỏi mang tính giả tưởng nữa. Nếu ông được mời đi giảng ở đại học, ông sẽ đăng ký chuyên ngành gì?
Ví dụ tôi có thể truyền thụ những kinh nghiệm về nghiên cứu lịch sử, địa dư Trung Quốc. Có điều môn Trung Quốc học ở Việt Nam mình lại không có dạy, chủ yếu dạy về văn hoá không à. Trong chính trị, hiểu theo nghĩa thời xưa là quản lý chế độ, thì phải học nhiều về địa - chính trị, lịch sử, địa dư nhiều hơn.
Chẳng hạn, về Việt Nam học, các nhà Việt Nam học ở Nhật Bản, Trung Quốc, hay Triều Tiên, còn nghiên cứu về mình hay hơn mình tự nghiên cứu về mình nữa mà. Bởi họ chuyên đọc sách lịch sử và sách địa dư.
Các cụ nhà ta vẫn nói: "Cái khó bó cái khôn."
Nhưng các cụ cũng nói: "Cái khó ló cái khôn." Tôi vẫn hy vọng rằng, trong cái khúc quanh quan trọng của lịch sử này, sẽ có những quyết định sáng suốt, đột phá được những người có thẩm quyền đưa ra.
Như triết gia cổ người Do Thái tên là Hillel đã nói: "Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ? Nếu không phải là tôi, thì là ai?"
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị và bổ ích này.

Huỳnh Phan


Tổng số lượt xem trang