Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Bí mật về lệnh giết ông Diệm

Lữ Giang

Trong cuốn “Trả lại sự thật cho lịch sử” sắp được xuất bản, chúng tôi cố gắng cung cấp nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, trong đó có tài liệu nói về lệnh giết ông Diệm. Dưới đây chúng tôi chỉ tường thuật tóm lược về những sự kiện chính liên quan đến lệnh này.

 

MỘT TIẾT LỘ QUAN TRỌNG

Như chúng ta đã biết, sáng 2.11.1963, khi ở nhà thờ Cha Tam, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã dự Thánh Lễ rối gặp Linh mục chánh xứ người Pháp là Linh mục Joseph Guimet. Nói chuyện xong, khoảng 6 giờ 30 ông Diệm gọi Đại Úy Đỗ Thọ vào và bảo lấy điện thoại của nhà cha xứ gọi về Bộ Tổng Tham Mưu và cố gắng gặp cho được tướng Trần Thiện Khiêm. Chúng ta hãy nghe Đại Úy Thọ kể lại:

 

“Tôi cầm điện thoại gọi về Tổng Tham Mưu. Bên kia đầu dây xưng danh đại tá Đỗ Mậu. Tôi nói ngay: “Thọ đây thưa chú.” Đại tá Đỗ Mậu hỏi: “Chú mày ở đâu đó, ông cụ đi đâu rồi?” Tôi đáp lại: “Tổng Thống muốn nói chuyện với Tướng lãnh.” Đại tá Đỗ Mậu trả lời: “Các tướng chưa ai đến, chỉ có tướng Khiêm ở đây, chú mày muốn nói gì thì nói.”

“Tôi đợi trong nháy mắt thì nghe tiếng của tướng Trần Thiện Khiêm. Tôi trình bày ngay là tôi được lệnh Tổng Thống liên lạc với HĐTL và hiện Tổng Thống đang ở nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn. Hội Đồng Tướng Lãnh cử đại diện đem xe ruớc Tổng Thống về TTM.

“Tướng Trần Thiện Khiêm đáp: “Được rồi, “qua” sẽ trình lên Trung Tướng Chủ Tịch. Nói với Tổng Thống yên tâm sẽ có Tướng lãnh xuống.

“Tôi gác ống nói trình lại với Tổng Thống Ngô Đình Diệm là đã nói chuyện với Tướng Trần Thiện Khiêm và ông ta sẽ cho đại diện Tướng lãnh xuống đây.

“Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu cùng Cha xứ yên lặng không còn ai muốn nói gì cả. Và giờ phút đợi chờ bắt đầu...”

Từ trước đến nay, mọi người tưởng sau đó ông Diệm và ông Nhu ngồi chờ xe đến đón. Nhưng có một việc quan trọng đã xẩy ra mà không ai biết, kể cả Đại Úy Đỗ Thọ.

Năm 2006, sau khi Đại Sứ Henry Cabot Lodge đã qua đời năm 1985, ông John Michael Dunn, phụ tá đặc biệt của ông Lodge, người nắm tất cả bí mật của cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, đã tiết lộ một sự kiện quan trọng liên quan đến quyết định giết hay tha cho ông Diệm. Đại Tá Mike Dunn cho biết:

Ông Diệm đã gọi điện thoại cho ông Lodge lần cuối vào lúc 7 giờ sáng ngày 2.11.1963, trước khi ông bị bắt và bị hạ sát. Ông Diệm xin ông Lodge giúp đỡ trong giờ cuối cùng của ông ta, ông Lodge bảo ông ta “giữ máy” (put on hold) rồi bỏ đi một lúc. Khi trở lại, ông Lodge đề nghị cho hai anh em được tỵ nạn, nhưng không hứa sẽ sắp xếp việc ra đi cho đến ngày mai.

Khi đó Đại Tá Dunn tình nguyện chính ông ta đi cứu hai anh em khỏi tay các nhà lãnh đạo cuộc đảo chánh. Ông Lodge đã từ chối một cách thẳng thừng: “Chúng ta không thể can dự vào việc đó.”

Cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Dunn cho biết khi ông Lodge bảo ông Diệm “giữ máy”, ông liền thông báo cho Lucien Conein tại bộ chỉ huy của cuộc đảo chánh về ông Diệm đang ở đâu. Về sau Conein đã mạnh mẽ chối bỏ việc khám phá ra ông Diệm ở nhà thờ Tàu.

Đại Tá Dunn nói:

Tôi thật sự ngạc nhiên chúng ta không làm gì hơn cho họ”.

[Mark Moyar, “Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965”, Cambridge University Press, New York. 2006, tr. 104, 272].

Ông Lodge không hề báo cáo cho Washington về cuộc nói chuyện với ông Diệm nói trên. Nhưng hai nguồn tin khác nhau xác nhận có cuộc nói chuyện đó, kể cả Đại Tá Mike Dunn, người có mặt trong cuộc nói chuyện của ông Lodge.

Ông Lodge cũng đã từng nói với ký giả David Haberstam, người đã viết nhiều sách về chiến tranh Việt Nam:

“Chúng ta phải làm gì với họ nếu họ còn sống? Bất cứ Đại Tá Blimp nào trên thế giới đều có thể xử dụng họ.”

[Đại Tá Blimp là một nhân vật trong chuyện biếm hoạ của David Low, thường có những quan điểm lỗi thời hay cực kỳ bảo thủ.]

Ông Lodge cũng đã nói như vậy với Tướng Dương Văn Minh. Câu nói này chứng tỏ theo quan điểm của ông Lodge, ông Diệm và ông Nhu phải bị giết. Tướng Minh chỉ thi hành chủ trương đó.

Chúng tôi sẽ nói về vai trò quan trọng của Đại Tá Mike Dunn sau.

 

ÔNG LODGE ĐI XIN LỆNH CỦA AI?

Như đã nói ở trên, trước khi trả lời ông Diệm, ông Lodge đã bảo ông Diệm “giữ máy” rồi đi một lúc mới trở lại. Chắc chắn ông đã đi xin lệnh. Vậy ông đi xin lệnh của ai?

Trong cuốn “The Secret History of the CIA”, Joseph J. Trento cho biết sau khi ông Diệm bị giết, Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh cho ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn năm 1963 điều tra xem việc gì đã xẩy ra và ai có trách nhiệm về cái chết của ông Diệm. Trả lời của ông Corson như sau:

Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện.”

[Joseph J. Trento, “The Secret History of the CIA”, Carrrol & Graf Publishers, New York, 2005, p. 334.]

Phụ tá quân sự của Đại Sứ Henry Cabot Lodge được ông Corson nói ở đây không ai khác hơn là Trung Tá Lucien Conein.

Theo ông Corson, năm 1963, Harriman đã điều hành Việt Nam không cần hỏi ý kiến của Tổng Thống hay Tổng Trưởng Tư Pháp (em của Tổng Thống).

Tổng Thống Kennedy bắt đầu nghi ngờ rằng không một ai trong toán an ninh quốc gia là trung thành, như Carson đã tiết lộ:

“Kenny O’Donnell (người được Tổng Thống Kennedy chỉ định làm thư ký) tin rằng McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia, nhận lệnh từ Đại Sứ Averell Harriman chứ không phải từ Tổng Thống. Kenndy đặc biệt lo lắng về việc Michael Forrestal, một người trẻ trong nhân viên Toà Bạch Ốc phụ trách về liên lạc giữa Việt Nam và Harriman.”

Vì thế, rất nhiều sử gia tin rằng người ra lệnh cho ông Lodge giết ông Diệm là Harriman. Ông Lodge ra lệnh cho Lucien Conein và Lucien Conein ra lệnh cho Dương Văn Minh. Các tướng khác, kể cả tướng Trần Thiện Khiêm, không hay biết gì về chuyện này.

 

VAI TRÒ CỦA MIKE DUNN

Chúng ta hãy nghe ông Carson nói về Mike Dunn:

Trưởng Trạm CIA tại Saigon là “Jocko” Richardson được thay thế bằng một toán không tên (no-name team). Nhân vật chính là một sĩ quan của Đội Hành Quân Đặc Biệt (Special Operations Army), đó là John Michael Dunn, nhận mệnh lệnh không phải từ hệ cấp CIA thông thường mà từ Harriman và Forrestal.

Theo Carson, “John Michael Dunn được biết như là người tiếp xúc với những người âm mưu đảo chánh”, mặc dù vai trò của Dunn không bao giờ được công khai hoá trước công luận. Carson tin rằng Richardson bị cất chức để Dunn, một người được Đại Sứ Cabot Lodge chỉ định cho “các công tác đặc biệt” (special operations) có thể hành động không bị trở ngại.

[Joseph J. Trento, “The Secret History of the CIA”, Carrrol & Graf Publishers, New York, 2005, p. 334 -335]

Đại Sứ Henry Cabot Lodge cho biết Giáo Sư Patrick J. Honey của Đại Học London đã giới thiệu cho ông một đại tá có nghị lực và thông minh khi đó đang làm việc tại sứ quán, đó là John M. Dunn. Dunn được ông Lodge chọn như là cánh tay phải của ông ta tại Sài Gòn. Đại Tá Dunn được bổ nhiệm làm bí thư điều hành (executive secretary) của phái bộ Hoa Kỳ tại Sài Gòn.

Cũng như Đại Sứ Lodge, Đại Tá Dunn có vai trò như là một sứ giả đặc biệt của Tổng Thống có sứ mạng giải quyết bế tắc giữa ông Diệm và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Đặc biệt, về sau Ngoại Trưởng Rusk đã ngầm đồng ý vai trò nổi bật của Đại Tá Dunn trong sứ quán tại Sài Gòn. Đại Sứ Lodge đã tạo cho Đại Tá Dunn một vị thế trong sứ quán với quyền lực trên cả phó trưởng phái bộ.

[Anne Blair, Lodge in Vietnam, a patriot Abroad, Vail Ballou Press, New York 1995, tr. 10, 15, 19 và 124]

Mặc dầu có sự xác nhận về vai trò đặc biệt của Đại Tá Dunn trong thời gian tiến hành cuộc đảo chánh, nhưng thật khó mà tìm ra được các hoạt động của ông liên quan đến cuộc đảo chánh, vì đây là những hoạt động hoàn toàn bí mật. Chúng ta chỉ biết một số chi tiết do ông Carson tiết lộ. Những chuyện Đại Tá Dunn tiết lộ ở trên là rất hiếm hoi.


TIẾT LỘ CỦA CÁC TƯỚNG ĐẢO CHÁNH

Theo Tướng Trần Văn Đôn, người phụ trách tổ chức đảo chánh, trong khi Lucien Conein rời Bộ Tổng Tham Mưu về nhà riêng, Tướng Minh đã ra lệnh đi bắt họ Ngô và ngầm ra lệnh giết cả hai ông. Các tướng có mặt lúc đó cũng ngầm đồng ý. “Thật ra, ý định giết hai anh em họ Ngô của Tướng Minh đã được sự đồng ý ngầm của Lucien Conein trước khi ông ta rời Bộ Tổng Tham Mưu”, mặc dầu sau này Lucien Conein phủ nhận.

Tướng Đôn còn xác quyết: “Tất cả những sự việx xẩy ra đều có sự tiếp tay của Đại Sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge.”

[Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, Xuân Thu, California, Hoa Kỳ 1989, tr. 273 – 174]

Nhưng Đại Sứ Lodge luôn tìm cách chối bỏ trách nhiệm của ông.

Trong cuốn hồi ký “The Storm Has Many Eyes” (Bảo Tố Có Nhiều Con Mắt), Đại Sứ Henry Cabot Lodge đã tìm cách thanh minh cho trách nhiệm của mình đối với cái chết của ông Diệm và ông Nhu. Ông kể lại rằng một nhân viên tình báo cao cấp và hiểu biết rất rõ về Việt Nam đã nói với ông trước ngày ông đi Sài Gòn rằng “trừ khi họ rời đất nước của họ, không có một quyền lực nào trên trái đất có thể ngăn cản việc ám sát Thổng Thống Ngô Đình Diệm, người em của ông ta là ông Ngô Đình Nhu và người em dâu của ông ta là bà Nhu.” (unless they leave the country there is no power on the earth that can prevent the assassination of President Diem, of his brother Ngo Dinh Nhu, and of his sister-in-law Madam Nhu). Theo ông, sự tiên đoán này đã trở thành chính xác một cách bi thảm.

[Henry Cabot Lodge, “The Storm Has Many Eyes, Norton & Company, New York. 1973, tr. 207]

Trên đây là tiền đề ông Lodge đưa ra để giải thích rằng cái chết của ông Diệm và ông Nhu là chuyện đương nhiên, không phải do trách nhiệm của ông.

Hôm 28.6.1964, khi ra phi trường Tân Sơn Nhứt để trở về Washington, Đại Sứ Lodge có nói với các ký giả: 
“Khi từ giả Việt Nam, tôi chỉ ân hận có một điều là không cứu sống được ông Diệm.” 
 Đây chỉ là một cách nói đãi bôi.

Tướng Dương Văn Minh có kể lại rằng trước khi làm đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, Đại Sứ Lodge đã nói với ông: “Nếu để ông Diệm lưu vong thì bất cứ một Đại Tá nào cũng có thể đảo chánh để đưa ông Diệm về”. Điều này chứng tỏ ông Lodge đã cho rằng việc giết ông Diệm là cần thiết và ông đã gián tiếp bảo Dương Văn Minh giết ông Diệm.

 

NHẬN XÉT CỦA VÀI NHÂN VẬT

Trong cuốn “The Dark Side of Camelot” (Mặt trái của Toà Bạch Ốc), ký giả Seymour M. Hersch đã nhận định:

Không có bằng chứng nào cho thấy ông Lodge hay bất cứ một nhân viên sứ quán nào đưa ra một nổ lực nghiêm túc để cứu Diệm. Chẳng hạn như không người Mỹ nào thúc giục Tướng Minh và những người cùng âm mưu với ông ta bảo vệ mạng sống của ông Diệm.”

Tuy nhiên, rất khó tìm được bằng chứng nào chứng minh Đại Sứ Cabot Lodge đã trực tiếp ra lệnh giết ông Diệm. Trong cuốn “Lodge in Vietnam” bà Blair cho biết lúc 5 giờ sáng ngày 2.11.1963, ông Lodge đã leo lên một bao lơn (balcony) để quan sát thành phố và ở đó cho đến khi cuộc chiến đấu chấm dứt vào lúc 7 giờ. Vì ông đứng trên bao lơn để nói chuyện, nên chẳng có máy móc nào ghi lại những quyết định hay mệnh lệnh của ông trong những giờ đó.


TRÁCH NHIỆM CỦA KENNEDY

Tổng Thống Kennedy là một tổng thống công giáo đầu tiên của nước Mỹ, trẻ, đẹp trai và có lối nói rất hấp dẫn, nên dễ thu hút lòng người. Nhưng tiến trình làm tổng thống chưa đầy ba năm của ông đã bao gồm một chuổi những thất bại ê chề, vì ông không có quyết định sáng suốt và dứt khoát trước một biến cố xẩy ra và không kiểm soát được các tay chân bộ hạ. Từ vụ Liên Sô xây Bức Tường Bá Linh, vụ đổ bộ Vịnh Con Heo ở Cuba, “Hành Quân Mongoose” (Operation Mongoose) để lật đổ Fidel Castro, vụ trung lập hoá Lào, vụ yểm trợ cho cuộc chiến Việt Nam... đến vụ lật đổ và giết Tổng Thống Diệm, Tổng Thống Kennedy gần như không kiểm soát được gì hết. Ông đã nói về công điện ra lệnh đảo chánh lật đổ ông Diệm của nhóm Harriman gởi đi ngày 24.8.1963 như sau:

“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào hôm thứ bảy. Tôi phải không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn.”

Mặc dầu nhận thấy như vậy, ông đã không ra lệnh ngưng thi hành công điện đó!

Ngoài ra, sau khi lật đổ và giết ông Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Kennedy không còn tin tưởng vào cuộc chiến thắng tại miền Nam Việt Nam. Trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, Tổng Thống hỏi:

“Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không?”.

Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình:

“Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó.”

Sau đó ông nói:

“Giờ đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như là một quốc gia độc lập.”

[Robert S. McNamara, In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam”, Vintage Books, New York 1996, tr. 86]

Trong khi đó, các thế lực tư bản đứng đàng sau muốn mở rộng chiến tranh và đổ quân vào Việt Nam. Vì thế, ông đã bị giết ngày 22.11.1963 tại Dallas.

Trên đây chỉ là tóm lược một số sự kiện. Trong tập sách sắp xuất bản, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày đầy đủ nhưng tiết lộ ghi nhận được với hy vọng những thế hệ tới sẽ hiểu rõ hơn tại sao Miền Nam bị mất và đừng đi vào vết xe cũ.

 

Ngày 11.10.2012

Lữ Giang-Bí mật về lệnh giết ông Diệm

Tổng số lượt xem trang