-VOA -12.10.2012
Liên minh AMTAC gửi thư cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Ron Kirk, kêu gọi chính quyền Mỹ xét lại xem Việt Nam có phải là một đối tác thích hợp cho bất kỳ thỏa thuận nào về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hay không
Liên minh Hành động Sản xuất-Thương mại Mỹ, AMTAC, vừa gửi thư cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Ron Kirk, kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama coi lại xem Việt Nam có phải là một đối tác thích hợp cho bất kỳ thỏa thuận nào về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương,TPP, hay không.
Nguyên nhân khiến Liên minh AMTAC quan ngại xuất phát từ việc chính phủ Mỹ vừa liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước có vấn đề về sử dụng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động trong ngành sản xuất hàng dệt may.
Trong tổng số 74 nước trên thế giới vừa bị Bộ Lao động Hoa Kỳ nêu tên trong phúc trình thường niên lần thứ tư về tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, Việt Nam cùng với Nam Sudan và Suriname là ba nước mới bị bổ sung vào danh sách này.
Ngoài ra, theo Liên minh AMTAC, còn có nhiều yếu tố khác nữa chứng tỏ Việt Nam chưa có những cải thiện cần thiết để xứng đáng được tham gia vào TPP.
AMTAC nói thực trạng chính quyền Việt Nam không cho phép cạnh tranh chính trị, thiếu tự do báo chí, nền kinh tế bị thống trị bởi các công ty nhà nước, thiếu tư pháp độc lập, và nạn vi phạm nhân quyền tràn lan là những lý do mà chính quyền Mỹ nên cân nhắc đối với việc Hà Nội tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Hiệp định TPP là thỏa thuận thương mại tư do đa phương hầu thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn diện giữa các nước trong vòng cung Thái Bình Dương.
Trong số 9 nước hiện đang đàm phán có Hoa Kỳ và Việt Nam. Canada và Mexico sắp sửa tham gia vào các vòng đàm phán kế tiếp vào cuối năm nay.
*****
Nguồn:
Trung ương Đảng ‘thay đổi nhân sự lớn’?
BBC — thứ sáu, 12 tháng 10, 2012
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận định có nhiều khả năng sẽ có thay đổi nhân sự sau Hội nghị Trung ương trong lúc có ý kiến từ bên ngoài cho rằng ‘ai làm đúng tinh thần Nghị quyễt 4 thì ở lại, ai sai thì phải đi’.
Trả lời câu hỏi của BBC về chuyện liệu các đồn đoán hiện nay về khả năng thậm chí có cả thay đổi ở vị trí thủ tướng, Giáo sư Thuyết nói:
“Tôi nghĩ là khả năng cũng lớn đấy,”
“Bởi vì chỉ riêng cái việc phải chịu trách nhiệm về những vụ việc lớn như Vinashin, Vinalines và các tập đoàn khác, về cái việc để cho ngân hàng bị lũng đoạn, rồi về những sự yếu kém của nền kinh tế, sự xuống cấp của văn hóa, xã hội… thì khả năng thay đổi chắc là phải có.”
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng đánh giá lịch trình của thay đổi nếu xảy ra:
“Chắc chắn là nếu như có thay đổi thì ngay sau Hội nghị này là người ta thay đổi rồi,”
“Các kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày kết thúc Hội nghị, theo dự kiến là ngày 15/10.”
‘Bão lớn’
Giáo sư Thuyết nói tình thế hiện nay buộc Hội nghị Trung ương phải có “đột phá” vì “nếu không có đột phá cũng không được” vì người dân đang có nhiều bức xúc trong khi Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã hứa hẹn sẽ có những thay đổi căn bản.
Vị cựu Đại biểu Quốc hội cũng nhắc tới chuyện cuộc họp được triệu tập sớm 15 ngày bên cạnh chuyện bảo vệ bí mật cho hội nghị dài tới hơn hai tuần và nói Đảng sẽ không có những bước đi như vậy nếu đây chỉ là một hội nghị bình thường.
Mặc dù vậy ông cũng nói mọi chuyện còn tùy thuộc vào “ý kiến thực tế” của các Ủy viên Trung ương và kết luận điều tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Khi được hỏi liệu Bộ Chính trị liệu có phải chịu trách nhiệm tập thể khi mà Đảng đóng vai trò lãnh đạo tối cao, Giáo sư Thuyết nói ông biết có những trường hợp cả một Thường vụ Tỉnh ủy đã phải kiểm điểm nhưng điều này chưa xảy ra ở cấp cao hơn.
Hai nhà quan sát Việt Nam khác không muốn nêu tên cũng có suy nghĩ như Giáo sư Thuyết và một người nói bóng gió rằng hiện đang có “bão lớn”.
Một trong hai vị nói tình hình kinh tế Việt Nam chưa bao giờ bấp bênh như hiện nay kể từ khi tiến trình Đổi Mới bắt đầu hồi năm 1986.
‘Người đi, người về’
Bình luận từ Singapore, nhà nghiên cứu Việt Nam David Koh từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á lại cho rằng có hai luồng ý kiến khác nhau về những gì được bàn kín tại Hội nghị Trung ương 4 trong đó vấn đề chỉnh đốn Đảng được chú trọng:
“Ví dụ là có một cách nói của một số người bảo rằng Nghị quyết đó ‘là chỉ “đổi việc chứ không đổi người,’ ông Koh trả lời bằng tiếng Việt.
“Nếu mà lấy tinh thần đấy làm chính thì mọi người mong muốn là một số người được thay thế nào đó thì… chắc là việc này không có đâu.
“Còn nếu tinh thần Hội nghị Trung ương 4 là … ai sai thì phải đi, ai đúng ở lại thì theo tinh thần đó sẽ có người đi người về thôi,” ông Koh nói.
Ông Koh, người nói ông không có thông tin từ bên trong cuộc họp hiện nay, cũng nhắc lại rằng các vị trí chủ chốt trong chính quyền hiện nay xuất phát từ các đánh giá tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản hồi tháng 1/2011 và từ đó tới nay thời gian chưa phải là dài.
Trước câu hỏi liệu việc Đảng họp kín trong suốt hai tuần có đi trái với tuyên bố của họ về chuyện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hay không, Tiến sỹ Koh nói:
“…Sau khi Đảng quyết định xong rồi thì ‘dân biết, dân làm, dân kiểm tra’.”
“Ý của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là dân hãy biết mọi điều, mặc dù có một điều thực chất dân mà biết thì chưa chắc là hay đâu,”
“Dân cũng hiểu rằng hệ thống chính trị ở Việt Nam là Đảng đi trước, dân đi theo. Còn nó có tốt hay không tốt thì lại là chuyện khác.”
Cần ‘đột phá’
Tiến sỹ Koh nói Việt Nam hiện đang cần có những thay đổi lớn nhưng cũng cảnh báo sự cải thiện sẽ không tới nhanh.
“Thì rõ ràng tình hình trong nước đã đến giai đoạn phải có sự đột phá.
“Còn sự đột phá thì như tôi vừa ngồi với anh em chiều nay cũng bàn tới chuyện này thì bọn tôi cũng nghĩ rằng là dọn một nhóm người đi thì chưa chắc là cái cần phải thay đổi sẽ đến ngay.
“Mọi việc thời này thì nó không phải như thế đâu, nó sẽ đi ngoắt ngoéo, lúc trầm, lúc thăng nên mọi người hãy bình tĩnh.
“Thay lãnh đạo có lẽ rất quan trọng, có thể là việc đầu tiên phải làm, nhưng không có nghĩa là con người này sẽ có thể sửa hệ thống này để mọi người có thể đi theo một đường tốt hơn trong một vài năm thôi.
“Tôi nghĩ là đường đi còn dài, mọi người không nên sốt ruột và cứ phải xem là đi cái đường nào và cho hệ thống này một chút thời gian để nó tự điều chỉnh.
“Tôi nghĩ là trong giới lãnh đạo thực ra cũng có nhiều người nhận ra tất cả những vấn đề dân đã biết và dân muốn được làm nhưng để thay đổi một hệ thống nó ăn sâu vào tâm trí, thói quen của những người cầm quyền ở trên thì nó cần thời gian lâu hơn.
Ông cũng nói với BBC Việt Nam đã có 4.000 năm lịch sử thì chuyện đợi chờ thêm 10 năm nữa để có thay đổi cũng không phải là chuyện gì lớn.
Theo Tiến sỹ Koh, ở Việt Nam các chính trị gia có thể chuyển từ bảo thủ sang cải cách và ngược lại tùy nhận định của họ về sự cần thiết cũng như lợi ích mà các thay đổi mang lại.
Trong khi đó một người từng cùng là phó Thủ tướng với ông Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu những năm 2000 mới đây cũng lên tiếng về chuyện ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm kinh tế vừa qua.
Ông Bấm Vũ Khoan nói Việt Nam đang đứng trước các thách thức kinh tế mà “đã lâu rồi không gặp phải” trong khi đang có “sự phân tâm, lo lắng trong xã hội” và những thách thức đối ngoại cũng rất lớn.
Ông Khoan từng được cho là một trong những đối thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua vào ghế thủ tướng nhưng ông đã rút lui.
*****
Nguồn:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/10/121012_party_meeting_outcome.shtml
-Chuyện tin đồn Đông A
Hồi còn nhỏ, tôi được nghe vài lần tin đồn ông Lê Duẩn chết. Tin đồn đến tận tai lũ trẻ con chúng tôi thì chắc hẳn tin được loan đi rất rộng. Có lần lũ chúng tôi trong lúc đi học đạp xe qua nhà ông Lê Duẩn, nghểnh cổ ngó xem nhà ông có động tĩnh gì không để xem tin đồn có đúng không. Hồi đấy cũng thật trẻ con. Giờ cũng không biết hồi đấy tin đồn từ đâu ra. Nhưng có lẽ, lúc đấy lòng người mong muốn có thay đổi, mà ông Lê Duẩn còn ngồi đấy thì chắc không thay đổi được nên tin đồn cứ thế mà lan ra. Ông Lê Duẩn vì thế mà chết đi sống lại mấy lần trong buôn chuyện của dân chúng. Mà cũng đúng, sau khi ông Lê Duẩn chết, đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, hồi sinh lại kinh tế, sản xuất. Tin đồn và lòng dân là một cặp song hành. Nếu người dân không mong muốn thì ai lại truyền tin thất thiệt làm gì. Tin thất thiệt được truyền đi là do lòng người mong ước sự thật được như thế.
Tôi chợt nhớ chuyện tin đồn về ông Lê Duẩn, khi mấy ngày nay thấy bao tin đồn về ông Thủ tướng. Tôi không là chứng nhân suốt lịch sử của nhà nước Việt Nam đương đại, cũng không có số liệu thống kê điều tra xã hội, nhưng cảm thấy, chưa bao giờ lòng người chán ghét Thủ tướng đến thế. Chưa có một Thủ tướng nào là lòng người mong muốn ông ta bị hạ bệ đến như vậy. Từ những chuyện nhỏ nhoi, như gia đình nào cũng phải tuân thủ quy định chỉ được sinh có hai con thì gia đình Thủ tướng có đến ba người con, đến những chuyện kinh bang tế thế, rờ vào đâu cũng thấy toàn chuyện kinh người. Ngồi xổm như thế bao năm rồi, có thể coi là chuyện hiếm. Chuyện hiếm như vậy chỉ có thể xảy ra ở nhà nước đương đại của Việt Nam mà thôi. Dường như ai cũng ngoảnh mặt với Thủ tướng, từ những người trí thức đến những lão nông.
Lòng dân đã như thế, mà Thủ tướng cứ tại vị thì chỉ còn nước, giải tán nhân dân, bầu lại những thần dân khác cho Thủ tướng.