Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Vụ bắt giữ 'bè lũ bốn tên' chấn động Trung Quốc

(ĐVO) Nhiều người dân Trung Quốc muốn quên mà không thể nào quên được Đại cách mạng văn hóa, “thời kỳ kinh khủng và khốc liệt nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Vụ xét xử "bè lũ bốn tên" ở Trung Quốc. Ảnh eng.wikipedia


Nhắc đến thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, người ta không thể không nhắc tới “Tứ nhân bang” hay còn gọi là “Bè lũ bốn tên” do Giang Thanh - vợ thứ ba của Mao Trạch Đông cầm đầu, cùng 3 thành viên khác là Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn thâu tóm quyền lực và khuynh đảo Trung Quốc trong suốt thời kỳ Đại cách mạng văn hoá 1966-1976, gây ra nhiều tổn thất cho quốc gia đông dân nhất thế giới này.

“Bốn tên” tiếm quyền

Đại cách mạng văn hóa là một giai đoạn làm hỗn loạn xã hội ở Trung Quốc diễn ra trong 10 năm, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt ở nước này. Cuộc cách mạng ấy đã làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức của quốc gia một cách sâu sắc và toàn diện.

Cũng chính cái cuộc cách mạng này đã “nuôi lớn” tham vọng của “Bè lũ bốn tên”. Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn đều là các nhà hoạt động chính trị, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ câu kết với Giang Thanh (sau khi kết hôn với Mao Trạch Đông, làm việc tại Bộ Văn hóa Trung Quốc, sau đó trở thành một phần quan trọng trong chính quyền của họ Mao) cùng nhau lộng quyền và sát hại những Đảng viên không theo phe cánh từ Đại hội X của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giang Thanh tỏ rõ dã tâm “muốn làm Nữ hoàng” và đưa người của mình trong “Tứ nhân bang” lên nắm giữ những cương vị chủ chốt trong chính quyền. 
Ảnh eng.wikipedia


Giang Thanh tỏ rõ dã tâm “muốn làm Nữ hoàng” và đưa người của mình trong “Tứ nhân bang” lên nắm giữ những cương vị chủ chốt trong chính quyền Trung Hoa. Sang năm 1976, Mao Trạch Đông mắc nhiều chứng bệnh, chân phù, đi lại khó khăn, bệnh tim ngày càng nặng, mắt gần như bị loà. Một cuộc đấu tranh quyền lực nổ ra gay gắt.

Cuối tháng 1/1976, Mao Trạch Đông cử Hoa Quốc Phong làm quyền Thủ tướng, chủ trì công việc hàng ngày của Trung ương. Sau đó vài tháng, Hoa Quốc Phong được cử làm Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch Đảng, xoá tên hai người là Trương Xuân Kiều và Giang Thanh trong ban lãnh đạo. Sự việc này đã làm phá hỏng mọi âm mưu của Giang Thanh.

Giai đoạn này, Bộ Chính trị Trung Quốc liên tục họp bàn dưới sự chủ trì của Đặng Tiểu Bình. “Tứ nhân bang” vì bị thất thế nên tỏ ra cay cú. Giang Thanh tự ý triệu tập cuộc họp các lãnh đạo 12 tỉnh và thành phố, gọi Đặng Tiểu Bình là “bậc thầy phản cách mạng”, “đại Hán gian”, “đại diện cho giai cấp tư sản mại bản và địa chủ”.

Giang Thanh lập bản danh sách lãnh đạo Trung ương dự kiến sau khi Mao Trạch Đông từ trần, bao gồm, Chủ tịch Đảng: Giang Thanh; Phó chủ tịch Đảng: Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên, Tôn Ngọc Quốc, Mao Viễn Tân; Chủ tịch Quốc hội: Vương Hồng Văn; Thủ tướng: Trương Xuân Kiều.

Sớm biết dã tâm của Giang Thanh, kiên trì muốn làm “Nữ hoàng”, Chủ tịch Mao đã công bố danh sách Thường vụ Bộ Chính trị sau Mao, theo trình tự: Mao Viễn Tân, Hoa Quốc Phong, Giang Thanh, Trần Tích Liên, Kỷ Đăng Khuê, Uông Đông Hưng, Trương Ngọc Phượng, nhưng không có Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, nhằm chia cắt “bè lũ bốn tên”, làm yếu thế lực của Giang Thanh.

Mao Trạch Đông từ trần, Đặng Tiểu Bình giành quyền lãnh đạo tối cao. 
Ảnh nydailynews.com


Ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông từ trần, Đặng Tiểu Bình giành được quyền lãnh đạo tối cao. Lúc này, bọn bốn tên cũng đang hoạt động rất ráo riết coi đây chính là thời cơ của chúng, nên đã gia tăng các hoạt động, tạo dư luận, tìm cách nắm lực lượng quân đội nhằm cướp quyền lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước.

Trương Xuân Kiều đã hai lần đến Trung Nam Hải gặp Giang Thanh. Với chức danh Phó phòng Tuyên truyền Tổng cục Chính trị, em trai Trương Xuân Kiều đã xuống Sư đoàn Xe tăng thuộc Quân khu Bắc Kinh để phao tin rằng: “Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh là xét lại, cần phải đánh đổ”. Ngày 28/9, Giang Thanh đến Sở chỉ huy quân ở Xương Bình, Vương Hồng Văn đến Sở chỉ huy quân ở Bảo Định - Hà Bắc, Trương Xuân Kiều đến Sở chỉ huy quân Thông Huyện.

“Lũ bốn tên” đã vội vã cướp Đảng đoạt quyền, chúng bí mật bàn nhau sửa chỉ thị của chủ tịch “Làm theo phương châm trước đây” ngụy tạo thành Di chúc của Mao Trạch Đông lúc lâm chung “Làm theo phương châm đã định” rồi gây dư luận tạo phản trên báo chí.

Hành động này của “bè lũ bốn tên” khiến Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng chú ý, cảnh giác cao độ. Được sự ủng hộ của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, một "khai quốc công thần" có uy tín rất lớn trong Đảng, trong quân đội và trong nhân dân, Hoa Quốc Phong, người được chọn kế nhiệm chức vụ của Mao Trạch Đông, đã ngăn chặn âm mưu đảo chính bằng cách cho bắt cả 4 người của nhóm. Một phiên tòa được mở ra và sau đó toàn bộ bè lũ bốn tên bị giam trong tù với những mức án rất cao.

Diệp - Hoa liên thủ

Khoảng 21h15 đêm 6/10, Uông Đông Hưng (chỉ huy đơn vị 8341 bảo vệ trung ương) gọi cho Châu Khởi Tài, nguyên Cục trưởng Cục Bảo mật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo: “Lũ bốn tên” vừa được giải quyết, việc bắt giữ tiến hành rất thuận lợi.

Vụ bắt giữ gây chấn động và đầy kịch tính đã góp phần thay đổi con đường đi của nước Trung Hoa mới. Trong hồi ký, ông Châu Khởi Tài, thuật lại chi tiết vụ bắt giữ này.

Hoa Quốc Phong: "Cuộc chiến đấu chống bè lũ bốn tên là 
cuộc chiến "một mất, một còn..."  Ảnh telegraph.co.uk


Chiều ngày 10/9/1976 Hoa Quốc Phong bí mật tới gặp Nguyên soái Lý Tiên Niệm, trình bày tình hình cấp bách do việc “bè lũ bốn tên” hoạt động điên cuồng, dã tâm đoạt quyền đã bộc lộ hoàn toàn.Mao Trạch Đông từ trần, Đặng Tiểu Bình giành được quyền lãnh đạo tối cao. Bản thân tôi đã hạ quyết tâm phải tiêu diệt chúng. Vì vậy, rất mong nhận được sự chỉ huy của hai Nguyên soái (Lý Tiên Niệm  và Diệp Kiếm Anh-PV)”, Hoa Quốc Phong nhấn mạnh.

Ngày 13/9, Lý Tiên Niệm mượn cớ đến thăm vườn thực vật Bắc Kinh, bí mật tới Tây Sơn gặp gỡ, truyền đạt lại những ý kiến và trao bức thư của Hoa Quốc Phong cho Diệp Kiếm Anh và đề nghị Nguyên soái Diệp cùng kề vai sát cánh đối phó với tình hình.

Sau khi nhận được thư của Hoa Quốc Phong đến ngày 21/9 là thời gian dài đằng đẵng đối với Diệp Kiếm Anh, bởi ông không biết có nên trả lời Hoa Quốc Phong hay không và trả lời thì sẽ trả lời như thế nào.

Sau 9 ngày suy nghĩ, cuối cùng ông quyết định sẽ ủng hộ Hoa Quốc Phong, đánh tan “bè lũ bốn tên”. Tối 21/9, Diệp Kiếm Anh tung tin sẽ lên đông bắc, nhưng kỳ thực là bí mật quay lại Bắc Kinh, đã có cuộc nói chuyện bí mật mang tính lịch sử với Hoa Quốc Phong. Hai người nhanh chóng thống nhất phương án thẩm tra cách ly để giải quyết “bè lũ bốn tên”, và quyết định bí mật thăm dò ý kiến của những đồng minh trong lãnh đạo cao cấp.

Tối 26/9, Hoa Quốc Phong tiến hành cuộc họp kín với Lý Tiên Niệm và Ngô Đức về phương án giải quyết “bè lũ bốn tên”, đã tiến hành phân tích một cách toàn diện tình hình. Nhận định, việc giải quyết “bè lũ bốn tên”, nếu mở cuộc họp Bộ Chính trị để bỏ phiếu, sẽ thắng thế, còn nếu triệu tập cuộc họp toàn trung ương, thì sẽ không nắm chắc phần thắng, do vậy, Hoa Quốc Phong đề xuất phương án “đánh nhanh, gây bất ngờ”, cách thức này được hai người còn lại tán thành, thời gian tiến hành là 10 ngày sau ngày lễ Quốc khánh, hành động sẽ kết thúc trước 5 giờ sáng ngày hôm sau.

Hoa Quốc Phong một lần nữa ủy thác cho Lý Tiên Niệm thông báo kết quả cuộc họp cho Diệp Kiếm Anh, Diệp Kiếm Anh sau khi nhận được thông báo cũng hoàn toàn đồng ý. Sau đó Hoa Quốc Phong cũng bí mật gặp Uông Đông Hưng, và Uông cũng hoàn toàn nhất trí với kế hoạch đã đề ra, đồng thời vạch phương án tỉ mỉ cho trận đánh.

“Cất vó”...

Với danh nghĩa Phó chủ tịch thứ nhất BCH TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hoa Quốc Phong đã triệu tập cuộc họp Ban thường vụ Bộ Chính trị vào 8 giờ tối 6/10/1976 tại Hoài Nhân đường trong Trung Nam Hải trên danh nghĩa là nghiên cứu vấn đề xuất bản cuốn thứ 5 trong “Mao Trạch Đông tuyển tập”, thông báo cho Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên đến dự. Uông Đông Hưng phụ trách việc bắt giữ “bè lũ bốn tên”.

Trương Xuân Kiều (chức danh Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng) là tên đến đầu tiên. Khi vừa bước vào, lập tức 4 chiến sĩ cảnh vệ xông ra, bẻ quặt hai tay hắn ra sau và bị dẫn tới trước mặt Diệp Kiếm Anh và Hoa Quốc Phong. Hoa Quốc Phong đọc quyết định “cách ly Trương Xuân Kiều để thẩm vấn”.

Vừa giải quyết xong Trương Xuân Kiều thì Vương Hồng Văn (Phó chủ tịch Đảng, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị) cũng vừa tới. Khi bị các chiến sĩ cảnh vệ bắt giữ, Vương đã chống trả rất quyết liệt. Đến khi nghe Hoa Quốc Phong đọc lệnh bắt giữ của trung ương, Vương bất ngờ gầm lên, thoát khỏi sự kiềm chế của các chiến sĩ cảnh vệ và lao tới chỗ Diệp Kiếm Anh ngồi cách chừng 5, 6 mét, định hành hung Nguyên soái Diệp. Chưa thực hiện được ý đồ, thì đã bị các chiến sĩ cảnh vệ quật ngã, lôi ra khỏi phòng.

Diêu Văn Nguyên đến hơi trễ. Khi bị bắt, Diêu đã tỏ ra rất bình tĩnh, không hề có hành động phản kháng gì. Sau khi tóm gọn 3 tên, Uông Đông Hưng gọi điện cho Trương Diệu Từ, Phó tư lệnh thứ nhất Bộ đội 8341 cùng với Lý Hâm, Vũ Kiến Hoa chỉ huy một phân đội Bộ đội 8341 tiến hành việc bắt giữ nốt Giang Thanh tại nhà nghỉ trong Trung Nam Hải và các đồng đảng như  Mao Viễn Tân, Tạ Tĩnh Nghi, Trì Quần, Vương Tổ Mẫn và những người khác, rồi nhanh chóng đưa một bộ phận quân cảnh Bắc Kinh tới chiếm lĩnh trụ sở các phương tiện thông tin như Nhân dân nhật báo, Tân Hoa xã, Đài Phát thanh nhân dân Trung ương cùng các cơ quan trung ương, Trường đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa...

Đến 21h30 đêm 6/10, chiến dịch thu được thắng lợi hoàn toàn. “Lũ bốn tên” và đồng bọn đều đã bị tống giam mỗi kẻ mỗi nơi, kết thúc thời kỳ lịch sử Đại cách mạng văn hóa khủng khiếp kéo dài tới 10 năm ở Trung Quốc.

Gần một tháng sau đó, “bè lũ bốn tên” bị đưa ra xét xử trước tòa với tội danh chống Đảng. Giang Thanh và Trương Xuân Kiều lĩnh án tù chung thân. Còn Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên chịu án 20 năm tù và được thả năm 1996.

Đến nay cả bốn đều đã chết. Nhân vật qua đời cuối cùng là Diêu Văn Nguyên, chết vì bệnh tiểu đường tháng 12/2005. Trước đó, Giang Thanh chết năm 1991, sau đó một năm đến lượt Vương Hồng Văn. Còn Trương Xuân Kiều chết tháng 5/2005 do mắc bệnh ung thư./.


Trường Vân (tổng hợp)

-Vụ bắt giữ 'bè lũ bốn tên' chấn động Trung Quốc

Điểm cuốn sách mới về Mao của Pantsov và LevineWhitewashing Mao(WSJ 6-10-12) Who Was Mao Zedong? (NYRB 25-10-12)

Tổng số lượt xem trang