Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Tưởng vậy mà không phải vậy!

Lữ Giang

 

Đại đế Napoléon Bonaparte đã từng nói: “ Về chính trị… đừng bao giờ rút lui, đừng bao giờ cãi chính, đừng bao giờ nhận một lỗi lầm(In politics... never retreat, never retract, never admit a mistake).

Ấy thế mà hôm 8.11.2012 Tướng David Petraeus, Giám đốc CIA của Hoa Kỳ, đã nộp đơn xin từ chức và thừa nhận ông đã lỗi lầm vì có một mối quan hệ ngoài hôn nhân. Với lý do lẩm cẩm đó, Tổng Thống Obama đã chấp nhận đơn từ chức của ông!

 

NGHI VẤN ĐƯỢC ĐẶT RA

Dựa vào các tin tức từ FBI, “chuyện tình” của Tướng David Petraeus đã được các cơ quan truyền thông thổi phồng lên và mô tả lại rất ly kỳ khiến nhiều người bàn ra tán vào. Nhưng các nhà phân tích chính tri không tin vào chuyện đó. Một số nhà phân tích đã nói trắng ra rằng Tướng David Petraeus đã từ chức để khỏi phải ra điều trần trước Quốc Hội về những chuyện rắc rối đang xẩy ra ở Benghazi. Đó là các hoạt động mờ ám của CIA không thể trình bày trước công luận.

Ngày 9.11.2012, trên “Business Insider” ở New York, một cơ quan thông tin chuyên phân tích về tài chánh, kinh tế, chính trị..., nhà bình luận Joshua Berlinger đã viết một bài dưới đầu đề Petraeus' Resignation Will Stop Him From Testifying About Benghazi” (Sự từ chức của Petraeus sẽ làm cho ông ta khỏi phải làm chứng về vụ Benghazi). Hai tờ báo lớn là tờ Wall Street Journal của Mỹ, Telegraph của Anh và một số nguồn tin khác quả quyết rằng Toà Lãnh Sự Mỹ ở Benghazi chủ yếu đang được xử dụng vào một cuộc hành quân bí mật của CIA (mainly being used for a secret CIA operation). Tổ chức “Forecasting World Events Study” đã nhập cuộc và cung cấp cho chúng ta nhiều sự kiện có thể giúp tìm hiểu những gì đã thật sự xẩy ra.

Trong bài này, trước hết chúng tôi sẽ trình bày tóm lược vụ tấn công Benghazi, vai trò của ông Christopher Stevens, hoạt động bí mật của CIA ở Trung Đông và màn kịch “chuyện tình Petraeus” mà FBI đang cho lưu diễn. Những sự kiện này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn các hoạt động của Hoa Kỳ trong nỗ lực kiểm soát vùng Trung Đông.

 

VỤ TẤN CÔNG BENGHAZI

Theo sự tường thuật của  các cơ quan truyền thông, cuộc tấn công vào Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Benghazi đã diễn ra vào tối 11 rạng ngày 12.9.2012 gây tử thương cho Đại sứ Christopher Stevens và ba người khác. Câu chuyện khá phức tạp, chúng tôi chỉ tóm lược những nét chính.

Tài liệu cho biết cuộc tấn công nhắm vào hai cơ sở khác nhau: Lúc 9 giờ 40, chúng tấn công vào cơ sở chính rộng khoảng 100 yards và dài 300 yards. Đây là một biệt thự có một ngôi nhà lớn được ông Stevens mua từ thời còn chế độ Gadhafi và dùng làm tòa tổng lãnh sự. Cơ sở này chỉ có 7 nhân viên ngoại giao bảo vệ bên trong và một toán nhỏ dân quân Libya bảo vệ bên ngoài. Sau đó vào khoảng 11 giờ 30 chúng lại tấn công vào một cơ sở phụ của tòa lãnh sự nằm cách cơ sở chính khoản 1,2 mile. Đây là nơi một nhóm nhân viên CIA đang cư ngụ và hoạt động.

Nhóm tấn công gồm khoảng 20 tay súng. Chúng được trang bị bằng AK-47, súng trường xung phong FN F2000 NATO, súng phóng rocket, lựu đạn cầm tay, súng cối, trung liên gắn trên xe, v.v.

Nhóm tấn công đã xâm nhập bằng cách trà trộn vào đám đông đang biểu tình chống lại cuốn phim bị coi là báng bổ Hồi Giáo. Khi đến gần Tòa Lãnh Sự Mỹ, chúng bắt đầu nổ súng, đám đông chạy tán loạn. Toán bảo vệ trong Tòa Lãnh Sự bắn trả, nhưng nhóm tấn công đông hơn và được trang bị nặng hơn nên đã xâm nhập được vào bên trong. Đại Sứ Stevens và nhóm của ông chạy ra một chiếc xe hơi thì một trái rocket đã làm cho chiếc xe này vụn nát. Đại Sứ Stevens, ông Smith và một nhân viên an ninh khác bị kẹt lại trong toà nhà khi nó bốc cháy. Lửa bùng lên khắp nơi.

Khi nhóm tấn công rút đi, một số dân quân Libya đã vào tòa lãnh sự và đạp phải một người. Họ thấy đó là một người ngoại quốc đang còn sống, nhưng không biết đó là Đại Sứ Stevens. Trong một đoạn video do al-Bakoush quay cho thấy ông ta được đưa ra khỏi căn phòng tối đen qua cửa sổ, đặt lên một chiếc cáng và khiêng ra xe rồi đưa vào một bệnh viện của Libya.

Bác sỹ Ziad Abu Zeid không hay biết đó là Đại Sứ Stevens. Nạn nhân bị ngạt nghiêm trọng do hít phải khói. Ông đã cố gắng làm cho nạn nhân tỉnh lại trong suốt 90 phút nhưng không thành công.

Tòa nhà phụ bị tấn công vào lúc 12 giờ đêm và tiếp tục trong hai tiếng đồng hồ sau đó. Thêm hai nhân viên Hoa Kỳ nữa bị tử nạn và hai bị thương. Mãi đến 2 giờ sáng, nhờ sự tăng viện của lực lượng an ninh Libya, tình hình mới được kiểm soát.

Ông Noman Benotam, chủ tịch Công ty nghiên cứu Quillam của Anh khẳng định rằng  đây là cuộc tấn công được chuẩn bị hoàn hảo với sự tham gia của khoảng 20 tay súng nòng cốt tiến hành theo hai giai đoạn: Giai đoạn một là đẩy người Mỹ ra khỏi toà nhà chính và giai đoạn hai là dùng súng phóng lựu giết họ. Cách đánh này thường được các tổ chức thánh chiến Hồi Giáo thực hiện.

 

VÀI NÉT VỀ ĐẠI SỨ STEVENS

Ông John Christopher Stevens sinh ngày 18.4.1960 ở Grass Valley, bắc California. Ông tốt nghiệp Đại học California ở Berkeley năm 1982, sau đó tốt nghiệp trường Đại học Cao đẳng Luật Khoa California Hastings và trở thành một luật sư. Ông nói được tiếng Ả Rập và tiếng Pháp. Ông đã ở trong ngành ngoại giao 21 năm.

Ngay sau khi Mỹ phục hồi bang giao với Libya, ông đến làm Phụ Tá Trưởng Đoàn Ngoại Giao (Deputy Chief of Mission) của Mỹ tại đây từ 2007 đến 2009. Khi cuộc nổi dậy chống Gaddafi bắt đầu, ông được đưa trở lại Libya để tổ chức kháng chiến. Ông đến bờ biển Benghazi ở phía nam Libya trên một chiếc tàu chở hàng của Hy Lạp rồi đi thuyền vào bờ. Ông giúp kháng chiến quân tổ chức hàng ngũ, trang bị vũ khí và hướng dẫn cho các phi cơ của NATO oanh tạc và tiêu diệt quân của Gaddafi.

Khi tức tổ chức kháng chiến Libya là Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời được thành lập, ông là Đại Diện Đặc Biệt của Mỹ bên cạnh tổ chức này. Sau khi Gaddafi bị lật đổ, ông được cử làm Đại Sứ Hoa Kỳ tại Libya từ tháng 6 năm 2012.

Có thế coi Đại Sứ Stevens như một thứ Lucien Conein dưới thời Mỹ tổ chức lật đổ ông Diệm.

 

CÔNG TÁC KHÓ KHĂN CỦA STEVENS

Muốn biết tại sao Đại Sứ Stevens bị giết, chúng ta cần tình hiểu ông Stevens được giao phó những nhiệm vụ gì.

Mạng Ynet.news của Isael cho biết khi xẩy ra cuộc tấn công, trong số 30 nhân viên ngoại giao Mỹ có mặt tại hai tòa nhà, chỉ có 7 người là cán bộ ngoại giao thực sự, 23 người còn lại là các nhân viên bí mật của CIA được cài vào để thực hiện những hoạt động bí mật. Bài “CIA Takes Heat for Role in Libya” của ba tác giả Adam Entous, Siobhan Gorman và Margaret Coker đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 1.11.2012 cho chúng ta thấy CIA đang lũng đoạn Libya gióng như trước 1975 họ lũng đoạn VNCH.

Chúng ta biết trong khối A-Rập có 4 “lãnh chúa” không cho các nhóm al-Qaeda cựa quậy, đó là Saddam Hussein của Iraq, Hosni Mubarak của Ai-Cập, Muammar Gaddafi của Libya và Bashar al-Assad của Syria. Khi Mỹ muốn loại bỏ các lãnh chúa này để khống chế khối Hồi Giáo Trung Đông và khai thác dầu lửa, al-Qaeda, một tổ chức bị Mỹ coi là khủng bố, đã được Mỹ biến thành công cụ để tiêu diệt các lãnh chúa nói trên. Nhưng al-Qaeda đã trở thành con dao hai lưởi.

 

1.- Tiêu diệt Mubarak

Tài liệu cho biết Mỹ đã xây dựng các nhóm đối kháng ở Ai-Cập từ năm 2006 để lật đổ Mubarak, nhưng các nhóm này chẳng làm nên cơm cháo gì. Cuối cùng Mỹ phải xử dụng tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo với những hậu quả tai hại như hiện nay.

 

2.- Tiêu diệt Gaddafi

Khi Mỹ quyết định loại bỏ Gaddafi, ông Stevens đã đến Benghazin chỉ đạo các nhóm đối kháng cầm súng chiến đấu. Nhưng các nhóm này không thống nhất và vô tổ chức nên không thực hiện được điều Mỹ muốn. Mỹ phải dùng al-Qaeda. Bản phúc trình của West Point’s Combating Terrorism Center cho biết lúc đó Benghazi đã trở thành bản doanh của al-Qaeda. Cờ của al-Qaeda phất phới trên tòa án cuả Benghazi. Chính nhóm này mới là nhóm tiên phong trong chiến dịch thanh toán Gaddafi.

Nhưng sau khi Gaddafi bị diệt, Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời được Mỹ đưa lên cầm quyền, trong đó không có đại diện của nhóm al-Qaeda.

Dĩ nhiên, Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời không thể ổn định được tình hình. Các bộ tộc không chấp nhận quyền hành của họ. Nhiều nhóm vũ trang, trong đó al-Qaeda là lớn nhất, tiếp tục hoạt động ngoài vòng pháp luật. Các ký giả mô tả Libya hiện nay là “một vùng đất chia rẽ và xung đột lẫn nhau”. Không thấy “dân chủ” và “tự do” đâu cả!

 

3.- Tiêu diệt Bashar al-Assad

Trong những tháng qua, Mỹ muốn dùng Libya như một cứ địa để yểm trợ tiền bạc và vũ khí cho phong trào nổi dậy ở Syria. Benghazi được dùng làm điểm xuất phát vì Benghazi nằm gần biên giới Ai-Cập. Đa số vũ khí đều được chuyển từ Ai-Cập qua Benghazi rồi từ Benghazi đưa đến Syria. Tờ Times of London cho biết trong tháng vừa qua, một tàu của Libya chở một kiện vũ khí lớn cho Syria đã cập bến ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Kiện hàng này nặng khoảng 400 tấn, gồm cả các hoả tiển địa đối không SA-7, các đầu đạn rocket.

Tuy nhiên, cũng như các nhóm đối kháng ở Ai-Cập và Libya, các nhóm đối kháng ở Syria cũng chia rẻ và tranh chấp nhau, nên rất khó hợp tác chiến đấu. Hoa Kỳ lại phải mượn bàn tay của al-Qaeda. Theo bản phúc trình của Business Insider, kể từ tháng 3 năm 2011, ông Stevens đã trở thành một viên chức liên lạc với nhóm al-Qaeda có liên kết với các phần tử đối lập Libya, làm việc trực tiếp với Abdelhakim Belhadj của Nhóm Hồi Giáo Đấu Tranh Libya (Libyan Islamic Fighting Group).

Hãng CNN, nhật báo Whashington Times của Mỹ, tờ Telegraph của Anh và nhiều nguồn tin khác đều xác nhận al-Qaeda đã chuyển từ Libya qua Syria để chống lại chế độ Assad. Nhiều vụ nổ bom tự sát phá sập các cơ sở ở Syria đã diễn ra trong thời gian gần đây. Ông James Clapper, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Quốc Gia Mỹ, đã nói với Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện rằng các vụ nổ bom tấn công thủ đô Damascus và thành phố Aleppo của Syria từ tháng 12/2011 đến nay có tất cả những dấu hiệu như một cuộc tấn công của al-Qaeda” và “chúng tôi tin rằng al-Qaeda từ Iraq xâm nhập vào Syria”.

Trong bài “al-Qaeda cố gắng tạo ra một cuộc chiến tranh cho chính mình ở Syria” (Al-Qaeda tries to carve out a war for itself in Syria) bình luận gia Ruth Sherlock nói rằng phóng viên của tờ Telegraph thấy cờ của al-Qaeda ở thành phố Aleppo của Syria nằm sát biên giới Thổ Nhỉ Kỳ, nơi đang phát ra một cuộc chiến rất dữ dội.

Rõ ràng là al-Qaeda đang chiến đấu ở Syria để có một chỗ đứng ưu thế sau khi chế độ Bashar al-Assad sụp đổ. Họ không muốn bị Mỹ hất cẳng như sau khi chiếm được Libya, nhầt là khi Hội Đồng Quốc Gia Syria (Syrian National Council) được thành lập. Nhiều người tin rằng al-Qaeda đã giết Đại Sứ Stevens để loại bỏ một âm mưu bị coi là “cướp công” của họ.

 

MỘT “CHUYỆN TÌNH” KỲ LẠ

Những suy luận về cái chết của Đại Sứ Stevens hiện nay vẫn còn là những giả thuyết. Trong khi đó “chuyện tình của Tướng David Petraeus" đang trở thành một vấn đề thời sự.

Tướng David Petraeus được mô tả là đã ngoại tình với bà Paula Broadwell, người viết tiểu sử của ông. Câu chuyện bị đổ vỡ vì bà Paula Broadwell đánh ghen với bà Jill Kelley, năm nay 37 tuổi, làm việc trong quân đội với tư cách nhân viên liên lạc xã hội với căn cứ không quân ở bang Florida. Bà Kelley đã gửi đơn yêu cầu FBI bảo vệ vì bà bị bà Paula Broadwell gửi thư điện tử đe dọa vì nghi bà quá thân mật với Giám đốc CIA David Petraeus. Thư của bà Paula Broadwell có những câu như “Tôi biết chị đã làm những gì”, “Chị hãy cút đi”, “Chị hãy tránh xa anh ấy của tôi”.

Sau đó Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lại cho biết đang điều tra Đại Tướng John Allen, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan về các cáo buộc đã có những liên lạc không thích hợp với bà Jill Kelley, một người Mỹ gốc Liban. Hiện nay Ngũ Giác Đài đang duyệt xét từ 20.000 đến 30.000 trang e-mail qua lại giữa Tướng Allen và bà Jill Kelley trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2012.

Đa số dân chúng Mỹ đều tin đó là một chuyện có thật, nhưng một số nhà phân tích chính trị lại cho rằng đó chỉ là một hư cầu, một trái hỏa mù được thả ra để làm dư luận lãng quên vụ Benghazi.

Chúng ta nhớ lại, từ đầu năm nay, vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, đã nổi lên như một cơn lốc. Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã có công rất lớn trong việc đẩy cơn lốc này đi lên. Nhiều người tin tưởng “thời cơ đã đến” và ngày tàn của chế độ cộng sản không còn xa.

Bng nhiên Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Ban Việt Ngữ đài RFA, người đang chỉ huy “trận đánh Đoàn Văn Vươn”, đã cùng với Nguyễn Đình Thắng đến Orange County yểm trợ Trúc Hồ thổi mạnh chiến dịch Việt Khang lên. Mọi nguời đã ùa theo như nước vở bờ làm vụ Đoàn Văn Vươn mờ dần, sau đó vụ Việt Khang cũng biến luôn.

Nay “chuyện tình của David Petraeus" cũng đã xuất hiện náo nhiệt như vụ Việt Khang trong cộng đồng người Việt. Nó đang đưa vụ Benghazi đi vào bóng tối.

Chính trị là “thấy vậy mà không phải vậy”. Nếu người Việt đấu tranh không cảnh giác, họ sẽ tiếp tục bị biến thành công cụ.

 

Ngày 22.11.2012

Lữ Giang-Tưởng vậy mà không phải vậy!

 

Tổng số lượt xem trang