SGTT.VN - Trung Quốc đang phát động một cuộc chiến tổng hợp chống lại Việt Nam. Không gian cuộc chiến ngày càng lan rộng ra các mặt trận pháp lý, truyền thông và tâm lý.
Tuần qua, các mạng xã hội loan báo Trung Quốc đăng tin về một vụ bắn chìm tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Nhưng những hình ảnh kèm theo tin này đều là giả…
Các véctơ trái chiều?
Ngày 9.12, bàn về thái độ của Hoa Kỳ đối với các hành động leo thang mới nhất của Trung Quốc, tờ The Wall Street Journal (WSJ) có đoạn bình luận đáng chú ý: “Để tạo lòng tin, chính quyền Obama đã bắt đầu “chuyển đổi tư thế truyền thống của họ” đối với chiến lược hai mặt trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông”. Khái niệm Biển Đông mà tờ báo nói đến bao gồm cả Hoa Đông (Nhật Bản) và Biển Đông (Việt Nam). Còn chiến lược hai mặt ở đây là các tuyên bố được coi là “ỡm ờ”: can thiệp hay không can thiệp từ phía Mỹ khi đụng độ vũ trang xảy ra trên Biển Đông.
Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh giải thích rõ về tính pháp lý trong các hành động leo thang mới đây của mình. Ấn Độ phản ứng mạnh mẽ và rốt ráo hơn! Cùng với việc bộ Ngoại giao Ấn áp dụng các biện pháp trả đũa bản đồ lưỡi bò, bộ Quốc phòng nước này tuyên bố sẽ nhanh chóng triển khai lực lượng hải quân trên Biển Đông. Tuyên bố với báo chí tại New Delhi, tư lệnh hải quân Ấn Độ, đô đốc D.K. Joshi, cho biết: Ấn Độ sẵn sàng hành động, để bảo vệ quyền lợi kinh tế, hàng hải của mình trong khu vực, mà cụ thể là bảo vệ các hoạt động của tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC) đang đầu tư khai thác dầu khí ở vùng biển Nam Côn Sơn thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cũng theo tờ WSJ, những ngày qua, một phái đoàn do cựu thứ trưởng bộ Ngoại giao Mỹ Richard Armitage đã đến Bắc Kinh nhằm chuyển tải một thông điệp quan trọng của chính quyền Obama tới Trung Quốc: trong khi Hoa Kỳ duy trì lập trường trung lập về các vấn đề chủ quyền biển đảo, Hoa Kỳ sẽ buộc phải bảo vệ Nhật Bản đối với quyền kiểm soát ở khu vực đảo Senkaku, vì giữa hai nước ràng buộc với nhau bởi một hiệp ước liên minh. Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã có một cuộc bỏ phiếu nhằm sửa đổi hiệp ước để tái khẳng định cam kết này.
Việc Mỹ sang tận Bắc Kinh để vạch ra “làn ranh đỏ cuối cùng” mà nước này không nên vượt qua trong cuộc chiến nói trên được dư luận chú ý. Bề ngoài, cách phản ứng của Mỹ và Ấn dường như ngược nhau (Ấn đã là đối tác chiến lược của Việt Nam, còn Hoa Kỳ đã/đang thúc đẩy việc nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược). Nhưng nếu nhìn sâu vào lập trường đa phương của Hoa Kỳ, có thể thấy đấy vẫn là một quan điểm trung lập tích cực.
Phục hưng hay gây hấn?
Phát biểu khi thăm viện Bảo tàng quốc gia tại Bắc Kinh mới đây, tân Tổng bí thư Tập Cận Bình đã cổ võ cho “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Một số nhà phân tích lưu ý, dù tuyên bố của ông Tập là nhắm vào dư luận trong nước, nhưng sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một chiến lược chính trị bao giờ cũng chứa đựng nguy cơ tiềm tàng, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi Trung Quốc lấn lướt trên Biển Đông và một số nước láng giềng đang cảnh giác với Bắc Kinh.
Theo Reuters, ông Tập dùng những ngôn từ dân tộc chủ nghĩa, thay vì tụng ca ý thức hệ. Tân lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu rằng các khẩu hiệu mang tính giáo điều không còn lôi kéo được người dân, mà tốt hơn hết là chơi lá bài “phục hưng dân tộc”. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý nên tách biệt những chính sách đang bị các nước láng giềng coi là “gây hấn” với đường lối thật sự mà ông Tập sẽ theo đuổi. Quy định việc chặn xét tàu bè trên Biển Đông là do tỉnh Hải Nam đưa ra và hộ chiếu lưỡi bò do bộ Công an phát hành từ tháng 5, tức là nhiều tháng trước đại hội. Dù ông Tập được cho sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với các nước trong khu vực, hiện nay vẫn còn quá sớm để nói về chính sách mới liên quan đến vấn đề nhạy cảm như Biển Đông.
Chính vì vậy, Hoa Kỳ tỏ ra thận trọng, không để bị khiêu khích. Tại cuộc họp báo cuối tuần qua, tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương, đô đốc Samuel Locklear tuyên bố Washington mong muốn các tranh chấp được giải quyết một cách ôn hoà, không bị áp lực. Ý nghĩa tích cực của lập trường này là bên ngoài Mỹ viện dẫn tính trung lập khi bàn về chủ quyền, nhưng bên trong Mỹ đứng về các nước Đông Nam Á. Lập trường này cũng được nhấn mạnh tại tại ASEM-9, ASEAN-21 và EAS-7 là những diễn đàn đa phương gần đây nhất. Tính chính đáng này được xiển dương mạnh mẽ.
Trung Quốc muốn ASEAN im lặng, làm ngơ, mặc cho hàng xóm phải đơn độc đối phó, để tập trung cô lập, bóc tách Việt Nam, Philippines ra khỏi những quan hệ còn lại.
HOÀNG DŨNG NHÂN-Nguồn:
http://sgtt.vn/Thoi-su/173167/Khong-gian-ngay-cang-mo-cua-cuoc-chien.html
--Truyền thông Trung Quốc cáo buộc Việt Nam trộm cắp tài nguyên của Trung Quốc
Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
The Hindu Business Line
11 Tháng 12, 2012
Truyền thông Trung Quốc hôm thứ Ba cáo buộc Việt Nam trộm cắp “tài nguyên” của Trung Quốc ở Biển Đông với sự giúp đỡ của một “nước thứ ba”.
“So với các nước khác, Việt Nam là nước táo bạo nhất trong việc khai thác dầu khí ở Biển Đông”, tờ Global Times [Hoàn cầu Thời báo] do phía chính quyền Trung Quốc điều hành, đăng tải trong một bài xã luận ngày hôm nay.
Bài báo không nhắc đến ONGC của Ấn Độ – tập đoàn dầu khí trước đây đã được phía Việt Nam cấp phép khai thác dầu khí tại một lô ngoài Biển Đông – nhưng bài xã luận nói rằng “thông qua hợp tác với các công ty dầu khí với một nước thứ ba, Việt Nam đang liên tục tìm kiếm cơ hội để mở rộng kinh tế dầu mỏ ở ngoài khơi Biển Đông bên trong đường chín đoạn [của Trung Quốc]“.
Đường chín đoạn đại diện cho “lãnh thổ” của Trung Quốc trong vùng biển đang tranh chấp.
“Họ có thể đã quên rằng họ đang trộm cắp các nguồn tài nguyên tại đây”.
Trong quá khứ Trung Quốc đã nhiều lần phản đối các hoạt động khai thác dầu mỏ của ONGC.
“Trung Quốc quyết tâm hơn bao giờ hết khi nói đến việc bảo vệ chủ quyền của mình. Việt Nam nên kiềm chế hành vi của họ, và việc này sẽ giúp cho lợi ích lâu dài của họ”, bài xã luận cũng cáo buộc cả Việt Nam và Philippines đang làm phức tạp thêm vấn đề tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông.
“Nhưng chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không chỉ đứng nhìn khi phải đối mặt với những động thái của Việt Nam và Philippines”.
“Việt Nam và Philippines thường mong đợi Trung Quốc sẽ xuống nước trước cái gọi là áp lực quốc tế. Tuy nhiên, họ phải hiểu rằng cái quan trọng nhất vẫn là dư luận của người dân Trung Quốc. Bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc là ý chí phổ quát của 1,3 tỷ dân người dân Trung Quốc”, bài xã luận.
“Việt Nam và Philippines nên từ bỏ ảo tưởng về sức mạnh của họ để làm xê dịch lợi thế của Trung Quốc.
Mặc dù môi trường chính trị ở Biển Đông đã trở nên phức tạp hơn từ khi Hoa Kỳ can thiệp vào các sự kiện tại đây, nhưng chắc chắn khu vực này là một nơi mà các thủ đoạn ảo thuật chính trị có thể diễn ra. Trung Quốc sẽ không bị thiệt thòi vì một vài động thái ngoại giao trong khu vực này”, bài xã luận viết.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012