Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Đẹp Và Làm Đẹp

- Tạp chí Da Màu -  Ngu Yên

LaMon

 Môn là một loại cây có lá đẹp. Mọc không quá cao nhưng đủ để những lá non đưa tay vẫy mỗi khi gió hiu hiu. Những lá già trồi cao như những tàng lộng rồi oằn dần xuống như gánh quá nặng thời gian. Lá lớn già nua nằm sát đất. Trổ vàng lốm đốm rồi từ từ vàng úa lan dần. Màu vàng của một sự chết đang sống, gọi được chăng là màu lâm chung? Khi mưa xuống, lá vàng hứng nước. Mưa qua rồi, còn đọng giọt giọt trong trong nhưng không đủ sức làm cho lá xanh lại. Khi lá đã già, nước làm lá úng thêm. Những giọt nước trước kia là niềm vui sống nay là vết hằn nâu, tô điểm bệnh tật. Có khi bận rộn đôi ngày không gặp gỡ, nhìn lại lá đã khô. Viền xung quanh cuốn lên. Màu vàng của khô như màu gỗ bên trong hòm của ông ngoại. Màu khô đậm dần cho kịp màu bụi.

Những ngày không, ngồi ngắm lá Môn, lòng tôi thật thanh thản một cách buồn buồn. Ngẫm nghĩ chuyện trước sau. Nhớ người thân quen, bạn bè. Kẻ mất người còn. Người còn cũng sắp mất. Người đang còn lại không vui với nhau. Quí nhau thì phải quí được sự khác biệt của nhau. Cái lý lẽ đó dễ hiểu mà khó sống với. Tất cả đang trở màu cho kịp màu bụi. Trời mãi mãi màu xanh để làm gì?

Lá Môn tự nó đẹp. Sống-chết-đổi-thay cho tôi cái đẹp … Cho tới một hôm tôi có dịp đi ngang qua bãi trúc vàng trong sở Thú Houston. Thấy có ai trồng cây môn giữa khóm trúc. Thật là cảnh trí đã mở mang cái đẹp cho tôi.

LaTruc

Lá trúc khô rụng che khung đất. Không ngọn cỏ nào có thể mọc dưới lớp lá này. Thật ra, vì rễ trúc rất mạnh, đã giành hết phần ngon của đất, cỏ làm sao tranh nỗi. Nhưng Môn thì khác, vươn lên, hít thở nhờ lá to.

Cây Môn đã đẹp, trồng vào một nơi đẹp, càng đẹp hơn. Trúc có thân thẳng, lá nhỏ. Môn có thân mềm, lá lớn. Cái đẹp hài hòa không phải vì giống nhau. Cái đẹp hài hòa vì mang được cái đẹp của nhau ra phơi bày. Mang được tình ý của nhau ra ngắm thưởng và trên hết là mang được sự sống riêng tư của nhau ra trình tấu cái sáng tạo của thiên nhiên.

Nghệ thuật cũng vậy. Thơ cũng vậy.

Mỗi yếu tố trong thơ: Chữ, câu, hình, âm, tứ, ý, tình…..tự nó phải đẹp đã. Nhưng khi thành thơ thì những yếu tố này được hài hòa để sáng tạo cái đẹp khác và sức sống chung. Thi sĩ là người làm công việc hài hòa này. Đẹp và làm đẹp khác nhau như vậy. Thơ tự nó là đẹp. Cửa mở để nhìn thấy thơ đẹp chính là bài thơ. Làm cho thơ hiện hình chính là việc làm của người. Làm sao cho thơ hiện hình hoặc hiện hình ra sao thì tùy vào bản lãnh và ý muốn của thi sĩ.

Tôi chụp mấy tấm hình, bụi trúc, cây Môn.

Vì nghĩ rằng chưa đẹp đúng mức, tôi ghép vào hình trúc, cây môn khác, cho đẹp hơn. Thay đổi màu vàng trên lá cho thu hơn, tình hơn. Gò công tốn sức. Rốt cuộc tấm hình xấu hơn cảnh ở sở thú. Lý do: thiếu tự nhiên và thủ công (kỹ thuật) chưa đạt. Nếu cành trúc có ánh sáng tạo ra chiều sâu, dẫn vào những tối đen, xa xăm, mà cây môn lại không có ánh sáng, tấm ảnh này lủng củng. Bố trí thiếu nghệ thuật đâm ra cảnh nhìn thấy giả, cho dù lòng thật. Thơ hiện hình ra sao trong việc làm thơ của thi sĩ cũng vậy.

Việc làm đẹp thơ trong một bài thơ không phải dễ. Nét đẹp của thơ vô hình và dường như vô tận. So với sắc đẹp của mỹ nhân , cũng không có giới hạn. Nhưng khi giới hạn vào một bài thơ, dù dài hay ngắn, dù Cụ Thể hay Siêu Thực hoặc hiện đại,…..Nét đẹp của thơ có thể hiển hiện, có thể cảm thấy. Cũng như sắc đẹp của diễn viên Park Min Young, người Đại hàn. Nét đẹp này nằm trong thân thể và dung nhan của cô và chỉ có một cô. Nét đẹp của Park Min Young.

ParkMinYoung-after 
Diễn viên Park Min Young (sau khi giải phẫu thẩm mỹ)

Theo báo chí của Đại hàn và được đăng tải lại trong mạng lưới Cẩm Nang Làm Đẹp, chúng ta đi ngược lại thời gian và những cuộc giải phẫu thẩm mỹ để tìm thấy cái đẹp đã được con người biến đổi ra sao. Có thể nào cái đẹp của nghệ thuật cũng được "giải phẫu" như vậy?

ParkMinYoung-before 
Diễn viên Park Min Young trước khi giải phẫu thẫm mỹ

“Tôi sẽ không nói là tôi đang có những thứ không phải của mình hay tôi không có những thứ đáng ra tôi phải có… Tôi có thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ,” Park Min Young đã thừa nhận về việc dùng đến dao kéo để trở nên xinh đẹp hơn trong cuộc phỏng vấn với tờ Sports Chosun tháng 11 năm 2010.

“Tôi từng làm phẫu thuật cắt mí mắt khi còn học cấp hai. Mẹ tôi đồng ý cho tôi làm phẫu thuật để tôi xinh đẹp hơn. Tôi cũng từng làm mũi, chỉ bởi vì tôi có một cái mũi không đẹp…,”

(Trích: http://2sao.vn/p0c1000n20110824185935765/park-min-younghanh-trinh-vit-hoa-thi...

- Cho dù biết cô đã sửa, đã bơm thì sao? Cho dù trước vịt sau thiên nga thì sao?

- Vẫn thấy đẹp như thường. Không mấy đàn ông nào từ chối nếu được quen biết với cô.

Dù có giả, có cải thiện, vẽ đẹp này vẫn đáng yêu. Người thì vậy, thơ thì sao?

Chúng ta không biết cái đẹp của thơ cho đến độ nào. Chắc cũng chưa hề ai được biết. Nhưng chúng ta biết được cái đẹp của bài thơ. Khi một bài thơ đã thành hình, nó có nét đẹp riêng của nó. Nó mang nét đẹp của thơ và có nét đẹp đặc thù của bài thơ.

Trước khi nó thành hình trong bài thơ, e rằng nó cũng giống như diễn viên Park Min Young thuở thiếu thời. Nó gặp đúng thi sĩ, gặp đúng tài năng, gặp đúng duyên phận, nó sẽ làm cho tim thưởng ngoạn rung động như đọc cô người mẫu Park Min Young, tóc dài chân dài, quần ngắn.

Chuyện còn lại là anh thi sĩ phải làm gì với nó?

Một trong những việc đầu tiên mà một nghệ sĩ phải làm là trung thực với mình. Dám thực hiện cái nghệ thuật mà mình đeo đuổi, tin tưởng. Dám viết những gì mà mình cho là có giá trị cho dù điều đó bị đa số phản đối hoặc phê phán. Việc trung thực tiếp theo là tác phẩm nghệ thuật. Sáng tác này là sáng tạo hoặc chép lại. Nếu là chép lại, có bao nhiêu phần trăm chép lại? Có cần thay đổi sáng tác không?

Chép lại, nhai lại không phải hoàn toàn vô bổ. Bất cứ nghệ phẩm nào cũng mang bản chất nhai lại, nhiều hay ít mà thôi. Vì vậy, ở phương diện tạo hình hôm nay, người ta chú ý đến tiến trình thực hiện nghệ phẩm hơn là chính tác phẩm. Về thơ, không có bài thơ nào một trăm phần trăm mới cả. Cho dù một sáng chế xe hơi hiện đại cách mấy cũng phải có bánh xe. Nếu dùng máy phản lực để chạy hỏng mặt đất, tức là phản lực cơ hạng nhỏ. Hoặc nhai lại xe hơi, hai nhai lại phản lực cơ. Vì vậy, sự suy luận về mới và cũ trong thơ, thường mang đến cực đoan. Mới hay cũ gì cũng vậy, một chiếc xe hơi đưa ra thị trường nếu chạy ì ạch, nếu có nhiều trở ngại giao thông, trước sau gì chiếc xe này cũng bị phế bỏ. Giá trị của thơ không vì mới hay cũ. Giá trị của thẩm mỹ không vì truyền thống hay hiện tân.

Từ khía cạnh của thời gian, tiến bộ và văn minh, cái đẹp sẽ thay đổi. Một chiếc xe hơi thế kỷ 18 và chiếc xe hơi hôm nay, chắc chắn là khác nhau. Hình thức của cái đẹp thay đổi theo thời gian, văn minh và tiến bộ là điều dĩ nhiên. Nhưng nguyên ủy và bản chất của cái đẹp vẫn không biến đổi.

Chúng ta sẽ không giám nghiệm nguyên ủy của cái đẹp. Việc đó để dành cho các triết gia. Cái đẹp được hoàn tất ở hai diện: bản chất và hình thức. Ví dụ như hoa hồng là hoa đẹp. Bản chất chứa đựng cái gì là đẹp của hoa hồng sẽ không thay đổi nhưng mỗi loại hoa hồng, mỗi đóa hoa hồng nở ra, cho chúng ta hình thức đẹp khác nhau. Thực tế, hoa hồng ngày xưa và hoa hồng hôm nay có nhiều hình thức khác nhau. Hồng đen, hồng tím than, ……hình thức sắc đẹp của hồng sẽ còn phát triển và biến dạng ngoạn mục với những kỹ thuật cấy và ghép hoa hiện nay.

Nói một cách khác, tuy bản chất của giá trị không thay đổi nhưng hình thức của giá trị sẽ tự cập nhật hóa theo thời đại. Về quan điểm này, anh Duongadaloa nhận xét đúng. Marilyn Monroe và Jessica Alba, cả hai đều đẹp. Nếu có được một trong hai thì cõi đời này đã gần giống địa đàng. Jessica Alba chính là giá trị của sắc đẹp có hình thức HÔM NAY.

 

JessicaAlba

Jessica Alba

Mỗi khi nhìn ngắm hai dung nhan này, tôi không khỏi động tâm nghĩ đến tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc. Giá như có thể thấy được tấm ảnh chụp Dương Quí Phi hoặc Điêu Thuyền, chim sa, cá lặn, trăng mờ, hoa không dám nở… đẹp sao mà kinh quá. Giá như được thấy một lần cho thỏa tấm lòng.

 

MarilynMonroe-lips

Marilyn Monroe

Ai đẹp hơn ai? Ai hấp dẫn hơn ai? Ai tình hơn ai? tùy mỗi chúng ta. Nhưng chắc chắn cả hai đều quá đẹp. Xem xét những điều này, có thể đi đường tắt, kết luận: Người không thay đổi được bản chất của thẩm mỹ nhưng thay đổi được hình thức của thẩm mỹ. Người nghệ sĩ, sáng tạo trên hình thức của ĐẸP.

Diễn viên Park Min Young dùng giải phẫu thẩm mỹ thay đổi hình thức sắc đẹp và cô đã thành công. Có nhiều phụ nữ còn cưa bớt xương sườn của mình để thân hình eo co gợi cảm. Rút xương làm đẹp không phải là quyết định mà ai cũng dám làm.

 

Rutxuonglamdep

 

- Người nghệ sĩ, có dám rút xương không?

- Sao không dám.

Tôi không có ý giám định giá trị của sáng tạo, giá trị thẩm mỹ hoặc giá trị của diễn đạt. Chỉ quan tâm khi một nghệ sĩ có tác phẩm trình diễn, nếu có lòng tin với giá trị nghệ thuật muốn trình bày, nếu có thông điệp muốn phát tán, liệu có dám thực hiện?

Chương trình nghệ thuật đương đại với tên gọi IN-ACT diễn ra tối 13 – 14/8, tại nhà Sàn Studio, tổ 50, cụm 5, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội, có màn trình diễn nude với tên gọi Bay lên của họa sĩ Lại Thị Diệu Hà gây nhiều tranh cãi.…. (trích: vnHAY.com)

Trình Diễn BAY

DieuHa-Bay-01

Y phục bình dân nghèo, diễn viên ngồi trên một lớp lông chim xanh. Bên cạnh có một lồng chim, thấy một con chim bị nhốt trong lồng. Một tô nước keo (hồ dán) để sẵn.

Màn trình diễn bắt đầu:

Diệu Hà lần lượt cởi bỏ y phục.

DieuHa-Bay-02

Khi cởi quần, rút những miếng độn mông, vỗ vào mông lẩm bẩm:

“Tao đã dùng mày rất lâu rồi, vì mày mà tao bị ghẻ mông, ai cũng nghĩ tao mông cong, sao người gầy thế cơ chứ….”

Rồi cởi hết. Khỏa thân.

DieuHa-Bay-03

Lấy đĩa nước keo xoa khắp người.

Nằm lăn trên thảm lông.

DieuHa-Bay-04

Người xem tham dự màn diễn: tủ lông lên người cô.

Khi lông kín người, cô ngồi dậy, nhả trong miệng ra, một con chim bay vút.

DieuHa-Bay-05

Đứng lên đi qua lại, cử động bằng tác động chim tung cánh bay.

Màn diễn chấm dứt.

Phần trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam hôm nay ấn tượng nhất vẫn là tiết mục của Lại Thị Diệu Hà. Không phải vì “bạo”, vì “điên”, mà cao hơn thế, là vì “đẹp.

Ý thức phải mang lại một cái gì “đẹp” rất rõ ràng trong phần trình diễn của Diệu Hà. Tuy cô nói tác phẩm này không có gì đâu, nhẹ nhàng thôi, nhưng ý nghĩa “tự do” của nó rất rõ, trong động tác của cô, nhất là với động tác cuối cùng: há miệng cho con chim nhỏ thoát thân.

Không nặng về ý nghĩa, nhưng khi một tác phẩm đẹp, tự phản xạ người xem sẽ phải tìm ý nghĩa cho điều mình ái mộ. Làm tốt phần “thẩm mỹ”, quả bóng “ý nghĩa” sẽ tự khắc chuyển sang chân người xem ấy mà… (Trích: www.soi.com.vn).

(Lại thị Diệu Hà vừa là họa sĩ vừa là nghệ sĩ trình diễn về nghệ thuật hiện đại. Cô đã từng diễn nhiều lần, nhiều tác phẩm khác nhau. " Lại Thị Diệu Hà, cô giới thiệu về các performance của mình, đặc biệt gây shock là các performance diễn ra tại Nhật. Trong performance đó, cô đã dùng dao cạo râu cạo lông bộ phận kín, dùng dao rạch, rồi châm thuốc hút dí vào vết đau, cô tự hành xác để quên đi nỗi cô đơn của mình". Trích: On the net, tháng 2, 24, 2011. Tôi chỉ được xem hình và báo rồi kể lại. Không được xem màn diễn nên không dám đi sâu vào chi tiết ).

Phong cách trình diễn của nghệ sĩ Lại thị Diệu Hà, chúng ta đã thấy, đã biết qua nữ nghệ sĩ Marina Abramovic. (Xin xem Hay Đẹp Tình Cờ (Phần 3) do Ngu Yên giới thiệu).

 

 

Abramovic-roi

Mariana Abramovic trình diễn tự dùng roi đánh mình rướm máu

 

 

Abramovic là một trong những nghệ sĩ dẫn đầu về việc trình diễn thật bằng chính thân thể của mình và biến khán giả thành kẻ tham dự trong màn diễn. Bà cho rằng cảm xúc khi tự đánh vào mình là cảm xúc thật sự so với cảm xúc diễn xuất của kịch sĩ khi bị đánh giả. Người diễn lẩn người xem đều cảm nhận được nghệ thuật thật. Bà đã từng bị mang đi bệnh viện cấp cứu nửa chừng vì khi trình diễn nằm trên ngọn lửa, quá độ, bị cháy phỏng.

 

Sự trình diễn Bay của nghệ sĩ Lại thị Diệu Hà mang ý nghĩa sự tự do thoát ra những ràng buộc của đời sống. Y phục là một thứ ràng buộc đầu tiên, không phải vì nó che đậy mà vì người muốn và dùng che đậy. Con chim từ miệng bay ra như linh hồn bay thoát. Động tác của người làm chim tung cánh bay và đi trên mặt đất tượng trưng cho mơ ước tự do và thân phận của con người chỉ là mơ ước. Việc hay dở, giá trị xin dành vào dịp khác. Điểm nhấn ở đây là thực hiện nghệ thuật vượt ranh giới xã hội, đạo đức, vượt những qui định bình thường, không dễ gì mấy ai dám làm, nhất là trong xã hội Việt Nam.

Việc sáng tác một bài thơ "bình thường" ai cũng có thể viết. Nếu là một thơ vượt những "bình thường", có viết hay không, phải tùy vào bản lãnh và niềm tin của tác giả.

Bản chất của đẹp chỉ có một. Trình bày cái đẹp qua hình thức thì có muôn vàn cách trước sau. Mới hay cũ không phải là chuyện đáng quan thiết hoặc tranh cãi cực đoan. Chuyện đáng quan tâm là liệu cái hình thức của đẹp, của giá trị mà người nghệ sĩ đã chọn để diễn đạt bản chất của cái đẹp, cái giá trị, có đúng mức, có làm được theo ý nguyện hay không?

Điều này mở cửa cho một cuộc truy cập sự thay đổi hình thức của cái đẹp trong thơ. Hình thức của cái đẹp này thể hiện qua phương cách và thói quen diễn đạt của mỗi thi sĩ hoặc của mỗi trường phái thơ. Nói cụ thể hơn là cách dùng chữ, đặt câu, dùng hình ảnh, dùng âm sắc, dùng nhịp điệu, cách tạo hình tượng, cách tạo tứ thơ, cách diễn tả ý nghĩ, cách hành văn. Nói chung là văn phong và thi thái của làm thơ.

Tôi đã đi vào đọc bài thơ để gặp thường, thấm, thấu. Bây giờ là lúc trở ra mặt ngoài của bài thơ. Nếu bề mặt của bài thơ là nơi thi sĩ có khả năng thay đổi hình thức của cái đẹp của thơ, thì nơi đây có thể tìm thấy tài năng của thi sĩ.

Nói một cách khác, chúng ta là người đọc, sau khi tìm hiểu cái đẹp cái hay của thơ qua nội dung của bài thơ, qua chiều sau, qua ẩn ý, qua khoảng trống, bây giờ là hành trình thưởng thức cái hay, cái tài của thi sĩ trên văn bản.

  • Trong cuộc "chữ nghĩa" này thi sĩ đã "giải phẫu" thẩm mỹ ra sao để từ một cô nữ sinh tầm thường trở thành diễn viên Park Min Young? từ những tứ những ý những ngôn ngữ bình thường trở thành ý tứ và ngôn ngữ thơ?
  • Tài năng của thi sĩ không phải chỉ thể hiện ở văn phong mà còn bày tỏ ở thi thái: thái độ đối với thơ. Liệu thi sĩ có há miệng cho hồn thoát ra như cánh chim bay vút? Liệu thi sĩ có dám diễn đạt những điều vượt qua giới hạn của xã hội, đạo đức, pháp luật, tôn giáo…..Những ràng buộc không liên quan tới nghệ thuật mà vì ám toán thanh danh. Và thanh danh đó là gì? (Xin đọc bài Nốt: Đọc Cảm Tác của Đỗ Phủ). Có dám cưa bớt xương sườn thanh danh để thực hiện nghệ thuật?
  • Tài năng của thi sĩ lúc nào cũng xuất hiện trong bài thơ hoặc chỉ xuất hiện trong một số bài thơ?

Các bạn đọc, tôi làm công việc tìm hiểu này với sự cảnh tỉnh bằng câu nói của Đức Đạt Lai Lạc Ma treo trước mặt:

Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác”.

 

Ngu Yên. 20 tháng 11 năm 2012. Đẹp Và Làm Đẹp

Xin đọc bài: Cảm Tác, Thơ Đỗ Phủ, sẽ tiếp theo.

Tổng số lượt xem trang