Hết người này đến người khác, hết lần này đến lần khác, như đã trở thành sự mặc định, mỗi lần thăm viếng, hoặc những ngày lễ của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam lại nói: “Đảng và nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa và có hiệu quả của Trung Quốc đã giành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước!”.
Mỗi lần nghe những lời cảm ơn nhún nhường tha thiết ấy, tôi cảm thấy máu ứ nghẹn cổ.
Là một người lính trực tiếp chiến đấu suốt hơn mười năm ở chiến trường miền Đông Nam bộ, là người em, người anh ruột của ba liệt sỹ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi tự hỏi tại sao mình, gia đình phải mang ơn Trung Quốc?
Tôi không phải nhà sử học, sự hiểu biết cũng nông cạn, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, nhân dân Việt Nam không nợ nần Trung Quốc, không mang ơn Trung Quốc, mà ngược lại thì đúng hơn.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta bắt đầu ngay từ năm 1955, và kết thúc vào đầu mùa hè 1975. Trong 20 năm ấy, Liên Xô, Trung Quốc cùng các nước xã hội chủ nghĩa, đã cho Việt Nam vay và viện trợ không hoàn lại 2.362.581 tấn vũ khí, hàng hóa, trị giá 7 tỷ đô la Mỹ, trong đó Liên Xô và các nước khác chiếm 70%, Trung Quốc 30%. Ví dụ, từ năm 1955 đến năm 1960, tổng khối lượng hàng hóa, vũ khí của Liên Xô: 29.996 tấn, của Trung Quốc :19.589 tần. Từ năm 1961 đến 1975, tổng khối lượng vũ khí, hàng hóa Việt Nam nhận được: 587.658 tấn, trong đó Liên Xô: 274.182 tấn, Trung Quốc 193.780 tấn, còn lại của các nước khác. Trong khối lượng vật chất ấy, 78,5% vũ khí, chỉ có 21,5% hàng hóa, điều đó cắt nghĩa vì sao dân ta phải vắt kiệt sức cho cuộc chiến tranh.
Nhân dân Việt Nam sẽ vô cùng biết ơn, nếu như số hàng hóa và vũ khí đó, Trung Quốc giúp Việt Nam trong lúc hoạn nạn do thiên tai, hoặc, trong một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do tự thân Việt Nam phát động. Ở đây lại hoàn toàn ngược lại. Trung Quốc không vô tư, mà đóng vai trò sen đầm trong cuộc chiến, giành quyền lợi cho Trung Quốc!
Ngược dòng lịch sử, tháng 2-1950, Stalin và Mao Trạch Đông đã ký Hiệp ước Xô-Trung. Theo cái gọi là “Hiệp ước hợp tác xã hội chủ nghĩa” ấy Đông Dương và Đông Nam Á ngoài “vùng phủ sóng” của Liên Xô, Trung Quốc toàn quyền vụ lợi, biến khu vực béo bở này thành sân chơi của riêng Trung Quốc. Sự ưu ái Stalin giành cho Trung Quốc khiến Mao vô cùng cảm kích, gọi Stalin là “đại nguyên soái”, ví Stalin là chim ưng, trong khi mỉa mai Nikita Khruschev chỉ là “một con gà nhép, không bao giở bao cao bằng chim ưng!
Với vai trò lãnh đạo Đông Dương và Đông Nam Á, Trung Quốc trực tiếp cử Lê Qúy Ba cùng nhiều chuyên gia sang Việt Nam làm cố vấn quân sự, chính trị, kinh tế. Chính họ đã cố vấn cuộc cải cách ruộng đất tàn nhẫn làm cho hàng ngàn người chết oan, gây hờn oán cho nhân dân Việt Nam đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai!
Cũng trong thời gian ấy, Trung Quốc trực tiếp đưa nửa triệu Chí nguyện quân sang Triều Tiên, tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu, nồi da xáo thịt ở bán đảo này. Nhưng, Trung Quốc đã phải bỏ lại hơn ba trăm ngàn xác chết, phải dừng cuộc chiến bên bờ sông Áp Lục, tạo ra nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên xã hội chủ nghĩa, với món nợ máu không biết đến bao giờ mới trả được?
Việt Nam, với tài thao lược và ý chí tự chủ cùa Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gạt bỏ toàn bộ cách bài binh bố trận của cố vấn quân sự Trung Quốc tại mặt trận Điện Biên Phủ, giành thắng lợi vĩ đại, đưa tới Hiệp đính Geneva chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Lịch sử đã khẳng định rằng, nhờ xương máu của hàng vạn người lính Việt Nam đổ xuống khắp các chiến trường Đông Dương, nhờ trận Điện Biên Phủ, Việt Nam mở mặt nở mày!
Trung Quốc cũng nhờ đó mà thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập, lép vế trước Liên Xô, mất hết niềm tin với các nước trong phe xã hội Đông Âu sau cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Nhưng Trung Quốc chẳng hề biết ơn Việt Nam, lại cậy thế đàn anh, ép Việt Nam phải chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm lằn ranh chia đôi đất nước. Nguyên Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Genève, có lần bộc bạch một cách cay đắng, là ông đã khóc trước sự ích kỷ của người anh em Trung Quốc.
Để xoa dịu, Trung Quốc hứa giúp Việt Nam xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội vững chắc và giải phóng miền Nam. Đó là kết quả đàm phám giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyên soái Bành Đức Hoài tại Bắc kinh mùa thu 1955, có sự tham gia của các cố vấn Liên Xô. Nhưng Mao đã vô hiệu hóa những thỏa thuận đó, bằng cách rất Trung Quốc, là loại Bành Đức Hoài ra khỏi cơ quan lãnh đạo, rồi giết chết thê thảm. Các cố vấn Liên Xô bị đuổi về nước, khi Khruschev tuyên bố chung sống hòa bình với phương Tây. Cuộc chiến tranh lạnh Trung–Xô quyết liệt với mâu thuẫn đối kháng “Chung sống hòa bình” của Khruschev và “Chiến tranh toàn diện” của Mao Trạch Đông, và Việt Nam trở thành con bài trong tay hai ông anh quyết sống mái với nhau.
Mao Trạch Đông quyết dằn mặt Khruschev. Trung Quốc quyết thắng Liên Xô trong cuộc chiến tranh này. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nước làm bùng lên cuộc chiến tranh nóng ở Việt Nam, Việt Nam trở thành vật hy sinh, với sự khích lệ là một anh hùng hảo hán: “Tiền đồn chống Mỹ của phe xã hội chủ nghĩa”.
Lợi dụng tâm lý nôn nóng thống nhất đất nước, đặc biệt là tình cảm chính đáng muốn trở về quê hương của hàng vạn cán bộ chiến sỹ miền Nam tập kết, Trung Quốc thổi luồng gió kích động cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng miền Nam. Mao Trạch Đông phái Lưu Thiếu Kỳ sang Hà Nội thúc giục Phạm văn Đồng, gác việc xây đựng miền Bắc, tập trung giải phóng miền Nam. Đài phát thanh Bắc Kinh ngày đêm ra rả chửi Liên Xô xét lại, vu cho Khruschev cấu kết với đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Geneve. Trung Quốc kêu gọi các dân tộc trên toàn thế giới đoàn kết với Trung Quộc, dương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông, thực hiện cách mạng triệt để, chống chủ nghĩa xét lại và đế quốc Mỹ.
Mao Trạch Đông bắn một mũi tên, nhằm hai đích: Một đánh gục uy tín Liên Xô, giành đồng minh trong phe xã hội chủ nghĩa; hai là làm cho Mỹ tốn người tốn của, suy yếu, bỏ rơi Đài Loan, để Trung Quốc có cơ hội giải phóng hòn đảo hơn ba chục triệu dân, theo chủ nghĩa tư bản giàu có, đang giữ vai trò thành viên chính thức trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Cuộc chiến tranh Việt Nam, còn giúp Mao giải quyết mâu thuẫn nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc giữa phe của ông ta và phe tạo phản Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ.
Lợi dụng việcTồng thống Mỹ John F. Kennedy đưa 400 cố vấn quân sự sang miền Nam, Trung Quốc gấp rút trang bị cho 200 tiểu đoàn quân chủ lực Việt Nam, hối thúc Nam tiến. Trung Quốc tuyên bố, sẵn sàng đưa quan Giải phóng nhân dân Trung Quốc sang bảo vệ miền Bắc, để quân đội nhân dân Việt Nam dồn toàn bộ lực lượng vào Nam đánh Mỹ.
Phúc cho Việt Nam, lúc đó có nhiểu cái đầu thông minh và tỉnh táo, không dễ bị lừa mị hoặc dỗ ngon hứa ngọt, nếu không một Triều Tiên thứ hai chắc chắn xảy ra.
Một mặt Trung Quốc ép Việt Nam, một mặt Trung Quốc khiêu khích Mỹ. Những lời tuyên bố như “Mỹ là con hổ giấy” và các động tác chuyển quân giả, làm nóng đầu phái diều hâu ở Mỹ. Trung Quốc chơi trò “Trai cò mổ nhau / Ngư ông đắc lợi”, “Tọa sơn quan hổ đấu” và họ đã thành công. Mao Trạch Đông sử dụng cuộc chiến tranh Việt Nam khơi gợi được tinh thần chống Mỹ trong nhân dân Trung Quốc, hạ thấp uy tín của Liên Xô, giữ được vị trí độc tôn như một Tần Thủy Hoàng mà ông ta mơ ước! Mao muốn Việt Nam đánh Mỹ đến người cuối cùng vì ông và Trung Quốc!
Nhà sử học Eva Maria Stolberg, người Đức viết: “Trung Quốc đứng đầu là Mao Trạch Đông, được nhiều lợi lộc trên xương máu của nhân dân Việt Nam, từ việc tạo ra một lá chắn vững chắc từ xa, làm suy yếu kẻ thù của Trung Quốc là Mỹ, ngăn chặn đối thủ cạnh tranh vô cùng nguy hiểm là Nga, để Trung Quốc rảnh tay thanh trừng nội bộ phát triển”.
Một góc nhìn vào một khía cạnh khoa học quân sự, Trung Quốc cũng kiếm lợi khộng nhỏ. Nhờ chiến tranh Việt Nam, các nhà quân sự Trung Quốc viết được hẳn một cuốn bách khoa toàn thư về chiến lược, sách lược, tác chiến, chiến thuật đối với Mỹ. Ngành chế tạo vũ khí Trung Quốc tha hồ nghiên cứu những chất liệu và nguyên lý hoạt động của máy bay phản lực, máy bay B52, xe tăng, súng đạn của Mỹ, đó là những thứ chúng ta phải đổ rất nhiểu, rất nhiều máu mới chiếm được. Trung Quốc sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua những thứ đó? Liệu với vài tỷ nhân dân tệ Trung Quốc có mua nổi cái xác máy bay B52, đàng này họ khuân về nước như khuân củi? Xin nhớ, mới đây thôi, Iran ra giá hơn hai trăm triệu USD một vài mảnh xác máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn hạ.
Song, tất cả những lợi ích vật thể, phi vật thể nêu trên, chưa bằng cú Trung Quốc hốt hụi trót lọt trên xương máu của nhân dân Việt Nam. Ngày 28-2-1972, Trung Quốc đón Richar Nixon sang thăm, ký thông cáo chung Thượng Hải ba điểm:
Một, Trung Quốc cam kết không can thiệp quân sự vào Đông Dương, đổi lại Hoa Kỳ cam kết cùng Trung Quốc chống bá quyền Liên Xô.
Hai, Trung Quốc chấp nhận kiềm chế Việt Nam, đổi lại, Hoa Kỳ hạn chế, đi đến triệt tiêu các căn cứ quân sự, và quân đội Hoa Kỳ tại Đài Loan.
Ba, Trung Quốc chấp nhận để Hoa Kỳ giữ nguyên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, không ủng hộ việc thành lập Chính phủ Liên hiệp miền Nam sau khi có Hiệp định về hòa bình ở Việt Nam, đổi lại, Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc giữ ghế thành viên cố định tại Hội đồng Bảo an liên hợp quốc, thay Đài Loan.
Trung Quốc đã bán đứng Việt Nam như thế, thu về một nguồn lợi mà cả trăm năm Trung Quốc cũng không tích lũy nổi. Sự tham lam, quay quắt của Trung Quốc đã mở đường cho Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Thủ đô Hà Nội liên tục 12 ngày đêm, san bằng khu phố Khâm Thiên, khiến hàng ngàn người dân vô tội chết thảm.
Tôi còn nhớ như in bài xã luận của cố nhà báo Hoàng Tủng đăng trên báo Nhân Dân ngày ấy, có câu: “Trong cuộc cách mạng có những khi phải hòa hoãn với kẻ thủ, nhưng đang tâm bán rẻ bạn bè, đặt lợi ích của quốc gia mình lên trên, là sự hòa hoãn ích kỷ và độc ác!”.
Sự ích kỷ, độc ác của Trung Quốc còn thề hiện ở cuộc tập kích chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, xúi giục bọn Pôn Pốt đánh Việt Nam ngay sau khi miền Nam vừa giải phóng, trắng trợn hơn, trực tiếp mang quân xâm lược Việt Nam năm 1979.
Giờ Trung Quốc vẫn chiếm biển đảo Việt Nam, và ngày càng cuồng vọng xâm lược nước ta. Sao có những người vãn còn nói giọng “hữ hảo” với các quan chức Trung Nam Hải là “nhân danh nhân dân Việt Nam không quên ơn Trung Quốc?”. Rồi vì “cái ơn” ấy mà bắt nhân dân phải cúi đầu?
Không! Tôi là một công dân Việt Nam, tôi khẳng định mình không nợ nần, không mang ơn Trung Quốc. Những ai mang ơn Trung Quốc cứ việc cảm ơn, nhưng cần tách bạch rõ ràng, không được đem nhân dân ra mà “nhân danh tôi” một cách tùy tiện. Không! Dứt khoát không bao giờ!
M.D
http://bvbong.blogspot.de/2012/12/ham-on-hay-oan-han.html-Hàm ơn hay oán hận? (Blog Bùi Văn Bồng 8-12-12) ◄