Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

‘Việt Nam vi phạm nhân quyền khi trấn dẹp biểu tình chống Trung Quốc’

-Chính quyền Việt Nam đã nhanh chóng dẹp tan hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn hôm 9/12 trong các cuộc xuống đường mới nhất của dân Việt bày tỏ phẫn nộ trước các động thái gần đây của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

Người biểu tình Việt Nam xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, ngày 9/12/2012.

Các cuộc biểu tình yêu nước một lần nữa bị trấn dẹp khơi dậy sự bất bình đang sôi sục trong công luận đối với nhà nước Việt Nam vì cách phản ứng yếu ớt trước các động thái gây hấn của Bắc Kinh nhưng lại đối phó mạnh tay với người dân. Trong số những nhân sĩ-trí thức mạnh mẽ lên tiếng phản đối cách hành xử của chính quyền có luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi của Ban Việt Ngữ VOA liên quan lá thư ông tố cáo và chất vấn chính quyền về hành động trấn áp, bắt bớ các nhân sĩ trí thức đứng tên tổ chức cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn sáng chủ nhật vừa qua, luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết:

Nghe cuộc phỏng vấn với Luật gia Lê Hiếu Đằng

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Cuộc mít-tinh chúng tôi tổ chức, chúng tôi có thông báo với chính quyền và tổ chức một cách công khai, minh bạch. Mục đích mít-tinh không phải để chống nhà nước mà là chống những hành động xâm lược, gây hấn trắng trợn của Trung Quốc gần đây. Lẽ ra, nhà nước nên tạo điều kiện để người dân lên tiếng vì bây giờ thật ra các tầng lớp nhân dân đang rất bức xúc. Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố có mời chúng tôi làm việc, chúng tôi đã trình bày rất rõ ràng với ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố. Và chúng tôi cứ nghĩ rằng rồi sẽ được biểu tình. Nhưng cách hành xử của chính quyền là không tôn trọng các quyền của công dân. Ví dụ trường hợp của Giáo sư Tương Lai, trên đường đi bị ép xe, bị bắt vào công an phường, rồi bị truy đuổi về nhà. Còn chúng tôi, những người đã ký tên (trong thông báo tổ chức mít-tinh), họ không cho ra khỏi nhà, họ xâm phạm quyền đi lại của người dân. Chúng tôi tay không làm sao chống lại lực lượng hùng hậu của công an. Họ huy động rất hùng hậu. Những việc làm đó là không được. Cho nên, tôi mới lên tiếng tố cáo.

Người biểu tình chống Trung Quốc cầm quốc kỳ ViệtNamvà các biểu ngữ chống Trung Quốc tuần hành trên đường phố Hà Nội, ngày 9/12/2012

Người biểu tình chống Trung Quốc cầm quốc kỳ ViệtNamvà các biểu ngữ chống Trung Quốc tuần hành trên đường phố Hà Nội, ngày 9/12/2012

VOA: Những gì ông tố cáo là ‘bắt bớ, trấn áp, khống chế, bao vây’ được chính quyền mô tả là ‘giải tán tập trung đông người trái pháp luật gây mất trật tự công cộng’. Phản hồi của ông thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Bao giờ họ cũng nói vậy thôi. Khi nào chúng tôi tham gia biểu tình phá rối trật tự trị an thì họ mới được bắt chớ.

VOA: Trong thư tố cáo, ông có chất vấn ai chủ trương, ai chịu trách nhiệm về những hành động này. Vậy thư này ông có gửi tới những người hữu trách để đòi được giải đáp trực tiếp không, hay ông chỉ công bố lên công luận để đánh động sự quan tâm của công luận thôi?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Chúng tôi đã nhiều lần gửi thư cho chính quyền, kể cả nhân sĩ trí thức cả nước gửi lên trung ương, nhưng có bao giờ được trả lời đâu. Thành ra, chúng tôi nghĩ gửi cũng vô ích. Ở đây, chúng tôi muốn tố cáo đưa ra công luận để thấy được việc làm không đúng của chính quyền TPHCM.

VOA: Trung Quốc lâu nay và mới đây nhất vào ngày 10/12 lặp lại yêu cầu Việt Nam không được cổ động các hành động có thể làm gia tăng hay phức tạp hóa tranh chấp Biển Đông. Việt Nam dường như đã và đang đáp ứng đòi hỏi ấy của Bắc Kinh với việc trấn dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc, ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng ra sao?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Đòi hỏi đó rất vô lý. Nếu vậy, họ hãy chấm dứt những hành động gây hấn, xâm lấn vùng lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông, bách hại ngư dân, cắt cáp tàu Bình Minh 02. Chúng tôi đâu phải tự nhiên biểu tình hay mít-tinh, mà tại họ có những hành động ngang ngược, trắng trợn như ra lệnh sẽ soát xét tàu bè trong vùng bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Tại sao dân Trung Quốc lại phản đối Nhật bằng hành động hết sức quá khích như đập phá cửa hàng của Nhật hay uy hiếp những người Nhật, trong khi chúng tôi biểu tình rất ôn hòa thì lại không cho, lại đề nghị chính quyền Việt Nam không cho phép biểu tình? Cái đó là không được.

VOA: Ông cho rằng đòi hỏi của Trung Quốc là quá đáng, không hợp lý. Còn về cách đáp ứng của phía chính quyền Việt Nam, ông nhận xét thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ chính quyền Việt Nam phải đấu tranh quyết liệt hơn nữa để Trung Quốc phải chấm dứt, thậm chí phải đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế, phải vận động các nước trong khu vực đấu tranh trong vấn đề Biển Đông, phải có biện pháp hiệu quả, chứ không chỉ là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Mặt khác, nếu họ đề nghị không để cho dân biểu tình, mình phải nói lại rằng dân tôi phẫn uất như vậy do các hành động xâm lấn trắng trợn của anh. Họ biểu tình, họ mít-tinh, tôi đâu có cản được? Tại sao dân anh lại phản đối Nhật như vậy? Tôi nghĩ là chúng ta đủ lý lẽ để phản bác lại. Có điều chúng tôi cũng khó hiểu tại sao nhà nước Việt Nam lại không có những luận điểm để đáp trả lại những lời đề nghị vô lý như vậy. Đây là việc nội bộ của Việt Nam. Anh không thể nào nói như vậy được. Việt Nam đâu phải chư hầu của anh, mà anh làm vậy?

VOA: Việc trấn dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, theo ông, có tác dụng thuận-ngược ra sao, đối với lòng dân, và đối với công cuộc bảo đảm-khẳng định chủ quyền đất nước?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Chúng tôi lần đầu tiên đứng tên công khai tổ chức mít-tinh, có nghĩa là chúng tôi chịu trách nhiệm, chứ không phải chúng tôi làm thầm lén, bí mật, mờ ám. Chúng tôi công khai, minh bạch việc đó. Qua cuộc mít-tinh, thật ra chúng tôi ra không được, chỉ có anh Huỳnh Tấn Mẫm ra thôi, nhưng chính thanh niên-sinh viên-học sinh là lực lượng chính trong cuộc biểu tình đó. Điều này chứng tỏ lòng dân đã rất sôi sục rồi. Lòng dân đã rất rõ rồi.

 

Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 9/12/2012

Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 9/12/2012

 

VOA: Nhưng chính quyền Việt Nam cũng có lý do của họ khi trấn dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rằng họ bảo vệ đường lối giải quyết tranh chấp bằng chính sách ngoại giao ôn hòa. Theo ông, lợi-hại của việc trấn dẹp các cuộc biểu tình đó đối với việc bảo vệ-khẳng định chủ quyền Việt Nam như thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Vấn đề bảo vệ chủ quyền là nghĩa vụ của tất cả người dân Việt Nam, chứ không phải chỉ đảng và nhà nước lo. Tất nhiên đường lối ngoại giao mềm dẻo là cần thiết. Nhưng mình mềm dẻo đến một mức nào đó thôi. Cái sức mạnh chính là ở lòng dân. Và bây giờ chúng ta có một thuận lợi rất lớn là quốc tế đang ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Mình phải sử dụng những cái đó. Chúng ta nếu không kiên quyết có những biện pháp, nó sẽ nuốt trọn Biển Đông.

VOA: Theo ông, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc biểu hiện lòng yêu nước bị trấn áp có tín hiệu thế nào, ý nghĩa thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Việc làm này là công khai minh bạch. Đây là quyền của người dân để nói lên tiếng nói của mình, biểu thị ý chí của mình, không thể ai ngăn trở được. Tổ chức cuộc mít-tinh trong nhà, có trật tự, thì có vấn đề gì? Trước đây, Mỹ tấn công Iraq, chính thành phố cũng chỉ đạo là phải tổ chức cuộc mít-tinh để phản đối Mỹ. Vậy mà bây giờ, Trung Quốc tấn công trực diện Việt Nam, tại sao chúng ta lại không có phản ứng, không có tiếng nói của người dân?

VOA: Vậy việc trấn áp các cuộc biểu tình đó, theo ông, nên được hiểu như thế nào?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Đây tôi cho là một việc làm không đúng. Nó vi phạm nghiêm trọng quyền tự do của công dân đã được ghi trong Hiến pháp.

VOA: Xin chân thành cảm ơn thời gian luật gia Lê Hiếu Đằng đã dành cho đài VOA trong cuộc phỏng vấn này.

T.M.-L.H.Đ

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-vi-pham-nhan-quyen-khi-tran-dep-bieu-tinh-chong-trung-quoc/1563407.html

-Các nhân sĩ, trí thức ra TUYÊN BỐ phản đối công an, chính quyền TPHCM trấn áp thô bạo người yêu nước trong cuộc mít tinh chống Trung Quốc gây hấn

“Chúng tôi kêu gọi công luận trên cả nước hãy lên án hành động trấn áp người biểu tình khi họ thực hiện quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp để biểu tỏ lòng yêu nước, phản đối hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh gây hấn lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải thuộc chủ quyền của ta.

Kiên quyết đấu tranh chống lại hành động gây hấn và mọi thủ đoạn thâm hiểm, lừa mị của nhà cầm quyền Bắc Kinh.”

TUYÊN BỐ

PHẢN ĐỐI HÀNH VI TRẤN ÁP THÔ BẠO VI PHẠM PHÁP LUẬT

XÂM PHẠM NGHIÊM TRỌNG QUYỀN CÔNG DÂN

Chúng tôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng, những người ký tên vào Thông báo TỔ CHỨC MÍT TINH PHẢN ĐỐI NHỮNG HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC được tổ chức vào ngày 9.12.2012 tại quảng trường Nhà hát Thành phố, cực lực phản đối những hành vi thô bạo vi phạm pháp luật của các lực lượng công an và chính quyền địa phương tại những Phường và Quận nơi chúng tôi cư trú và nơi tổ chức mít tinh.

 

Việc tổ chức mít tinh phản đối hành động gây hấn ngày càng nghiêm trọng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, nhằm biểu thị ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia về lãnh thổ và lãnh hải là một việc hết sức cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ trí thức và thế hệ trẻ Thành phố. Đó là hành động yêu nước quang minh, chính đại. Chúng tôi đã công khai nêu rõ mục đích của cuộc mít tinh, khẩu hiệu đấu tranh, ngày giờ và địa điểm trong THÔNG BÁO ngày 7.12.2012. Thông báo này cũng đã gửi đến ông Bí thư Thành ủy, ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chỉ đạo các ngành hữu quan hỗ trợ để cuộc mít tinh phản đối hành động gây hấn và những thủ đoạn nham hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc diễn ra trong trật tự, tạo thành một sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Nhà nước.

Trong buổi tiếp chúng tôi, thay mặt cho lãnh đạo Thành phố, ông Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Trí đã nghe chúng tôi trình bày rõ ràng, minh bạch lý do chúng tôi thực hiện quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp và đã nêu rõ trong Đề nghị của 42 nhân sĩ trí thức gửi đến lãnh đạo Thành phố ngày 27.7.2012 về việc tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện quyền công dân, biểu tình biểu tỏ ý chí kiên quyết chống hành động gây hấn, lấn chiếm, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Ông Phó Chủ tịch đã hiểu rõ mục đích, nội dung, khẩu hiệu, địa điểm và ngày giờ tổ chức cuộc mít tinh và cũng đã có thái độ chia sẻ với chúng tôi.

Đáng tiếc là, thay vì hỗ trợ chúng tôi thì chính quyền lại ra sức ngăn cản để không cho cuộc mit tinh biểu thị lòng yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược được tiến hành một cách ôn hòa và trật tự. Nhiều thủ đoạn không quang minh chính đại đã được diễn ra theo một kịch bản trấn áp được thực thi một cách thô bạo. Nghĩ rằng, tóm bắt những người đề xướng cuộc mít tinh không cho họ đến quảng trường Nhà hát Thành phố thì cuộc mít tinh sẽ tan. Hoàn toàn không phải vậy.

Diễn biến của tình hình cho thấy, nếu không có năm chúng tôi thì cuộc mít tinh vẫn diễn ra với một khí thế mạnh mẽ, biểu thị sức mạnh của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thành phố, đặc biệt là của thanh niên và giới nhân sĩ, trí thức, không một thế lực đen tối nào ngăn cản được. Điều này cho thấy nếu vẫn cứ trấn áp, bắt bớ, đe dọa và khủng bố thì sẽ chỉ như lửa đổ thêm dầu, làm cho tình hình Thành phố mất ổn định, hình ảnh cả đất nước xấu thêm lên trước con mắt công minh của bạn bè quốc tế.

Theo kịch bản trấn áp để phá bỏ cuộc mít tinh, cả năm chúng tôi đều bị lực lượng công an, dân phòng và chính quyền địa phương nơi chúng tôi cư trú bao vây từ sáng sớm. Chỉ có Huỳnh Tấn Mẫm là thoát khỏi sự vây bắt của công an và chính quyền địa phương đến được quảng trường Nhà hát Thành phố, bốn người còn lại đều bị ngăn chặn, trong đó ba người bị ép buộc không được ra khỏi nhà, một người bị chặn bắt một cách thô bạo trên đường đi, áp tải về trụ sở Phường và đã có Tuyên bố phản đối ngay trong ngày 9.2.2012 với những dẫn chứng cụ thể.

Nhiều người khác ngoài năm chúng tôi cũng đã bị vi phạm quyền tự do công dân như ông Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều người khác nữa, bị ép buộc không được ra khỏi nhà hoặc bắt phải quay về nhà khi đang đi trên đường mà không có bất cứ một văn bản pháp luật nào được công bố ngoài việc tùy tiện bắt giữ, ngăn cản, tùy tiện xông vào nhà án ngữ không cho ra khỏi nơi cư trú.

Các hành động trên đã vi phạm trắng trợn quyền công dân được ghi trong Chương V của Hiến pháp, Điều 68: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”. Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Điều 71: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”. Điều 73: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”.

Chà đạp lên luật pháp, các hành vi thô bạo nói trên cần phải bị trừng trị và cần phải chấm dứt. Chúng tôi yêu cầu ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra và có giải pháp thích đáng đối với những cán bộ phạm pháp, vi phạm quyền công dân đối với chúng tôi.

Chúng tôi kêu gọi công luận trên cả nước hãy lên án hành động trấn áp người biểu tình khi họ thực hiện quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp để biểu tỏ lòng yêu nước, phản đối hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh gây hấn lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải thuộc chủ quyền của ta.

Kiên quyết đấu tranh chống lại hành động gây hấn và mọi thủ đoạn thâm hiểm, lừa mị của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Phát huy truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc, mỗi người Việt Nam hãy đứng lên chống lại bọn xâm lược, cảnh giác trước mưu mô của chúng.

Tổ quốc trên hết và trước hết!

TP Hồ Chí Minh ngày 10.12.2012

Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng

-

Việt Nam nằm trong top 10 các nước giam giữ ký giả nhiều nhất thế giới

Trong danh sách các nước bỏ tù nhiều ký giả nhất trên thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ sáu, với 14 nhà báo đang bị giam cầm. Đó là kết quả vừa công bố trong báo cáo đặc biệt của Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ có trụ sở tại Mỹ.

 CPJ nói trong những năm gần đây, Việt Nam đang tăng cường chiến dịch đàn áp các ngòi bút chỉ trích nhà nước, đặc biệt là những nhà báo trên mạng.

Theo CPJ, đa số các nhà báo tại Việt Nam bị bỏ tù vì tội danh chống nhà nước liên quan tới các bài viết về các vấn đề chính trị nhạy cảm như quan hệ Việt – Trung và cách chính quyền hành xử với cộng đồng Công giáo.

Ông Bob Dietz, phụ trách khu vực Á Châu trong CPJ, phát biểu với VOA Việt ngữ:

“Chúng tôi theo dõi tình hình tại Việt Nam bấy lâu nay. Chúng tôi có bản phúc trình về tình hình đàn áp ký giả tại Việt Nam trong năm nay và đã gửi thư cho chính quyền Hà Nội đính kèm danh sách các nhà báo bị cầm tù để kêu gọi họ xem xét lại. Dĩ nhiên họ không hồi đáp. Nếu Việt Nam muốn trỗi lên thành một xã hội tiến bộ, một nền kinh tế năng động và phát triển, cần phải có luồng thông tin tự do trong đó bao gồm các thông tin chỉ trích nhà nước. Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy Hà Nội để họ phải học hỏi và chấp nhận rằng người dân phải có quyền tự do ngôn luận”.

CPJ cho biết trong năm 2012 này, số nhà báo trên toàn cầu bị cầm tù lên tới mức cao kỷ lục.

Tính đến đầu tháng 12, cả thế giới có 232 ký giả hay phóng viên ảnh bị giam cầm tại 27 quốc gia, tức là tăng 53 người so với số liệu của năm ngoái, và là con số cao nhất kể từ khi CPJ bắt đầu công tác thống kê từ năm 1990 tới nay.

Đứng đầu danh sách các nước bỏ tù nhiều ký giả nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo sau làIran. Trung Quốc xếp hạng ba. Các nước còn lại trong top ten, ngoài Việt Nam, còn có Eritrea, Syria, Azerbaijan, Ethiopia, Uzbekistan, và Ả Rập Xê-Út.

T.M.

 

Tổng số lượt xem trang