Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Luận lý Hiện tại sinh động: Vì một Luận lý Hình thức và Biện chứng

Trần Đức Thảo. Ảnh: Dong Duc Thanh
Trần Đức Thảo (1993)
Nguyễn Hoài Vân dịch từ Pháp Văn
Trần Đức Thảo. Ảnh: Dong Duc Thanh
Dẫn nhập: Bạn đang có trước mặt di chúc triết học của Trần Đức Thảo. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời ông ở Paris, một người bạn tôi là Phan Tấn Phùng hàng ngày lui tới với ông và được giao cho đánh máy tài liệu « La Logique du Présent Vivant » này. Ít lâu sau, Trần Đức Thảo mệnh chung. Bạn Phùng cũng từ giã đời thường, xuất gia đi tu. Bạn đưa cho tôi biên khảo quý giá này. Tôi lập tức có ý định dịch ra tiếng Việt, nhưng trải qua nhiều năm, mãi đến bây giờ mới thực hiện được.

Có lẽ Trần Đức Thảo là người trí thức đúng nghĩa hiếm có của Việt Nam. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Triết Học, mặc dù những quan tâm của ông rất ít được sự hưởng ứng của xã hội chung quanh. Người ta thường coi sự hiểu biết mênh mông của ông như « không dùng làm gì ». Ông sống trong nghèo khổ, để mãi đến cuối cuộc đời mới có điều kiện trở lại đất Pháp, nơi mà, vào một thuở xa xưa, ông từng được ngưỡng mộ như một thiên tài triết học, với tương lai đầy hứa hẹn. Tiếc thay, thời huy hoàng ấy đã quá ngắn ngủi để người ta còn nhớ đến ông, khi ông quay lại Paris, lúc tuổi già …

Triết lý của Trần Đức Thảo không dễ hiểu. Đề tài được bàn đến trong bài này càng không dễ bước vào. Người đọc không chuyên môn cần trang bị cho mình một chút kiên nhẫn, và đừng ngần ngại tra cứu thêm bên ngoài, cũng như đọc sang phần chú thích, với những tóm tắt về một số khái niệm mà Trần Đức Thảo chỉ gợi qua, mặc dù chúng không thể thiếu cho sự thông hiểu đề tài. Ngoài ra, khi cần thiết, người dịch đã mạn phép lồng vào giữa các câu văn một vài giải thích ngắn , trong ngoặc đơn, với  ký hiệu « NHV ».
Độc giả đọc được tiếng Pháp có thể tìm xem nguyên bản trên trang nhà của người dịch :http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=707&kind=0.
Trong phần đầu của bài này, trước khi thực sự đi vào chủ đề « Hiện Tại Sinh Động », Trần Đức Thảo đã vẽ lên một phương pháp suy luận mới, kết hợp hai phạm trù vốn được coi như đối nghịch nhau của luận lý học, là luận lý hình thức : « A là A HAY không là A », và luận lý biện chứng : « A là A  không là A, vì A chuyển biến ». Luận lý hình thức hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ và cảm nhận thông thường, nên có tính cách đương nhiên. Luận lý biện chứng thì cần sự « chuyển biến » để biện minh cho nó. Chuyển biến lại đòi hỏi thời gian. Vì thế thời gian là vấn đề liền được đặt ra sau đó.
Suốt nhiều thế hệ, thời gian là vốn một trăn trở của triết học. Thánh Augustin từng nói : “Thời gian là gì ? Nếu không ai hỏi đến, thì tôi biết, nhưng nếu phải cắt nghĩa nó, thì tôi không còn biết nữa”. Nếu sống ở thế kỷ 20, Augustin sẽ được nghe Merleau Ponty trả lời : “Thời gian không phải là một đối tượng của hiểu biết, mà là một chiều kích của hiện hữu” (Phénoménologie de la Perception). Đối với Platon, thì : « thời gian là hình ảnh di động của vĩnh hằng bất động ». Ngôn ngữ thông thường cho là “thời gian trôi”, nhưng nó có “trôi” thật không, hay chỉ sự vật “trôi” trong nó ?
Trần Đức Thảo thì chọn khởi đi từ quan điểm của Aristote : “thời gian là con số của sự chuyển động từ trước đến sau”. Nhưng chỉ để lập tức vạch ra chỗ bế tắc của quan điểm này : nó không thể hình dung được sự chuyển động. Thật vậy thời gian của Aristote là một chuỗi giây lát bất động nối tiếp nhau, mỗi giây lát phân định một sự “trước – sau”. Sự chuyển động được đặt vào một chuỗi giây lát bất động như thế, liền trở thành một chuỗi vị thế, cũng tự nó bất động. Thế thì làm sao cắt nghĩa được những bước chuyển từ vị thế bất động này sang vị thế bất động khác ? Làm sao hình dung được một mũi tên đang bay, nếu nó chỉ liên tục nằm ở những vị thế bất động nối tiếp nhau ?
Lý thuyết “Hiện Tại Sinh Động” được đề ra như một giải đáp cho bài toán ấy. Trần Đức Thảo không quan niệm một Hiện Tại trừu tượng, biến vào quá khứ ngay vào lúc nó nảy sinh, tức hiện hữu để không còn hiện hữu, nằm giữa một tương lai không hiện hữu vì chưa xảy đến, và một quá khứ cũng không hiện hữu vì đã qua đi. Hiện Tại ở đây được gọi là Sinh Động, vì nó hoàn toàn gắn liền với một hiện hữu cụ thể. Người ta không phải băn khoăn về sự hiện hữu của Hiện Tại ấy. Nó hiện hữu hay không, không còn là vấn đề. Có một hiện hữu cụ thể ở trong nó, thuộc về nó, “hội nhập” nó. Quan niệm “hội nhập thời gian” được hiểu theo nghĩa ấy, vì, hội nhập “Hiện Tại sinh động” chính là hội nhập vào “dòng thời gian”.
Thời gian, được hiện hữu “hội nhập” vào, liền tự nó mang một động lực, để trong mỗi giây lát, đã sẵn có một sự lôi cuốn “sinh động”, hút nó vào giây lát tiếp theo. Đó là “áp lực hướng tiền”. Đồng thời, sự “hội nhập” của một hiện hữu vào mỗi giây lát cũng chính là sự lắng đọng của nó trong giây lát ấy. Mọi giây lát đều lắng đọng trong giây lát kế tiếp, nên trong mỗi giây lát có sự “tồn đọng” của toàn thể quá khứ. Tồn đọng và hướng tiền là cặp mâu thuẫn cơ bản của sự hội nhập thời gian.
Công trình kết hợp luận lý hình thức và luận lý biện chứng cho phép hình dung một hiện hữu bao gồm cặp mâu thuẫn ấy. Ở mỗi giây lát, một mặt nó “là” nó, với tất cả những tồn đọng của quá khứ trong nó, đồng thời không còn là nó, vì áp lực hướng tiền trong nó, bắt nó trở thành cái khác. Trở thành cái khác trong giây lát tiếp theo, nhưng lại vẫn là nó, vì các giây lát trước (với tất những gì đã “là” nó),  đều tuần tự tồn đọng trong nó. Nói cách khác, sự thống nhất của cặp mâu thuẫn “tồn đọng” và “hướng tiền” mô tả hiện trạng của hiện hữu, cho thấy “nó là nó”, tức vừa mang sự tồn đọng của quá khứ, vừa hàm chứa áp lực hướng tiền đẩy đến tương lai. Sự đối kháng giữa cặp mâu thuẫn ấy thì cho ra sự triệt tiêu của cái hiện hữu kia : nó biến đi, không còn là nó, để bước vào tương lai. Trần Đức Thảo khai triển rất kỹ vấn đề này.
Thế nhưng, hiện hữu mà ta đang nói, là gì trong cụ thể ? Nó có thể là bạn, là tôi, là một con amibe, con sứa, con mực, con mèo, một hài nhi, như Trần Đức Thảo sẽ lần lượt mô tả, đồng thời cũng có thể là một đoàn thể, một xã hội, một khu rừng, toàn bộ thiên nhiên, hay đơn thuần là một hòn sỏi. Sự chuyển biến sẽ rất chậm trong trường hợp một hòn sỏi, và nhanh hơn trong trường hợp con amibe, nhưng luận lý trên luôn áp dụng được. Đó chính là “biện chứng tổng quát” của sự “hội nhập thời gian”, đề tài của phần II.
Vấn đề bây giờ là những hiện hữu lồng trong hiện hữu khác. Như những cá nhân trong một xã hội, tạng phủ, cơ quan, trong một cơ thể, những tế bào trong tạng phủ, cơ quan ấy, v.v… Tất cả đều là những hiện hữu chuyển trôi trong dòng thời gian. Chúng đều có sự vận động riêng, đồng thời với những liên hệ phức tạp giữa chúng với nhau, và với các hiện hữu bao trùm chúng. Trong tất cả sự chuyển biến và không ngừng tiến hóa trên nhiều tầng, nhiều lớp, phân thành nhiều hệ thống, tiểu hệ thống, liên hệ chằng chịt với nhau như thế, làm sao nhận ra được Cá Tính của mỗi hiện hữu, và  quan niệm sự chuyển biến của nó trong dòng thời gian ? Đó là đề tài của phần III.
Trần Đức Thảo nhận xét là truyền thống khoa học nhìn cá thể như một tập hợp của những tương quan giữa cá thể ấy với môi trường. Người ta mô tả một con amibe với toàn bộ cấu trúc thấy được của nó trong một điều kiện nhất định của môi trường quanh nó, rồi mô tả những thay đổi của cấu trúc này, khi thêm hoặc bớt một vài yếu tố trong môi trường ấy (vài hóa chất, bạch huyết cầu, vi khuẩn khác v.v…). Vào mỗi giây lát, Amibe được coi như trung tâm của những tương tác với môi trường, hay, một cách chính xác hơn, như một giao điểm của các tương tác ấy. Chúng ta gặp lại vấn đề đã được đặt ra cho giây lát, khi nhìn giây lát như một “điểm thời gian”. Làm sao quan niệm được sự chuyển hóa của amibe trong dòng thời gian, nếu trong mỗi giây lát, cá thể này chỉ được nhìn như một điểm tự nó bất động ? Làm thế nào để nối liền con bướm với con sâu, phôi bào với trẻ nhỏ, bé sơ sinh với cụ già, vài anh dân quân nơi thượng du hẻo lánh, với một “quân đội nhân dân” hùng cường, vài ngôi làng họp nhau chống lại một lãnh chúa, với Liên bang Thụy Sĩ ngày nay, một sinh vật đơn bào với con người, một điểm cực nóng có tỷ trọng cực cao (lúc Big Bang) với vũ trụ hiện thấy. Người ta có thể mô tả vô số những trạng thái trung gian, một cách tỉ mỉ nhất có thể được, nhưng các trạng thái trung gian ấy vẫn chỉ là những “điểm”, như những tấm hình chụp mũi tên đang bay, không cho phép quan niệm được một cách thuần lý, sự vận động, chuyển hóa, từ điểm này sang điểm khác. Lý thuyết Hiện tại Sinh Động cho phép điều ấy, bằng một sự hiểu biết tổng quát, được gọi là sự “hiểu biết cảm thông”, không cần dùng đến những mô tả, những phân giải, vô cùng tận.
Để vạch rõ điều này, Trần Đức Thảo tự giới hạn trong lĩnh vực sinh học để mô tả sự chuyển hóa của một sinh vật. Một mặt nó hấp thụ những chất nuôi dưỡng từ môi trường chung quanh, để biến chúng thành chính nó, thêm vào cho cái cấu trúc mà nó đã sẵn có. Đó là chức năng tồn đọng, cho phép “nó là nó” trong dòng thời gian. Đồng thời nó đào thải ra ngoài những chất liệu vốn thuộc về nó, cũng như một sự chuyển biến, vì khi ấy “nó không còn là nó” của giây lát trước, mà trở thành một cá thể mới. Trần Đức Thảo áp dụng tổng hợp luận lý hình thức và biện chứng, tiền đề của lý thuyết Hiện Tại Sinh Động, để mô tả rất tỉ mỉ sự “chuyển động bao hàm đối kháng” này.
Ở trên, chúng ta đã đề cập đến những cá thể kết hợp nhiều cá thể khác, như cơ thể con người kết hợp  hàng chục ngàn tỷ tế bào, hay một xã hội kết hợp nhiều triệu thành viên. Phần IV của bài này khảo sát vào tận bản tính của sự kết hợp ấy.
Vẫn giữ thí dụ sinh học, Trần Đức Thảo chuyển từ sinh vật đơn bào đến những loài đa bào đơn giản như loài “Bọt Biển” và loài “Ruột Khoang” (như con sứa). Chúng ta đều biết sự kết hợp trong một sinh vật đa bào không chỉ đơn thuần là ghép nối các tế bào với nhau. Có những khía cạnh khác cần được nhận  thức như khi sinh vật ấy thu nạp những chất nuôi dưỡng từ môi trường vào trong thân thể, thì những thành tố ấy liền kết hợp với chính nó, để trở thành một phần của nó (đã nói ở trên). Bọt Biển lấy các chất nuôi dưỡng vào một cách thụ động, bằng sự thâm nhập qua cơ thể. Loài Ruột Khoang thì chủ động thu bắt các thành tố nằm giữa các “chân – tua” của nó. Qua việc thu bắt ấy, cùng với sự tống xuất các cặn bã và đẩy lùi các vật nguy hại, Trần Đức Thảo nhận ra sự hình thành của hành vi đầu tiên trong lịch sử các sinh vật. Đó là sự co thắt. Hành vi ấy có được là nhờ sự “chuyên môn hóa” của một số tế bào của hệ “thần kinh – cơ”, với hai chức năng đối nghịch kết hợp với nhau, là : trương lực và từng kỳ. Sự thống nhất của hai yếu tố đối nghịch này cho ra hiện trạng của sinh vật, tức trạng thái co thắt. Sự đối kháng giữa chúng,  triệt tiêu hiện trạng ấy, và cho ra trạng thái thư giãn. Kết hợp nhìn dưới khía cạnh này, chính là tương quan biện chứng giữa những thành phần có chức năng đối nghịch, hay nói rộng ra khác biệt nhau, trong một tổng thể.
Rồi Trần Đức Thảo nhảy một bước dài trong dòng tiến hóa để mô ta một bước nhảy khác, bước nhảy của mèo vồ chuột. Các diễn viên của vở kịch vẫn không thay đổi. Hệ thống thần kinh và cơ bắp được phân thành hai loại, trương lực và từng kỳ, vẫn đóng vai trò then chốt. Một yếu tố có vẻ mới mẻ, được phát hiện. Đó là hình ảnh của con chuột, từ trong hệ thần kinh của mèo, được mèo phóng chiếu ra ngoài thân thể nó, đến đúng vị trí mà nó sẽ vồ chuột. Đó là một hình ảnh “tiềm năng”, vì không có thật, và “mang xu hướng”, vì đã chứa sẵn trong nó, những chỉ đạo cho các tư thế rình chuột, và động tác vồ lấy chuột. TĐT cho thấy là thật ra, « hình ảnh tiềm năng mang xu hướng » đã hiện hữu từ loài Ruột Khoang, cùng với sự phân chia của hệ “thần kinh – cơ” thành hai loại trương lực và từng kỳ. Sự phóng chiếu hình ảnh này cho phép con vật tác động vào một “vùng phụ cận”, bên ngoài nó, nhưng có thể được nó “trưng dụng”.
Tóm lại, mâu thuẫn “trương lực – từng kỳ” chính là khởi điểm trên đó Trần Đức Thảo áp dụng Lý Thuyết Hiện Tại Sinh Động vào tính kết hợp của các động vật, kể từ loài Ruột Khoang, để đem lại một cái nhìn nhất quán về hành vi của chúng, cho đến hành vi có ý thức nơi con người.
Ông thêm vào nhận xét về Trò Chơi, để cho thấy một khía cạnh quan trọng của lịch sử tiến hóa. Qua  trò chơi, con vật dùng đến những sự vật trung gian để tăng cường hiệu năng tác động vào môi trường quanh mình. Với loài người, trung gian ấy sẽ trở thànhdụng cụ lấy từ thiên nhiên một cách trực tiếp, trước khi được chế biến, bằng thủ công, rồi kỹ nghệ.
Đến đây, tôi xin kính cẩn nhường lời cho Trần Đức Thảo, và hẹn gặp lại bạn ở “Lời Cuối”.
—–0—–
Dàn bài :
I)            Vì một Luận lý Hình Thức và Biện Chứng
II)          Biện Chứng Luận Lý như biện chứng tổng quát của Hội Nhập Thời Gian
III)         Lý Thuyết Hiện Tại Sinh Động như Lý Thuyết của Cá Tính
III)         Lý Thuyết Hiện Tại Sinh Động như Lý Tuyết của Tính Kết Hợp
 —–0—–

I) Vì một Luận lý Hình Thức và Biện Chứng

Các nhà phát minh ra biện chứng pháp đã xây dựng học thuyết của họ để chống lại Luận Lý Hình Thức. Điều này đem lại cảm tưởng rằng những nguyên lý của biện chứng pháp đi ngược lại với những thói quen của suy tư thông thường, được áp dụng trong luận lý hình thức. Kết quả là thành kiến cho rằng biện chứng pháp tối tăm, khó hiểu, khiến phương pháp lý luận này chậm phổ biến và không phát huy được đầy đủ những lợi ích mà nó có thể đem lại.
Luận Lý Hình Thức tóm tắt các quy luật của tư duy thông thường trong ba nguyên lý nền tảng :
I – Nguyên lý đồng nhất : cái gì hiện hữu, thì hiện hữu
II- Nguyên lý không mâu thuẫn : cái gì không hiện hữu, thì không hiện hữu. Hay nói cách khác : A không thể vừa là A vừa là « không A ».
III- Nguyên lý triệt tam :  một sự vật chỉ cò thể là A hoặc « không A », không có giải pháp thứ ba.
Luận Lý Biện Chứng chống lại những khẳng định có vẻ như đương nhiên ấy, nhân danh sự chuyển động và trở thành. Nó đề ra ba nguyên lý ngược lại :
I) Mọi sự vật hiện hữu, đồng thời không hiện hữu, vì nó lưu chuyển
II) Điều không hiện hữu, cũng hiện hữu, vì quá khứ không còn hiện hữu, thành tựu  trong hiện trạng của lúc này, và tương lai chưa hiện hữu, đã bắt đầu hiện lên,  cũng từ cái hiện trạng lúc này ấy.
III) Mọi sự vật đều là chính nó và là cái khác, vì nó tự biểu hiện như một cái khác trong sự xuất hiện của tương lai đã bắt đầu trong lúc này.
Nói tóm lại, Luận Lý Hình Thức trung thành với tri giác thông thường, coi giây lát hiện tại như tự nó bất động, khiến cho sự chuyển động chỉ có thể thực hiện được qua những bước chuyển từ một giây lát sang giây lát kế tiếp. Điều này cho ra những nghịch lý như Achille không thể qua mặt con rùa, hay mũi tên bay, nhưng bất động trong mỗi giây lát. Thời điểm Achille qua mặt con rùa có thể được tính ra một cách dễ dàng, cũng như đường bay của mũi tên. Nhưng (với cách nhìn giây lát  tự nó bất động – NHV) người ta khó quan niệm được những chuyển động ấy như đang diễn ra.
Lý do vì các nguyên lý của Luận Lý Hình Thức giả định sự vật tự nó bất động trong mỗi giây lát, biệt lập với sự chuyển động từ giây lát này sang giây lát sau đó. Vì thế, khi thời gian chỉ là một chuỗi giây lát tự nó bất động, làm sao hình dung được các sự bất động ấy có thể chuyển lưu từ cái này sang cái khác ?
Trước quan niệm siêu hình rất khó hiểu ấy về sự vật, trong đó sự chuyển động của chúng bị coi như một chuỗi trạng thái bất động, biện chứng pháp trả lời rằng một giây lát có thể chuyển sang giây lát sau đó, vì sự vận động và khuynh hướng chuyển biến đã có sẵn trong nó. Hiện tại chính là sự chuyển biến từ quá khứ đến tương lai, một sự chuyển biến liên tục, trong mỗi giây lát, với quá khứ lắng đọng trong nó, và với tương lai nẩy mầm từ nó. Quá khứ gặp gỡ tương lai trong hiện tại, như giây lát của sự chuyển biến, và sự chuyển biến của giây lát.
Chính trong động lực của sự trở thành nơi mỗi giây lát, mà người ta có thể diễn đạt những nguyên lý truyền thống của biện chứng pháp :
« Mọi sự vật vừa hiện hữu, vừa không hiện hữu – hay : hiện hữu là hư vô. Điều không hiện hữu, lại hiện hữu – hay : hư vô là hiện hữu. Mọi sự vật đều là chính nó và là cái khác ».
Điều quan trọng cần vạch rõ là ý nghĩa thực sự của những công thức có bề ngoài nghịch lý này. Không những chúng không xóa bỏ, mà ngược lại, dựa trên những nguyên lý của Luận Lý Hình Thức như nền tảng xuất phát ra chúng.
Thật vậy, nói : « điều gì hiện hữu, thì hiện hữu », chính là vì giây phút hiện tại thực sự hiện hữu, trong lúc này. Nhưng khi người ta thêm rằng : cùng lúc,  nó biến mất, thì điều ấy mang ý nghĩa : « nó hiện hữu, và không hiện hữu ». Hai phát biểu này không mâu thuẫn, mà trong căn bản, bổ túc lẫn nhau, vì : « giây phút hiện tại hiện hữu, đồng thời cũng biến mất ».
Tuy nhiên sự biến mất ấy không phải là « không hiện hữu », mà là chuyển động từ hiện hữu sang không hiện hữu, trong ý nghĩa « không còn hiện hữu ». Để nhấn mạnh sự chuyển biến bên trong  hiện hữu như thế, cần nói rõ là :
1) Cái gì hiện hữu, thì hiện hữu
Đồng thời, nó hiện hữu và không hiện hữu, với ý nghĩa nó không còn hiện hữu
Công thức của Heraclite, được Hegel chữa lại : « Mọi sự vật hiện hữu và cũng không hiện hữu », quá ngắn gọn, đưa đến một sự ngộ nhận đáng tiếc, vì nó gợi lên ý tưởng rằng sự hiện hữu tự nó không hiện hữu, như một thách thức đối với lý lẽ thông thường.
Một thi sĩ, trong ý thơ lai láng, có thể kêu lên : « giây phút tôi đang tự tình, đã biến tan !». Nhưng triết gia cần phải chính xác hơn.
Sự hiện hữu của giây lát là một sự thực : « cái gì hiện hữu, thì hiện hữu ». Đồng thời nó hàm chứa trong hiện hữu của nó sự chuyển động đưa nó đến tan biến, tức là : « đồng thời nó hiện hữu và không hiện hữu, trong ý nghĩa nó không còn hiện hữu ». Tức là không phải nó biến mất, như công thức mơ hồ của Heraclite và Hegel có thể gợi ý như một sự phóng đại đầy thi vị.
Vì thế, cần phân biệt sự hiện hữu với cái giây lát làm nền tảng cho nó : « nó hiện hữu », nhưng vì sự chuyển động sang tan biến thuộc về bản chất của nó, cho nên : « đồng thời nó hiện hữu và không hiện hữu, trong ý nghĩa nó không còn hiện hữu ».
Tương tự như vậy, « hư vô như hiện hữu » được Hegel trình bày trong đoạn đầu của tác phẩm Luận Lý Học của ông, mang ý nghĩa : cái quá khứ không còn nữa, nhưng trôi đến và thành tựu trong những lắng đọng vào giây lát hiện tại. Nơi giây lát hiện tại, chính trong sự chuyển động đưa nó đến tan biến (hư vô), mà cái quá khứ ấy vẫn còn hiện hữu.
Cũng như thế, tương lai, tuy chưa hiện hữu (hư vô), nhưng hiện lên trong hiện tại như một điều sắp xảy ra, như thể nó đã hiện hữu.
Sự vận động bao gồm hai mặt ấy của Hiện Tại vừa dẫn nó đến tan biến trong khi nó vẫn còn hiện hữu, đồng thời đem nó tiếp cận với tương lai sắp hiện lên đến trong nó, như thể tương lai ấy đã hiện hữu. Hai động lực này, một mặt biến mất và mặt khác hiện lên trong giây lát hiện tại, khiến hiện tại trở thành giây lát của sự chuyển biến, và sự chuyển biến của giây lát. Hai sắc thái : vẫn còn hiện hữu, và sẽ hiện hữu, của giây lát hiện tại, không phản lại nguyên lý « không mâu thuẫn » của luận lý hình thức, vì nguyên lý này chỉ áp dụng trong cái giây lát được chỉ định một cách trừu tượng, trên căn bản tự nó bất động.
Như thế, nguyên lý thứ hai của Luận Lý Biện Chứng cần khởi đi từ nguyên lý thứ hai của Luận Lý Hình Thức, tức nguyên lý « không mâu thuẫn ». Nguyên lý này, cũng như toàn thể Luận Lý Hình Thức, luôn giữ nguyên giá trị trong  mọi suy tư thuần lý, kể cả trong biện chứng pháp :
2) Điều gì không hiện hữu thì không hiện hữu. A không thể vừa là A, vừa là không A. Nhưng trong thực tế cụ thể của giây lát hiện tại, như giây lát của chuyển biến và chuyển biến của giây lát, sự vận động bao gồm hai mặt, hiện lên và tan biến, thể hiện qua hai sắc thái : đưa đến tan biến và đưa đến xuất hiện. Nghĩa là, cái không còn hiện hữu nữa, vẫn hiện hữu, vì sự lắng đọng của những thành tố của nó trong giây lát hiện tại. Và cái chưa hiện hữu, đã bắt đầu hiện hữu, bởi sự xuất hiện của nó, cũng trong giây lát hiện tại.
Sau hết, nguyên lý « một sự vật chỉ có thể là A hoặc không A, không có giải pháp thứ ba » được xác nhận nếu giây lát được quan niệm một cách trừu tượng như bất động. Nhưng đồng thời cũng phải thêm rằng, sự vật ấy, lồng trong cùng một giây lát, khi được nhìn như giây lát của chuyển biến, và chuyển biến của giây lát, thì lại « vừa là chính nó, vừa là cái khác ».
3) Một sự vật là A, hay là không A, không có giải pháp thứ ba, trong cái giây lát được quan niệm trong nền tảng của nó, một cách trừu tượng,  như bất động.
Đồng thời, cũng sự vật ấy, trong cùng một giây lát, nhưng được nhìn như giây lát của chuyển biến, và chuyển biến của giây lát, thì lại vừa là chính nó, vừa là cái khác.
Tóm lại, những nguyên lý của Luận Lý Biện Chứng, kế thừa từ Heraclite và Hegel dưới một dạng  thức khó hiểu, có thể được nắm bắt dễ dàng hơn nếu sử dụng một cách nói luôn lấy những nguyên lý của Luận Lý Hình Thức làm tiền đề.
Trên căn bản của một Luận Lý vừa Hình Thức vừa Biện Chứng như thế, chúng ta có thể quan niệm thế giới như một tập hợp vô tận của những hình thái lịch sử.
Một hình thái lịch sử là một tập hợp trong thời gian và không gian của những thực thể tương tác với nhau trong vô số giây lát không ngừng chuyển động và tự trở thành. Các giây lát ấy cũng đồng thời tương liên qua những giai tầng bao gồm những hệ thống chủ đạo, và những yếu tố hay tiểu hệ thống, cùng tham gia vào một sự tiến hóa được phân phối và cấu thành trong những giai tầng vừa nói, tùy theo các tương quan biện chứng bên trong và bên ngoài chúng.
Sự khảo sát một hình thái lịch sử được khai triển trước tiên trong phạm vi của Luận Lý Hình Thức bằng cách truy tìm những quy luật của sự chuyển biến từ một giây lát sang giây lát kế tiếp. Kế đến, kể từ một giới hạn nào đó, như khi bước sang các lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn, thì sự khảo sát buộc phải vượt qua phạm vi của Luận Lý Hình Thức, để tiến vào lãnh vực tương quan biện chứng, nhưng vẫn dựa trên hệ thống quy luật đã được công nhận (bởi Luận Lý Hình Thức – NHV).
Việc khảo sát các quy luật biện chứng dựa trên Luận Lý Hình Thức và Biện Chứng, nhắm vào hai mặt của sự chuyển biến tự thân của mỗi giây lát trong hiện tại, với quá khứ lắng đọng trong nó, và áp lực đẩy nó vào tương lai, khiến giây lát hiện tại trở thành giây lát kế tiếp.
Hệ thống quy luật (của Luận Lý Hình Thức – NHV) cho ra trí năng, để dẫn dắt các ứng dụng kỹ thuật trong thế giới khách quan.
Vạch rõ các quy luật biện chứng trong các hình thái chuyển biến song phương, thì mang một vai trò chỉ đạo cho việc khảo cứu – trong những trường hợp nằm ngoài ranh giới của khoa học khách quan (tức khi bước sang khoa học xã hội, nhân văn – NHV) – và đồng thời cho phép hiểu biết thế giới khách quan cũng như chủ quan một cách thuần lý, mở đường cho việc giải đáp những vấn đề của liên hệ, của đạo đức và thẩm mỹ.
17-9-1992
Trần Đức Thảo (1993)Nguyễn Hoài Vân dịch từ Pháp Văn 
Phần II
Aristote đã định nghĩa thời gian như con số của sự chuyển động từ trước đến sau. Tức là cái giây lát (1) thể hiện bởi con số này, qua kim đồng hồ, chính là ranh giới ngăn cách quá khứ với tương lai. Đồng thời nó cũng nối kết quá khứ với tương lai vì qua nó, quá khứ và tương lai tiếp cận nhau. Sự tiếp cận này mang tính thụ động, khiến giây lát bị thu hẹp thành một điểm và trở nên bất động. Tính cách tự nó bất động của giây lát như thế khiến cho sự chuyển động của sự vật trở nên khó hiểu, vì sự chuyển động ấy phải lần lượt trùng hợp với vô số tư thế cũng hoàn toàn bất động. Điều chắc chắn là một « điểm » cần được hình dung như một cái gì trừu tượng, không thật, chỉ dùng cho việc tính toán. Nhưng khi định nghĩa giây lát như một điểm, người ta lẫn lộn hình ảnh trừu tượng với thực tế. Và đồng thời loại bỏ sự trở thành (vì muốn có « trở thành », phải có chuyển động – NHV).
Phải đợi đến đầu thế kỷ 20, sự phát triển của phương pháp hiện tượng luận, trong giai đoạn thứ ba của công trình sáng tạo của Husserl, mới cho phép tiến vào vấn đề hội nhập thời gian trong Hiện Tại Sinh Động. Từ đó, người ta vượt qua được các vấn nạn nêu lên bởi Aristote, để vạch rõ tính biện chứng của giây lát trong chính nó.
Sự thực là quan điểm của Husserl về Hiện Tại sinh động chỉ giới hạn trong lãnh vực chủ quan của  kinh nghiệm thuần túy. Tuy nhiên chúng ta có thể xét lại phần chính yếu của quan điểm ấy, và thêm vào đó những khai triển và thay đổi cần thiết, để xây dựng một luận lý biện chứng thể hiện vận động của toàn thể sự hội nhập thời gian, hay nói cách khác, một luận lý tổng quát của hiện hữu trong tiến trình chuyển động và trở thành của nó, cả trên phương diện chủ quan lẫn khách quan.
Một luận lý như thế có thể mở đường cho cái công tác mà Husserl, trong tập Krysis (Khủng Hoảng), đã chuyển giao cho hậu thế. Mục đích của công tác này là kiến tạo một quan niệm thực sự phổ quát về khoa học tự nhiên, về sử học, xã hội học và khoa học nhân văn, khả dĩ cho phép đạt đến một sự hiểu biết thực sự thuần lý về những vấn đề liên quan đến con người và các giá trị của con người, được lồng trong sự phức biến đa dạng, toàn diện và biện chứng, của dòng lịch sử nhân loại.
Chúng ta có thể mô tả Hiện Tại sinh động bằng cách quan sát hoàn cảnh của hiện trạng Lúc Này, và vạch ra tính tồn đọng (của quá khứ – NHV) bên trong giây lát hiện tại, cùng với sự chuyển trôi của cái Lúc Này ấy do áp lực hướng đến tương lai. Từ đó, chúng ta có thể vẽ ra một « sơ đồ hội nhập thời gian » như sau :
Luan ly hien tai sinh dong-Tran Duc ThaoSự nối tiếp của thời gian luôn bao hàm trong chiều sâu của nó một sự lắng đọng từ trên xuống, vận hành như được lưu trữ từ dưới lên.
Sự lưu trữ R (rétention) đến từ các lắng đọng S (sédiment), ở giây lát I (instant), gắn liền với lúc này M (maintenant)  trong giây lát I  ấy (= RM).
Hiện hữu vẫn có mặt trong sự lưu trữ R, qua liên hệ với hoàn cảnh của lúc này M, hàm chứa một áp lực hướng đến tương lai P (protention).
Chúng ta đặt trong cùng một ngoặc đơn sự lắng đọng R với lúc này M : (RM), để cho thấy rằng phạm trù R kế thừa từ quá khứ, vẫn còn hiện hữu, khi nó trôi chảy vào lúc này M, để hợp nhất với M, vì trong cái lúc này ấy, nó vẫn có mặt . Thế rồi chính lúc này M, mang trong nó sự lắng đọng từ quá khứ R vẫn còn có mặt, lại trôi chảy vào tương lai sắp đến, do áp lực hướng đến tương lai P (áp lực « hướng tiền » – NHV).
« Cái Hiện Tại luôn trôi chảy, chính là Hiện Tại của động lực chuyển trôi, để vừa trôi chảy vừa đến với sự trôi chảy. Người ta ý thức « lúc này », đồng thời với sự liên tục giữa những gì đã qua với chân trời sống động của tương lai, được phác họa trong áp lực hướng tiền. Sự « đồng thời » ấy mang ý nghĩa một « đồng thời » luôn chuyển trôi »(Husserl, C2I – 1932-1933 – dẫn bởi Trần Đức Thảo – Phénoménoogie et Matérialisme dialectique, tr. 143 – Note).
Cúng ta có thể nhận ra rằng « lúc này M », được biểu tượng bằng một đường thẳng đứng đi qua điểm M, bao hàm trong thực tế toàn bộ hiện trạng của thế giới (vì tất cả những gì hiện hữu đều trôi chảy vào nó – NHV).
Và chính trong sự đồng thời liên hệ với hiện trạng của thế giới mà cái di sản lắng đọng từ quá khứ được trộn lẫn với lúc này, để chịu sự lôi kéo của tương lai sắp đến, qua áp lực hướng tiền.
Lý thuyết cổ điển về thời gian chỉ quan niệm sự chuyển trôi đơn giản như xảy ra trên một đường thẳng. Điều này cho phép định nghĩa thời gian theo toán học, qua sự đo lường bằng đồng hồ, như con số của sự chuyển động từ trước đến sau.
Kết quả là giây lát hiện tại, vì chỉ được nhìn như giới hạn giữa sau và trước, nên bị thu hẹp một cách trừu tượng thành một điểm bất động. Với cách nhìn này, người ta không hình dung được sự chuyển động và trở thành, và càng gặp khó khăn hơn khi phải quan niệm một cách cụ thể dòng lịch sử với ý nghĩa thiết thực của nó. Thời gian bị rút gọn thành chiều kích thứ tư (cùng với ba chiều – NHV) của không gian. Đó chính là trở lại với cách nhìn trừu tượng về quan hệ nhân quả, xóa bỏ tính phong phú trong các tương quan thực tế, với những phương thức tương tác đa dạng, những hệ thống nhân quả phức biến (2).
Chỉ với quan niệm Hiện Tại Sinh Động, bao hàm thực tế cụ thể, và xem thực tế ấy như căn bản được lấy làm chủ thể, người ta mới có thể nhận ra rằng thời gian hình thành từ chính cái cội nguồn Hiện Tại ấy, với ba chiều kích luôn tương tác với nhau một cách biện chứng :
-       chiều dài của bản thân sự chảy trôi,
-       chiều sâu của sự lắng đọng tồn trữ,
-       và chiều kích diễn tả tính đồng thời trong tương quan với hiện trạng của thế giới (yếu tố « môi trường, hoàn cảnh » nói trong chú thích 2 – NHV)
Cần nhận xét là hiện trạng thế giới bao gồm nhiều tầng lớp được cấu thành trong lịch sử, chồng chất lên nhau một cách hệ thống.
Khám phá Hiện Tại Sinh Động của Husserl với ba chiều kích hội nhập thời gian như vừa nói, dẫn đến công tác hiện đại hóa phương pháp tư duy một cách triệt để qua sự hình thành của một luận lý học mới, Luận Lý Hội Nhập Thời Gian trong Hiện Tại Sinh Động, hayLuận Lý Hiện Tại Sinh Động. Điều này cho phép hình dung những giải đáp cụ thể, một cách vừa lý thuyết vừa thực dụng, cho một số vấn nạn nền tảng của truyền thống triết học, như : sự tổng quát, đặc thù và cá biệt, tất yếu và ngẫu nhiên, tính trung gian, sự tự phủ định và phủ định của phủ định, sự mâu thuẫn, bản thể và hiện hữu, hiện hữu tự thân, hiện hữu vị tha, hiện hữu vị kỷ (3), đại lượng, tỷ lượng và vô lượng, nô lệ và tự do.
Giữa di sản của  quá khứ được trực tiếp cảm nhận , và áp lực hướng đến tương lai sắp xuất hiện, có một sự đối nghịch nền tảng. Đó chính là mâu thuẫn nội tại của thực tế, hiện diện trong mỗi giây lát, một mâu thuẫn luôn bao hàm tính thống nhất đồng thời với sự đối kháng giữa các mặt đối lập của nó.
Sự thống nhất của các mặt đối lập tồn đọng và hướng tiền cho thấy hiện thực của giây lát trong tính đồng nhất của sự hiện hữu của nó, như công thức luận lý trực tiếp : « Cái gì hiện hữu, thì hiện hữu »
Đồng thời, sự đối kháng giữa các mặt đối lập kia, tức giữa tương lai xắp xảy đến qua áp lực hướng tiền, với quá khứ còn tồn đọng, làm cho cái hiện thực ấy chìm trong lưu chuyển dẫn đến tan biến, như được biểu hiện qua công thức luận lý được trung gian hóa :
« Cái gì hiện hữu thì hiện hữu,
và đồng thời nó hiện hữu và không hiện hữu, vì nó không còn hiện hữu »
Sự biến mất của Lúc Này vào quá khứ được thể hiện qua công thức phủ định trực tiếp của luận lý hội nhập thời gian : « Cái gì không hiện hữu, thì không hiện hữu ».
Tuy nhiên, khi biến đi thì quá khứ vẫn duy trì sự tồn đọng của nó, được thể hiện qua công thức của luận lý biện chứng được trung gian hóa
« Cái gì không hiện hữu thì không hiện hữu
và đồng thời, qua hình dáng của cái không còn hiện hữu nữa, nó vẫn hiện hữu »
Sự tồn đọng này hoàn tất chuyển biến bên trong giây lát hiện tại, khẳng định thực tế của giây lát ấy qua sự hiện hữu đã kiện toàn của nó, như được thể hiện qua công thức luận lý trực tiếp tổng quát : « Một sự hiện hữu chỉ có thể hoặc là A hoặc không A, không có giải pháp thứ ba »
Đồng thời, sự kiện toàn của chuyển biến bên trong giây lát hiện tại I, với sự tồn đọng đã nói, thực hiện tiến trình bước sang giây lát kế tiếp I1. Điều này thể hiện qua công thức biện chứng tổng quát được trung gian hóa, như sau :
« Một sự hiện hữu chỉ có thể là A hoặc không A
và đồng thời, qua hình dáng đã hiện hữu của tương lai đang hiện lên, nó vừa là chính nó vừa là cái khác ».
Sự kiện là chính nó và là cái khác, trong chuyển động nội tại của giây lát I, diễn đạt việc bước sang giây lát I1.
Tóm lại, trong vận động nội tại của giây lát hiện tại có một sự chuyển biến song hành : giây lát là giây lát của chuyển biến từ quá khứ còn tồn tại, và chuyển biến đến tương lai sắp xuất hiện, từ tồn đọng đến hướng tiền. Kết quả của tiến trình ấy là sự chảy trôi từ giây lát hiện tại đến giây lát kế tiếp.
Thật vậy, sự lắng đọng của giây lát I trong chuyển động « trôi chảy, chảy đi, và đến với sự chảy đi » tạo nên sự tồn đọng « r » của chính nó, trong sự chảy đi của lúc này M với lực hướng tiền P, khiến cho sự tồn đọng ấy trở thành tương lai sắp xảy ra, trong và dưới ảnh hưởng của lực hướng tiền P. Sự sắp xảy ra của tương lai được nhìn như sự nảy sinh cụ thể của tương lai ấy, chính là sự kiện toàn của giây lát hiện tại I, đưa nó sang giây lát kế tiếp I1.
Đến giây lát I1, sự tồn đọng « r » của giây lát trước đó được giải thoát để nối kết với hoàn cảnh mới, và trở thành lúc này M1 trong giây lát I1.
Sự chuyển biến từ mỗi giây lát hiện tại I sang giây lát kế tiếp I1, qua sự vận động nội tại của chính giây lát I, chính là sự kiện toàn của tiến trình « trôi chảy, chảy đi, và đến với sự chảy đi », để sự chuyển biến được kiện toàn ấy tự nó trôi chảy từ một giây lát sang giây lát sau đó.
Như thế, sự vận động nội tại của mỗi giây lát hiện ra như một khoảng thời gian. Và những khoảng thời gian không ngừng trôi chảy từ cái này sang cái kia, chính là  Dòng Thời Gian.
28/12/1992.
20/01/1993
- Nguyễn Hải Hoành: Nước Mỹ có coi trọng khoa học xã hội hay không? (VHNA).

Tổng số lượt xem trang