Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Nhân đọc bên thắng cuộc (26) - Bên Thắng Cuộc (Discussion)

-Giang Le
Hồi nhỏ tôi có một thắc mắc mà không thể tìm được câu trả lời (hồi đó chưa có Google) là tại sao phe Cộng hoà lại thua trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1936-1939 mặc dù họ được gần như toàn bộ thế giới ủng hộ. Trong những đoàn quân tình nguyện quốc tế chiến đấu chống lại phe phát xít Franco có những tên tuổi nổi tiếng như Ernest Hemingway, Albert Hirschman, George Orwell (hình như có cả một số người Việt cũng sang tình nguyện chiến đấu cho phe Cộng hoà).

Sau này đọc sách và xem một số bộ phim mới biết phe Franco thắng vì được đa số giới địa chủ, doanh nhân giàu có ở Tây Ban Nha lúc đó support nên có vũ khí và các resource khác mạnh hơn phe Cộng hoà. Và lý do mà những người giầu có chống lại phe Cộng hoà vì họ lo sợ CNCS tràn vào Tây Ban Nha, điều mà nhiều nước châu Âu lúc đó cũng lo ngại vì làn sóng quốc tế Cộng sản đang dâng lên rất cao. Giai cấp tư sản lo ngại nếu những người Cộng sản cướp được chính quyền họ quốc hữu hoá hết đất đai, tài sản của giới giàu có đúng như những gì Karl Marx đã khuyến cáo trong The Communist Manifesto.



Nhưng giới tư bản, địa chủ ở miền Nam VN năm 1975 không tỉnh táo như vậy dù họ đã có thông tin, kinh nghiệm từ thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Đọc chương 3 có thể thấy "bên thắng cuộc" đã rất thành công khi "đánh" tư sản, dù là mại bản hay công thương, thậm chí cả tầng lớp middle class với một ít tiền mặt để dành. Gần như toàn bộ giới có tiền ở miền Nam bị bất ngờ, không chuẩn bị đối phó được gì và... mất sạch. Có thể họ quá yêu nước nên không di tản trước ngày 30/4, có thể họ quá ngây thơ tin tưởng vào những tuyên bố hoà hợp hoà giải của Mặt trận và câu nói của Trần Văn Trà với Dương Văn Minh, có thể họ quá chủ quan khi không nghĩ rằng những người anh em vừa về "giải phóng" mình lại có thể thẳng thừng đến thế. Trong khi đó "bên thắng cuộc" đã thực thi The Communist Manifesto rất bài bản.

Trong chương này HĐ đã chỉ ra rất rõ cái tên sẽ phải chịu trách nhiệm với lịch sử về những chiến dịch đánh tư sản: Đỗ Mười và đằng sau đó là Lê Duẩn. Quá tự phụ với chiến thắng quân sự của phe mình, Lê Duẩn đã không chấp nhận một nhượng bộ nào về mặt tư tưởng. Từ việc gạt bỏ thẳng thừng thành phần thứ ba ra khỏi chính phủ hiệp thương (trên thực tế cũng gần như loại bỏ hoàn toàn Mặt trận Giải phóng Miền Nam), đến việc đưa Đỗ Mười, một nhân vật không có bất kỳ ân nghĩa gì với dân miền Nam vào thay Nguyễn Văn Linh để đánh tư sản. Quá cứng nhắc, giáo điều, Lê Duẩn, Đỗ Mười và không ít những cán bộ Cộng sản khác (vd Lý Mỹ) đã đập tan cơ cấu kinh tế của miền Nam sau khi đã thành công đập tan quân đội và chính quyền VNCH. Có lẽ trong tâm thức họ đến lúc đó miền Nam mới hoàn toàn được "giải phóng".

Ở chương này tôi có quan điểm gần với HĐ khi đau xót thuật lại những chính sách sai lầm của Lê Duẩn và những người Cộng sản khác nhưng khá bình tĩnh chứ không căm phẫn kết tội họ như một số người "bên thua cuộc". Ngoại trừ một trường hợp tham nhũng duy nhất (đổi tiền chia 5:5) trong chiến dịch X2, có lẽ tất cả những người tham gia vào các chiến dịch đánh tư sản và cướp đoạt tài sản của họ trong thời gian này tin rằng họ làm thế vì tương lai đất nước. Dù sau đó họ có cảnh tình (phần nào) như trường hợp ông Võ Văn Kiệt khi chứng kiến nền kinh tế miền Nam sụp đổ, những con người đó đã hành động theo những gì họ tin tưởng không một chút vụ lợi, khác với những thể loại "nhóm lợi ích" nhan nhản hiện nay.

Nhưng chương 3 này để lại một bài học vô cùng quan trọng. Đối với những người nắm quyền lực trong tay, sự mù quáng, tin tưởng giáo điều vào một lý tưởng nào đó, dù cộng sản hay tư bản, đều vô cùng nguy hiểm. Người lãnh đạo phải biết tỉnh táo nhìn nhận, lắng nghe và thay đổi chính sách khi tình hình thay đổi. Đối với người dân, nhất là những người có của cải, phải cảnh giác với những chính thể, những cá nhân đã từng có những chính sách tai hại trong quá khứ. Hãy tỉnh táo như những nhà tư sản Tây Ban Nha năm 1936 chứ đừng ngây thơ như Phạm Văn Tư, Lai Ninh, Trần Văn Đước.

Tổng số lượt xem trang