Trần Bình Nam
Ngày 1/1/2013 tờ Tuổi Trẻ, một tờ báo do đảng kiểm soát phỏng vấn Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh *, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng về tình hình Biển Đông và quan hệ Trung quốc, Hoa Kỳ trong vùng Đông Nam Á châu và hệ lụy đối với Việt Nam.
Qua cuộc phỏng vấn nhiều câu hỏi tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời khúc chiết và có tầm nhìn chiến lược về tình hình tranh chấp Hoa Kỳ và Trung quốc và các khó khăn của Việt Nam. Tuy nhiên về phần chính sách đáp ứng của Việt Nam thì tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đưa ra những phương sách đáp ứng có tính lý thuyết. Ông Vịnh quên rằng quyền lợi của mỗi quốc gia chỉ có thể bảo đảm bằng chính nội lực kinh tế, quân sự và quyết tâm của nhân dân.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc là quan hệ “vừa hợp tác vừa cạnh tranh, hay nói nôm na là nước nào cũng muốn vượt nhau nhưng lại cần nhau, dù cạnh tranh gay gắt nhưng buộc phải hợp tác chặt chẽ, chia sẻ lợi ích với nhau để cùng tồn tại và vươn lên”
Và ông cho rằng: “Nếu mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác này được tăng cường, đem lại lợi ích cho Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đem lại lợi ích chung cho tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần duy trì hòa bình ổn định thì chắc chắn sẽ được hoan nghênh. Tuy nhiên nếu mối quan hệ này phát triển theo hướng thỏa hiệp và nhằm can dự, xâm phạm, làm tổn hại đến lợi ích các quốc gia khác, gây mất ổn định cho khu vực thì các nước xung quanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chắc chắn không thể hoan nghênh cách hành xử như vậy của các cường quốc”
Quay qua cách hành xử của Việt Nam ông Vịnh xác định Việt Nam sẽ không ngồi yên để gió chiều nào xoay chiều đó một cách tiêu cực. Việt Nam sẽ phản ứng với mọi động thái của nước lớn “ … một cách chủ động, tích cực – đó là đường lối độc lập tự chủ trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; tăng cường mối quan hệ liên kết với các quốc gia trong khu vực hoặc ở phạm vi toàn cầu có cùng nhu cầu ổn định và phát triển, cùng phải ứng phó với các thách thức giống nhau”
Điểm qua cách hành xử hiện nay của Hoa Kỳ và Trung quốc tại Á Châu Thái Bình Dương, ông dùng lối phát biểu có tính chỉ trích cả hai nước. Ông cho rằng Hoa Kỳ đã quá vội vàng. Ông nói:
“Chỉ trong vài năm qua, Hoa Kỳ bày tỏ tham vọng và trên thực tế họ đã can dự, đã hiện diện rất ồ ạt vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương (có thể thấy rõ nhất qua một số hiệp ước mà Mỹ đã ký với Nhật, Hàn Quốc, Úc, Philippines… gần đây). Như vậy ở đây ai là người đã cho Mỹ có một lý do để can dự vào khu vực?”
Và tướng Nguyễn Chí Vịnh cảnh giác mặt trái chính sách của Hoa Kỳ, dù ông không xác định mặt trái đó là gì. Ông nói:
“Cách can dự của Mỹ, như họ tuyên bố là ủng hộ các giải pháp hòa bình và luật pháp quốc tế, làm cho một số nước đồng tình mà có thể không lưu tâm đúng mức đến mặt trái của nó”
Đối với Trung quốc lời lẽ của ông nặng nề hơn. Ông tố cáo:
“Trong thực tế, dù chỉ trong một thời gian rất ngắn, vài năm gần đây đã có những tham vọng được bộc lộ, những tuyên bố và cả những hành động trên thực tế khiến các nước trong khu vực cảm thấy lo lắng. Có nước lo xa, có nước lo rất gần.
Đơn cử như việc một số nước tuyên bố về chủ quyền, không hiểu họ dựa vào đâu, cơ sở pháp lý nào? Nay đưa ra bản đồ này đã rất tham vọng rồi, mai lại đưa ra bản đồ khác tham vọng hơn nữa thì sao?
Một vấn đề rất cụ thể là chủ quyền trên biển Đông không chỉ có những nước liên quan trực tiếp, mà cả cộng đồng thế giới đều không thể chấp nhận việc bất kỳ một quốc gia nào đó muốn độc chiếm biển Đông, muốn biến đường vận tải quốc tế thành ao nhà của mình.”
Nhưng phần quan trọng trong cuộc phỏng vấn của tướng Nguyễn Chí Vịnh là kế hoạch Việt Nam đương đầu với khó khăn trước mặt. Về mặt này ông Nguyễn Chí Vịnh không làm cho nhân dân Việt Nam yên tâm. Những chuẩn bị và kế hoạch của Việt Nam có tính lý thuyết, không có khả năng đáp ứng những gì sẽ xảy ra trên hiện trường. Trung quốc vừa có lãnh đạo mới, và đã hé lộ kế hoạch phát triển thế lực trong vùng trong 10 năm tới. Những gì đã xẩy ra trên Biển Đông trong những năm qua báo hiệu những cơn bão tố có thể tới trong năm 2013 trong quan hệ Trung quốc và Việt Nam.
Trước hết một quốc gia muốn có một chính sách bảo vệ nền độc lập tự chủ thì quốc gia đó phải có khả năng tự lập về phương diện kinh tế và quân sự và trên hết là sự đoàn kết của toàn dân sau lưng chính quyền và tính chính thống của chính quyền dựa trên Hiến Pháp được nhân dân công nhận.
Trong suốt lịch sử chống xâm lăng, tiền nhân trước khi xuất quân chống giặc đều chuẩn bị lòng dân và phương tiện vật chất một cách đầy đủ và tự lực. Các vua Trần từng chăn dắc thương yêu nhân dân như con qua bao triều đại, và trước khi hạ quyết tâm xuất quân chống giặc Nguyên đã chuẩn bị lương thực, vũ khí cho binh sĩ, và trang bị ý chí toàn dân toàn quân với hội nghị Diên Hồng.
Vua Quang Trung, trước khi xuất quân ra Bắc đã ban hành chính sách an lòng dân bằng cách lên ngôi Hoàng Đế, và nức lòng quân bằng cách cho quân ăn Tết trước để ngày đêm thần tốc bôn tập ra Bắc đánh úp quân Thanh khi chúng đang còn uống rượu vui Xuân.
Trước cơn bão táp chờ đợi trước mắt đảng Cộng sản Việt Nam qua chương trình tướng Nguyễn Chí Vịnh tiết lộ đã chuẩn bị những gì? Không có gì ngoài các chính sách có tính phô trương.
Về vật chất Việt Nam ngoài lúa gạo, không có khả năng sản xuất quân trang quân cụ. Một chiếc máy bay chiến đấu, một chiếc tàu chiến, một chiếc tăng, một khẩu súng lớn đều lệ thuộc vào nước ngoài. Lịch sử tiếp cận với các nước Tây phương trong gần 2 thế kỷ qua cho thấy chính vì không tự lực về mặt quân sự mà Việt Nam phải bị Pháp thuộc gần 100 năm. Và sau đó những biến cố quân sự như trận Điện Biên Phủ, và cuộc tiến quân 55 ngày chiếm miền Nam năm 1975 có đưa đảng Cộng sản Việt Nam lên đài vinh quang trước dư luận thế giới, nhưng không che dấu được sự thật phủ phàng là thực chất chỉ là một cuộc chiến tranh nhiệm chức giữa các ý thức hệ mà sau lưng là Pháp, Mỹ, Nga, Tàu. Việt Nam chỉ đóng góp bằng máu. Kết quả của hai cuộc chiến là sự sắp xếp sau lưng bởi các thế lực quốc tế. Hiệp định Geneva chia đôi đất nước năm 1954 do Trung quốc ép ông Hồ Chí Minh. Và Hà Nội đã thắng miền Nam Việt Nam với vũ khí của Liên bang Xô viết và Trung quốc, và nhất là do sự chuyển đổi chính sách tòan cầu của Hoa Kỳ. Thay vì ngăn chận sự lan tràn ảnh hưởng của Trung quốc, Hoa Kỳ hợp tác với Trung quốc trong một kế hoạch chống Nga xô viết. Cái giá của vinh quang (1954, 1975) cho Việt Nam là những hệ lụy đang đe dọa sự tồn tại của đất nước.
Về lòng dân, cái Việt Nam có thể có là quyết tâm của toàn dân nếu đảng Cộng sản Việt Nam biết vận dụng thành một khối sau lưng chính quyền.
Về mặt này đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn thất bại. Trong khi Trung quốc áp lực trên Biển Đông, ban hành biện pháp mạnh trong vùng Hoàng Sa, Trường Sa chung quanh các hải đảo họ đang chiếm đóng thì đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra tòa xử các công dân yêu nước, các nhà trí thức, nhà báo từng lên tiếng cảnh gíac sự đe dọa của Trung quốc với những bản án nặng nề. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đàn áp dân oan kiện chính quyền vì mất đất đai canh tác mà không đưọc đền bù tương xứng do tệ nạn cửa quyền và tham nhũng.
Ngay cả nhân dân muốn biểu tình bày tỏ tình cảm đối với biển đảo đang bị Trung quốc đe dọa cũng bị chính quyền cấm. Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói:
“Biểu tình bây giờ sẽ gây mất ổn định. Trong khi đó đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.”
Và ông giải thích thêm: “Chúng ta trân trọng tình cảm, ý chí của những người thật sự biểu tình vì yêu nước. Nhưng cũng phải thấy rằng với những ai (ông Nguyễn Chí Vịnh ám chỉ Trung quốc) có dã tâm độc chiếm biển Đông thì họ sẽ viện cớ biểu tình để xuyên tạc thiện chí của Việt Nam, xuyên tạc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam”
Lý luận của tướng Nguyễn Chí Vịnh là một thứ lý luận của con đà điểu chui đầu vào cát. Nếu đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng tình cảm của những người biểu tình chống Trung quốc vì yêu nước, tại sao đảng không tạo cơ hội cho họ lên tiếng trong cung cách không cho họ lợi dụng lật đổ chính quyền như biểu tình hạn chế số người, hạn chế đường tuần hành, hội thảo tại các đại học, hay ý kiến của nhân dân được bày tỏ công khai trên báo chí. Và tại sao không công khai đưa vấn đề Biển Đông ra trước Liên Hiệp quốc?
Trả lời một câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về ý thức hệ giữa Trung quốc và Việt Nam có giúp gì trong sự tranh chấp hiện nay không, tướng Nguyễn Chí Vịnh nói:
“Tôi nghĩ rằng khi đã là người cộng sản với nhau, để giải quyết bất cứ vấn đề nào đó mà gọi nhau là đồng chí, còn hơn là quay lưng không nhìn nhau hoặc đập bàn đập ghế “ngài” và ‘tôi’.”
Tướng Nguyễn Chí Vịnh đang nằm mơ giữa ban ngày. Tình đồng chi’ “xã hội chủ nghĩa” đã chết từ lâu. Không cần phải nhẹ nhàng như ‘ngài và ‘tôi’ mà đại pháo đã nổ qua biên giới Nga – Hoa trên sông Amur năm 1969, đã nổ qua biên giới Việt Miên năm 1978, đã nổ trên biên giới miền Bắc Việt Nam năm 1979, đã nổ ngoài biển Trường Sa năm 1988 …
Ông Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ sự lo ngại Hoa Kỳ và Trung quốc trong tương lai có thể thi hành chính sách chia vùng ảnh hưởng và quyền lợi. Nhưng nếu quả có thế thì Việt Nam làm gì để thoát khỏi sự chia chác đó? Việt Nam không có đủ lực để vượt ra. Hãy đặt một giả thuyết. Ngoài bờ biển miền Trung Trung quốc vẽ đường lưỡi bò chồng lên vùng “đặc quyền kinh tế 200 hải lý” của Việt Nam theo luật quốc tế. Trong vùng chập nhau đó Trung quốc từng cho thuyền tàu đến gây trở ngại cho việc dò tìm dầu khí của Việt Nam. Nếu Trung quốc kéo dàn khoan tới trong vùng chập nhau với sự bảo vệ của tàu chiến để khoan dầu thì Việt Nam sẽ hành xử ra sao? Đánh nhau thì Hải quân Việt Nam sẽ không đủ sức đối chọi với Hải quân Trung quốc. Dùng đường lối ngoại giao thì Việt Nam có gì sau lưng để du thuyết ?
Trong năm 2012 sau khi Việt Nam ban hành Luật Biển xác định chủ quyền trong vùng biển chung quanh Hoàng Sa và Trường Sa và thủ tục bảo vệ kể từ ngày 1/1/2013 thì để đáp ứng lại tỉnh Hải Nam (của Trung quốc) ban hành văn kiện hành chánh xác định vùng biển chung quanh Hoàng Sa của họ và ấn định biện pháp bảo vệ cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Vào những ngày đầu năm 2013 Trung quốc đã lên tiếng cảnh cáo Việt Nam chớ thi hành Luật Biển mà có chuyện. Đó là một điểm nóng khác sẽ trở thành tia lửa. Việt Nam đã chuẩn bị chưa?
Trong khung cảnh dầu sôi lửa bỏng như vậy qua lời tướng Nguyễn Chí Vịnh, nhà nước bình chân như vại tin tưởng vào đường lối hòa bình của mình, tin tưởng vào thiện chí của Trung quốc, tin tưởng vào sự phát triển kinh tế, tin tưởng một năm 2013 tốt đẹp.
Nghe tướng Nguyễn Chí Vịnh nói, ước vọng của ông : “Không có gì khác ngoài ước vọng chung của mọi người Việt Nam là đất nước ta tiếp tục ổn định, nền kinh tế ấm lên, đời sống khá hơn. Tôi mong đất nước ta tiếp tục mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, vị thế quốc tế của đất nước ta ngày càng được nâng cao, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có bước phát triển tốt đẹp hơn, thúc đẩy hợp tác về kinh tế trên cơ sở hợp tác tốt về chính trị, từng bước giải quyết vấn đề biển Đông” mà lo .
Nếu những gì tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 1/1/2103 phản ánh não trạng của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam thì mối nguy mất nước không còn xa.
Trần Bình Nam
Jan . 5, 2013
–-Vài ý nghĩ về cuộc phỏng vấn của tướng Nguyễn Chí Vịnh
- 1535. Vài ý nghĩ về cuộc phỏng vấn của tướng Nguyễn Chí Vịnh (Ba Sàm). - - Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Đừng gieo rắc tư tưởng đầu hàng! (BoxitVN).– Thành tựu! (NLĐ).
- Tự Do góp ý, là quyền của Dân. Quyết định cuối cùng, là quyền của Đảng (DĐCN).- Hậu quả của việc Hoa Kỳ bỏ rơi Đông Dương (Chuacuuthe).- Những hình ảnh mới công bố về lính Mỹ ở Việt Nam năm 1965 (Reds.vn).
- Giám sát quyền lực (TP).
- Lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu dân ý (LĐ).
-Bước tiến quan trọng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Đài Tiếng Nói Việt Nam
Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chính thức công bố để lấy ý kiến nhân dân. So với Hiến pháp hiện hành, Dự thảo lần này với 11 chương, 124 điều có nhiều sửa đổi, bổ sung và một số nội dung mới. Khẳng định quyền con người trong ...
Quy định một số quyền dân chủ trực tiếpTiền Phong Online
Kiểm soát quyền lực bằng cơ quan độc lậpVietNamNet