-Vũ Đông Hà (Danlambao) - Và quyền suy nghĩ khác nhau, để "đa nguyên", để không phải hát một bài đồng ca gần 70 năm không gì khác, không phải cúi đầu đi theo một lối mòn gần 70 năm không gì mới... cũng là một trong những đích đến mà chúng ta đang cùng nhau tranh đấu. Để đạt được mục tiêu này chúng ta đã đồng thuận với nhau rất nhiều, nhưng cũng có lúc chúng ta suy nghĩ, hành xử khác nhau.
Khác nhau mới nhất là chuyện kiến nghị gửi đến quốc hội của đảng CSVN để góp ý sửa đổi bản Hiến Pháp vốn đã được dàn dựng, sản sinh, sửa đổi nhiều lần bởi một đảng độc tài với mục tiêu chỉ để phục vụ và củng cố quyền cai trị của họ.
Chúng ta từng đồng ý với nhau rằng muốn tạo được đổi thay tốt đẹp cần có sự tham gia và kết nối quần chúng. Muốn vậy phải tìm cách để người dân (chính là mỗi chúng ta) bước qua khỏi sợ hãi. Có nhiều cách, một trong những cách là "nương theo hệ thống" mà tranh đấu.
Nương theo hệ thống, cách đây hơn 2 năm, bản kiến nghị Boxit đã gửi tới Bộ Chính trị đảng Cộng sản, Quốc hội và Nhà nước yêu cầu ngừng các dự án. Nó ra đời vào thời điểm truyền thông lề dân đang còn yếu, sự khống chế và sức mạnh của đảng còn rất mạnh và quần chúng còn mang nhiều sợ hãi để có một tiếng nói riêng lẽ. Làm thế nào để Boxit Tây Nguyên trở thành một vấn đề lớn, cả nước có thể biết? Kiến nghị Boxit đã làm một kết nối diệu kỳ và công khai, được phổ biến ngay cả trên báo lề đảng, đã giúp cho nhiều người biết, hiểu và quan tâm đến vấn nạn môi trường lẫn hiểm họa nóc nhà chiến lược Tây Nguyên rơi vào tay Trung Quốc.
Chúng ta cũng đã qua việc gửi thư cho ông Trương Tấn Sang, một ủy viên BCT của đảng CS, chấp nhận vị trí Chủ tịch nước của ông ta, để cùng nhau kết hợp, nắm tay nhau qua tên tuổi, chữ ký của mình gián tiếp tuyên bố với ông đảng viên chủ tịch này rằng: chúng tôi ủng hộ người yêu nước Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải. Qua đó, chúng ta công khai gửi thông điệp đến nhiều người: Đừng để những người yêu nước cô đơn, đừng sợ hãi khi ủng hộ người yêu nước - nếu chúng ta biết cách.
Chúng ta cũng đã cùng nhau góp phần phổ biến kiến nghị của hơn 140 nhân sĩ gửi ông Trương Tấn Sang yêu cầu trả tự do cho sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và xem đó là một cách công khai tuyên bố với cả nước: có nhiều người đứng về phía Nguyễn Phương Uyên.
...
Dĩ nhiên, những dự án Boxit vẫn được tiến hành, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngự trị trên nóc nhà Tây Nguyên với trái bom bùn đỏ. Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vẫn tiếp tục ở tù sau khi đã xong án tù thứ nhất. Và Nguyễn Phương Uyên vẫn bị giam cầm không cần và chưa cần xét xử.
Dĩ nhiên, tự ban đầu, chúng ta đều biết mình, biết nhau, biết chúng ta không phải là những kẻ ngây thơ để kỳ vọng vào những ông Sang Trọng Hùng Dũng đang cai trị và làm cho đất nước nghèo hèn bạc nhược; hay tin tưởng gì vào nhóm người mà chúng ta gọi là thập tứ thiên lôi. Chúng ta biết mình thực sự muốn gì qua những việc làm ấy và từ đó, dứt khoát chúng ta tôn trọng nhau về nhận thức chính trị của nhau. Nói gì thì nói, làm gì thì làm chúng ta chẳng ai tin vào thiện chí của những người cầm quyền, tính chính đáng của Quốc hội CSVN hay điều tốt đẹp gì sẽ đem đến trong màn kịch dân chủ của đảng độc tài - bản chất độc tài không phải do thế lực thù địch nào vu ghép - mà do chính đảng cs xác định bởi điều 4 trong bản hiến pháp của họ đặt ra.
Chúng ta đã hiểu ngầm với nhau những việc làm này là những chiến thuật trong một chiến lược đường dài. Không nói ra nhưng an ninh và các bộ phận bảo vệ sự sống còn của đảng biết rõ điều đó. Cũng như chúng ta lẫn họ đều rất tỏ tường: lãnh thổ VN sẽ không thể nào bảo vệ được nếu chính quyền đại diện cho nước đó sẵn sàng nhượng bộ, dâng hiến hoặc ký bán. Biết vậy, nhưng bạn bè ta vẫn xuống đường chống Trung Quốc vì nhu cầu phát huy lòng ái quốc, tạo sự quan tâm, kết nối những người yêu nước, để từng bước xây dựng sức mạnh quần chúng. Biết vậy nên công an của đảng mới là... côn an trong "sự nghiệp" đàn áp người yêu nước.
Nhớ lại có lần biểu tình chúng ta đã xuống đường, cầm bảng hiệu có lời nói của ông Trương Tấn Sang "Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm". Trong một bối cảnh, thời điểm nhất định và dựa vào suy nghĩ chủ quan, chúng ta chấp nhận dùng lời của một thành viên lãnh đạo của tập đoàn bán nước như một kỹ thuật đấu tranh trong bàn cờ thế sự mà đảng cầm quyền vẫn đang ở thế thượng phong. Lúc đó chúng ta chấp nhận cái giá phải trả là tư thế, uy tín của ông Trương Tấn Sang có thể được quảng bá, PR bởi chính chúng ta trên truyền thông trong nước và thế giới nếu người ta muốn khai thác.
Nhớ lại lần bạn bè liên lạc nhau về việc kêu gọi xuống đường ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Luật Biểu Tình. Lần đó chúng ta đã có sự khác nhau trong quan điểm. Kết quả nhiều bạn đăng tải lời kêu gọi, vận động và cùng nhau xuống đường. Một số bạn im lặng, không xuống đường, không tiếp tay phổ biến thông tin. Nhưng khi các bạn mình bị đánh, bị bắt, bị quăng lên xe buýt đem về đồn công an vì tụ tập đông người ủng hộ thủ tướng (!), tất cả chúng ta đã gác qua những dị biệt, cùng nhau thông tin, viết bài, tranh đấu cho tự do và chính nghĩa của bạn bè mình.
Nhìn lại, chúng ta khác biệt vì có lúc một số bạn ta phải dừng lại, không thể vượt qua các nguyên tắc do các bạn ta đặt ra. Nguyên tắc là chúng ta không thể sử dụng, ủng hộ một kẻ đã gây ra bao nhiêu thảm họa cho đất nước, đầu sỏ của nền công an trị cho một chiêu thức "dilemma action", tạo một thế tiến thoái lưỡng nan cho chính quyền nếu đàn áp chúng ta.
Nó cũng giống như việc các bạn ta cứng đầu, nhất định không đăng tải bài viết tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ một cách an toàn bằng cách trích dẫn và ca tụng những lời "vàng ngọc" của cố chủ tịch đảng CSVN - ông Hồ Chí Minh. Nguyên tắc không thể chống gậy dối trá để đi tìm sự thật đứng lên trên nhu cầu phản biện an toàn và đã ngăn cản sự đồng lòng của các bạn đối với bài viết.
Trở lại với chuyện Hiến Pháp. Đến bây giờ chắc hẳn chúng ta vẫn cùng quan niệm: Hãy khôn ngoan, khéo léo khai thác cơ hội này để kết hợp, tạo môi trường cho nhiều người cùng nhau thể hiện quan điểm, khát vọng, ý nguyện một cách công khai, an toàn.
Chúng ta chỉ khác nhau ở điểm căn bản: phương thức tiếp cận.
Khác với chuyện boxit, không giống như một lá thư gửi cho một lãnh đạo đang nắm quyền về một người tù yêu nước, Hiến Pháp là một vấn đề trọng đại; nó là bản giao kèo của 90 triệu người dân cho toàn bộ sinh hoạt xã hội, chính trị, kinh tế... của cả một đất nước.
Và chúng ta khác biệt trong hành động cũng vì chúng ta bị chi phối (hoặc không chi phối) bởi nguyên tắc: Hiến Pháp của nước Việt Nam là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của quốc gia và phải là kết quả từ sự đồng thuận của toàn thể nhân dân Việt Nam qua một tiến trình đóng góp ý kiến, trao đổi, biểu quyết và giám sát thật sự dân chủ.
Chúng ta giống nhau và chấp nhận kiến nghị Boxit, thư gửi Trương Tấn Sang có vài ngàn chữ ký - vì số lượng chữ ký đó chỉ nói lên tình trạng quan tâm một số người về một vấn đề dù lớn nhưng vẫn chỉ là một trong muôn ngàn vấn đề của xã hội. Nhưng chúng ta suy nghĩ khác nhau về ý nghĩa chính trị cũng như hệ lụy mang tính chiến lược của vài chục ngàn chữ ký cho một Bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến Pháp 1992 gồm 7 điểm, trong đó có một"Dự thảo hiến pháp được gửi kèm Kiến nghị này như một tài liệu để tham khảo và thảo luận"; và vì thế tập hợp chữ ký trên nguyên tắc không áp dụng cho Dự thảo gửi kèm này. Vài chục ngàn chữ ký nếu thu thập được sẽ bị hệ thống tuyên truyền khổng lồ của đảng so sánh với toàn dân số và khai thác ra sao để có lợi cho đảng CS là điều chúng ta khác nhau trong sự lượng giá tương lai về mưu đồ của đảng.
Chúng ta giống nhau về mục tiêu tạo môi trường cho sự quan tâm, dẫn đến tìm hiểu, dẫn đến tham gia và mở miệng của anh em, bạn bè, người thân và đồng bào của chúng ta. Nhưng chúng ta khác nhau ở nền tảng: (1) kiến nghị gửi một bộ phận bù nhìn của đảng và (2) công bố quan điểm một cách độc lập, đàng hoàng, đúng tư cách của những công dân Việt Nam - đúng nghĩa là những người làm chủ đất nước này. Chúng ta khác nhau ở điểm để đổi lấy sự an toàn, giảm bớt sợ hãi, có sự tham gia rộng rãi bằng cách chấp nhận vai trò chính thống của quốc hội đảng CS trong vấn đề trọng đại nhất của quốc gia là Hiến Pháp thay vì chúng ta vẫn có thể đạt được điều mong muốn bằng những phương thức khác.
Và thêm một điểm khác biệt căn bản: không giống như những kiến nghị trước đây - chủ động và khởi xướng bởi chính những người dân - Góp ý Hiến Pháp là chủ trương, kế hoạch, tính toán của đảng. Tham gia hay không tham gia trong bối cảnh như thế dẫn đến sự khác biệt giữa chúng ta, những người rất độc lập trong suy nghĩ và luôn luôn tranh đấu cho sự độc lập đó, là một điều đương nhiên và dễ hiểu.
Đây sẽ không là lần cuối chúng ta sẽ có những suy nghĩ, quan điểm, cách làm khác nhau. Đó là sự đương nhiên và cũng là điều tốt. Chúng ta sẽ mãi mãi có những điểm chung và những điểm riêng. Trong tương đồng có dị biệt và từ dị biệt vẫn luôn hiện hữu những tương đồng. Nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng - có một điều mà chúng ta luôn luôn nghĩ giống nhau và hành xử giống nhau:
Hãy cứ để những người bạn của mình thực hiện những điều mà bạn tin tưởng khi tất cả cũng đều xuất phát từ tấm lòng yêu nước thương dân; và sự đúng-sai ở mỗi chúng ta ở ngày hôm qua, hôm nay, ngày mai... cũng sẽ chìm vào quên lãng vào cái ngày chúng ta ôm nhau cười mà nước mắt ràn rụa với bài hát Tự Do đang trỗi dậy khắp nơi trên đất nước thân yêu này.
Vũ Đông Hà-Và có lúc chúng ta nghĩ khác nhau...