Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Tây Nguyên, đã vượt ngưỡng?

Nguyên Ngọc

(Tham luận tại Hội thảo Phát triển bền vững Tây Nguyên, ngày 27 tháng 11, 2012 – Buôn Ma Thuột) 
Sau năm 1975, có hai chủ trương chiến lược, nhằm xây dựng Tây Nguyên thành:
1- một vùng chiến lược vững chắc về an ninh và quốc phòng;
2 -một vùng động lực kinh tế của đất nước.
Chủ trương đó dựa trên nhận thức về vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên đã được chứng minh qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, và về tài nguyên thiên nhiên rất giàu có của vùng đất này.


Để tiến hành các chủ trương chiến lược đúng đắn ấy, đã thực hiện các biện pháp lớn:
- Quốc hữu hóa toàn bộ đất và rừng Tây Nguyên (ở Tây Nguyên đất cũng tức là rừng); Giao toàn bộ đất và rừng thuộc quản lý của quốc doanh dưới nhiều hình thức khác nhau qua các thời kỳ; và giao cho người nơi khác đến.
- Tiến hành một cuộc đại di dân từ đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng ven biển miền Trung lên Tây Nguyên với mật độ và tốc độ lớn. Chính kế hoạch di dân đại quy mô chưa từng có này về sau sẽ kích thích các cuộc di dân tự do tiếp tục đổ lên Tây Nguyên. Di dân đại quy mô nhằm cung cấp cho Tây Nguyên một lực lượng lao động lớn, để khai thác đất, rừng đã trở thành công hữu kia.
- Ngoài hai biện pháp lớn trên, trong thực tế gần 40 năm qua đã thực hiện phát triển Tây Nguyên chủ yếu bằng tận khai tài nguyên, được coi là vô tận.
Kết quả của các biện pháp được thực hiện này là Tây Nguyên có sự phát triển khá mạnh, nhưng đầy nghịch lý:
- Là vùng có chỉ số phát triển cao hơn bình quân cả nước, nhưng cũng có tỷ lệ đói nghèo cao nhất nước;
- Toàn vùng phát triển, nhưng chủ nhân truyền thống, là người dân tộc tại chỗ, thì ngày càng lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng;
- Phát triển lại đưa đến suy kiệt, không chỉ về tự nhiên, mà toàn diện, đã và đang làm biến dạng Tây Nguyên, cả tự nhiên và xã hội, con người, một cách sâu sắc.
Trong khi đó, những căn cứ đang được xây dựng để làm cơ sở cho các chủ trương chính sách phát triển Tây Nguyên tiếp đến – tức chương trình Tây Nguyên III – lại hầu như không biết, hay không quan tâm đến sự biến dạng này; nên có nguy cơ không chỉ không giải quyết được vấn đề gì, mà còn làm nghiêm trọng hơn tình hình.
Vì vậy xin đề nghị tập trung nói về sự biến dạng của thực thể Tây Nguyên do những việc chúng ta đã làm ở đây gần 40 năm qua. Biết được chính xác thực trạng đó thì mới xác định được đúng từ phương hướng chung cho đến chủ trương, kế hoạch, biện pháp, cơ chế… cụ thể. Nói đặc điểm của Tây Nguyên là phải nói được đặc điểm hiện nay, sau khi Tây Nguyên đã bị biến dạng, và là biến dạng dữ dội, thì mới có ý nghĩa. 
1-     Về sở hữu đất và rừng
Trong xã hội Tây Nguyên truyền thống, còn rất đậm nét về mọi phương diện ít nhất cho đến năm 1975, đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất là làng, không có đơn vị thấp hơn và cao hơn. Sở hữu truyền thống từ nghìn đời, tồn tại cho đến năm 1975 ở Tây Nguyên, là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng. Ở Tây Nguyên không có đất và rừng vô chủ, tất cả đều là sở hữu cụ thể, rành mạch của từng làng. Sở hữu của làng – cũng tức là không gian làng – gồm ít nhất: a) rừng đã biến thành đất thổ cư – tức nơi cư trú của làng; b) rừng được dành làm rẫy luân canh; c) rừng “sinh hoạt”, nơi dân làng tìm lấy các vật dụng cho đời sống hằng ngày; d) rừng thiêng, không ai được động đến, thực tế là rừng đầu nguồn… Sở hữu đó là cơ sở vật chất, là nền tảng kinh tế của làng, tạo nên không gian sinh tồn của làng, tức có nó thì làng mới sinh tồn, mới tồn tại.
Sau năm 1975 đã quốc hữu hóa toàn bộ đất và rừng Tây Nguyên, tức tước đi quyền sở hữu truyền thống nghìn đời của làng Tây Nguyên, nghiễm nhiên bứng mất đi, thủ tiêu nền tảng ấy. Làng tất yếu sụp đổ, và tan. Tế bào cơ bản của xã hội bị phá hủy. Đó là một trong những thực tế lớn nhất đã diễn ra ở Tây Nguyên gần 40 năm nay. Có thể nói không quá lời: Tây Nguyên là một xã hội đang bị phân rã trong tận từng tế bào. Không nhận ra, không biết thực tế này, thì cũng tức là không biết, không hiểu gì về Tây Nguyên ngày nay.
Hệ quả:
- Cơ cấu xã hội bị rúng động chưa từng có, tận đáy, kể cả so với thời Pháp xâm lược, cũng như thời chiến tranh ác liệt nhất. Cần nhấn mạnh suốt gần 100 năm Pháp thuộc và trải hai cuộc chiến tranh lớn, cơ cấu xã hộ Tây Nguyên đã tỏ rõ sức bền vững không lay chuyển. Chế độ thực dân không phá vỡ được nó, chiến tranh tàn khốc không làm nó tan rã. Nhưng đến khi sở hữu bị thay đổi, tế bào cơ bản của xã hội bị đánh phá tận gốc, thì cơ cấu xã hội ấy sụp đổ, mặc dầu trông bề ngoài vẫn yên lặng.
- Xã hội bị triệt tiêu nghiêm trọng sức đề kháng; đặc biệt lại đúng vào lúc Tây Nguyên, cũng như cả nước, phải đối mặt với những thách thức phức tạp, gay gắt của hiện đại hóa, toàn cầu hóa, kinh tế thị trường… Cần nói rõ trong suốt lịch sử lâu dài, Tây Nguyên từng biến đổi thành công, vượt qua những thách thức lớn, chẳng hạn trong thời Pháp thuộc, chứng tỏ tế bào cơ bản của nó – làng Tây Nguyên – dù trông thô sơ nhưng ngoài sức sống rất mãnh liệt, bền bỉ, còn có cả tính mềm dẻo năng động cao để thích ứng, tồn tại, phát triển trong những hoàn cảnh nhiều khi đến cực đoan. Điều nguy hiểm nhất vừa qua là bằng quốc hữu hóa đất và rừng, một cách “vô tư”, ta đã phá mất làng, pháo đài đề kháng của nó. Vậy không thể nói nguyên nhân chủ yếu của suy thoái là các tác động từ bên ngoài, của hiện đại hóa, toàn cầu hóa, cơ chế thị trường… Tác dộng đó có, nhưng nguyên nhân chủ quan, do ta gây ra là chính. Chính cách ứng xử của ta khiến Tây Nguyên mất hết sức đề kháng và thua trong thử thách mới này.
- Môi trường tự nhiên, nhất là rừng, bị suy kiệt nghiêm trọng. Rừng tự nhiên cơ bản không còn, trừ một số khu bảo tồn, thực chất như vật trang sức; ngay một số khu bảo tồn cũng bị móc ruột, ngày càng hao mòn.
Thực tế cho thấy, ngoài làng, tất cả các chủ sở hữu khác đều không giữ được rừng, mà còn là tác nhân phá rừng, cướp rừng, đều dữ dội, lại có “quyền”, trong khi dân làng bất lực bó tay.
Ở Tây Nguyên, rừng với làng là một, rừng là rừng của làng, làng là làng-rừng. Làng bị phá vỡ thì rừng sẽ tan; rừng bị quét sạch thì làng chỉ còn là cái xác khô héo.
- Văn hóa biến mất, vì văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng và làng. Ở Tây Nguyên hiện nay thật sự chỉ còn văn hóa dỏm, giả, những cái xác của văn hóa. Văn hóa Tây Nguyên mất sức đề kháng lại đúng khi nó đang đứng trước tác động phức tạp và dữ dội của các luồng ảnh hưởng đến từ bên ngoài, khiến nó không còn chống đỡ nổi để chủ động tiếp biến và phát triển như nó từng làm được trong lịch sử lâu dài. Chưa bao giờ Tây Nguyên yếu như bây giờ, đặc biệt về văn hóa, vốn là sức mạnh sinh tồn của nó.
- Hệ quả tổng hợp thể hiện tập trung ở con người. Hiện tượng đáng lo ngại nhất hiện nay là chúng ta đã làm thế nào đó, với tất cả “ý muốn tốt đẹp” của mình, để cuối cùng dẫn đến chỗ con người Tây Nguyên, vốn hoàn toàn tự chủ, tự tin, mạnh mẽ, đàng hoàng, vững chãi trong tự nhiên của họ, đã trường tồn cường tráng trong môi trường nghìn đời của họ, thì nay trở nên rệu rã, mất hết tự tin, hoang mang, bơ vơ, thụ động, bế tắc, và lại bị chính cán bộ và người Kinh chúng ta, những người muốn đi cải tạo, “văn minh hóa” họ, chửi mắng là lười biếng, ỷ lại, không biến cải được… Việc đạo Tin Lành phát triển đột biến từ sau 1975, việc xuất hiện những “tôn giáo” lạ kiểu Hà Mòn… là những dấu hiệu rất đáng suy nghĩ, đáng báo động, có thể cho thấy những khủng hoảng sâu xa của con người Tây Nguyên, nhưng lại bị hời hợt bỏ qua, chỉ vội đơn giản quy kết cho “các thế lực thù địch”, và đối phó bằng chủ trương đàn áp. Hậu quả sẽ âm ỉ, âm thầm tích tụ, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Thực sự hiện nay chỉ có thể giữ được an toàn rất phập phồng ở Tây Nguyên bằng đe dọa đàn áp thường xuyên…
Đang thực sự diễn ra một sự suy kiệt của con người, về tinh thần lẫn thể chất, cả suy thoái về nòi giống. Thậm chí không thể không nghĩ đến sự biến mất của tộc người.
Chiều hướng suy thoái này không ngăn lại được, thì sẽ là một tội ác, dù cố ý hay không.
2- Đại di dân
- Đại di dân đã khiến dân số Tây Nguyên tăng mạnh và đột ngột, năm 1975 Tây Nguyên có trên dưới 1 triệu, đến nay đã hơn 5 triệu, tăng gấp 5 lần trong chưa đầy 40 năm.
Trong lịch sử từng có những cuộc chuyển cư lớn của người Việt, đặc biệt trong quá trìnhNamtiến. Nhưng những cuộc chuyển cư đó diễn ra tuần tự trong nhiều thế kỷ, sự thích ứng của người đến và người tại chỗ cũng diễn ra tương đối tuần tự. Khác hẳn, đại di dân lên Tây Nguyên vừa qua là đột biến, mà lại đến một vùng rất dị biệt về nhiều mặt. Đáng kinh ngạc là một công cuộc xã hội lớn, sâu như vậy, gần như chưa từng có trong lịch sử, lại được thực hiện một cách vô cùng đơn giản, hầu như không hề có nghiên cứu chuẩn bị gì đáng kể, về mặt khoa học cũng như về thực tiễn. Công tác gọi là chuẩn bị chỉ là giao cho các tỉnh Tây Nguyên lấy ra bao nhiêu đất để cấp cho người nơi khác đến. Đất ấy lấy ở đâu? Đương nhiên là đất thuộc sở hữu truyền thống của các làng, từng làng, mà ta hời hợt không hề biết, không cần quan tâm khi đã cầm quyền, rất khác với thời chiến tranh, khi ta còn phải ẩn náu trong lòng dân. Cho nên nói theo cách nào đó đây thực chất là “cướp” đất của các làng người bản địa, trao cho người Kinh di cư đến. Người dân tộc tại chỗ ngơ ngác, sự mất đất, cũng tức là tan làng và bắt đầu cuộc khủng hoảng toàn diện không thể quay lại của họ, dần dà về sau họ mới nhận ra, sẽ thấm thía, trở thành mối bất bình sâu xa, âm ỉ… Những “Hà Mòn” thực chất chính là như vậy… Gọi là chuẩn bị thêm chút nữa, thì là cung cấp lương thực ban đầu một thời gian nào đó cho dân di cư… Còn thì để họ tự lo lấy, bằng cách phá rừng trồng trọt tìm lương thực vào lúc đầu, sau đó háo hức phá rừng lấy gỗ làm kế sinh nhai… Những người di cư đến hoàn toàn không hề biết đất họ được giao, họ đang chiếm vốn là đất của ai, những người nguyên là chủ của nó là những người như thế nào, lịch sử, truyền thống, nền văn hóa, cách sinh sống và phong tục, tập quán canh tác lâu đời của những người ấy, kinh nghiệm sống của họ trên vùng đất rất giàu có mà người mới đến tưởng là bỏ hoang giữa trời này… Người di cư đến mang đến một cách sống khác, một quan niệm và một cách ứng xử với tự nhiên hoàn toàn khác, cả một tập quán canh tác khác thích hợp với một tự nhiên khác. Cụ thể, rừng, thực thể tự nhiên bao trùm và quan trọng nhất, là linh hồn cuộc sống của người Tây Nguyên, thì đối với người di cư đến chỉ đơn giản là tài nguyên, là gỗ, mà họ hau háu tận khai…
Không ai để tâm suy nghĩ, tìm hiểu, nghiên cứu về sự giáp mặt, sự va chạm của hai văn hóa này, thậm chí không ai để ý đến nó.
- Tăng dân số gần 40 năm qua ở Tây Nguyên không chỉ có cường độ và tốc độ lớn, mà quan trọng hơn còn là tăng cơ học, do đưa người nơi khác đến. Tăng cơ học lớn và đột ngột đã làm đảo lộn hoàn toàn cơ cấu dân cư ở Tây Nguyên. Các “dân tộc thiểu số” ở Tây Nguyên vốn là “thiểu số” đối với cả nước nhưng là số đa tuyệt đối ở Tây Nguyên, quê hương ngàn đời của họ; thì nay đột ngột trở thành thiểu số tuyệt đối trên chính quê hương đó. Từ địa vị chủ nhân của vùng đất và trời này, nay họ trở thành như kẻ đi ở nhờ, là phần tử phụ giỏi lắm cũng chỉ được “chiếu cố”, ngày càng bị dồn vào những xó xỉnh cằn cỗi khó khăn nhất; rồi bị quy kết đủ thứ tội, phá rừng, lười biếng, ỷ lại, bẩn thỉu, cản trở, lạc hậu…
- Sự mất địa vị chủ nhân của người bản địa không chỉ là về tinh thần, vốn đã rất nguy hiểm. Thiết thực và quan trọng hơn, họ mất đất; không chỉ là mất đất tập thể của làng như đã nói ở trên, còn tương đối “trừu tượng”. Từng hộ, từng người dân bị các tổ chức quốc doanh đủ kiểu, cùng với người nơi khác đến lấn ép bằng đủ mọi cách, cho đến khi sạch tay.
Có điều rất nghịch lý: người dân tộc tại chỗ mất đất, trắng tay, chính là sau khi chính sách giao đất giao rừng được thực hiện (năm 1991). Đất giao để sản xuất không đủ để luân khoảnh quay vòng theo lối canh tác truyền thống, nhanh chóng bạc màu, phải bán rẻ, rốt cuộc rơi vào tay người nơi khác đến. Việc này diễn ra hoàn toàn “hợp pháp”, nghĩa là thuận mua vừa bán giữa người Kinh di cư đến và người dân tộc tại chỗ có đất vừa được giao, chứng tỏ cái sai không phải chủ yếu ở người đi mua là người Kinh, mà ở chủ trương chính sách máy móc coi chuyện đất đai ở vùng dân tộc đặc thù này chẳng khác gì ở đồng bằng khắp nước. Lúc này dã có khuyến nghị của một số chuyên gia yêu cầu ở Tây Nguyên không giao đất cho hộ, mà giao cho làng, để làng quản lý theo cơ chế truyền thống. Khuyến nghị đáng nghiên cứu này hoàn toàn bị bỏ ngoài tai. Thực tế chúng ta đã làm thua cả thời Lê Thánh Tông thế kỷ 15, khi đó Luật Hồng Đức cấm vay mượn giữa người Kinh và người “Man Liêu” (tức người thiểu số ở miền núi) vì nhà cai trị thời ấy hiểu rõ quan niệm về giá trị hai bên khác nhau, rất dễ sinh lừa đảo… Còn chúng ta thì không hề quan tâm gì đến chút khác biệt nào giữa người Kinh và người dân tộc Tây Nguyên, đúng hơn, hoàn toàn coi thường không cần đếm xỉa gì đến tâm lý, đất đai, quyền lợi của họ. Vì sao? Chắc chắn trong thâm tâm có cả tâm lý dân tộc lớn.
Cũng hoàn toàn coi thường ý kiến chuyên gia.
Người dân tộc tại chỗ thiếu trầm trọng hoặc không còn đất sản xuất là phổ biến và ai cũng biết. Đã xuất hiện những hiện tượng chưa từng có ở Tây Nguyên trước đây, như chợ lao động tại cây me đầu làng Plei Tơ Nghia, Kontum, nơi những trai tráng Ba Na không còn đất canh tác ngồi vất vưởng suốt ngày chờ bán sức lao động làm bất cứ công việc tạm bợ rẻ tiền nào cho các chủ người Kinh…
Khác với mọi hứa hẹn, không có bất cứ khu công nghiệp nào đào tạo và sử dụng người lao động bản địa thành công…
Tóm lại, kết quả của cuộc đại di cư là người dân tộc bản địa ngày càng bị đặt ra ngoài cuộc của sự vận động trên vùng đất quê hương của họ. Công cuộc phát triển ở đây ngày càng thực tế không có họ, vai trò của họ trong đó ngày càng không đáng kể, cho đến khi sẽ mất hẳn. Trong khi kinh nghiệm mấy chục năm qua cũng lại chứng minh rằng dù đã trở nên tuyệt đối thiểu số, nếu họ không phát triển được, trái lại bị tàn lụi, thì Tây Nguyên chắc chắn sẽ không thể ổn định, phát triển Tây Nguyên không thể bền vững.
Đây là một thực tế lớn, cần được nhìn nhận sâu sắc, một thách thức lớn, thực sự đang chưa có lời giải.
3- Khai thác Tây Nguyên theo chiều rộng và tàn phá
Xác định xây dựng Tây Nguyên thành một vùng kinh tế động lực của cả nước là đúng, nhưng trong hành động thực tế ý tưởng về “động lực” đã bị quan niệm sai. Khi nói Tây Nguyên có thể và cần được phát huy như một nhân tố động lực quan trọng cho phát triển chung của đất nước trong thời kỳ mới sau chiến tranh, kỳ thực trong ý thức, và được thể hiện trong hành động thực tế, cái gọi là “động lực” ấy cụ thể chỉ là tài nguyên ở đây, được coi là giàu có đến vô tận, lại gần như còn nguyên xi. Tây Nguyên là mỏ tài nguyên lớn, giữa trời còn đó, để ta đổ xô vào tận khai, làm vốn cho phát triển chung. Chủ trương khẩn trương, ồ ạt di dân lên Tây Nguyên chính là xuất phát từ cái nhìn say mê về tài nguyên này. Khai thác, tận khai ngay, bất chấp tất cả, miễn sao lấy được nhanh nhất, nhiều nhất.
Trước hết là rừng. Không ai để ý, không ai cần biết rừng này là của ai. Đây là của giữa trời, trời cho.
Cũng không ai quan tâm vai trò của rừng, đặc biệt của rừng Tây Nguyên đối với sinh thái, là bộ máy điều hòa khổng lồ của toàn miền Nam, toàn Đông Dương. Càng không ai biết đến ý nghĩa sống còn, có tính bản nguyên, của rừng đối với con người Tây Nguyên, trong đời sống văn hóa, tâm linh của họ.
Đối với những người tự coi là “văn minh”, rừng đơn giản chỉ là gỗ.
Các hình thức tổ chức quản lý liên tục thay đổi, từ các binh đoàn quân đội chuyển sang làm kinh tế 331, 332, 333, rồi các liên hiệp xí nghiệp nông lâm công nghiệp bao trùm gần hết Tây Nguyên, từ tỉnh này qua tỉnh khác, đến các lâm trường, nông trường chia nhỏ ra sau khi hình thức ;iên hiệp thất bại… thực chất trước sau chỉ chủ yếu là để lấy gỗ, thực tế đã hoàn thành công cuộc phá rừng tự nhiên Tây Nguyên, phá tan hệ sinh thái lớn nhất và quan trọng nhất nước, nhất Đông Dương, một trong những khu vực sinh thái quan trọng của thế giới.
Dù có rất nhiều con số về rừng còn sót lại, về cái gọi là “độ che phủ” (cao su, cả cà phê cũng được tính thành “độ che phủ”) \…, chỉ cần xem hệ động vật ở Tây Nguyên hiện nay để biết thực chất rừng còn gì. Thú lớn hoang dã gần như đã bị tận diệt. Hiện tượng thú rừng hiếm hoi còn lại trở nên đặc biệt hung dữ, quay lại chống người, xóm làng của người…, đủ cho thấy thiên nhiên vốn bao dung đã bị tấn công đến đường cùng, trở nên giận dữ, trả thù con người như thế nào. Làm sao còn có thể sống yên ổn, “phát triển bền vững” giữa một thiên nhiên đã trở nên đối nghịch, thù hận như vậy?
Tây Nguyên có sức thu hút manh mẽ vì đất bazan của nó, chiếm đến 60% quỹ đất bazan cả nước. Trong gần 40 năm qua, quỹ đất ấy, cũng được coi là vô tận, được khai thác theo chiều rộng, quảng canh, rốt cuộc đã vượt tất cả các cân đối. Diện tích cà phê đã lên đến gần 500.000 hecta, trong khi hạn tối đa Tây Nguyên có thể chịu đựng được cà phê mà không gây phá rừng (và cả không làm cạn kiệt nguồn nước ngầm)  là 17.000 hecta…
Cao su là cây rễ cọc, một tầng lá, không cây gì sống được bên dưới nữa, tuyệt đối không thể coi là rừng, không có tác dụng sinh thái của rừng nhiệt đới. Nên diện tích cao su Tây Nguyên có thể chịu đựng là có hạn. Chủ trương cho chuyển rừng “nghèo” sang trồng cao su, vừa ban hành đã lập tức biến rừng giàu thành rừng nghèo, và là thêm cơ hội phá rừng …
Các dòng sông, và cả rừng, Tây Nguyên đã bị băm nát vì thủy điện. Các hệ thống sông cạn kiệt, tầng nước ngầm tụt xuống hàng vài ba chục mét trong vài ba chục năm, trong khi ai cũng biết nước Tây Nguyên không chỉ ảnh hưởng đến Tây Nguyên mà còn chi phối nước cả khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ, thậm chí cả một phần không nhỏ Campuchia. Bất chấp tất cả, mãi đến gần đây, vẫn có chủ trương hùng hồn coi Tây Nguyên là “trung tâm thủy điện” lớn nhất nước…
Chương trình bô xít Tây Nguyên, với tất cả các tác hại trước mắt và lâu dài, toàn diện, từ môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa, cho đến an ninh quốc phòng… đã làm xôn xao dư luận cả nước; và càng triển khai càng lần lượt bộc lộ tất cả hậu quả từng được cảnh báo. Chính chương trình này, chủ trương xới tung Tây Nguyên, tận thu khoáng sản trong thời gian vài ba chục năm, là bộc lộ rõ nhất tư duy nguy hiểm tranh thủ vét sạch, tiêu xài hết tài nguyên trong một thế hệ, mặc con cháu mai sau.
Chỉ trong chưa đầy 40 năm, Tây Nguyên từ vùng được coi là còn khá nguyên vẹn của cả nước, đã trở thành một vùng kiệt quệ nhất.
Hai mục tiêu chiến lược đề ra từ đầu đều không đạt được:
  • Không thể thành một vùng chiến lược an toàn vững chắc về an ninh và quốc phòng khi xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định;
  • Cũng không thể là một vùng kinh tế động lực, trái lại đang là gánh nặng cho phát triển chung.
4- Đã vượt ngưỡng?
Tình hình chung đã buộc phải đặt câu hỏi nghiêm túc: Có phải đối với Tây Nguyên, về nhiều mặt đã vượt qua một cái ngưỡng không còn khả năng quay lại được nữa, hoặc đã mấp mé ngưỡng đó?
Trước hết vẫn là rừng. Rừng Tây Nguyên là rừng nhiệt đới; người ta bảo rừng nhiệt đới bị tàn phá, nếu để yên một thời gian đủ dài, vẫn có khả năng tái sinh, phục hồi. Nhưng có một cái ngưỡng nào đó, vượt qua rồi, thì dù là rừng nhiệt đới, cũng không thể tái sinh. Rừng bị tàn phá như ở Tây Nguyên hiện nay đã vượt qua ngưỡng ấy chưa? Cũng có ý kiến cho rằng rừng Tây Nguyên bị tàn phá sẽ không sa mạc hóa, nhưng cũng không thể phục hồi trở lại thành rừng rậm, mà sẽ thành rừng còi, rừng gai lúp xúp, xa van, cũng là một kiểu sa mạc hóa …
Hoặc nước ở Tây Nguyên. Các hệ thống sông bị băm nát bởi thủy điện còn có khả năng phục hồi không? Nước mặt, nước ngầm?
Chương trình bô xít hứa sẽ hoàn nguyên đất sau khi khai thác, trồng lại rừng…, hiện thực là bao nhiêu?
Rừng bị tàn phá đến thế, cây công nghiệp phát triển tràn lan theo chiều rộng vượt hạn cho phép đã rất xa, nước mặt nước ngầm bị mất nặng nề thế…, cao nguyên đất bazan lớn nhất nước này có biến thành cao nguyên đá ong để lại cho các thế hệ mai sau?
..….
Cuối cùng là con người. Bị đẩy ra rìa, thậm chí thực tế ngày càng bị loại ra khỏi phát triển chung, chỉ còn là đối tượng may lắm được thương hại “chiếu cố”, trở nên thụ động và mất hết sức sống, người dân bản địa, các dân tộc bản địa sẽ đi về đâu, trong chuyển động ngày càng đữ dội và rối ren của Tây Nguyên hiện nay và sắp đến? Nhiều vấn đề về dân tộc đang đặt ra, âm thầm nhưng nóng bỏng:
Như số phận ngôn ngữ các dân tộc bản địa. Ai cũng biết, ngôn ngữ mai một thì dân tộc sẽ tất yếu mai một.
Văn hóa Tây Nguyên đang chuyển theo hai hướng, hoặc thành văn hóa diễn, tách khỏi đời sống thực và cội nguồn của nó là làng và rừng, tất yếu sẽ mất; hoặc chỉ còn là “di sản”, nghĩa là cũng đã chết trong đời sống, chỉ còn trong bảo tàng hay trong các sưu tập. Vậy chủ nhân của văn hóa ấy sẽ ra sao? …
5 – Mấy câu hỏi lớn
Sự xuống cấp của Tây Nguyên do những lệch lạc trong phát triển suốt thời gian khá dài và đến nay vẫn tiếp tục theo một hướng ấy, đã buộc lại đặt lại một số câu hỏi:
- Nói Tây Nguyên cần thành một vùng kinh tế động lực, thế nào là một vùng kinh tế động lực? Phát triển như vừa qua rõ ràng đã không thành vùng kinh tế động lực, trái lại suy thoái ngày càng nghiêm trọng, tai hại cho chính Tấy Nguyên và ảnh hưởng rộng lớn.
Khi Tây Nguyên đã bị đẩy đến tình hình như hiện nay, cần coi phát triển là chính hay cứu Tây Nguyên khi may ra còn có thể là chính? Có phải hiện nay ra sức phục hồi, cứu lấy Tây Nguyên đã trở nên cấp bách sống còn?
Mối quan hệ giữa phát triển và phục hồi là như thế nào? Có khả năng tìm được một phương cách khôn ngoan vừa phát triển vừa phục hồi không?
- Trong phục hồi, trước hết phải phục hồi rừng, không phục hồi được rừng, không còn rừng thì không còn Tây Nguyên. Có khả năng phục hồi rừng không? Bằng cách nào? Có đủ quyết tâm tuyệt đối không động chạm đến rừng trong thời gian dài, 50 hay 100 năm để rừng tự nhiên phục sinh không?
Cũng tức dám chấm dứt những dự án hủy diệt như dự án bô xít, các dự án thủy điện tràn lan…
Có rừng thì mới nói đến làng, đến văn hóa, đến phát triển bền vững.
- Với cơ cấu dân cư như hiện nay, người dân tộc tại chỗ ngày càng  trở thành thiểu số tuyệt đối và càng bế tắc, cần xác định vị trí, vai trò của các dân tộc bản địa trong phát triển ở Tây Nguyên như thế nào?
Dù ít, chắc chắn nếu các dân tộc bản địa không phát triển được, sa vào suy thoái như đang diễn ra, thì sẽ hoàn toàn không có phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Vấn đề dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên hiện nay đang là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Và tất cả những câu hỏi trên đây chính là những câu hỏi mà Chương trình Tây Nguyên III cần cung cấp căn cứ để trả lời.
Vì vậy, cần rà soát và điều chỉnh căn bản đối với chương trình Tây Nguyên III, nếu không muốn mất tiền lớn mà vô ích.
Điều tra, khảo sát Tây Nguyên hiện nay cần là điều tra khảo sát sự biến dạng tai hại ở Tây Nguyên từ sau 1975 đến nay.
Và chủ yếu để đi đến những nhận định đúng dắn, khách quan, dũng cảm, thực sự cầu thị về xã hội. Tất cả những khảo sát về các mặt khác đều phải nhằm phục vụ kết luận này.
Sẽ sai lầm nữa, nếu chỉ nhìn Tây Nguyên từ góc nhìn đơn thuần khoa học công nghệ.
Tây Nguyên trước hết là một thực thể văn hóa xã hội đặc trưng và đặc sắc của đất nước, mà chúng ta đã ra tay tàn phá, dù có thể là không hoàn toàn ý thức.
Cần cứu Tây Nguyên.
Cấp bách.
N.N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.-Tây Nguyên, đã vượt ngưỡng?Bauxite Việt Nam

Tổng số lượt xem trang