Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Bang California ra nghị quyết kỷ niệm Tháng Tư Đen năm 2015 30.03.2015

-Son Tran
Bang California ra nghị quyết kỷ niệm Tháng Tư Đen năm 2015 
VRNs (30.03.2015) –California, USA – “Thượng Viện California, và sau đó là Hạ Viện California, để nhắc nhở mọi người nhớ đến bi kịch làm thiệt mạng nhiều người, quyết định công nhận Tháng Tư năm 2015 là Tháng Tư Đen, một thời điểm đặc biệt cho người dân California tưởng nhớ đến những người thiệt mạng trong suốt Cuộc Chiến Việt Nam, và hy vọng một cuộc sống công bằng và nhân bản hơn cho người dân Việt Nam”.

Đây là kết luận của Nghị Quyết SCR 29, do Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn giới thiệu đã được Thượng Viện California thông qua hôm thứ năm, ngày 26.03 vừa qua.

—-

SCR-29- Black April Memorial Month

XÉT RẰNG, 30 Tháng Tư năm 2015 đánh dấu 40 năm kể từ ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản; và
XÉT RẰNG, đối với nhiều người Việt Nam và cựu chi ến binh thời kỳ chiến tranh Việt Nam, những người trực tiếp chiến đấu trong cuộc chiến, và người Mỹ gốc Việt định cư tại Hoa Kỳ, Cuộc Chiến Việt Nam là một mất mát rất lớn đối với người Mỹ, người Việt Nam, và người ở Đông Nam Á; và
XÉT RẰNG, sau khi miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay Cộng Sản, hàng triệu người Việt cùng với gia đình họ đã phải ra đi, đến các quốc gia xung quanh, và sau cùng đến Hoa Kỳ, bao gồm các binh sĩ, giới chức chính phủ, và cả những người từng làm việc cho Hoa Kỳ trong suốt cuộc chiến; và
XÉT RẰNG, trong cuối thập niên 1970 và giữa thập niên 1980, hàng ngàn người Việt Nam đã liều mình đi tìm tự do trên các con thuyền gỗ nhỏ trôi dạt trên Biển Đông. Những người này sau đó tạm cư trong các trại tị nạn ở Thái Lan, Mã Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân, và Hồng Kông, trong khi có khoảng một nửa số người ra đi bị thiệt mạng trên biển trong lúc đi tìm tự do và dân chủ; và
XÉT RẰNG, theo thống kê dân số của Hoa Kỳ, có hơn 580,000 người Việt Nam đang sống ở California, đông nhất ở hải ngoại, và đa số cư ngụ ở Quận Cam; và
XÉT RẰNG, nhân quyền, tự do tôn giáo, dân chủ, và bảo vệ người dân không bị chính quyền trong nước hà hiếp, là những điều quan trọng mà người Mỹ gốc Việt và các cộng đồng người Việt khắp thế giới luôn quan tâm, đồng thời lên án tình trạng đàn áp nhân quyền vẫn còn tiếp tục xảy ra ở Việt Nam, cùng với tệ nạn lao động trẻ em, buôn người, bắt bớ người vì lý do tôn giáo và chính trị, đàn áp tự do báo chí, bắt người vô cớ, thủ tiêu, và chiếm đoạt đất đai của người dân; và
XÉT RẰNG, hồi năm 2013, báo cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, cho biết có hơn 120 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, và các nguồn tin ngoại giao cho biết, còn có hơn 4,000 bị giam trong trong bốn “trung tâm cải tạo” tại Việt Nam; và
XÉT RẰNG, chúng ta phải dạy con em chúng ta và các thế hệ tương lai những bài học quan trọng về Cuộc Chiến Việt Nam và những gì đang xảy ra ở Việt Nam hiện nay, trong đó có cả hoàn cảnh của người tị nạn Việt Nam sau khi cuộc chiến kết thúc, là một ví dụ rất mạnh mẽ về giá trị của tự do và dân chủ; và
XÉT RẰNG, chúng ta, người dân Tiểu Bang California, nên mạnh mẽ giữ vững những nguyên tắc về nhân quyền, tự do cá nhân, chủ quyền đất nước, và mọi người phải được bảo vệ một cách công bằng, theo một thế giới công bằng, tôn trọng luật lệ. Người dân California nên dành ra một thời khắc nào đó vào ngày 30 Tháng Tư mỗi năm để tưởng nhớ các chiến sĩ và người dân thiệt mạng trong Cuộc Chiến Việt Nam để bảo vệ tự do và dân chủ cho miền Nam Việt Nam; và
XÉT RẰNG, cộng đồng người Mỹ gốc Việt khắp Tiểu Bang California sẽ tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư như là một ngày để tưởng nhớ và giữ vững nguyên tắc về nhân quy ền. Vì vậy,
Thượng Viện California, và sau đó là Hạ Viện California, để nhắc nhở mọi người nhớ đến bi kịch làm thiệt mạng nhiều người, quyết định công nhận Tháng Tư năm 2015 là Tháng Tư Đen, một thời điểm đặc biệt cho người dân California tưởng nhớ đến những người thiệt mạng trong suốt Cuộc Chiến Việt Nam, và hy vọng một cuộc sống công bằng và nhân bản hơn cho người dân Việt Nam; và như vậy,

Bộ trưởng Thường Vụ California chuyển bản sao của nghị quyết này đến tất cả các cơ quan có liên quan.

Son Tran
Mời các Bạn đọc một bài viết rất hay và cũng rất thực, chỉ tiếc không biết tác giả là ai ???
Mấy câu thơ của tác giả đọc cũng thấm thía lắm.

Canada, Québec và Tôi
(Tháng Tư 2013, để nhớ lại tháng Tư 1975)
Tôi ngụ cư ở Montréal, đô thị lớn nhất của Tiểu Bang Québec, Canada, như vậy là đã được 35 năm rồi, gấp đôi thời gian tôi ở Sài Gòn (chỉ vỏn vẹn có 13 năm!). Như vậy, tôi là người Việt Nam, Saigonais hay Canadien, Quebecois ??
Việc tôi đến Québec, thực ra cũng là do sự sắp đặt của số mệnh. Hồi đó, tôi cũng chưa tính tới chuyện vượt biên thì anh bạn tôi, Dương Quang Hảo , tổ chức một con tầu vượt biên. Đó là mùa hè năm 1978, khi tôi vừa đi "cải tạo" về, còn chưa hoàn hồn. DQH tử tế cho tôi đi ké. Tới nay, tôi vẫn còn cám ơn ông bạn vàng này. Anh em là anh em, nhưng là ân nhân thì vẫn là ân nhân.
Chúng tôi đến được Mã Lai sau một cuộc hải trình khá vất vả, có gặp hải tặc, nhưng vì lúc đó quá sớm, không có chuyện hải tặc giết hại thuyền nhân, chỉ chấn lột một ít tiền bạc, vàng, nữ trang. Giữa lúc đang bị cướp, biển động, sóng cấp 3. Bọn hải tặc đưa chúng tôi lên tầu lớn của chúng, đãi ăn một bữa cơm chiều với cà ri gà, khá ngon, cho ngủ lại một đêm. Hôm sau, thả chúng tôi về thuyền, cho đi tiếp. Lênh đênh mãi, suốt 3 ngày đêm, chúng tôi lên được đất liền. Mã Lai không cho lên, đang lo, thì thấy có một người da trắng bơi đến gần, ra hiệu cho anh bạn tôi phá tầu đi. Sau này, người ta nói cho chúng tôi biết đó là ông Cao Ủy, tên Pierre, không biết có phải không. Anh bạn tôi bèn lấy con heo dầu của tầu, liệng xuống biển rồi họ nhẩy xuống đục tầu. Tầu tỵ nạn không chìm, nhưng mắc cạn, nằm nghiêng ngay bãi biển Paulau Bésar, là một thành phố du lịch của Mã Lai, đầy du khách, nên chính quyền Mã Lai phải miễn cưỡng cho chúng tôi lên bờ, và vào trại tỵ nạn Poulau Bésar, hồi đó chưa có Poulau Bidong .Nghĩ lại, còn kinh hồn, Nhờ phước của ông bà để lại, chúng tôi an toàn, may mắn hơn các người vượt biên vài tháng hay vài năm sau.
Tôi gặp tại trại tỵ nạn nhiếu đồng nghiệp.Các người tỵ nạn có một chút trình độ, thì cũng dễ dàng được phái đoàn các nước chấp thuận cho vào định cư. Người tôi gặp đầu tiên là một ông Mỹ. Ông này gọi riêng tôi lên để khai thác xem tôi có thể cho tin tức gì liên quan đến những người Mỹ còn mất tích hay không. Sau khi không khai thác được gì từ tôi, ông hỏi tôi muốn đi định cư ở nước nào, tôi trả lời bừa, không suy nghĩ :
- Có lẽ tôi sẽ xin đi Canada.
Ông Mỹ thích quá, reo lên :
- Ồ, Canada, đây là một nước rất tốt.
Không thấy ông ta khuyến khích mình xin đi Mỹ, có vẻ không wellcome mình, tôi cũng không hỏi gì thêm và cũng không xin gặp phái đoàn Mỹ..
Lúc ra về, tôi gặp anh bạn N.V.Nam, đồng nghiệp, cùng một promo. Anh Nam nói với tôi :"Moi thì chỉ thích nước Pháp. Voir Paris et (ou)... mourir."..Quả nhiên, anh xin đi Pháp và được phái đoàn Pháp chấp nhận dễ dàng. Tôi có một anh bạn, cựu Đại Úy không quân, dân pilote hào hoa và liều lĩnh. Anh nói với tôi :
- Cậu đi với tôi qua Úc đi, hai đứa mình xin đi làm nông trại, khẩn hoang, làm giầu.
Tôi lúc đó biết rằng việc trở lại nghề Y ở ngoại quốc rất khó, và cũng có chút thích phiêu lưu, thích quá, nói với anh bạn này : Đồng ý, khi nào phái đoàn Úc đến, tôi sẽ xin đi với anh. Anh bạn này sau sang Úc, không đi khai phá đất hoang gì, mà mở quán ăn ở Perth hay Melbourne gì đó, làm giầu thực. Nay đô la rủnh rỉnh, mua nhà ở Việt Nam, rồi đi đi, lại lại giữa Việt Nam và Úc, như đi chợ.
Tôi về lều, nói với bà vợ mới cưới, chỉ 4 tháng trước khi vượt biên ý định xin đi Úc của mình. Bà ta nhất định không chịu :
- Em của anh ở Canada, anh của anh ở Mỹ, đi Úc làm cái giống gì ??
Nói tới, nói lui mãi, hai vợ chồng chưa quyết định gì được. Một hôm,. đến lều của anh Nguyễn Phú Cường chơi, gặp đàn anh Nguyễn Văn Trí, hai anh này nói với tôi :
- Canada có vùng Québec nói tiếng Pháp,, dễ sống lắm. Quebec đất rộng gấp 10 lần nước Việt Nam, dân số chỉ có 6, 7 triệu, đời con, đời cháu mình cũng không sợ thiếu đất như ở Paris hay London.
Chính 2 lý do thiết thực này đã làm tôi suy nghĩ : Có lý, sao mình nghĩ không ra.Thế là khi phái đoàn Canada đến, tôi lên xin đi Québec, và được chấp thuận, với điều kiện là tôi đừng đòi hỏi phải trở lại với nghề nghiệp của tôi, vì họ không thể bảo đảm về việc này..Cho đến nay, tôi vẫn không biết quyết định như vậy có đúng hay không. Nhiều khi sau này, khi nghe các đồng nghiệp hốt bạc ở Hoa Kỳ, đôi lúc có hối tiếc, nhưng về già, nghĩ lại thấy quyết định của mình cũng không đến nỗi tệ. Đúng như vậy, đời sống của chúng tôi tại Montréal tuy không giàu có như ai, nhưng rất là êm đềm, như nước hồ thu và không vất vả như các đồng nghiệp ở các quốc gia khác.
Trước hết là các đồng nghiệp người bản xứ. Hồi đó, Ordre des médecins du Quèbec (Bây giờ gọi là Collège des médecins du Québec) có ông chủ tịch A.Roy, nâng đở các y sĩ Việt Nam hết mình. Trong khi các y sĩ Việt Nam đến các tiểu bang khác của Canada trầy vi, tróc vẩy, không trở lại nghề được, thì ở Montréal, y sĩ Việt Nam được giúp đỡ, thi lại, đi thực tập, rồi hành nghề trở lại khá dễ dàng. Trung bình, chỉ 2 hay 3 năm, là lấy lại được quyền hành nghề. Bản thân tôi, đến Montréal tháng 11 năm 1978...dến giữa năm 1981, đã có quyền hành nghề một cách rất đàng hoàng. Sau này, khi ông chủ tịch Y Sỹ Đoàn đó về hưu, thì khó khăn hơn, nên nhiều đồng nghiệp đến sau, không trở lại nghề được. Chẳng ai giỏi hơn ai. Cuộc đời hơn nhau ở cái may mà thôi.
Người dân Québec gốc Pháp, nhưng không phải dân Parisien đâu.. Họ có lẽ là những người anh chị, phóng khoáng, giang hồ nên khi đến đất mới, có lẽ theo như tôi nghĩ (việc này không biết có đúng không, phải kiểm chứng lại), đổi lại họ tên, nên các họ của dân Québec nhiều khi nghe buồn cười lắm. Nào là ông LAPORTE, bà LAMONTAGNE, cậu BOILEAU, cô BOIVIN. Có người lại tên CAUCHON, có người lại tên COITEUX... còn các tên thơm như DESJARDINS, LAFLEUR thì nhiều lắm.
Người québecois ăn nói bộc trực, cư xử phóng khoáng hệt như dân Nam Kỳ. Họ không phân biệt đối xử. Trong khi các đồng nghiệp của tôi ở Mỹ hay các tiểu bang nói tiếng Anh, BS da vàng mũi tẹt thường chỉ có khách hàng cũng da vàng mũi tẹt, người da trắng ít khi chịu cho bác sĩ mít khám, thì các người quebecois, gần phòng mạch nào đi khám phòng mạch đó, bất luận bác sĩ là Việt Nam hay da trắng, da đen gì. Tôi làm việc tại một khu phố gần như hầu hết là dân quebecois pure laine ( nghĩa là chánh gốc, thứ thiệt, 100 phần dầu). Hồi sau này, bác sĩ ở đây khan hiếm, nhiều khi đến phòng mạch làm, thấy mấy người này sắp hàng dài, chờ mình đến, tự hỏi tại sao mấy người này có thể tin cậy một ông bác sĩ già, nhỏ bé , ăn mặc bừa bãi, không xe xua gì (nhà quê, theo lời bà vợ tôi tôi phán) như mình, thiệt là kỳ lạ.
Sau này, con cháu của các đồng nghiệp, của các thuyền nhân thuộc các giới khác như giáo sư, luật sư theo các ngành Nha Y Dược nhiều lắm. Trong một bệnh viện thuộc Rive Sud của Montréal, số bác sỹ gốc Việt đông lắm, đi đâu cũng thấy họ Trần, họ Nguyễn, họ Phạm....v.v Nhiều khi loa phóng thanh vang lên "bác sỹ Nguyễn" , có việc cần ở phòng này, phòng nọ...thì không biết là ông Nguyễn nào, vì trong nhà thương, có cả chục BS Nguyễn, vui lắm.
Dân Quebecois nói tiếng Pháp với một giọng đặc biệt, gọi là accent quebecois. Cũng tỷ như người xứ Quảng nói tiếng Việt. Không quen, đố nghe được. Ngay cả như tôi, khi 2 đứa con nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng này ( mà khổ nỗi, hễ nói với nhau, là chúng không bao giờ nói tiếng Việt), là tôi và mẹ chúng, chịu thua một phép.
Khi viết, thì càng tệ hơn. Tôi có thể dám cá với mọi người là khi viết tiếng Pháp, tuy tôi là dân Chu Văn An, so với người trung bình quebecois, tôi ít lỗi chánh tả và văn phạm hơn họ. Người québecois viết như họ nói, nói sao, viết vậy, không cần để ý đến orthographe , grammaire gì hết. Ngay trên báo chí, người ta cũng bắt gập các lỗi rất thông thường. Không hề gì, miễn làm sao cho 2 người hiểu nhau, vậy thôi. Còn bà Pauline Marois, đương kim Thủ Tướng Québec, khi bà nói tiếng Anh, không hiểu các bạn có nghe chưa ?? Các ký giả trên tờ Journal de Montréal kêu quá, về vấn đề này, nhưng "no Star Where"... chuyện nhỏ.
Việc tôi không mấy thích ở Québec là mùa đông ở đây lạnh quá, nhiều tuyết quá.
Hồi mới sang đây, mới có xe, tôi dại dột mua mấy cái xe Mỹ (chiếc xe đầu tiên tôi mua là 1 chiếc Mustang sport, mầu đỏ chói cho đúng điệu dân chơi cầu ba cẳng, được có 2 năm, gặp trục trặc đủ điều). Khi trời lạnh quá, đề xe không nổ. Sau này đổi sang xe Nhựt, hâng Toyota, không còn gập cảnh phải kêu người đến "bouter" cho xe chay ( tiếng này không hiểu có phải do tiếng anh to bơost hay bouter là đem một chiếc xe đang chạy, đến câu điện vào bình của xe mình bằng 2 sợi dây một đen, một đỏ, mình gọi là câu xe. Bouter là nối bout này đến bout kia ). Dù sao chăng nữa, nói như vậy là dân québecois hiểu liền, không phải giải thích lôi thôi . Cũng như khi dục ai nhanh nhanh lên một chút, thì họ nói Ơ Wây, Ơ Wây. Hỏi một ông québecois chữ này viết ra sao, tại sao lại nói như vậy, thì ông này giải thích một cách đại khái : Có lẽ chữ này xuất xứ từ chữ envoyer, khi xưa làm việc en chaine trong các hãng xưởng, người ta dục nhau.... envoie, envoie. Cũng là một cách giải thích. Đại khái cách nói của người quebecois có nhiều chỗ bí hiểm như vậy.
Trở về với mùa đông,lâu lâu, có những cơn bão tuyết dầy đến 50, 60 cm, có khi 100 cm. Mà các cơn bão tuyết này lại thường xẩy ra ban đêm. Có năm, đánh bài xong, ra khỏi nhà bạn, lấy xe về, nhìn thấy xe mình chôn vùi dưới đống tuyết, thấy muốn khóc. Hôm đó, tôi may mắn gặp được một người chuyên môn dọn tuyết cho tư nhân, với một cái xe có trang bị một cái cào tuyết bằng sắt to tổ chảng phía trước, nhận lời cào tuyết để đem xe ra với giá 100 đô nên ra về được. Sáng ra, anh Phạm H T chủ nhà, ra đường nhìn thấy một cái lỗ khổng lồ, cứ tấm tắc khen tôi giỏi đào tuyết. Tôi dấu biệt chuyện mình đã thuê người ta làm. Đó là trận bão người ta gọi là trận bão của thế kỷ 20.
Hồi tháng giêng năm 2013 mới đây, tôi lâm vào một hoàn cảnh tương tự sau khi ở phòng mạch ra. phải nhờ đến 2 thanh niên québecois giúp, mà gần một tiếng mới đào được một lối cho xe chạy được ra giữa đường, vì xe làm đường ủi tuyết vào lề đường mà mình đang đậu xe. Ngộ một điều ở đây, là khi mình hoạn nạn, là có nhiều người sẵn sàng giúp mình, đẩy xe dùm mình. Làm như ai cũng quen với việc này rồi, nên giúp nhau là lẽ đương nhiên. Cho đến nay, đây là trận bão của Thế Kỷ 21, Không hiểu thừ nay đến năm 2199, có trận bão nào lớn hơn hay không ?
Mùa hè ở Montréal thì dễ chịu lắm. Trừ một vài ngày rất nóng, thì ba tháng hè rất lý tưởng cho các du khách. Người ta đặt ra rất nhiều lễ hội, cũng như các thành phố khác ở khắp nơi trên thế giới, để quyến rũ du khách. Nào là Festival nhạc jazz, Juste pour rire, just for fun,....đua xe F1, bắn pháo bông quốc tế...v.v Lúc nào centre ville cũng đầy người, đầy xe cộ. Thú nhất là xuống đường St Denis, vào các quán cà phê, vừa uống cà phê, vừa nhìn đầm non đi lại, ăn mặc rất là thiếu vải. giống như hồi trước ở Sài Gòn, ra La Pagode hay vào Givral.
Tôi sống ở Montréal mà không khác gì thời sống ở Sài Gòn. Bạn bè Việt Nam, đồng ngiệp, đồng "thói hư tật xấu" giống như xưa, mà chẳng bị lên án là đồi trụy gì . Vậy mà, ở Việt Nam, sau 1975, tôi đã bị bọn cán bộ đạo đức giả lên án vì đã bị hủ hóa, trở thành xấu xa vì Mỹ Ngụy. Thực kỳ quái, tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn, vẫn du hý, đánh bài, giống hệt như hồi xưa ở Sài Gòn, Cần Thơ, mà sao ở đây, họ không kết tội tôi là bán nước, bóc lột dân lao động, ăn bám xã hội gì hết. Bọn chết tiệt CS sau khi vào được Miền Nam, đưa chúng tôi vào trại cải tạo, rồi gán cho trăm ngàn các thứ tôi, mà trong các buổi học tập, mình nói như con vẹt, nhận tội , rồi sau đó chẳng hiểu mình mắc tôi gì. Ai không nhận tội, dù chỉ trên đầu môi chót lưỡi, nín thở qua sông, thì coi như chưa tiến bộ, phải ở lâu hơn.
Thôi, coi như cái thời kỳ đen tối đó đã đi vào dĩ vãng rồi. Quên nó đi cho được việc.
Trở lại với mùa hè ở Montréal, nếu thời tiết quanh năm được như vậy, thì Montréal quả thực là một thiên đường. Đáng tiếc là chỉ được 3 tháng đẹp trời mà thôi. Hè đi thì thu tới.
Mùa Thu Montréal nói riêng, và Québec hay Canada nói chung, đẹp tuyệt vời, với lá thu vàng hoạc đỏ rơi tả tơi, bay theo gió thu. Nhiều người sang Canada để chỉ muốn nhìn thấy những cảnh lá đổi mầu và rừng thu thay áo như vậy. Trong một mùa Thu gần đây, dù không phải thi sĩ, nhưng trước cảnh đẹp mùa thu, và tuổi già, nhớ tới những cố nhân, tôi đã sáng tác ra mấy câu thơ sau đây, xin trình bầy để bà con thưởng lãm (thơ con cóc, xin đừng cười) :
Nhìn lá vàng rơi, lá vàng rơi.
Mùa Thu quyến rũ đã qua rồi.
Ta tìm gì nữa , tìm gì nữa.
Chỉ thấy lá vàng lác đác rơi.
Nhìn lá vàng rơi, lá vàng rơi.
Sự nghiệp, công danh, chán quá rồi.
Ta tìm ai nữa, tìm ai nữa.
Bạn bè mấy đứa nhớ nhau thôi
Đúng như vậy, bạn bè lâu lâu lại có một đứa bỏ cuộc chơi . Gặp nhau ngày nào vui ngày đó, còn tương lai : Kệ nó !! thắcmắc mà làm chi.
Cuộc đời, như một dòng sông , một chuyến đò, hay một chuyến xe métro.
Mỗi người, mỗi thế hệ, theo thời gian, lại có những bến đỗ khác nhau.
Tôi là một người Việt Nam, nhưng hình như các con tôi bây giờ, chúng là các Quebecois. Mới đây, tôi hỏi thử thằng con út của tôi : Con có muốn sang Mỹ làm việc hay không. Con sẽ kiếm rất nhiều tiền bên đó. Đứa con trả lời tôi một cách bất ngờ :
- Làm sao con có thể bỏ Québec được hở bố. Québec đã đầu tư quá nhiều vào những người như con.
Đúng như vậy, sống ở Québec, một thanh niên, bất cứ thuộc sắc dân nào, nếu có tài, và có chí, thì Québec giúp họ thành công dễ dàng. Được voi, đòi tiên, các sinh viên Québec hiện còn đang đòi học đại học miễn phí, việc chưa bao giờ có ở Bắc Mỹ. Các con tôi, khi học đại học, được cho vay tiền, được học bổng. Cả 2 đứa,đều có trêm mười năm học đại học, chúng tôi có giúp chúng, rất ít, nhưng nếu chúng tôi không giúp gì đi nữa, chúng cũng có điều kiện ra trường một cách dễ dàng, chỉ nợ thêm một chút nữa thôi, khi đi làm, sẽ thanh toán mau chóng.Xã Hội Québec giúp đỡ các công dân của mình thành công. So với các sinh viên Việt Nam còn sống trong nước, các con tôi thực may mắn.Đây mới chính thực là Xã Hội Chủ Nghĩa.
Viết bài này, tôi, một người Việt Nam, bị các đồng bào của mình ngược đãi, đến mức phải bỏ xứ mà đi, vì không muốn bị kỳ thị, vì không muốn mấy đứa con không có tương lai chỉ vì lý lịch của bố nó), chỉ để tri ân các người quebecois, đã đưa tay ra đón nhận và giúp đỡ chúng tôi làm lại cuộc đời.
Xin cám ơn Canada.
Xin cám ơn Québec.
Bọn CS sẽ không thể kết tội tôi "bán nươc".
Sau 75, tôi đâu còn "nước".Chính chúng nó đã cướp mất "nước" của chúng ta, để bán cho Tầu !!!



********
THÁNG TƯ ĐEN 1975

Ôi những người xưa đã từng vang bóng,
Một thuở tung-hoành trời đất dọc-ngang,
Thân chiến-sĩ cát Trường-Sơn Đông-Hải,
Áo chinh-nhân bùn Đồng-Tháp Hậu-Giang.

Ôi những ngày xưa tung mây lướt gió,
Mặt Thái-Bình-Dương đạp sóng đè kình,
Lửa Cổ-Thành đốt tan thây giặc nước,
Biên-giới Hạ-Lào nát gót trường-chinh.


Cờ chính-nghĩa từng dương cao bách thắng,
Túi kinh-luân mở khép cuộc hơn thua,
Đạp nước phá thành oai-hùng lẫm-liệt,
Sức thù nào ngăn nổi bước chân đi !

Vận nước hỡi ôi, cơ trời tuần mạt,
Hãn-mã công-lao uổng sức vẫy-vùng,
Thân vô-địch đang tuyến đầu phá giặc,
Chợt bàng-hoàng dao bạn chém sau lưng !

Người dẫu chết khôn cười nơi chín suối,
Sức xô thành bạt núi cũng co tay,
Nỗi uất-hận nuốt sâu vào tim phổi,
Nước Cửu-Long khôn rửa xót-xa này !

Đau-đớn nhẽ không thua mà bại trận,
Hùm thiêng kia móng nhọn tước đi rồi,
Mắt đã khoét chân đã vòng xiềng-xích,
Đành cho bầy dê chó dể-ngươi thôi !

Nhưng bóng-dáng xưa Trường-Sơn vẫn thấp,
Chiến-công người Đông-Hải cũng chưa sâu.
Ôi những anh-hùng sa-cơ ngã ngựa,
Biển mực nào chép hết nỗi thương-đau !
( Nguyễn Quan Hà ).

Tổng số lượt xem trang