Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

NHỮNG TRÁI TIM VIỆT NAM

--Bản dịch của Trần Gia Tuệ (Defend the Defenders)

Tác giả: Andrew Lam,
đăng trên The Cairo Review of Global Affairs, ngày 22/4/2013.

Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây.

Lời bài hát đầy tình cảm này thỉnh thoảng trở về trong tôi, đặc biệt là khi tôi nghĩ về Cộng đồng Việt Nam hải ngoại và mối quan hệ phức tạp của họ với quê nhà. Một buổi tối cay đắng  ngày 30 tháng 4 năm 1976 trong một thính phòng ở khu phố San Francisco, tôi cùng gia đình đã hát bài hát này để đánh dấu kỷ niệm một năm lưu đày. Là bài đầu tiên trong số những bài hát Việt Nam được viết sau khi chiến tranh kết thúc – những bài hát đã thúc đẩy một cuộc di tản chưa từng có – bài “Ôi Mẹ Việt Nam” đã được hát trong tâm tình những người con mất nước với những giọt nước mắt và tiếng nức nở. Một vài người trong số thính giả, tôi vẫn còn nhớ, thậm chí còn đeo giải khăn trắng, loại khăn được đeo trong các tang lễ tiễn đưa người quá cố.

AndrewLamWebSize-33

Gần bốn thập niên đã trôi qua kể từ ngày ấy. Nếu bây giờ tôi có hát bài hát này, không thuộc hết lời, tôi sẽ hát với giọng điệu đầy não nề. Vì thế, bỏ qua thời khắc xúc động, tôi tự hỏi, lời bài hát vẫn đúng ở mức độ nào? Cộng đồng hải ngoại bây giờ có thể về Việt Nam nhưng liệu chúng ta sống vì Tổ quốc đến mức độ nào? Chúng ta thực ra là ai?

Trong cuốn “Các bộ lạc: chủng tộc, tôn giáo và bản sắc quyết định ra sao đến sự thành công trong nền kinh tế toàn cầu mới”, Joel Kotkin đã mô tả một cộng đồng công dân thế giới tinh hoa  trên toàn cầu là một cộng đồng quốc tế kết hợp ý thức mạnh mẽ về nguồn gốc chung với “hai nhân tố quan trọng dẫn đến thành công trong thế giới hiện đại: sự phân tán về địa lý và niềm tin vào tiến bộ khoa học”. Các mẫu chuyện ban đầu của Kotkin bao gồm người Anh, Do Thái, Trung Hoa, Nhật Bản và Ấn Độ. Các nhóm người này, dựa vào nhu cầu và trách nhiệm chung, đã tạo ra mạng lưới toàn cầu cho phép họ hoạt động tập thể vượt qua những giới hạn của biên giới vùng miền và quốc gia. Trong phần viết sau đó của mình, Kotkin đã thêm Việt Nam vào danh sách này.

Hành trình về quận Cam

Hơn bốn triệu người Việt Nam đã chạy trốn hoặc di cư ra nước ngoài sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975. Họ đã định cư ở khắp nơi, rải rác khắp năm châu. Ngày nay bạn có thể tìm thấy những nhà hàng bán phở, bánh mì và những món khoái khẩu Việt Nam khác ở Bắc Phi, Brazil, Dubai và xa hơn nữa. Chính tôi cũng có họ hàng sống trong sáu quốc gia khác nhau trên ba châu lục. Nhưng con số đông đảo  nhất của cộng đồng lại đến Bắc Mỹ và phần lớn là tái định cư ở Cali, nơi mà tôi và gia đình cùng hầu hết bà con đang sống.

Hành trình của chúng tôi là một thiên sử thi đầy thất vọng: bị tổn thương bởi chiến tranh và gắn bó với nhau bởi lối sống cũ ở nơi đất đai được coi trọng, nơi tổ tiên được thờ phụng, nơi dây rốn được chôn vào đất theo truyền thống như là cách để ràng buộc mọi người với mảnh đất của tổ tiên, chúng tôi tái định cư trên một đất nước được biết vì những chuyện thần thoại nổi tiếng, kỷ năng công nghệ cao và hoài bão cá nhân.

Ví dụ, hãy thử bắt một chuyến xe buýt như tôi đang đi. Chiếc xe buýt tiện nghi đang đi về miền Nam với nhạc quê hương Trịnh Công Sơn qua giọng hát khàn đục của Khánh Ly vang ra từ cái loa ở trên đầu. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, chuyên viết những bài hát về phản chiến và tình yêu, và Khánh Ly là ca sĩ nổi tiếng nhất. Hai bà già ngồi cạnh tôi đang khoe khoang về con cháu họ, về việc họ sống sung túc như thế nào, v.v. Đằng sau tôi, hai người đàn ông trung niên đang ngâm nga theo bài hát thời thanh niên của họ. Và hai đứa trẻ ở  đằng trước thì đang chơi trò chơi điện toán cầm tay trong khi mẹ chúng trò chuyện không ngớt trên điện thoại với một người nào đó về công việc kinh doanh nhà hàng.

Âm giọng tiếng Việt cứ cất lên rồi hạ xuống, tôi nhắm mắt lại và lắng nghe mà cứ tưởng chừng như mình đang từ Huế vào Nam, đến Sài Gòn hay Đà Lạt.

Nhưng không, tôi đang ở bên kia Thái Bình Dương, trên đường từ San Jose đến quận Cam, xuống  đại lộ xuyên bang số 5 trên một chiếc xe buýt do người Việt làm chủ. Chiếc xe buýt này được sở hữu bởi một trong ba công ty của người Việt đang cạnh tranh nhau, những công ty này nhắm tới phục vụ cồng đồng người Việt thiểu số trên đất Mỹ.

Một trong hai bà già nói thêm rằng bà không thể nào chấp nhận được một thực tế rằng con trai và các cháu của bà đang sống trong một ngôi nhà lớn trên đồi ở Freemont, Cali. “Tôi tưởng tượng con trai tôi về quê, mặc quần đùi đùa giỡn trên cánh đồng và tất cả các con tôi học dưới ánh đèn. Bây giờ, nó đã là một kỹ sư có nhiều ảnh hưởng. Giờ đã quá khác, cuộc sống của chúng tôi, những máy móc này”, bà nói và nhìn ra những ngọn đồi xanh tươi đang mờ mờ lướt qua. Rồi, thay vì cảm thấy khuây khỏa hơn, bà thở dài và nói bằng một giọng hoài hương , “Chúng tôi đã xa quê lâu lắm rồi”

Khi tôi nghĩ về câu chuyện người Việt trên đất Mỹ, tôi nhớ về bàn thờ tổ tiên của mẹ tôi. Trong ngôi nhà ngoại ô bên ngoài San Jose của bà, có một hồ nước sáng lung linh ở sau nhà, mẹ tôi đang khấn vái. Mỗi buổi sáng, bà trèo lên ghế và thành kính thắp nhang lên cái bàn thờ tổ tiên phía trên giá sách ở phòng khách và rồi lâm râm khấn vái người quá cố. Những tấm ảnh trắng đen của ông bà và các chú bác hiền lành nhìn ra thế giới của người đang sống từ cái đỉnh giá sách. Trên những ngăn giá sách phía dưới thì ngược lại, có tấm bằng MBA của cha tôi, những tấm bằng kinh doanh và kỹ sư của anh chị tôi, bằng cấp hóa sinh của tôi,  các cúp của các môn thể thao kết hợp của chúng tôi, và, cuối cùng nhưng không kém quan trọng là những thứ mới nhất từ sự săn lùng bất tận của tôi để tự làm mới mình – những bảng tên và những kỷ vật pha lê hình tháp, những bằng cấp được đóng khung, những giải thưởng báo chí và văn chương của tôi.

Cái bàn thờ của mẹ tôi và cái giá sách nói lên một câu chuyện về sự thăng hoa của những người Mỹ gốc Việt, học thuyết số mệnh của thế giới cũ gặp tinh thần lạc quan của thế giới mới – giấc mơ Hoa Kỳ. Sau hết, việc khấn vái người chết là một tập tục Nho giáo cục bộ – người ta nhìn vào quá khứ để tìm sự chỉ dẫn, người ta khao khát hướng về cội nguộn chung để giữ mối liên kết với cộng động và giữ vững ý thức về sự kế tục dòng dõi. Việc nhận những phần thưởng và huy chương, nói cách khác, là một xu hướng của người Mỹ, là một sự khẳng định uy thế, qua đó người ta hướng tới tương lai và thấy nó lạc quan, sáng sủa.

Vì thế, Mẹ Việt Nam ơi, chúng con đã sống sót được nhưng chúng con đã không còn cách nào khác là thay đổi. Là một người Mỹ gốc Việt, người ta học cách quan sát hai luồng tư tưởng đối lập này, và chọn thương lượng giữa ngày và đêm.

Dưới bầu trời xanh thẳm của Cali, những người mới đến phải trải qua một cuộc chuyển mình phi thường. Ở tiểu bang Vàng này, nơi mà nửa triệu người Việt Nam tái định cư, những giấc mơ có đủ cơ hội biến thành sự thực. Những người mới đến nuôi dưỡng khát vọng. Thí dụ như một anh thấy nhà hàng ăn của mình treo bảng “Cho thuê” trong một tòa nhà tồi tàn của khu xóm hoang phế. Anh ta thấy con cái tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu. Anh ta tưởng tượng ngôi nhà của mình với cái hồ nước ở sau nhà 5 năm sau đó – những thứ khiến người ta không thể quay trở lại.

Ngày và đêm, thật thế. Những vết thương vì bị cưỡng chiếm ban đầu và di tản sau đó – những trại cải tạo dưới chế độ cộng sản, đói và khát trên biển, những năm tháng vật vã trong các trại tỵ nạn, nỗi ám ảnh hải tặc Thái Lan, những trận bão kinh hoàng – đã qua đi lâu rồi, thay vào đó là niềm hân hoan trong đời sống mới tìm thấy, và đối với một vài người, là sự cực kỳ giàu có. Một cộng đồng ban đầu cảm thấy như mình đang sống cuộc đời lưu đày, như những kẻ sống sót qua một tai họa lịch sử, đã dần dần thay đổi cách tự đánh giá mình. Họ bắt đầu  nhận chân chính mình như là một cộng đồng nhập cư, như là một Sài Gòn Nhỏ thịnh vượng với đủ các loại câu chuyện làm giàu.

Chị à, chị có biết người đàn ông đã làm ra món tương ớt Sriracha nổi tiếng là một thuyền nhân không? Ông ta đến Mỹ tháng 1 năm 1980 và đến tháng 2 ông ta đã bắt đầu làm ra những chai tương nắp xanh nổi tiếng của mình. Bây giờ công ty của ông ta đã sản xuất  ra hơn 10 triệu chai tương mỗi năm. Nó là loại Ketchup [chai sốt cà chua - ND] thứ hai.  Ông ta rất giàu.

Cô ơi, có có biết người đàn ông làm ra món bánh sandwich Lee bắt đầu sự nghiệp bằng một xe hàng bán thức ăn không? Ông ta đỗ bên ngoài nhà máy lắp ráp điện tử ở San Jose, bán những chiếc bánh sandwich cho hầu hết các công nhân Việt Nam, nhưng ông ta đã thắng phi vụ làm ăn với một chuỗi cửa hàng trị giá hàng triệu đô la. Bây giờ các cửa hàng bánh sandwich Lee có mặt ở Cali, Arizona và Texas, không kể đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam nữa. Đó là một tập đoàn quốc tế.

Anh ơi, anh có bao giờ nghe nói về người trợ lý cho Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ dưới chính quyền George W. Bush không? Ông ta là một thuyền nhân đã rời bỏ Việt Nam lúc 15 tuổi những đã tốt nghiệp hạng xuất sắc trường luật Harvard và là chủ bút tờ Harvard Law Review. Ông ta là kiến trúc sư trưởng của đạo luật Patriot của Hoa Kỳ. Anh có tin không?

Chẳng mấy chốc,  người ta mua được nhà, có công ăn việc làm , con cái được sinh ra, người già qua đời, công việc kinh doanh và các trung tâm mua sắm được mở ra, các báo cộng đồng được in, các tổ chức chính trị và kinh tế hình thành. Phải nói rằng, chúng tôi là một cộng đồng mà rễ của nó đang cắm vào mảnh đất Hoa Kỳ màu mỡ, chậm nhưng sâu.

Những nỗi dằn vặt dai dẳng và những mất mát giờ đã bị mờ nhạt bởi nhu cầu của cuộc sống và bởi niềm hãnh diện về cuộc sống và sự giàu có mới. Và một người tỵ nạn thành người nhập cư (sự hoán chuyển tâm lý), được nhập tịch  thành công dân Hoa Kỳ (ít nhiều gì cũng có thuận lợi) và nhận ra rằng vùng ký ức vơi đi một chút khi anh ta phóng xe vù vù xuống xa lộ hướng đến quang cảnh huyền ảo tráng lệ của thành phố để đi làm mỗi buổi sáng.

Là Việt Kiều

Chúng tôi đào tỵ ra hải ngoại và thay đổi, đến lượt mình, chúng tôi lại có những ảnh hưởng đặc biệt  đối với quê nhà. Những người Việt Nam giàu có, sung túc ở hải ngoại gởi quà và thư về nhà, giúp cho những người bà con bần cùng của họ đủ ăn. Họ gởi hình ảnh của mình về. “Xem này, Tree Hằng và Hiển? Giờ chúng là Helen và Henry. Chúng có cao quá có phải không? Anh biết không, đó chính là nhờ sữa và bơ đậu Mỹ. Chúng làm cho xương to và cứng. Helen đã có bằng Tiến sĩ . Anh này, nhìn xem này…”

Những người họ hàng nhìn chòng chọc vào những tấm ảnh. Ở phía đằng xa sau những thanh niên trẻ trung, đẹp trai đang tươi cười tạo dáng bên cạnh những chiếc xe hơi thể thao đó, là ngôi nhà hai tầng như đang ngạo nghễ với ga ra dành cho hai xe hơi. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, những tấm ảnh như thế như những mỹ nhân ngư tạo một lực hút sau cùng kéo một số người Việt ra khỏi khu nhà lụp sụp của họ để hướng ra biển khơi.

Niềm khao khát đến nước Mỹ  đã thay đổi tính cách Việt Nam. Vượt biên, trở thành một động từ dùng trong các gia đình ở Việt Nam vào thập niên 1980. Việt kiều- nghĩa là “Người Việt hải ngoại”, những người gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài – trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của tiềm lực đối với tất cả những người Việt Nam, vào thập niên 80 và 90, nó là tương lai. Và Việt kiều nói chung được hiểu là những người có thể thay đổi vận mệnh của những người anh em họ nghèo nàn bằng sự giàu có và ảnh hưởng của mình.

Cho đến cách đây một thập niên hay đại loại như thế, chuyện kể Mẹ Việt Nam rằng bà đã già cả bốn ngàn năm tuổi. Sữa đã khô, tóc đã bạc, và đang phải chịu đựng chứng loạn thị. Bà không có gì nhiều để ban cho con đàn cháu đống nữa. Nước Mỹ, lại khác, vẫn còn trẻ, giầu có và lạc quan: mọi thứ mà Việt Nam không có. Người Việt, một số dân trẻ đang gia tăng và đầy niềm khao khát, chắc hẳn đang mơ về nước Mỹ, trong tưởng tượng của họ là một nơi của hòa bình, tự do và sung túc và mơ về cuộc sống ít khổ đau.

Xin lưu ý rằng, bất chấp nỗi kinh hoàng và cảnh chém giết trong chiến tranh, người Việt vẫn nhớ về người Mỹ sau khi người Mỹ rời khỏi Việt Nam. Bước qua những cánh máy bay gãy và những mảnh vỡ phủ đầy rêu mốc từ những chiếc xe tăng han rỉ, những người Việt Nam trẻ tìm kiếm nước Mỹ. Dấu tích của người Mỹ để lại cho thấy năng lực phi thường của họ. Hãy lắp ráp những bộ phận hư gãy và bạn có thể tạo thành một chiếc xe hơi, một cây cầu hoặc thậm chí là một cái xưởng tự chế. Hãy đào những chiếc xương và răng hàm thất lạc, tập hợp những tấm thẻ bài của lính Mỹ mất tích (MIA), biết đâu bạn có thể trở thành một kho của cải đáng giá, những chiếc xương của lính Mỹ sẽ bán cho người Mỹ được khối tiền.

Cách đây một vài năm, tôi trở lại Việt Nam để tham gia vào một phim tài liệu của PBS [Public Broadcasting Service: mạng lưới TV công cộng phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ - ND], và tôi chọn du lịch: tôi đến địa đạo Củ Chi ở tỉnh Tây Ninh, giáp giới Campuchia, đó là những đường hầm ngầm dưới lòng đất nơi Việt Cộng đã trốn trong suốt cuộc chiến.

Ở đó cũng có vài cựu binh Mỹ khoảng tuổi lục tuần. Họ trở lại lần đầu tiên. Họ rất xúc động.  Một người đã khóc và nói rằng, trong suốt cuộc chiến, “tôi đã mất một thời gian dài tìm kiếm nơi này và đã mất đi những người bạn khi cùng làm việc này”.

Nhưng người hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi bảo tôi rằng, chính nhu cầu du lịch là điều khiến người Việt phải đào cái hầm cũ này lên. Cô ấy, tuy nhiên, không biết quá khứ. Cô đã bò trong đường hầm  cùng với những người ngoại quốc như thường lệ, nhưng trong cô nổi lên những ý niệm khác hẳn. Đầu óc cô chứa đầy hình ảnh chiếc cầu treo Kim Môn, xe điện, những xa lộ kép, Hollywood và phim trường Universal Studios. “Tôi có nhiều bạn bè bên ấy”, cô nói, đôi mắt mơ mộng, phản chiếu cái khát vọng chung của tuổi trẻ Việt Nam. “ Họ mời tôi qua. Tôi đang để dành tiền cho chuyến đi tuyệt vời này”. Cô bảo tôi, nếu có thể cô sẽ đi du học ở Mỹ.

Đó là một cô gái trẻ, cô nhìn vào một  đường hầm, nơi là tổng hành dinh của Việt cộng và là mục tiêu của những cuộc dội bom lớn cách đây nhiều năm và cô ấy nhìn thấy điều gì? Vương quốc kỳ diệu. Địa đạo Củ Chi tất nhiên dẫn một số người về quá khứ, nhưng đối với cô hướng dẫn viên trẻ tuổi này nó rất có thể dẫn đến tương lai.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, những người Việt tỵ nạn không còn được phương Tây chào đón nữa, và khi sự cưỡng bức hồi hương dù ít hay nhiều đã trở thành một chính sách quốc tế mới, chuyện thuyền nhân chấm hết. Nhưng việc nhập cư không dừng lại. Trong thực tế, nó vẫn tiếp diễn đến hôm nay, mặc dù theo kiểu trật tự hơn. Thân nhân bảo lãnh nhau, người Việt cưới người Mỹ gốc Việt, tù nhân chính trị và tôn giáo và những người Mỹ lai đến nước Mỹ qua những chương trình đặc biệt, và làn sóng cuối cùng, những sinh viên Việt Nam thông minh, giàu có nộp đơn xin du học Mỹ, và con cháu của giới cầm quyền ở Hà Nội và Sài Gòn (nay gọi là thành phố Hồ Chí Minh)- tất cả đều hy vọng vào một khởi đầu mới ở Mỹ quốc.

Một quán bar trên đường Trương Hán Siêu

Đôi lúc, có vẻ gần như  chắn chắn rằng trong thế kỷ 21 này , người tỵ nạn trở thành người nhập cư, và một người nhập cư  nếu làm ăn khá giả, trở thành một công dân thế giới, với đa ngôn ngữ và những sinh hoạt văn hóa các vùng miền.

Và cũng không tránh khỏi rằng, nhiều người Việt Nam hải ngoại ở một mức độ nào đó, làm cuộc hành trinh về quê mẹ.

Hãy suy nghẫm về câu chuyện trên National Public Radio cách đây hai năm, bắt đầu như sau: Nhiều người Việt bỏ chạy khỏi chế độ cộng sản, sau đó đã trở về như những du khách, nhưng không có ai trong số họ trở về như một viên trung tá của khu trục hạm mang tên lửa tự hành Hoa Kỳ, đang bỏ neo tại cùng một thành phố nơi lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ lần đầu tiên đổ bộ lên bờ biển Việt Nam năm 1965.  Biểu tượng khi xưa đã không mất đi đối với Trung úy H.B Lê của chiếc USS Lassen khi anh ta nói với ký giả trên bến tàu.

Trung úy Lê được 5 tuổi khi anh ta rời khỏi Việt Nam trên chiếc thuyền đầy người. Trở về Việt Nam trong sắc phục hải quân Hoa Kỳ,  anh đứng cao hơn cả khúc so với những viên đô đốc già VN đang chào đón anh – một cựu thuyền nhân, người mà họ sẵn sàng bắt giam cách đây ba thập niên nếu anh bị bắt trong lúc chạy trốn.

Diệp Vương, tốt nghiệp hạng giỏi từ trường Đại học Harvard với tấm bằng kinh tế học, rời khỏi Việt Nam như một thuyền nhân năm 1979 nhưng đã trở về Việt Nam cách đây 7 năm để giúp chống lại nạn buôn người ở An Giang, quê cô ở đồng bằng châu thổ sông Mekong, “Tôi luôn nhớ lúc chúng tôi đến Hoa Kỳ mẹ tôi bảo chị tôi và tôi rằng chúng tôi được sinh ra làm người Việt Nam là có lý do, và việc hình dung ra lý do đó là tùy thuộc vào chúng tôi”, cô kể. Đây chính là lý do cô ấy bảo vệ những phụ nữ trẻ đang gặp nguy hiểm, bị bán thành nô lệ.

Vì khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam mở rộng cùng với sự phát triển kinh tế, nạn buôn người đã trở thành một tai họa. Chương trình của Vương là một phần trong những cố gắng của tổ chức Pacific Links Foundation tạo điều kiện cho những phụ nữ trẻ bằng cách cho họ cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng, cấp học bổng và chỗ ẩn náu. “Ngày càng nhiều người Mỹ gốc Việt đóng vai trò trung tâm trong lĩnh vực từ thiện”, cô nói. “Riêng đối với tôi, tôi không thể ngồi một chỗ mà không làm gì. Bất cứ cô gái nào bị bán sang Campuchia hoặc Trung Quốc đều có thể là người chị em họ hoặc là con của một người bạn cũ.”

Nguyễn Quý Đức, một người Việt tỵ nạn trở thành người dẫn chương trình của một đài phát thanh Mỹ và là tác giả của hồi ký “Tro tàn ở đâu: hành trình của một gia đình người Việt”, đã tìm thấy vai trò khác của mình khi đã ngoài năm mươi tuổi: như một chủ quán bar và người quản lý phòng triễn lãm nghệ thuật ở Hà Nội. Tại sao ông ta lại trở về cái đất nước mà mình đã từng bỏ ra đi như một người tỵ nạn? “Quê nhà là nơi có tình cảm thân thuộc, có ý nghĩa gia đình và cộng đồng”, ông chia sẻ sau khi cố gắng tìm  ra một câu trả lời thành thật. “Và tôi đã tìm thấy nó ở đây”.

Đức là một trong số ít nhất 200 ngàn Việt kiều trở về Việt Nam hằng năm, nhiều người chỉ thăm bà con và du lịch, nhưng có một con số ngày càng tăng những người về làm việc, đầu tư và nghỉ hưu. Đa số những người về Việt Nam là từ Hoa Kỳ – nơi có số người Việt hải ngoại sinh sống đông đảo nhất. Thật ra, ba mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cộng đồng Việt Nam hải ngoại hiện đang quay trở lại, dần dần nhưng chắn chắn, hành trình về Việt Nam.

Bấy lâu nay người Việt hải ngoại có ít thứ để giữ giềng mối văn hóa ngoại trừ ký ức quê hương. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, các lá thư được gởi đi từ Koa Kỳ có thể mất cả nửa năm mới đến được tay người nhận ở Việt Nam. Hôm nay, tuy nhiên, 18 năm sau ngày Hoa Kỳ tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và 6 năm sau ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, Hà Nội chỉ còn là một chuyến bay trực tiếp từ Los Angeles, và người Việt ở quê nhà với người Việt ở hải ngoại tán gẫu trực tuyến, nhắn tin cho nhau và gọi video call trên Skype. Lượng du khách người Việt viếng thăm Mỹ quốc cũng ngày càng gia tăng.

Người Việt hải ngoại đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế Việt Nam. Theo Phòng thương mại Việt Nam, trong năm 2008, bất chấp tình trạng suy giảm của nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã nhận được 7,4 tỷ đô la từ người Việt hải ngoại. Chính quyền Việt Nam nói rằng cộng đồng người Việt hai ngoại đang làm giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Viện trợ  phát triển chính thức được quốc tế cam kết dành cho Việt Nam trong năm 2008 là 5 tỷ đô la, trong khi đó người Việt hải ngoại đóng góp 2,4 tỷ hơn.

Trong năm 2010, tổng số tiền chuyển và  tiền đầu tư từ Cộng đồng người Việt, theo chính phủ Việt Nam, lên đến 20 tỷ đô la và chiếm 8% GDP của Việt Nam. Hà Nội, nhận thấy Cộng đồng người Việt là một nguồn lợi cực lớn, thậm chí đang cân nhắc cấp quy chế song tịch cho Việt kiều để khuyến khích hồi hương nhiều hơn nữa..

Có một hình thức đóng góp khác của Việt kiều không cụ thể nhưng rõ ràng là không kém phần quan trọng: đó là chính họ.

Quán bar của Nguyễn Quý Đức, Tadioto, là một chỗ thanh lịch trên đường Trương Hán Siêu ở Hà Nội, đã trở thành một nơi tụ tập cho các họa sĩ, nhà văn và trí thức- người hải ngoại cũng giống như người địa phương. Một tác phẩm hội họa trường phái tiên phong được treo trên tường hoặc đứng cô động giữa những căn phòng. “Không gian công cộng chưa phải là chỗ có thể có ở Việt Nam”, Đức giải thích. “Tôi nhắm đến việc thay đổi điều đó – mang đến những cuộc đối thoại thực sự giữa những con người khác nhau”. Mỗi tuần ở Tadioto, các nhà thơ, nhà văn người Mỹ gốc Việt chia sẻ kinh nghiệm của họ với các  đồng nghiệp Việt Nam”.

Việt Nam đã tiến tới chỗ sụp đổ ý thức hệ – nhưng trong không gian tư, các tư tưởng chính trị mới đang thành hình. Nếu Việt Nam vẫn còn mang búa liềm trên ống tay áo, trái tim nó vẫn sẽ đập mạnh với thương mại và chủ nghĩa tư bản.

Ở đây, cùng với một xã hội dân sự chưa trưởng thành,  có một tầng lớp trung lưu đang phát triển và sự xói mòn dần những rào cản chính trị vì áp lực đang gia tăng đòi cải cách chính trị,  minh bạch và đa nguyên. Sự trở lại quê nhà của Cộng đồng người Việt hải ngoại là con dao hai lưỡi: Nhiều người mang về nguồn đầu tư tài chính và chuyên môn kỹ thuật. Nhưng với sự hiện diện của quá nhiều Việt kiều cộm cán ở Việt Nam, câu chuyện phức tạp đang thành hình, trong đó tư tưởng và kiến thức của thế giới bên ngoài thâm nhập vào xã hội và nền văn hóa bản xứ. Trong không gian tư nhân này, và trên mạng internet, và bất chấp những cuộc bắt giữ liên tiếp các blogger bất đồng chính kiến, người ta có thể nghe thấy rất rõ âm thanh sôi động của cuộc tranh luận và trao đổi chính trị.

Có một điều mỉa mai trong sự đánh thức lại cuộc nội chiến cay đắng và cuộc di tản sau đó: Những người bị ngược đãi bởi  những kẻ tiếp bước Hồ Chí Minh vì câu kết với Hoa Kỳ và như những kẻ “đồng lõa’ và bị buộc phải bỏ đi nước ngoài trong suốt cuộc chiến tranh lạnh, bây giờ lại được tích cực gạ gẫm mời về Việt Nam để giúp đầu tư và tái thiết chính quyền – cái chính quyền đã từng hắt hủi họ. Việc tạo các mối liên kết quốc tế trong thời hậu chiến tranh lạnh bây giờ được xem như là điều tốt đẹp.

Từng là những nạn nhân của cuộc chiến, những con người đa phương diện này đã nổi lên như những người chiến thắng trong hòa bình. Họ đã có thể làm lại chính mình và tiếp tục cuộc sống của họ, và quan trọng hơn là họ không để cho cơn thịnh nộ và khát vọng báo thù chiếm lĩnh trái tim, một vài người đã trở thành những tác nhân năng động trong việc thay đổi thân phận của Việt Nam.

Truyền thống và hoài bão

Tri Ta, người Mỹ gôc Việt đầu tiên được bầu làm thị trưởng thành phố tại Hoa Kỳ, đứng trước Đài tưởng niệm chiến tranh VN, Westminster, CA. Nov. 9, 2012. Allen J. Schaben/Los Angeles Times

Tri Ta, người Mỹ gôc Việt đầu tiên được bầu làm thị trưởng thành phố tại Hoa Kỳ, đứng trước Đài tưởng niệm chiến tranh VN, Westminster, CA. Nov. 9, 2012. Allen J. Schaben/Los Angeles Times

Lý do tôi ở trên chuyến xe buýt này là: để tận mắt chiêm ngưỡng đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở quận Cam, cái tôi đã nghe nói đến rất nhiều từ cha mẹ tôi. Cha tôi, từng là sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng hòa, ở trong ủy ban cố vấn cho nổ lực vận động xây dựng đài tưởng niệm này. Vào một buổi tối cách đây mười năm hay đại loại như vậy, người Việt ở quận Cam đã  quyên góp được hơn 200 ngàn đô la để xây đài tưởng niệm. Các ca sĩ người Việt nổi tiếng đã hát miễn phí và tiền bán vé được gởi vào quỹ. Kết quả là hai bức tượng lớn đầy ấn tượng, một mô tả một người lính miền Nam Việt Nam, còn cái kia là một người lính Mỹ, đứng sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu cam go, đặt sát ngay Tòa thị chính ở Westminter, trung tâm của Sài Gòn Nhỏ ở quận Cam.

Đứng trước đài tưởng niệm, tôi có hai luồng tư tưởng. Tôi cảm thấy điều gì đó gần giống với lòng yêu nước, hướng về quê nhà đã mất từ rất lâu, đang khuấy động trong huyết quản cũng như nỗi buồn sâu đậm đối với những người đã chiến đấu và đã chết này – và, đối với những người còn sống nhưng tan nát vì những gì đã trải qua; đồng thời, tôi cũng cảm thấy một sự thiếu thốn kinh khủng vùng đất xa xôi ấy. Trong khi tôi đứng đó vào một buổi tối thứ bảy, hai phụ nữ lớn tuổi thắp hương và khấn còn vài người đàn ông lớn tuổi hơn mặc quân phục đứng gác gần đó. Cái gì đó sầu thảm và nặng trĩu trong dáng đứng của họ gợi lên một nỗi đau chung, khiến tôi rùng mình; mắt họ- những đôi mắt chắc chắn đã nhìn thấy điều tồi tệ nhất của cuộc chiến cũ – chứa đầy sự tức giận, lòng hận thù và niềm cay đắng. Gương mặt họ gợi cho tôi nhớ gương mặt của cha tôi.

Ý niệm nảy lên trong tôi là, trong khi một phần của lịch sử vẫn đang tạo nên những người đàn ông mặc quân phục đó và, tất nhiên, tạo nên cả cha tôi; một phần khác của lịch sử thì đang tạo nên tôi. Cha tôi xem mình là một người lưu vong sống ở Hoa Kỳ, một phần của nhóm dân thiểu số đang ngày càng phình to; còn tôi thì tự xem mình như là một nhà báo Mỹ thực hiện nhiều chuyến về Việt Nam mà không có nhiều cảm xúc ủy mị. Đối với tôi, Việt Nam, nơi tôi sinh ra, và dòng lịch sử dữ dội của nó đã trở thành một điểm xuất phát, một mối quan tâm, nhưng không còn là nhà nữa.

Điều mỉa mai là, vì luôn ôm ấp hình ảnh Việt Nam trong tim, cha tôi không thể trở về cái đất nước mà ông luôn một lòng trung thành, miễn là chế độ hiện tại vẫn còn nắm quyền lực. Nỗi niềm của ông là sự phẫn uất còn sót lại từ cuộc chiến tranh lạnh mà không có cách kết thúc. Lịch sử, đối với cha tôi và đối với những người đàn ông này vẫn còn mặc quân phục trong mỗi sự kiện cộng đồng, có xu hướng chạy lùi, trở về với những hoài niệm của cuộc chiến, trở về với cuộc chiến đẫm máu và đắng cay mà sự kết thúc  của nó là thua cuộc và lưu vong. Và điều đó đã khiến họ không thoái chuyển trong lập trường chủ nghĩa quốc gia. Họ sống ở Mỹ nhưng linh hồn họ vẫn đang chiến đấu trong cuộc chiến chưa ngã ngũ ở Việt Nam.

Cảm xúc mạnh vẫn sống động, nhưng bây giờ nó phải cạnh tranh với sự hòa nhập trong môi trường mới: Cộng đồng người Việt, không còn sống trong ý nghĩa lưu vong nữa, đang dần nhận diện chính họ ở trong hành trình về Việt Nam. Lan Nguyễn, viết cho báo Người Việt, một tờ báo lớn nhất của người Việt ở quận Cam, ghi nhận rằng: “Trong khi thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt chia sẻ với người lớn mối quan tâm chung về tình hình nhân quyền, dân chủ và tự do ở Việt Nam, nhưng họ lại không bị trói buộc vào mục tiêu này”. Nguyễn, sống ở San Jose, nói rào cản ngôn ngữ và sự thiếu trãi nghiệm dưới chế độ cộng sản như là những nhân tố mở rộng khoảng cách thế hệ. “Những người Mỹ gốc Việt trẻ… thường thất vọng khi mọi nỗ lực giúp đỡ Việt Nam của họ dường như gặp phải sự chỉ trích của người lớn. Rồi chính người lớn cũng khó chịu  khi nhìn thấy người trẻ tổ chức các chuyến từ thiện về Việt Nam”.

Câu hỏi vẫn được đặt ra là liệu Cộng đồng người Việt hải ngoại có thể  là tác nhân hiệu quả cho sự thay đổi và có thể tìm thấy những phương cách mới để gây ảnh hưởng vào tương lai của Việt Nam hay không. Để làm được điều đó, cần phải đặt ra những câu hỏi hốc búa. Có tự do thực sự đối với những người bị khuất phục và dẫn dắt bởi lòng hận thù hay không? Nền dân chủ cho Việt Nam có khả thi hay không khi những người sống ở hải ngoại không hiểu và không thực hành được dân chủ trong chính cộng đồng của họ, và đa số những người dân ở VN có mảy may thể hiện quan tâm nào không? Làm sao để thoát khỏi sự tức giận và khao khát báo thù, và để tạo không gian cho những cuộc thảo luận và đối thoại xây dựng và để cổ vũ những tư tưởng chính trị mới?

Đây là sự  thực: một khi lòng hận thù không còn, thì thay vào đó là nỗi đau. Những người cố bám víu vào lòng hận thù, tôi e rằng, thường là những người lo ngại không biết cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng cũng là sự thật rằng nhiều người trong chúng ta vượt ra khỏi lòng hận thù xưa, ra khỏi cái tâm lý đối cực ta-với-họ. Chúng tôi đã học được cách xoa dịu cái đau và nỗi khổ đang thảo luận lập trường của mình giữa phương Đông và phương Tây, giữa hoài niệm và hiện đại, giữa truyền thống và hoài bão cá nhân, giữa lòng trung thành ngày xưa và khối liên kết ngày nay, vì thế chúng ta đang ở trong tiến trình tái tạo một khái niệm hoàn chỉnh về người Việt là ai, một định nghĩa mở và toàn diện.

Vì thế, Mẹ Việt Nam ơi, theo một nghĩa nào đó, chúng con vẫn đang ở đây, nhưng chúng con bây giờ không phải là chúng con trước đây nữa. Những thế hệ mới sinh trưởng ở hải ngoại có lẽ sẽ nhìn thấy cái ý thức về nguồn gốc chung đó, có lẽ sẽ lấy làm tự hào về cái di sản của chúng, nhưng chúng sẽ không bị trói chặt vào nhau bởi cái ý niệm rằng Việt Nam là số phận của chúng. Đúng hơn, VN chỉ là một trong nhiều điểm đến của chúng.

Một bài hát mới cần được sáng tác, một bài hát mô tả một con người đa phương diện, có thêm quê hương khác, một người có thể  chia sẻ ý thức về cội nguồn nhưng không bị trói buộc bởi chủ nghĩa quốc gia. Cái dây rốn xưa kia, cuối cùng đã đào lên, biến đổi thành một khúc ca mới xuyên Thái Bình Dương, và đó là thiên sử thi đang thành hình.

(Defend the Defenders)

 

-NHỮNG TRÁI TIM VIỆT NAM

http://vietnamhumanrightsdefenders.wordpress.com/2013/04/26/nhung-trai-tim-viet-nam/--

Tổng số lượt xem trang