Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Sau gần 40 năm, người Việt lại vượt biên bằng đường biển

--

Tấm hình này chụp ngày 14/4/2013, một thuyền đánh cá đưa người tỵ nạn cập đảo Christmas của Úc. Gần 40 năm sau khi hàng trăm ngàn người Việt Nam trốn khỏi chế độ cộng sản ở quốc gia này trên những con thuyền vượt biển, ngày càng nhiều người lại tiếp tục vượt biên bằng đường biển. (AP Photo)
TimeBản dịch của Huỳnh Thục Vy(Defend the Defenders)
Tác giả: /AP
9.5.2013
Hà Nội, Việt Nam (AP) – Gần 40 năm sau khi hàng trăm ngàn người Việt Nam trốn khỏi chế độ cộng sản ở quốc gia này trên những con thuyền vượt biển, ngày càng nhiều người lại tiếp tục vượt biên bằng đường biển.
Chỉ tính riêng năm nay, 460 đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt đã cập vào bờ biển Úc – nhiều hơn con số của 5 năm qua cộng lại. Sự gia tăng đột ngột ngoài dự kiến này lại tiếp tục thu hút những con mắt dò xét hồ sơ nhân quyền đang ngày càng xấu đi của Hà Nội, mặc dù nền kinh tế yếu kém của Việt Nam cũng có thể lý giải tại sao những người di cư phải thực hiện cuộc hành trình đầy nguy hiểm này.
Con tàu gần đây nhất mang người Việt vượt biển vào đảo Christmas nước Úc vào một buổi sáng tháng trước, theo lời kể của những nhân chứng trên bờ biển. Số seri chứng minh của con tàu cho thấy đó là một con thuyền đánh cá đăng ký ở Kiên Giang, một tỉnh miền Nam Việt Nam cách đảo Christmas hơn 2.300 km (1.400 hải lý), gần Indonesia hơn lục địa châu Úc nhiều.
Nhiều người Việt Nam đến Úc đã bị biệt giam. Chính quyền Úc không đưa ra chi tiết cụ thể về tôn giáo và nguyên quán của họ ở Việt Nam, cả hai thông tin này có thể tiết lộ chút ít về lý do tại sao họ tìm nơi tỵ nạn.
Chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với  Trương Chí Liêm từ Trung tâm giam giữ người nhập cư Villawood ở ngoại ô thành phố Sydney, ông này không muốn tiết lộ chi tiết về trường hợp của mình nhưng ông nói : “Tôi thà chết ở đây còn hơn là bị cưỡng bức trở về Việt Nam”.
Người đàn ông 23 tuổi này rời khỏi Việt Nam cách đây 5 năm nhưng lại bị giam giữ ở Indonesia trong 18 tháng  khi đang trên đường đến Úc. Ông nói rằng, nhữngngười Việt chỉ đơn thuần chỉ  muốn tìm cách kiếm tiền không nên cố gắng thực hiện một chuyến vượt biển như thế, nhưng ông cũng nói, “Nếu một người sống một cuộc sống bần cùng, phải đối mặt với sự đàn áp, đe dọa bởi chính quyền thì họ nên đi.”
Một số người việt Nam đến Úc qua ngã Indonesia, đi theo cùng một  hải trình  giống như  cách mà làn sóng người tỵ nạn  từ Nam Á và Trung Đông đã bùng phát trong hơn một thập kỷ. Một số khác đi bằng thuyền từ Việt Nam trong một hành trình dài hơn và nguy hiểm hơn nhiều.
Trong các tuyên bố riêng lẻ, chính quyền Việt Nam và Úc nói rằng đại đa số hoặc tất cả những người đến Úc là những người di cư vì lý do kinh tế, điều này làm cho họ không đủ tư cách tỵ nạn. Vài nhà hoạt động và luật sư cộng đồng người Việt ở Úc đại diện cho những người tỵ nạn từ quốc gia Đông Nam Á này đã tranh cãi về việc phân loại người tỵ nạn như thế cũng như những vấn đề được đưa ra xung quanh tiến trình sàng lọc mà chính phủ Úc sử dụng.
Các luật sư và những nhà hoạt động đó cũng nêu lên quan ngại về điều gì sẽ xảy đến với những di dân này và nói rằng, trong khi Úc không muốn giữ họ ở lại, Việt Nam cũng không muốn nhận họ về.
Ông Đoàn Việt Trung – cựu chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Úc Châu (một nhóm di dân) nói: “Thái độ của Việt Nam là, ‘Những người đó sẽ không bao giờ là bạn của chúng tôi, vì thế tại sao chúng tôi lại phải nhận họ về’”.
Trong một tuyên bố, phía chính phủ  Việt Nam nói rằng họ “sẵn lòng hợp tác với các bên liên quan để giải quyết vấn đề này”.
Vấn đề người tỵ nạn  là một vấn đề nhạy cảm đối với Việt Nam bởi vì những chuyến vượt biển của họ làm hỏng kế sách tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam rằng mọi chuyện trong đất nước này đều tốt đẹp. Câu chuyện này cũng gợi lại cuộc di tản lớn sau chiến tranh Việt Nam.
Những người Việt tỵ nạn đã trốn chạy khỏi sự khủng bố của những người người cộng sản chiến thắng ngay sau khi kết thúc cuộc chiến tranh đã làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu. Tình cảnh tuyệt vọng của họ đã vang đến Hoa Kỳ và đồng minh, và ban đầu họ đã được cấp quy chế tỵ nạn ngay lập tức. Năm 1989, họ phải chứng minh được trường hợp của mình phù hợp với Công ước Geneve, và  vì thế con số trường hợp được nhận quy chế tỵ nạn nhanh chóng giảm xuống. Gần 900.000 người Việt Nam đã cố gắng chứng minh để Hoa Kỳ, Canada và Úc chấp nhận đa số họ bằng những chuyến vượt biển hoặc vượt biên.
Việt Nam vẫn là một Nhà nước độc đảng, bắt giữ và đưa ra những án tù dài hạn cho những người chỉ trích chính quyền,  bao gồm các blogger và các nhà hoạt dộng Công giáo. Human Rights Watch khẳng định rằng những vụ tra tấn trong tù là chuyện thường nhật.
Đa số các nhà hoạt động nhân quyền độc lập nói rằng các vụ đàn áp đã gia tăng trong hai năm trở lại đây.
Có rất ít thông tin về nhân thân của của những người vượt biển trong năm nay.
Bà Kaye Bernard, một người tranh đấu cho người tỵ nạn đã gặp một vài người từ Hà Nội đến được nước Úc , bà nói rằng, có ít nhất vài người trong số người vượt biển đến Úc thời gian gần đây là người Công giáo, những người này đã tham gia vào một cuộc biểu tình gần một nhà thờ ở thủ đô Hà Nội. Những người khác được cho rằng có liên quan đến những vụ tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương.
Ông Trịnh Hội, một luật sư người Úc gốc Việt đứng đầu một tổ chức giúp đỡ người tỵ nạn nói rằng, “Tôi nghĩ rằng quý vị không thể đánh giá vấn đề một cách chung chung được, rõ ràng là đã có sự gia tăng đàn áp ở Việt Nam. Các bản án với  hạn tù dài hơn. Có nhiều nỗi sợ hãi hơn”. “Nếu càng có nhiều người sợ hãi hơn, thì ngày càng có nhiều người chạy trốn”.
Petter Hansen, một luật sư và một chuyên gia về Việt Nam cố vấn cho một số vụ kháng cáo liên quan đến những trường hợp người Việt đến Úc gần đây, nói rằng một con số nhỏ các trường hợp mà ông biết thì không liên quan gì đến các trí thức, blogger hoặc những người bất đồng chính kiến bị chính quyền nhắm đến trong cuộc đàn áp hiện tại. Nhưng ông cảnh báo rằng chính sách hiện nay của người Úc về tính hợp pháp của những đơn xin tỵ nạn của người Việt không cân nhắc đúng mức về sự thực đàn áp nhằm vào các nhóm tôn giáo nhất định ở một số vùng riêng biệt tại Việt Nam.
 “Tôi không thể giải thích tại sao có sự gia tăng nghiêm trọng trong năm nay, nhưng bây giờ tôi có thể nói cho quý vị biết rằng tôi hoàn toàn chắc chắn có những trường hợp bị thúc bách trốn đến đây không vì lý do kinh tế”, ông nói.
Các quốc gia láng giềng như Campuchia vẫn tiếp tục tiếp nhận một số ít người tỵ nạn từ thập niên 1990. Nhiều ngàn người Việt Nam đã rời bỏ đất nước đi làm ăn ở các nước châu Á hoặc thậm chí hơn thế, còn ra đi một cách bất hợp pháp hoặc đi xuất khẩu lao động. Nhiều người không trở về Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng lao động.
Úc có vẻ như là điểm đến được ưa thích hơn cả, nhưng quốc gia này đang đối mặt với một con số kỷ lục người tỵ nạn trong năm nay. Dưới áp lực của người dân, chính phủ Úc đã gây khó khăn cho việc cấp quy chế tỵ nạn và thường giam giữ những di dân trên những hòn đảo biệt lập cách xa khỏi giới luật sư. Những người chỉ trích nói rằng Canberra đang tránh né trách nhiệm của mình theo các công ước về người tỵ nạn của Liên Hợp Quốc khi thực hiện những biện pháp cản trở này.
Cùng với công dân các quốc gia khác, người Việt bị giam giữ trên đất liền, trên đảo Christmas hoặc trên các đảo ở Thái Bình Dương như  Nauru và Manus. Các gia đình và trẻ con không có người giám hộ đang bị giam trong những trung tâm giam giữ kém an ninh hơn. Bốn người Việt Nam, gồm một người vị thành niên, đã trốn thoát khỏi một trung tâm như thế ở Darwin hồi đầu tuần này, theo nguồn tin có căn cứ cho hay.
Mong muốn của phía Úc trong việc tỏ thái độ cứng rắn với những trường hợp người Việt Nam đến Úc dường như vấp phải một vấn đề khó khăn: Chính quyền Hà Nội tỏ ra không quan tâm gì đến việc nhận lại người tỵ nạn, theo các nhà hoạt động và luật sư cho biết.
Úc không thể đơn thuần đưa những di dân này lên máy bay về Hà Nội ngay được. Họ cần phải có giấy tờ đi lại được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, các cơ quan này trước hết phải xác nhận các thông tin cá nhân của họ.
Trong 101 người Việt đến Úc trong năm 2011, cho đến nay chỉ có 6 người đã trở về Việt Nam. Rất ít người, nếu có, nhận được quy chế tỵ nạn, các luật sư và các nhà hoạt động cho biết.
Nguồn: Time
-------------

-Cộng sản Việt Nam – Chuyên gia buôn người ngoại hạng 


AmericanThinker
Bản dịch của Lê Thiên Hà(Defend theDefenders)
Tác giả: Michael Benge4.5.2013
Theo cuộc điều trần mới đây trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Việt Nam hiện là chủ nhân đáng tự hào của danh hiệu nức tiếng “Chính thể vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất Đông Nam Á”. Các công ty xuất khẩu lao động của nhà nước là những “đại gia” cung cấp đàn ông, phụ nữ và trẻ em cho các thị trường chuyên về lao động cưỡng bức và buôn bán tình dục, trong khi các quan chức chính phủ thì được lại quả.
Những con số thống kê về tình trạng buôn người ở Việt Nam khác biệt nhau rất nhiều, trong khi thông tin chuẩn xác về quốc gia cộng sản này thì thật khó mà tìm. Bộ Công an Việt Nam đưa ra con số chính thức 2.935 người Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn người từ năm 2004 đến 2009. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế lại báo cáo một con số lớn hơn thế rất nhiều: hơn 400.000 nạn nhân kể từ năm 1990. Thậm chí con số này cũng chỉ là tập hợp của những người được báo là nạn nhân mà bỏ qua hàng chục ngàn vụ lạm dụng khác chưa được nhắc tới, vốn diễn ra thầm lặng, đặc biệt là trong lực lượng lao động.
Xuất khẩu lao động không phải là điều gì đó mới mẻ với Việt Nam. Sau khi những người cộng sản tiếp quản Miền Nam năm 1975, hàng trăm ngàn lao động đã được gửi tới Liên Xô và các quốc gia khối Đông Âu như một hình thức thanh toán món nợ chiến tranh. Nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp, nợ nần và bị bỏ rơi. Việt Nam nhanh chóng tiến từ chỗ cung cấp lao động cưỡng bức sang buôn bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ tình dục.
Nô lệ tình dục với sự bảo trợ của nhà nước
Việt Nam là một nhà cung cấp hàng đầu cho hoạt động bóc lột tình dục thương mại, cũng như lao động cưỡng bức – một số người khởi đầu là lao động cuối cùng cũng lâm vào cảnh nô lệ tình dục. Các cuộc hôn nhân gian dối hay bơm thổi là một phương pháp mà qua đó phụ nữ Việt Nam bị bóc lột. Sự mê hoặc của cuộc hôn phối với một người đàn ông ở một đất nước khá giả, cộng với khoản thanh toán hứa hẹn lên tới 5.000USD (gấp mười lần mức lương bình quân hàng năm ở Việt Nam), thường là một sự cám dỗ quá lớn đối với những người phụ nữ nông thôn cùng gia đình nghèo đói của họ. Phụ nữ và trẻ em được chuyển tới Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thailand, Malaysia, Đài Loan, Ma Cao, Trung Đông và Châu Âu. Đến lượt, trẻ em Campuchia lại được buôn bán sang các trung tâm đô thị ở Việt Nam. Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến của du lịch tình dục trẻ em, với những kẻ vi phạm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Anh, Australia, Châu Âu và Mỹ. Phụ nữ cũng được chuyên chở bằng tàu sang các quốc gia khác để sắm vai đẻ mướn. Một số bị ép buộc sinh con cho những gia đình không thể sinh, trong khi số khác lại bị bán con cho người nước ngoài làm con nuôi, chủ yếu ở các quốc gia phương Tây.
Nước Nga: một dẫn chứng thích đáng
Mới đây, cô Danh Hui đã đứng ra làm chứng về một băng nhóm chuyên buôn bán tình dục và cưỡng đoạt đã dụ dỗ những phụ nữ trẻ của Việt Nam sang Nga với lời hứa hẹn về công việc thu nhập cao (theo chuẩn mực Việt Nam) là làm phục vụ. Thay vì thế, họ bị bán vào các nhà thổ ở Moscow. Hoạt động này được vận hành bởi các công ty môi giới lao động do nhà nước bảo trợ, những tổ chức vẫn lại quả cho các quan chức Việt Nam. Hộ chiếu của những phụ nữ trẻ này bị tịch thu; họ chỉ nhận được một khoản thù lao ít ỏi, không được chăm sóc y tế và không có cách nào để quay về nhà. Một số phụ nữ bị giam ở Nga hơn bốn năm, và bị đánh đập dã man nếu họ tìm cách trốn khỏi nhà thổ. Mặc dù bị giam giữ trái với nguyện vọng song họ vẫn phải trả tiền thuê nhà và bị tính tiền thức ăn và quần áo.
Em gái của Danh, Bé Hương, là một trong những nô lệ tình dục. Sau vài tháng, gia đình đói khổ của cô nhận được một cuộc gọi yêu cầu trả tiền chi phí y tế. Họ cóp nhặt được 300USD và gửi cho cô. Vài tuần sau cô gọi lại và nói rằng công ty môi giới việc làm ở Việt Nam đã đồng ý cho cô quay về nhà song cô cần 2.000USD để mua vé máy bay. Khoản tiền nhanh chóng được nâng lên 4.000USD rồi 6.000USD; rõ ràng đây là một vụ cưỡng đoạt.
Tháng Hai năm nay, 13 tháng sau khi bị bắt làm nô lệ, Bé Hương trốn thoát khỏi nhà thổ cùng với ba nạn nhân khác. Cô vẫn kịp gọi điện cho ông Nguyễn Đông Triều, Tham tán Công sứ của ĐSQ Việt Nam tại Moscow và cầu xin sự giúp đỡ. Ông ta nói với cô mại dâm là bất hợp pháp ở Nga và bảo, “Ai đưa cô đến đây thì hãy yêu cầu họ đưa cô về nhà.” Hai ngày sau,  Bé Hương cùng ba nạn nhân khác bị bảo vệ nhà thổ bắt trở lại, cả bốn cô bị đánh đập dã man. Về sau Bé Hương được biết bà chủ nhà thổ ở Moscow kia là bạn tốt của ngài Tham tán Công sứ, người đã phản bội các cô gái.
Khi cô Danh Hui biết được tình cảnh của em gái, cô liên hệ với hai tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, Boat People SOS (Cứu trợ Thuyền nhân) và Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia (Liên minh nhằm Xoá bỏ Nô lệ Hiện đại tại Châu Á), tổ chức đã giúp cô liên lạc với Hạ nghị sỹ Al Green và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nhờ nỗ lực của họ và với sự hỗ trợ từ giới truyền thông, Bé Hương được đưa về Việt Nam, nhưng không phải là không mất chi phí. Đầu tiên, cô bị bà chủ nhà thổ – Thuý An – bắt gọi điện cho bố mẹ và đề nghị họ rút đơn khiếu nại công ty môi giới việc làm mà họ gửi cho công an Việt Nam. Cô Danh Hui còn phải gửi một lá thư xin lỗi cho bà chủ chứa vì đã vu khống bà ta buôn bán nô lệ tình dục. Cuối cùng, cô cũng bị ép buộc phải viết một lá thư gửi các quan chức Việt Nam ở Moscow để cám ơn họ vì đã giúp đỡ Bé Hương hồi hương. Chỉ khi đó Bé Hương mới được rời khỏi nhà thổ.
Cuối cùng, Bé Hương được phép đến Đại sứ quán Việt Nam; ở đây cô được một nhân viên tên là Kiên cho biết việc cô được thả là có điều kiện. Cô phải viết một bức thư khẳng định những gì cô từng nói với người thân về bà Thuý An là không chính xác, và một bức thư khác cám ơn các quan chức ĐSQ cùng bà Thuý An vì đã giúp cô hồi hương.
Dĩ nhiên, ĐSQ Việt Nam chẳng làm gì cả, bà Thuý An cũng vậy, vì chỉ nhờ áp lực ngoại giao và truyền thông mà Bé Hương mới được về nhà. Bằng cách gây áp lực liên tục, sáu nạn nhân khác cuối cùng cũng được phóng thích và trở về Việt Nam. Tám người khác vẫn bị bà Thuý An bắt làm nô lệ, với sự trợ giúp của ĐSQ Việt Nam tại Moscow.
Buôn bán lao động
Việt Nam khởi sự hoạt động buôn bán lao động bằng cách học hỏi sách lược của viên thống chế cộng sản Tito, người coi việc tiến hành xuất khẩu lực lượng lao động dư thừa như một cái van an toàn để giảm bớt sự chống đối trong giới trẻ Nam Tư. Tito là một nhà độc tài cực đoan và tàn nhẫn (mặc dù khá nổi tiếng ở phương Tây), người làm “tổng thống suốt đời” cho đến khi qua đời năm 1980.
Cộng sản Việt Nam hiện xuất khẩu một phần lớn lực lượng lao động hòng dập tắt tình trạng bất ổn đang âm ỉ trong nước cũng như để tăng thêm thu nhập; năm 2007, người Việt làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2 tỷ USD. Việt Nam có một lực lượng lao động trên 51,4 triệu công nhân, và 70% dân số ở độ tuổi dưới 30. Bất chấp nạn buôn người, 12% – 10 triệu – trong số lao động còn lại của Việt Nam vẫn thất nghiệp, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu gửi 500.000 công nhân ra nước ngoài trong năm 2005, và con số này vẫn tăng lên qua từng năm kể từ đó. Năm 2008, Việt Nam đạt được thoả thuận với Qatar trong việc nâng số lượng công nhân gửi đến Trung Đông từ 10.000 người lên gấp mười lần con số ấy vào cuối năm 2010.
Nghệ thuật buôn bán
Nhiều công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam nằm trong những tập đoàn buôn bán phức tạp và các băng nhóm bảo kê; các quan chức chính phủ và các ngân hàng thường xuyên dính líu vào. Những người nộp đơn bị đánh lừa thông qua hợp đồng, “hợp đồng nội”, vốn mô tả loại công việc, điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao; tuy nhiên, họ có thể phải trả đến 10.000USD chỉ để được nộp đơn. Những người nộp đơn thường được khuyến khích vay tiền, chẳng hạn như từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, để trả phí, và sử dụng tài sản của cha mẹ làm thế chấp. Nếu khoản vay vẫn chưa đủ, bố mẹ họ phải cầm cố hoặc bán các tài sản còn lại của mình.
Sau khi nộp phí đăng ký phi bồi hoàn, các công nhân thường được trao hợp đồng thực sự để ký chỉ một vài ngày trước khi đi. Hợp đồng này thường quy định những điều khoản khác với bản hợp đồng gốc, sử dụng những thuật ngữ pháp lý mà họ không thể hiểu. Một khi đặt chân đến điểm đến cuối cùng (vốn có thể khác với đất nước mà họ đăng ký ban đầu), hộ chiếu và giấy tờ của công nhân bị tịch thu và họ bị ép phải ký một hợp đồng khác, “hợp đồng ngoại”, bằng một thứ ngoại ngữ mà họ không hề hiểu chút gì. Thế rồi họ nhận ra mình phải làm việc nhiều giờ hơn, điều kiện làm việc không đáp ứng tiêu chuẩn, mức lương thì ít hơn nhiều so với hứa hẹn, sự chăm sóc y tế hầu như không có. Nhiều khi người công nhân không được thanh toán đầy đủ và bị giữ trong tình trạng lệ thuộc vì nợ, trong khi bị ép buộc hàng tháng phải thanh toán một khoản bắt buộc cho công ty xuất khẩu lao động. Kết quả là người công nhân không thể trả hết khoản vay, không có tiền để về nhà, còn gia đình họ thì mất đất đai hoặc các tài sản khác.
Các ĐSQ Việt Nam ở nước ngoài hầu như không giúp đỡ gì cho những người bị bóc lột này. Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã ban hành luật chống buôn bán người và thỉnh thoảng cũng truy tố một vài vụ, song đó chỉ là màn trình diễn. Đó là chiêu bài hòng đánh lừa Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia tài trợ cả tin khác để họ tin rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giải quyết vấn đề. Trong khi đó, hoạt động buôn bán lao động và tình dục vẫn tiếp diễn với sự nhấm nháy của các quan chức nhận hối lộ. Tiện thể, quý vị có biết rằng ở Việt Nam đưa tin về tham nhũng là trái pháp luật?
Và cuộc chơi vẫn cứ tiếp diễn…
Source: American Thinker

Cộng sản Việt Nam – Chuyên gia buôn người ngoại hạng 

Tổng số lượt xem trang