-Những tiếng nói thất lạc trong lịch sử Việt Nam
Le Minh Khai – Người dịch: Hoa Quốc Văn
… để hiểu xã hội Việt Nam ở thế kỷ XX, chúng ta cần lắng nghe những tiếng nói của những người đã phát ngôn qua các phương tiện như tờ Thanh Nghệ Tịnh tân văn.
Học giả trong thế giới nói tiếng Anh thực sự không bắt tay vào nghiên cứu và viết về lịch sử Việt Nam cho đến những năm 1960s-1970s. Lúc bấy giờ, Việt Nam độc lập không còn bị thực dân Pháp kiểm soát, vì vậy có thể hiểu được các học giả muốn tìm hiểu việc đó diễn ra như thế nào.
Chúng ta có thể thấy điều này trong một công trình thuộc loại sớm của một tác giả như David Marr với Phong trào chống thực dân của người Việt Nam, 1885 -1925 và Truyền thống được thử thách, 1920-1925 trong đó dẫn tài liệu về các nhân vật và sự kiện góp phần vào những hoàn cảnh rốt cuộc cho phép Việt Nam trở nên độc lập (mặc dù cuốn sách sau của ông Việt Nam năm 1945, đưa ra một bức tranh phức tạp hơn).
Trong khi tất cả những công trình này, và những công trình của nhiều học giả khác về cùng giai đoạn này, có giá trị vô cùng, thì chúng đều có khuynh hướng bỏ qua một tiếng nói quan trọng – tiếng nói của “giới quan lại” người Việt.
Tôi nhớ nhiều năm trước đã xem những “truyện tranh chính trị” trên các tạp chí như Phong Hoá vào những năm 1930s châm biếm các quan lại triều Nguyễn, và tôi ngạc nhiên khi thấy điều này, bởi nó cho tôi thấy rằng: 1) Các quan lại triều Nguyễn vẫn còn quan trọng vào thời điểm ấy và 2) tôi chẳng biết gì về điều này, vì chúng không được thảo luận chi tiết trong các công trình viết về các nhân vật như của Marr và bất kỳ ai đã từng viết về lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.
Vì vậy nếu các biên tập viên của tờ Phong Hoá không thích các quan lại triều Nguyễn, thì tại sao lại như vậy? Việc các quan lại triều Nguyễn làm gì/nói gì lúc bấy giờ là như thế nào? Tôi chẳng biết gì hết.
Tuy nhiên, gần đây, tôi có đọc qua một tờ báo có tên Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn bắt đầu phát hành năm 1930. Tờ báo này rõ ràng phản ánh quan điểm của các quan lại triều Nguyễn làm việc dưới sự “bảo hộ” của Pháp.
Trong tờ báo này, tôi tìm thấy một tư liệu dài từ một quan chức triều Nguyễn với những lời bình luận sau đây:
“Nước Đại Pháp gần đây đã đưa ra nhiều tri thức có chất lượng cho đất Nam ta [Nam Thổ]. Mọi người đều rõ rằng điều này sẽ khiến những người trẻ tuổi đang theo đuổi Tân học có được một quan điểm đúng đắn về chủ nghĩa yêu nước, và họ thực tâm tìm kiếm sự dẫn đường của nước Pháp khiến cho người dân trong nước có thể bước lên con đường văn minh và tiến bộ.Các quốc gia vĩ đại có các tác giả vĩ đại, các chính trị gia vĩ đại, các nhà nghiên cứu vĩ đại [cách trí gia 格致家, tôi nghĩ thuật ngữ này muốn chỉ “các nhà khoa học” - LMK], và các nhà quân sự nổi tiếng thế giới. Nếu nước Đại Nam có thể tiếp bước nước Đại Pháp thì sẽ không tổn hại gì đến thanh danh của nó.”
Tờ Thanh Nghệ Tịnh tân văn được phát hành bằng cả tiếng Việt lẫn chữ Hán. Tư liệu trên đây được viết bằng chữ Hán trước, sau đó được dịch sang tiếng Việt.
Điều được cho thấy ở đây là đến tận năm 1930, vẫn có các quan chức triều Nguyễn cảm thấy thoải mái khi viết chữ Hán hơn là viết bằng tiếng Việt.
Nó cũng cho thấy rằng có những tiếng nói trong quá khứ Việt Nam mà các sử gia không xem xét và thảo luận.
Lịch sử Việt Nam hiện đại không hoàn toàn là “sự phản kháng”. Có nhiều người Việt đã “cộng tác”, và sau 1945, những người Việt đó có lẽ có một ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Việt Nam hơn là những người phản kháng (và bị bắt giữ).
Vì vậy để hiểu xã hội Việt Nam ở thế kỷ XX, chúng ta cần lắng nghe những tiếng nói của những người đã phát ngôn qua các phương tiện như tờ Thanh Nghệ Tịnh tân văn.
Đó là những tiếng nói mà các học giả (cả trong lẫn ngoài Việt Nam) chưa nghe thấy.
Nguồn: English: Missing Voices in Vietnamese History. Le Minh Khai’s SEAsian History Blog. 26nov13.
Tiếng việt: Những tiếng nói bị lãng quên trong lịch sử Việt Nam. By Le Minh Khai. Người dịch: Hoa Quốc Văn. 26Nov13.
Tiếng việt: Những tiếng nói bị lãng quên trong lịch sử Việt Nam. By Le Minh Khai. Người dịch: Hoa Quốc Văn. 26Nov13.