Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH - TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG TRUYỀN KỲ VỌNG PHU

-
2107 -  ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH - TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG
TRUYỀN KỲ VỌNG PHU

                         *7. Về Phong Trào Đồng Tính.


1. DẪN NHẬP
Truyền kỳ VỌNG PHU giới thiệu người chồng ra đi vì việc nước, trong khi người vợ bồng con chờ chồng tới hóa thành núi đá.
Chuyện hai mẹ con ngày ngày chờ chồng chờ cha đến hóa thành đá đã tôn vinh tính cách thiết yếu và trường cửu của gia đình. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò và địa vị của người Phụ Nữ trong xã hội, tô đậm tình yêu và niềm tự hào của thiên chức làm Mẹ.
Hai mẹ con vươn thành núi cao là hình ảnh tuyệt vời của địa vị Gia đình trong đời sống xã hội.
Có xã hội nào quý mến những người vợ sống âm thầm từng ngày lo cho chồng cho con, bằng cách tôn vinh nàng thành những ngọn núi cao, góp phần phát triển đất nước ?
Truyền kỳ Vọng Phu, không những đã xóa bỏ sự phân cách giả tạo, mà còn đưa phương thức thể hiện trọn vẹn các chức năng nam nữ, trong đời sống gia đình cũng như trong xã hội, giúp tạo nên một nếp sống hạnh phúc cho mọi người.
Truyền kỳ Vọng Phu vinh danh Tình Nghĩa Vợ Chồng và Đời Sống Gia Đình của Văn hóa Việt.
*     *     *     *
2. TRUYỀN KỲ VỌNG PHU
Ngày xưa, có hai vợ chồng, vừa sinh một đứa con, thì người chồng phải ra đi vì việc nước. Người vợ ở lại nuôi con và chăm sóc việc nhà.
Chiều chiều nàng bồng con đứng ngóng chồng, rồi hóa thành núi đá sừng sững ngàn năm.
Ngày nay, nhiều đồi núi được gọi là Hòn Vọng Phu.
*     *     *     *
DIỄN TRUYỆN
3. TÍNH CÁCH PHỔ CẬP
3.1 Địa Danh và Sự Tích.
Trên quê hương ta, nhiều núi đá được gọi là Hòn Vọng Phu, Núi Chờ Chồng. Từ Đồng Đăng ở Lạng Sơn, xuống tới Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, vào tới mãi Hà Tiên, và ra tận Côn Sơn, nơi nào cũng có Hòn Vọng Phu. Trên khắp đất nước và trong suốt dòng lịch sử, không có một sự tích nào lại được đem đặt tên cho nhiều danh sơn thắng cảnh như thế.
Sự tích Vọng Phu cũng nhiều, với nhiều lai lịch và chi tiết đôi khi đến vô lý, vô luân. Nhưng điểm cốt yếu của mọi tích vẫn là người vợ chung tình bồng con chờ chồng từng ngày tới hóa thành đá.
*     *
3.2 Tầm Quan Trọng.
Sự phổ biến sâu rộng của chuyện tích, và nhất là việc trở thành địa danh cho nhiều đồi núi trên toàn đất nước, chứng tỏ Truyền kỳ Vọng Phu đã chiếm một địa vị quan trọng trong tâm hồn và nếp sống dân Việt.
Ngoài ra, cũng như Người Em ở Truyền kỳ Trầu Cau, nàng Vọng Phu cũng hóa thành đá. Chuyện người hóa đá, nhất là hóa thành ngọn núi cao, là dấu chỉ của biểu tượng những bài học quý báu của Tổ Tiên.
*     *     *     *
4. GIỚI THIỆU GIA ĐÌNH
4.1 Chủ Đích của Truyền kỳ Vọng Phu.
Nhìn chung trong Bộ Truyền Kỳ, điểm đặc biệt của Truyền kỳ Vọng Phu là sự hiện diện củamột đứa con. Trừ Truyền kỳ nền tảng Tiên Rồng, không có Truyền kỳ nào khác đề cập tới con cái.
Như vậy, chủ đích của Truyền kỳ nầy không chỉ để nói về tình yêu nam nữ như Truyền kỳTrương Chi, cũng không nói riêng về tình vợ chồng như Truyền kỳ Trầu Cau, mà cũng không dạy về cách hai vợ chồng chung sống như Truyền kỳ Chử Đồng.
Sự có mặt của đứa con nói lên tính cách trọn vẹn của một gia đình đúng nghĩa, khác hẳn cảnh hai vợ chồng son.
*     *
4.2 Tình Yêu Thể Hiện.
Đứa con vừa là hình ảnh hạnh phúc gia đình, vừa là biểu hiệu của vinh dự và trách nhiệm, vật chất lẫn tinh thần, của những người được diễm phúc sinh dựng thêm một Con Người.*1
Với đứa con, tình yêu phối hiệp của hai vợ chồng được sống thực và kết quả. Nơi đứa con, hai cuộc sống, hai tâm hồn, hai con người, đã hòa hiệp thành một sự sống tự tại mới. Đứa con là tình yêu thể hiện của đôi vợ chồng, là thực tại của Tiên Rồng Song Hiệp.*2
Vì vậy, chẳng những đứa con đã không ngăn trở, mà còn tăng thêm sự kết hiệp của đôi vợ chồng, trong tình yêu cũng như trong cuộc sống.
*     *
4.3 Chung Nhau Cuộc Sống.
Qua hình ảnh đứa con, Truyền kỳ Vọng Phu giới thiệu một gia đình trọn vẹn, với đầy đủ hạnh phúc và bổn phận, của hai con người đã hiệp nhất, đã chung nhau cuộc sống. [Cần phân biệt cuộc sống và con người. Mỗi người có thể có những riêng tư. Nhưng cuộc sống chung cần trọn vẹn].*3
Không những họ được làm Người, mà còn được làm vợ làm chồng, và làm mẹ làm cha.
*     *     *     *
5. CHỨC NĂNG NAM NỮ
5.1 Lý Do Ra Đi.
Hai vợ chồng vui sướng bên đứa con thơ, cuộc sống thực tuyệt vời. Nhưng hạnh phúc của gia đình đầm ấm đã không làm hai người quên những bổn phận khác.
Đã quen với nếp sống nâng đỡ đùm bọc nhau của đại gia đình và của làng thôn, họ nhận biết rằng sở dĩ họ được yên vui là nhờ nhiều người khác đang tham gia vào việc chung. Cũng vì vậy, họ luôn sẵn sàng đóng góp phần của họ. Và rồi, khi tới dịp, người chồng đã ra đi làm bổn phận.
*     *
5.2 Việc Nước, Việc Chung.
a. Rồng Ra Biển.
Nhìn chung trong Bộ Truyền Kỳ, việc người chồng ra đi nhắc nhớ chuyện Cha RồngChử Đồng và An Tiêm ra biển. Rồng thì ra biển vẫy vùng, đi lo việc nước. Chử Đồng đi đem tài trí phát triển nước, An Tiêm đi lập làng mới.
Với Truyền kỳ An Tiêm, với thể chế Làng Nước và với nếp sống ngàn năm của xã hội Việt, người chồng ra đi vì việc nước chính là đại diện cho Làng để chu toàn bổn phận của người dân trong Nước. [Thời trước, dầu là bắt lính, vua quan cũng chỉ định cho làng số lính muốn có. Còn ai sẽ đi lính, thì do làng tùy hoàn cảnh mà quyết định].*4
b. Đóng góp tài sức.
Ở các văn hóa khác, việc làng nước, việc chung thường được coi là công tác phục vụ cho giới thống trị.
Trái lại, trong Văn hóa Việt, với chủ trương chính đáng về bổn phận vua quan và với thể chế làng nước, việc chung được quan niệm và thực sự là việc giúp ích cho mọi người.
Khi vua quan cư xử như cha mẹ, đem hết tâm hồn và tài trí chăm lo cho người dân được ấm no hạnh phúc, (Truyền kỳ Chử ĐồngTiết Liêu), và khi người dân được thực sự sống trong tự do và dân chủ đúng nghĩa, (Truyền kỳ An Tiêm), thì đóng góp vào việc chung chính là một đồng tâm hiệp lực, một tương trợ cần thiết, để bảo đảm nếp sống hạnh phúc chung.
Đi làm việc chung chính là đem tài sức giúp ích cho đời.
c. Dấn thân đáng phục.
Tuy nhiên, việc chung nhiều khi lại vượt quá nếp sống thường ngày và ít có kết quả lợi lộc ngay trước mắt. Vào thời loạn, gánh vác việc chung còn kèm theo cả nguy hiểm tính mạng. Do đó, việc chung thường đòi hỏi tầm nhìn xa rộng, và cũng thường làm nhiều người ái ngại.
Vì vậy, việc cưỡng bách, dưới một số hình thức, cũng là chuyện thường tình. Và cũng vì vậy,dấn thân làm việc chung luôn được mọi người coi là một hành động đáng khâm phục.
*     *
5.3 Việc Nhà.
a. Người Vợ ở Nhà.
Vì các Truyền kỳ khác đã nói nhiều về kẻ ra đi, nên Truyền kỳ Vọng Phu chú trọng đến người vợ hiền đang ở lại nhà.
Tâm trạng và công việc của người ở nhà cũng không phải nhẹ nhàng. Chồng đã ra đi, người vợ phải tự lo liệu cho cuộc sống của chính nàng.
Trước kia, khi chồng ở nhà, có nhiều việc nàng không cần động tay, không cần nghĩ tới. Giờ đây, một mình nàng phải cán đán tất cả. Trước kia thì chồng cày vợ cấy, bây giờ để em cày cấymặc lòng em đây. Công việc không những nặng nhọc hơn, mà còn cô quạnh buồn tẻ hơn nhiều.
b. Công việc Nhà.
Nỗi cô đơn đó còn tăng thêm gấp bội, khi nàng phải một mình nuôi con. Không những phải lo ăn mặc thuốc men, mà còn phải dạy dỗ cho con nên người. Trước kia nàng chỉ là bà mẹ hiền, giờ đây nàng phải gánh luôn vai trò của người cha nghiêm... Công việc, trách nhiệm và nỗi cô đơn vây bọc người ở nhà.
Ngoài ra, nàng còn phải chăm sóc việc nhà, phải thay chồng lãnh trách nhiệm đối với cha mẹ già, đối với đại gia đình. Dĩ nhiên, nàng cũng được họ hàng thân thích vui tay đỡ đần. Nhưng không phải vì vậy mà nàng có thể quên phần vụ của mình trong đại gia đình. Lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.
*     *
5.4 Chia Nhau Công Tác.
Ở thời suy thoái, quan niệm gái việc nhà trai việc nước đã bị cực hóa đến độ phụ nữ bị nhốt trong bốn vách tường. Trong khi đó, đàn ông lộng hành, coi mình vượt xa trên nữ giới.
Tuy nhiên, quan niệm và nếp sống bình dân Việt, biểu lộ qua ca dao tục ngữ, luôn luôn thể hiện tinh thần Truyền kỳ Vọng Phu.
    - Anh ơi phải lính thì đi,
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em.
    - Anh ơi giữ lấy việc chung,
Để em cày cấy mặc lòng em đây.
- Mau lên anh, em xin lãnh việc nhà,
  Nợ non nước ta chung vai gánh vác.
Người vợ Việt luôn ý thức rõ ràng bổn phận của mỗi người, của chồng cũng như của chính nàng, đối với việc chung.
Nhưng nàng cũng ý thức rằng trong thực tế, chàng có nhiều điều kiện hơn nàng để lo việc chung. Cũng vậy, nàng có nhiều thuận lợi để lo việc nhà hơn chàng. Do đó, thay vì mỗi người phải tự mình làm tròn nhiệm vụ vừa đối với nhà vừa đối với nước, người phụ nữ Việt đã mạnh dạn thúc dục chồng ra đi lo việc nước, gánh thêm phận vụ việc chung của nàng, trong khi nàng khẳng khái đứng ra lãnh phần chu toàn việc nhà thay cho chàng.
Mỗi người tùy theo cấu trúc và điều kiện thuận hợp riêng, mà chu toàn công tác ứng hợp với khả năng mình.
Chính nhờ chia nhau công tác, nhờ phân công theo chức năng, mà cuộc sống bớt khó khăn, bớt nặng nhọc, và thêm vui tươi, thêm hạnh phúc, thêm trọn vẹn.*5
*     *
5.5 Bổ Túc Hỗ Tương.
Như vậy, Truyền kỳ Vọng Phu xóa bỏ sự phân cách giữa những đặc tính nam và nữ.
Vì không thấy Con Người trong phối hiệp vợ chồng, mà chỉ thấy từng cá nhân đơn độc, nên những dị biệt nam nữ đã trở thành dấu hiệu chia cách, hơn là sự mời gọi hiệp nhất.
Sự phân cách đó đã đưa tới những hậu quả tai hại như trọng nam khinh nữ, coi việc chung là đặc quyền của nam nhi, coi phụ nữ chỉ xứng đáng quay mặt vào bếp, nuôi con thờ chồng.
Trái lại, Truyền kỳ Vọng Phu nhấn mạnh tới sự hiệp nhất bổ túc hỗ tương giữa nam và nữ. Chàng đi lo việc nước, không phải chỉ vì đó là bổn phận của người trai, mà còn vì chàng được nàng ủy thác. Cũng vậy, chàng ra đi không phải để trốn tránh việc nhà, mà vì đã có nàng gánh vác thay chàng.
 Trong chàng có nàng và trong nàng có chàng. Mỗi người đều ủy thác và nhận ủy thác. Họphân công trong toàn bộ, trong liên nhiệm của hai người đã hiệp nhất thành MỘT ĐƠN VỊ XÃ HỘI.
[Đọc thêm về Phong trào Giải phóng Phụ nữ, ở cuối bài]*6
*     *     *     *
6. ĐẶC TÍNH GIA ĐÌNH
6.1 Thương Nhớ Không Nguôi.
Chàng đã lên đường. Với hệ thống giao thông và liên lạc thô sơ thời xưa, ra đi là biệt tăm. Vì vậy, nàng chờ chồng từng ngày. Chiều chiều, khi công việc nhà đã tạm yên, nàng bồng con đứng ngóng, mong được thấy bóng chồng thấp thoáng ở cuối chân trời.
Có hình ảnh nào cảm động bằng cảnh người vợ hiền bồng con đứng ngóng chồng trong lúc chiều tà. Hình ảnh đó bộc lộ trọn niềm nhớ thương và chung thủy của nàng. Bồng con, qua đứa con, nàng đang ôm ấp mối tình dào dạt của hai vợ chồng.
Bóng hai mẹ con kéo dài trên mặt đất càng tô đậm nỗi cô đơn lạnh lẽo của nàng trong lúc đêm về.
Nàng chờ, chờ từng ngày, từng đêm. Sự thiếu vắng của chàng trong cuộc sống hằng ngày, trong những sinh hoạt cần có chàng, lại càng làm nàng thương nhớ nhiều hơn. Tuy vắng mặt, nhưng chàng vẫn luôn hiện diện trong tâm tưởng, trong cuộc sống của nàng.
*     *
6.2 Có Nhau Từng Ngày.
Sự thương nhớ nầy không những nói lên tình yêu thương chung thủy, mà còn bộc lộ một đặc tính thiết yếu của Tình Vợ Chồng.
Tình vợ chồng không những kết hiệp hai thể xác và hai tâm hồn, mà còn phải luôn được thể hiện trong cuộc sống từng ngày. Tình yêu chỉ thực sự bền vững khi con người Có Nhau Từng Ngày, chấp nhận nhau từng ngày và chia sẻ với nhau cuộc sống từng ngày của nhau.
Chỉ khi nào hai người có nhau từng ngày, tin tưởng vào quyết tâm thể hiện thực sự tình yêu cho nhau, bất chấp thời gian, bất chấp hoàn cảnh, thì khi đó tình yêu mới trọn vẹn, đời sống vợ chồng mới thực sự hạnh phúc, tràn đầy, và tăng triển.
[Xã hội ngày nay, nhất là phương Tây, đã coi thường nguyên tắc sống nầy, nên không những gia đình bấp bênh, xã hội rối loạn, mà chính cuộc sống của mỗi cá nhân cũng thiếu vắng hạnh phúc đích thực].
*     *
6.3 Gia Đình Thiết Yếu.
Hơn nữa, việc nàng nhớ chàng từng ngày lại nhấn mạnh tới sự thiếu vắng khi người chồng đã ra đi. Hai mẹ con không thể yên tâm vui sống khi vắng chồng vắng cha. Sự thiếu vắng nầy chẳng những không suy giảm mà còn gia tăng với thời gian.
Nàng thiếu chàng, nàng chờ chàng. Nhưng không chỉ chờ vì thương nhớ, mà còn chờ chàng sớm làm xong phận vụ của chàng. Trong khi thay chồng làm trọn việc nhà, nàng tin chắc chàng cũng đang chu toàn phần việc chung của cả hai người. Hình bóng chàng về, không chỉ là hình bóng của người chồng thân yêu, mà còn đậm nét hiên ngang của một chàng trai Việt trở về, sau khi chu toàn bổn phận của mình, và của gia đình, đối với làng nước.
Đây là tuyệt đỉnh tôn vinh tính cách thiết yếu của Gia Đình. Chỉ khi nào là thành phần của một gia đình, với hai cuộc sống vợ chồng hiệp nhất, thì Con Người mới thực sự sống trọn vẹn cuộc sống của mình.
GIA ĐÌNH LÀ NỀN TẢNG CUỘC SỐNG CON NGƯỜI.
[Đọc thêm về Phong trào Đồng Tính, ở cuối bài]*7
*     *     *     *
7. THIÊN CHỨC GIA ĐÌNH
7.1 Thiên Chức Làm Mẹ Làm Cha.
a. Nàng bồng con chờ chồng đến nỗi cả hai mẹ con đều hóa thành đá, sừng sững ngàn năm. Nếu là thực tế, thì sau độ mươi năm, đứa con đã khôn lớn. Nhưng trong Truyền kỳ Vọng Phu, mẹ vẫn bồng con dẫu đã ngàn năm.
Đây chính là hình ảnh tô đậm tình yêu và niềm tự hào của thiên chức Làm Mẹ.
Cho đến ngàn năm, nàng vẫn hãnh diện và nâng niu cái diễm phúc cảm nhận mình đang bảo bọc, nuôi dưỡng và dạy dỗ con thơ ngay trong chính thân mình, trên cánh tay mình.
Sự yêu thương đùm bọc của Tình Mẹ, trong Truyền kỳ và trên thực tế, không chỉ hiện hữu khi đứa con còn bé bỏng, mà lại gia tăng theo thời gian và kéo dài không bao giờ dứt, tới ngàn năm.
b. Đối với người Cha, dầu đã ngàn năm, đứa con vẫn bé bỏng trên tay Mẹ, để chờ Cha. Cho tới ngàn năm, con vẫn luôn nhỏ dại trước mặt Cha, luôn vẫn cần Cha.
Người cha có vì việc chung mà ra đi, niềm hãnh diện và trách nhiệm của Thiên chức Làm Cha vẫn luôn hiện hữu, hiện diện.
*     *
7.2 Thiên chức Làm Vợ Làm Chồng.
Chờ chồng, Nàng Vọng Phu đã hóa đá. Cho tới ngàn năm, Nàng vẫn chờ chồng, Nàng vẫn cần có Chàng. Không có chàng, nàng không sống trọn kiếp người.
Đối với Văn hóa Việt, khi đã kết chung Cuộc sống, đôi Vợ Chồng kết chung trọn cuộc đời. Làm Vợ, Làm Chồng là một Thiên chức của Con Người. Dầu sống bên nhau hay vì nhiệm vụ mà xa nhau, đôi Vợ Chồng vẫn luôn cần nhau, luôn chờ nhau, luôn sống với nhau trong tâm tưởng từng ngày, dẫu đã ngàn năm.
Với chi tiết nầy, Văn hóa Việt đã tôn vinh tích cách trường cửu của Gia Đình.
Cho đến ngàn năm, Tình Vợ Chồng vẫn luôn bền vững. Dầu bất cứ hoàn cảnh nào, đôi Vợ Chồng vẫn luôn có nhau. Có Mãi Ngàn Năm.
*     *     *     *
8. GIA ĐÌNH VÀ NON NƯỚC
8.1 Tạo Thành Đất Nước.
Hai mẹ con nàng vươn thành núi cao lại là hình ảnh tuyệt vời tôn vinh địa vị của người Phụ Nữ và của Gia Đình trong cuộc sống Xã Hội.
Người Vợ âm thầm mỗi ngày nuôi con và lo việc nhà. Nhưng nuôi con chính là tạo dựng tương lai của Đất nước, của Dân tộc. Làm việc nhà là góp phần vào sức sống nền tảng của một xã hội thanh bình và thịnh vượng.
Núi cao còn nhắc nhớ Mẹ Tiên đưa năm mươi con lên núi, Mẹ Tiên ở núi. Nhưng nơi đây, chính Mẹ đã vươn thành Núi Non, chính Mẹ góp phần cho Đất Nước rộng lớn thêm.
Cha Rồng ra đi lo tròn việc Nước, thì Mẹ Tiên ở nhà hóa thành Non cao. Nhờ có Mẹ Cha, có gia đình, nên mới có Non Nước, giang sơn, đất nước.
Đất Nước, Dân Tộc, phát triển, chính là do những đôi vợ chồng cùng nhau SỐNG TRỌN TÌNH NHÀ TÌNH NƯỚC, sống trọn Truyền kỳ Vọng Phu.
*     *
8.2 Tôn vinh Gia Đình.
Nhiều đồi núi trên khắp vùng đất nước, với bất cứ hình tích nhắc nhớ nào, cũng được gọi làHòn Vọng Phu. Đây chính là bài học thực hành của Tổ Tiên, mà cũng nhắc nhớ tầm quan trọng và thiết thực bậc nhất của Bài Học Gia Đình, trong Văn hóa Việt.
Để diễn tả và tôn vinh vai trò của cả hai vợ chồng, không có hình ảnh nào ý nghĩa và cao quý hơn Hòn Vọng Phu. Không còn hình ảnh nào súc tích và cảm động hơn để nhắc nhớ Tình Nghĩa Vợ Chồng và đặc tính thiết yếu và trường cửu của Gia Đình, bằng Núi Chờ Chồng.
Có nền văn hóa nào, có xã hội nào tôn vinh những người vợ âm thầm lo cho chồng cho con, thành những ngọn núi cao, góp phần phát triển đất nước ?
GIA ĐÌNH, chứ không phải từng cá nhân, là Nền Tảng của Cuộc Sống Con Người, và của Tổ Chức Xã Hội Loài Người.
*     *     *     *
9. PHỤ NỮ TRONG VĂN HÓA VIỆT
Trong đời sống, vai trò của người Đàn Ông luôn được nhiều nền văn hóa đề cao. Nhiều khi quá đáng.
Tuy nhiên, trên thực tế, địa vị đích thực của người Phụ Nữ, trong gia đình và trong xã hội, mới nói lên đặc tính xác đáng của một nền văn hóa.
9.1 Vài Điểm phân biệt.
a. Xã hội Việt.
Để nhận định được chính xác, cần ghi nhớ là xã hội Việt thời trước gồm 5% dân số biết chữ và 95% không biết chữ. Người biết chữ thì hầu hết theo Nho học. Số còn lại thì sống theo truyền thống Tổ Tiên, theo nền Văn hóa thuần túy Việt.*8
Cũng cần phân biệt xã hội vào thời bình và vào thời loạn.
Lịch sử cho thấy, ở thời bình, đất nước được điều hành bởi những người có học. Đây cũng là chuyện bình thường, khi phải điều động cả một quốc gia.
Tuy nhiên, khi đất nước bị xâm lăng hay loạn lạc, những người cứu dân cứu nước lại thuộc thành phần đại chúng, tức những người sống theo truyền thống của Văn hóa Việt. [Các vị Đinh Tiên Hoàng chăn trâu, Lý Thái Tổ thầy tu, Trần Thái Tổ đánh cá, Hồ Quý Ly đánh cá, Lê Thái Tổ làm nông, Thái Đức và Quang Trung đi buôn].
b. Gán ghép Nho học.
Đã có quá nhiều nguyên tắc của Nho học được gán ghép cho xã hội Việt. Vì vậy, để thấy rõ địa vị của phụ nữ Việt trong gia đình, ta lướt qua phần so sánh giữa Nho học với phong tục và luật pháp Việt Nam.*9
Theo Nho học, người đàn ông gia trưởng có quyền tuyệt đối trong gia đình. Không những ông có toàn quyền quản lý và xử dụng của cải do vợ con làm ra, mà còn có cả quyền tự ý li dị vợ, và cả quyền đem bán hoặc giết chết vợ con.
Theo Nho học, hễ sinh ra làm kiếp phụ nữ thì phải tam tòng, tức là phải sống dưới quyền quyết định của cha, của chồng, và khi chồng chết, của cả thằng con trai của bà.
Nhưng xã hội Việt không có những quái đản đó.
*     *
9.2 Phụ Nữ Trong Gia Đình Việt.
Theo Phong tục và theo Luật pháp Việt, phụ nữ Việt có cuộc sống hoàn toàn khác với Tam Tòng của Nho học. [Theo Nho học, người nữ ở nhà phải tùy thuộc cha, lấy chồng phải tùy thuộc chồng, chồng chết phải tùy thuộc con trai].
a. Làm Con.
Nhiều người Việt, cả đàn ông lẫn đàn bà, thích có con trai. Nhưng không phải vì vậy mà khinh chê con gái. Trái lại, cha mẹ Việt thương yêu và chiều chuộng con gái hơn con trai. Lại nữa : Trai mà chi gái mà chi, Con nào có nghĩa có nghì thì hơn.
Ngoài ra, bộ luật Hồng Đức của vua Lê Thánh Tôn, (niên hiệu Hồng Đức 1470-1497 dl), còn xác định là trong gia đình không có con trai, thì người con gái trưởng giữ hương hỏa và thờ phụng Tổ Tiên. Vô nam dụng nữ. [Người Hoa không có con trai thì phải nuôi con trai người khác để lo hương hỏa].*10
Phong tục Việt cũng phân chia gia tài đồng đều cho cả con trai và con gái.
Về việc hôn nhân, cũng như mọi người làm cha mẹ khác, cha mẹ Việt cũng muốn con cái có nơi xứng hợp với ý mình. Tuy nhiên, con cái Việt được chiều chuộng, và có nhiều quyền quyết định hơn con cái trong gia đình người Hoa.
b. Làm Vợ.
Phong tục và luật pháp Việt lại công nhận người vợ có quyền tương đương với chồng, ngược hẳn văn hóa Hoa.
Trong thực tế, người vợ Việt thường tự mình đảm đang việc quản lý gia sản. Các văn kiện mua bán đều phải có chữ ký hoặc dấu tay của người vợ.
Luật pháp Việt không những cấm bán vợ, mà còn cấm cả việc chồng cưởng bức vợ đi làm thuê.
Luật Việt cũng có ghi một số lý do cho người chồng có thể ly dị vợ. Nhưng, khác với luật người Hoa, luật Việt lại thêm những trường hợp không cho phép chồng bỏ vợ, và vợ cũng có quyền xin ly dị chồng.
Tuy cũng có tục đa thê, nhưng luật pháp Việt lại buộc phải có sự chấp thuận của vợ chính. Đối với đại chúng Việt, chỉ khi nào người vợ chính không con thì mới tính việc cưới vợ lẻ, và do người vợ chính sắp đặt mọi chuyện.
Trong các lễ nghi, người vợ Việt, khác hẳn phụ nữ Hoa, được quyền cùng chồng tế lễ.
c. Làm Mẹ.
Khi chồng chết, người mẹ Việt không hề phải tòng tử. Trái lại, bà còn có thêm quyền của người cha đối với con cái. Bà cũng có toàn quyền quản lý và phân xử tài sản.
Ngoài ra, nếu con bà là trưởng tộc mà còn nhỏ, bà còn được quyền thay con mà tế tự Tổ Tiên bên chồng.
*     *
9.3 Hai Quyền nền tảng.
a. Quyền có Của cải riêng.
Để sống xứng đáng đời sống con người, điều kiện tối thiểu là quyền có của cải riêng và được tự ý xử dụng của riêng đó. Dầu là vợ chồng, khi một người có trọn quyền hạn trên tài sản thì người đó là chủ nhân, và người kia trở thành lệ thuộc.
Vậy mà, ở phương Tây, ngay cả trong thời kỳ thực dân đang cướp bóc tài sản của toàn thế giới đem về Châu Âu, thì ở Anh mãi tới năm 1870 dl, và ở Pháp từ năm 1881 dl, những người vợ đi làm lãnh lương mới có quyền giữ tiền riêng. Cũng tại Pháp, phải chờ tới năm 1907 dl, những người vợ ở nhà, không đi làm, mới có quyền nầy. Tại Mỹ, ở New York, từ năm 1848 dl, đàn bà mới có quyền có bất động sản... Có cần nhắc tới phụ nữ Trung Hoa, Nhật Bản, hay Ấn Độ, Ả Rập... không ?
Nhưng đã 400 năm trước, ở nước ta, bộ luật Hồng Đức đã minh xác những quyền đó của phụ nữ Việt.
Theo phong tục, tức truyền thống Văn hóa Việt, thì phụ nữ Việt đã có quyền đó, và nhiều quyền khác, từ hàng ngàn năm trước.
b. Quyền Tế tự.
Hơn nữa, phẩm giá con người còn được đặt nền tảng trên một quyền khác. Đó là quyền tế tự, tức là quyền tự mình đối diện với thần linh, với thế giới siêu phàm. Với quyền tế tự, Con Người không những được công nhận quyền tự lập tự chủ, mà còn là quyền vượt thoát khỏi mọi ràng buộc do con người đặt định.
Ở các văn hóa khác, quyền tế tự là đặc quyền của nam giới. Ngày nay phụ nữ Âu Mỹ đang tranh đấu, còn phụ nữ ở các nơi khác thì chưa dám nghĩ tới.
Đang khi đó, trong suốt mấy ngàn năm qua, cả trong phong tục lẫn trong luật pháp, phụ nữ Việt vẫn luôn được quyền tế tự ngang hàng với chồng.*11
[Ở phương Tây, cho đến gần đây, quyền tế tự chỉ dành cho giai cấp đặc quyền. Người dân, không được quyền nầy].*12
*     *
9.4 Phụ Nữ Trong Đời Sống Xã Hội Việt.
a. Địa vị quan trọng.
Trong lịch sử Việt, Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng.
Từ Thời Khởi Nguyên qua tới sau Thời Hùng, trong hơn 5000 năm, Tộc Việt theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ Việt đã luôn giữ vai trò chính yếu trong xã hội Việt.
Trước và trong 498 năm thời Bắc thuộc 1, sử Trung Hoa chỉ ghi lại hai cuộc nổi dậy của dân Việt. Và người lãnh đạo lại là hai bà, Bà Trưng và Bà Triệu.*13
Ở những thời đất nước lâm nguy, lúc nào cũng có nhiều phụ nữ Việt xuất chúng. Các bà không những nổi bật trong tinh thần hy sinh can đảm, mà còn cả trong vai trò chỉ huy lãnh đạo.
Bất cứ thời nào, khi sống đúng Văn hóa Việt, phụ nữ Việt luôn đóng góp phần quan trọng.
Trong thời bình, ở những giai đoạn hạng người theo Nho học nắm quyền điều khiển quốc gia, phụ nữ ít có dịp xuất hiện trên chính trường.
Tuy nhiên, nếu xét cùng một thời kỳ lịch sử, thì vai trò và địa vị của phụ nữ Việt vẫn vượt trên phụ nữ của các dân tộc khác, không những ở phong tục, mà còn ngay cả trong luật pháp thành văn. [Đặc biệt bộ Luật Hồng Đức, và bộ luật Gia Long].
b. Quý trọng thích đáng.
Ngoài ra, trong tiếng nói, phần bộc lộ quan niệm sống một cách đích xác nhất, người phụ nữ Việt cũng được đối xử cao quý hơn phụ nữ ở cả đông lẫn tây.
Ở phương Tây, vị thế người phụ nữ trong xã hội tùy thuộc vào sự kiện nàng có chồng hay không. Các nàng được đổi từ MissMlle qua MrsMme... nhờ đức ông chồng. Nàng cũng bỏ mất tên họ của riêng mình mà nhận tên họ của chồng. Xã hội nhìn nàng qua ông chồng của nàng.
Các phụ nữ Đông Á khác thì lại mất tên riêng. Khi có chồng, các nàng chỉ còn là những Hồ ThịHoàng ThịLê Thị.
Đang khi đó, dầu đã có chồng, người phụ nữ Việt vẫn còn là Chị, với nguyên tên họ và tên riêng. Nàng vẫn còn là nàng. Hai vợ chồng hiệp nhất cuộc sống nhưng không lệ thuộc. Đôi vợ chồng chung một cuộc sống, nhưng vẫn là hai người ngang vai, Sóng Đôi. Tiên Rồng Song Hiệp, nhưng Hiệp mà vẫn Song.*14
* Ở bất cứ thời nào, kể cả hiện tại, hễ sống đúng tinh thần Việt, thì người phụ nữ luôn ở một vị thế cao quý nổi bật, khó thấy ở các văn hóa khác.
*     *     *     *
10. TÓM LƯỢC và SƠ ĐỒ
10.1 Tóm Lược.
Truyền kỳ Vọng Phu : Đời Sống Gia Đình - Tình Nghĩa Vợ Chồng.
a. Quan niệm về Gia Đình trong Văn Hóa Việt.
a1. Giới thiệu Gia đình.
Hai Vợ Chồng và đứa Con : gia đình trọn vẹn : Tình yêu thể hiện, vợ chồng hiệp nhất, Chung Nhau Cuộc Sống.
a2. Chức năng Nam Nữ.
1. Người Chồng ra đi : vì việc nước : đóng góp tài sức cho Việc Chung.
2. Người Vợ ở lại nhà : phải tự lo liệu, nặng nhọc hơn, cô quạnh.
3. Nuôi Con và chăm lo việc nhà : gánh thêm phần làm Cha, làm chồng.
4. Chia Nhau Công Tác. Phân công trong toàn bộ, theo chức năng. Gia đình bổ túc.
a3. Đặc tính Gia đình.
1. Chờ chồng từng ngày : thương nhớ không nguôi. Có Nhau Từng Ngày.
2. Đặc tính thiết yếu của Gia đình.
3. Gia đình là nền tảng Cuộc sống Con người.
a4. Thiên chức.
1. Bồng Con ngàn năm : thiên chức Làm Mẹ.
2. Đứa con bé bỏng : thiên chức Làm Cha.
3. Chờ chồng hóa đá : thiên chức Làm Vợ, Làm Chồng. Có Mãi Ngàn Năm.
4. Đặc tính trường cửu của Gia đình.
a5. Gia đình và Non Nước.
1. Vươn thành Núi Cao : tạo thành Đất Nước.
2. Đóng góp thực tế cho tương lai và sự phát triển của Đất Nước, Dân Tộc.
3. Tôn vinh Gia đình. Nền tảng của Tổ chức Xã hội.
b. Phụ Nữ trong Văn hóa Việt.
1. Vài điểm phân biệt.
2. Phụ Nữ trong Gia đình Việt.
3. Hai Quyền nền tảng.
4. Phụ Nữ trong Đời sống Xã hội Việt.
*     *
 
 *     *     *     *
11. GHI CHÚ
*1 - Đọc bài 2104 Nền tảng Sinh Hoạt Chung, đoạn 5.4.
*2 - Đọc bài 2102 Căn cơ Con Người và Xã Hội, phần 4.
*3 - Đọc bài 2108 Tình Yêu Nam Nữ, phần 3 và 8.
*4 - Đọc bài 2106 Nếp Sống Làng Thôn, mục 7.3.
*5 - Hai bài Ca dao.
     - Anh đi em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ
     Lầm than bao quản nắng mưa
Anh đi anh cố chen đua với đời.
     - Anh ơi phải lính thì đi
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi
     Tháng chạp là tiết trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
     Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư gieo mạ thuận hòa mọi nơi
     Đến khi gặt hái xong rồi
Trời đổ mưa xuống nước trôi đầy đồng
     Anh ơi giữ lấy việc chung
Để em cày cấy mặc lòng em đây
Suốt cả bài là một lời năn nỉ. Nàng cố chứng tỏ rằng nàng có thể cáng đáng nổi việc nhà. Nhưng đồng thời ta cũng thấy công việc nặng nề biết bao.
*     *
*6 - Về Phong Trào GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ.
a. Bất ổn.
Gần đây, Phong Trào Giải Phóng Phụ Nữ bùng lên như là ánh sáng mới cho cuộc đời nữ giới. Ngày nay, kết quả thực tiễn cho thấy việc ‘giải phóng’ đã kéo theo việc tha hóa phụ nữ nhiều hơn.
Sự bất ổn của thiện chí nầy là do không giải quyết vấn đề tận gốc. Đó là chưa kể ác ý thâm độc của các chủ nghĩa muốn dùng phong trào tiếp tay phá hủy nền tảng gia đình, cô lập hóa con người.
Giải phóng phụ nữ không thể chỉ có nghĩa là kéo nữ giới ra khỏi nhà mà ném vào xã hội, như hiện nay. Phụ nữ bị tha hóa, vì từ cơ cấu tới cách thức và phương tiện điều hành, xã hội hiện nay hoàn toàn mang tính chất nam giới, bị cực hóa cho nam giới.
b. Cải tổ Cơ cấu.
Việc giải phóng phụ nữ, và cả nhân loại, phải là việc cải tổ tận gốc, để xã hội, từ nền tảng đến mọi sinh hoạt, thực sự mang đầy đủ thành tố nam và nữ.
Con Người, mọi người, chỉ thực sự hạnh phúc trong một xã hội được tác thành hợp đúng cấu trúc và chức năng của cả nam lẫn nữ, 50 theo mẹ 50 theo cha, vừa Tiên vừa Rồng, Tiên Rồng Song Hiệp.
*     *
*7 - Về Phong Trào ĐỒNG TÍNH.
Phong trào Đồng Tính Luyến Ái được phát động như là cách mạng giải thoát ức chế xã hội và cổ động khuynh hướng đồng tính như là tự nhiên và là tự do cá nhân.
 Nhìn vào cuộc sống con người toàn diện, cá nhân cũng như xã hội, khuynh hướng đồng tính đã tước bỏ đặc tính Bổ Túc Hỗ Tương giữa những khác biệt của nam và nữ, và tước bỏ một số Chức Năng thiết yếu mà người đồng phái không thể nào bù đắp hoặc thay thế một cách trọn vẹn.
 Vì vậy, khuynh hướng đồng tính, dầu có thể bẩm sinh nơi một số người, không thể giúp con người phát triển đầy đủ một cuộc sống làm người toàn vẹn. Khuynh hướng đồng tính là một khiếm khuyết, như những khuyết tật khác.
Do đó, cần quan tâm đặc biệt tới đồng tính. Dửng dưng hoặc chấp nhận như khuynh hướng tự nhiên, là nhẫn tâm đối với nạn nhân, và tắc trách đối với xã hội.
Ngoài ra, trào lưu Đồng Tính còn thủ tiêu Tình Bạn, biến những tình cảm khởi đầu Tình Bạn thành mặc cảm đồng tính, tạo nên những lệch lạc đáng tiếc và tai hại.
*8 - Nho học, và Khổng học, đã bị các triều đại Hán, Đường, Tống sửa đổi thành Hán nho, Đường nho, Tống nho. - Đọc bài 1404 Ảnh hưởng Hạn hẹp của Nho học trên Dân Việt, đoạn 1.2.
*9 - Đọc thêm chi tiết ở bài 1405 Dân Việt không Sống theo Nho Học, phần 3.
*10 - Bộ luật Hồng Đức, dầu ban hành đã hơn 500 năm, vẫn có nhiều điều tân tiến, nhân đạo, dân chủ, và bình sản hơn nhiều bộ luật ở các nước văn minh dân chủ hiện nay.
*11 - Đọc bài 1405 Dân Việt không Sống theo Nho Học, đoạn 3.14.
*12 - Nhiều chế độ, đặc biệt Anh, Đức và các nước Bắc Âu, còn cưỡng bách người dân tin theo giáo phái của vua chúa. Đó là chưa kể các dân tộc Ả Rập, Ấn Độ...
*13 - Đọc bài 1113 Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. - Còn rất nhiều vị anh hùng khác nổi lên chống ngoại xâm. Nhưng sử Trung Hoa chỉ ghi lại những sự kiện mà chúng không thể che giấu được.
*14 - Đọc bài 2102 Căn cơ Con Người và Xã Hội, đoạn 4.6.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức 2013.

Tổng số lượt xem trang