Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG CON NGƯỜI Theo Văn Hóa Việt

http://danhgiactau.com/
1. DẪN NHẬP
Bộ 9 Truyền Kỳ, kết tinh của văn hóa Việt, là một bản trường ca hạnh phúc. Đoạn kết nào trong Bộ Truyền Kỳ cũng là hạnh phúc.
Thực ra, đoạn kết của mỗi Truyền kỳ là kết quả của cuộc sống các nhân vật trong Truyện. Chính cuộc sống của họ đã tạo ra các kết cuộc.
Theo đó, những Đoạn Kết nầy, những kết cuộc của cuộc sống, cũng là bảng định Giá Trị Cuộc Sống Con Người theo Văn hóa Việt, là những Bậc Thang Giá Trị trong Xã Hội Việt.
*     *     *     *

2. ĐOẠN KẾT HẠNH PHÚC
2.1 Đoạn Kết Chín Truyền Kỳ.
Tóm lược đoạn kết của 9 Truyền kỳ.
1. Truyền kỳ Tiên Rồng nêu căn cơ mọi Cuộc Sống, là đầu mối mọi Truyền kỳ khác. Do đó, đoạn kết của Truyền kỳ Tiên Rồng khai mở một bầu trời tràn đầy sức sống : ‘Từ đó dòng giống Việt ngày một phát triển’.*1
2. Ở Truyền kỳ Trầu Cau, hai Vợ Chồng hóa thành dây Trầu, cây Cau, người Em hóa Vôi, và khi được ăn, cả ba hòa hiệp thành một.*2
3. Truyền kỳ Chử Đồng kết bằng việc mọi người được ấm no sung túc, phát triển trọn vẹn, và hai vợ chồng Tiên Dung Chữ Đồng hóa phép đem tất cả về Trời.*3
4. Truyền kỳ Tiết Liêu có Tiết Liêu được làm vua, giúp phát triển đời sống toàn dân.*4
5. Truyền kỳ An Tiêm có An Tiêm lập làng mới, và góp phần cho cuộc sống dân nước thêm tươi mát.*5
6. Ở Truyền kỳ Vọng Phu, người Chồng đi lo việc nước, người Vợ bồng con chờ chồng vươn thành núi cao, chung phần phát triển đất nước.*6
7. Truyền kỳ Trương Chi có trái tim thành ngọc, để hòa tan với giọt nước mắt ân tình của Mỵ Nương.*7
8. Truyền kỳ Mỵ Châu kết bằng giọt máu Mỵ Châu hóa thành ngọc, và sáng đẹp thêm trong nước giếng Trọng Thủy.*8
9. Cuối cùng, Truyền kỳ Phù Đổng có Phù Đổng, biểu trưng cho sự phát huy trọn vẹn sức sống và tinh hoa của toàn dân nước, cỡi ngựa thần về Trời và được phong là Thần Trời.*9
*     *
2.2 Phân Loại.
a. Theo Đoạn kết.
Để dễ nhận định, ta sắp lại thứ tự các đoạn kết của 9 Truyền Kỳ.
1. Truyền kỳ Tiên Rồng luôn ở vị trí đặc biệt. Đoạn kết Truyền kỳ Tiên Rồng khai mở mọi Cuộc Sống.
2. Truyền kỳ Mỵ Châu : giọt máu thành ngọc.
3. Truyền kỳ Trương Chi : trái tim thành ngọc.
4. Truyền kỳ Trầu Cau : người Em hóa tảng đá.
5. Truyền kỳ Vọng Phu : người Vợ vươn thành núi.
6. Truyền kỳ An Tiêm : An Tiêm lo việc làng.
7. Truyền kỳ Tiết Liêu : Tiết Liêu làm việc nước.
8. Truyền kỳ Chử Đồng : hóa phép về trời.
9. Truyền kỳ Phù Đổng : Phù Đổng cỡi ngựa thần về trời và được phong là Thần Trời.
b. Bốn Cặp.
Theo thứ tự trên, ngoài Truyền kỳ nền tảng Tiên Rồng, 8 Truyền Kỳ còn lại có thể hợp thành4 cặp : - cặp a hóa Ngọc, - cặp b hóa Đá, - cặp c còn Sống ở trần gian, - cặp d Về Trời.
Tuy nhiên, thành phần của mỗi cặp lại cũng có đặc điểm riêng :
- Cặp hóa Ngọc gồm giọt máu và trái tim.
- Cặp hóa Đá có trọn thân xác Người Em hóa ra tảng đá, và nàng Vọng Phu vươn cao thành núi.
- Cặp còn Sống thì một người làm việc làng, một người làm việc nước.
- Cặp Về Trời, Chử Đồng phải tự mình hóa phép, còn Phù Đổng được ngựa thần đưa về, và được phong tước Thần Trời.
* Theo Văn hóa Việt, ngọc chỉ là vật trang sức, làm chén trà... không có giá trị thiết thực cho cuộc sống con người. Vì vậy ngọc có giá trị thua đá. Đá, núi, là nền tảng xây dựng, là một phần liên quan tới cuộc sống con người, là thành phần tạo sông núi.
*     *
 
*     *     *     *
3. KẾT QUẢ CUỘC SỐNG
3.1 Kết Quả Đương Nhiên.
Thực ra, đoạn kết của mỗi Truyền Kỳ là kết quả đương nhiên của cuộc sống các nhân vật trong Truyền kỳ. Chính cuộc sống của họ, chính cách họ bộc lộ và thể hiện con người của mình, đã tạo ra các kết cuộc.
1. Mỵ Châu suốt đời chỉ biết thương chồng, tin tưởng chồng đến nỗi vì chồng mà hại nước. Đời nàng, chỉ có mối tình của nàng đối với chồng là đáng giá, nên chỉ còn lại giọt máu hóa ngọc.
2. Trương Chi sống và chết với một mối tình câm. Nên ngoài trái tim, ngoài việc sống trong trái tim, chàng chẳng còn gì.
3. Ở Truyền kỳ Trầu Cau, vợ chồng người Anh sống chết có nhau, nên hóa thành Trầu Cau tiếp tục sống và quấn quít nhau. Người Em đã hy sinh vì tình anh em, nên trọn thân xác chàng hóa đá.
4. Nàng Vọng Phu sống trọn đời lo việc Nhà, để chồng lo việc nước. Trong tình nhà có tình nước, nên nàng vươn lên thành núi, giúp phát triển núi sông.
5. An Tiêm lo lập làng, góp phần cho dân nước thêm tươi mát.
6. Tiết Liêu làm vua, giúp cho dân an nước thịnh.
7. Chử Đồng và Tiên Dung, ở thời bình, sống đầy đủ đời sống bản thân, đời sống gia đình, và cả đời sống làng thôn dân nước... cuộc sống phát triển trọn vẹn, ấm no hạnh phúc... về trời.
8. Phù Đổng, trong thời loạn, cứu nước cứu dân thoát khỏi mọi thứ giặc, đưa mọi người vào một kỷ nguyên mới... xứng được tôn quý tột bực, được ngựa thần đưa về trời, và được vinh phong.
*     *
3.2 Tầm Độ.
Qua tiểu sử của các nhân vật, mỗi cặp có một điểm chung trong Cuộc Sống Con Người, nhưng lại khác tầm độ :
a. Cặp máu và tim hóa ngọc, Truyền kỳ Mỵ Châu và Trương Chi, cùng có cuộc sống choTình Riêng. Nhưng cuộc tình Mỵ Châu mù quáng và tác hại, còn mối tình Trương Chi chân chất chí thành.
b. Cặp hóa đá, Truyền kỳ Trầu Cau và Vọng Phu, cùng sống trọn cho Tình Nhà, tình anh em và tình vợ chồng. Nhưng Truyền kỳ Vọng Phu thêm Tình Nước, phần đóng góp cho việc chung.
c. Cặp Truyền kỳ An Tiêm và Tiết Liêu có An Tiêm xây dựng làng thôn, và Tiết liêu lo an dân thịnh nước.
d. Cặp Truyền kỳ Chử Đồng và Phù Đổng có Chử Đồng Tiên Dung giúp phát triển toàn diện cuộc sống, và Phù Đổng cứu nước cứu dân, cải hóa mọi người, diệt mọi thứ giặc.
*     *
 
*     *     *     *
4. BẢNG GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG
4.1 Bậc Thang Giá Trị.
Theo đó, những đoạn kết của 8 Truyền Kỳ chính là bảng định Giá Trị Cuộc Sống Con Người theo Văn hóa Việt, là Bậc Thang Giá Trị trong Xã Hội Việt.
Từ dưới lên, Giá trị Cuộc Sống Con Người đi từ :
a. Sống cho Tình Riêng.
Bậc 1Thấp nhất trong Bậc thang Giá trị là người chỉ biết có Tình Riêng, đến nỗi làm hại việc chung, như Mỵ Châu. Tất cả đều tiêu tan, chỉ còn giọt máu vì tình.
Bậc 2Khá hơn, là người sống cho Tình, không hại người mà cũng không giúp ích cho ai.Trương Chi chỉ sống trong trái tim và hòa tan trong giọt nước mắt của người tình.
b. Sống trọn Tình Nhà Tình Nước.
Bậc 3. Được kể là đáng nêu gương, cuộc sống của những người sống chết vì Tình nhà, vì anh em, như người Em Vôi. Thân xác biến thành khối đá, chờ hòa tan trong tình máu mủ.
Bậc 4. Cao hơn một bậc là những người vừa trọn Tình nhà vừa trọn Tình nước, như nàngVọng Phu. Nàng chu toàn việc nhà để chồng lo việc nước. Nàng vươn cao thành núi, góp phần phát triển đất nước, trường tồn với núi sông.
c. Sống lo Làng Nước.
Bậc 5. Những người làm việc làng, giúp phát triển một thành phần xã hội, như An Tiêm. Đây là những cuộc sống giúp ích cho nhiều người.
- Khi An Tiêm sống được như Chử Đồng, thì cũng sẽ đem ‘mọi người và phố xá về Trời’, ấm no hạnh phúc.
Bậc 6. Những người làm việc cho cả nước, cho mọi người, như Tiết Liêu. Cuộc sống mang ơn ích cho toàn dân.
- Khi Tiết Liêu lo cho toàn dân được thanh bình hạnh phúc toàn vẹn, thì sẽ là ‘Phù Đổng cởi ngựa thần về Trời’.
d. Sống Đời hoàn hảo.
Bậc 7Cuộc sống lý tưởng của con người, những cặp Vợ Chồng, như Chử Đồng Tiên Dung, đã sống trọn vẹn đời sống bản thân, chung nhau xây dựng cuộc sống gia đình và cùng nhau giúp làng giúp nước... Những cuộc sống phát triển toàn diện, đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho những người chung quanh. Họ cùng nhau ‘về trời’, chung hưởng hạnh phúc trọn vẹn... Những cuộc sống được nhiều người thờ kính.*10
Bậc 8. Và cao nhất là người sống trọn cuộc sống Bản thân, phát triển Tình Nhà, chấn hưng Làng thôn, và góp phần khôi phục Dân Nước, đánh tan mọi thứ giặc, mở đầu kỷ nguyên thanh bình hạnh phúc cho mọi người. Những cuộc sống thành thần thành thánh, như Thần Trời Phù Đổng.*11
*     *
4.2 Giá Trị Cuộc Sống Con Người.
Như vậy, theo Văn hóa Việt, mỗi cuộc sống có một mức độ giá trị khác nhau.
Giá trị thấp nhất là cuộc sống chỉ sống cho riêng mình.
Cuộc sống càng đáng giá khi càng sống cho nhiều người khác.
Giúp phát triển cuộc sống của người khác, chính là phát triển cuộc sống riêng mình.
Mỗi người cũng là một cái Bọc chứa những Anh Em khác. Càng chứa nhiều, càng hữu ích, thì càng thể hiện được chính mình, và càng đáng quý đáng trọng.
Giá trị cao cả, Mục đích tối hậu của cuộc sống con người là làm cho người chung quanhcùng chung hưởng Hạnh Phúc Làm Người.*12
*     *
 
*     *     *     *
5. BIỂU ĐỒ của BẢNG GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG CON NGƯỜI : HOA BẢO BÌNH
5.1 Hình Vẽ.
Vì tính cách đặc thù và tầm quan trọng nền tảng của Bảng Giá Trị Cuộc Sống Con Người, ta có một biểu đồ để không những luôn nhắc nhớ, mà còn là hình ảnh thực tế cho ứng dụng mỗi ngày.
Biểu đồ có năm vòng lồng nhau, dính ở đáy. Đường kính vòng tròn thứ nhì bằng một rưỡi đường kính vòng tròn thứ nhất, đường kính vòng thứ ba bằng hai đường kính vòng thứ nhất, rồi hai rưỡi, ba.
Có thể tô các vòng, cho thêm rõ nét.
 
*     *
5.2 Ý Nghĩa Biểu Đồ.
- Bốn vòng tròn nhỏ biểu trưng cho bốn cặp Giá Trị, theo tám Truyền Kỳ. Vòng trong cùng để chỉ cặp giá trị Sống Cho Tình Riêng. Vòng hai chỉ cặp giá trị Trọn Tình Nhà Tình Nước. Vòng ba chỉ cặp giá trị Sống Lo Làng Nước. Vòng bốn chỉ cặp Cuộc Sống Hoàn Hảo.
- Vòng ngoài cùng, vòng 5, biểu trưng cho Vạn vật, bao gồm cả Thế Giới Siêu Linh, nơi Hồn Thiêng Tổ Tiên và Thần Linh đang hiện hữu, và bảo bọc, độ trì con cháu.
- Phần ngoài cùng của vòng nầy nhắc nhớ Ông TrờiĐấng Nguồn Sống, Đấng sinh dựng và không ngừng bảo bọc toàn thể vũ trụ.
 
*     *
5.3 Hoa Bảo Bình.
Vòng ngoài không những lớn hơn vòng trong, mà còn là bảo bọc che chở.
Vì đây là biểu đồ của bảng Giá Trị trọn Cuộc Sống Con Người, đặt nền tảng trên hai nguyên lý Thân Thương toàn tâm và Bình Đẳng căn cơ, nên biểu đồ có tên Hoa Bảo Bình, yêu thươngbảo bọc và bình đẳng tận căn cơ.*13
*     *     *     *
6. GHI CHÚ
*1 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đb phần 6.
*2 - Đọc bài 2103. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người, đb đoạn 4.2.
*3 - Đọc bài 2104. Tiêu Chuẩn Để  Sống Bình Đẳng, đb đoạn 4.4.
*4 - Đọc bài 2105. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước, đb đoạn 6.4.
*5 - Đọc bài 2106. Nếp Sống Làng Thôn, đb đoạn 5.3 và 5.4.
*6 - Đọc bài 2107. Đời Sống Gia Đình, đb đoạn 8.1.
*7 - Đọc bài 2108. Tình Yêu Nam Nữ, đb đoạn 6.2.
*8 - Đọc bài 2109. Việc Giữ Nước, đb đoạn 8.2 và 8.5.
*9 - Đọc bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân, đb đoạn 13.1 và 13.4.
*10 - Khắp nơi trong nước đều có đền thờ các Vị Văn Thánh Võ Thần. Các vị lập Làng, hoặc giúp ích đặc biệt, thường được dân thờ kính, tôn làm Thần Làng, Thành Hoàng.
*11 - Nổi bật nhất trong lịch sử là Đức Thánh Trần, Hưng Đạo Đại Vương.
*12 - Đọc bài 2208. Đích điểm Cuộc sống Con Người.
*13 - Về 2 Nguyên lý Nền tảng của Cuộc sống Con Người, đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đoạn 5.2 và 5.3.
_____________________
Nguyễn Thanh Đức 2013.
Tải về: epub, docx, pdf .

Tổng số lượt xem trang