Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

'Xem lại ảnh hưởng TQ ở VN'


Nguyễn Quốc Khải – Kinh Tế Việt Nam: Làm Sao Để Giảm Lệ Thuộc Vào Trung Quốc?
Là một nước nhỏ về cả dân số lẫn diện tích và ở sát cạnh Trung quốc, Việt Nam không thoát khỏi phụ thuộc vào nước láng giềng khổng lồ tham lam và xảo quyệt. Việt Nam phụ thuộc Trung Quốc quá nhiều về chính trị và cả về kinh tế. Bài phân tách này trước hết sẽ trình bầy về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc về phương diện kinh tế. Tiếp theo sẽ là phần nhận xét lợi hại của quan hệ này. Sau cùng là một vài đề nghị để kinh tế Việt Nam giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào cuối năm 1991. Kể từ đó buôn bán giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng. Trị giá tổng số hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đối với Trung Quốc tăng từ 692 triệu Mỹ kim vào năm 1995 đến 50.2 tỉ Mỹ kim vào năm 2013. Theo một dự đoán, trị giá hàng hóa trao đổi giữa hai nước có thể lên tới 60 tỉ Mỹ kim vào 2015. 1/
Trong vài năm đầu, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nhiều hơn nhập cảng từ quốc gia này ở mức độ khiêm nhường với trung bình hàng năm vào khoảng 41 triệu Mỹ kim. Nhưng kề từ 2001 đến nay, cán cân thương mại (trade balance) ngày càng bất lợi cho Việt Nam. Nhập siêu (trade deficit) tăng từ 189 triệu Mỹ kim lên đến 23.7 tỉ Mỹ kim. Đấy là chưa kể số hàng nhập lậu đáng kể qua biên giới ở những nơi như Mống Cái và Lạng Sơn.
Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nguyên phụ liệu, thành phẩm hóa chất, và máy móc dùng cho việc sản xuất. Riêng về ngành dệt may, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 50-60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc như da làm giầy dép, vải và lụa để làm quần áo. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bao gồm khoáng sản thô như than, quặng sắt. dầu thô, nông lâm sản, thủy sản và đồ thủ công. Khoảng 80% cao su, 40% gạo, 70% thanh long xuất khẩu của Việt Nam bán cho Trung Quốc.

Kinh tế Việt Nam lệ thuộc đáng kể vào Trung Quốc
Bức tranh mô tả cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trên đây cho thấy sự phụ thuộc của Việt Nam vào nước láng giềng phương bắc quả thật là rất đáng e ngại. Nhưng phân tách sự kiện này một cách quy mô hơn, chúng ta thấy tình trạng này chưa đến nỗi vô vọng.
Thật vậy, theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam so với trị giá tổng số thương vụ vào năm 2013 của Việt Nam với thế giới 264.3 tỉ Mỹ kim, phần của Trung Quốc tuy dẫn đầu nhưng chỉ chiếm khoảng 19%, so với con số của Hoa Kỳ là 11%, Hàn Quốc 10.3%, Nhật 9.6%, Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) 15.1%, Liên Hiệp Âu Châu (EU) 12.7%, và các nước còn lại 32.6%.
Một cách khách quan, những con số trên đây cho thấy phần đóng góp của Trung Quốc trong lãnh vực ngoại thương tương đối đáng kể nhưng không có tính cách ngự trị. Sở dĩ Việt Nam buôn bán nhiều với Trung Quốc một phần vì hai nước sát vách nhau và hàng của Trung Quốc mặc dù chất lượng thấp nhưng rẻ và hợp với túi tiền của đa số người Việt Nam.
Tổng số vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tích lũy tính đến 31-12-2012 là 210.5 tỉ Mỹ kim. Phần của Nhật đứng đầu với 28.7 tỉ Mỹ kim (13.6%), tiếp theo là Đài Loan (12.9%), Singapore (11.8%), và Hàn Quốc (11.8%). Trong khi đó đầu tư của Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm một tỉ lệ khiêm nhường lần lượt là 5% và 2.2%.
Số dự án đầu tư của Trung Quốc tính đến cuối năm 2012 là 893, chiếm 6.1% tổng số dự án đầu tư nước ngoài. Trung bình mỗi dự án trị giá 5.3 triệu Mỹ kim. Trong khi đó, Hàn Quốc có 3,197 dự án ở Việt Nam, chiếm 22% của tổng số dự án đầu tư nước ngoài và trung bình mỗi dự án trị giá 7.8 triệu Mỹ kim và Đài Loan với 2,234 dự án, chiếm 15.4% của tổng số dự án đầu tư nước ngoài và trung bình mỗi dự án trị giá 12.1 triệu Mỹ kim. Tiếp theo là Nhật với 1,849 dự án và Singapore với 1,119 dự án. Như vậy trong lãnh vực đầu tư, vai trò của Trung Quốc khá khiêm nhường.
Tiếp theo, chúng ta phân tách tình trạng Việt Nam nợ nước ngoài trong đó có Trung Quốc. Trước hết là số nợ trong Chương Trình Hỗ Trợ Phát Triển Chính Thức (Official Development Assistance gọi tắt là ODA). Đây là một chương trình tài trợ quan trọng vì ODA có những ưu điểm là cho vay với lãi suất thấp (dưới 2%), dài hạn (25-40 năm), và một phần trong nguồn vốn là tiền viện trợ không phải hoàn trả.
Theo thống kê của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (Organization for Economic Co-operation and Development viết tắt là OECD), gồm 34 quốc gia hội viên có nền kinh tế tiên tiến nhất, trong thời gian 2000-2012 ODA đã giải ngân cho Việt Nam 31.2 tỉ Mỹ kim từ nhiều nước phát triển trong đó có Nhật (đứng đầu với 10 tỉ Mỹ kim), Hàn Quốc, Pháp, Đức, Anh, Úc, Đan mạch, Thụy Điển, Na Uy, Canada và Hoa Kỳ. Các tổ chức tài trợ đa phương như Ngân Hàng Thế Giới qua chương trình Hiệp Hội Phát Triển Quốc Tế (International Development Association – IDA) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (Asian Development Bank viết tắt là ADB) qua Quỹ Đặc Biệt (Special Funds) đã cho Việt Nam vay 11.3 tỉ Mỹ kim dưới hình thức ODA cùng trong thời gian kể trên. Trong khi đó, OECD không báo cáo món nợ ODA nào từ Trung Quốc.
Về những khoản nợ nước ngoài khác, theo báo cáo gần đây của Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Trưởng Tài Chánh với Quốc Hội Việt Nam, “Việt Nam vay tiền của Trung Quốc để thực hiện các dự án là không nhiều. Trong đó, đầu tư vào thị trường chứng khoán của Trung Quốc chỉ chiếm 0.33% quy mô giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trung Quốc có hai nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào hai tập đoàn và công ty, nhưng không có gì đáng lo ngại, vì đây đều là những nhà đầu tư dài hạn.” 2/
Rất tiếc rằng Ông Dũng từ chối không cho biết những con số cụ thể về các khoản nợ Trung Quốc vì tính chất nhậy cảm của vấn đề này.

Tham gia vào những hiệp ước thương mại quốc tế
Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc là tham gia vào những hiệp định thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết hai hiệp định thương mại quan trọng trong quá khứ là Hiệp Định Song Phương với Hoa Kỳ vào năm 2001 và sau đó là gia nhập vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization viết tắt là WTO) vào năm 2007. Việt Nam đang thương thuyết sáu hiệp ước thương mại tự do (free trade agreement – FTA) khác là Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) với 11 quốc gia khác không có Trung Quốc, FTA với Liên Hiệp Âu Châu, FTA với Hàn Quốc, FTA với Na Uy – Thụy Sỹ – Iceland – Liechtenstein, FTA với Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan, và Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện giữa các nước ASEAN.
TPP, FTA với Liên Hiệp Âu Châu, và FTA với Hàn Quốc trong những hiệp định vừa kể trên là ba hiệp ước sẽ có ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ nhất đến kinh tế Việt Nam và sẽ giúp Việt Nam giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.
Mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những hàng rào cản hàng hóa và dịch vụ. Do đó, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng gia số lượng hàng xuất cảng đến các quốc gia TPP với dân số gần 800 triệu (11 % dân số thế giới) và tổng sản phẩm nội địa (GDP) là khoảng 28 ngàn tỉ Mỹ kim (40% GDP của thế giới). Ngoài ra, những nước TPP sẽ là nguồn cung cấp vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam và là thị trường tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam mà không bị Trung Quốc cạnh tranh. Việc gia nhập TPP sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng 46 tỉ Mỹ kim tức khoảng 13.6% theo kết quả một cuộc nghiên cứu của Peter A. Petri, Michael G. Plummer, và Fan Zhai vào cuối năm 2012.”3/
Theo Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại Châu Âu tại Việt Nam, tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam có thể tăng trên 15%, tiền lương thực tế của lao động có tay nghề cao có thể tăng khoảng 12%, tiền lương thực tế của lao động phổ thông có thể tăng khoảng 13% và giá trị xuất khẩu có thể tăng lên gần 35% sau khi Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam ký kết FTA.
Hàn Quốc đầu tư rất nhiều vào lãnh vực sản xuất điện tử tại Việt Nam với những dự án quy mô lớn như của Samsung hay LG, nhưng các công ty này vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc. Thí dụ như Samsung Vietnam xuất khẩu điện thoại di động thông minh Galaxy trị giá 23.3 tỉ Mỹ kim, nhưng đã phải nhập khẩu vi mạch và linh kiện từ Samsung China trị giá 21.3 tỉ Mỹ kim. Khi FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc được ký kết, Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc nữa vì các công ty Hàn Quốc sẽ đến xây dựng nhà máy tại Việt Nam để được hưởng quy chế thuế thấp do hiệp định thương mại này quy định. Điều đó sẽ giúp Việt Nam giảm lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. 4/
Tương tự như trong lãnh vực điện tử, một khi Việt Nam gia nhập TPP, các nhà máy làm vải, lụa, khuy áo và chế tạo da sẽ được xây cất tại Việt Nam để được hưởng thuế ưu đãi đối với hàng dệt may và giầy dép. Như vậy số lượng nguyên liệu nhập cảng từ Trung Quốc sẽ tự động giảm xuống.
Nói tóm lại, tham gia vào những thương ước đa phương vừa kể trên là một cách giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và nguồn cung cấp nguyên liệu, vốn, kỹ thuật và ngay cả nhân lực. Do đó, kinh tế Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chấm dứt những mãnh lới buôn bán bất chính của thương gia Trung Quốc
Ngoài việc tiến dần đến độc quyền nguy hiểm về xuất nhập khẩu trong một số lãnh vực, thương gia Trung Quốc còn có những thủ đoạn buôn bán bất chính gây thiệt hại cho những nhà sản xuất Việt Nam. Một số bài tường thuật trên báo mạng cho thấy rằng thương gia Trung Quốc đi đến từng ruộng vườn để thu mua các cây con, rễ tiêu, lá điều và ngọn cây làm hư hại mùa màng hay thu mua đỉa mang tính cách phá hoại nông nghiệp. Thương gia Trung Quốc còn nâng giá giả tạo một số nông sản như khoai lang và dưa hấu làm cho nông dân Việt Nam ham lợi tăng gia sản xuất. Vài mùa sau, khi thương gia Trung Quốc không trở lại thu mua nữa, các loại nông sản trở thành ế ẩm khiến cho nông dân Việt Nam buộc phải hạ giá. 5/ Trước 1975 cũng đã xẩy ra những vụ tương tự tại miền Nam Việt Nam như vụ thu mua chim cút, khiến nhiều công chức quân nhân đã nghèo lại còn nghèo thêm.
Trung Quốc còn gây khó khăn cho các nông sản xuất khẩu của Việt Nam bằng cách thường xuyên trì hoãn các xe chuyên chở ở biên giới. Chủ nhân của hàng ngàn xe dưa hấu, vải, và rau tươi của Việt Nam mắc kẹt tại đây, nhiều khi buộc phải hạ giá để giảm bớt một phần nào lỗ lã. 6/
Việt Nam cần phải chấm dứt những mánh lời buôn bán bất chính này của Trung Quốc để bảo vệ nông dân và nông phẩm của Việt Nam, chống lại sự lũng đoạn thị trường Việt Nam của Trung Quốc. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là việc giáo dục và phổ biến tin tức về giá cả và thị trường đến nông dân. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn có trách nhiệm về vấn đề này. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm giải tỏa những khó khăn ở biên giới. Nếu không được thì phải nhờ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) can thiệp.

Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án tại Việt Nam
Vào cuối năm 2009, các công ty kỹ thuật Trung Quốc đảm nhận nhiều dự án với trị giá tổng cộng lên đến 15.4 tỉ Mỹ kim. Các nhà thầu Trung Quốc thực hiện 90% dự án xây cất những nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam, từ đầu tới cuối, không sử dụng bất cứ thứ gì của Việt Nam. Tương tự như vậy, trong tổng số 24 nhà máy xi măng ở Việt Nam, 23 nhà máy do Trung Quốc xây cất. Đây là một ấn đề gây nhiều bất mãn trong quần chúng và các chuyên gia tại Việt Nam hiện nay. Theo Cô Lê Hồng Hiệp, Giảng Sư tại Đại Học Quốc Gia Việt Nam tại Hà Nội, có hai lý do khiến cho các công ty Trung Quốc thành công trong ngành đấu thầu. Thứ nhất là khi cho vay vốn ưu đãi các nhà thầu Trung Quốc đặt một số điều kiện. Thứ hai là các nhà thầu Trung Quốc áp dụng những chiến thuật kinh doanh uyển chuyển. Tuy nhiên cần phải kể đến yếu tố thứ ba là giá đấu thầu của những công ty Trung Quốc khá thấp so với những giá thầu của những công ty khác.
Những điều kiện để được vay vốn ưu đãi thường là Việt Nam phải dùng nhà thầu Trung Quốc, kỹ thuật, đồ trang bị, và dịch vụ của Trung Quốc. Đối với những dự án không dùng vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc vẫn có thể thắng được nhờ cho giá tương đối khá thấp theo luật đấu thầu của Việt Nam, bất kể tiêu chuẩn kỹ thuật. Vấn đề là sau khi trúng thầu, những công ty Trung Quốc thường thuyết phục những cơ quan sở hữu dự án thay đổi các điều khoản của hồ sơ thầu để giảm chi phí hoặc có khi phe lờ những điều kiện này. Ngoài ra, những công ty Trung Quốc ưa thích dùng công nhân Trung Quốc hơn với lý do ngôn ngữ và kỹ năng. Một số phúc trình cho thấy rằng nhiều nhà thầu Trung Quốc hoàn tất dự án không đúng tiêu chuẩn đã ấn định như chậm trễ, chất lượng kém. 7/ Các nhà thầu Trung Quốc còn mang những máy móc thiết bị công nghệ cũ để dùng cho những dự án họ trúng thầu. 8/
Ông Đặng Ngọc Tùng, một đại biểu Quốc Hội, đã chất vấn Bộ Tài Chánh Việt Nam rằng “vì sao nhà thầu Trung Quốc thường xuyên không hoàn thành hợp đồng đúng hạn, chất lượng các công trình không bảo đảm, giá thành các công trình thường tăng cao hơn dự kiến, không sử dụng nhân công Việt Nam, song có tới 90% dự án phát triển nguồn điện và 80% dự án phát triển hạ tầng giao thông vẫn được giao cho các nhà thầu Trung Quốc ?”
Nhiều thắc mắc tương tư như trên đã từng được báo chí, các cuộc hội thảo và các hội nghị thường xuyên mang ra bàn cãi, nhưng chưa được nhà nước Việt Nam trả lời.   Có một vài lý do gây ra tình trạng đấu thầu bừa bãi này theo những ý kiến thâu thập từ các bài báo phổ biến trên Internet. Thứ nhất là các cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan cấp phép cho các dự án đã không hoàn tất trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các dự án. Thứ hai, các nhà thầu Trung Quốc hối lộ những cơ quan quản lý dự án để được bao che. Do đó chính người Việt Nam làm hại chính đất nước của họ.
Hiện nay Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đang duyệt xét lại luật đấu thầu để cho phép những chủ dự án có thể loại bỏ những nhà thầu thiếu khả năng cho dù họ có cho giá thầu thấp. Những công ty trúng thầu sẽ buộc phải ưu tiên sử dụng nhân công Việt Nam cũng như vật liệu, trang bị và dịch vụ có sẵn ở địa phương. Đây cũng chính là những mục tiêu căn bản của kế hoạch đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể cả dùng những dự án thầu đề huấn luyện nhân công trong nước.
Việt Nam là một quốc gia hội viên của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế. Do đó Việt Nam phải tuân theo luật WTO. Tuy nhiên Việt Nam vẫn có thể đặt ra những tiêu chuẩn kỹ thuật và hành chánh để bảo đảm dự án phải được thực hiện theo ý muốn, miễn là những tiêu chuẩn này áp dụng đồng đều cho tất cả những nhà thầu, không phân biệt quốc tịch.
Kết luận
Trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam không thể độc lập hoàn toàn với Trung Quốc và ngược lại, nhưng kinh tế Việt Nam cũng không thể phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, trước hết, Việt Nam cần phải cố gắng tự sản xuất những hàng hóa tiêu thụ hàng ngày mà mình có thể làm lấy được và phải làm tốt hơn hàng của Trung Quốc và đặc biệt chú trọng đến sự an toàn.
Người tiêu thụ cần phải bỏ thói quen mua hàng rẻ nhưng chất lượng thấp của Trung Quốc. Mặt khác phải hỗ trợ hàng Việt Nam nhất là trong hoàn cảnh Trung Quốc đang xâm lăng Việt Nam. Mua hàng Việt Nam là góp phần vào việc bảo vệ đất nước.
Việt Nam cần phải cải tổ chế độ đầu thầu và ra luật nghiêm trị những kẻ ăn hối lộ và bao che các nhà thầu. Chú trọng đến chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thay vì giá thầu. Khuyến khích nhiều nhà thầu khác nhau thực hiện các dự án thay vì để cho Trung Quốc gần như độc quyền trong một vài lãnh vực trọng yếu (năng lượng và xây cất hạ tầng) như hiện nay.
Việt Nam cần hủy bỏ những xí nghiệp quốc doanh thua lỗ, đặc biệt công nghệ cao, để tập trung phát triển công nghiệp nhẹ, giúp sản xuất những sản phẩm tiêu thụ cho người Việt và những nguyên liệu cần thiết cho những công nghiệp chính của Việt Nam như may mặc và giầy ép. Kế hoạch phát triển trồng 1,000 ha bông tại tỉnh Ninh Thuận là một việc cần sớm thực hiện.
Việt Nam từng xuất khẩu ồ ạt những số lượng than rất lớn sang Trung Quốc, kể cả một lượng 1 triệu tấn than xuất khẩu lậu, với giá rẻ so với giá trị trường quốc tế, mặc dù biết rằng Việt Nam cũng rất cần nguồn năng lượng có sẵn này để phát triển. Người ta nghi ngờ có sự chia chác trong vụ mua bán than này làm cho Việt Nam thất thu khoảng 1 tỷ Mỹ kim. 9/ Tuy nhiên Việt Nam lại nhập cảng điện từ Trung Quốc với giá cao gấp ba lần giá điện ở Việt Nam. Như đã tiên liệu, mới đây Việt Nam thiếu than đã phải nhập cảng than từ Nam Dương, cùng một loại than mà Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc. Việt Nam cũng xuất cảng cao su qua Trung Quốc, nhưng lại nhập cảng lốp xe từ Trung Quốc. Không có một chánh sách kinh tế nào phi lý hơn thế. Vì vậy Việt Nam cần phải cải tổ chính sách xuất nhập khẩu, nhất là với Trung Quốc.
Sau hết và quan trọng hơn cả là tham gia vào những thương ước đa phương đặc biệt là Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương.
Chúng ta không biết CSVN có cam kết gì với Trung Quốc ở hậu trường hay không. Nhưng chúng ta thấy rõ rằng người đồng chí hàng xóm khổng lồ không hề dí súng vào đầu người anh em Việt Nam để bắt buộc Việt Nam phải buôn bán với họ. Phần lớn những giải pháp khả thi giúp kinh tế Việt Nam giảm lệ thuộc vào Trung Quốc hoàn toàn nằm trong tay chánh quyền Hà Nội và người dân Việt Nam.

Nguyễn Quốc Khải
Washington-DC
04-07-2014

Chú thích:
1/ Carlyle Thayer, “Oil Rig Crisis Threatens Booming China-Vietnam Ties,” World Politics Review, June 3, 2014.
2/ Thành Chung, “Việt Nam Không Vay Nợ Nhiều Của Trung Quốc,” Báo Điện Tử Chính Phủ, 11-6-2014.
3/ Hoài Hương & Nguyễn Quốc Khải, “Việt Nam và Hiệp định TPP – Thách thức và Cơ hội,” VOA, 20-8-2013.
4/ Thùy Trang, “FTA Giúp Giảm Lệ Thuộc Vào Trung Quốc,” Nhịp Cầu Đầu Tư, 23-6-2014.
5/ Thành Luận, “Phụ Thuộc Trung Quốc: Việt Nam Rơi Vào Điều Tối Kỵ” Đất Việt, 23-6-2014.
6/ Phạm Chi Lan, “Giảm Phụ Thuộc Về Kinh Tế Để Đề Phòng Trung Quốc Chơi Xấu,” Tiền Phong, 10-6-2014.
7/ Lê Hồng Hiệp, “The rise of Chinese Contractors in Vietnam,” East Asia Forum, March 14, 2014.
8/ Phạm Chi Lan & Nguyên Vũ, “FDI: Trung Quốc Lo Lách Luật, Chèn Ép Doanh Nghiệp Việt,” Doanh Nghiệp, 7-4-2014.
9/ Hạnh Phúc, “Nghịch Lý Ngành Than: Xuất Khẩu Giá Rẻ, Nhập Lại Giá Cao,” Kinh Doanh Thị Trường, 19-3-2014.


-Đi dưới bóng đè của gã khổng lồ
David O. Dapice - Vũ Thành Tự Anh
Thứ Năm, 26/6/2014

(TBKTSG) - Để gìn giữ độc lập dân tộc, người Việt Nam sẽ phải tìm cách giữ thăng bằng trên một lằn ranh mong manh, dưới bóng đè của người láng giềng khổng lồ đầy mưu tính.
Trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông ngày một gia tăng, nhiều người đã đề cập tới nguy cơ Trung Quốc cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Thậm chí, một số người còn cho rằng việc Việt Nam chần chừ, chưa khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là do e ngại nguy cơ bị Trung Quốc cấm vận.

Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu tập trung phân tích quan hệ thương mại - vốn là lĩnh vực quan hệ kinh tế quan trọng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, qua đó chỉ ra rằng mặc dù việc cấm vận kinh tế của Trung Quốc (nếu có) có thể gây ra những tác động tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn, Việt Nam sẽ có động cơ mạnh mẽ để vừa tăng cường nội lực vừa đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, nhờ đó giảm sự phụ thuộc kinh tế đối với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ thảo luận ngắn gọn về mối quan hệ chính trị giữa hai quốc gia.
Quan hệ chính trị
Ngoại trừ sự gián đoạn từ năm 1979 đến 1989, đảng - nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã duy trì quan hệ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, mối quan hệ này luôn ở trong tình trạng bất cân xứng. Sự trịch thượng của Trung Quốc luôn xuyên suốt, thể hiện qua sự can thiệp sâu và thô bạo vào chính sự của Việt Nam - không chỉ về chính sách, mà còn về cả nhân sự và ngoại giao.
Mới đây thôi, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc mô tả chuyến đi của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, sang Việt Nam không chỉ như sự dạy dỗ của một ông giáo kiên nhẫn đối với gã sinh viên ương ngạnh, mà còn như người cha nghiêm khắc đối với “đứa con đi hoang” chưa chịu về nhà. Trong bối cảnh Bắc Kinh luôn nhạy cảm và sẵn sàng can thiệp vào chính sự của Việt Nam, không rõ liệu Hà Nội có muốn và có thể đi trước trong cải cách chính trị hay không.
Mặt khác, dù muốn hay không, dù sớm hay muộn thì thay đổi chính trị cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc. Những thay đổi căn bản về kinh tế - xã hội ở Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua, đặc biệt là sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong khi dân số đang già đi, khiến cho tham nhũng, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường và sự hà khắc của chính quyền ngày càng trở nên khó chấp nhận. Rõ ràng là hệ thống chính trị của Trung Quốc cần trở nên linh hoạt và đáp ứng hơn trước yêu cầu của người dân. Chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay cả khi xuất phát từ động cơ chân chính, cũng sẽ chỉ là con dao hai lưỡi nếu không đi đôi với cải cách hệ thống chính trị vốn là nguồn gốc chính của nạn tham nhũng.
Bất kể kịch bản tự do hóa chính trị ở Trung Quốc xảy ra như thế nào thì sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không những thế, Việt Nam sẽ khó giữ vị thế bảo thủ hơn Trung Quốc vì ở Việt Nam không có một “vạn lý trường thành” để ngăn chặn thông tin từ bên ngoài, nhất là khi Việt Nam có tỷ lệ giới trẻ vào internet thuộc loại cao nhất thế giới. Như vậy, tự do hóa chính trị ở Việt Nam gắn liền với Trung Quốc theo cả hai hướng. Thực tế này cần phải được suy xét thấu đáo trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Bối cảnh xã hội và chính trị trong nước cũng sẽ ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc trong các mối quan hệ song phương với Việt Nam nói riêng và ở châu Á nói chung. Với gần 840 triệu dân (chiếm 62% dân số) trong độ tuổi từ 15 đến 54 - những người hoặc đang trong độ tuổi thanh niên hoặc đã trải qua tuổi thanh niên khi cuộc chiến tranh biên giới 1979 xảy ra - trong đó nam nhiều hơn nữ tới gần 26 triệu, thì ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa có thể bị thổi bùng lên bất cứ lúc nào, không chỉ trên các diễn đàn trực tuyến mà ngay trong chính sách quân sự và đối ngoại của Trung Quốc. Không chính trị gia Trung Quốc nào muốn bị coi là “bạc nhược” trong việc bảo vệ “lợi ích sống còn” của quốc gia, ngay cả khi những lợi ích này không hề có cơ sở pháp lý quốc tế. Hiểu rõ các động lực xã hội và chính trị này của các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể giúp Việt Nam tránh được các cuộc đối đầu đắt giá.
Quan hệ thương mại
Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc quan trọng hơn đối với Việt Nam. Trung Quốc hiện là nguồn nhập khẩu lớn nhất và mới đây vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Kể từ năm 2000, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dao động xung quanh mức 10%. Ngược lại, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 9% vào năm 2000 lên tới gần 28% vào năm 2013.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam chiếm chưa tới 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Kết quả của quan hệ thương mại không cân xứng này là nếu như vào năm 2000, Việt Nam còn xuất siêu nhẹ sang Trung Quốc thì đến năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới gần 24 tỉ đô la Mỹ.
Thoạt nhìn, có vẻ như rất đáng lo ngại khi ngoại trừ sắt thép, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc của cả 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất đều tăng rất nhanh trong thập niên vừa qua (hình 1). Tuy nhiên, ngay cả trong 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất thì mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc cũng không đồng đều (biến thiên từ mức thấp nhất 10,1% đối với chất thải công nghiệp thực phẩm và thức ăn gia súc đến mức cao nhất 41,8% của xơ nhân tạo).
Bên cạnh đó, khoảng ba phần tư hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc ngoài Trung Quốc. Tóm lại, sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc ngày một tăng, và điều này là đáng lo ngại, song mức độ phụ thuộc không đến nỗi làm sụp đổ nền sản xuất trong nước khi có biến cố xảy ra.   
Ở thời điểm này, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm thích đáng đối với các dự án liên quan đến tài nguyên (khai thác bauxite hay thuê rừng đầu nguồn), năng lượng, và những ngành có sự tham gia của nhiều lao động phổ thông Trung Quốc.
Liệu xu hướng gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc có phải là một vấn nạn của Việt Nam? Nó sẽ là vấn nạn nếu thâm hụt có nguồn gốc từ hoạt động thương mại “không công bằng” hoặc do chính sách có chủ đích của Bắc Kinh. Tuy nhiên, có vẻ như với chính sách phá giá đồng tiền hay trợ cấp sản xuất trong nước, Trung Quốc “không công bằng” với cả thế giới chứ không riêng gì đối với Việt Nam. Tất nhiên Việt Nam cũng cần chuẩn bị trước cho tình huống Trung Quốc chủ tâm thao túng nền công nghiệp và thương mại của mình để có các đối sách thích hợp.
Cũng cần nói thêm rằng nếu Bắc Kinh thực sự duy lý thì họ không những sẽ không cấm vận thương mại đối với Việt Nam mà còn tìm cách thúc đẩy cán cân thương mại nghiêng tiếp về phía họ càng nhiều càng tốt. Logic này không nhất thiết áp dụng đối với các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài hay tín dụng thương mại từ Trung Quốc.
Một vấn nạn tiềm tàng khác là nguồn nhập khẩu tư liệu sản xuất quan trọng từ Trung Quốc có thể bị cắt đột ngột khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Ví dụ như nếu nguồn nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc bị cắt thì trong ngắn hạn, chắc chắn việc làm và kim ngạch xuất khẩu trong ngành này sẽ giảm mạnh. Tác động trong trung và dài hạn sẽ phụ thuộc vào tốc độ và mức độ tìm được nguồn cung thay thế, cả trong và ngoài nước. Vì Trung Quốc không phải là nước duy nhất xuất khẩu phụ liệu dệt may - cụ thể là Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 22% thị trường bông, 27% thị trường xơ nhân tạo, và 31% thị trường sợi nhân tạo toàn cầu - cho nên sẽ không quá khó để Việt Nam có thể tìm nguồn cung thay thế. Hơn nữa, vì khu vực FDI ở Việt Nam cũng đã bắt đầu bước vào ngành này nên nguồn cung trong nước sẽ trở nên dồi dào hơn.
Nói tóm lại, mặc dù cần có những biện pháp phòng ngừa cho tình huống xấu nhất - chẳng hạn như bằng cách bắt đầu tìm kiếm và thẩm định một số nguồn cung thay thế, song không nhất thiết phải cắt giảm hay từ bỏ các nguồn cung từ Trung Quốc nếu chúng rẻ hơn hay chất lượng tốt hơn. Logic này cũng áp dụng cho các ngành khác như điện tử, da giày hay xe máy. Cần nói thêm là vì đa số các hoạt động thương mại này là giữa các công ty tư nhân nên ngay cả khi muốn thì Bắc Kinh cũng không thể dễ dàng ra lệnh chấm dứt hoàn toàn hoạt động xuất khẩu, hay ngăn cấm tuyệt đối việc xuất khẩu qua nước thứ ba.
Khoảng 40% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là máy móc và hàng tiêu dùng. Nếu Trung Quốc chủ động giảm xuất khẩu các hàng hóa này sang Việt Nam thì Việt Nam sẽ luôn có thể tìm kiếm các nguồn nhập khẩu thay thế hoặc phát triển năng lực sản xuất nội địa, nhờ đó đa dạng hóa được nguồn cung, đồng thời giảm tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cho đến thời điểm này, những phân tích của chúng tôi mới chỉ nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực của sự phụ thuộc thương mại của Việt Nam vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thế giới càng ngày càng toàn cầu hóa, các mối quan hệ thương mại luôn có tính tương thuộc. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam trong năm 2012 chưa tới 1%, nhưng một số nhóm hàng có tỷ lệ nhập khẩu từ Việt Nam khá lớn, chẳng hạn như trái cây (16,6%), ngũ cốc (19%), rau củ quả (21,7%), cà phê, chè, gia vị (37,2%). Điều này có nghĩa là Trung Quốc cũng sẽ phải trả giá nhất định nếu cấm vận thương mại đối với Việt Nam.
Không những thế, việc cấm vận thương mại của Trung Quốc với Việt Nam (nếu có) còn đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc trên hai phương diện quan trọng. Thứ nhất, đứng trước nguy cơ bị cấm vận, Việt Nam một mặt sẽ phải nỗ lực tăng cường nội lực, mặt khác tìm cách đa dạng hóa thương mại và đầu tư, chẳng hạn như thông qua TPP. Kết quả là Việt Nam sẽ trở nên ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, điều mà Trung Quốc không muốn. Thứ hai, các đối tác thương mại khác của Trung Quốc, nhất là trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ không thể coi Trung Quốc là đối tác thương mại đáng tin cậy được nữa, và do vậy cũng sẽ chuyển hướng thương mại ra khỏi Trung Quốc. 
Tạm kết luận
Trong những năm tới, Việt Nam không thể tránh được một thực tại khách quan, đó là người láng giềng phương Bắc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế Việt Nam. Đối diện với thực tại này, thay vì tìm cách hạn chế quan hệ kinh tế giữa hai nước, một cách khôn ngoan hơn, Việt Nam cần chủ động tăng cường nội lực, đồng thời đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế. Chiến lược này vốn dĩ đã cần thiết ngay cả khi quan hệ giữa hai nước “bình thường” thì lại càng thiết yếu khi quan hệ giữa hai nước trở nên bất thường.
Bài viết này lập luận rằng trên phương diện thương mại (và tương tự như vậy trên phương diện đầu tư), chính sách cấm vận của Trung Quốc (nếu có) mặc dù sẽ gây tổn thất đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên những tổn thất này chủ yếu có tính ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, sức ép buộc phải điều chỉnh sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam dần thoát khỏi tình trạng “bóng đè”, trở nên độc lập và bền bỉ hơn trước mọi cú sốc đến từ người láng giềng phương Bắc. 
Nếu tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục bành trướng, hay Trung Quốc có xu hướng kiểm soát các lĩnh vực thương mại và đầu tư trọng yếu thì Việt Nam cần triển khai những đối sách thích hợp. Ở thời điểm này, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm thích đáng đối với các dự án liên quan đến tài nguyên (khai thác bauxite hay thuê rừng đầu nguồn), năng lượng, và những ngành có sự tham gia của nhiều lao động phổ thông Trung Quốc.
Nói tóm lại, về mặt kinh tế, Việt Nam cần tìm cách để được hưởng lợi từ sự phát triển năng động của Trung Quốc nhưng đồng thời không bị chi phối bởi quy mô và cự ly của nó. Về mặt chính trị, Việt Nam một mặt không muốn Trung Quốc coi mình là mối đe dọa thường trực, nhưng đồng thời vẫn phải tìm cách duy trì sự độc lập và tự chủ. Để gìn giữ độc lập dân tộc, người Việt Nam sẽ phải tìm cách giữ thăng bằng trên một lằn ranh mong manh, dưới bóng đè của người láng giềng khổng lồ đầy mưu tính.



- Bài đăng trên Dân Trí lúc 06:51 ngày 10/06/2014, nhưng đã bị gỡ bỏ: Ts Phạm Sỹ Thành: 70% vốn FDI Trung Quốc nhằm tìm kiếm tài sản chiến lược và chiếm lĩnh tài nguyên (Dân Luận). Mời xem bản cache lưu trên Google.

(Dân trí) - TS.Phạm Sỹ Thành cho biết, với 4,68 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, Trung Quốc đang đứng thứ 14/96 quốc gia, vùng lãnh thổ. Song các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nước.
Liên quan đến mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng hiện nay sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam hồi đầu tháng 5, Phóng viên Dân tríđã cuộc trò chuyện với TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS.Phạm Sỹ Thành - 
TS.Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:




Thưa Tiến sĩ, quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc không chỉ là mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng, mà còn là mối quan hệ với một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, theo ông, đâu là mặt lợi và bất lợi với Việt Nam?

Trung Quốc là nước duy trì được tốc độ tăng trưởng cao gần 10% trong thời gian dài hơn 30 năm và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Với dân số gần 1,4 tỉ người và quy mô kinh tế lớn như trên, Trung Quốc đem lại cơ hội thương mại cho tất cả các quốc gia trên thế giới với nhu cầu thị trường không chỉ lớn mà còn đa dạng về phân khúc. 

Là quốc gia nằm sát với thị trường khổng lồ này, Việt Nam có cơ hội lớn về mặt thương mại khi hàng xuất khẩu của Việt Nam có tính bổ sung đối với thị trường Trung Quốc và hàng xuất khẩu Trung Quốc có mức giá cạnh tranh phù hợp với thu nhập của số đông  người Việt. 

Điều này thể hiện qua con số: Năm 1991, khi hai nước chính thức có quan hệ buôn bán, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ đạt 37,5 triệu USD. Năm 2013, con số này đã tăng lên mức 50 tỉ USD, dự kiến sẽ tăng thành 60 tỷ USD vào năm 2015. 

Quy mô xuất nhập khẩu sang Trung Quốc hiện nay chiếm 1/5 quy mô thương mại hai chiều của Việt Nam, do đó, rõ ràng Việt Nam có những lợi ích nhất định từ việc gắn kết vào kinh tế Trung Quốc và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của quốc gia này. 

Tuy nhiên, vấn đề đối với Việt Nam là trong quá trình gắn kết như vậy với kinh tế Trung Quốc, chúng ta không tận dụng được đầy đủ các lợi ích của sự gắn kết, đồng thời không/chưa có các phương án thay thế trong trường hợp xảy ra rủi ro. 

Việc chưa tận dụng được nhiều ích lợi từ hoạt động thương mại với Trung Quốc thể hiện trước hết ở việc chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc các hàng thô sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này liên quan đến trình độ công nghệ và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam còn rất yếu. 
Việt Nam chưa nhận được những ích lợi từ thương mại với Trung Quốc giống như những gì mà Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Singapore nhận được. 

Tiếp đó, thương mại tiểu ngạch chiếm một tỉ trọng đáng kể trong thương mại với Trung Quốc, không chỉ tác động đến nguồn thuế thu, gây khó khăn cho việc quản lý chất lượng hàng nhập khẩu mà còn tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu của Việt Nam. 

Còn nếu theo con đường chính ngạch, hàng hóa Việt Nam mới chỉ thâm nhập vào các tỉnh ven biên giới như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông mà chưa thể thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc. Điều này cũng trực tiếp làm suy giảm lợi ích từ hoạt động thương mại của Việt Nam. 

Những bất lợi đối với sản xuất của Việt Nam khi phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp mà còn tồn tại cả trong lĩnh vực nông nghiệp. 
Hiện nay 100% cung ứng thức ăn chăn nuôi rơi vào tay các doanh nghiệp Thái Lan, Đài Loan, Pháp, Trung Quốc; 60 - 70% thức ăn cho cá tra và 90% thuốc thú y, thủy sản cũng rơi vào tay doanh nghiệp FDI. Do đó, tác động từ cú "sốc" nguồn cung đối với nông nghiệp có thể còn trầm trọng hơn đối với công nghiệp.

TS.Phạm Sỹ Thành - 

Theo nhìn nhận của ông, sự việc căng thẳng liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ kinh tế song phương? Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc liệu có bị tác động mạnh về sự kiện lần này?

Những căng thẳng liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam có thể gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế của cả hai quốc gia. 

Đối với Việt Nam, điều dễ nhận thấy là thương mại, du lịch, đầu tư FDI và các công trình tổng thầu EPC với Trung Quốc đều suy giảm hoặc bị đình trệ. Sự suy giảm hoặc đình trệ này có những tác động tiêu cực khác nhau đến kinh tế Việt Nam.  

Nếu các nhà thầu Trung Quốc rút về không thi công, hàng chục dự án điện tiền tỉ đô la Mỹ sẽ nằm “đắp chiếu”. Điều này có thể làm gia tăng chi phí công trình. Việt Nam cũng khó có thể mời các nhà thầu khác tham gia hoàn thiện bởi lẽ toàn bộ máy móc, thiết bị và công nghệ dùng để xây dựng vận hành các nhà máy điện này đều là công nghệ Trung Quốc. Trong khi đó Việt Nam dường như chưa sẵn sàng cho việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu Trung Quốc.

Trong lĩnh vực thương mại, không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc của các mặt hàng chủ lực Việt Nam bị suy giảm hoặc ngừng lại (xuất khẩu nông sản đang chiếm 30% trong tổng xuất khẩu sang Trung Quốc), mà còn trực tiếp tác động đến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản do phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu, con giống, thuốc v.v. từ Trung Quốc. 

Đối với Trung Quốc, về thương mại, nhiều mặt hàng xuất khẩu - đặc biệt là nông sản, hàng công nghiệp phụ trợ - có Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Việc rút vốn FDI cũng ảnh hưởng đến cơ hội hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập TPP. 

Ngoài ra, cũng phải kể đến việc tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty xuyên quốc gia đặt tại cả hai quốc gia. Trường hợp Adidas là một ví dụ. Năm 2011, khi xảy ra căng thẳng ngoại giao Nhật – Trung, hãng cung ứng lớn thứ 2 của Adidas trên toàn cầu là Yue Yuen đã phải đóng cửa nhà máy của mình tại Trung Quốc do 40 ngàn công nhân biểu tình. Sau khi chuyển nhà xưởng sang đầu tư ở Việt Nam, nhà máy này tiếp tục gặp tình hình tương tự từ các cuộc biểu tình tại Việt Nam vào năm nay.    

Bộ trưởng Thăng gần đây có phát biểu "sẽ không lệ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc". Nhưng thực tế cho thấy, số lượng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu lại rất lớn. Ông có thể lý giải về điều này và để giảm tình trạng trên, theo ông, Việt Nam cần làm gì?

Để giảm bớt những tác động tiêu cực trong tương lai từ việc các công trình trọng điểm rơi vào tay nhà thầu nước ngoài (không chỉ là nhà thầu Trung Quốc), Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động đấu thầu. Có quy định cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình thi công công trình. Mạnh tay xét xử các vụ án tham nhũng, hối lộ trong các công trình liên quan đến vốn ODA và tổng thầu. 

Một tiêu chí đang được cân nhắc thay đổi khi mời thầu đó là vấn đề chi phí. Hiện các chương trình mời thầu của Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến vòng đời kỹ thuật hơn là chi phí rẻ. Có nghĩa là ban đầu có thể sử dụng công nghệ đắt tiền hơn so với công nghệ mà các nhà thầu mang ra đấu thầu nhưng tổng thời gian sử dụng của công trình và công nghệ sẽ dài hơn.
Bên cạnh đó, việc mời thầu vào các dự án trọng điểm về năng lượng, khai khoáng có thể tính đến việc ban hành danh mục cấm đấu thầu đối với một số nhà thầu nước ngoài. 

Mặc dù vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, việc quản lí tổng thầu vẫn có nhiều khả năng dễ dàng bị lách luật khi trong thực tế vẫn tồn tại hiện tượng nhà thầu Việt Nam “bán lại” hợp đồng cho nhà thầu Trung Quốc sau khi thắng thầu hoặc thầu phụ.

TS.Phạm Sỹ Thành - 

Với Việt Nam, FDI đang là một động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế. Vậy, riêng với nguồn vốn FDI từ Trung Quốc, ông có đánh giá như thế nào? 

Trong số các điểm đến đầu tư, châu Á chiếm hơn 60% tổng vốn FDI của Trung Quốc, nhưng ASEAN chỉ chiếm 7-9% trong tổng số này, còn lại 40-45% vốn vào châu Á của Trung Quốc là đầu tư sang Hồng Kông.

Đáng chú ý nguồn vốn FDI Trung Quốc chủ yếu mang đặc điểm của giai đoạn đầu – đi ra bên ngoài mua tài nguyên và mua kỹ thuật: đầu tư vốn nhưng không chuyển nhà xưởng/nhà máy ra nước ngoài do lao động trong nước – đặc biệt lao động tại khu vực miền Trung, miền Tây còn nhiều; đa phần là doanh nghiệp thương mại có mục tiêu thu mua kỹ thuật và tài nguyên; hầu như chỉ sử dụng lao động Trung Quốc.

Số liệu tính toán của chúng tôi cho thấy 60% số dự án và 70% tổng vốn FDI của Trung Quốc nhằm tìm kiếm các tài sản chiến lược và chiếm lĩnh tài nguyên.

Theo số liệu của bộ Công thương, tính từ 1/1/2013 đến hết 15/12/2013, số dự án đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam được cấp mới là 89 dự án, vốn đăng ký cấp mới là 2,276 tỉ USD. Luỹ kế các dự án còn hiệu lực đến hết ngày 15/12/2013, Trung Quốc đã có 891 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt trên 4,68 tỉ USD, đứng thứ 14 trên 96 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nước (chiếm trên 70% tổng dự án và xấp xỉ 60% tổng vốn đầu tư).

Tuy nhiên, cùng với việc Việt Nam đẩy mạnh đàm phán gia nhập TPP, đã xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào việc xây dựng nhà máy để sản xuất nguyên vật liệu tại Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ TPP. Các nhà máy 100% vốn Trung Quốc tại Nam Định, Hà Tĩnh v.v.. đều xuất hiện trong bối cảnh này.

Điều đáng chú ý là với những ngành như dệt may, da giày, việc đầu tư nhà xưởng của doanh nghiệp FDI sẽ đặt Việt Nam trước thách thức quản lý việc xử lý nước thải công nghiệp bởi những ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp này (như nhuộm, thuộc da v.v.) đều là những ngành có mức độ ô nhiễm nặng nề. 

Ngoài ra, do ưu thế về quy mô, kinh nghiệm hoạt động, việc vốn FDI đổ vào Việt Nam có thể gây nên những tác động tiêu cực đến cấu trúc thị trường của một số ngành. Cụ thể, với những ngành dệt may, da giày v.v. doanh nghiệp Trung Quốc có thể thâu tóm chuỗi sản xuất tại Việt Nam và chiếm lĩnh vị trí chi phối thị trường, khiến thị trường may mặc nội địa trở thành thị trường độc quyền nhóm. Điều này rất khó kiểm soát bởi lẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp ngoài việc thành lập các doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc còn có thể thâm nhập thông qua kênh M&A.

Với việc tham gia TPP, theo ông, Việt Nam liệu có giảm được áp lực trong thương mại với Trung Quốc hay không? Cơ hội, rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam sẽ thế nào khi tham gia những sân chơi mới, trong khi Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đến năm sau (2015) đã có hiệu lực và sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn ngay trên sân nhà?

Việc vốn FDI Trung Quốc “đón lõng” TPP có thể nói là “tái ông thất mã” đối với Việt Nam. Những cái được của sự dịch chuyển luồng vốn này là với khuynh hướng doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư trực tiếp vào một số khâu nguyên liệu đầu vào của các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may (tập trung tại các tỉnh và thành phố như Nam Định, TPHCM) có thể khiến nhập siêu giảm xuống một phần. Nhưng điều này không thay đổi thực trạng lợi ích chủ yếu về mặt kinh tế vẫn rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc thay vì thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Việc đánh giá thực trạng thương mại Việt – Trung theo tôi không quan trọng bằng việc nhìn thẳng vào thực tế ai được lợi từ các hoạt động kinh tế. 

Nhưng suy cho cùng, không có cơ sở nào để khuyến khích việc Việt Nam cứ mãi coi dệt may, da giày, thủy sản v.v. là những ngành xuất khẩu chủ lực của mình. Cái bẫy tự do hóa thương mại khi lợi thế so sánh bị cố định và không có động lực để khai thác các lợi thế so sánh động là điều nguy hại hơn nhiều đối với kinh tế Việt Nam. Do đó, việc gia nhập TPP không chỉ đem lại ích lợi thương mại mới cho quan hệ kinh tế Việt – Trung mà còn đem lại cơ hội đổi mới cho kinh tế Việt Nam nếu tận dụng được cơ hội này để cải thiện chất lượng thể chế, tạo ra những thể chế phù hợp với nhịp độ phát triển của thế giới. 

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp thực hiện

 >>  Dệt may Việt khó giảm lệ thuộc vào Trung Quốc 
 >>  Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam tự lệ thuộc Trung Quốc thế nào? 
 >>  Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất thoát khỏi lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc


- Cấm nhà thầu quốc doanh đấu thầu mới ở VN, TQ sử dụng lá bài kinh tế? (Sea Times). - Bộ trưởng Thăng: Không ngại việc Trung Quốc cấm DN vào Việt Nam (DT). – Nếu Trung Quốc cấm đấu thầu ở Việt Nam là tự làm khó mình (NLĐ). – Rút nhà thầu, Trung Quốc chịu thiệt đầu tiên (TN).

-'Xem lại ảnh hưởng TQ ở VN'
Việt Nam cần xem lại ảnh hưởng của Trung Quốc sau diễn biến đối đầu vì vụ giàn khoan trên biển, theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành.
Ông Thành là một nhà tài chính người Mỹ gốc Việt đã trở về sống tại Việt Nam.


Các bài liên quan

Dân mạng TQ lo lắng bạo động ở VN
Thủ tướng VN 'bàn về Biển Đông ở Manila'
Việt – Trung ‘vẫn khác quan điểm’

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 20/5, ông Thành cũng cảnh báo rằng lợi ích của thế giới đối với Trung Quốc sẽ khiến không nước nào đứng ra giúp đỡ Việt Nam trong tranh chấp hiện nay.
Theo ông Thành, đây là lúc chính phủ Việt Nam cần phải dựa vào nhân dân để bảo vệ chủ quyền và cần tỏ ra tỉnh táo để tránh xung đột dẫn đến chiến tranh.
BBC:Trong hai tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã có nhiều biến động trước căng thẳng trên Biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về tác động của tranh chấp trên biển đến nền kinh tế Việt Nam?
Kinh tế gia Bùi Kiến Thành: Thị trường chứng khoán chỉ phản ánh phần nào tâm lý lo lắng rằng bất ổn chính trị có thể dẫn tới bất ổn an ninh, bất ổn trong phát triển kinh tế.
Bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của các doanh nghiệp trong nước, và vì vậy, vấn đề dài hạn ở đây là các doanh nghiệp sẽ phát triển thế nào.
Trong hai ba năm nay, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc làm ăn, phát triển. Mà những khó khăn đó không phải là do nước ngoài mà do chính sách về tiền tệ của Việt Nam, lãi suất quá cao, có lúc lên đến hơn 20%, giết chết hết doanh nghiệp.
Hiện nay ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam ở trên diện rộng hơn chứ không phải chỉ là vấn đề giàn khoan trên biển.
Ví dụ như trên phần lục địa, không biết vì lẽ gì Việt Nam cho Trung Quốc thuê hàng trăm nghìn hécta dọc biên giới Trung-Việt. Vấn đề đó có lợi gì về kinh tế, có hại gì cho quốc phòng?
Việt Nam cho Trung Quốc thuê hàng chục km dọc bờ biển Hà Tĩnh và cả vùng cửa khẩu Vũng Áng. Từ Vũng Áng ngó qua Hải Nam không bao xa, nếu ngày nào đó, Trung Quốc đưa một hạm đội từ Hải Nam sang Vũng Áng thì cả Vịnh Bắc Bộ sẽ không giao thông được nước ngoài, không giao thông được với miền Nam Việt Nam, bị biến thành một cái hồ của của Trung Quốc.
Cả một vùng biển có giá trị chiến lược như thế để cho Trung Quốc thuê là thế nào?
Cán cân mậu dịch giữa hai nước nghiêng về hướng thặng dư xuất khẩu cho Trung Quốc rất nhiều.
Chúng ta rất lệ thuộc vào Trung Quốc về vấn đề nhiên liệu sản xuất. Sản xuất hàng may mặc bao nhiêu chục tỷ đôla nhưng đa phần là vật liệu từ Trung Quốc.
Trung Quốc cũng trúng thầu tất cả những nhà máy điện lớn nhất tại Việt Nam. Tất cả những chuyện đó phải bình tĩnh xem lại rằng chúng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, kinh tế Việt Nam như thế nào.
BBC: Ông từng cảnh báo về những mối nguy khi Việt Nam lệ thuộc quá nhiều về phía Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tạo áp lực về kinh tế với Việt Nam lúc này, Hà Nội sẽ phải xoay sở thế nào, thưa ông?
Kinh tế gia Bùi Kiến Thành: Những doanh nghiệp Việt Nam đang yếu như thế, cả trăm nghìn doanh nghiệp chết, số còn lại đang cố gắng hồi phục.
Nếu Trung Quốc chiếm đoạt, thu gom những doanh nghiệp đang yếu thế của Việt Nam thì chúng ta sẽ làm thế nào? Hay nếu đầu tư vào những ngành mà Việt Nam không theo nổi thì sẽ làm như thế nào.
Phải xét lại nền kinh tế Việt Nam mạnh yếu chỗ nào và những điểm yếu sẽ dễ bị Trung Quốc khai thác thế nào.
Đó là điều mà các cơ quan nhà nước cần làm lúc này.

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng chính phủ phải dựa vào nhân dân lúc này để bảo vệ chủ quyền
BBC: Giá đôla và giá vàng đã tăng mạnh trong những ngày qua, biểu hiện cho tâm lý lo ngại bất ổn của người dân. Theo ông thì điều này có tiếp tục kéo dài trong trung hạn hoặc dài hạn?
Kinh tế gia Bùi Kiến Thành: Lâu nay hình ảnh của Việt Nam vẫn là nơi yên bình để đầu tư và phát triển. Các cuộc bạo động đã phá vỡ hình ảnh đó.
Ngoài ra, vấn đề biểu tình hỗn loạn như thế thì có tính chất truyền nhiễm, đi tới những vấn đề bất an khác, không chỉ chống Trung Quốc mà quay lại chống chính quyền thì sao?
Phải cố gắng đừng xảy ra bạo động để tránh bất ổn về an ninh và phải làm sao để dân chúng có tinh thần yêu nước cao và hiểu rằng việc làm của mình có ảnh hưởng thế nào đến an ninh quốc phòng.


"Phải cố gắng đừng xảy ra bạo động để tránh bất ổn về an ninh và phải làm sao để dân chúng có tinh thần yêu nước cao và hiểu rằng việc làm của mình có ảnh hưởng thế nào đến an ninh quốc phòng."


Bùi Kiến Thành

Nếu giả sử Trung Quốc đánh Việt Nam như 1979 thì sẽ ra sao, dân chúng có đứng lên đánh lại Trung Quốc như thời nhà Trần hay Lê Lợi hay không?
Những người yêu nước đều nói rằng dân là tất cả, có dân thì chống lại được ngoại xâm, không có dân thì rất nguy hiểm. Hiện giờ chúng ta có dân hay không, làm sao xây dựng tinh thần có dân để chống ngoại xâm đây?
Đừng nghĩ rằng khi nào Trung Quốc đánh Việt Nam thì thế giới sẽ bênh vực và cứu Việt Nam. Không bao giờ có chuyện đó. Không bao giờ có cường quốc nào khởi động một ngón tay nào mà cứu Việt Nam đâu.
Đừng nghĩ rằng những chính sách ngoại giao thế này thế nọ thì thế giới sẽ bảo vệ Việt Nam. Quyền lợi của thế giới với Trung Quốc so với quyền lợi của thế giới với Việt Nam thế nào?
Giờ có muốn giúp đi nữa thì sẽ làm gì? Nước Mỹ có gửi quân qua để cứu Việt Nam không? Không có chuyện đó và chúng ta cũng không cần chuyện đó, rất nguy hiểm.
Chúng ta phải rất tỉnh táo, phải làm sao để một mặt có sự hợp tác với Trung Quốc, một mặt tránh xung đột đưa tới chiến tranh, đó là việc phải làm.

-
'Nước ngoài sẽ không giúp đỡ VN'

Tổng số lượt xem trang