-Son Tran
MƯỜI BA NGỌN ÐUỐC
( Thơ Vĩnh Nhất Tâm)
Mười Ba Ngọn Ðuốc ghi trang sử
Một nước hùng anh rạng cõi Ðông
Dù đã thăng trầm qua mấy bận
Quyết không hàng giặc bỏ non sông
Bước đi dõng dạc, chân xiềng xích
Máy chém đầu rơi, phụt máu đào
Vừa lúc ánh dương bừng thức dậy
Hào quang lưu mãi đến ngàn sau.
Ðã non thế kỷ không ngưng nghỉ
Từng lớp... vì dân đổ máu đào
Tiếp tục đấu tranh vì chính nghĩa
Tinh thần YÊN BÁI dưới trời cao.
NHỮNG NGƯỜI BẤT TỬ:
1- Nông Dân: BÙI TƯ TOÀN
2- Binh Ðoàn Yên Bái: BÙI VĂN CHUẪN
3- Binh Ðoàn Yên Bái: NGUYỄN AN
4- Thợ Hồ: HÀ VĂN LẠO
5- Binh Ðoàn Yên Bái: ÐÀO VĂN NHÍT
6- Binh Ðoàn Yên Bái NGÔ VĂN DU
7- Binh Ðoàn Yên Bái: NGUYỄN ÐỨC THỊNH
8- Binh đoàn Yên Bái: NGUYỄN VĂN TI ỀM
9- Binh đoàn Yên Bái: ÐỖ VĂN SỨ
10- Binh đoàn Yên Bái: BÙI VĂN CỬU
11- Học Sinh: NGUYỄN NHƯ LIÊN
12- Nhà Cách Mệnh: PHÓ ÐỨC CHÍNH
Người Thứ 13: NGUYỄN THÁI HỌC, được thực dân dẫn từ nhà giam ra lần thứ 13. Người anh hùng dân tộc ấy với bộ râu quai nón, mỉm cười, đưa cặp mắt sáng quắc nhìn bốn phía, nghiêng mình chào đồng bào lần cuối cùng; hô to “VIỆT NAM MUÔN...” thì Công sứ De Bottini vẫy tay lần thứ 13, đầu NGUYỄN THÁI HỌC rơi.
( Vĩnh Nhất Tâm)
Nguyên nhân chính thất bại của cuộc tổng nổi dậy Việt Nam Quốc Dân Đảng, do thiếu phương tiện liên lạc và lực lượng cách mạng còn yếu so với quân đội của thực dân Pháp.
Ngày 20 tháng 2 năm 1930, Ðảng Trưởng Nguyễn Thái Học bị bắt tại làng Cổ Vịt. Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học cùng 12 liệt sĩ lên đoạn đầu đài tại pháp trường Yên Báy. Nữ ÐC Nguyễn Thị Giang, người yêu của NTH tuẫn tiết theo Ðảng Trưởng một ngày sau đó. Trên 30 đảng viên bị thực dân xử chém sau đó, hàng ngàn đảng viên khác bị tù khổ sai và lưu đầy biệt xứ...Mười ba liệt sĩ lên máy chém thực dân 5 giờ 35, sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930 . Các anh hùng VNQDĐ trước khi máy chém rơi xuống đều hô to : "Việt Nam Vạn Tuế, Việt Nam Muôn Năm". Riêng ông Phó Ðức Chính còn đòi nằm ngửa để nhìn lưỡi máy chém rơi xuống đầu mình.
Nguyễn Thái Học người cuối cùng bước lên máy chém, ông mỉm cười nhìn công chúng và binh lính. Sắc mặt thản nhiên đọc thơ bằng tiếng Pháp nói lên lòng yêu nước, chết cho Tổ quốc đó là số phận đẹp đẽ nhất..
Mourir pour sa patrie
C’ est le sort le plus beau
Le plus digne d’ envie…
Các anh hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, thân xác và máu họ đã thấm vào lòng đất mẹ, đễ tên tuổi đi vào lịch sử và trường tồn với thời gian. 84 năm đã qua, lòng người dân Việt luôn ghi nhớ đến công ơn của những đoá hoa máu của đầu thế thế kỷ 20 đã vị quốc vong thân vì chữ Độc lập, Tự Do và Hạnh Phúc.
Dòng lịch sử vẫn lạnh lùng trôi sau ngày Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí trở thành những anh hùng bỏ mình vì nước. Thực dân và tay sai thở phào vì Nguyễn Thái Học đã chết. Nhưng có thực là Nguyễn Thái Học đã chết? Trong một cách nhìn nào đó, cuộc đời của ông đã bị đứt đoạn lúc 28 tuổi tại pháp trường Yên Báy, nhưng từ các con sông, rặng núi, đến bờ đất, lũy tre của đất nước đâu đâu chẳng phảng phất hào khí Nguyễn Thái Học, ông đã nằm xuống nhưng lại sống mãnh liệt trong các thế hệ nối tiếp đã và đang ngẩng mặt hiên ngang đi trên con đường đấu tranh vì dân vì nước.
Tưởng Niệm Nguyễn Thái Học
Nguyễn Phan An
Yên Bái đầu rơi một sớm nào.
Lòng son ngời sáng với trăng sao…
Vì dân dựng Đảng, ôi! Xương trắng,
Vì nước ra công, hỡi! Máu đào!
Cách mệnh chưa thành! Sông núi khóc,
Tài mưu sớm thác! Gió mưa gào.
Hai mươi tám tuổi “thành nhân ấy”,
Trang sử ngàn thu đã bước vào.
Một nén hương lòng tưởng nhớ những anh hùng đã chết để quê hương và dân tộc trường tồn.
Các bạn cần tham khảo về ngày TANG YÊN BÁI và các anh hùng dân tộc của VNQDĐ, xin mời vào link:
http://kimanhl.blogspot.de/
Bichthuy Ly
9.6.2014