Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Sự Hấp Dẫn Của Nền Kinh Tế Pháp Trị: Hạ viện Mỹ thông qua quyết định khởi kiện Tổng thống Obama

-Quê Hương Hoa Kỳ
Tác giả: Lệ Hoa Wilson – Theo Nguyễn Hiệp – 2 Aug 2014
america
(Phần Một)

Việt Nam
1972
Chúng tôi gặp nhau và thành hôn năm tôi 30 tuổi, đã một lần ly dị và có hai đứa con.Ông xã thì cũng 30 tuổi và còn là trai tơ. Khi bà chị biết chúng tôi muốn làm đám cưới, bà nói thẳng thắn: “em ơi, một khi lấy Mỹ thì sẽ bị người ta cười chê thúi đầu, vậy sao không lựa  một thằng tóc vàng, mắt xanh, cao lớn, đẹp trai để bù lại mà lại đi lấy một thằng tóc đen, mắt nâu, hơi lùn nữa, vậy được cái gì?”.
Tôi nhìn người chị, buồn bã nói : “Chị Hai ơi, em đã có hai đứa con rồi. Thật khó khăn khi em phải vừa kiếm chồng cho em vừa kiếm cha cho hai đứa nhỏ. Ảnh thương em và đối với hai đứa nó thật tốt. Mấy người khác  chỉ thương em mà thôi, không cần hai đứa nhỏ!”
Và quả nhiên Trời Phật cũng thương cho những nỗi bất hạnh mà tôi đã nếm trải trong đời nên đã cho tôi không những một người chồng mà còn là một người cha và là một người ơn nữa.
………
1975
Tôi về nhà và cả nhà bắt đầu khóc. Tôi đi lên đi xuống thang lầu, mở các hộc tủ ra  rồi đóng lại, ra sân thượng nhìn chậu cúc héo queo, xuống nhà bếp ngồi lên bộ ván ngựa,vô nhà tắm rờ rờ cái lon múc nước, ra phòng khách nằm lên võng đưa kẽo kẹt… Tôi như người mộng du, làm tất cả những hành động vô nghĩa đó với tiếng khóc hụ hụ.
Ba giờ chiều tôi gọi điện thoại cho vị đại tá biết là vì tôi bị xúc động nên đã động đến cái thai. Hiện giờ tôi đang ra huyết và bác sĩ cấm không cho tôi di chuyển cho đến ba ngày sau. Dĩ nhiên vị đại tá không dám giỡn vói tánh mạng người khác nên phải đồng ý cho tôi thêm ba ngày nữa.  Tôi không nghĩ là sau ba ngày đó tôi còn có đươc một giọt nước mắt nào nữa trong cuộc đời.
Ba má tôi không đi vì tôi có người anh đi tập kết: ông bà chờ sự trở lại. Anh rể tôi không đi vì là sĩ quan cộng hoà: sợ mang tội trốn lính.  Chị tôi không đi vì theo chồng.
Ba đứa cháu trai theo tôi vì sợ sẽ phải bị đày đi lính. Một đứa cháu gái theo tôi vì sợ sẽ bị gả ép cho thương phế binh.
Vì thế ba ngày sau tôi mang một bụng bầu tám tháng và bảy đứa nhỏ lên phi trường. Vị đại tá nhìn tôi như nhìn con quái vật:
“Xin lỗi bà, theo giấy tờ thì tôi chỉ có quyền cho bà và ba đứa con của bà đi. Hiện tại bà có tới bảy đứa! tôi thật không thể giúp bà”
Khi người ta phải phấn đấu cho sự sống chết thì can đảm và khôn ngoan ở đâu bất chợt hiện ra.
Tôi nhẹ nhàng nói:
“Tôi hiểu thưa đại tá. Tôi không trách ông. Nhưng đây là những đứa cháu tôi nuôi từ nhỏ giống như con tôi vậy. Nếu ngài không cho chúng đi thì mẹ con  tôi cũng xin ở lại.”
Vị đại tá bối rối nhìn tôi. Có lẽ ông đã biết rằng rồi thì VN sẽ mất, rồi thì một làn sóng người sẽ cuồn cuộn ra đi. Sớm một vài ngày, bốn đứa trẻ nầy có thấm gì đối với số người đang rần rộ chen lấn ngoài kia. Ông thở dài, ngồi xuống ghế ký cái công văn eight months pregnant  wife and seven children of US citizen need to be evacuated rồi đưa cho tôi. Chúng tôi theo dòng thác  người nhớn nhác ra đi.
Tôi sẽ không kể lể dài dòng về cuộc di tản của chúng tôi tuy rằng với cái bụng bầu 8 tháng, 7 đứa nhỏ  từ hai tới mười ba tuổi, không một người đàn ông bên cạnh thì chuyến hành trình nầy không phải là một cuộc du lịch nhàn hạ. Nhưng so với những khổ não, những đau thương, những thảm cảnh mà đồng bào ta gánh chịu sau nầy với các cuộc vượt biên thì thật nó chẳng thấm tháp vào đâu.
(Phần Hai)
Hoa Kỳ
Chúng tôi tới Camp Pendleton ngày 15 tháng 5 năm 1975. Anh đang đóng quân ở  Ferndale, một tỉnh lẻ nhỏ nhắn hiền hoà chỉ có bảy ngàn dân, cách San Francisco  sáu tiếng đường xe về hướng bắc. Lúc đó chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Sô vẫn tồn tại nên đây là một căn cứ hải quân rất quan trọng nằm trên một ngọn đồi cao ngó ra biển. Các đài radar tối tân được đặt cùng khắp để theo dõi các tàu ngầm xâm phạm bất hợp pháp vào hải phận Mỹ và California.
Khí trời California lúc đó  là 75 độ mà mọi người lạnh cóng.  Đêm thứ hai tại camp, anh lái xe một lèo 16 tiếng để đến đón mẹ con tôi. Mười một giờ khuya một người lính Mỹ đến lều để dẫn tôi lên văn phòng nơi anh đang làm thủ tục.
Bạn có biết lúc đó tôi giống ai không?
Không Giống Ai Hết!
Camp Pendleton
Đây là một người đàn bà 36 tuổi, tóc hơi dính chùm lại vì cát bụi, mặt hõm vào, gò má bị nám, mặc một cái áo dài xanh bên hông chỉ gài được một nút ở dưới nách vì thai bụng quá lớn, ngoài khoác một áo bầu thùng thình màu trắng, đầu trùm cái mền xám cột thắt dưới cằm, chiều dài mền thả phấp phới sau lưng. Le lói hơn nữa là người lính Mỹ trẻ thấy tôi run cầm cập nên cởi cái áo lính trận ra, trước mặt đầy những túi để dao găm, lựu đạn v…v và trùm lên tôi. Tôi bước vào căn lều. Bàn làm việc nằm cuối phòng và anh đang đứng cúi xuống ký giấy tờ.
Chưa bao giờ trong đời tôi lại bước những bước chân nhẹ nhàng, nặng nề, tủi hổ, hoang mang, giải thoát, run sợ như lúc đó. Đây là lúc bắt đầu cho những ngày tươi sáng với xum hợp thương yêu, với nhà lầu chọc trời, với ngựa xe rộn rả, với tương lai đại học hay là lúc chấm dứt cho dòng sông Hậu hiền hòa với hàng dừa nặng trái, lúc từ giã những hàng me xanh thân yêu Trần Quý Cáp,  lúc quay lưng lại với bến Ninh Kiều đằm thắm xinh tươi, lúc quì lạy cha mẹ quê hương nói lời vĩnh biệt?
Tiếng bước chân tôi làm anh quay lại. Anh bước tới ôm lấy tôi. Tôi cố gắng để khỏi ngất đi, quì xuống sàn nhà, tay ôm lấy mặt và nghẹn ngào: “Oh My God honey, I lost my family, I lost my country, I lost everything!” rồi tôi khóc nức nở. Anh quì xuống ôm đầu tôi. Anh cũng khóc. Tất cả người Mỹ trong phòng đều rưng rưng.
Ngày 13 tháng 6 năm 1975 tôi sanh cháu Jimmy. Tháng 9 tựu trường, tôi gởi hai đứa nhỏ nhất cho cô bạn,đi làm phụ giáo lớp một trường tiểu học Ferndale, hai đô la rưởi một giờ.
Hè 1976, tôi đứng bán hot dog trong hội chợ và ba thằng lớn thì đi dọn rửa phân ngựa trong trường đua. Lúc đó chánh phủ Mỹ còn giàu nên cứ hai năm là các quân nhân được dổi tới một trạm binh khác. Tôi thấy tụi nhỏ rất buồn và sợ rằng sự dời chỗ thường xuyên sẽ làm tụi nó hụt hẫng vì xa bạn nên khuyên anh giải ngũ. Và chúng tôi dọn xuống miền nam California, tỉnh La Habra.
Tôi thì để tất cả sự nghiệp lại ViệtNam, anh thì trước khi biến cố ViệtNam xảy ra, đã bị thua lỗ tất cả vốn liếng trong một vụ hùn hạp mở tiệm in với một nhóm dân sự nên chúng tôi hoàn toàn… sạch sẽ.  Khi đi mướn nhà ở đường Dexford, La Habra,  chúng tôi chỉ dẫn theo bốn dứa nhỏ nhất, hai trai hai gái. Chủ nhà là một người đàn ông Mỹ dễ thương, khi biết anh vừa giải ngủ thì rất vui vẻ nói:
“Ô, căn nhà nầy có ba phòng lớn, thật là lý tưởng cho gia đình ông bà với hai trai hai gái. Tôi rất vui lòng cho ông bà mướn”.
Chúng tôi dở khóc dở cười. Anh là người ít nói và chậm chạp nên tôi bèn duyên dáng cười cười nhìn ông:
“ Thưa ông, nếu tôi nói với ông là chúng tôi có tám đứa con thì ông có tin chúng tôi không?”
Lần nầy thì chủ nhà nhìn chúng tôi dở khóc dở cười. Ông ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
“Thôi được, tôi đồng ý cho ông bà mướn. Mỗi tháng tôi sẽ đích thân đến thâu tiền nhà. Hy vọng là mọi sự sẽ tốt đẹp”.
Ông đâu có biết rằng tên tôi là Lệ Hoa nghiã là một bông hoa mỹ lệ, đẹp đẽ chớ chẳng phài là nước mắt của hoa nghe bạn. Vì thế tôi thích trồng bông, thích vườn tược. Tôi sanh ra và lớn lên ở Cần Thơ, bà con sống ở Ô Môn, Thới Lai , Phong Điền, Cờ Đỏ nên mỗi mùa hè chị em tôi thường về vườn đi cầu khỉ, chèo ghe, bắt ốc gạo, hái vú sữa. Cái chất vườn nam bộ đã ăn sâu vào máu tôi nên hiện giờ nhiều người còn cho rằng tôi không có vẻ gì là văn minh như người ViệtNam sống ở Mỹ. Biết sao!
Sau khi dọn vô, tôi và các con hì hục cuốc đất, đổ phân và biến cái sân trống rỗng của ông thành ra một cái vườn đầy hoa vạn thọ (đây là để honor má tôi vì bà rất thích bông vạn thọ). Tháng sau khi ông tới thu tiền nhà thì ông ngẫn ngơ và phán một câu “Tôi không cần phải tới tận nhà thâu tiền nữa, bà cứ viết check gởi cho tôi là được. Cám ơn bà về những bông vạn thọ.”
Một vài người quen xúi tôi xin đi làm waitress vì nghề nầy tiền lương chẳng bao nhiêu nhưng tiền tip thì …ăn chết không hết. Trời ơi tôi nghĩ tới cái viễn cảnh , anh sẽ đi làm, tôi sẽ đi làm lại còn tiền hưu trí từ quân đội nữa thì quả nhiên là… ăn chết không hết! Tôi vội vàng vác đơn tới tiệm Red Lobster gần nhà xin việc. Người manager hỏi bà có làm waitress bao giờ chưa? Dạ chưa. Bà có khi nào làm chủ nhà hàng chưa? Dạ chưa. Cứ bà có bà có bà có…,  dạ chưa dạ chưa dạ chưa… và thế là tiền ăn chết không hết chỉ là mộng ảo.
Tôi mua tờ báo thấy rao là “Chương trình CETA của chánh phủ sẽ trả tiền trường cho một năm học để giúp bạn học các nghề văn phòng  như thơ ký, kế toán, phụ tá hành chánh  v.v… Mỗi tuần chương trình sẽ tặng bạn bốn chục đô để di chuyển và sau khi tốt nghiệp sẽ kiếm việc làm cho bạn…”. Tôi nói với anh đây chắc hẳn là một sự lường gạt vì làm gì lại có sự tốt đẹp như thế. Anh thì  lớn lên đã nhập ngũ, phần nhiều thời gian nếu không lang thang trên biển cả thì cũng đóng quân ở một xứ khác ngoài Mỹ nên đối với xã hội dân sự cũng có chút bỡ ngỡ. Tôi hăng hái tới cơ quan xin vào chương trình thơ ký. Người phụ trách chương trình thấy tôi là người tị nạn, chồng lại là cựu quân nhân, hình dạng có vẻ nghèo nên thương tôi. Sau  khi nói chuyện và đọc cho tôi viết một đoạn anh văn , bà nhận tôi vào chương trình thơ ký. Khi tôi lui cui làm giấy tờ, bà dịu dàng hỏi:
“Bà có giỏi toán không? Làm nhân viên kế toán thì nhiều lương hơn thơ ký thường và rất dễ kiếm việc làm.”
Tôi không dám trả lời vì không biết “toán” của bà thuộc về loại gì nên ngập ngừng:
“Dạ tôi cũng không biết chắc.”
Bà lấy ra một bài thi toán đưa cho tôi. Ái dà, bà ơi. Có phải là bà đang chà đạp cái trường Gia Long của tôi không? Tôi là học sinh đệ nhất A đây nha bà, dù tôi không được như bà Dương Nguyệt Ánh ngày nay phát minh ra cái gì là bom tìm nhiệt  thì ba cái 25% của 100 là bao nhiêu, 1/3 của 75 có lớn hơn 2/3 của 40 không v.v.. là cái chuyện nhắm mắt cũng trả lời được.
Một năm sau tôi được giới thiệu vào làm cho công ty nhà hàng Dennys, bộ phận kế toán xuất nhập.
Làm việc bảy năm tại Dennys tôi đã học được biết bao điều về gia đình, xã hội, dân tình Mỹ. Trong những buổi ăn trưa tôi học đan áo, học móc khăn, học cách nấu món ăn Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, học cách dạy con, cách đối xử với chồng, học cách không bao bạn ăn để rồi kể lể khi giận hờn nhau,  mà mạnh ai nấy móc túi trả phần mình và tình bạn thì không bao giờ sứt mẻ.
Những người bạn ngoại quốc mới nầy giúp tôi hoàn thiện ngôn ngữ, hiểu rõ những tiếng lóng, sử dụng thành thục những thành ngữ, trả lời điện thoại một cách chuyên nghiệp. Giúp tôi biết nói cám ơn với con cái. Biết dằn lòng không mở thư của chúng ra kiểm soát. Biết chỉ dẫn chúng tự thực nghiệm cuộc đời hơn là bao che lầm lỗi. Biết nói xin lỗi khi phạm phải sai trái.  Biết văn minh không phải là mặc áo hở ngực hở mông mà là tuân thủ theo hiến pháp. Biết tự do không phải là mạnh ai nấy làm mà là kính trọng nhân vị của chính mình và của đồng loại. Biết thành công là nhờ vào sự mẫn cán, học hỏi, cầu tiến chớ không nhờ vào nịnh bợ lấy lòng. Biết các sắc dân khác cũng đầy thương yêu và nhiều đau khổ. Biết kính trọng người Mỹ đen. Biết thương yêu người Mễ nghèo. Họ cười lăn lóc với cái accent Á đông của tôi nhưng họ không chê tôi dốt nát. Họ chỉnh sửa lại những tiếng tôi dùng sai trật nhưng không có ý khinh khi. Họ không đánh giá tôi cao vì tôi đến từ gia đình trưởng giả như tôi khoe khoang. Họ không nhìn tôi thấp kém vì tôi thuộc third world country như báo chí thường đăng tải. Họ nhìn tôi giống như họ, một người vợ, một người mẹ đang cố gắng kiếm tiền một cách lương thiện để giúp chồng nuôi dạy đàn con.
Chín muơi phần trăm nhân viên kế toán là đàn bà. Đây là những bà mẹ, bà vợ ban ngày làm toàn thời gian, chiều về nấu ăn chăm lo con cái, cuối tuần giặt giũ, lau chùi nhà cửa, dạy con làm bài tập, đi chợ, đi chơi với gia đình.  Họ sống bình thường mà còn giỏi hơn tôi là đằng khác.Vậy mà khi xưa tôi cứ nghĩ đàn bà Mỹ là đồ bỏ. Tôi mang tội khinh người.  Khi ở ViệtNam tôi ít khi nào giặt quần áo cho tôi, cho chồng, cho con. Tôi chưa khi  nào lau chùi cầu tiêu, thức khuya dậy sớm cho con bú, kiểm soát từng bài văn điểm toán cho con. Tất cả đều có anh tài xế, chị vú, anh bồi, chị bếp, cô giáo dạy kèm. Biết bao người đã than trời trách đất rằng sống ở đây sao mà cực quá, xã hội gì mà sướng đâu không thấy chỉ thấy  cái gì cũng tự mình làm, thời gian hưởng thụ chẳng bao nhiêu mà làm việc thì quay tròn như chong chóng chẳng lúc nào ngừng. Cực ơi là cực.  Chỉ chăm chăm muốn về ViệtNam hưởng thụ.
Bạn ơi, bạn hãy dừng chân một bước. Bạn hãy mỉm cười cầm từng món đồ dơ bỏ vào máy giặt, nhìn vết bẩn trên chỗ đầu gối và hình dung lại gương mặt mếu máo đáng yêu của  con nhỏ khi té quị xuống bải cỏ,  nhớ lại ánh mắt chờ mong  tin tưởng của con khi mẹ đến đỡ lên. Bạn hãy nhìn cả nhà húp xột xoạt chén canh bầu, cùng chia nhau miếng sườn nướng, cuộn chả giò. Bạn hãy cúi xuống đứa bé đang nở nụ cười ngây thơ chờ mong bình sữa bạn đang đu đưa trước mặt. Bạn hãy vừa xào món tàu hủ vừa trả lời thằng con đang cắm cúi làm bài tập bên kia bàn là  Los Angeles không phải là thủ phủ của California con ơi. Thủ phủ của CA là Sacramento hoặc   square of three is not three, its nine. Và năm phút sau đứa con vui vẻ đứng dậy: “Thank you mom( or dad). My home work is done”.
Đây mới chính là lúc bạn  sống, là lúc mà bạn xuyên thủng qua lớp giáp để linh hồn và huyết nhục bạn và gia đình cùng hoà quyện vào nhau. Đây chính là lúc hột mè trí tuệ nảy nở trong các con do bạn gieo xuống, lúc hạt giống tình yêu thẩm thấu vào linh hồn chúng do bạn cày cấy vào.Chúng sẽ lớn lên với ân cần bạn gởi vào chén cơm, với giúp đỡ bạn xẻ chia  trong bài tập, với thương yêu bạn vuốt thẳng áo quần, với mồ hôi bạn chảy dài trong trận đấu.Và vợ chồng bạn có cùng một trận tuyến, cùng một hướng nhìn.
Trong suốt mấy chục năm  sống trên đất Mỹ tôi thỉnh thoảng bị kỳ thị chung bởi những người lạ vì tôi  là người Á đông nhưng chính bản thân tôi,  tôi chưa hề gặp sự kỳ thị nào có lẽ vì tôi đã sớm hoà nhập vào xã hội nầy, tôi quên bỏ cái ý tưởng tự cao, nhìn cái gì của người cũng cho là không bằng ViệtNam. Đàn ông, đàn bà, ấm thực, ngôn ngữ, văn hoá, phong tục, đối xử, giáo dục, gia đình… cái gì Mỹ cũng thua ViệtNam hết, đừng cho con cái giao thiệp thân mật với trẻ con Mỹ mà bị hư, không dạy được! Tôi thì nghĩ là không có khu vườn nào hoàn toàn, không có ít nhiều cỏ dại. Tôi thành thật học hỏi, công bình so sánh, loại bỏ điều xấu, áp dụng điều tốt và biết ơn những bài học mới mẻ, những đối xử nhân đạo, những giúp đở trân quí mà tôi và gia đình đã hưởng nhận. Và khi quì trước mặt đấng tối cao, lòng tôi thanh thản khi tự biết mình là một người biết ơn và trả ơn với tất cả trái tim.
Tôi đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen tối. Tôi đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo hạt. Tôi đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ để chăn nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước nầy, dân tộc nầy với một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ không coi đây chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho một khung trời đã mất, mơ tưởng  về một dĩ vãng đã tàn phai. Tôi sẽ hòa vào các chủng tộc khác nhau, rơi lệ khi thấy tòa nhà chọc trời sụp đổ, đau thương khi nhìn xác lính được chở về, hân hoan khi nghe bài quốc ca trong các cuộc tranh tài. Tôi sẽ dạy các con cùng tôi nhận nơi nầy làm quê hương, sẽ đem tất cả khả năng lao động hay học vấn đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia nầy.
Thay vì trồng  cây cổ thụ tạm thời  trong một cái chậu nhỏ để nó chỉ được lớn èo uột trong bóng râm, tôi và gia đình  muốn  đào một hố sâu, đổ đầy phân  bón, tưới tẩm nó với tất cả ân cần, săn sóc nó với tất cả sức lực để cho rễ mạnh nó ăn sâu vào lòng đất, cho tàn xanh nó tỏa rộng khắp không gian. Chúng tôi không tạm dung. Chúng tôi mọc rễ và yêu thương quê hương nầy.  Rồi một ngày nào đó, ở bên kia góc trời có cần tới một bóng mát bình an, chúng tôi sẽ chiết bớt một nhánh cổ thụ đem về…
Chúng tôi chỉ có thể làm như thế khi chúng tôi nhận nơi nầy làm quê hương.

-
-Thùy Trang Còn Đi Mỹ Làm Gì?
Sina Weibo 2014/07/30
****
*
Mạng xã hội Sina Weibo
chuyển ngữ : Nguyễn Đại Hoàng:
Xuất hiện lần đầu tiên trên mạng xã hội Sina Weibo (Trung cộng), bài viết này đã nhận được hàng chục ngàn chia sẻ và bình luận. Nội dung tưởng như châm chích cười cợt mỉa mai nước Mỹ như một quốc gia ngu ngốc, sơ khai và ngây ngô, nhưng thực ra lại là lời phê phán sắc sảo sâu cay thú vị về chính Trung cộng!
Tờ Tea Leaf Nation đã trích dịch, biên tập lại những phần đinh nhất của bài viết nói trên. Sau đây là bản chuyển ngữ của Nguyễn Đại Hoàng:
***


Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại ! Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách tới được cái xứ sở siêu cường đó.
Nhưng than ôi những gì tôi chứng kiến là rất đáng thất vọng!
1. Công nghiệp
Nước Mỹ thật ra chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển!
Hồi trung học, chúng ta đã được dạy rằng, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu.
Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói,nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa ! Thế mà ở tại xứ Cờ Hoa này, tịnh không có một cái ống khói nào! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí ti để trang trí nhà cửa thôi!
Và ở Mỹ bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch thôi. Chả tìm đâu ra những nhà máy giấy, nhà máy luyện thép bên bờ sông ! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ gì nữa ! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả !
2. Kinh tế
Người Mỹ hầu như không biết làm kinh tế ! Bạn biết đấy, nước họ có cơ man nào là xa lộ tỏa đi mọi hướng, vươn đến mọi làng mạc xa xôi, thế mà tịnh không thấy một trạm thu phí nào ! Thế là mất toi cả núi vàng!
Ước gì tôi có thể xây dựng vài cái trạm thu phí nhỉ ! Chắc chắn non tháng đã gom đủ tiền mua được cả tòa lâu đài trông ra Đại Tây Dương ấy chứ !
Hai bên xa lộ còn những cụm hồ hoang sơ tĩnh lặng. Thế mà chính quyền cứ để mặc cho lũ chim trời cá nước thỏa sức vẫy vùng, không nghĩ đến việc xây dựng vườn cảnh để thu lợi. Người Mỹ rõ ràng là không có đầu óc kinh tế tí tẹo nào !
3. Xây dựng
Trình độ xây dựng của người Mỹ còn sơ khai lắm.Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, tôi dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu khác.
Thử nghĩ mà xem, đến giờ này mà gỗ vẫn còn được dùng để xây dựng nhà cửa, thì có thể nói là trình độ kiến trúc của ngoại bang này còn thua xa trình độ của triều đại nhà Thanh xưa kia ấy chứ !
4. Văn hóa
Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là lạc hậu và khờ khạo.
Hồi mới tới Mỹ, tôi thuê một xe chở hành lý giá 3 đô la. Nhưng tôi lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ liền trả dùm tôi 3 đô la đó, và thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc nên còn giúp mang lên xe nữa ! Người Mỹ cũng luôn sẵn sàng mở cửa giúp tôi và hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không ? Thế đấy !
Ở nước ta, mấy chuyện này chỉ có vào thời Lôi Phong tức là vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thôi – còn bây giờ lối cư xử đó quá ư lạc hậu. ( Lôi Phong là một thanh niên mà thời Mao thường nhắc tới như một tấm gương về đạo đức).
Hồi đó người ta chuộng lối sống “ đạo đức giả ”nhưng bây giờ chúng ta không như vậy nữa. Bây giờ chúng ta nên sống thực dụng trần trụi, đó mới là hiện đại chứ ! Tư duy của người Mỹ lạc hậu hơn chúng ta hàng mấy thập kỷ, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể bắt kịp chúng ta cả !
5. Ẩm thực
Người Mỹ làm như không biết thưởng thức thịt thú rừng.
Một đêm nọ, tôi cùng các bạn cùng lớp lái xe đi đến một thành phố khác, thình lình có mấy con nai nhảy xổ ra. Anh bạn tôi lập tức thắng lại và bẻ sang hướng khác để tránh. Ai cũng biết tai nạn loại này có thể làm hỏng cả chiếc xe. Thế mà chính quyền đành bó tay không biết phải xử lý tụi thú hoang này như thế nào cơ đấy!
Người Mỹ làm như cũng không biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, và cũng chả thiết lấy sừng bọn thú này để kiếm bộn tiền ! Người Mỹ vẫn sống cùng những con thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật đó là một xã hội còn quá sơ khai !
6. Phong cách
Người Mỹ làm như không biết tự trọng !
Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài , họ không hề có cái gọi là phong thái bác học. Giáo sư D chẳng hạn, là một giáo sư tâm lý học cực kỳ nổi tiếng thế mà giờ nghỉ ông ấy cũng thường ăn bánh bích quy với sinh viên trong văn phòng của mình, và bàn tán xôm tụ với họ về bộ phim 21, hay về minh tinh Trung cộng Chương Tử Di ! Ông cũng không có phong cách uy nghi của một nhà bác học, và điều đó làm tôi thất vọng ghê gớm !
Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ PhD. lên danh thiếp của mình. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây !
Còn ở Trung cộng, giờ đây các công chức dường như rất biết cách để thu hút sự kính trọng của dân chúng, thậm chí đến cả vị giám đốc của một cơ quan tầm tầm ở Trung cộng có khi còn uy thế hơn cả Tổng Thống Mỹ cơ đấy ! Một công dân hạng ba của Trung cộng có khi còn xa một công dân hạng nhất của Mỹ là vậy !
7. Học đường
Học sinh tiểu học Mỹ chả có lý tưởng cao xa gì sất.
Chúng không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy viên tương lai, như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh như các học sinh Trung cộng là khá xa lạ ở Mỹ.
Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở nên những công dân có đủ tư cách , sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư ? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao !
8. Y tế
Người Mỹ làm lớn chuyện một cách kỳ cục khi có bệnh.
Đầu tiên họ đi bác sĩ khám bệnh, rồi bác sĩ kê toa. Rồi cầm toa đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng …ôi chao mọi việc chẳng thể nhanh gọn như ở Trung cộng …Tôi chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc … mà lẽ ra nên tách rời lợi nhuận với trách nhiệm !
Rõ ràng là các bệnh viện ở Hoa Kỳ không biết kiếm tiền mà ! Sao lại phải nói tên thuốc cho bệnh nhân biết chứ ? … chỉ có như vậy họ mới độc quyền bán thuốc với giá cao gấp cả chục lần cơ mà ! Có quá nhiều cơ hội làm ăn béo bở thế mà họ không biết khai thác , rõ ràng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở Mỹ chết rồi !
9. Báo chí
Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao !
Đôi khi tôi hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ . Chẳng hạn khi họ biết Trung cộng có đài truyền hình và báo chí, họ đã hỏi tôi một câu ngu dốt như thế này : Hóa ra Trung cộng cũng có báo chí à ? Nghe mà bực !
Chúng ta có những tờ báo tiếng Trung được Bộ Truyền Thông cho phép ấn hành sau khi đã rà soát một cách cẩn mật đấy chứ . Báo của chúng ta toàn là những bài ca tụng lên mây cả, có đâu như báo Mỹ, công chúng đóng góp phê bình loạn cả lên, thậm chí còn dám “ chưởi ” cả tổng thống nữa cơ đấy!
Báo chí chúng ta đâu có chuyện công khai mấy vụ bê bối của quan chức, bởi nếu cứ tung hê lên thì sau này ai mà muốn làm lãnh đạo nữa chứ !
10. Tâm linh
Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo.
Tôi chả hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy câu thánh nghe hết sức khờ khạo : Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ.
Thật là buồn cười quá đi : Nếu Chúa phù hộ nước Mỹ thì làm sao lại để nước Mỹ lạc hậu, sơ khai, đơn giản đến thế này ? Cầu Chúa có ich lợi gì chứ ? Thực tế nhất là bạn nên dành thời gian đó để đi lễ thủ trưởng !
Đó mới đúng là hiện đại chứ lỵ !
11. Lối sống
Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian .
Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoản đứng vào hàng chờ đợi … Còn người Trung cộng chúng ta – như bạn biết đấy – khôn hơn nhiều !
Bất kể đám đông như thế nào, chúng ta vẫn có kỹ năng chen lấn, điều này giúp tiết kiệm thời gian, và tránh được sự mệt mõi khi đứng chờ ! Nếu ai đó biết đi cổng sau thì kết quả tiết kiệm thời gian còn tuyệt hơn nữa.
Thế mà những người Mỹ lẩm cẩm lại không biết đến những điều hay ho đó cơ chứ!
12. Mua bán
Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức vô lý : bạn có thể trả lại hàng vài tuần sau khi mua về mà thậm chí cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ !
13. An toàn
Nước Mỹ không an toàn ! Tôi nói điều này bởi có tới 95 % nhà dân không cần tới lưới chống trộm, và điều kỳ lạ này nữa là : chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi nhỉ?
14. Giao thông
Người Mỹ sao mà nhút nhát và yếu đuối quá vậy không biết !
Tôi nói điều này cũng bởi có tới 95% tài xế không dám vượt đèn đỏ!
Và mặc dầu 99 % dân Mỹ có xe hơi, vậy mà cách lái xe của họ thật lạ : bao nhiêu là xe cộ lưu thông nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, phố xá vì thế vắng lặng đến nỗi cứ ngỡ không phải là phố xá nữa, làm sao mà bì được phố xá ồn ào náo nhiệt ở Trung cộng cơ chứ !
15. Tình cảm
Người Mỹ rất là thiếu cảm xúc .
Có tới 95 % nhân viên không nghĩ tới việc phải làm gì cho tiệc cưới của sếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc sếp của mình. Ở Trung cộng liệu có ai điên đến mức bỏ qua cơ hội chăm sóc sếp của mình không? Nói cách khác, có ai dám làm điều đó không ? Hãy xem, người Trung cộng chúng ta có biết bao nhiêu là tình thương mến thương với lãnh đạo !
16. Nhạy bén
Người Mỹ không nhạy bén chút nào !
99% người Mỹ đi học, đi làm , thăng quan tiến chức, mà không hề biết sự cần thiết của “ phong bì ” để có thể mở ra một cánh cửa ..sau !
Sina Weibo-



usa long live-Hạ viện Mỹ thông qua quyết định khởi kiện Tổng thống Obama
Đài Tiếng Nói Việt Nam
VOV.VN - Với tỷ lệ bỏ phiếu 225-201, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành thu thập các tài liệu pháp lý có liên quan để khởi động một vụ kiện ông Obama. 
Theo BBC, ngày 30/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết khởi kiện Tổng thống Barack Obama với cáo buộc lạm quyền, thực hiện những quyết định vượt quá quy định về quyền của Tổng thống được ghi trong Hiến pháp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: Telegraph)
Với tỷ lệ bỏ phiếu 225-201, các nhà làm luật tại Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành thu thập các tài liệu pháp lý có liên quan để khởi động một vụ kiện nhằm vào Tổng thống Obama.
Những người ủng hộ việc tiến hành vụ kiện cho rằng, ông Obama vượt quá thẩm quyền khi đơn phương thay đổi Đạo luật chăm sóc y tế toàn dân (Affordable Care Act, thường được gọi là Obamacare), đặc biệt là hai lần trì hoãn thực hiện quy định của luật này về trách nhiệm của chủ sử dụng lao động.
Trước đó, trong hơn một tháng trở lại đây Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đã “bóng gió” về việc kiện Tổng thống. Phe Cộng hòa còn lập luận rằng, không chỉ vượt thẩm quyền đối với Obamacare, Tổng thống Mỹ còn “lạm quyền” ở một số lĩnh vực khác, bao gồm sắc lệnh vào năm 2012 nới lỏng quy định trục xuất đối với một số người nhập cư trẻ tuổi không có giấy tờ hợp lệ.
Phản ứng lại, Tổng thống Obama gọi việc kiện ông là lãng phí thời gian vô ích; đồng thời cho hay: “Thay vì kiện tôi vì tôi làm công việc của mình, Hạ viện nên hoàn thành nghĩa vụ của mình và giúp người dân Mỹ có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, sau khi Hạ viện thông qua nghị quyết nói trên, một thẩm phán liên bang sẽ quyết định xem quyết định này có đúng luật không. Nếu có, luật sư đại diện chính quyền Obama và Hạ viện sẽ tranh luận trước một tòa án liên bang. Quá trình này sẽ kéo dài trong nhiều tháng./.
Hùng Cường/VOV.VN
 ...
Hạ viện Mỹ quyết kiện Tổng thống Obama lạm quyền
Nghị viện sẵn sàng kiện ông Obama ra toà vì lạm dụng quyền lực
Hạ viện Mỹ nhất trí khởi kiện Tổng thống Obama
 - -


-Sự Hấp Dẫn Của Nền Kinh Tế Pháp Trị
Alan Phan 29 July 2014
Sẽ không bao giờ có một đêm dài hay một vấn nạn đủ sức để chiến thắng một bình minh hay hy vọng – There was never a night or a problem that could defeat sunrise or hope – Bernard Williams)
Trong tháng vừa qua, một tin nhỏ từ Mỹ đã gây trận địa chấn trong giới đầu tư Trung Quốc. Một sự kiện mà giới tài chánh toàn cầu hoàn toàn không quan tâm, kể cả những mạng truyền thông lớn.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2012 khi công ty Ralls của Trung Quốc mua một miếng đất và tài sản của Terna Energy tại tiểu bang Oregon và đem trang thiết bị Trung Quốc qua Mỹ để vận hành một trang trại điện gió (wind farm). Dự án gặp sự phản đối của dân địa phương (có lẽ vì tự hào dân tộc) và vì toạ lạc quá gần một căn cứ hải quân Mỹ, nên ứng cử viên Tổng Thống Romney lợi dụng vụ việc để công kích đối thủ Obama về chánh sách đối đầu Trung Quốc. Trong thế phản đòn và xoa dịu dư luận, Obama ký một sắc lệnh hành pháp (executive order) cấm khai triển dự án trên căn bản an ninh quốc gia (national security) và bắt Ralls phải giải ngân, rút khỏi dự án trong vòng 9 tháng.
Theo lời khuyên của luật sư, Ralls đút đơn kiện TT Obama về lạm dụng quyền lực để vi phạm quyền hiến định (constitutional right) của công ty Trung Quốc Ralls. Sau 2 năm tranh nghị giữa 2 bên, tháng vừa qua, Toà Án Liên Bang đã đồng ý với Ralls và phán quyết là executive order của Obama không có hiệu lực.
Đây là một chiến thắng của một công ty cỡ trung của Trung Quốc trong tranh chấp với một người được coi như là “nhiều quyền lực nhất thế giới” có cả một chánh phủ siêu cường ở sân sau.
Vài nhà đầu tư Trung Quốc bình luận,” Nếu Ralls đút đơn kiện Tập Cận Bình, chắc toàn bộ quản lý đang chia phòng giam với Chu Vĩnh Khang”. Còn ông bạn Mỹ của tôi,” Bạn nghĩ có bao giờ Goldman Sachs hay Walmart thắng được trong một toà án xã (đừng nói đến Trung ương hay thành phố) tại Trung Quốc?”
Tuy vậy, các mạng truyền thông lớn của thế giới chỉ lướt qua tin này, vì chuyện một phó thường dân thắng kiện Tổng Thống Mỹ là chuyện hằng ngày ở huyện. Ngay cả trường hợp một người nước ngoài, đang bị Bộ Nội An (Homeland Security) coi là “thế lực thù địch”.
Tác động tài chánh của sự kiện gần như không đáng kể (khoảng 6 triệu đô la), nhưng câu chuyện đã trở thành một huyền thoại với các nhà đầu tư Trung Quốc. Nó trở thành một dấu ấn sâu sắc trên tư duy của người dân Trung Quốc, về một xã hội minh bạch, công bằng và pháp trị cho những người thấp kém yếu thế. Nó đẹp hơn cà tượng Nữ Thần Tự Do luôn dang tay chào đón những tù nhân tự nguyện của các chế độ phong kiến độc tài. Nó là biểu tượng cao quý nhất của sức mạnh mềm của một thế giới mới cho một thế hệ mới. Nó là lý do chính tại sao dòng tiền đầu tư tại Trung Quốc và mọi quốc gia khác dồn dập đổ về Mỹ.
Obama đã thua nhưng nước Mỹ và chủ nghĩa giẫy chết của Tây Phương sống mạnh; đem hy vọng hiếm quý cho mọi người dân trong những thiên đường đang mục nát.
Alan Phan
-Hai Chàng Tư Bản ‘Giẫy Sống’
TwoAmigosLogoRegAlan Phan
19 July 2014
 Gia đình Gavina
Đang chuẩn bị hành lý đi nghỉ hè, tôi nhận một cuộc gọi từ một người bạn chưa gặp suốt 30 năm qua. Jose Gavina hiện vẫn là Chủ Tịch TGD của Gavina Coffee.Tôi quen biết Jose từ ngày hắn vừa được cha truyền lại ngôi trong công ty. Gọi là “ngôi” nhưng Gavina chỉ là một hãng rang cà phê khá nhỏ, khoảng 5 nhân viên trong một xưởng chật chội, khu Vernon.

Lúc đó, tôi đang làm cho ngân hàng. Một người em họ vừa vượt biên qua Mỹ, chưa thông thạo Anh ngữ và lối làm việc của dân bản xứ, nên quấy rối tôi thường xuyên.Nhưng cũng phải phục cho ý chí và sức làm việc của gia đình hắn. Từ 1 quán cà phê nhỏ, hắn làm thêm 3 tiệm khác  ở khu Los Angeles chỉ trong 2 năm (hắn luôn khoe là lúc đó Schultz mới bắt đầu Starbucks). Hắn cần 1 nhà cung cấp chịu rang cà phê theo công thức đã quen bên nhà, đậm đặc, hơi cháy (French roast), pha nhiều robusta, cho thêm chicory (như Cafe Du Monde bên New Orleans)…Các nhà máy rang lớn từ chối làm vì rắc rối cho quy trình sản xuất. Qua giới thiệu của một bạn Mễ, tôi dẫn hắn đi gặp Jose. Sau đó, tôi còn giúp Jose phát triển vào thị trường gốc Việt với cùng công thức pha trộn trên.
Gia đình Gavina cũng vượt biên từ Cuba sau khi “cách mạng” đánh tư sản và đồn điền cà phê nhỏ bé của ông nội Jose bị tịch thu (chỉ có 4 acres và 9 nhân công gì đó, nhưng vẫn bị coi là cường hào địa chủ, hắn giải thích). Đến Miami khoảng 1963, sống khổ cực quá, cả gia đình lại khăn gói qua Los Angeles, bắt đầu đi bỏ mối cà phê, rồi tiến lên 1 hãng rang nhỏ. Đó là tất cả gia tài khi Jose thừa hưởng vào năm 1980 gì đó.
Nghe nói tôi đã quay về Mỹ sống, sau một thời gian dài ờ Á Châu, Jose mời tôi lên gặp ngay, vì tôi cho hắn biết là tôi sẽ đưa gia đình đi nghỉ hè, có thể hơn 1 tháng hay lâu hơn.
Sau 30 năm, Gavina đã trở thành một đại gia cà phê tại vùng West Coast. Tôi ngạc nhiên bước vào một cơ xưởng tối tân, mới xây xong vài năm trước, rộng hơn 15,000 mét vuông, với máy móc hiện đại điều khiển phần lớn trong phòng điện toán. Tuy vậy, công ty cũng có đến 250 nhân viên; và 3 thế hệ của gia đình Gavina chiếm đến 30% nhân số. Tôi cười,” một chế độ gia đình trị độc tài toàn hảo”.
Thương vụ công ty lên đến gần 300 triệu đô la và khế ước lớn nhất là từ chuỗi McDonald’s cho loại cà phê nổi danh hiện nay (McCafe). Cô cháu của Jose làm R&D, cùng với 2 nhân viên khác, suốt ngày sáng tạo và thử nghiệm qua public tests tìm những công thức mới phù hợp với khách hàng mục tiêu. Tôi hỏi,”uống cà phê suốt ngày thì làm sao ngủ được?”Cô nói,”quen rồi, chỉ thiếu thì giờ, chứ bây giờ có chiếc ghế bố trong phòng lab, tôi sẽ quay ra ngủ ngon lành.”
Sau đó, Jose đưa tôi lại một quán ăn Cuban nhỏ cách đó vài miles.Món ajiaco và fufu…khá hợp khẩu vị. Tôi chúc mừng hắn, biết bám trụ và tập trung với cà phê, xây dựng đế chế Gavina làm hãnh diện cho một gia đình tị nạn nghèo khó; và cho cả những người di dân mới. Tôi nói có một đại gia cà phê Việt Nam muốn phát triển qua Mỹ, bạn có muốn bán Gavina hay liên doanh? Hắn lắc đầu,” tôi sẽ về hưu trong vài năm nữa và thế hệ sau của gia đình đã sẵn sàng để tiếp nối. Đây là một di sản,chứ không phải là một business.Năm rồi, có 2 quỹ đầu tư trả đến 240 triệu đô để mua Gavina và cả đại gia đình từ chối”. Hắn nhắc lại ngày nào đến văn phòng gặp tôi, hắn phải đậu chiếc xe cà tàng cách xa cả trăm mét, vì sợ khách hàng coi rẻ.
Tôi hỏi sau khi về hưu, bạn có định về Cuba sinh sống, hưởng nhàn ở quê hương cũ. Jose cười,” ngày nào còn ‘hoàng đế cách mạng và triều đình’ ngày đó không có tôi.”
Chàng lãng tử Bobby
Rời Gavina đã hơn 2 giờ trưa, tôi lại phải chạy xuống South Coast Plaza để gặp Bobby (tên họ Ba Lan của hắn dài, khó nhớ, chỉ biết 3 mẫu tự cuối là ..ski). Hắn nói cũng rất cần gặp tôi trước khi tôi đi nghỉ hè.
Bobby là một thái cực 100% khác với Jose. Sinh ra trong một gia đình trung lưu khá giả ở Michigan, hắn chơi American football (bóng bầu dục) và làm quarterback cho đội high school. Đẹp trai, cầu thủ nổi tiếng, được gái bu đông nghẹt, Bobby là một playboy có hạng, lêu lỏng không học hành. Hắn nói, nếu tao không chơi football, chắc chẳng bao giờ tao học xong trung học.Tương lai hắn khá rực rỡ vì nhiều đại học danh tiếng muốn tuyển hắn về chơi cho trường. Sau đó là phải chói sáng để thành cầu thủ nhà nghề của NFL.
Tuy nhiên, hắn bị chấn thương trong một tai nạn xe cộ; và giấc mộng vàng son tan vỡ theo đôi chân khập khễnh. Sau trung học, có thời gian hắn phải đi làm lao động trong một garage sửa xe. Tuy nhiên, Bobby vẫn có rất nhiều bạn và tình nhân, hắn ăn nói có duyên và có một trí nhớ kỳ diệu về những chuyện tiếu lâm…tục tĩu.
Tôi quen hắn cũng hơn 30 năm nay, khoảng sau 1980 gì đó , vì ở gần khu phố và gặp nhau hàng ngày trên sân tennis. Trong 30 năm đó, hình như hắn có 6 đời vợ, một lô con cái không rõ rệt, và đặc biệt là kinh doanh trong vài chục business với nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi cũng thuộc dạng tuỳ hứng và “trời ơi” trong business, nhưng Bobby là bậc thầy. Hắn từng làm chủ trường mẫu giáo, một night club thoát y, vài quán rượu, cửa hàng bán điện thoại di động, tiệm uốn tóc, chủ vài chiếc taxi, môi giới địa ốc, cả một nhà quàng và tiệm bán quan tài. Vì business lúc lên lúc xuống, nên đời Bobby rất trôi nổi đặc thù. Khi thì mời bạn bè ra khoe chiếc du thuyền, siêu xe…khi thì năn nỉ cho mượn vài trăm đô la để mua thực phẩm cho vợ con.
Nhưng Bobby có hai nhân cách chính: luôn luôn thành thực, không bao giờ nổ bậy…và luôn luôn giữ đúng lời hứa (có lẽ trừ ra với đàn bà). Trên hết, dù giàu hay nghèo, lúc nào hắn cũng lạc quan, yêu đời và làm mọi người quanh hắn …happy.
Hắn cũng đoán bắt thời cơ khá bén nhậy. Hắn là chủ của một trong những cửa hàng đầu tiên bán DTDD (trước Metro PCS), bán sexy lingeries cho phụ nữ (trước Victoria’s Secret), làm phim sex (trước Deep Throat)…Cách đây 8 năm, Bobby đoán được sự phát triển của điện gió (wind energy) và chạy ra mua khoảng 1,000 acres đất bỏ hoang ở Wyoming cạnh một dự án lớn đến 5 tỷ đô la đang do nhóm PCW đang triển khai.
Tuy nhiên, ngoài tiền túi, Bobby còn vay ngân hang hơn 500 ngàn đô la cho miếng đất.Và vì không bán được cho ai, Bobby phải chịu đựng trả lãi suất hàng năm suốt 7 năm trời, dùng lợi nhuận của các công ty khác bù vào. Cách đây 2 năm, hắn xoay không nổi và chờ ngân hàng tịch thu. Thấy tội hắn, tôi và 8 ông bạn khác, mỗi đứa cho hắn vay 20 ngàn để cầm cự.
Tôi đến tiệm Vie De France ở South Coast Plaza hơi trễ. Bobby đang ngồi ăn trưa với một cô gái tóc vàng, khoảng 30, khá đẹp. Hắn giới thiệu cô là sinh viên MBA tại Chapman University, vừa qua đây từ Croatia. Nhìn đống túi đựng toàn hàng hiệu từ Fendi, Versace đến Cartier, Gucci, tôi đùa, luận án MBA của cô chắc phải là luxury brand building. Sau đó, cô cáo lỗi, phải chạy qua Fashion Island lấy 2 món đồ đặt trước, để yên cho 2 ông già ngồi tán chuyện …quá khứ và dirty jokes.
Bobby hỏi nhỏ, 12 ngàn đô mỗi tháng, 3 ngày một tuần, mày thấy con bé có đáng đồng tiền bát gạo không? Tôi cười,” Tao ra khỏi lĩnh vực này hơn 6 năm nay, từ khi lấy vợ. Hoàn toàn không biết gì về thị trường này. Mà mày kêu tao có gì gấp vậy?”
Hắn cười sướng,” Tao bán được miếng đất thổ tả bên Wyoming rồi. Sau thuế, còn lời được gần 8 triệu đô la. Phải đem tiền trả cho mày lẹ, chứ không tao xài hết. Tối nay mày đi party với tụi tao được không?” Bobby giao tôi chi phiếu 20 ngàn đô cộng tiền lời 2 năm qua, 14% mỗi năm.
Nguyên tắc làm ăn của tôi là không bao giờ cho vay hay mượn tiền từ bạn bè bà con. Kẹt quá, khi phải xuất tiền thì tôi cho vào hồ sơ gọi là “donation” để tiện sổ sách. Và quên hẳn chuyện đòi. Kinh nghiệm cho thấy mỗi lần “tiền đi” thì “mất lại” bạn bè bà con. Không phải do mình đòi, nhưng mặc cảm làm họ chấm dứt một relationship thường đang tốt đẹp.
Bobby là trường hợp ngoại lệ.Hắn không có chút mặc cảm, luôn trả tiền đàng hoàng, kể cả lãi suất. Tôi khen hắn về số tiền kiếm được và hỏi bước tới là gì đây? Hắn nói đang chuẩn bị qua Colorado Dakota, tìm đất khai thác khí đốt từ shale oil, với một giáo sư địa chất nổi danh của Đại Học Nebraska. Tôi lắc đầu nhưng thán phục ông bạn cao bồi này.
+++++
Sợ kẹt xe trong traffic chiều thứ sáu, tôi chia tay Bobby và cô bạn gái hắn, chạy về Huntington Beach, đậu xe trên bãi biển rồi lơ đãng nhìn thiên hạ, hải âu và những chiếc thuyền buồm nhấp nhô trên sóng. Gió biển hiu nhẹ làm tôi ngủ thiếp đi trên xe. Khi tỉnh dậy, hoàng hôn đã xuống, một ngày hè tuyệt dịu của thiên đường California sắp qua.
Suy nghĩ lại chuyện của Jose và Bobby, dù rất khác biệt, nhưng họ vẫn chia sẻ định luật chung về kinh doanh ở đây. Đó là những tính toán và may rủi cho dự án hoàn toàn dựa trên tiền túi của họ và các nhà đầu tư tin vào họ. Không phải tiền người dân hay tiền ODA hay tiền lại quả (một hình thức thuế ngầm). Có lẽ đó mới chính là biểu hiện của “độc lập, tự do và hạnh phúc”?
Alan Phan

Tổng số lượt xem trang