Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Philippines: VN khởi xướng đề nghị đối tác chiến lược mới chống TQ

-Philippines: VN khởi xướng đề nghị đối tác chiến lược mới chống TQ


Nhà lãnh đạo Philippines đưa ra bình luận vừa kể trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo South China Morning Post, khi nói đến hợp tác chiến lược với Việt Nam, một nước mà theo tờ báo này, "trong suốt chiều dài lịch sử đã có quan hệ thù nghịch với Trung Quốc".

Tổng Thống Aquino nói rằng những chi tiết của một hiệp định hợp tác chiến lược vẫn đang trong vòng hình thành, và cho tới thời điểm này, ngày ký kết vẫn chưa được ấn định.

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Raissa Robles của tờ South China Morning Post, Tổng Thống Aquino nói khi có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với một đối tác chiến lược, thì luôn luôn “có chỗ đứng cho một cuộc đối thoại dựa trên lẽ phải hơn là phản ứng bằng cách xác định lợi ích quốc gia riêng rẽ của mỗi nước".

Philippines vốn đã có quan hệ liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về điều mà họ cho là những hành động bành trướng tại Biển Đông. Hồi đầu tháng này, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris Jr., đã bày tỏ hoài nghi về các ý đồ của Trung Quốc khi cho xây điều mà ông mô tả là “Vạn lý Trường Thành bằng Cát” trên Biển Đông.

Tờ báo Hoa Nam Buổi Sáng hôm nay tường thuật rằng cuộc tranh chấp Biển Đông đã trở thành một đề tài gây căng thẳng chính trị giữa các nước trong vùng, với những tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa 6 nước, kể cả Việt Nam, chủ yếu tập trung quanh các quyền khai thác hải sản và dầu hoả.

Trung Quốc một mực khẳng định rằng hầu hết vùng Biển Đông trong phạm vi đường 9 đoạn - do chính Bắc Kinh vẽ ra - là thuộc chủ quyền ‘không thể tranh cãi của Trung Quốc. Sự kiện này đã đẩy Philippines tới quyết định yêu cầu Toà án Trọng tài Quốc tế phân xử cuộc tranh chấp, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Theo dự kiến, Toà án quốc tế tại La Hayes sẽ ra phán quyết trong vòng 6 tháng nữa hoặc vào đầu năm tới. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện này, và có phần chắc sẽ không chấp nhận phán quyết của Toà án quốc tế.

Đề cập tới tin này hôm nay, trang mạng của GMA nói rằng Philippines và Việt Nam đang hoàn tất những chi tiết cuối cùng của một hiệp định đối tác chiến lược. Nguồn tin này dẫn lời Bộ trưởng Truyền Thông Philippines Herminio Coloma cho hay hai nước đang làm việc để xác định những chi tiết của quan hệ đối tác chiến lược đã được đề nghị.

Tin GMA nhắc lại rằng hồi đầu năm nay, Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario ở Manila, và trong cuộc gặp này hai bên đã đồng ý củng cố quan hệ song phương.
Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario tại Manila (Ảnh tư liệu).

Một khi ký hiệp định đối tác chiến lược, Philippines và Việt Nam sẽ củng cố hơn nữa các quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.

Trang tin tức của GMA còn cho biết Trợ lý Ngoại Trưởng Philippines Luis Cruz tiết lộ tại một cuộc họp báo khác rằng Hà Nội đã đề nghị mở một cuộc họp song phương với Philippines trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tuần tới.

Ông Cruz nói thêm rằng nếu cuộc gặp song phương nay diễn ra, thì các động thái mới nhất của Trung Quốc trong Biển Đông chắc chắn sẽ đứng đầu trong nghị trình làm việc của hai nước.

Trong tuyên bố chung được đưa sau cuộc hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino hôm 21/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế và ‘đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực’.

Tổng Thống Philippines nói thế giới đang theo dõi xem Trung Quốc làm gì. Ông nói thêm rằng cổ vũ cho ổn định khu vực, đặc biệt ở Biển Đông, phù hợp với các lợi ích của Trung Quốc, vì Biển Đông mà Philippines gọi là biển Tây Philippines, nằm trên tuyến hàng hải nơi 40% thương mại thế giới phải đi ngang, và sự ổn định tại đây sẽ giúp Trung Quốc cải thiện nền kinh tế của nước họ.

Nguồn: Globalnation, South China Morning Post, GMA.

-Son Tran 
PHILLIPINES THẮNG TRUNG QUỐC TẠI LIÊN HIỆP QUỐC: TÒA ÁN QUỐC TẾ HAGUE PHÁN QUYẾT ĐƯỜNG 9 ĐOẠN LƯỠI BÒ CỦA TRUNG QUỐC "VÔ GIÁ TRỊ!"

Phiên xử kéo dài 3 tháng, vào ngày 10/3/2015 Các thẩm phán của TÒA ÁN QUỐC TẾ HAGUE, trong đó có Thẩm phán Thomas A. Mensah (Chủ tịch), thẩm phán Jean-Pierre Cot, thẩm phán Stanislaw Pawlak, Giáo sư Alfred HA Soons, và Thẩm phán Rüdige, đã đưa ra PHÁN QUYẾT về Bản Đồ 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông (Biển Đông), hay còn được gọi là Biển Tây Philippines là VÔ GIÁ TRỊ đối với LUẬT LỆ Quốc Tế.


Bản án này rất quan trọng vì đã chứng minh rằng hành vi hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông là bất hợp pháp. Trung Quốc đã vượt quá giới hạn của nước nầy để đơn phương đưa ra bản đồ gây tranh cãi cho các nước trong vùng. Quyết định của TÒA ÁN HAGUE đã gây tổn hại danh tiếng của Trung Quốc về cách ứng xử trong khu vực, đồng thời ảnh hưởng xấu với quốc tế về tính chất tiêu cực của nước nầy.

Việc không tuân thủ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế sẽ làm cho Cộng Đồng Quốc Tế thấy rằng Trung Quốc đang tiếp tục hành động như một quốc gia hiếu chiến.

Trong bản án mà Philippines đưa ra trước Hội Đồng Thẩm Phán, lên án Trung Quốc là một kẻ bắt nạt các nước láng giềng, Trung Quốc tìm cách cưỡng chiếm các nguồn tài nguyên của họ.

Tòa án cho biết hành động của Trung Quốc không những là khiêu khích mà có thái độ gây nguy hiểm cho Hòa Bình trong khu vực.

Sau khi Trung Quốc tranh lấn đảo Scarborough Shoal, thì Philippines đã không có cách nào khác và đã kiện Trung Quốc thông qua trọng tài quốc tế.

Dĩ nhiên, điều này không chỉ là một trận đấu tại tòa án giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng quan trọng hơn là một thách thức đối với Luật của Liên Hợp Quốc, Luật Biển (UNCLOS) được xây dựng vào năm 1982 mà Trung Quốc đã KHÔNG tuân thủ.

Quyết định của tòa án mang ý nghĩa là bây giờ Hành Động TUYÊN BỐ ĐƠN PHƯƠNG của TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ luật pháp QUỐC TẾ, các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông có đầy đủ quyền hạn để theo đuổi và bảo vệ lợi ích của họ trên Biển Đông.

Nguyễn Thùy Trang--- Trung Quốc tuyên bố về phân xử tranh chấp trên biển Đông (TN 7-12-14)

(TNO) Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7.12 đưa ra tuyên bố lập trường của chính phủ nước này về vấn đề phân xử tranh chấp trên biển Đông. Bắc Kinh cho rằng Philippines gây áp lực chính trị khi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế, theo Tân Hoa xã.

Trung Quốc xây dựng cầu cảng trái phép ở Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải


Theo thông cáo về tuyên bố lập trường của Trung Quốc, Bắc Kinh nhất quyết không chấp nhận hay tham gia vào việc phân xử ở tòa án quốc tế, đồng thời khẳng định toà án trọng tài không có quyền tài phán trong trường hợp này, theo Tân Hoa xã.


Tuyên bố của Trung Quốc cho rằng bản chất của việc phân xử là chủ quyền lãnh thổ đối với một số đặc trưng về hàng hải ở biển Đông, điều này vượt quá phạm vi của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng như quyền tài phán của tòa trọng tài, theoTân Hoa xã.


Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh và Manila đã đồng ý giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua các công cụ song phương và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Việc Philippines đơn phương kiện Bắc Kinh lên tòa án quốc tế là vi phạm luật quốc tế, theo Tân Hoa xã.


Tuyên bố lập trường của Bắc Kinh kết luận rằng việc đơn phương kiện Bắc Kinh lên tòa án quốc tế của Philippines sẽ không thay đổi được lịch sử và thực tế về chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Đồng thời, nó cũng sẽ không thể làm lung lay quyết tâm cũng như chính sách của Trung Quốc đối với lợi ích và việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông, theo Tân Hoa xã.


“Mục tiêu của Philippines không phải là tìm kiếm giải pháp hòa bình mà để gây sức ép chính trị lên Trung Quốc, cản trở quyền hợp pháp của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông)”, Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
  Trung Quốc tuyên bố về phân xử tranh chấp trên biển Đông 2
Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam tháng 5.2014 - Ảnh: Reuters
"Vẫn có những kẻ với ý đồ xấu, có cái nhìn một chiều hoặc lệch lạc về công ước quốc tế, đã cáo buộc Trung Quốc hay nói bóng gió rằng Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế và đang thách thức các công ước quốc tế”, Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Trung Quốc.

Trước đó, ngày 22.1.2013, Philippines đã nộp hồ sơ kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Manila muốn PCA tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc là phi lý và phi pháp. Ngày 3.6, PCA thông báo yêu cầu Trung Quốc đến ngày 15.12 phải nộp hồ sơ phản biện.


Tuy nhiên, trước hạn chót 1 tuần, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố lập trường đồng thời cho rằng Philippines đã gây sức ép chính trị đối với Bắc Kinh. Từ trước đến nay, Trung Quốc vốn luôn đòi hỏi giải quyết song phương các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, và chống lại việc đưa tranh chấp ra phân xử tại tòa án quốc tế.


Trung Quốc hiện đang có mâu thuẫn với Việt Nam, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Philippines trong tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” (đường chín đoạn) nuốt gần trọn cả biển Đông.


Bắc Kinh cũng ngang ngược tiến hành các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép. Hồi tháng 5, Trung Quốc đã ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam, bất chấp sự phản đối từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh sau đó rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam vào tháng 7.
Ngọc Mai


>> Trung Quốc đã từ bỏ 'chiến lược kiềm chế' ở biển Đông

-Việt Nam nên hay không đứng đơn cùng với Phi để kiện TQ ?
 Nhan Tuan Truong
Ngày 23 tháng 6 vừa qua Việt Nam đã chính thức ký nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực (Cour Permanente d’Arbitrage - CPA). Việt Nam đã là thành viên của Tòa từ các năm 2011 và 2012, sau khi ký nhận các công ước nền tảng của Tòa (các công ước 1899 và 1907). Việc nhìn nhận thẩm quyền của Tòa là một thủ tục pháp lý bắt buộc, tiên khởi cho mọi toan tính kiện tụng của một quốc gia. Việc này cho thấy sắp tới, Việt Nam có thể sẽ đưa các tranh chấp (với Trung Quốc) về chủ quyền biển, đảo… trước Tòa CPA, nếu những thuơng thuyết song phương vẫn tiếp tục bế tắc như hiện nay.


Một số tin tức hành lang (nhân vụ TQ đặt giàn khoan 981) cho biết là có thể VN sẽ cùng đứng tên chung với Phi để kiện TQ trước một trọng tài quốc tế do yêu sách của nước này trên Biển Đông. Đây cũng là điều mà một số học giả VN trước đây đã khuyến cáo.


Tôi cho rằng VN cần phải tính toán lại khi đứng chung đơn với Phi. Mục tiêu của VN và Phi có thể tương đồng trong một số điểm (như chống lại yêu sách đường chữ U của TQ), nhưng lại đối nghịch nhau ở một số điểm khác mà điều này (trước tòa) chỉ đem lại bất lợi cho phía VN.  


Theo tôi một số điều VN cần phải cân nhắc, (thậm chí phải điều chỉnh) lại trước khi quyết định hợp tác với Phi :


1/ Mâu thuẩn về quan điểm chủ quyền :


Tuyên bố năm 1951 của Chu Ân Lai, bên lề hòa ước San Francisco : « Quần đảo Tây Sa và đảo Nam Uy cũng như các quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Đông Sa, là lãnh thổ của TQ ».


(Trung Sa là tên của TQ để chỉ bãi Hoàng Nham và Macclesfield.)


Gọi tuyên bố này là « bên lề » vì TQ không được mời tham dự Hội nghị San Francisco. Tuy vậy tuyên bố này được Liên Xô và các nước phe XHCN ủng hộ. Đại diện của Liên Xô tại Hội nghị có đưa một kiến nghị để bênh vực quyền lợi của TQ, (như đề nghị HS và TS trả cho TQ), nhưng bị đa số thành viên tham gia Hội nghị bác bỏ).


Đến năm 1958 Trung Quốc lại ra tuyên bố về lãnh hải: « Độ rộng lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý. Qui định này áp dụng cho toàn lãnh thổ Trung Hoa, bao gồm phần đất trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi… quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa… ».


Việt Nam (và các nước thuộc khối XHCN) ủng hộ tuyên bố này.


Tức là VN mặc nhiên nhìn nhận các bãi Hoàng Nham và Macclesfield thuộc về TQ đồng thời các bãi này có lãnh hải 12 hải lý.


Một số điều phi lý trong tuyên bố của TQ, đáng lẽ cần phải được minh bạch :


Bãi Macclesfield vốn là một bãi chìm dưới mặt nước (từ 50 mét trở lên) trong khi bãi Scarborough vốn là một bãi cạn, chỉ có vài đá nổi lên mặt nước. TQ nhập hai thực thể địa lý này vào thành một  « quần đảo – archipel » thực là không ổn chút nào.


Trên quan điểm địa mạo, hai bãi này (một bãi là bãi ngầm chìm dưới mặt nước, một bãi gồm ám tiêu, đá…) không có cấu trúc nào có thể được gọi là « đảo » theo qui ước của quốc tế. Trên phương diện địa lý, hai bãi này hoàn toàn tách biệt nhau, cách nhau đến 318 Km, thiếu sự liên tục của thềm lục địa. Tức là, chúng vừa không có tính « quần » lẫn tính « đảo ». Mặt khác, theo các nguyên tắc về chiếm hữu lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể chiếm hữu một « lãnh thổ » nếu lãnh thổ này thật sự hiện hữu. Một bãi ngầm, thường xuyên chìm sâu dưới nước như bãi Macclesfield, thì không thể xem đó là một « lãnh thổ » để có thể chiếm hữu được.


Về địa danh cũng vậy. Trong các địa chí của Trung Quốc in trước năm 1935, bãi Scarborough được ghi bằng tên quốc tế, với ghi chú tiếng Hoa là « Nam Sa quần đảo ». Đến năm 1947 bãi này được đặt là « Dân Chủ đảo – Minzhu jiao », thuộc về « Trung Sa quần đảo ».


Tức là, đến năm 1935, cái mà Trung Quốc gọi là Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam hiện nay), là bãi cạn Scarborough. Chỉ đến năm 1947 họ mới « khai sinh » ra tên Trung Sa, sau đó lấy tên Nam Sa đặt cho quần đảo Trường Sa. Từ đó mới ra mặt tranh chấp với Việt Nam (trước đó hai bên chỉ có tranh chấp về Hoàng Sa).


Đến năm 1983 thì bãi Scarborough đổi tên lại thành « Hoàng Nham – Huangyan ».
Có nghĩa là « Trung Sa quần đảo » của TQ vừa không phù hợp với địa lý trên thực tế (không là đảo mà cũng không là quần đảo), lại vừa không rõ rệt về địa danh. Trong khi một phần của « quần đảo » này là bãi Macclesfield thì không thể chiếm hữu.


Vấn đề là Việt Nam đã ra tuyên bố « công nhận » và « ủng hộ » tuyên bố hải phận 12 hải lý của TQ trên « quần đảo » này.


Hành động đứng chung với Phi trong vụ kiện TQ, VN mặc nhiên là ủng hộ lập trường của Phi tại bãi Hoàng Nham.


Về phương diện công pháp quốc tế, VN không thể đi ngược lại lập trường mà « quốc gia » VNDCCH đã bày tỏ trước kia. (Dĩ nhiên nếu vẫn nhìn nhận VNDCCH là một quốc gia độc lập, có chủ quyền).
2/ Vấn đề hiệu lực các đảo :


Luật quốc tế về Biển 1982 đã có một lỗ hổng pháp lý rất lớn do không có những định nghĩa rõ ràng về hiệu lực ZEE (vùng kinh tế độc quyền) cho các đảo.


Điều 121 Luật Biển nói về hiệu lực lãnh hải và vùng ZEE của các đảo :


« Các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng ZEE và thềm lục địa như là lãnh thổ trên đất liền, ngoại trừ các đảo đá không thích hợp cho đời sống con người và không có nền kinh tế tự túc. »


Như vậy diện tích lớn nhỏ của một đảo không phải là tiêu chuẩn để một đảo có hay không có hiệu lực ZEE 200 hải lý.


Điều kiện để một đảo có hiệu lực như đất liền (tức là có lãnh hải 12 hải lý, vùng kinh tế độc quyền ZEE và thềm lục địa 200 hải lý) là ba yếu tố: không phải là đảo đá, thích hợp cho người sinh sống và có nền kinh tế tự túc.


Vấn đề là hai yếu tố « thích hợp cho người sinh sống » và « có nên kinh tế tự túc » là không bất biến.


Ngày xưa một đảo nhỏ (như một số đảo thuộc Hoàng Sa hay Trường Sa) không phù hợp cho đời sống con người. Nhưng bây giờ, nhờ tiến bộ khoa học kỷ thuật, các đảo nhỏ đó có thể trở thành nơi trú ẩn cho con người. (Trường hợp xây dựng tại đây nhà máy lọc nước biển, nhà máy phát điện từ ánh sáng mặt trời…) Các đảo này cũng có thể tạo ra nhiều nguồn kinh tế tự tại, như sau khi lập kỹ nghệ du lịch, khai thác tài nguyên dầu khí, đánh cá…


Tức là, (nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật), một đảo rất nhỏ cũng có thể cho con người sinh sống và có thể tạo ra một nền kinh tế tự túc.


Nếu vậy các đảo nhỏ này có đủ tiêu chuẩn như định nghĩa của Luật Biển, để dành một vùng ZEE và thềm lục địa lên đến 200 hải lý, như là từ đất liền.


Ý thức được như vậy, việc lựa chọn chế độ cho các đảo (là đảo hay đá) là một lựa chọn chiến lược. Nhất là các đảo nhỏ thuộc HS và TS.


Tùy theo quốc gia có hay không có chủ quyền tại HS và TS, ta thường nghe các lập luận trái ngược nhau về hiệu lực các đảo tại đây.


VN đã tuyên bố lập trường qua tuyên bố 12-5-1977 của chính phủ CHXHCNVN, theo đó các đảo HS và TS có hiệu lực về lãnh hải, hải phận, thềm lục địa… theo qui định của Luật quốc tế.


Hồ sơ kiện của Phi (công bố trước dư luận) không có điều nào yêu cầu Tòa phán liên quan đến hiệu lực các đảo. Nhưng không có gì chắc chắn là việc này không thay đổi ở phút chót. Giờ chót, trước Tòa, Phi có thể yêu cầu Tòa tuyên bố các thực thể địa lý ở Trường Sa không phải là « đảo » mà là « đá ».


Nếu điều này xảy ra, Phi sẽ đưa VN vào thế « việt vị ». (Do hồ sơ về chủ quyền « rất yếu », Phi (cũng như Mã Lai, Brunei và Nam Dương) có khuynh hướng hóa giải hiệu lực của tất cả các đảo ở TS.)


Nếu Tòa im lặng (không tuyên bố) về yêu cầu này VN sẽ lâm vào tư thế không thoải mái. VN không thể trở lại lập trường trước kia của mình nữa, trong khi quan điểm về hải phận các đảo của phía TQ thì được củng cố.


Nếu Tòa tuyên bố các đảo này là đảo đá thì phía VN lại mâu thuẩn với lập trường của mình đã tuyên bố trước kia (qua tấm bản đồ các lô dầu khí năm 1988).


Trong khi VN cần một « điểm mờ chiến lược » (ai muốn hiểu sao thì hiểu) về hiệu lực các đảo HS và TS để có thể thuơng thuyết với các bên về hải phận một cách có lợi cho mình.


3/ Việt Nam có lợi hơn nếu không đứng chung đơn với Phi để kiện TQ.


Điều quan trọng là Tòa có thẩm quyền để xử vụ kiện này hay không ?
Nếu có, sác xuất Tòa tuyên bố cho Phi thắng là khá cao. VN được hưởng lợi tương tự như Phi. Một trong các yêu cầu Tòa tuyên bố (có lợi cho VN) là : yêu sách đường 9 đoạn của TQ là vô giá trị.


Nhưng không thể không loại trừ trường hợp Tòa không có thẩm quyền để phân xử. Sác xuất cho việc này cũng không hề nhỏ.


Lý lẽ của TQ đưa ra (từ chối trả lời vụ kiện của Phi), qua tuyên bố của Đại sứ Wang Min trước Đại hội đồng LHQ lần thứ 68 về « Nhà nuớc pháp trị trên bình diện quốc gia và quốc tế ». Theo đó TQ cho rằng họ có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với luật quốc tế, cũng như có quyền không chấp nhận bất kỳ biện pháp giải quyết mang tính ép buộc đến từ bất kỳ quốc gia nào.


Một số chuyên gia quốc tế cho rằng lập luận của TQ là thuyết phục. Bởi vì, TQ là một nước độc lập có chủ quyền. Từ sự bình đẳng về chủ quyền (quyền chủ tể) giữa các quốc gia, cũng là nền tảng của quốc tế công pháp, TQ có quyền từ chối mọi hình thức ép buộc nào, từ một quốc gia hay một tổ chức quốc tế.


Nếu việc này xảy ra, Tòa không có thẩm quyền xét xử, lập trường (cho dầu sai trái) của TQ tại Biển Đông sẽ được củng cố. Điều này có nghĩa VN (cũng như Phi) sẽ lâm vào thế khó, bởi vì sẽ phải thuơng lượng song phương với TQ.


Vì thế VN cần đứng ngoài vụ kiện giữa Phi và TQ để giữ một khoảng cách chiến lược về pháp lý. Nếu Phi thắng kiện, thì VN cũng thắng. Hiệu lực phán quyết của Tòa không dành riêng cho Phi, mà áp đặt (chế tài) các qui cách về hiệu lực các đảo tại biển Đông cho phía TQ.


VN có thể lập hồ sơ riêng để « kiện » TQ, nhưng không theo kiểu mẫu của Phi, như có đề nghị ở đây. Vì việc trước mắt của VN là Hoàng Sa chớ không phải là Trường Sa.




Philippines vs China



Có lẽ một trong những lý do quan trọng đến giờ này VN vẫn không/chưa "kiện"[1] TQ ra một tòa án quốc tế là VN đang chờ kết quả vụ kiện của Philippines. Rất có thể lãnh đạo VN đang hi vọng Philippines sẽ thắng vụ kiện này để VN có thể "ăn theo" mà không phải trực tiếp đối đầu với "ông anh cộng sản" của mình. Quả thực vụ kiện giữa Philippines và TQ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến ván cờ trên Biển Đông, không chỉ trên mặt trận pháp lý giữa hai nước này. Rất tiếc thông tin chi tiết về vụ kiện ít được phổ biến ở VN[2] và ngay cả ở Philippines báo chí cũng đưa tin không chính xác. Tuy nhiên vụ kiện này được khá nhiều luật gia quốc tế quan tâm và bình luận vì nó vừa là một case rất thú vị vừa liên quan đến một điểm nóng trên thế giới. Trong bài này tôi sẽ "múa rừu qua mắt các luật gia" tổng kết lại một số thông tin tôi cóp nhặt được về vụ kiện, chủ yếu từ các nguồn quốc tế, và đưa ra một số nhận định cá nhân về tác động của nó với cuộc đối đầu Việt-Trung trên BĐ.


Giải quyết tranh chấp theo UNCLOS

Trước khi nói về vụ kiện Philippines vs China (PvsC) cần nhắc lại một số qui định của UNCLOS về vấn đề giải quyết tranh chấp giữa các thành viên. Theo Article 287 (Section 2, Part XV) thành viên UNCLOS có 4 phương án giải quyết tranh chấp: (a) ITLOS (Annex VI), (b) ICJ, (c) tòa trọng tài theo Annex VII, (d) một tòa trọng tài đặc biệt theo Annex VIII (cho các tranh chấp liên quan đến đánh cá, môi trường, nghiên cứu khoa học, giao thông hàng hải)[3]. Sau khi phê chuẩn công ước, các thành viên có quyền chọn một (hoặc nhiều hơn) trong 4 phương án giải quyết tranh chấp nói trên. Nếu một thành viên chưa tuyên bố lựa chọn, hình thức trọng tài (phương án c) sẽ được áp dụng khi có tranh chấp phát sinh. Vì tất cả các nước liên quan đến tranh chấp BĐ-HS-TS chưa tuyên bố chọn phương án giải quyết tranh chấp nên phương án (c) là giải pháp duy nhất.

Liên quan đến việc giải quyết tranh chấp, điều khoản này của UNCLOS vừa rất chặt chẽ nhưng cũng vừa rất lỏng lẻo. Rất chặt vì nó qui định mọi tranh chấp liên quan đến UNCLOS đều buộc phải đem ra phân xử (compulsory settlement) theo một trong bốn phương án nói trên nếu hai bên không tự đàm phán được với nhau. Ngay cả trong trường hợp một bên tranh chấp không chịu đem ra phân xử tại tòa, bên còn lại vẫn có thể khởi kiện và tòa hoặc trọng tài vẫn có thể phán xử dù chỉ có một bên tham gia. Phán quyết của tòa hoặc trọng tài, bất kể cả hai bên tham gia hay chỉ có một bên kiện còn bên kia tẩy chay như vụ PvsC hiện tại, sẽ là phán quyết cuối cùng (final) và bắt buộc (binding). Nghĩa là sau khi tòa hoặc trọng tài đã đưa ra phán quyết các bên không thể kháng án và có nghĩa vụ phải thi hành để tuân thủ cam kết với UNCLOS[4].

Rất lỏng lẻo, hay nói chính xác hơn là UCLOS đã mở một cửa hậu cho các thành viên né các qui định chặt chẽ bên trên, vì theo Article 298 sau khi trở thành thành viên các nước có quyền tuyên bố miễn trừ (opt-out) các qui định bắt buộc trong Article 287 cho 3 loại tranh chấp: (a) liên quan đến phân chia ranh giới biển theo điều 15, 74, và 83, (b) liên quan đến cách hoạt động quân sự, tuần tra biển, (c) liên quan đến các phán quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Điều này có nghĩa là một thành viên không thể kiện một thành viên khác nếu tranh chấp rơi vào một trong 3 lĩnh vực nói trên và phía bị kiện đã tuyên bố opt-out trước đó. Trên thực tế rất nhiều nước đã opt-out, vd Australia, Canada, India, Denmark, France, Italy, Mexico, Norway, Korea, Russia, Spain, Thailand, UK. Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS nhưng nếu có nhiều khả năng cũng sẽ opt-out.

Tôi không rõ lịch sử của Article 298 này thế nào, có lẽ trong quá trình đàm phán UNCLOS các cường quốc biển đã đưa điều khoản này vào để tránh bị vướng vào kiện tụng sau này vì họ đã/đang tuyên bố chủ quyền với những vùng biển/đảo có khả năng bị tranh chấp cao (vd UK muốn bảo vệ claim với mỏm đá Rockall, Mỹ với quần đảo Howland and Baker, Đan mạch với đảo Greenland). Có thể thấy hầu hết các nước opt-out là những quốc gia lớn, có thực lực đủ để tranh chấp và bảo vệ biển đảo của mình, trong khi những nước opt-in là những nước nhỏ/yếu thế phải dựa vào các biện pháp pháp lý. Trường hợp TQ khá thú vị, nước này phê chuẩn UNCLOS năm 1996 nhưng phải 10 năm sau (2006) mới tuyên bố opt-out. Rất có thể trong 10 năm đầu TQ còn cân nhắc khả năng kiện Nhật về quần đảo Senkaku (nước nào đã opt-out sẽ mất quyền khởi kiện), nhưng sau này TQ đã đủ mạnh và cho rằng bảo đảm quyền lợi trên Biển Đông quan trọng hơn nên đã opt-out để tránh bị kiện tụng. Tôi đoán Philippines đã rất nuối tiếc không kiện TQ trước năm 2006.


Đánh giá của giới luật gia quốc tế về PvsC

Chính vì TQ đã opt-out theo Article 298, một số luật gia cho rằng Philippines không thể kiện. GS luật biển Myron Nordquist (UVA) cho rằng vụ kiện PvsC "bizarre" (kỳ quái) và "futile" (không đi đến đâu). GS StefanTalmon (Uni of Bonn) khẳng định PCA không có thẩm quyền phân xử (jurisdiction) vì đây là tranh chấp giới hạn biển theo các điều 15, 74, 83 mà TQ đã opt-out[5]. Tuy nhiên GSJulian Ku  (Hafstra University) không đồng ý với Nordquist và Talmon, ông đã chỉ ra rằng khi phê chuẩn UNCLOS TQ dù có opt-out hay không cũng đã chấp nhận Part XV và Annex VII. Mà theo Article 288(4) chỉ có hội đồng trọng tài mới có quyền đánh giá liệu những điểm Philippines khởi kiện có được miễn trừ vì tuyên bố opt-out của TQ hay không. Nói cách khác TQ, nếu tuân thủ đúng cam kết như một thành viên UNCLOS, buộc phải tham dự phiên tòa rồi cãi rằng tôi đã opt-out nên đề nghị tòa ngừng xử. Hành vi tẩy chay hoàn toàn phiên tòa như TQ đang làm là trái với qui định của UNCLOS[6].

GS Robert Beckman (NUS)[7] từ năm 2011 và GS Harry Roques (University of the Philippines) cũng lập luận tương tự. Một câu hỏi đặt ra là tại sao TQ lại hành xử như vây? GS Alex Calvo(European University) đưa ra một số lý do giải thích việc TQ không muốn ra tòa. Thứ nhất TQ luôn muốn đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, chiến thuật bẻ nắm đũa mà nhiều người đã chỉ ra. Khi ký DOC với ASEAN năm 2002 TQ đã đạt được mục tiêu đưa yêu cầu đàm phán song phương vào DOC. Do vậy họ cho rằng Philippines đã vi phạm DOC khi lôi vụ việc ra tòa. Thứ hai với lịch sử từng là một cường quốc rồi bị phương Tây "làm nhục", TQ không muốn phải tuân lệnh một tòa án phương Tây. Năm 1947 chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã từng từ chối Pháp đem tranh chấp HS ra một trọng tài quốc tế cũng vì tâm lý đó. Thứ ba bản thân TQ hiểu đường 9 đoạn của mình không phù hợp với luật pháp quốc tế và nếu một phán quyết được đưa ra nhiều khả năng sẽ không có lợi cho TQ.

Tuy nhiên những lý do nói trên không đủ giải thích được tại sao TQ không tham gia vào vụ xử rồi biện luận tòa không có thẩm quyền (jurisdiction) vì mình đã opt-out. Julian Ku cho rằng mặc dù lập luận opt-out của TQ khá mạnh nhưng các cơ sở pháp lý khác của TQ, vd đường 9 đoạn, rất mập mờ. Bởi vậy theo tôi nếu TQ tham gia tranh tụng để rồi bác jurisdiction của tòa, TQ sẽ buộc phải làm rõ quan điểm và cơ sở pháp lý của những khái niệm tù mù mà họ vẫn rêu rao trước đó. Điều này có 2 điểm bất lợi cho TQ: có khá năng bị lật mặt là không phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ là tiền lệ để các nước khác đang có tranh chấp với TQ viện vào trong các vụ kiện sau này. Các lãnh đạo TQ cũng sợ rằng bản thân việc tham gia phiên tòa dù chỉ để cãi về jurisdiction cũng làm yếu đi vị thế của mình, ít nhất trong mắt dân TQ.

Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất là TQ sợ thua ngay từ vòng tranh biện về jurisdiction. Một điểm rất quan trọng mà Robert Beckman đã chỉ ra là chính hội đồng xét xử/hội đồng trọng tài là người quyết định về jurisdiction của họ (điều 288). Tất nhiên các trọng tài quốc tế phải công tâm nhưng họ sẽ không tránh khỏi có bias nhất định. Theo qui định của Annex VII, mỗi bên tranh chấp được quyền đề cử một trong tài của mình rồi hai bên thỏa thuận 3 trọng tài trung lập và một người trong số đó sẽ là chủ tịch hội đồng. Nếu 2 bên không thỏa thuận được thì chủ tịch ITLOS sẽ đứng ra chỉ định. Vấn đề là chủ tịch hiện tại của ITLOS là Shunji Yanai, một thẩm phán người Nhật. Trong bối cảnh tranh chấp Trung-Nhật cũng đang nóng, TQ có lý do để lo ngại thẩm phán Yanai sẽ chỉ định 3 trọng tài có lợi cho Philippines, vd thẩm phán Budislav Vukas, cựu phó chủ tịch ITLOS, một người có quan điểm chống lại EEZ cho các đảo/bãi đá. Vai trò của Shunji Yanai sẽ được phân tích thêm bên dưới.

Cũng theo Beckman phạm vi opt-out trong Article 298 khá hạn chế, các thành viên vẫn có thể tìm những nội dung không bị giới hạn bởi điều 298 để kiện và do vậy TQ có thể sẽ không cãi được vấn đề jurisdiction và phải theo kiện đến cùng dù đã opt-out[8]. Vậy chính xác Philippines, với một đội ngũ luật sư và chuyên gia luật quốc tế khá hùng hậu, đã kiện những nội dung nào và liệu những vấn đề đó có lách được điều 298 hay không? Theo LS Francis Jardeleza, đại diện của chính phủ Philippines tại tòa trọng tài xử vụ PvsC, có 4 nội dung được đưa ra kiện: (i) đường 9 đoạn của TQ không có cơ sở pháp lý do vậy vô hiệu (invalid), (ii) một số bãi đá ngầm trong hoặc ngoài EEZ của Philippines không nằm trên thềm lục địa của TQ, do vậy dù TQ đã xây dựng các công trình nhân tạo trên đó TQ cũng không thể clain chủ quyền biển theo UNCLOS, (iii) một số bãi đá khác cao hơn mặt biển khi thủy triều cao nhất cũng chỉ là "đá" theo Ariticle 121 chứ không phải "đảo" nên chỉ được chủ quyền 12 hải lý, (iv) TQ đã ngăn cản bất hợp pháp các hoạt động đánh bắt cá ở những vùng biển TQ không có chủ quyền.

Không kể GS Stefan Talmon đã nhắc đến bên trên, theo Phó GSDapo Akande (Oxford) mặc dù Philippines đã cố tình tránh không đề cập đến các phạm vi chủ quyền trên biển của họ và của TQ để lách điều 298, những nôi dung này không ít thì nhiều sẽ đụng chạm đến ranh giới biển. Do vậy Philippines không dễ thuyết phục được hội đồng trọng tài họ có jurisdiction. TS Ian Forsyth(Jamestown Foundation) cũng cho rằng hội đồng trọng tài có thể từ bỏ jurisdiction nếu TQ chứng minh được quan điểm các nội dung Philippines nêu ra có liên quan đến ranh giới biển, nghĩa là bị điều phối bởi điền 298. Một điểm nữa mà phía TQ đã nêu ra là Philippines phải có nghĩa vụ giải quyết song phương với TQ theo DOC 2002, việc kiện ra tòa như vậy rõ ràng vi phạm cam kết trong DOC và do vậy tòa không có jurisdiction. Ngoài ra theo chính UNCLOS Philippines phải có nghĩa vụ tìm cách đàm phán, hòa giải với TQ trước khi đi kiện. Dù Philippines tuyên bố họ đã tìm cách đàm phán với TQ trong 17 năm liên tục mà không có kết quả, tòa cũng có thể phủ quyết jurisdiction trên cơ sở Philippines chưa tìm mọi cách đàm phán song phương hoặc TQ đã/đang đề nghị Philippines quay lại bàn đàm phán nhưng Philippines từ chối.

Khách quan mà nói lập luận của Philippines không hoàn toàn vững chắc và một phiên tòa công bằng rất có thể sẽ nghe theo biện hộ của phía TQ từ chối jurisdiction. Nhưng vấn đề là TQ đã tẩy chay phiên tòa ngay từ đầu nên trừ khi họ đổi ý hội đồng trọng tài sẽ chỉ nghe lập luận một phía từ Philippines. Tôi nghĩ rằng đây chính là tính toán của người Phi, họ tin chắc TQ sẽ không theo vụ kiện nên đã rất tự tin khởi kiện bất chấp sức ép/đe dọa của TQ. Đây cũng là nhận định của Sean Mirski (Lawfare) cho rằng với Philippines quan trọng là chọn thời điểm và nơi kiện chứ không hẳn là các lập luận pháp lý.


Tính toán của Philippines

Một nước cờ rất khôn ngoan của Philippines là đưa đường 9 đoạn vào hồ sơ kiện. Thoạt nhìn kiện đường 9 đoạn rõ ràng là một nội dung liên quan đến ranh giới biển, điều mà TQ đã opt-out. Tuy nhiên đường 9 đoạn là điểm yếu nhất về mặt pháp lý của TQ nên đưa nội dung này vào là một cách ngăn chặn TQ tham gia vụ kiện từ đầu. Cá nhân tôi cho rằng chính phủ TQ hiện "há miệng mắc quai" về vấn đề đường 9 đoạn. Họ biết cả về mặt lịch sử lẫn công pháp quốc tế TQ không thể biện hộ một cách thỏa đáng về claim này. Nhưng vì đã tuyên truyền quá nhiều trong quá khứ nên họ không dễ gì rút lại được mà không làm dân TQ nổi giận. Chiến thuật của các lãnh đạo TQ hiện nay là cứ đá quả bóng này cho những lớp lãnh đạo sau này giải quyết, trong khi cứ mù mờ về nó và tìm mọi cách tránh không phải giải thích gì với thế giới. Philippines hiểu điều này nên đã tin chắc TQ sẽ không theo kiện.

TQ đã bỏ qua 2 mốc đầu tiên của vụ xử: 21/2/2013 (chỉ định trọng tài của mình) và 27/8/2013 (ý kiến về dự thảo qui trình phân xử). Ngày 15/12/2014 tới sẽ là mốc TQ phải nộp phản hồi của mình (memorial) về các lập luận của Philippines (đã nộp ngày 30/3/2014). Sau ngày này tòa sẽ tổ chức tranh biện (hearing) bất kể TQ có gửi phản hồi hay không. Nếu TQ chỉ gửi một Note Verbale với các lập luận y như những lần trước phủ nhận vụ kiện thì coi như Philippines đã thắng bước đầu. Trong vài tháng sau đó tòa sẽ thảo luận và ra quyết định vấn đề jurisdiction. Mặc dù thuần túy về mặt pháp lý lập luận của phía Philippines (các nội dung kiện không bị miễn trừ bởi TQ đã opt-out) chưa đủ mạnh như đã trình bày bên trên, một số yếu tố bên ngoài có thể sẽ giúp họ.

Đầu tiên phải kể đến hình ảnh của TQ đã xấu đi đáng kể sau vụ đặt giàn khoan HD-981 trong EEZ của VN. Dù công tâm đến mấy các trọng tài cũng phải thấy mục đích và hậu quả của việc TQ opt-out theo điều 298 là để tạo thuận lợi cho chính sách bành trướng trên Biển Đông bất chấp pháp luật quốc tế. Thêm vào đó vấn đề đường 9 đoạn của TQ phi lý đến mức một học giả đã thốt lên nếu UNCLOS không loại bỏ được nó thì UNCLOS còn có thể làm được điều gì. Người này còn đi xa hơn cho rằng những nghị sĩ Mỹ có tư tưởng isolationism không muốn phê chuẩn UNCLOS sẽ viện dẫn sự bất lực của tòa án trong việc gạt bỏ đường 9 đoạn là lý do để Mỹ tiếp tục đứng ngoài hiệp ước này. UNCLOS đã từng bị Nga không đếm xỉa gì khi phớt lờ phán quyết của ITLOS trong vụ bắt giữ một chiếc tàu Greenpeace của Hà lan năm 2013, nếu lần này cũng bất lực với TQ thì công ước này thực sự vô tác dụng và có thể tan vỡ[9].

Một đe dọa khác đến quyền lực của UNCLOS cũng xuất phát từ một quan điểm của TQ, nói chính xác hơn từ một số học giả bênh TQ, có thể thấy từ cuộc tranh luận Mark Valencia vs Phạm Quang Tuấn (và sau đó thêm Dương Danh Huy tham gia). Trong lập luận này (phe) TQ cho rằng đường 9 đoạn và khái niệm historical rights của TQ có từ trước khi UNCLOS ra đời. Bởi vậy việc phê chuẩn UNCLOS của TQ phải hiểu là có bao hàm loại trừ những vấn đề lịch sử trước đó, cũng có nghĩa việc opt-out theo điều 298 giúp cho TQ giữ các historical rights này. GS Phạm Quang Tuấn chỉ ra một điểm cực kỳ nguy hiểm của lập luận này, không chỉ với VN và các nước có tranh chấp trên Biển Đông mà còn với toàn bộ quyền lực cũng như mục đích của UNCLOS. Nếu công ước này phải xếp sau những historical rights thì điều này sẽ mở ra một "Pandora's box" với vô số các cuộc tranh giành đất đai, hải đảo giữa các nước. Điều này chắc chắn sẽ phá vỡ hoàn toàn một trật tự "tương đối công bằng" mà UNCLOS đang cố gắng thiết lập.

Yếu tố khách quan cuối cùng là việc chủ tịch ITLOS hiện tại là người Nhật như đã đề cập bên trên. Một trong 4 trọng tài được Shunji Yanai chỉ định ban đầu là thẩm phán Pinto người Sri Lanka đã phải từ chức vì vợ ông là người Philippines cho thấy Yanai có thể đã nghiêng về phía Philippines khi chỉ định thẩm phán này. Người thay thế thẩm phán Pinto là cựu chủ tịch ITLOS Thomas Mensah (Ghana) và ba trọng tài còn lại từ Pháp, Ba Lan và Hà lan khó đánh giá mức độ trung lập nhưng tôi nghi ngờ Yanai chọn ai đó thân hoặc có quan điểm ủng hộ TQ. Còn trọng tài thứ năm do Philippines chỉ định, Rudiger Wolfrum người Đức, chắc sẽ ủng hộ phía Philippines. TQ có vẻ cũng thấy bị bất lợi nên đã ra sức PR, thậm chí đẩy Xue Hanqui, một thẩm phán người TQ tại ICJ, lên tiếng bảo vệ quan điểm opt-out của TQ dù đây là điều tối kịvới một thẩm phán quốc tế. Nhà báo Chito Sta. Romana (Philippines) đã từng lo ngại thẩm phán TQ Gao Zhiguo tại ITLOS sẽ ảnh hưởng lên quyết định của các trọng tài khác, tôi nghĩ Shunji Yanai chắc chắn có tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn Gao Zhiguo hay Xue Hanqui.

Tóm lại về mặt tổng thể tôi cho rằng cán cân đang ngả về phía Philippines, cả trong cuộc chiến thuyết phục hội đồng trọng tài về jurisdiction lẫn những nội dung kiện sau đó. Tất nhiên đường còn dài và có thể có nhiều bất ngờ xảy ra. Một đe dọa cho Philippines (và cả VN) như GS Alex Calvo lo ngại là TQ có thể sẽ rút khỏi UNCLOS khi bị dồn vào chân tường và lu loa lên họ bị phương Tây xử ép. Đây có thể là một trong những kết cục của vụ kiện này mà tôi sẽ phân tích trong phần dưới đây.


Những kết cục có thể xảy ra

Phương án đầu tiên là Philippines thua ngay từ "vòng gửi xe", nghĩa là đầu năm 2015 tòa tuyên bố họ không có jurisdiction và giải tán. Hiển nhiên đây sẽ là một cú tát với Philippines và cả VN, đập tan mọi khả năng/ý chí kiện tụng chống lại TQ sau này bằng con đường pháp lý. TQ có thể sẽ thừa thắng xông lên hung hăng hơn trên Biển Đông đuổi dần các nước khác ra khỏi đường 9 đoạn. Nếu VN và Philippines bị đẩy vào bước đường cùng có thể một liên minh quân sự sẽ được thành lập với Nhật, Mỹ và có thể Ấn độ, Úc đúng đằng sau hoặc trực tiếp tham gia. Một cuộc chạy đua vũ trang sẽ diễn ra giữa các nước trong vùng với TQ. Rủi ro đụng độ quân sự tăng lên sẽ làm ngưng trệ các hoạt động kinh tế trên Biển Đông và ảnh hưởng các tuyến hàng hải trên đó. Đây sẽ là phương án lose-lose cho cả hai phía.

Tôi nghĩ TQ sẽ thừa đủ khôn ngoan để không đẩy các đối thủ của mình vào chân tường dù giành thắng lợi trong vụ kiện. Nhiều khả năng TQ nhân đà chiến thắng sẽ ép VN/Philippines và các nước ASEAN ký một COC với nhiều điều kiện có lợi hơn cho TQ. Song song với COC TQ sẽ ép VN và Philippines ký các hiệp định song phương phân chia EEZ rất có lợi cho họ và/hoặc các thỏa thuận khai thác chung mà TQ sẽ được phần lợi nhiều nhất. Tất nhiên TQ cũng thừa khôn ngoan không ép VN và Philippines từ bỏ claim chủ quyền với HS-TS mà sẽ yêu cầu giữ status quo sau khi đã đạt được các thỏa thuận kinh tế. Kịch bản này dễ xảy ra với VN hơn, Philippines với một thể chế dân chủ và ít ra còn dựa được vào Mỹ sẽ khó bị thuyết phục/đe dọa như VN.

Cũng tương tự như vậy nếu Philippines thắng vòng tranh tụng jurisdiction nhưng thua toàn bộ các nội dung kiện thì TQ sẽ lấn tới như phương án đầu. Điểm khác biệt duy nhất là cửa kiện tụng không hoàn toàn đóng lại với cả Philippines lẫn VN, bởi vậy TQ sẽ khó ép hơn. Tuy nhiên, như đã phân tích bên trên, cả hai phương án này đều làm suy yếu uy tín và quyền lực của UNCLOS nên triển vọng kiện tụng sau này sẽ rất mù mờ, phương án lôi TQ ra kiện về chủ quyền HS-TS tại ICJ có khó khăn hơn nữa.

Phương án tiếp theo là Philippines thắng vòng tranh tụng jurisdiction rồi thắng luôn toàn bộ hoặc một số nội dung kiện. Thừa thắng xông lên cả Philippines và VN sẽ lôi TQ ra ICJ kiện về chủ quyền HS-TS, đồng thời ASEAN sẽ đưa ra một phương án COC vô cùng bất lợi cho TQ. Như đã đề cập bên trên TQ có thể phản ứng rất cực đoan rút khỏi UNCLOS, DOC 2002, đồng thời gia tăng những hoạt động đe dọa chủ quyền VN và Philippines vì không còn bị rằng buộc gì. Phương án này cũng sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và khả năng hình thành liên minh quân sự đối đầu với TQ. Căng thẳng leo thang sẽ là một tình huống lose-lose như phương án đầu tiên.

Nên nhớ TQ là một nước lớn nên việc "giữ thể diện" quan trọng đối với họ. Tôi cho rằng phương án tốt nhất cho Philippines (và VN được "ăn theo") là Philippines chỉ thắng nội dung (i) về đường 9 đoạn. Trong đó tòa tuyên bố đường 9 đoạn không phù hợp với bất kỳ điều khoản nào của UNCLOS nên yêu cầu TQ không được sử dụng nó trong các cuộc đàm phán về ranh giới biển với các nước láng giềng. Điều này tưởng như đã vi phạm vào nội dung mà TQ đã opt-out nhưng thực ra không phải vậy. Tòa vẫn tôn trọng nội dung opt-out của TQ và yêu cầu các nước phải đàm phán song phương với TQ về vấn đề ranh giới biển, trong đó có phân chia EEZ trồng lấn. Nhưng tòa tuyên bố các claim hiện nay của TQ về historical rights không có giá trị nên đường 9 đoạn coi như không hiện hữu theo UNCLOS. Thực ra đây có thể là lối thoát cho các lãnh đạo TQ rũ bỏ được legacy của đường 9 đoạn mà không bị mang tiếng là đầu hàng ASEAN và phương Tây.

Phương án cuối cùng mà cũng rất có khả năng xảy ra là Philippines thắng vòng tranh tụng jurisdiction rồi dừng lại. Nên nhớ Philippines chấp nhận bỏ tiền bạc, công sức, và nhất là căng thẳng với TQ khi khởi kiện hoàn toàn vì quyền lợi của họ chứ không phải vì VN hay các nước ASEAN khác. Bởi vậy nếu TQ nhượng bộ nhả bớt một số quyền lợi cho Philippines thì nước này có thể chấm dứt vụ kiện giữa chừng sau khi đạt được mục đích. TQ có thể sẽ "đi đêm" hoặc thỏa thuận công khai phân chia EEZ với Philippines, thậm chí ký hợp đồng cùng khai thác chung với phần ăn chia có lợi cho Philippines. Hai bên sẽ đồng ý gác lại vấn đề chủ quyền của các đảo và bãi đá ngầm đang tranh chấp. VN tất nhiên không "ăn theo" được gì trong phương án này trừ khi Philippines ép được TQ ký COC với ASEAN.

Nếu phương án này xảy ra và TQ "buông" Philippines nhưng vẫn tiếp tục chèn ép VN, chúng ta chỉ còn một con đường lôi TQ ra kiện giống Philippines. Ngoại trừ lợi thế án lệ của PvsC sẽ có lợi cho phần tranh tụng jurisdiction, vụ kiện VN vs TQ sẽ khó khăn hơn vì TQ sẽ có nhiều bài hơn. Chắc chắn "công hàm" Phạm Văn Đồng 1958 sẽ bị lôi ra cùng nhiều chứng cứ khác. Lần này TQ cũng có thể theo vụ kiện ngay từ đầu với một giàn luật sư/chuyên gia mạnh để áp đảo VN trong phần tranh tụng. Kết quả khả quan nhất mà VN có thể đạt được nếu không muốn thua trắng là một thỏa thuận ngoài tòa để chấm dứt sớm vụ kiện như Philippines. Nhưng chắc chắn VN sẽ không đạt được nhiều nhượng bộ từ TQ như Philippines và cũng phải chấp nhận treo lại vấn đề chủ quyền HS-TS.


Kết luận

Vụ kiện PvsC đã tạo ra một chấn động không chỉ trong giới luật gia mà cả vùng Đông-ĐNÁ. Nói theo GS Julian Ku đây là "game charger", nghĩa là một cú hích có thể làm đổi hướng bức tranh BĐ-HS-TS trong khu vực và cả tranh chấp Senkaku giữa Nhật và TQ. Những liên minh mới có thể hình thành, những hiệp định mới có thể được ký kết, thậm chí đụng độ quân sự có thể xảy ra sau phán quyết của tòa trọng tài. Cho đến thời điểm này VN vẫn chơi bài "wait and see", dù có thể vẫn đang âm thầm chuẩn bị hồ sơ khởi kiện nhưng lại rất hi vọng Philippines sẽ thắng tuyệt đối để mình được "ăn theo" mà không phải làm gì. Theo tôi đây không phải phương án tốt nhất cho VN. Chúng ta nên khởi kiện ngay cả trước khi trọng tài vụ PvsC tranh biện jurisdiction. Mục tiêu và cách thức kiện của VN có thể sẽ khác Philippines, đó là một "mặt trận thứ hai" cùng Philippines chống lại TQ. Tôi sẽ là viết về vấn đề này trong một entry tới.



Ghi chú
[1]: Tôi để chữ kiện trong ngoặc vì khái niệm này không đơn giản như đa số người Việt nghĩ. Tôi sẽ viết về vấn đề này trong một entry tiếp theo.
[2]: Tôi chỉ tìm thấy hai bài tương đối chi tiết của trọng tài VN Châu Huy Quang trên TBKTSG và của nhà báo Danh Đức trên TT.
[3]: Khác biệt quan trọng nhất giữa phương án xử tại một tòa cố định (ITLOS/ICJ) với tại một tòa trọng tài (Annex VII) là với tòa cố định hội đồng xét xử đã được định trước (vd ITLOS có 21 thẩm phán thường trực) trong khi các bên có thể chỉ định hội đồng trọng tài cho mình nếu xử theo Annex VII. Ngoài ra tòa án cố định đã có qui trình xử án chuẩn còn qui trình xử của trọng tài được 2 bên tranh chấp thỏa thuận sau khi hội đồng trọng tài được thành lập. Do vậy hai bên có thể thỏa thuận xử kín, không công bố thông tin và chi tiết phiên tòa, không như xử tại tòa án cố định luôn được công khai.
[4]Julian Ku, giáo sư luật tại Hafstra University, cho rằng ngay cả nếu TQ tham dự phiên tòa trọng tài tại PCA nước này vẫn có khả năng tuyên bố không chấp nhận phán quyết của hội đồng trọng tài nếu bị xử thua, nghĩa là phán quyến này không có tính chất binding. Lập luận này phù hợp với các phân xử trọng tài thông thường nhưng theo tôi không đúng trong trường hợp UNCLOS.
[5]: Trong phần comment về bài của Stefan Talmon, Huy Duong (Dương Danh Huy?) đồng ý với lập luận của Talmon rằng tranh chấp giữa Philippines và TQ liên quan đến ranh giới biển.
[6]: Mặc dù cả Annex VI lẫn Annex VII đều có qui định về trường hợp một bên không theo kiện, nhưng điều đó không có nghĩa UNCLOS cho phép thành viên được quyền tẩy chay một vụ kiện do một thành viên khác khởi xướng theo đúng điều 287.
[7]: GS Robert Beckman có 2 bài, bài hoàn chỉnh link bên trên, một bài viết chi tiết hơn về UNCLOS ông yêu cầu không tự do trích dẫn nên tôi chỉ để link ở đây cho những ai quan tâm.
[8]: GS Julian Ku cho rằng TQ có thể rời bỏ vụ xử giữa chừng sau khi tòa tuyên bố họ có jurisdiction. Tuy nhiên điều này còn gây tiếng xấu cho TQ hơn là không theo ngay từ đầu.
[9]: TS Mark Valensia lại lập luận ngược lại. Ông này cho rằng nếu tòa chấp nhận jurisdiction và xử cho Philippines thắng thì UNCLOS sẽ mất uy tín vì kiểu gì TQ cũng sẽ không tuân lệnh tòa.

Tổng số lượt xem trang