-3203. TÁM ĐẠI LỄ VÀ CHÍN LỄ DÂN TỘC
http://danhgiactau.com/
http://danhgiactau.com/
1. DẪN NHẬP
1.1 Các loại Tết Lễ.
Trong Nếp sống Việt, Tết Lễ là những dịp quan trọng để mọi người cùng nhau bộc lộ và củng cố Cuộc sống Tâm Linh.
- Tết là ngày mừng sự sống con người phát triển tốt đẹp, nhờ sự tuần hoàn của trời đất, đặc biệt những hiện tượng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống Con Người, như năm tháng, mặt trời, mặt trăng, nắng, mưa...
Đặc điểm của Tết Việt là mỗi Tết còn nhắc nhớ và ứng dụng trong cuộc sống, những thành tố quan trọng nhất của Nếp sống, của nền Văn hóa Việt.
Tết chủ yếu là hội họp ăn mừng.
- Lễ, gồm Đại Lễ và Lễ, là ngày mừng kính để nhớ ơn và tỏ lòng thành kính đối với các Vị Tổ và các Vị Ân Nhân của con người. Các Ngài tiêu biểu cho những Vị đã giúp mọi người thể hiện và tăng trưởng sức sống Làm Người.
- Ngoài ra, còn có Ngày. Ngày là dịp đặc biệt nhắc nhớ những sự kiện quan trọng hoặc cần quan tâm.*1
* *
1.2 Theo thành phần.
Theo thành phần liên hệ, Tết Lễ gồm các Tết Lễ Dân Tộc, các Tết Lễ của làng, các Lễ của Họ tộc và của Từng người.
Tết Lễ thường được tổ chức cách long trọng với việc Cúng Tế và Hội Mừng, gọi chung là Lễ Hội.
* * * *
2.1 Nhìn chung.
a. Đại Lễ.
Đại Lễ là những ngày trọng đại của Dân Việt. Toàn dân Việt kính Ông Trời, kính Tổ Tiên, Tiền Nhân, và Thần Linh đã trực tiếp hiển linh phù trợ con người.
Có 8 Đại Lễ :
1. Đại Lễ kính Trời.
2. Đại Lễ kính Ông Tổ Tộc Việt.
3. Đại Lễ kính Bà Tổ Tộc Việt.
4. Đại Lễ kính Tổ Tiên mỗi người.
5. Đại Lễ kính 18 Vua Hùng Quốc Tổ.
6. Đại Lễ kính Thần Linh Sông Núi.
7. Đại Lễ kính Văn Thánh Hiền Nhân.
8. Đại Lễ kính Võ Thần Nghĩa Sĩ.
b. Đặc Điểm Đại Lễ Việt.
Tám Đại Lễ gồm 2 nhóm :
- Bốn Đại Lễ kính Nguồn Sống của con người, mừng trong 4 ngày Tết.
Đại Lễ kính Trời - Tết Rằm Đầu Năm.
Đại Lễ kính Ông Tổ Tộc Việt - Tết mừng Mặt Trời.
Đại Lễ kính Bà Tổ Tộc Việt - Tết mừng Trăng.
Đại Lễ kính Tổ Tiên từng người. - Tết Đầu Năm.
Như vậy, các Đại Lễ thờ kính tất cả mọi Vị Tổ, mọi Nguồn Sống, của từng người, của cả Nước, của toàn Tộc Việt, và của toàn thể Nhân Loại, của toàn thể Vũ Trụ.
- Bốn Đại Lễ mừng kính tất cả các Ân nhân trợ giúp Cuộc sống của Con người, và của Toàn Dân :
Đại Lễ kính 18 Vua Hùng Quốc Tổ.
Đại Lễ kính các vị Thần Linh Sông Núi.
Đại Lễ kính các vị Văn Thánh Hiền Nhân.
Đại Lễ kính các vị Võ Thần Nghĩa Sĩ.
* *
2.2 Đại Lễ Kính TRỜI, ĐẤNG NGUỒN SỐNG TỐI CAO. - Tết Rằm Đầu Năm. - Ngày Rằm tháng Giêng.*2
a. ÔNG TRỜI.
Ông Trời, Đấng Nguồn Sống. Từ Ngài, phát xuất mọi sự trong vũ trụ. Ngài cao cả xa xăm, nhưng Sức sống của Ngài trực tiếp sống trong mỗi con người : Trời sinh, Trời dưỡng, Trời ban ơn giáng phúc, Trời định, Trời độ, Ý Trời, Ơn Trời...
Hơn nữa, Trời còn ảnh hưởng trên con người qua những hiện tượng thiên nhiên, giúp con người duy trì và tăng trưởng cuộc sống. Trời trở thành Bầu Trời xanh thẳm, với Mặt Trời sáng chói, đem lại ánh sáng và sức sống cho vạn vật. Rồi hiện thực và gần gũi hơn, Trời làm mưa, làm nắng, trời gió, trời sấm sét, trời đẹp...
Tất cả mọi sự xảy ra trong cuộc sống con người, ảnh hưởng tới cuộc sống... cũng đều do Trời, nhờ Trời.*3
b. Tạ ơn TRỜI.
Đặc điểm của Văn hóa Việt là mỗi người, mỗi nhà, đều có thể trực tiếp thờ kính Ông Trời. Mỗi nhà đều có Bàn thờ ‘Ông Thiên’ trước sân nhà, mỗi người đều có thể kính nhớ Trời, dâng hương dâng nước.
Đại lễ kính Trời là ngày Rằm tháng Giêng, một ngày đặc biệt, ngày đầu tiên có trọn Mặt Trời và Mặt Trăng, ngày trời sáng suốt ngày đêm.
Vì vậy, đây là ngày Tạ Ơn Trời, Đấng Nguồn Sống của vũ trụ, Đấng dùng Ngày và Đêm, dùng Mặt Trời và Mặt Trăng, để duy trì và phát triển Nguồn Sống trên Trái Đất. Ngài là Đấng Cao Cả, nhưng cũng là Nguồn Sống của mỗi người, nên luôn gần gũi và luôn ban Ơn Phước cho từng người.*4
c. Kính Hai Vị TỔ LOÀI NGƯỜI.
Tết Tạ Ơn Trời cũng nhắc nhớ lòng biết ơn đối với Hai Vị Tổ Đầu Tiên của Loài Người.
Dầu theo bất cứ chủ trương nào, Loài Người cũng đã khởi phát từ Hai Vị Tổ đầu tiên, ở một giai đoạn nào đó.
Theo Văn hóa Việt, tất cả mọi con người, toàn thể nhân loại, đều là Anh Em chung Một Bọc Mẹ.
Vì vậy, việc kính nhớ và tôn vinh Hai Vị Tổ của Nhân Loại, không chỉ là chính đáng, mà còn là sợi dây liên kết mọi con người, mọi chủng tộc, vào tình nghĩa và bình đẳng, để mọi người cùng nhau phát triển trong hòa bình, thịnh vượng.*5
* *
2.3 Hai Đại Lễ Kính nhớ HAI NGÀI HIỂN THÁNH KHỞI TỔ TỘC VIỆT.
a. Hai Vị Khởi Tổ Tộc Việt : Mẹ Tiên, Cha Rồng.
Kính nhớ Hai Vị Tổ đầu tiên của toàn thể Tộc Việt. Từ Hai Ngài khởi phát Dân Việt và Văn hóa Việt. Hai Ngài sống vào thời khuyết sử, từ hơn 7000 năm trước.
Theo đà phát triển của Tộc Việt, với tình kính quý và biết ơn sâu xa đối với Hai Vị Tổ Đầu Tiên, Tổ Tiên ta đã tôn Hai Ngài thành Biểu Tượng ‘Mẹ Tiên và Cha Rồng’ Linh Thiêng cao quý nhất của toàn thể Dân Việt.
Với sứ mạng Trời ban sinh ra cả một giống dân đông đúc siêu việt, là Tổ trên hết các Tổ của Tộc Việt, là Nguồn sinh mọi Thần Thánh Anh Linh Việt, địa vị Hai Ngài Tộc Tổ cao trọng và uy thế khôn tả, đáng được mọi người tôn vinh và cầu khẩn.*6
b. Hai Ngày Tết.
Bà Tổ Tộc Việt được toàn dân kính nhớ một cách trọng thể, với đầy tính cách biểu tượng cao cả là Mẹ Tiên và Mặt Trăng. Kính nhớ vào ngày Tết Mừng Trăng.
Cũng vậy, Ông Tổ Tộc Việt cũng được toàn dân kính nhớ với biểu tượng Cha Rồng và Mặt Trời. Kính nhớ vào Tết Mặt Trời.
c. Đại Lễ kính nhớ NGÀI HIỂN THÁNH KHỞI TỔ CHA RỒNG. - Ngày 5 tháng 5.*7
Ông Tổ Tộc Việt đã được biểu tượng hóa thành CHA RỒNG. Vì vậy, mừng Cha Rồng chính là tỏ tình kính nhớ và biết ơn đối với Ông Tổ.
Ông Tổ còn được con cháu coi như Mặt Trời tỏa Sức sống cho con cháu, cho vạn vật, nên ngày kính nhớ Ông Tổ cũng là ngày mừng Mặt Trời.
Ngày Tết CHA RỒNG nổi bật với những cuộc vui trên sông nước, nhất là đua thuyền Rồng. Ăn Tết lại phải có vịt, đi tết cha mẹ và thầy giáo bằng một cặp vịt... (Vịt là hiện biểu của Tiên).
Đại Lễ mừng vào giữa mùa hè, là mùa nóng, mùa ngày dài nhất, mùa nhiều ánh sáng Mặt Trời nhất. Lễ lại mừng vào lúc giữa trưa, lúc Mặt Trời sáng đẹp nhất.
Có tục hái lá và phơi lá dưới ánh nắng trưa, để uống trị bịnh và tăng sức. Trẻ em được bôi phẩm đỏ, màu của Mặt Trời, vào móng tay móng chân, bụng, trán, và cho phơi nắng, nhận thêm sức sống từ Mặt Trời, để mau lớn, thêm mạnh khoẻ...
Vì mùa hè là mùa cây trái, và nhiều sâu bọ, nên còn có tục ‘giết sâu bọ’ và đánh khảo cho cây sinh nhiều trái... để cỏ cây và vạn vật cũng được thêm sức sống.
Ngoài ra, về ngày tháng, Tổ Tiên ta đã chọn tháng nóng, sáng nhất, tức là tháng giữa mùa hè, tháng 5. Và rồi, theo 12 con giáp để tính ngày, Tổ Tiên đã chọn ngày thuộc con giáp thứ 5, là ngày Thìn, để nhắc nhớ Rồng. (Theo thứ tự 12 con giáp, ‘tí sửu dần mão thìn tỵ...’, thì Thìn đứng thứ 5).
Như vậy, Tổ Tiên đã dùng ngày 5 tháng 5, là ngày Rồng giữa Hạ, để vừa mừng Mặt Trời vừa mừng Cha Rồng.
* Qua biểu tượng Cha Rồng, còn có thể là Ngày mừng Ơn Cha, và bao quát hơn, là ngày Nam Nhân.*8
* *
2.4 Đại Lễ kính nhớ NGÀI HIỂN THÁNH KHỞI TỔ MẸ TIÊN. - Ngày Rằm tháng 8.*9
a. Khởi Tổ Mẹ Tiên.
Bà Tổ Tộc Việt đã được biểu tượng hóa thành Mẹ Tiên. Vì vậy, mừng Mẹ Tiên chính là tỏ tình kính nhớ và biết ơn đối với Bà Tổ.
Bà Tổ còn được con cháu coi như Mặt Trăng, cùng với Ông Tổ Mặt Trời, chung nhau tỏa Sức sống cho con cháu. Vì vậy, ngày kính nhớ Bà Tổ cũng là ngày mừng Mặt Trăng.
Trong suốt mấy ngàn năm, đêm rằm tháng tám luôn được coi là đêm trăng sáng nhất trong năm, nên là đêm mừng Trăng sáng.
Ngày Đại Lễ kính nhớ Hiển Thánh Khởi Tổ Mẹ Tiên, cũng là ngày Tết, có tục lệ ăn bánh nhân trứng với nhiều hột, và rước đèn cá chép. Bánh có nhân trứng với nhiều hột nhắc nhớ biểu tượng Mẹ Tiên sinh Bọc Trăm Con. Cá chép sẽ vượt Vũ Môn để biến thành Long.
Khi mừng Tết Mẹ Tiên, hát trống quân cũng là nét đặc biệt còn lưu truyền từ thời dân Việt thiên về mẫu hệ. Hát trống quân là hát trong quân lính, theo tiếng trống đồng. Ở thời mẫu hệ, (từ thời Khởi nguyên, năm 5000 ttl, tới thời Bà Trưng, năm 40-43 dl, và Bà Triệu, năm 248 dl), nữ giới là vị chỉ huy quân đội, đánh trống điều động binh tướng. (Cho đến hiện nay, khi khai trương trống đồng mới đúc, nữ giới vẫn còn đặc quyền đánh tiếng trống đầu tiên).*10
Lại nữa, về ngày tháng, theo 12 địa chi, tháng tám là tháng Dậu, tháng gà, tháng phụng. Gà, phụng nhắc nhớ Tiên. Đồng thời, mừng vào đêm Rằm, vì cũng là mừng Trăng. Do đó, mừng Mẹ Tiên vào đêm Rằm tháng 8, là đêm sáng tháng Phụng. Vừa Tiên vừa Trăng.
* Ngày Mừng Mẹ Tiên cũng là ngày tôn vinh mọi Bà Mẹ, với công đức sinh thành dưỡng dục, với Tình Mẹ bao la, với thiên chức Làm Mẹ cao cả, Ngày Ơn Mẹ. Bao quát hơn, đây là Ngày Phụ Nữ.
* Ngoài ra, vì trẻ em được cùng vui chơi ngày Mừng Mẹ, nên ngày Tết cũng có phần là Tết Trẻ Em.*11
b. Liên hệ mật thiết giữa hai Đại Lễ kính MẸ TIÊN và kính CHA RỒNG.
Ngày Đại lễ mừng kính Cha Rồng có đua Thuyền Rồng và mừng tết bằng Vịt. Vịt là hiện biểu xa của Tiên. Thuyền Rồng và vịt nhắc nhớ Cha Rồng và Mẹ Tiên. Tuy nhiên, vì đây là ngày mừng kính Cha Rồng, nên Mẹ Tiên được nhắc nhớ bằng vịt, thấp hơn một bậc. (là vịt, không phải Phụng sóng với Long).*12
Cũng vậy, trong Đại Lễ mừng Mẹ Tiên, vừa có Bánh Trăm Con nhắc nhớ Mẹ Tiên, vừa có Cá Chép. Cá Chép phải vượt vũ môn mới thành Long. Như vậy, trong ngày mừng Mẹ Tiên, rước đèn Cá chép là nhắc nhớ Cha Rồng, nhưng thấp hơn một bậc.
Thực tinh tế, ngày mừng Ông cũng nhắc nhớ Bà. Nhưng hình ảnh của Bà thấp hơn một bậc. Ngày mừng Bà cũng nhắc nhớ Ông. Nhưng Ông thấp hơn một bậc.
Ngoài ra, ngày tháng mừng cũng sóng đôi : Mừng Bà Tổ Đêm Rằm tháng Phụng, thì mừng Ông Tổ Ngày Thìn giữa Hạ.
c. Như vậy,
Vì tính cách quan trọng, cao cả, linh thiêng, và đầy ơn ích, Mẹ Tiên và Cha Rồng đã được con cháu mừng thành hai Đại Lễ, hai Tết.
Tuy nhiên, Tết mừng Mẹ cũng có Cha, Tết mừng Cha cũng có Mẹ. Như vậy, Hai Vị đã cùng được kính nhớ 2 lần trong một năm.
Đây là hai Đại Lễ quan trọng và sống động nhất của Dân Việt, và được Dân Việt mừng kính lâu đời nhất.*13
* *
2.5 Đại Lễ Kính THẦN LINH SÔNG NÚI. - Ngày Rằm tháng 2.
Sông Núi, Giang Sơn, Đất Nước, tạo môi trường sống cho con người, ảnh hưởng trực tiếp trên cuộc sống con người. Không chỉ Quê Hương, Đất Nước ảnh hưởng trên toàn dân, toàn nước, mà mỗi ngọn núi, mỗi khúc sông, cũng ảnh hưởng khác nhau tới cuộc sống của cư dân, của con người sống tại chỗ.
Đất thiêng sinh người hiền. Địa linh nhân kiệt. Đây không những là niềm tin mà còn có những nghiệm chứng qua khoa phong thủy và nhiều khoa khác.*14
Tuy vậy, dân Việt chỉ thờ kính các Vị Thần, Thiên thần hoặc Nhân thần, đã hiển linh phù trợcon người ở tại Vùng Đất, tại Núi, tại Sông. Dân Việt không thờ kính hiện tượng thiên nhiên, không coi các hiện tượng thiên nhiên như những thần linh.
Thời trước, mỗi khi có biến cố quan trọng cho dân nước, vua thường cử các quan đi tế các Vị Thần ở các Núi Sông nổi tiếng linh thiêng. Các làng thôn và đại chúng cũng theo cách thức đó, ở địa hạt nhỏ hơn.*15
* *
2.6 Đại Lễ kính 18 VUA HÙNG THÁNH VƯƠNG QUỐC TỔ. - Ngày 10 tháng 3.
a. Vua Hùng.
Dân Việt Nam, nhánh Việt Lạc của Tộc Việt, thờ kính Mười Tám Vị Quốc Tổ, với danh xưng Vua Hùng.
Vua Hùng là Biểu Tượng của Những Vị đã Đóng Góp Đặc Biệt vào tiến trình hình thành của Tộc Dân và Văn Hóa Việt từ Thời Khởi Nguyên và trong Thời Hùng, từ năm 5000 tới 180 ttl. Các Ngài là những Vị trổi vượt thuộc mọi lãnh vực, đặc biệt về Xã hội và Văn hóa, chứ không nhất thiết là người có quyền cai trị.
Vì tính cách biểu tượng, tên riêng và tiểu sử của từng Vị đã không còn cần thiết. Tất cả đều được tôn xưng bằng miếu hiệu ‘Vua Hùng’.
Các Ngài còn được biểu tượng hóa với con số cao quý là ‘Mười Tám Vị’. Số 18 là 2 lần 9. Số 9 là số đặc thù, trọn vẹn và cao quý nhất của Tộc Việt. Như vậy, ‘Mười Tám Vua Hùng’ là những Vị cao quý tột bực, và được kính trọng tột bực, được thờ kính, của Truyền Thống Việt.
Hơn nữa, từ khởi nguyên, cách đây 7000 năm, cho đến cách đây 1700 năm, thế kỷ 3 dl, dân Việt thiên về mẫu hệ, phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, nhiều Vị thuộc Nữ Giới cũng đã đóng góp đặc biệt, trong việc thành hình xã hội và văn hóa Việt.
Vì vậy, với ‘Vua Hùng’ đã trở thành biểu tượng, với số 9 là con số tuyệt hảo của Dân Việt, và theo đúng truyền thống Mẹ Tiên Cha Rồng 50/50 siêu việt, ta thờ kính 9 Vua Hùng Bà và 9 Vua Hùng Ông. (Các Ngài không nhất thiết là vợ chồng).
Đây là ngày Mừng của Toàn Dân, không những để kính nhớ, tôn vinh công đức, cầu ơn độ trì của Tiền Nhân, mà còn để hun đúc tinh thần Dân Tộc.*16
b. Ngày Tiên Tháng Rồng.
Ngày Đại Lễ kính 18 Thánh Vương Quốc Tổ là ngày 10 tháng 3. Tháng 3 là tháng Thìn, ngày 10 là ngày Dậu. Thìn là Rồng, dậu thuộc Tiên. Ngày 10 tháng 3 là ngày Tiên tháng Rồng.
Kính nhớ Mười Tám Thánh Vương Quốc Tổ cũng là kính nhớ Tiên Rồng.*17
* *
2.7 Đại Lễ kính TỔ TIÊN, NGUỒN SỐNG của mỗi Người. - Ngày Tết Đầu Năm.
a. Đại Lễ.
Đại Lễ kính Tổ Tiên được mừng kính trọng thể cùng với Tết Đầu Năm.
Đây là ngày Lễ quan trọng nhất của mỗi người, gia đình, họ tộc. Là dịp gia đình đoàn tụ, cúng đầu Năm, đầu vận hội mới.
Thờ kính Tổ Tiên là niềm tin sâu vững nhất của Dân Việt. Tổ Tiên chính là những Vị đã tiếp ứng Đấng Nguồn Sống, Ông Trời, mà sinh dựng chúng ta. Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chính là Ông Trời Hiện Thân để cho chúng ta được diễm phúc Làm Người.
Vừa mừng Năm Mới, vừa kính nhớ Tổ Tiên, mời Ông Bà Tổ Tiên về chung vui trong nhà suốt 3 ngày Tết... Tết trở thành dịp để mọi người trong gia đình tụ họp và cùng nhau chung sống những ngày trọng đại đầy ơn ích.
Như thế, ngày Đại Lễ kính Tổ Tiên chính là Ngày Đoàn Tụ Gia Đình, không những đoàn tụ giữa những người thân thuộc đang sống, mà còn với Ông Bà Tổ Tiên hiện diện cách linh thiêng, và hướng về con cháu chưa sinh ra.*18
b. Lễ Tạ Tổ.
Để chuẩn bị Mừng Năm Mới thực chu toàn, phong tục ta lại có ngày Lễ Tạ Tổ, vào ngày 23 tháng chạp.
Đây là ngày mọi người trong gia đình nhìn lại cuộc sống của mình trong suốt năm qua, để vừa vui mừng và tạ ơn vì những tốt đẹp của năm cũ, và vừa để có những quyết định sửa đổi, hoặc thăng tiến, cho năm tới.
Theo nếp sống thời trước, gia đình luôn quây quần quanh bếp lửa, nên Ông Táo được coi là đã nghe biết tất cả mọi chuyện của gia đình trong suốt năm qua. Vì vậy, có tục Đưa Ông Táo về tường trình với Trời mọi việc, mọi cách sống, của mỗi người trong gia đình.
Nhờ đó, nhờ ý thức mọi hành vi của mình sẽ được Trời thẩm định, mỗi người sẽ cố gắng sống tốt đẹp hơn.*19
* *
2.8 Đại Lễ Kính VĂN THÁNH HIỀN NHÂN. - Ngày Rằm tháng 6.
Ngày Đại lễ nầy kính nhớ tất cả những Vị nam nữ thuộc ngành văn. Các Vị đã cảm thụ di huấn Tổ Tiên, đem ứng dụng theo thực trạng đương thời, và tạo ra nhiều phương thức thích nghi, giúp toàn dân thể hiện Đạo Làm Người, tăng trưởng Sức Sống Việt, góp phần xây dựng Dân Tộc Quê Hương.
Các Vị là những nhà lãnh đạo mọi cấp mọi thời, đã xây dựng cho dân an nước thịnh...Từ những Vị hết dạ thương dân, chuyên lo việc nước, đã nêu gương vua sáng quan liêm, tới các Vị trọn tình tận sức, phát triển làng thôn, quyết xây dựng dân giàu nước thịnh.
Những Bậc đã vận dụng thơ văn, và các Vị nghiệp sư, giáo giới, nhà khảo cứu, đã chuyên cần đào tạo các thế hệ tương lai, những vị sống vị tha, các vị lương y, các Nhà hào phóng, từ thiện, trọn tâm sức cứu người túng khổ.
Những vợ chồng trọn tình trọn nghĩa, những anh em bạn bè sống chết có nhau,
Những Bậc mẹ hiền cha sáng, suốt một đời tận tụy vì con, và những vị con hiếu cháu ngoan, những người trung thành tận tụy...
Và tất cả các Vị, theo thành tâm thiện ý, tận dụng mọi khả năng để giúp cuộc sống con người thêm hạnh phúc.
* Ngày Đại Lễ cũng là ngày đặc biệt tôn vinh những gương sáng hiện đại, hiện thời.*20
* *
2.9 Đại Lễ Kính VÕ THẦN NGHĨA SĨ. - Ngày Rằm tháng 11.
a. Võ Thần Nghĩa Sĩ.
Kính nhớ tất cả các Vị đã sống và chết cho Đất Nước Dân Tộc trong ngành võ, dầu các Ngài đã về thần bằng bất cứ cách nào.
Các quân nhân mọi cấp, các nhà quản trị mọi ngành... Các vị chuyên lo phát triển mọi mặt, quân sự, an ninh, kinh tế, kỹ nghệ, công thương nông ngư lâm súc...
Tất cả mọi người đã bảo vệ an bình công chính, kềm chế và ngăn chận ác nhân, chống mọi thứ gian giặc, tận tâm tận sức phục vụ tha nhân... nâng đỡ rèn luyện người hiền, phát triển tương lai con cháu...
Đặc biệt các Vị hy sinh trong thời biến loạn để bảo vệ Đồng bào Quê hương, cứu nguy Dân tộc.*21
b. Ngày Chiến Sĩ Tử Trận. Ngày Nạn nhân Chiến cuộc.
Cũng là ngày Chiến Sĩ Tử Trận, tôn vinh những người đã hy sinh mạng sống vì đồng bào, vì quê hương. Không chỉ nhớ ơn, mà còn nhắc nhớ, nêu gương can trường chiến đấu, hy sinh...*22
* Cũng là Ngày Nạn Nhân Chiến Cuộc. Cầu hồn, cầu siêu... giải trừ oan ức, xóa bỏ hận thù...
* * * *
3.1 Lễ Các Vị Tiêu Biểu.
Trải hơn 7000 năm, đã có biết bao người góp phần ơn ích và hy sinh cho Quê Hương Dân Tộc. Ở mọi thời và mọi tầm độ, con số những Vị Đáng Được Thờ Kính thực vô kể.
Tuy nhiên, ta chỉ có thể Kính Nhớ những Vị Tiêu Biểu, và qua các Vị, kính nhớ mọi Vị liên hệ.
Với công đức của các Ngài, chúng ta tin rằng giờ nầy các Ngài đang hiển linh và quyền thế ở Thế Giới Bên Kia. Vì vậy, khi kính nhớ, không những chúng ta tuyên dương công đức và noi gương các Ngài, mà còn khấn xin các Ngài độ trì che chở.
Ở đây chỉ tóm lược phần cốt yếu của từng Lễ. Cần quảng diễn và phát huy.
Phần tiểu sử đã có trong nhiều sách, sử. Tuy nhiên, cần thực tế khách quan, nhận rõ thực tế đương thời... nhận ra thiên kiến và ác ý trong những tài liệu của giặc.
* Các Lễ được ghi theo thứ tự lịch sử.
* *
3.2 Lễ Đức PHÙ ĐỔNG. Ngày 8 tháng 4.
Theo lịch sử, Ân Cao Tôn đánh Việt Lạc năm 1218 ttl, cách đây hơn 3200 năm.*23
Với thời gian, kinh nghiệm chiến thắng giặc phương Bắc đã trở thành bài học truyền đời, Đức Phù Đổng trở thành biểu tượng của sức mạnh toàn dân.
Bài học bao trùm mọi chi tiết, sống động và hiện thực... biến từng người dân, biến nếp sống làng thôn, nếp sống toàn dân, thành sức mạnh đánh tan giặc.
Qua bài học Cứu Nước Cứu Dân của Truyền Kỳ Phù Đổng, Đức Phù Đổng đã thành biểu tượng cải hóa của tất cả mọi người, thuộc mọi thời đại, mọi tầng lớp, không trừ ai.*24
* *
3.3 Lễ Đức ĐẠI ĐẾ ĐỒNG ĐÌNH LĨNH NAM. Ngày 6 tháng 2.
Ngài húy là Trưng Trắc, sinh năm 12 dl. Ngài khởi nghĩa năm 30 dl, làm vua 40-43 dl.
Ngài đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành lại quyền tự chủ cho toàn thể dân vùng Lĩnh Nam và Đồng Đình của Tộc Việt.
Chiến công và thành tích đã xác định tôn hiệu ‘Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam’ của Ngài. Tộc Việt không có Vị nào được như Ngài. Nhân loại, cũng chưa có nữ nhân nào có chiến công hiển hách và vĩ đại như Ngài.
* Qua Ngài, chúng ta kính nhớ tất cả anh hùng hào kiệt, cũng như mọi người đã hun đúc tinh thần bất khuất của Tộc Việt, đặc biệt trong suốt Thời Hùng.*25
* *
3.4 Lễ Đức NAM VIỆT ĐẾ. Ngày 20 tháng 3.
Ngài húy là Lý Bôn, sinh năm 503 dl. Ngài khởi nghĩa năm 541 dl, làm vua 544-548 dl.
Khi tái lập chủ quyền cho Đất Nước, Ngài xưng là Nam Việt Đế, niên hiệu Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân. Đây là đế hiệu và quốc hiệu đầu tiên của Nước Ta còn lưu lại tới ngày nay.
Việc Ngài xưng Đế, đặt Niên hiệu và Quốc hiệu, sau 398 năm Bắc thuộc, cũng là tuyên ngôn độc lập, tuyên xưng quyết tâm bảo vệ Quê Hương Đồng Bào trước cường địch.
Nhà Tiền Lý kéo dài 61 năm, 541-602 dl.
* Ngài tiêu biểu cho tất cả các Vị đã cương cường đứng lên trong suốt thời Bắc thuộc.*26
* *
3.5 Lễ Đức NGÔ NAM ĐẾ. Ngày 9 tháng 4.
Ngài húy là Ngô Quyền, sinh năm 898 dl, làm vua năm 939-944 dl.
Ngài đã chiến thắng giặc Nam Hán năm 938 dl, với chiến thắng Bạch Đằng, mở đầu kỷ nguyên Phục Hưng, tự trị và phát triển toàn diện cho Đất Nước.
* Ngài tiêu biểu cho tất cả các Vị Khai sáng các Triều đại và những Minh Quân Thánh Chúa đã an dân thịnh nước.*27
* *
3.6 Lễ Đức HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG. Ngày 20 tháng 8.
Ngài húy là Trần Quốc Tuấn, sống thời 1232-1300 dl.
Đức Hưng Đạo Đại Vương, là vĩ nhân của nhân loại ở thế kỷ 13. Trong khi quân Mông Cổ đang bách chiến bách thắng và đang tàn phá khắp vùng rộng lớn từ Á sang Âu, vào những năm 1257, 1284, 1288 dl, Ngài đã chỉ huy toàn dân ba lần đánh bại bọn chúng.*28
Đây là giai đoạn cam go của Dân tộc, trước sức mạnh Mông cổ đang toàn thắng trên khắp thế giới. Nhưng nhờ quyết tâm và tài năng của Ngài, và nhờ toàn dân một lòng hy sinh chống ngoại xâm, ba lần Dân ta chiến thắng Mông cổ đã trở thành tiêu biểu cho toàn thể Nhân loại.
* Đức Hưng Đạo Đại Vương tiêu biểu cho con người tài đức trọn vẹn, văn võ song toàn, trọn đời vì Dân vì Nước.*29
* *
3.7 Lễ Đức LÊ THÁI TỔ. Ngày 22 tháng 8.
Ngài húy là Lê Lợi, sinh năm 1384 dl. Ngài khởi nghĩa năm 1418 dl, làm vua 1428-1433 dl.
Đức Lê Thái Tổ là vị Anh Hùng nông dân đã huy động toàn dân vùng lên chiến đấu, thoát nạn đồng hóa tàn bạo của giặc phương Bắc thời Minh.
* Ngài tiêu biểu cho những người nặng lòng yêu nước thương nòi, và dầu không có phương tiện, đã biết kiên trì tổ chức hữu hiệu.*30
* *
3.8 Lễ Đức QUỐC SƯ ỨC TRAI. Ngày 16 tháng 8.
Ngài húy là Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai. Ngài sống thời 1380-1442 dl. Ngài là quốc sư thời Đức Lê Thái Tổ.
Ngài đã đúc kết và ứng dụng thành công tinh hoa của Văn hóa Việt, qua việc vận động toàn dân dùng Nhân Nghĩa đánh đuổi giặc Minh.
Trong việc chiếm lại 15 thành từ tay giặc, Ngài đã dùng ‘tâm công’, thành tâm thực thi nhân nghĩa, đồng thời với áp lực quân sự, nên đã làm cho 12 thành tự ý quy hàng. ‘Đem đại Nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí Nhân mà thay cường bạo’.
* Ngài tiêu biểu cho những nhà văn hóa, kết tinh Văn hóa Việt thành sức mạnh thực tiễn của Dân tộc.*31
* *
3.9 Lễ Đức TRẠNG TRÌNH. Ngày 28 tháng 1.
Ngài húy là Nguyễn Bỉnh Khiêm, tước là Trạng Trình, sống thời 1491-1585 dl.
Không những Ngài nổi tiếng về thơ văn và tài tiên tri hiếm có, mà đặc biệt còn đóng góp lớn lao cho Quê Hương Dân Tộc với tài cố vấn của Ngài.
Trong khi Đất Nước nghiêng ngửa vì ba quyền lực Mạc, Trịnh, Nguyễn tranh giành, Đức Trạng Trình đã chỉ dẫn cho ba lãnh tụ ba hướng tiến. Nhờ vậy, không những đồng bào bớt lầm than, mà đất nước thêm phát triển.
* Ngài tiêu biểu cho giới học thức, văn nhân đã đạt. Thấy rõ nếp sống người dân trong nước, tính việc tương lai của Dân Tộc...*32
* *
3.10 Lễ Đức HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG. Ngày 29 tháng 7.
Ngài húy là Nguyễn Huệ, sinh năm 1753 dl, làm vua 1788-1792 dl.
Ngài ghi đại công và lừng danh với tài tốc chiến tốc thắng. Trận chiến 5 ngày đã đánh đuổi 20 vạn quân nhà Thanh, lấy lại quyền tự chủ cho dân nước, năm 1789 dl.
* Ngài là một thiên tài quân sự, và là nhà cách mạng về văn hóa, quyết nâng cao tinh thần và truyền thống dân tộc.*33
* * * *
4.1 7 TẾT, 8 ĐẠI LỄ, và 9 LỄ, theo Ngày Tháng, lịch Việt.
(Có 4 Tết và Đại Lễ mừng chung).
1.1 Đại Lễ kính Tổ Tiên - Tết Năm Mới. (1)
15.1 Đại Lễ kính Trời, Đấng Nguồn Sống Tối Cao - Tết Rằm Đầu. (2)
28.1 - Lễ Đức Trạng Trình. (3)
6.2 - Lễ Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam. (4)
15.2 Đại Lễ kính Thần Linh Sông Núi. (5)
10.3 Đại Lễ kính 18 Vua Hùng Thánh Vương Quốc Tổ. (6)
20.3 - Lễ Đức Nam Việt Đế. (7)
8.4 - Lễ Đức Phù Đổng. (8)
9.4 - Lễ Đức Ngô Nam Đế. (9)
5.5 Đại Lễ kính Ngài Hiển Thánh Khởi Tổ Cha Rồng - Tết mừng Mặt Trời. (10)
15.6 Đại Lễ kính Văn Thánh Hiền Nhân. (11)
15.7 Tết Xá Tội - Tết Đoàn Kết. (12)
29.7 - Lễ Đức Hoàng Đế Quang Trung. (13)
15.8 Đại Lễ kính Ngài Hiển Thánh Khởi Tổ Mẹ Tiên - Tết mừng Trăng. (14)
16.8 - Lễ Đức Quốc Sư Ức Trai. (15)
20.8 - Lễ Đức Hưng Đạo Đại Vương. (16)
22.8 - Lễ Đức Lê Thái Tổ. (17)
9.9 Tết mừng Mưa, Tết Phát triển. (18)
15.10 Tết Tảo Mộ, kính thân nhân đã qua đời. (19)
15.11 Đại Lễ kính Võ Thần Nghĩa Sĩ. (20)*34
* *
4.2 Các Vị là Tiêu Biểu.
Các Đại Lễ và Lễ mừng kính các Vị là Tiêu Biểu cho mọi thời và mọi giới, mọi ngành của Dân Tộc :
1. Tiêu biểu cho Thời Khởi Nguyên : Hai Vị Tổ của toàn thể Tộc Việt. Đại Lễ.
2. Tiêu biểu cho Thời Hùng : 18 Vua Hùng. Đại Lễ.
3. Tiêu biểu cho truyền thống toàn dân Cứu Nước, Giữ Nước : Đức Phù Đổng.
4. Tiêu biểu cho Nữ Nhân vì quê hương dân tộc : Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam.
5. Tiêu biểu cho toàn thể Anh Hùng Dân Tộc đã vùng lên trong suốt thời Bắc thuộc : Đức Nam Việt Đế, triều đại đầu tiên thoát ách Bắc thuộc.
6. Tiêu biểu cho tất cả các Vua Chúa đã an dân thịnh nước, thời Phục Hưng : Đức Ngô Nam Đế.
7. Tiêu biểu cho tất cả mọi người, thuộc mọi thành phần, luôn đứng lên giúp dân, cứu nước, không khuất phục bạo quyền : Đức Lê Thái Tổ.
8. Tiêu biểu cho tài đức trọn vẹn, văn võ song toàn : Đức Hưng Đạo Đại Vương.
9. Tiêu biểu cho thiên tài quân sự và cách mạng văn hóa : Đức Hoàng Đế Quang Trung.
10. Tiêu biểu cho giới học thức, văn nhân đã đạt : Đức Trạng Trình.
11. Tiêu biểu cho nhà văn hóa, đã thể hiện Đặc tính Văn hóa Dân tộc thành sức mạnh đánh thắng giặc thù : Đức Quốc Sư Ức Trai.*35
* *
4.3 Tầm Quan Trọng của TẾT LỄ.
a. Sống thực và Tăng trưởng Nếp sống Tâm Linh.
Tuy tính cách long trọng khác nhau, trong một năm, Tết, Đại Lễ và Lễ tạo nên 20 khơi động định kỳ, để toàn dân thể hiện và tăng trưởng Cuộc sống Tâm Linh.
Qua việc Cúng tế, ăn mừng, và nhắc nhớ những bài học quan trọng, Tết Lễ Việt trở thành hệ thống giáo hóa mỗi người và cộng đoàn, mọi trạng huống thiết yếu của cuộc sống Tâm Linh của con người.
Tết Lễ trở thành bài học sống thực tế, hun đúc Tinh thần Dân tộc, tinh thần biết ơn đối với mọi ân nhân, với mọi đóng góp của nhiều thế hệ... Tinh thần nhớ ơn đưa tới cố gắng noi gương, cố gắng sống cho xứng đáng con người, xứng đáng với Quê hương Đồng bào, với dòng họ...
Chính hệ thống Tết Lễ giáo hóa tinh tế và thực dụng nầy đã giúp Con người và Xã hội Việt bộc lộ và tăng trưởng trọn vẹn, xứng đáng địa vị Con Người giữa Vạn vật.
b. Cẩm nang.
Cần nhấn mạnh tính cách hệ trọng của nội dung các Tết Lễ, chứ không chỉ nghi lễ, hình thức. Cần chuẩn bị đầy đủ cho mỗi người và toàn thể cộng đoàn sống thực Cuộc sống Tâm Linh qua từng Tết Lễ.
Do đó, cần có Ủy ban chuyên trách, chuẩn bị đầy đủ tài liệu, cẩm nang, và cập nhật định kỳ, cho sống động hiện thực, mà vẫn thể hiện đầy đủ ý nghĩa và tôn nghiêm thành kính. Không để phần ‘Hội’ lấn áp phần ‘Lễ’.*36
* * * *
5.1 Ngày là để đặc biệt ghi nhớ những sự kiện quan trọng hoặc cần quan tâm.
Có nhiều Ngày, như Ngày Quốc Khánh, Ngày Kính Lão, Ngày ơn Mẹ, Ngày ơn Cha, Ngày ơn Thầy Cô, Ngày Phụ Nữ, Ngày Thanh Niên...
Các Ngày quốc tế, trong trào lưu nhân loại hiện nay.
* Cần luôn phổ biến và ứng dụng ý nghĩa cao quý của từng Ngày.
* *
5.2 Ngày Kính Lão.
Trong Nếp sống Việt, Ngày Kính Lão là phong tục đặc biệt từ thời xa xưa. Ngày Kính Lão tôn vinh các cụ Bà cụ Ông, những vị đã nhờ phúc đức Tổ Tiên và được ơn Trời cho trường thọ. Nhiều nơi đã tế các Cụ với nghi thức Tế Thần.
Khi được diễm phúc có các Cụ cùng sống, thì dầu không phải là con cháu các Cụ, chúng ta cũng được hãnh diện và hưởng nhờ những kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan, cũng như ơn ích và phúc đức của các Cụ.
Đây cũng là biểu lộ hiện thực của việc Thờ kính Tổ Tiên.
Sự quý trọng bậc Lão Thành đã và đang là niềm vui sướng, sự hãnh diện, là keo sơn gắn bó gia đình, và là sức mạnh đoàn kết của Dân tộc ta.
* * * *
* - 3203. : ký số của Bài trong danhgiactau.com.
*1 - Đọc bài 3202. Bảy Ngày Tết - Ý nghĩa và Nguồn gốc Việt.
- Tết và Lễ tính theo ngày tháng lịch Việt, âm lịch. Các ‘Ngày’ thì có thể tính theo dương lịch.
*2 - Đọc bài trên, đoạn 3.2.
*3 - Đọc bài 3102. Nền tảng Tâm Linh Việt. Đọc bài 1307. Nguồn gốc Việt Nam của Học thuyết Đạo và Đức, đoạn 5.2. - Về sự Hiện Hữu của Ông Trời, đọc bài 5103. Mặt Đá Bảo Bình và Ba Nền Văn Hóa hiện nay, phần 6.
*4 - Ở hầu hết mọi văn hóa khác, việc Thờ Trời chỉ dành cho vua, hoặc vị Tư tế tối cao.
Đọc bài 3302. Văn tế kính Trời, Đấng Nguồn Sống.
*5 - Đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đb đoạn 5.1. Đọc bài 2204. Tiên Rồng : Biểu tượng Con Người, đoạn 9.1.
*6 - Về Biểu tượng Mẹ Tiên Cha Rồng, đọc bài 1402. Nguồn gốc Tiên Rồng, phần 4. - Về Biểu tượng Tiên Rồng, đọc bài 2102. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội, đb đoạn 4.1.
*7 - Đọc bài 3202. Bảy Ngày Tết - Ý nghĩa và Nguồn gốc Việt, đoạn 3.3.
*8 - Đọc bài 3303. Văn tế kính Đức Hiển Thánh Tộc Tổ Cha Rồng. - bài 3207. Nghi Thức Tế Làng Nước.
*9 - Đọc bài 3202. Bảy Ngày Tết - Ý nghĩa và Nguồn gốc Việt, đoạn 3.5.
*10 - Về mẫu hệ Thời Hùng, đọc bài 1103. Tộc Việt thời Khởi Nguyên, đoạn 4.6.
*11 - Đọc bài 3304. Văn tế kính Đức Hiển Thánh Tộc Tổ Mẹ Tiên. - Bài 3207. Nghi Thức Tế Làng Nước.
*12 - Về Long Phụng, đọc bài 2204. Tiên Rồng : Biểu tượng Con Người, đoạn 9.2.
*13 - Về người Hoa xuyên tạc Tết Lễ Việt, đọc bài 3202. Bảy Ngày Tết - Ý nghĩa và Nguồn gốc Việt, đb đoạn 2.2.
*14 - Trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, (cuối thế kỷ 18 dl), dầu phần tiểu sử của mỗi vị tiến sĩ chỉ có mấy hàng, nhưng cũng đều ghi lại hình thế cuộc đất đã phát ra vị tiến sĩ đó.
*15 - Về vấn đề Thần Linh và Kitô giáo, đọc bài 3102. Nền tảng Tâm Linh Việt.
*16 - Đọc bài 1403. 18 Vua Hùng : 9 Vua Hùng Bà, 9 Vua Hùng Ông, đb đoạn 4.3. - Về Việt Lạc và Tộc Việt, đọc bài 1108. Tộc Việt Thời Hùng 3, đoạn 7.1.
Đọc bài 3306. Văn tế kính 18 Ngài Thánh Vương Quốc Tổ.
*17 - Đọc bài 3202. Bảy Ngày Tết - Ý nghĩa và Nguồn gốc Việt, phần 5.
*18 - Đọc bài 3202. Bảy Ngày Tết - Ý nghĩa và Nguồn gốc Việt, đoạn 3.1.
*19 - Đọc bài 2103. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người, đoạn 6.5.
*20 - Truyền Kỳ Tộc Việt có nhiều Vị tiêu biểu cho Văn Thánh Hiền Nhân trong Chử Đồng, Tiên Dung, Tiết Liêu, An Tiêm, Nàng Vọng Phu.
Đọc bài 3308. Văn tế kính Các Đấng Văn Thánh Hiền Nhân.
*21 - Đọc bài 3309. Văn tế kính Các Đấng Võ Thần Nghĩa Sĩ.
Đọc các Truyền kỳ về Việc Giữ Dân Giữ Nước, và Công cuộc Cứu Nước Cứu Dân.
*22 - Trước đây, có lễ Chiến Sĩ Trận Vong, nhưng ngày giờ, nghi thức, nội dung... đều khuôn rập theo phương Tây.
*23 - Tức là năm 1661 lịch Việt. - Đọc bài 1108. Tộc Việt Thời Hùng 3, đoạn 4.2.
*24 - Đọc bài 2110. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân, đb phần 1, 3. - Đọc bài 1407. Đã 13 lần Dân Việt đại thắng Giặc Phương Bắc xâm lăng, lần thứ 1.
*25 - Đọc bài 1113. Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, đb đoạn 1.2 và phần 7. - Đọc bài 1407. Đã 13 lần Dân Việt đại thắng Giặc Phương Bắc xâm lăng, lần thứ 4.
- Đọc bài 3311. Văn tế kính Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam.
*26 - Đọc bài 1407. Đã 13 lần Dân Việt đại thắng Giặc Phương Bắc xâm lăng, lần thứ 5. - Về thời Bắc Thuộc, đọc bài 1410. Ám thị Lệ thuộc Trung Hoa.
*27 - Tuy thời Bắc thuộc chấm dứt năm 906 dl với Khúc Thừa Dụ và Họ Khúc, nhưng chiến thắng Bạch Đằng năm 938 dl mới dứt khoát đè bẹp dã tâm phương Bắc.
Ngài xưng ‘Vương’, nhưng ngôi vị của Ngài là Hoàng Đế Nước Nam, (trước Ngài đã có Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, Đức Nam Việt Đế).
- Đọc bài 1407. Đã 13 lần Dân Việt đại thắng Giặc Phương Bắc xâm lăng, lần thứ 6.
- Theo cách hành quân của Trung Hoa, mỗi người lính đem theo một phu phục dịch. Số người vận chuyển lương thực cũng không được kể là lính. Vì vậy, số người Trung Hoa xâm nhập nhiều hơn gấp 3 lần con số quân lính được kể tới, dầu là con số trung thực.
*28 - Vì bị Dân ta đánh bại lần thứ 2, quân Nguyên đã đình chỉ việc tiến đánh Nhật Bản. Hơn nữa, nhờ Dân ta chiến thắng 3 lần, toàn thể các nước Đông Nam Á đã thoát nạn quân Nguyên xâm lăng.
*29 - Tước của Ngài là Hưng Đạo Đại Vương. Trong lịch sử không còn vị nào khác có tước hiệu nầy.
Vì vậy, không cần thêm chữ Trần, mà cũng không nên bỏ chữ Đại Vương. Thêm và bỏ đều có phần bất kính.
Đọc bài 1407. Đã 13 lần Dân Việt đại thắng Giặc Phương Bắc xâm lăng, lần thứ 9-11.
*30 - Do lòng kính trọng, ta không thể kêu tên húy của Ngài, là Lê Lợi. Đế hiệu của Ngài làThuận Thiên, nhưng lại trùng với đế hiệu của Đức Lý Thái Tổ. Vì vậy, có thể kính Ngài là Đức Thuận Thiên Nhà Lê.
Đọc bài 1407. Đã 13 lần Dân Việt đại thắng Giặc Phương Bắc xâm lăng, lần thứ 12.
*31 - Ngài đã để lại nhiều tác phẩm quan trọng, đặc biệt về Văn hóa Dân tộc. Bài ‘Bình Ngô Đại Cáo’ là một tác phẩm bất hủ.
*32 - Trong lịch sử, chỉ một mình Ngài có tước Trạng Trình. Vì vậy, không nên thêm danh hiệu nào khác.
*33 - Vì nhà Nguyễn Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Miêu có mối thù tranh chấp, nên trong thời gian qua, Đức Quang Trung đã chỉ được toàn dân kính nhớ qua việc mừng ngày chiến thắng Đống Đa.
Ta kính nhớ Ngài vào đúng ngày Ngài về thần.
Đọc bài 1407. Đã 13 lần Dân Việt đại thắng Giặc Phương Bắc xâm lăng, lần thứ 13.
*34 - Ba Đại Lễ, số 5, 11, và 20, đã không có ngày thống nhất, được định vào ngày Rằm của những tháng chưa có Tết Lễ.
Như thế, không những ngày cử hành các Đại Lễ được chia đều, ngày nghỉ lễ cũng chia đều trong năm... mà việc mừng Tết Lễ còn giúp nhắc nhớ, thúc đẩy và giáo hóa một cách đều đặn và liên tục.
Ngoài ra, việc tổ chức lễ hội còn thêm trọn vẹn nhờ có đêm trăng sáng... vừa mặt trời vừa mặt trăng.
*35 - Xuất xứ các Triều đại.
Các Vị khai sáng các Triều đại Việt đều xuất xứ từ mọi thành phần của đại chúng.
1. Đức Phù Đổng từ làng thôn.
2. Đức Đại Đế Đồng Đình Lĩnh Nam, nữ nhân.
3. Đức Nam Việt Đế gốc trí thức.
4. Đức Ngô Nam Đế gốc nhà tướng.
5. Đức Đinh Tiên Hoàng gốc chăn trâu.
6. Đức Lý Thái Tổ gốc nhà tu.
7. Đức Trần Thái Tôn gốc đánh cá.
8. Đức Thánh Nguyên (Hồ Quý Ly) gốc quan văn.
9. Đức Lê Thái Tổ gốc nông dân.
10. Đức Mạc Thái Tổ (Đăng Dung) gốc đánh cá.
11. Dòng Nhà Nguyễn gốc tiều phu.
12. Nhà Tây Sơn gốc nhà buôn.
Đây là bằng chứng hùng hồn của đặc điểm Văn hóa Việt. (Nên so sánh với lịch sử các nước khác).
*36 - Đọc bài 3205. Việc Cúng Tế.
Nguyễn Thanh Đức 2013.