Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Thư viện trại Chí Hòa


-LS Lê Công Định
Nhớ anh Hải Điếu Cày

Tôi đã theo vụ án “trốn thuế” của anh Hải Điếu Cày từ những ngày anh chưa bị bắt (tháng 5/2008), cho đến khi anh ra tòa (tháng 11/2008). Trong vụ án này tôi gặp nhiều trở ngại và áp lực từ nhiều phía. Đầu tiên, với tư cách luật sư, tôi bị gây khó khăn vô lý để không tham gia vào giai đoạn điều tra ban đầu mà luật pháp cho phép trong các vụ án phi chính trị.

Sau đó, trước ngày xét xử, một quan chức cao cấp của Tòa án TPHCM đã gọi điện thoại cho luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sài Gòn, yêu cầu Đoàn Luật sư cấm tôi biện hộ cho anh Hải. LS Trừng hỏi lại quan chức ấy rằng họ dựa trên cơ sở pháp lý nào để cấm luật sư Định biện hộ thì chỉ giúp ông. Quan chức đó đành ngậm ngùi trước sự bảo vệ tôi mạnh mẽ của LS Trừng. Nhân đây, tôi đang tự hỏi, nếu ai thay thế LS Trừng ở vị trí Chủ nhiệm Đoàn Luật sư trong tương lai, liệu người ấy có đủ dũng khí và lý lẽ nặng ngàn cân của một vị thủ lĩnh như vậy để chống lại sự can thiệp vô luật pháp kiểu đó?
Tại phiên tòa, khi tôi đòi điều tra và khởi tố Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an quận 3 lúc bấy giờ vì đã chỉ đạo sai luật vụ án này, vị đại diện Viện kiểm sát đã giận dữ hỏi tại sao tôi “dám” đòi hỏi với ngụ ý cố tình “lăng mạ” một vị lãnh đạo công an quận như thế, rồi quay sang vị thẩm phán chủ tọa yêu cầu tòa án làm việc với Đoàn Luật sư để kỷ luật và tước quyền hành nghề của tôi. Tôi từ tốn giải thích rằng đòi hỏi của tôi hoàn toàn hợp pháp và phải chăng vị đại diện Viện kiểm sát muốn đe dọa để ngăn cản luật sư giữa phiên tòa (!). Sau khi nghe tôi nói, vị thẩm phán chủ tọa nhìn vị đại diện Viện kiểm sát xua tay ra dấu dừng lại. LS Nguyễn Đăng Trừng về sau kể lại rằng vài ngày tiếp theo phiên tòa quả thật đã có chỉ đạo từ “đấng bề trên” về việc thi hành kỷ luật và tước quyền hành nghề của tôi, nhưng LS Trừng một lần nữa hỏi họ cơ sở pháp lý nào để làm việc ấy!
Phiên tòa hôm đó tuy mang tiếng là công khai, nhưng người đến dự phải trình giấy mời và bước qua máy soi kim loại như thường thấy ở các sân bay quốc tế, không ai được cầm theo điện thoại và máy ghi âm. Bước vào phòng xử, tôi ngạc nhiên vì thấy phòng đầy kín người ngồi, trong khi ngoài đường xe cộ qua lại bị hạn chế, điều không bao giờ có trong các vụ án phi chính trị đúng nghĩa. Người dự khán, mà tôi cố tin và giả định là những người dân thật sự muốn đến xem xét xử công khai, lại được tòa án phát bánh mì và nước uống vào buổi trưa, và nhận phong bì vào lúc kết thúc phiên tòa. Tôi lại cố tin và giả định rằng trong phong bì đó chỉ là một mẩu giấy ghi lời cám ơn công dân đã bỏ thời gian vàng bạc đến tham dự thôi, chứ không phải tiền bạc gì, như nhiều người hay nghĩ “xấu” mà thành “xuyên tạc”!
Từ vụ án của anh Hải Điếu Cày tôi bỗng ước ao mọi công dân có thịnh tình dự khán các phiên tòa ở nước ta, bất kể chính trị hay phi chính trị, sẽ được ra vào tự do và, quan trọng hơn, đều được phát cơm, nước và phong bì cám ơn!
Về sau, lúc ngồi trong tù, nhớ anh Hải Điếu Cày, tôi đã viết bài thơ sau đây tặng anh:
Tính cách quân nhân tâm ý thẳng,
Nạn nhân công lý tột đê hèn.
Trò hề trốn thuế vu oan vụng,
Kế xảo bám quyền nuốt nhục quen.
Nhà báo tự do thầm thắp lửa,
Tiếng dân đè nén giục thay nền.
Đa chiều ngôn luận xô màn sắt,
Ảo tưởng thiên đường bớt máu hoen!


-LS Lê Công Định
Vừa rồi một người bạn của tôi, đảng viên ĐCSVN, hỏi vì sao ngày xưa tôi dùng chi cả 7 điện thoại, đến nỗi khi bị bắt phía công an bày lên bàn chụp hình tất cả. Câu hỏi này tôi cũng thường nghe nhiều từ lúc ra tù. Nhân đây xin kể sự thật. Cho đến tháng 6/2009 tôi có hai số điện thoại, một cho giao dịch công việc và một cho quan hệ bạn bè, nên chỉ dùng 2 máy điện thoại mà thôi. Khi công an ập vào bắt tôi và khám xét văn phòng làm việc, họ lục tung các tủ đựng đồ đạc cá nhân của tôi và lôi ra mọi thứ, trong đó có 5 điện thoại đã hư mà tôi không còn sử dụng nữa.

Tôi giải thích đó là các điện thoại hư và không có sim bên trong, họ mở ra kiểm tra và cũng biết tình trạng như thế. Tuy nhiên, sau đó một người trong số họ bỗng dưng bày hết cả 7 điện thoại lên bàn và yêu cầu tôi ngồi yên phía sau. Tôi chưa kịp suy nghĩ mục đích của hành động đó, thì một người cầm máy ảnh từ ngoài cửa phòng bước vào chụp nhanh một tấm hình. Đến lúc ra tù tôi mới thấy bức ảnh này xuất hiện khắp nơi trên mạng như một bằng chứng rằng tôi đã có nhiều hoạt động bí mật, không đường đường chính chính, nên mới sử dụng cùng lúc nhiều điện thoại như vậy. Quả là khôi hài! Nghe tôi kể, người bạn đảng viên ĐCSVN lắc đầu, kết luận: “Nhà sản lắm chiêu trò quá! Tôi cũng thuộc nhà sản nhưng không nghĩ ra nổi mấy trò đó!”
Một chuyện khác, sau khi kết thúc điều tra vụ án của tôi, Cơ quan an ninh công bố bản kết luận điều tra, mà về sau Viện Kiểm sát dựa vào đó “xào nấu” thành bản cáo trạng, rồi Tòa án “nêm nếm” thành bản án, trong đó có một chi tiết rất lý thú. Đại ý, các bản văn này đều ra nêu sự kiện, rằng nhóm chúng tôi đã cố tình lập các hộp thư điện tử (emails) và đặt ra mật khẩu riêng (password) cho những emails đó “nhằm đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng”! Lúc một điều tra viên vào gặp và yêu cầu tôi đọc, nêu ý kiến, rồi ký nhận bản kết luận điều tra. Khi xem đến chi tiết nêu trên tôi đã bật cười ha hả.
Anh điều tra viên nhìn tôi, hỏi có chuyện gì thú vị à, tôi trả lời rằng dù tôi hoàn toàn không đồng ý với nội dung và nhận định của bản văn này, chắc chắn các anh sẽ vẫn giữ nguyên, không thay đổi, nên miễn cho tôi có ý kiến theo yêu cầu; tuy nhiên, đối với chi tiết về password riêng của các emails, các anh nên sửa lại, vì ai lập email mà chẳng phải đặt mật khẩu một cách tự động, bởi đây là vấn đề kỹ thuật bắt buộc, nếu đánh giá một sự việc đương nhiên theo hướng có âm mưu lén lút như vậy, thiên hạ ắt sẽ cười nhạo cả ngành an ninh. Anh điều tra viên gượng cười một cách khó chịu, nhưng vẫn không sửa, vì sau đó tôi có dịp đọc lại các bản kết luận điều tra, cáo trạng và bản án, thì thấy họ vẫn giữ nguyên chi tiết hài hước ấy.
Thêm một chuyện khác, có lần trong lúc thẩm vấn tôi, một điều tra viên đã lên giọng chê trách tôi phụ lòng của nhà nước cho tôi đi du học nước ngoài, khi thành tài trở về, đã không phục vụ nhà nước để đền ơn, mà còn quay lại “chống phá” (!?). Tôi trả lời, xin lỗi anh, tôi không nhận một xu của nhà nước Việt Nam để đi du học, nhưng lại được chính phủ Pháp và chính phủ Mỹ cấp học bổng sang học ở nước họ, nên nếu không mang ơn 2 chính phủ đó, sao tôi lại phải đền ơn nhà nước Việt Nam cho chuyện du học này (?). Anh ấy đáp tỉnh bơ, nếu nhà nước cấm không cho anh xuất cảnh thì làm sao anh đi du học được, riêng điều đó thôi cũng là cái ơn phải trả (!?). Tôi nhìn anh điều tra viên sững sờ và thầm nghĩ đó cũng là lý lẽ sao (?). Hóa ra công dân cần được ban phát quyền tự do đi lại, chứ không hẳn đã được Hiến pháp Việt Nam mặc nhiên thừa nhận quyền ấy. Thật là cao kiến!


-LS Lê Công Định
Bốn năm về trước, sau khi chuyển từ trại Xuân Lộc về trại Chí Hòa vào chiều ngày 10/8/2010, ngay sáng hôm sau tôi được phân công lao động tại thư viện của toàn trại đặt ở Khu G. Sách của thư viện nghèo nàn, đa phần là giáo trình về chủ nghĩa Marx-Lenin và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, in từ 20 năm trước đó. Về sau, nhờ gia đình của một vài tù nhân biếu tặng thêm sách mới, đặc biệt là tiểu thuyết, nên mọi người còn có cái để đọc cho qua ngày đoạn tháng.


Trước khi tôi về lao động tại trại Chí Hòa, thư viện còn mở cửa cho tù nhân mượn và đọc sách. Vì không muốn người tù khác tiếp xúc và trò chuyện với tôi, nên việc mượn sách bị giới hạn dần, đến nổi ai đến thư viện mà không có cán bộ đi kèm theo sẽ bị kỷ luật nặng. Sự hiện diện của tôi do đó chỉ giúp bộ mặt thư viện khang trang và sạch sẽ hơn, do tôi quý sách và biết sắp xếp ngăn nắp, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên.

Đỉnh điểm của sự cô lập hóa tôi là ngay trước của thư viện người ta gắn luôn tấm bảng cấm tù nhân ra vào tự do, thậm chí cách đó độ 10m một tấm bảng khác cấm tù nhân đi ngang sát cửa thư viện. Tôi thường nói đùa với các cán bộ quản giáo canh giữ tôi, rằng thư viện của Chí Hòa là độc nhất vô nhị trên toàn thế giới từ cổ chí kim, vì được lập ra không nhằm mục đích cho mượn sách, còn người đọc bị hạn chế lui tới như thể đó là chuồng nuôi thú dữ (!).

Việc tôi về Chí Hòa chỉ sau một tháng chuyển lên Xuân Lộc cùng các anh Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long có nguyên nhân sâu xa. Thoạt đầu người ta nói với tôi rằng Công an TPHCM xin tôi về lại Sài Gòn, thay vì ở Đồng Nai, là do họ thương xót tình cảnh mẹ tôi già cả, mang bệnh tật, phải đi đường xa thăm con trai hàng tháng. Tôi nghe thấy cũng cảm kích lắm, nhưng rồi tự hỏi sao hai bà mẹ của anh Thức và anh Long cao niên hơn và đau ốm nặng hơn mẹ tôi, mà hai anh vẫn bị giam ở Xuân Lộc xa xôi thế (?).

Về trại giam Chí Hòa khoảng vài tuần lễ tôi có ngay câu trả lời. Thật ra, không phải họ thương mẹ tôi già yếu đi xa thăm con, mà thương các điều tra viên phải đi đường dài thẩm vấn tôi hơn, nên tôi mới bị di lý về Sài Gòn nhanh chóng như thế. Lúc ấy, vụ án Câu lạc bộ Nhà báo tự do của anh Hải Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần và anh Phan Thanh Hải đang được Công an TPHCM điều tra, chờ xét xử, mà cả Nguyễn Tiến Trung và tôi đều bị tình nghi liên quan. Suốt gần một năm ở Chí Hòa tôi bị thẩm vấn liên tục về mọi khía cạnh của vụ án này như một bị can trong vụ mới, mà lắm lúc căng thẳng cao độ, tôi tưởng mình sẽ bị tuyên thêm một bản án nữa. Có lần mẹ tôi đến thăm theo định kỳ, tôi buộc lòng thổ lộ khả năng ở lâu hơn 5 năm tù như đã tuyên, để chuẩn bị tinh thần cho bà. Về phần mình, tôi bình thản chấp nhận mọi điều sẽ xảy ra.

Kỷ niệm giữa tôi và anh Hải Điếu Cày có nhiều, nhưng cảm động nhất có lẽ là lúc anh và tôi cùng bị giam ở Chí Hòa đầu năm 2013. Tin tức anh Điếu Cày về Chí Hòa được anh em bạn tù thông báo đầy đủ cho tôi. Khi tòa phúc thẩm xử vụ án của anh xong, tôi tìm cách chuyển lời thăm anh và chúc vững lòng tin. Đến lúc gần bị chuyển đi xa khỏi Sài Gòn, anh gửi lại lời thăm tôi và dặn dò giữ gìn sức khỏe cho ngày sau. Tin tức qua lại ngắn gọn, nhờ nhiều bạn tù truyền miệng nối tiếp nhau mới đến nơi, nên khi nhận được, lòng tôi thấy se thắt, mắt rưng rưng, song cảm giác vô cùng ấm áp giữa không gian ngột ngạt của nhà tù. Sau đó một thời gian không lâu, tôi được trả tự do. Giây phút bước chân khỏi cổng, rời trại giam để trở về nhà, tôi nghĩ ngay đến anh Hải Điếu Cày và thầm cầu chúc anh sẽ trở về một ngày không xa.

Tổng số lượt xem trang